Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

313/ NHÀ THƠ NÓI VỀ THƠ

Thơ là sự thần thánh hóa thực tại” (Edith Sitwell), “Thơ là những gì đáng ghi nhớ trong cuộc sống” (William Hazlitt), “Thơ là ngôn ngữ chưng cất mạnh mẽ nhất của bản thân tác giả” (Rita Dove).

Ngoài những định nghĩa trên đây, nhiều cây bút thơ nổi tiếng khác cũng bày tỏ cách nhìn ấn tượng về thơ.


 Một trong những nhà thơ lớn nhất của thế kỷ XIX, người được gọi là “Shelley điên rồ” có một cuộc đời ngắn ngủi nhưng hết sức lãng mạn. Trong số 1821 bài viết của Shelley, nhiều lần, nhà thơ xuất thân quý tộc đã đề cập tới cái nhìn đối với thơ ca. Trong đó, nổi bật nhất là nhữngnhận định sau:


“Thơ thực sự là một điều gì đó rất thiêng liêng. Nó vừa là trung tâm, đồng thời là chu vi của tri thức, là bao gồm các khoa học, nguồn gốc và thành quả của các hệ thống tư tưởng. Đó là sự hồi sinh của mùa xuân…”


“Thơ ghi lại những khoảnh khắc đỉnh cao và hạnh phúc nhất của tâm hồn”.


“Thơ ca, trong ý thức chung có thể định nghĩa là biểu hiện của trí tưởng tượng, và thơ ca cũng là khả năng thiên bẩm khi con người sinh ra”.


“Thơ ca là một tấm gương có thể khiến cái đẹp cũng có thể bị biến dạng”.


Cùng với Walt Whitman, Emily Dickinson là cây bút thơ đặc sắc nhất của Mỹ thế kỉ XIX.  Bà đã để lại cho hậu thế tới 2000 bài thơ với nhiều bài có ý tưởng hết sức độc đáo. Trong quan điểm về thơ ca, bà cũng có cách nhìn rất ấn tượng: “Nếu một cuốn sách làm cho tôi cảm thấy giá lạnh mà không một ngọn lửa nào có thể sưởi ấm, tôi biết đó là thơ. Nếu tôi cảm thấy mình đang cất cánh, tôi cũng biết đó là thơ. Đó là cách duy nhất để tôi biết những điều này, liệu còn cách nào khác nữa không?”



Robert Frost là một nhà thơ Mỹ từng bốn lần đoạt giải Pulitzer, cũng là cây bút thơ từng vinh dự được Tổng thống John F. Kennedy mời đọc thơ  trong ngày nhậm chức của ông. Được các nhà phê bình hiện đại nhận định là một nhà thơ dễ hiểu mà vẫn khó hiểu, giản dị mà phức tạp, cách Robert Frost nghĩ về thể loại văn học ông theo đuổi cũng có phần kỳ bí: “Thơ ra đời khi cảm xúc đã tìm thấy suy nghĩ của mình và suy nghĩ thì đã tìm ra lời để diễn đạt chúng”; “Thơ ca là những gì đã thất lạc trong quá trình chuyển đổi”.


Salvatore Quasimodo nhấn mạnh sự đồng cảm giữa người làm thơ và độc giả


Nhà thơ người Italia, Salvatore Quasimodo nổi tiếng nhờ những vần thơ trữ tình với ngôn ngữ tinh lọc và đẹp đẽ một cách chuẩn mực. Ông nói: “Thơ là sự mặc khải rằng người làm thơ tin rằng cảm xúc của họ chính là tiếng lòng của độc giả”. 


Edgar Allan Poe được gọi là “nhà thơ điên” cũng là một cây bút kỳ tài trong thể loại văn chương trinh thám và hình sự. Ông là tác giả của những phát ngôn nổi tiếng như: “Nỗi buồn là giọng điệu phù hợp nhất của thơ ca” ; “Tôi định nghĩa rất ngắn về thơ ca, ngôn ngữ thơ là nhịp điệu thẫm mỹ. Trọng tài duy nhất của chúng là khẩu vị. Trí khôn và nhận thức chỉ khiến nó trở thành một tài sản. Trừ yếu tố tình cờ, thơ không quan tâm tới bất cứ điều gì, dù là nghĩa vụ hay chân lý”.

