Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

251/Một học trò gửi tâm thư tới Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Đây là bức thư của em Phan Hưng Duy, tự giới thiệu mình đang là học sinh lớp 12, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Châu Đốc, tỉnh An Giang. Theo lời học sinh này, em sinh năm 1996, do em học muộn một năm nên sẽ tham gia kì thi quốc gia chung vào năm 2015 sắp tới.

Em cho biết, theo dõi thông tin về chủ trương kỳ thi quốc gia và cảm thấy khá lo lắng, nên mong muốn được nói ra ý kiến và tâm nguyện của mình như một sự trải lòng, gợi ý, đóng góp cho kì thi quốc gia chung. Em cũng mong muốn nguyện vọng của mình đến được tay Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo ngành giáo dục.
Chúng tôi trích đăng bức thư này, mang theo đó là tâm nguyện của cậu học trò nhỏ nhưng suy nghĩ thì không nhỏ.

Đổi mới kì thi không phải là tất cả
Em lấy làm lạ khi nhiều thầy cô bộ môn, nhiều thầy cô hiệu trưởng các trường Đại học lại cho rằng phương án 2 - thi theo bài là sự lựa chọn tối ưu, "giúp" học sinh không còn học lệch. Em không đồng tình. Những lứa học sinh 1997, 1998, 1999 là những em có hơn 10 năm quen với việc học theo môn và học lệch. Chúng em đã quen với việc học Sử thì thi Sử, học Địa thì thi Địa ... chứ chưa từng biết đến chuyện tích hợp hai môn học này vào một đề thi, bài thi. 
Chúng em cũng đã quen với việc học lệch. Tại sao em lại nói như vậy? Báo chí hay nói nhiều về những thủ khoa, á khoa học đều các môn. Nhưng không thể dựa vào đó để kết luận học đều các môn vẫn có cơ hội đỗ Đại học. Thứ nhất, có nhiều trường chuyên sẵn sàng nâng điểm các môn cho học sinh đối với những môn không thi đại học hay không có trong khối thi mà học sinh đó đăng kí. 
Hình ảnh Một học trò gửi tâm thư tới Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam số 1
Kỳ thi quốc gia sẽ được tổ chức trong năm 2015?
Thứ hai, cho dù có thật những thủ khoa, á khoa không học lệch đi nữa, thì đó cũng chỉ là những cá nhân ít ỏi, xuất chúng. Riêng chúng em thì cần học lệch để đảm bảo xác suất đỗ những trường đại học lớn là cao nhất và rủi ro thi trượt là thấp nhất. Tò mò là một bản năng của loài người, khát khao học hỏi tri thức là điều chúng em luôn rạo rực. Vậy tại sao chúng em phải học lệch? 
Tại sao một người thi khối D như em sẵn sàng không đếm xỉa đến Vật lí, Hoá học, Sinh Học, Giáo dục công dân, Công nghệ, tin học ...và thậm chí cả Lịch sử? Vì những môn học đó thật nhàm chán. Em cảm thấy ngạc nhiên khi giở những quyển sách vật lí của các nước phát triển, có quá nhiều hình ảnh minh hoạ rất dễ hiểu và thú vị. Còn sách Vật lí của nước ta? Chỉ có công thức và bài tập. 
Cách diễn đạt lại rất hàn lâm và khó hiểu. Sách Giáo dục công dân (GDCD) thì em xin có một nhận xét đau lòng rằng đây là bộ sách giáo dục đạo đức kém hiệu quả nhất trong lịch sử loài người.
