Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

ANH ĐI ANH NHỚ QUÊ NHÀ

                                                                              
MỘC NHÂN
  

Ca dao là phần phong phú nhất trong văn học dân gian. Đây cũng là phần có giá trị nhất về mặt trí tuệ, tình cảm và nghệ thuật biểu hiện. Do đặc điểm nội dung và hình thức ngắn gọn, có vần, dễ nhớ nên nó luôn luôn được nhân dân vận dụng, truyền miệng qua nhiều thế hệ. Chính vì vậy nó luôn được trau chuốt mà vẫn giữ được cái hồn, cái tình mặc dù từ ngữ có thay đổi ở một vài dị bản.
Cũng có khi một bài ca dao được cảm hiểu ở các góc độ khác nhau, sự cảm hiểu ấy sẽ mang đến những giá trị thẩm mỹ cho tác phẩm dân gian.
Bài ca dao “Anh đi anh nhớ quê nhà” là một trong số nhiều trường hợp như vậy:
     “Anh đi anh nhớ quê nhà
     Nhớ canh ra muống nhớ cà dầm tương
     Nhớ ai dãi nắng dầu sương
     Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.”
Bài ca dao được lưu hành khá rộng rãi và tương đối thống nhất, chỉ có một vài dị bản nhỏ về từ ngữ không ảnh hưởng đến chủ đề tác phẩm. Chẳng hạn: câu một: “Anh đi anh nhớ quê nhà” có bản ghi là: “Ra đi anh nhớ quê nhà”; câu ba: “Nhớ ai dãi nắng dầu sương” có bản ghi là: “Nhớ ai dãi nắng dầm sương” ; câu bốn: “Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao” có bản ghi là: “Nhớ ai tát nước bên đường hôm mai”.
Cả bài chỉ vẻn vẹn có bốn câu, lời lẽ rất giản dị, dễ hiểu; chủ thể trữ tình trong bài là chàng trai, lời tâm tình của chàng tưởng chừng ai cũng hiểu như nhau, chẳng có chuyện gì phải phân tích, bàn cãi nữa. Thế nhưng thực tế đã có ít nhất hai cách hiểu khác nhau rõ rệt mà chúng đều có cơ sở, lí do để tồn tại

1. Cách hiểu thứ nhất nhấn mạnh vào nỗi “nhớ quê nhà” nên nhiều sách xếp bài ca dao vào chủ đề tình cảm quê hương đất nước.
Quê hương của Giang Nam có hoa, có bướm, “có những ngày trốn học bị đòn roi” … quê hương của Đỗ Trung Quân là “chùm khế ngọt”, là “con đò nhỏ”… Còn quê hương của chàng trai trong bài này là “canh rau muống”,“cà dầm tương” là những con người “dãi nắng dầu sương”, là ai đó “tát nước bên đường hôm nao”. Điều ấy cũng thật tự nhiên và hợp lí.
Nội dung cảm hiểu phổ biến ở đây là: lời tâm tình của chàng trai lúc đi xa, nỗi nhớ quê của chàng được biểu hiện một cách cụ thể: nhớ những món ăn bình dị của quê hương, nhớ người dân quê dãi nắng dầu sương, nhớ những kỉ niệm về người mình yêu.
Hình ảnh quê nhà làm cho nỗi nhớ trong anh càng da diết… Nỗi nhớ đầu tiên, nỗi nhớ bao trùm nhất trong anh đó là quê nhà.
 “Nhớ ai dãi nắng dầu sương…” diễn tả tâm hồn yêu lao động, hiểu lao động của người đi xa. Câu thơ như dồn dập trào dâng nhiều nỗi nhớ, nhất là hình ảnh cô thôn nữ có đôi tay mềm mại, dịu dàng với vẻ đẹp tự nhiên được tôn lên trong lao động:“Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao”.
Cách cảm hiểu ấy không sai tuy nhiên nó chưa thể hiện được chiều sâu của tác phẩm thơ dân gian.