Với Mary Oliver, thơ là một cách sống


Từng là thư ký cho nhà thơ Edna St. Vincent Millay, Mary Oliver đã vươn lên trở thành một cây bút thơ ăn khách, nhất là về đề tài thiên nhiên, giành được giải thưởng sách quốc gia và giải thưởng Pulitzer. Với công việc của mình, Mary Oliver vô cùng nghiêm túc và rõ ràng. “Thơ không phải là một nghề, đó là một cách sống. Nó là một chiếc giỏ không, bạn đặt cuộc sống của mình vào đó và khiến một cái gì đó ra đời từ đó”. 


Với T.S. Eliot, chỉ những người có cá tính và cảm xúc mạnh mẽ mới có thể làm thơ

T.S. Eliot, chủ nhân giải Nobel 1948 cũng là nhà thơ vĩ đại của nước Anh thế kỷ 20. Sinh thời, ông từng nói: “Thơ không phải là một vòng quay chậm rãi của cảm xúc mà là một lối thoát của cảm xúc, không phải là sự biểu hiện của tính cách, nhưng một lối thoát cho cá tính. Nhưng, tất nhiên là chỉ những người có cá tính và cảm xúc biết ý nghĩa của việc muốn thoát khỏi những điều này.”


William Wordsworth

312/CẢM NHẬN VỀ SỰ KỲ DIỆU CỦA ÂM NHẠC TRONG CUỘC SỐNG



                                                              GV. Nguyễn Thị Thu Hằng
                                                              Khoa Tại chức & ĐTLK

Nếu nói rằng ngôn ngữ tách rời loài người ra khỏi những động vật khác thì âm nhạc chính là cái nôi của ngôn ngữ và mãi mãi là một thứ ngôn ngữ chung của toàn nhân loại. Các nhà nghiên cứu cho thấy đứa trẻ ngay từ trong bào thai  được nghe âm nhạc thì  tần số sẽ rộng hơn của giọng nói vì nên sự tiếp xúc âm thanh gần hơn, cường độ, âm sắc của ca từ và giai điệu giúp thai nhi kích thích não bộ, cảm xúc trí tuệ được phát triển ngay trong bụng mẹ nếu được nghe nhạc đúng cách. Có câu nói: “Hãy mang lại cho bé niềm yêu thương ngọt ngào từ những giai điệu bất hủ biết đâu bạn sẽ có một thiên tài trong tương lai” âm nhạc đã làm cho trí não đứa trẻ phát triển thông minh hơn khi nghe những bản giao hưởng, sonate của nhạc sỹ thiên tài Betthoven, hay trẻ sẽ tăng cân nặng hơn khi nghe nhạc của nhạc sỹ thần đồng Mozat,và êm ái trong  những tổ khúc của Sube, những Romance,noctuyec của Traikopxki…

311/ VAI TRÒ CỦA ÂM NHẠC TRONG CUỘC SỐNG

Âm nhạc là một bộ phận không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Âm nhạc có thể chia sẻ với chúng ta rất nhiều điều: Giải quyết những khó khăn trong cuộc sống, vơi đi những hờn giận vu vơ, đưa người về dĩ vãng, tìm lại tuổi thơ yêu dấu, nghe lòng bồi hồi, xao xuyến với tình yêu quê mẹ, với nắng ấm quê cha, sống dậy lòng tự hào dân tộc, khát vọng tìm về chân lý… Ngay từ thời thượng cổ, âm nhạc đã được ra đời cùng với đời sống sinh hoạt và lao động sản xuất của các cộng đồng người nguyên thuỷ. Kể từ đấy, âm nhạc đã không ngừng được phát triển và hoàn thiện cùng năm tháng. Quả thật, âm nhạc có sức ảnh hưởng lớn đến con người, đến sự hình thành và phát triển nhân cách nơi mỗi người.

Như các loại hình nghệ thuật khác, nội dung âm nhạc cũng phản ánh hiện thực của cuộc sống. Bằng nét đặc thù riêng của mình, âm nhạc đã phản ánh hiện thực cuộc sống một cách ước lệ và trừu tượng. Âm nhạc mô tả các sự vật, hiện tượng trong cuộc sống. Âm nhạc còn có thể thể hiện quan điểm sống, chuyển tải tư tưởng. Còn một phần rất quan trọng trong nội dung của âm nhạc là sự đánh giá thực tại trên quan điểm của Mỹ học, có nghĩa là đánh giá các sự vật, hiện tượng nhưng không phụ thuộc vào cách nhìn nhận thực tiễn, thực dụng về đối tượng ấy. Vĩ dụ khi ngắm nhìn cảnh mặt trời mọc, chúng ta thích ngắm nhìn nó vì nó đẹp chứ hoàn toàn không có ý nghĩ là mặt trời sẽ cung cấp năng lượng cho chúng ta, mặt trời sẽ sưởi ấm cho ta,… Có thể nói rằng, cách đánh giá trên quan điểm Mỹ học là một cách đánh giá “vô tư”.