Hình ảnh Một học trò gửi tâm thư tới Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam số 2
Mỗi phòng thi ra 24 đề thi có nội dung khác nhau nhưng tương đương, thí sinh muốn nhìn bài cũng khó, hội đồng thi muốn ném bài cũng không đủ thời gian giải đề.
GDCD lớp 10 đưa ngay những khái niệm quá tầm về triết học dạy cho các em học sinh chưa đủ tuổi thành niên. Thậm chí như PGS Văn Như Cương đã nói chính ông vẫn không hiểu những lí luận đó và càng không hiểu vì sao các em học sinh lớp 10 phải hiểu, thuộc chúng? Trong khi đó những tâm lí đạo đức như Lòng kính trọng, Lòng biết ơn, Sự hối hận, Lòng tự trọng ... là những vốn quý trong văn hoá đạo đức người Việt thì lại không hề được nhắc đến một cách có hiệu quả.
Chính Bộ giáo dục đã độc quyền Sách giáo khoa, đã tạo ra một bộ sách giáo khoa với ba điều khó: khó hiểu, khó để tự học và khó để vận dụng vào đời sống thực tế. 
Chính bộ sách "ba khó" này và kì thi 3 chung phân ban (vốn là một quyết định sai lầm chiến lược của Bộ vào năm 2002) đã đẩy học sinh vào xu thế "phải học lệch để tối ưu hoá cơ hội đỗ Đại Học", chấp nhận từ bỏ niềm vui khi khám phá tìm tòi tri thức. 
Ấy thế mà, tại sao Bộ cũng như các Thầy Cô không cố gắng hiểu bản chất vấn đề tại sao học sinh chúng em phải học lệch, mà chỉ cố gắng xoay sở tạo ra một kì thi quốc gia chung để buộc chúng em không thể học lệch được nữa? 
Sự can thiệp như thế liệu có hiệu quả không - khi mà đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông vẫn bế tắc, và liệu có thô bạo đối với chúng em không? Và liệu có thể hiện được trách nhiệm của Bộ Giáo Dục trong việc "trồng người" như lời Bác Hồ từng nhắc nhở?
Xin đừng mạo hiểm tương lai nhiều thế hệ một cách thiếu trách nhiệm chỉ vì một chút vội vàng, một chút danh dự, một chút bảo thủ.
Chúng ta không thể một bước tới trời, không thể quá kì vọng và mơ mộng cho rằng chỉ đổi mới kì thi là một tương lai tốt đẹp đầy nắng và gió sẽ đón chờ nền giáo dục nước nhà, dù không thể phủ nhận đổi mới thi cử có tác động không nhỏ đến thái độ học tập của học sinh. 
Nhưng, xin hãy lưu tâm đó vẫn chỉ là một nhiệm vụ trong rất nhiều nhiệm vụ cần làm để chấn hưng nền giáo dục nước nhà mà thôi.
Phương án 0 - Sự lựa chọn thấu tình đạt lí.
Thật sự, phương án 0 - bỏ kì thi tốt nghiệp và tiếp tục duy trì kì thi tuyển sinh Đại học - Cao đẳng cho đến khi lứa học sinh 1999 hoàn thành kì thi là sự lựa chọn hoàn hảo nhất. 
Giáo Sư Ngô Bảo Châu đã trình bày rất nhiều quan điểm ủng hộ phương án này nên em không lập lại. Em chỉ xin triển khai thêm: trong 3 năm 2015 - 2017, Bộ Giáo Dục hoàn toàn có thể vứt bỏ bộ sách giáo khoa "3 khó" hơn 10 năm tuổi kia và biên soạn lại nhiều bộ sách mới cho các đối tượng học sinh khác nhau. 
Trung bình mỗi năm nước ta có hàng chục vụ học sinh chết đuối, nhưng từ lớp 1 đến lớp 12, chúng em không hề được dạy về bơi lội.