2. Cách hiểu thứ hai nhấn mạnh vào nỗi “nhớ ai” ở hai câu cuối và coi chủ đề bài ca dao là nói về tình yêu đôi lứa.   
Nỗi nhớ quê nhà của chàng trai gắn liền với nỗi nhớ người yêu và cả hai nỗi nhớ đều chân thực, thiết tha. Đó là nội dung trực tiếp được thể hiện để qua đó chàng trai bày tỏ tình yêu đối với người bạn gái.
Với cách hiểu này thì đại từ “ai” trong hai câu cuối bài ca dao không phải chỉ người vợ mà là người bạn tình của chàng trai. Người ta không thể xưng anh với mọi người, càng không thể xưng “anh” với ông bà, cha mẹ… Vậy thì ở đây chàng trai chỉ có thể xưng hô như vậy với một trong ba đối tượng là: người em, người vợ hoặc người yêu.
Với em mà gọi bằng “ai” (ở câu cuối) là không hợp lí. Với vợ thì có thể được nhưng hơi hời hợt, khách sáo. Như vậy “ai” (ở câu thứ 4) không phải là đại từ phiếm chỉ mà nó hướng đến một đối tượng cụ thể là người tình của chàng trai.
Chàng trai trong bài ca dao đã chú ý đến cô gái nhưng chưa một lần thổ lộ, tình yêu của họ đang ở buổi ban đầu, đầy e ấp, khó nói. Giờ đây khi sắp sửa xa quê chàng trai mới mạnh dạn gặp cô gái để giãi bày tâm sự.Và dường như cô gái cũng thiết tha dò hỏi về điều đó, để xem khi đi xa chàng trai nhớ những gì và nhớ những ai. (Một số người phân tích cụm từ "anh đi"  tán rằng anh đi vì nghĩa lớn, nghe theo tiếng gọi quê hương đất nước ... là quá đà, không cần thiết,  có phần gượng ép, không phục vụ cho tìm hiểu chủ đề tác phẩm).
- Ở câu thứ nhất: “Anh đi anh nhớ quê nhà” nỗi nhớ của chàng trai còn chung chung, chưa cụ thể, nhưng cô gái cũng rất yên tâm và chứa chan hi vọng. Vì chàng trai xưng anh với cô gái rất ngọt ngào, thân mật. Chàng trai nói ra đi anh nhớ quê nhà và tất nhiên trong quê nhà có cả hình bóng cô gái.
- Đến câu thứ hai, chàng trai cụ thể nỗi nhớ quê bằng các chi tiết “Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”. Đó là những thức ăn quen thuộc ai mà chẳng thèm chẳng nhớ. Nhưng nếu chỉ nhớ có vậy thì cô gái đang hồi hộp lắng nghe lời tâm tình của chàng chắc sẽ thất vọng lắm.
- Sang câu thứ ba: “Nhớ ai dãi nắng dầu sương” cô gái không thể không liên tưởng đến mình, nhưng không thể hoàn toàn khẳng định chắc chắn là chàng trai nói nhớ mình. “Ai” trong trường hợp này có thể là một đại từ phiếm chỉ cũng có thể chỉ người con gái. Còn với chàng trai thì nói như vậy vừa kín vừa hở!
- Đến câu cuối, chắc chắn đã hiểu được thái độ và diễn biến tình cảm của cô gái nên chàng trai mới nói một cách tế nhị nhưng hết sức cụ thể và xác định: “Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao”“Ai” chính là em, “hôm nao” là cái hôm mà cả hai người đều không thể nào quên khi tát nước bên đường. Câu cuối thể hiện rõ thời gian và không gian gắn với kỉ niệm của hai người. Nói như vậy vừa có tính xác định và cụ thể cao.

Cách bộc bạch và thể hiện tình cảm hết sức tài tình, vừa kín đáo, tế nhị: từ xa đến gần, từ chung đến riêng, từ phiếm chỉ đến xác định; cách xưng hô (anh - ai) chứng tỏ chàng trai rất e dè, thận trọng. Suốt cả bài ca dao chàng trai ở đây đã né tránh không đụng chạm đến một từ “yêu”, “thương” nào cả.
Tất cả sự yêu thương đều dồn vào điệp ngữ “nhớ” được nhắc đi nhắc lại đến năm lần, mỗi lần một cung bậc, một nội dung khác nhau và càng về sau càng cụ thể, tha thiết; đồng thời điệp ngữ nghi vấn “Nhớ ai” vừa hỏi vừa tự trả lời, bộc bạch một nỗi nhớ sâu xa, kín đáo.
Người xưa đã đóng góp cho kho tàng văn học dân gian những áng thơ hay mà thật dung dị, chân thành, tha thiết biết bao. Những câu ca dao mang đậm tâm hồn dân tộc vẫn luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu. Biết thưởng thức những câu ca dao hay khiến ta thêm yêu giá trị văn hoá mà ông cha chúng ta đã chắt lọc từ cuộc sống để lại cho con cháu đời sau.