Đấy là những nội dung mà âm nhạc có thể chuyển tải. Và nội dung của âm nhạc có tính bất định. Tùy theo khả năng và đặc điểm tâm lý, quan điểm, sở thích, kinh nghiệm sống, trình độ văn hóa… của mỗi người mà ở họ có sự cảm nhận khác nhau về nội dung của cùng một bản nhạc.

Với sự phối hợp nhuần nhuyễn, hài hoà giữa ca từ, nhịp điệu, tiết tấu bản nhạc, âm nhạc đã tác động lớn đến người nghe. Dù rằng sự cảm thụ âm nhạc ở mỗi người là khác nhau và có thể rất đa dạng. Nhưng chúng vẫn nằm trong một ranh giới nhất định và vẫn có những điểm chung nhất định. Điểm chung ấy dựa vào sức tác động của âm nhạc đối với con người.

Trước hết, âm nhạc tác động lên phương diện sinh lý của con người. Sự tác động này hầu như ai cũng nhận thấy được. Bằng công trình nghiên cứu của mình, hai nhà sinh học người Nga, I.M.Đô ghen và I.R.Tackhanốp đã chứng minh rằng, Âm nhạc có ảnh hưởng đến hệ hô hấp, hệ tuần hoàn và đến những khía cạnh khác trong cơ thể người. Âm nhạc có thể khiến cho người nghe cảm thấy dễ chịu, cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái. Và âm nhạc cũng có thể làm cho người nghe cảm thấy mệt mõi, rã rời hay căng thẳng, khó chịu. Chính vì thế mà âm nhạc có ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất lao động. Ngày trước, nhờ những câu hò ý vị, vui tươi trong khi gặt hái, trong khi giả gạo, trong khi cấy cày, tát nước,… người lao động đã quên đi sự mệt nhọc, vất vả và hăng say hơn trong công việc. Ngày nay, trong các nhà máy, xí nghiệp, nếu biết sử dụng âm nhạc một cách khoa học thì năng suất lao động sẽ được nâng cao.

Không chỉ có thế, âm nhạc còn tác động đến cảm xúc và tư tưởng của con người. Âm nhạc, nếu được cảm thụ một cách sâu sắc và thông minh thì sẽ tác động đến thế giới quan, đến toàn bộ ý thức của con người. Tác động trực tiếp, mạnh mẽ nhất của âm nhạc đối với con người là trong lĩnh vực tình cảm và tâm trạng của con người. Không một loại hình nghệ thuật nào khác ngoài âm nhạc lại có thể tác động với một uy lực như thế vào thế giới cảm xúc của con người.

Sở dĩ âm nhạc có được sức ảnh hưởng lớn bởi vì âm nhạc là một loại hình nghệ thuật có tính biểu hiện. Ngôn ngữ của nó giống với ngữ điệu của tiếng nói và giống với cử chỉ, nghĩa là giống với phương tiện biểu hiện của cảm xúc. Chính sự khái quát hoá và tăng lên gấp nhiều lần những khả năng biểu hiện của ngữ điệu và tiết tấu, âm nhạc đã có được một sức mạnh tác động vào cảm xúc thật lớn lao. Hơn nữa, trong tác phẩm âm nhạc còn miêu tả những điều mà chúng ta thích thú và quan tâm trong thực tiễn. Âm nhạc có sự tái hiện những âm thanh đầy sức hấp dẫn của thiên nhiên, thể hiện những cảm xúc dễ chịu và đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của chúng ta.

Có một vai trò của âm nhạc mà không ai có thể phủ nhận được, đó là sự tham gia và hỗ trợ trong các dịp lễ hội và giải trí cộng đồng, trong sự chuyển động của tập thể (diễu hành), dùng làm phương tiện để nghỉ ngơi, giải trí.