Tai nạn giao thông là một quốc nạn nhưng chúng em không hề được dạy cặn kẽ về kĩ thuật lái xe và văn hoá khi tham gia giao thông.
Trung bình mỗi năm nước ta có 1000 vụ xâm hại tình dục, 65,9% trong đó là xâm hại tình dục trẻ em, nhưng những gì chúng em được học về giới tính, về khả năng kiềm chế ham muốn tình dục để không thành kẻ xâm hại, về cách bảo vệ mình và người khác trước nguy cơ xâm hại tình dục là con số 0 tròn trĩnh... 
Hình ảnh Một học trò gửi tâm thư tới Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam số 3
Ảnh minh họa
Thay vì Bộ Giáo Dục quá bận tâm vào việc đổi mới một kì thi vốn không thể rốt ráo đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, thì em mong Bộ hãy dốc toàn bộ sức lực, tâm can vào công cuộc tái kiến thiết, chấn hưng nền giáo dục nước nhà, bắt đầu từ việc cách mạng tư duy giáo dục: chuyển từ tư duy bao cấp sang tư duy không bao cấp.
Vấn đề niềm tin trong ngành giáo dục
Cứ mỗi khi Bộ giáo dục định giao quyền tổ chức kì thi tuyển sinh quốc gia cho địa phương thì ngay lập tức xuất hiện những luồng dư luận phản đối vì tính công bằng và minh bạch. Tại sao những người làm giáo dục lại mất lòng tin vào nhau như thế? Vì bệnh thành tích. Vậy tại sao có bệnh thành tích? Vì có những người quá chú trọng vào thành tích. 
Vậy tại sao có những người quá chú trọng vào thành tích? Đến đây thì có nhiều lí do nhưng lí do chính yếu nhất là việc Bộ Giáo Dục và các Sở Giáo Dục đã dựa trên thành tích (những con số, những số liệu thống kê...) quá nhiều, dựa một cách duy ý chí để đánh giá chất lượng, sự thành công hay điểm chưa hoàn thiện của một ngôi trường, của một người thầy, của học trò.
Điều đã được chứng minh khi nhiều giáo viên lên tiếng rằng mình đã bị khiển trách khi buộc học sinh chưa đủ chuẩn lên lớp phải ở lại lớp; và bị "cắt thi đua", "giảm lương" thậm chí là "kỉ luật" khi tỉ lệ, số lượng học sinh giỏi, khá, trung bình ... không đạt "chuẩn". 
Có em học sinh đã ca thán rằng bị thầy cô, thậm chí là thầy cô hiệu trưởng ép phải tham dự kì thi học sinh giỏi ở tỉnh và quốc gia, nếu không sẽ bị "hạ hạnh kiểm"?
Vậy tại sao lại có những người lãnh đạo duy ý chí trên những con số thành tích để gây nên căn bệnh này? Vì họ không đủ tài, không đủ tâm và không đủ tầm để lãnh đạo nên buộc phải đưa ra những con số cứng nhắc để làm chủ được chất lượng giáo dục, dù cho, nó không hiệu quả và gây nên những hệ quả tồi tệ.
Dù sao, với quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà Nước cùng toàn thể thầy cô và học sinh trên mọi miền đất nước, thể hiện rõ qua những thông điệp mạnh mẽ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, em tin kì thi quốc gia 2015 sẽ tìm cho mình được phương án phù hợp nhất, cũng như em tin rằng vài năm nữa thôi, nền giáo dục nước nhà sẽ được chấn hưng mạnh mẽ, cách mạng triệt để, bình mới rượu mới để đưa đất nước Việt Nam phát triển phú cường, phồn vinh.
Nguồn: Giáo dục Việt Nam