                                                                                     


Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

6/ TÔI - NGƯỜI LÁI ĐÒ


                                        
                                        Tôi-người lái đò
                                        Đưa em qua sông
                                        Mùa xuân cũng theo em
                                        Mùa hè ở lại
                                        Mênh mông giữa bến bờ
                                                                        nhẫn nại
                                                                                     đợi chờ mùa thu.
                                                         ***
                                        Nhặt lá vàng rơi
                                        Tôi thả dòng sông trắng
                                        Con sóng  đò đưa yên lặng
                                                                                   bâng khuâng...
                                                         ***
                                        Biết làm sao
                                        Em vẫn ra đi như mùa xuân
                                        Còn tôi với con đò đưa tiễn mãi
                                        Cuộc đời em trắng trong thơ dại
                                        Câu thơ tôi 
                                                             vọng mãi khoan đò.
                                                                               
                                                                                Nguyễn Thị Bích Trâm

5/ LẶNG THẦM

                                                             
                  


                                                        Là ta
                                                       Hương phấn không lời
                                                        Đêm đêm
                                                        Những con chữ cứ hồng hào
                                                        Không vội vàng
                                                        Không đong đếm
                                                         Không hôm qua …
                  
                                                         Như cung đàn ngân nga
                                                         Lặng thầm đan từng phím chữ
                                                         Vất vả, đợi chờ, gìn giữ
                                                         Nụ cười kết hoa.  
                                                                                                   Hoài Tâm            

4/ KHOẢNG TRỐNG


                  
                
                                   Khoảng trống của em gió chiếm rồi
                                    Tìm đâu thấy mái đầu xinh xắn
Góc bảng tuần này mình em vắng
Hỏi đứa em trai. Cậu bé cúi đầu...

Tôi đến tìm em trong một ngôi nhà
Hai mái tranh xiêu phên tre đổ nát
Ba mẹ đi rừng đàn em nheo nhóc
Hỏi chuyện học hành, mắt em rưng rưng...

Chị nghỉ học. Em ngồi vào chỗ trống
Cậu bé vô tư như chẳng biết gì
Các em đâu hiểu tuổi thơ là sóng
Nên biển lòng tôi day dứt thầm thì...

Khoảng trống trở về trong trái tim tôi
Gọi mãi tên em cồn cào tha thiết
Tôi sẽ hỏi ai khi mình chẳng biết
Sao tuổi thơ em
          sớm gánh cuộc đời?!
                                                                                   