Chính vì âm nhạc tác động lên mặt xúc cảm và tư tưởng nên âm nhạc đóng vai trò không kém phần quan trọng trong việc giáo dục con người, nhất là thế hệ trẻ. Có thể thông qua âm nhạc để giáo dục tư tưởng, đạo đức cho người nghe. Những nhân vật tích cực, những tấm gương đạo đức cao cả và cả hình tượng những con người bị dày vò bởi sự đấu tranh nội tâm khổ sở, những con người sống dằn vặt và không thoả mãn được đề cập đến trong bản nhạc đã ảnh hưởng đến tình cảm đạo đức của người nghe, nâng người nghe lên một tầm cao bao la về đạo đức. Những tác phẩm âm nhạc diễn tả những tư tưởng, tình cảm đạo đức cao đẹp như tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, tình bạn, tình yêu, tình huynh đệ, tình phụ tử, tình mẫu tử,… luôn đóng một vai trò giáo dục đặc biệt có ý nghĩa. Âm nhạc đã đánh thức lương tâm, thức tỉnh một sự bồn chồn cao quí, một nỗi niềm lo lắng thiêng liêng: Mình đã làm được điều tốt đó chưa? Mình đã sống tốt chưa? Mình có xứng với cái đẹp ấy không? Liệu mình còn đủ sức để hoàn thiện bản thân hơn nữa không?… Những điều ấy tạo nên nội lực thúc đẩy người nghe vươn tới sự toàn thiện, toàn mỹ.
Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực, có những loại âm nhạc có thể tác động tiêu cực đến con người. Những ca khúc trữ tình chứa đựng những tình cảm không lành mạnh, sướt mướt hay suồng sã, nó có thể tác hại lớn đến đạo đức con người. Nó là kẻ đưa đường nhẹ nhàng nhất cho sự băng hoại đạo đức, suy sụp về tinh thần. Có những bản chạc mà khi nghe nó thì người nghe cảm thấy buồn rã rượi, chán nãn, yếu đuối, nhu nhược,… Và cũng có những bản nhạc làm cho người nghe phấn khích quá độ, trở nên cuồng nhiệt, không làm chủ được hành vi của mình, dẫn đến những hành động sai trái.

Vì âm nhạc có sức ảnh hưởng lớn như thế cho nên các bậc phụ huynh, những người làm công tác giáo dục cần phải lưu tâm nhiều hơn nữa về vấn đề này. Trong nhà trường, trong các sinh hoạt tập thể nên lựa chọn những loại âm nhạc có nội dung lành mạnh, phù hợp với lứa tuổi của các em để dạy cho các em, để cho các em nghe. Trong gia đình, các bậc phụ huynh nên khuyên nhũ và định hướng cho con em mình lựa chon âm nhạc để nghe, hướng dẫn cho các em biết cách cảm thụ âm nhạc. Cần tìm hiểu sở thích âm nhạc của các em trong giáo dục. Qua sở thích về âm nhạc của các em, chúng ta có thể biết được phần nào tính khí và phẩm chất đạo đức của các em.

Như vậy, âm nhạc có nhiều vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Nhưng các vai trò ấy chúng gắn bó chặt chẽ với nhau, nhiều khi chúng hoà quyện vào nhau, khó có thể phân định rạch ròi.

Cuộc sống mà không có âm nhạc thì cuộc sống sẽ trở nên rất tẻ nhạt và trầm lắng. Bàn về vai trò của âm nhạc đối với cuộc sống xã hội thì phong phú và sâu sắc vô cùng. Trong bài viết nhỏ này chưa thể diễn tả hết được cái hay, cái quý của nó. Để kết thúc bài viết của mình, người viết xin dẫn ra đây lời nói của Sô-xta-cô-vits: “Âm nhạc nâng con người lên, làm con người cao quí hơn, củng cố phẩm chất, củng cố niềm tin vào sức mạnh bên trong của bản thân, vào sứ mệnh lớn lao của mình”.