250/ Mĩ nhân kế và nữ nhân kế


                            
                                                                   Nguyễn Tấn Ái


I.Mỹ nhân kế:
Trong mười ba thiên của Binh pháp Tôn Tử viết năm 512 thời Xuân Thu thì kế 31 là Mỹ nhân kế: Dùng sắc đẹp đánh bại ý chí đối phương làm đối thủ từ cường chuyển nhược từ đó ta chuyển sang công thế.
          Đối tượng của kế mỹ nhân thường là các bậc đế vương. Địch thủ khi yếu thế thường dụng sách kế này. Tại sao? Đứng đầu thiên hạ muốn gì có nấy, chỉ có sắc đẹp thì không phải chỉ muốn là có được. Cái đẹp như kỳ hoa, trăm năm dễ chỉ một lần, làm sao mà không trân quý? Song lợi hại của mỹ nhân kế không chỉ ở bản thân nhan sắc mà là ở chính chủ nhân nhan sắc. Cái đẹp vô hồn thì làm sao dụng nổi kế mỹ nhân? Lại đối tượng không phải là bậc quý nhân có lòng thương hoa tiếc ngọc thì kế sách này cũng không thành. Nên chủ nhân phải lạ hạng tài trên mọi người đủ để làm đấng quân vương xiêu đổ. Điêu Thuyền, Tây Thi có đẹp được dường tranh Tố nữ? Vậy mà có ai đâu hồ đồ ôm tranh mà ngủ? Mà sao Lã Bố, Phù Sai đổ quán xiêu thành? Mà đế vương một đời lụn bại? Phù Sai mất nước Ngô mà cuối cùng đã chinh phục được Tây Thi, Phạm Lãi diệt Ngô mà chỉ nhận lại thân xác vô hồn của người đẹp. Lã Bố một đời mắc cạn bởi Điêu Thuyền song nàng cũng đã bỏ mình cùng trang dõng tướng cũng là đền đáp. Tây Thi với Điêu Thuyền đâu chỉ có nhan sắc trời ban mà còn là những tâm hồn biết cháy hết mình cho một cuộc tình. Phù Sai cùng Lã Bố đáng tiếc cho một quyền lực mà cũng đáng sống với một đời nam nhi!
Dụng kế mỹ nhân khó là cái đẹp thường vô hồn nên khó quyến dụ được mấy ai. Vậy nên lịch sử phương đông thiên bách chiến trận mà kế mỹ nhân chỉ vài trong muôn một.
          Phạm Lãi vì thù cha nên dấy binh dẹp nước Việt bắt Việt Vương Câu Tiễn về làm nô lệ quét chuồng ngựa đổ bô vệ sinh nhục nhã trăm đường. Đại thần Văn Chủng nuôi lòng phục quốc dâng bảy kế độc, trong đó có mỹ nhân kế. Chịu kế mỹ nhân Phạm Lãi dâng người yêu là Tây Thi làm quà tặng Ngô Vương. Phù Sai bị Tây Thi chinh phục đến nguôi thù hận thả Câu Tiễn về nước. Về sau Câu Tiễn dấy binh trả thù. Phù Sai chết trong tay người đẹp. Tây Thi trở về với Phạm Lãi bằng cái xác không hồn. Cuộc can qua đã đốt rụi lòng trần trong chiến tướng Phạm Lãi hay thất bại trong tình trường đã mở mắt người quân tử thấy hết những phù du được mất? Phạm Lãi trốn đời chu du sông hồ từ đó.
Nhà Hán mạt vận để Đổng Trác nắm binh quyền tác oai tác phúc. Tư Đồ Vương Doãn dụng kế mỹ nhân đem dâng con gái nuôi Điêu Thuyền làm cha con Đổng Trác và Lã Bố bất hòa. Lã Bố vì Điêu Thuyền mà đâm chết Đổng Trác, nạn quyền thần được yên. Điêu Thuyền ngưỡng mộ phong thái dõng tướng lụy tình của Bố nên quy thuận một thân chịu long đong theo Bố từ kinh đô đến Từ Châu, từ Từ Châu đến Hứa Xương. Sau Bố bị Tào Tháo bắt ở lầu Bạch Môn, Điều Thuyền mất tích.
Mỹ nhân kế của người Ai Cập cũng không kém phần nổi tiếng với tên tuổi Cleopatra. Bà nhờ vào nhan sắc và sự thông minh đã chinh phục được cả hoàng đế Ceda và vương thần Antonius. Cả hai đều hết lòng yêu bà nhờ vào đó mà vương quyền của bà ở Vương quốc Ai Cập vững như bàn thạch. Tiếc là hoàng đế Augustus lại không là hoàng đế đa tình nên cuộc đời bà kết thúc trong bi kịch.  
Thái độ của người đời đối với những mỹ nhân kể trên thống nhất ở lòng kính trọng mến yêu. Họ là nhan sắc, nhưng trên cả nhan sắc họ là một trí tuệ, một tâm hồn, một nhân cách hơn hẳn một thời. Chỉ tiếc trong mấy mươi thế kỷ con người có mấy ai có được diễm phúc là đấng quân vương để hội ngộ cùng giai nhân.
II. Nữ nhân kế:
          Sự trùng phùng của cái đẹp và quân vương như đã thấy là rất đổi hiếm hoi, mà lòng sân si của người đời thì vô tận. Nữ nhân kế ra đời như một thoái hóa của kế mỹ nhân, và xự xung sát của nó đã kém phần cao đẹp lại nhiều trăng hoa phù du. Nếu mỹ nhân kế thành tựu trên cơ sở cái đẹp tâm hồn được đẩy lên thái quá thì nữ nhân kế chỉ thuần là bán mua nhan sắc. Mỹ nhân kế gợi tình yêu thì nữ nhân kế chỉ thuần khai thác tình dục bản năng.