                               Bích Trâm


Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

3/ ĐIỀU KHÓ NHẤT

  
Chuyện ứng xử có thật  

Bài đăng trên báo Giáo dục thời đại ngày số đặc biệt  ngày 17-11-2013
                          
                                
     Sáng thứ hai tuần trước tôi dạy lớp 9/1, em Huy lại vào lớp trễ 10 phút. Vẻ mặt lầm lì, em đi thẳng xuống chỗ ngồi, không xin phép. Tôi gọi:
       -  Duy, em chưa xin cô vào lớp và cô cũng chưa cho em vào.  
       - Cô không cho em vào thì em xin ra vậy – Duy nói một cách tỉnh bơ  rồi quay ra khỏi lớp. Tôi điện báo cho thầy tổng phụ trách về trường hợp của Huy rồi vẫn tiếp tục tiết dạy nhưng trong lòng không vui.
         Tôi nhớ lại câu chuyện cách đây 10 năm…
         Tân là một học sinh cá biệt của lớp tôi chủ nhiệm (lớp 9/3). Vào tháng cuối của năm học em thường hay bỏ giờ. Một hôm, Tân bỏ giờ môn toán rồi xin vào lớp giờ tôi (giờ văn). Tôi nghĩ mình cần phải nghiêm khắc hơn không thể bỏ qua dễ dàng việc bỏ học của Tân và gọi em lên bảo:
      - Ngày mai thứ bảy, em viết kiểm điểm đưa cho ba mẹ kí, nộp cho cô vào rồi mới được vào lớp.
         Thứ hai, tôi chờ bản kiểm điểm của Tân nhưng không thấy em đến lớp. Thứ ba, trường tổ chức kiểm tra học kì các môn phụ, Tân lại vắng. Tôi đến lớp sớm không thấy Tân, tôi liền điện về nhà gặp mẹ em nói chuyện. Mẹ Tân hứa sẽ khuyên răn em và nhắc em đi thi gấp.
         Trưa hôm đó, tôi về gần đến nhà thì thấy một đám đông người hàng xóm đứng trước cổng xì xào bàn tán. Tôi vào nhà, hai cánh cửa tôn lớn phía trước trở nên ọp ẹp, loang lổ những vết móp sâu. Lăn lóc trên hiên là những cục đá to bằng nắm tay. Mọi người kể lại, ba của Nhân tính tình nóng nảy, nghe chuyện Tân  bỏ học liền căng Tân ra đánh cho một trận rồi đuổi đi. Nhân chạy đến nhà tôi đứng trước cổng, tay ném đá vào nhà, miệng la lối om sòm:
        - Bà sao ác quá, tại bà mà tôi bị đòn.
         Ai cũng bảo: “Học trò kiểu này thì hết thuốc chữa. Đuổi học cho nó biết khôn.”
         Bữa cơm trưa, tôi nuốt không trôi và cảm thấy đau lòng.Thì ra Tân đã hiểu lầm là mình tìm cách o ép nó. Tôi luôn muốn điều tốt cho em mà? Sao Tân lại có thể nói năng và hành động thiếu suy nghĩ như vậy? Lòng tôi lo lắng, phân vân. Sự nghiêm khắc lúc này có cần thiết không? Rồi Nhân tiếp tục bỏ thi, không được xét tốt nghiệp. Ba mẹ Nhân thì lại ít quan tâm mà chỉ dạy bằng cú đấm…Nó lại sa vào chơi bời lêu lổng. Ở học kỳ một, mình đã phải vất vả lắm mới khuyên nhủ được nó... Có lẽ, phương thuốc tốt nhất cho lúc này là lòng yêu thương, bao dung ...      
         Chiều hôm đó và ngày sau tôi đến nhà Nhân nhưng em đã bỏ nhà đi từ sáng hôm xảy ra chuyện. Tôi dò hỏi và biết được Nhân đến nhà bà con ở.
         Sáng sớm, tôi tìm đến. Thấy tôi, Tân cúi gằm mặt bỏ chạy. Tôi thầm nghĩ: “Chắc có lẽ Tân đã biết lỗi nên không dám đối mặt với mình”. Tôi nói chuyện với dì của Tân về tính quan trọng của đợt thi, kể chuyện Tân và tâm sự:     