Minh Nguyên

310/ Ý nghĩa tục Lì Xì ngày Tết

Quanh chuyện "lì xì" ngày Tết bằng tiền và bằng... chữ! Nghe hai tiếng "lì xì" người ta liền tưởng tới bao giấy màu đỏ, nho nhỏ bằng phần tư trang giấy học trò, bên trong có xếp mấy tờ tiền mới. Vậy hai tiếng "lì xì" ở đâu ra? Nguồn gốc của nó thế nào? Chúng tôi lân la "tầm nguyên" qua các nhà nghiên cứu, hỏi trực tiếp bằng miệng có, giở sách vở các vị có, thấy giải thích hai chữ "lì xì" tựu trung là "tiền mừng tuổi".
Cuốn từ điển thời nay do Viện Ngôn ngữ học, Trung tâm Từ điển học chẳng hạn, mục từ lì xì giải thích: "Lì xì là mừng tuổi (bằng tiền). Tiền lì xì cho các cháu ngày mùng một Tết". "Lì xì" bằng tiền không chỉ giới hạn trong mùng một Tết, mà "liền tù tì" suốt ba ngày đầu năm, thậm chí kéo dài tận những ngày "mùng" cuối cùng của Tết như mùng 9, mùng 10. Theo một số vị mà chúng tôi hỏi chuyện, như cụ Nguyễn Quảng Tuân, Huỳnh Ngọc Trảng, Phạm Đan Quế, thì tục mừng tuổi vẫn cứ nên giữ. Nhà nghiên cứu Thông Hội bảo: "Đó là một phần đậm đà của phong vị Tết Việt Nam, đặc biệt đối với trẻ con, khiến trẻ nhớ tới Tết như một thời điểm mở đầu năm mới, đẹp như cổ tích". Với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, tác giả Dư âm, cứ nên lì xì "miễn là đừng lì xì tiền đô cho trẻ, không đúng chỗ, mà tập hư cho chúng ăn xài". Vũ sư Hoài Nhơn (Trần Trinh Nhơn), con trai lớn của công tử Bạc Liêu (Trần Trinh Huy), thì kể rằng: "Ba tôi mất ngày 21 tháng chạp năm Quý Sửu 1973 ở Sài Gòn. Đầu năm đó, ăn cái Tết cuối cùng, ông còn lì xì tôi mặc dầu tôi đã 27 tuổi. Tôi vẫn không quên cái phong bì màu đỏ ấm áp, biểu lộ tình cảm của một người cha lúc nào cũng nhìn xuống con mình như thời còn nhỏ tại Bạc Liêu". Nhà nghiên cứu Cao Sơn giải thích: - Lì xì tiếng chữ là lợi thị, đọc theo âm Quảng Đông, Triều Châu thành "Lê - i - xị", chỉ số tiền được cho, tặng trong các dịp đầu năm, khai trương và cả trong lễ thành hôn nữa, chứ không bó hẹp trong dịp Tết Nguyên đán.