          Thủy tổ nữ nhân kế có thể là gã con buôn Lã Bất Vi.  Bằng cơ mẫn của con nhà buôn, Lã thấy buôn vàng ngọc thì lãi bách vạn là cùng, còn buôn vua thì lãi không thể tính được. Nhân Tử Sở còn long đong làm con tin ở Triệu, Vi đem vàng bạc giúp đỡ cầu thân, rồi dâng người thiếp yêu là Triệu Cơ cho Tử Sở. Tử Sở vốn đang cù bất cù bơ bỗng có nơi nương tựa, lại được cái nhan sắc để vày vò cho thỏa lòng dục, thật đúng ngủ mơ. Sau Tử Sở về Tần, lên ngôi vua là Tần Trang Tương Vương. Triệu Cơ sinh ra Tần vương Chính. Bất Vi làm thừa tướng vẫn ra vào cung ăn trái cấm cùng Triệu thiếp.
          Nền văn hóa Việt tra soát trước sau lại không có lấy một kế mỹ nhân đúng nghĩa, câu chuyện nàng Huyền Trân đem thân đổi hai châu Ô, Lý cũng chỉ đáng tầm nữ nhân kế mà thôi. Tiếc thay Chế Mân không có phúc ngửi cái đẹp lâu dài hay say sưa quá độ mà tẩu hỏa nhập ma. Huyền Trân suýt bị đem thiêu sống. Sau Trần Khắc Chung cứu thoát, hai người lênh đênh trển biển hơn một năm trời mới về được Đại Việt. Một năm trời và bao nhiêu nghi vấn!!!
          Thời hiện đại mỹ nhân kế hoàn toàn bị diệt vong. Lẽ thứ nhất vì cái đẹp bị công nghệ hiện đại can thiệp nên không còn sức hấp dẫn hồn nhiên của tự nhiên, lại các cuộc thi hoa hậu dày đặc đã lôi bằng hết cái nhan sắc và cận nhan sắc lên sàn đấu giá nên sự hiếm hoi cũng không còn, không luôn cả sức nặng mỹ nhân. Lẽ sau nữa là các đấng quân vương đúng nghĩa cũng từ lâu tuyệt chủng, đại gia lên ngôi thì việc mua bán sử dụng nhan sắc như Lã Bất Vi trở thành thông dụng. Tình yêu bị cưỡng bức giữa hai làn da là cơ hội cho tình dục lên ngôi. Câu chuyện đại gia cho ca sĩ vào sở thú hay người mẫu đốt túi thương nhân là đầu đề cho những tiếu đàm ở các quán nhậu, quán cà phê. Các cuộc giao lưu mang tầm cỡ xã phường trở lên dứt khoát không thể thiếu chân dài váy ngắn. Nữ nhân ngày nay thật biết khai thác hứng thú đối tác bằng lời nói gợi tình, bằng đụng chạm tinh quái, bằng ca-ro-ke miễn phí… Các đại gia cũng sẵn lòng rơi tự do vào kế nữ nhân như một cung cầu hợp lẽ.
          Thời buổi các trường đại học mở khoa ma-két-tin, các đài truyền hình nổ lực chuyên đề quảng cáo thì nữ nhân kế lên ngôi là tất yếu. Sẽ không là đề tài nghị luận giá như người đời không nhầm lẫn giữa kế mỹ nhân và kế nữ nhân. Đọc những câu chuyện mỹ nhân xưa mà lòng tiếc nuối ngưỡng mộ. Thực mục sở thị các nữ nhân nay thi hành nhục kế lòng dấy lên bao nhiêu hổ nhục mà thôi. Vậy mà các nữ nhân lại hiu hiu tự đắc y hệt như mình đáng tầm mỹ nhân vậy!?