        - Tân là một học sinh có nhiều nét tính cách đáng mến: nhiệt tình, năng nổ trong công việc lớp, hay giúp đỡ bạn bè, biết nghe lời nói phải. Chỉ có điều hay nóng nảy, bốc đồng. Chị chuyển lời với Tân là cô chủ nhiệm tha thiết mong Nhân đến trường.
         Tôi không quên để lại những dòng thư bày tỏ sự quan tâm đến Tân và mong em cố gắng học bài ôn thi. 
  Tối hôm đó,Tân đến nhà tôi nộp bản kiểm điểm. Tôi đọc kĩ thấy Tân chỉ kể lỗi về việc bỏ giờ và không nhắc đến chuyện ném đá. Mặc dầu vậy, lòng tôi vẫn thấy vui vì Tân đã phần nào biết lỗi. Tôi đến trường báo với ban giám hiệu và xin phép cho Tân được thi lại những môn chưa thi. Rồi Tân đỗ tốt nghiệp và ôn thi lớp 10 đậu trường công lập. Sau đó, tôi được biết em hoàn toàn khác trước - một cậu Tân đàng hoàng, chững chạc, lễ phép… Tôi kể lại tường tận câu chuyện cho thầy hiệu trưởng nghe (lúc bấy giờ là Thầy Phạm Quang Thanh), thầy bảo:
- Cô đã cứu vớt được một linh hồn.
 Kể từ đó, tết năm nào em cũng đến thăm tôi. Hiện giờ, em là nhân viên của một công ti quảng cáo ở thành phố.
Hình như trong em còn áy náy vì nợ tôi một lời xin lỗi. Tôi cảm nhận được điều đó nên tìm cách khơi chuyện để em hiểu rằng tôi đã bỏ qua cho em từ lâu lắm rồi.
         Còn chuyện về Huy. Tôi đã cố gắng tìm hiểu hoàn cảnh gia đình rất đỗi đặc biệt của em và trò chuyện với Huy  và bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ. Huy đã biết lỗi và em đã tiến bộ hơn. Cứ mỗi lần như thế, tôi lại nhớ đến câu nói của một thầy giáo mà tôi luôn quí trọng. Trò chuyện về nghề, thầy hỏi:
      - Trong nghề dạy học, điều gì khó nhất?
         Học viên chúng tôi tranh nhau trả lời. Nào là kinh tế nhà giáo còn khó khăn; nào là soạn giáo án vi tính, điện tử vất vả; nào là công tác phổ cập vận động ra lớp nhọc nhằn; học trò học yếu, ham chơi game…
         Thầy lắc đầu:
      - Khó nhất là thương những học trò lười, nghịch, vô lễ.
         Càng nghĩ càng thấm thía lời thầy. Đã hai mươi hai năm trong nghề, buồn vui lẫn lộn. Bao thế hệ học trò đi qua. Những học sinh giỏi ngoan, điều hiển nhiên là tôi rất quí. Còn những học trò mà có người gọi là gần giống “quỉ ma” tôi vẫn không quên bằng tất cả tấm lòng yêu thương. Thì ra cái điều khó nhất của nghề tôi đã và đang vượt qua. Tôi mong sao trong quãng đường  còn lại của nghề tôi luôn có  sức khỏe  dồi dào, trí tuệ sáng suốt để dạy tốt và  yêu những học trò chây lười, nghịch ngợm…, yêu cái nghề mà tôi đã đặt hết tâm huyết của đời mình vào đấy. Tôi cũng thầm cảm ơn các em - những học trò cá biệt. Các em đã cho tôi hiểu cái cam go, thử thách của nghề và giá trị của tấm lòng người  làm nghề dạy học.
                                                                                                    