Lì xì nhằm cầu chúc người nhận gặp may mắn, phát đạt. Thường người Tàu bỏ tiền vào bao giấy màu đỏ. Người Việt Nam ta cũng làm tương tự, phổ biến ở miền Nam ngày Tết. Ở miền Trung thì ông bà cha mẹ, người tôn trưởng cho con cháu tiền mới vào dịp Tết gọi là "tiền mừng tuổi". Không chỉ người lớn mừng tuổi con cháu, mà hồi xưa, con cháu phải mừng tuổi ông bà trước. Qua giao thừa, tới sáng sớm mùng một, con cháu bảo nhau tới nhà thờ để chúc Tết và lạy mừng ông bà, cha mẹ. Không chỉ lạy suông, cũng không thể muốn lạy mấy lạy thì lạy, mà theo nhà văn Toan Ánh, chỉ lạy... hai lạy rưỡi. Lạy xong con cháu phải biết "thơm thảo" với đấng sinh thành bằng cách cung kính dâng lên những thứ bánh trái tươi ngon và một phong giấy hồng: Bên trong phong giấy thẳng thớm này có đặt một món tiền, để lên khay tươm tất và hoan hỷ, xin các cụ nhận cho, đó là "tiền mở hàng". Tiền này không nhằm để cất cho nặng hầu bao, mà ngụ ý cầu chúc các cụ quanh năm sung mãn, may mắn. Tục mừng tuổi nay còn đó. Ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì, cậu mợ lì xì lớp cháu, con. Bằng hữu thân quyến tới nhà ai chúc Tết lì xì trẻ con của nhà đó. Hoặc chủ nhà đón khách tới chúc Tết lì xì trẻ em đi theo khách. Ý nghĩa chính không nằm ở "tiền" mà ở "tình", tức ở lòng mong ước cầu chúc các cháu hay ăn chóng lớn, vui chơi, học hành tấn tới, còn phong bì nặng nhẹ nhiều ít (tiền) không phải là điều đáng để tâm lắm. Thậm chí không có một cắc bạc mà chỉ có... chữ. Chữ viết rõ to, đậm nét để "làm quà" mừng tuổi như chuyện dưới đây.
Xưa, có một nhà nọ, nghèo quá, sinh ba đứa con trai. Tết đến người cha không có tiền để lì xì. Chiều ba mươi, ông nghĩ ra một cách, lấy giấy đỏ làm 3 cái phong bì, bề ngoài trông thẳng thớm tươi tắn đỏ thắm như các phong lì xì khác. Nhưng bên trong không bỏ tiền, mà thay bằng 3 miếng giấy được ông viết 3 chữ nắn nót: Phước - Lộc - Thọ. Qua sáng mùng một, người cha gọi 3 đứa con trai đến trước bàn thờ, xoa đầu chúng, tươi cười mừng tuổi chúng bằng 3 cái phong bì nhẹ hẫng, sau khi đã giải thích Phước là gì, Lộc là gì, Thọ là gì... Qua Tết, bước vào năm mới, chẳng ngờ nhà ông phát tài, tiền vô như triều cường. Thoắt cái, lại tới ba mươi tháng chạp. Ý chừng nhớ lại Tết xưa nghèo thiếu, đạm bạc, ông định bụng sẽ tái diễn cách "lì xì" bằng chữ để ba đứa "Phước Lộc Thọ" đừng bao giờ quên rằng, chúng đã được ăn no mặc ấm từ một quá khứ đói rách gần đây. Ai đời, khi nhận phong bì xong, ba đứa con bóc ra, mỗi đứa đều thấy vỏn vẹn chữ Phước, còn hai chữ Lộc Thọ biến đâu mất. Người cha cũng ngạc nhiên không kém. Bốn cha con đang phân vân, bỗng một người từ đâu đến bảo: "Ta là phúc thần của đất này. Chữ Phước đó do ta ban cho. Chỉ cần có nó cũng gồm đủ cả ba: phước, lộc, thọ, vì có phước mới hưởng được lộc, mới thọ lâu. Vì thế chẳng cần phải cầu lộc, cầu thọ, chỉ một chữ phước để mừng tuổi đầu năm là đủ". Nói rồi, biến mất. Nhìn lại phong lì xì, cả bốn cha con sửng sốt một lần nữa vì chữ phước cũng biến mất luôn, trên mặt giấy trống trơn, trắng toát.
Bấy giờ vị thần thứ hai hiện ra kể cho bốn cha con nghe một chuyện mừng tuổi xa xưa. Đó là câu chuyện nổi tiếng khắp châu Á, loan truyền qua Tây Tạng và dãy Hy Mã Lạp Sơn, đến cả lưu vực sông Hoàng Hà, Dương Tử của Trung Quốc, du nhập vào Việt Nam từ lâu đời, về một người cầu phước được phước, trở nên giàu có nhưng hết sức keo kiệt. Ông ta quên những điều tốt đẹp, những ban phát ngọt ngào, rộng lượng mà mình đã làm ở tiền kiếp, vì vậy một mực thâu góp vàng ngọc về riêng mình, trong kiếp này, bỏ vào chiếc hũ, đem chôn ở một vị trí bí mật trong nhà không cho ai hay. Ngay cả con trai của ông cũng không được biết nơi cất giấu. Về già, ông ngã bệnh. Khi chết, linh hồn ông bị hũ vàng ám ảnh, đã quay lại nhà cũ, tìm cách chui vào xác chết cứng lạnh của mình, nhưng bất lực. Thấy vậy, một con chó gần nhà có linh tính đã nhường thể xác hèn mọn của mình cho kẻ giàu có kia trú vào, rồi bay lên không trung thoáng đãng. Còn ông nhà giàu thay thế làm chủ thể xác của con vật bốn chân, thỏa mãn được "sống" lại, dầu với tấm thân thuộc hàng súc sinh như chó. Con chó đó lạ thay suốt ngày không đi đâu cả, cứ nằm lì trước hiên. Mà chỉ nằm ở một nơi nhất định sát cửa ra vào. Hễ người con (bây giờ đã là chủ nhà) đuổi đi, một lát không lâu nó lại quay về chỗ cũ, cứ như rời chỗ ấy là nó rời sự sống của nó vậy. Các phước quả mà nó hưởng là hũ vàng ngọc, giờ đây trở thành điều vô phước cột chặt nó vào tham si. Ngày nọ, một đại sư ngang qua, nói với đứa con: "Này anh kia, anh có biết con chó đó là ai không?". "Dạ thưa không". "Ta nói cho biết, nó chính là cha của ngươi. Vì sao nó nằm lì suốt ngày đêm ở khoảnh đất sát cửa đó? Ấy là vì nó luyến tiếc của cải chôn dưới đất. Hãy đào lên". Người con lấy làm lạ, cho đào thử chỗ con chó thường nằm, thì quả nhiên thấy hũ vàng bên dưới. Bị rúng động vì việc này, người con tỉnh ngộ, từ chối sở hữu số vàng, rời nhà theo vị đại sư lên núi, về sau trở thành một trong những vị tổ đầu tiên của lịch sử Thiền tông. Vị này tỉnh ngộ rằng: nếu làm phước, được phước mà thiếu huệ tức trí huệ sẽ trở nên nguy hiểm ngu si như con chó kia vậy. Được phước, thiếu huệ, thì như nằm trên đống vàng, đống ngọc mà vẫn khổ đau, thiếu thốn, phiền bực. Kể xong, vị thần bảo: "Đó là lý do vì sao ta phải xóa trắng chữ phước trong bao lì xì mừng tuổi của các ngươi. Nó chỉ có ý nghĩa tốt đẹp nếu sinh đôi cùng huệ, bằng không chỉ là động lực cho những cuộc thăng trầm bất tận. Giờ đây ngươi hãy nhìn xem".
Bốn cha con thấy trên bao lì xì hiện lên hai chữ Phước Huệ. Hai chữ này để mừng tuổi cho mọi tâm hồn đã đi qua mùa đông để mở đầu một năm mới thăng hoa.
 Võ Thị Điềm Đạm

Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014

309/ Mùa xuân -Thơ Bùi Giáng



                 Xin chào nhau giữa con đường
          Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
                                    

                                              (Bùi Giáng, Chào Nguyên Xuân)
               Chào Nguyên Xuân là một bài thơ hay của nhà thơ Bùi Giáng trong tập Mưa Nguồn, và Mưa Nguồn theo ý người viết bài này, là thi phẩm hay nhất của ông, xuất bản trong năm 1962. Trong khoảng từ 1960 tới khi xuất bản tập thơ đầu tay này, hầu như chúng tôi gặp nhau hàng ngày, khởi sự thường là trong căn phòng tôi thuê ở đường Cao Tháng, xế rạp xi-nê Việt Long. Anh đến bằng cách nào không rõ lắm, nhiều khi đi đâu về đã thấy anh ngồi bệt trước cửa căn phòng đóng kín ở trên lầu hai. Khu này có 5 phòng, tôi ở phòng giữa, từ cửa sổ có thể nhìn thẳng xuống phòng khách một căn nhà của khu nhà phía sau, lại đúng là nhà của Giáo Sư Nguyễn Sỹ Tế. Cách nhà ông bốn năm căn về phía tay phải là nhà ông thầy Quốc Văn của tôi, Giáo Sư Lữ Hồ.
            Ðôi khi anh ngoắc tôi đi luôn, không cho vào nhà. Với chiếc velo solex, chúng tôi đi lòng vòng nhiều nơi. Anh ngồi phía sau, tay cầm một xấp bài vở kẹp trong một cái bìa, đôi khi kẹp trong một tờ báo, thường là báo Gió Mới của Hội Giáo Chức, tờ báo anh làm thư ký tòa soạn, đã đăng trước sau ba bốn bài “trăm câu một vần” của tôi. Nhiều lúc người bạn gái học Dược có giờ trống tới chơi mà anh cũng bắt tôi đi, dĩ nhiên là tôi phải từ chối, nhưng anh không giận. Anh còn làm ít ra là ba bài thơ về cô bạn tôi nhưng không hẳn là những bài thơ trọn vẹn. Thơ Bùi Giáng hay từng câu, ít khi trọn vẹn cả bài, nhưng bài Chào Nguyên Xuân là một bài hay trọn vẹn.
       Chào Nguyên Xuân
            Xin chào nhau giữa con đường
            Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
          Tóc xanh dù có phai màu
          Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng
          Xin chào nhau giữa lúc này
          Có ngàn năm đứng ngó cây cối và
          Có trời mây xuống lân la
          Bên bờ nước có bóng ta bên người
Xin chào nhau giữa làn môi
Có hồng tàn lệ khóc đời chửa cam
Thưa rằng bạc mệnh xin kham
Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ cây
Xin chào nhau giữa bụi đầy
Nhìn xa có bóng áng mây nghiêng đầu
            Hỏi rằng người ở quê đâu
           Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà
           Hỏi rằng: từ bước chân ra
           Vì sao thấy gió dàn xa dặm dài
           Thưa rằng: nói nữa là sai
            Mùa xuân đương đợi bước ai đi vào
Hỏi rằng: đất trích chiêm bao
Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau
Thưa rằng: ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân
                      