                                                                                       Nguyễn Thị Bích Trâm


2/ LỜI RU XA


                                   
                    
                                  
                                     Ở cuối con đường
                                     một cánh phượng hồng
                                     và  chiếc lá mùa thu cũ.   
                                                           ****                          
                                                      Đất trời mênh mang quá  
                                                      con đường xưa muôn nẻo
                                                      lời ru chẳng là của nhau...
                                                              ****  
                                     Em  bây giờ  không còn là em nữa                               
                                     tiếng ve thảng thốt bóng  chiều
                                     lời ru như một giấc mơ 
                                     phượng hồng rồi sẽ rơi rơi
                                     mùa thu càng thêm cũ...
                                                                ****  
                                                      Đôi ngã tìm đâu
                                                      lối về ...   
                                                                         
                                                                            Thanh Tú  




                         
                          

1/ TẢN MẠN THÁNG BẢY



Tháng bảy miền Trung nắng cháy
Những cơn gió trưa thổi rát mặt , khô khốc dòng mồ hôi trên trán mẹ.
Những cơn giông chiều tức tưởi , rấm rắc mấy giọt bên đường.
Em từ đồng bãi vội về mang theo hơi đất trong hơi áo, hơi thở chạy mưa.
Tháng bảy miền Nam trời chuyển
Nhớ câu thơ của Nguyên Sa : “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát”, mà thấy trời chợt nắng chợt mưa.
Buổi trưa thầm thĩ những cơn gió rồi vật vã mây mưa để Trịnh Công Sơn thấy “con đường nhỏ hóa dòng sông”.
Em ra phố về e ấp mưa trong áo lụa ; tôi thấy mình xuân giữa hạ dù vui buồn chợt đến chợt đi.
***
Thế đấy, hai tiết trời trên một đất nước có chiều dài, lắm chỗ cong, lại có nơi hẹp đến ngạc nhiên !
Cái chiều dài ấy như gợi ra sự vật vã trong cuộc sinh tồn mở nước và giữ nước.
Những nét cong gợi nhớ hình dáng cô gái ỏng ẻo, nhỏng nhảnh, duyên dáng.
Chỗ hẹp khắc khổ, mưu sinh tội nghiệp.
Một đất nước đẹp, biết giữ mình giữa cuộc thăng trầm thế mà những đứa con sinh ra cũng đâu thoát khỏi sự lai tạp bề bộn.
Ngẫm ra Nguyễn Huy Thiệp cũng có lí khi ông nói đại ý rằng: đất nước này như cô gái bị hiếp, mà thật trớ trêu là cô gái ấy lại tìm thấy khoái lạc trong những lần cưỡng hiếp ! (Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp)
***
Em có phải là cô gái đó không ? 
Hoặc ít ra em cũng mang trong mình cái diện mục, bản lai ấy dù em có muốn hay không.
Nắng đấy rồi mưa đấy : đất trời bình yên và có cả những ngày bão bùng giông tố .
Em kiêu kì, duyên dáng, đài các đấy nhưng cũng chanh chua, điêu ngoa không mấy khi.
Nhưng tôi không trách em, không giận em .
Cuộc sống vốn dĩ muôn màu : có chói chang ánh sáng và có cả chập choạng bóng đêm.
Con người cư xử với nhau muôn mặt : hôm qua hãy còn là tình nhân của nhau nhưng hôm nay có thể là kẻ thù. 
Lời em nói hôm qua là những lời có cánh, bây giờ có thể thay bằng những lời thóa mạ suồng sã.
Tình yêu cũng muôn vẻ : là máu thịt có cả mầm mống ung thư; là hơi thở hổn hển dồn dập của cuộc hoan lạc có cả sự phều phào trong cơn hấp hối.
Đấy là câu chuyện muôn kiếp, muôn đời - và mãi mãi là thế. 
Chợt nhớ câu thơ của Exênhin (Nga): 
“Bạn bè giấu những mũi tên trong dạ
Và tình yêu là ảo mộng buông xuôi”
***
Và cũng chẳng có gì là tốt hay quá xấu. 
Nó vốn dĩ thế.
Đôi khi chúng ta lại đi tìm cái đẹp cho mình trong niềm tin của kẻ cầu toàn và chúng ta lại thất vọng.
Sự thất vọng ấy có khi đưa đến một nỗi buồn nhân thế nhưng cũng mang lại cho chúng ta một sự thấu hiểu.
Nó giúp ta bình tâm tự tại đón nhận niềm vui và cả chấp nhận nỗi đau.
Xung đột, buồn đau, thất vọng là một cực của đời sống ,
Dung hòa, hạnh phúc, hy vọng là đối cực hoàn chỉnh diện mạo đời sống.
Như thế chúng ta mới học được phép ứng xử từ mình và từ người : Không sợ sóng gió, chỉ sợ ta không học hỏi gì ở sóng gió và nó nhấn chìm chúng ta. 
Đấy là cách ứng xử của con người luôn đối mặt, chấp nhận, trưởng thành và tỉnh táo.
Bởi đời sống này rốt lại chỉ còn với nhau “một tấm lòng … để gió cuốn đi”.
***
Đêm tháng bảy miền Trung tôi trằn trọc trong hầm hập trần gian, mơ thấy em mỏng tang áo lụa.
Đêm tháng bảy Cao nguyên anh nhẩn nha trong giăng mắc sương đêm phố núi, nhớ người em từ đồng bãi quê nhà tất tả chạy mưa.
Đêm tháng bảy Sài Gòn em se sắt trong lạnh lùng cơn mưa chiều đến muộn, thương giọt mồ hôi khô khốc trên trán mẹ.
***
Chúng ta đang mơ những giấc mơ của mình.
Chúng ta cứ sống đời sống của mình.
Chúng ta cứ mãi chì chiết nhau.
Nhưng chúng ta chưa bao giờ biết xin lỗi để tâm hồn trở nên chân thật hơn :
“Xin lỗi những điều tôi giữ lại / Cả niềm vui lẫn bao nỗi sầu / Vì tháng ngày chúng ta gặp gỡ / Chia sẻ đói nghèo rét lạnh lo toan ” ( thơ Huỳnh Minh Tâm).



Lê Đức Thịnh