                        ( Bùi Giáng, Mưa Nguồn)
               Thơ Xuân là loại khó làm hay, vì đề tài này có cả ngàn bài, để vượt trội lên không phải chuyện dễ, tuy rằng có khi rất tình cờ nó trở thành một bài thơ hay. Người ta hay dùng chữ Nguyên Ðán, buổi sáng đầu tiên, sớm ngày đầu tiên, tác giả tìm được một nhan đề hay cho bài thơ xuân của mình, Nguyên Xuân: mùa xuân sớm nhất, mùa xuân đầu tiên. Và ở lúc sớm nhất của mùa xuân sớm nhất, chúng ta đã gặp nhau ở giữa đường rồi. Khi nào nhỉ ta đã lên đường, khi còn “tóc xanh” chúng ta đã “cùng nhau hẹn rằng” thì lúc “dù có phai màu” vẫn phải nhớ lời hẹn ấy, “chào nhau một bận sẽ còn nhớ nhau.”
            Chúng ta đã mỗi người ra đi từ lâu rồi, cuộc hành trình của chúng ta vẫn tiếp tục, rồi sau khi gặp nhau đây, chúng ta đâu có dừng lại, chúng ta còn: “mùa xuân phía trước.” Chúng ta chưa thực sự bước vào mùa xuân, mùa xuân còn ở phía trước chúng ta: “mùa xuân đương đợi bước ai đi vào.” Vậy là khi chúng ta gặp nhau đây, trong giữa cuộc hành trình của mỗi người - “giữa con đường” riêng của mỗi người, chúng ta ai cũng đã có một quá khứ bỏ lại: “miên trường phía sau.” Quá khứ ấy có thể đương thiêm thiếp ngủ, “miên trường,” giấc ngủ ấy có thể đã ngàn năm, cùng cỏ cây thiên nhiên trời mây nước, và “bên bờ nước có bóng ta bên người,” có thể kiếp trước chúng ta đã là bạn, có thể ở kiếp khác mỗi chúng ta có những quá khứ khác, cuộc đời này không phải mới bắt đầu, cũng không phải sẽ tồn tại, giữa chốn bụi hồng, dưới bóng mây xế, có người khác đương trông ngóng chúng ta:
                           Xin chào nhau giữa bụi đầy
                     Nhìn xa có bóng áng mây nghiêng đầu.
              Nghiêng là xế, nhìn xa là không phải chốn này, bóng một áng mây là trời chiều bảng lảng không phải nguyên xuân, mỗi chúng ta một tâm sự, những bóng dáng thân quen, mỗi chúng ta một cuộc đời, xin chào.
              Trong thơ, mỗi một chữ có nghĩa riêng đối với nhà thơ, không đồng nghĩa với chữ ấy của nhà thơ khác, và chắc chắn không hẳn là có nghĩa với chữ ấy trong Từ Ðiển. Nhà thơ Tản Ðà dùng chữ “Nghìn” (Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay) trong bài Tống Biệt, và đã giải thích tại sao ông không dùng chữ “Ngàn,” - dù nghìn năm hay ngàn năm chỉ có cùng một nghĩa. Trong bài Chào Nguyên Xuân, Bùi Giáng dùng chữ “đương” chứ không dùng chữ đang:
               Hỏi rằng: từ bước chân ra
              Vì sao thấy gió dàn xa dặm dài
              Thưa rằng: nói nữa là ai

               Mùa xuân đương đợi bước ai đi vào.





            Ðương đợi hay đang đợi cũng chỉ có một nghĩa: nó đã bắt đầu và nó chưa chấm dứt, nhưng chữ “đương” chắc chắn là dài hơn chữ đang - nó tạo một âm hưởng sâu hơn chữ đang - cũng như chữ nghìn tạo âm hưởng sâu xa hơn chữ ngàn - và nếu bạn chưa đồng ý, xin hãy đếm: chữ đương có 5 con chữ đ, ư, ơ, n và g; trong khi chữ đang ngắn hơn rõ ràng, chỉ có 4 con chữ đ, a, n và g. Âm “đa” ở chữ “đang” và âm “đươ” ở chữ “đương” nghe khác hẳn nhau, một nông choèn choèn, một sâu thăm thẳm. Thơ là âm điệu của các con chữ, làm thơ là soạn nhạc cho một bài ca mà ký âm pháp (solfeggio) là các chữ cái; tiếng Việt có hơn 24 chữ cái (những chữ thêm của Việt ngữ là a thêm â và còn thêm 5 đấu sắc huyền hỏi ngã nặng, cũng tương tự như thế với các nguyên âm e, o, u, y) và lối viết ngàn hay nghìn, đang hay đương, dang hay dương, tràng hay trường, ngần hay ngùng,...) nó khiến ngôn ngữ thi ca Việt Nam là ngôn ngữ tuyệt diệu để làm thơ. 


Viên Linh