                                                           Mùa hạ 2014

                                                          

Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2014

249/ Đề thi vào THPT chuyên Nguyễn Binh Khiêm 2014

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
             QUẢNG NAM
KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT CHUYÊN
Năm học 2014 - 2015

ĐỀ CHÍNH THỨC
 
 

  
 Khóa ngày : 06/ 06/ 2014
 Môn           :           NGỮ VĂN
 Thời gian   :   120 phút (không kể thời gian giao đề)
(Đề dùng chung cho tất cả thí sinh)
   
Câu 1: (2.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu của đề:
            “Ở đây, trên cao điểm đầy bom đạn này cũng có mưa đá. Những niềm vui con trẻ của tôi lại nở tung ra say sưa, tràn đầy. Chẳng ai có thì giờ mà gắt tôi. Chị Thao đang lúi húi hốt cái gì dưới đất. Chắc là đá.”
                                                                                    (Lê Minh Khuê, Những ngôi sao xa xôi)
b. Những từ ngữ nào tạo liên kết lặp trong đoạn trích?
c. Xác định một câu có thành phần biệt lập và gọi tên thành phần biệt lập đó.
d. Từ “nở” trong câu “Những niềm vui con trẻ của tôi lại nở tung ra say sưa, tràn đầy.” được dùng với nghĩa chuyển theo phương thức nào?
Câu 2: (2.0 điểm)
Viết đoạn văn khoảng 10 dòng phân tích vẻ đẹp của Thúy Kiều qua hai câu thơ sau:
                                              “Làn thu thủy nét xuân sơn,
                                    Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.”
(Nguyễn Du, Truyện Kiều )
Câu 3: (6.0 điểm)
            Cảm nhận của em về đoạn thơ sau: 
                                    “Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
                                    Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.
                                    Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
                                    Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân...
                           
                                    Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
                                    Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
                                    Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
                                    Mà sao nghe nhói ở trong tim!

                                    Mai về miền Nam thương trào nước mắt
                                    Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
                                    Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
                                    Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.”
                                                                                    (Viễn Phương, Viếng lăng Bác)

---------------------------Hết--------------------------

Họ và tên thí sinh: .....................................................................Số báo danh: ..................................
Chữ ký của giám thị: GT 1 ................................................. GT 2 .....................................................



248/ Đề thi vào THPT chuyên nguyễn Bỉnh Khiêm môn Văn 2014

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
QUẢNG NAM
KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT CHUYÊN
Năm học 2014 -  2015
ĐỀ CHÍNH THỨC
 

  
 Khóa ngày:             06/ 6/ 2014
 Môn          :             NGỮ VĂN (Chuyên)
 Thời gian  :     150 phút (không kể thời gian giao đề)     

Câu 1: (2.0 điểm)
    Đọc khổ thơ sau và thực hiện các yêu cầu của đề:
                  " Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:
- Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?..."
                                                                      (Bằng Việt, Bếp lửa)
a.      Xét về cấu tạo, dòng cuối trong khổ thơ thuộc kiểu câu gì? Vì sao?
b.     Cảm xúc của người cháu được thể hiện trong khổ thơ?
Câu 2: (3.0 điểm)
      Một người đi được nhiều nơi, khi trở về đã khẳng định với người thân rằng:
 Không nơi nào đẹp bằng quê hương!    
     Em hãy viết một bài văn nghị luận ngắn (khoảng một mặt giấy làm bài), trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên. 
Câu 3: (5.0 điểm)
     " Trong cái lặng im của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa, Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước."
                                                                                                        (Nguyễn Thành Long, Lặng lẽ Sa Pa)

      Suy nghĩ về "những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước"  trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của nhà văn Nguyễn Thành Long.
-----------Hết---------



 Họ và tên thí sinh: ..........................................................  Số báo danh: ……….…........

Chữ kí giám thị: GT1 ……………..……………..…… GT2 ……………..…………………..



Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

247/ MỘT BÀI TẬP ĐỌC HIỂU PISA - VỊ QUAN TÒA CÔNG TÂM

BÀI 12. VỊ QUAN TÒA CÔNG TÂM
Đọc câu chuyện về vị quan tòa công tâm để trả lời các câu hỏi liên quan.

VỊ QUAN TÒA CÔNG TÂM
Vị vua Algeria tên là Bauakas muốn tìm hiểu xem có đúng là trong đất nước của ông có một vị quan tòa có khả năng tìm ra sự thật rất nhanh và không có tên lừa đảo nào qua mặt được như ông đã nghe kể hay không. Bauakas cải trang thành thương nhân và lên ngựa tới thành phố nơi quan tòa sống.
Trên đường vào thành phố, một người tàn tật lại gần và cầu xin nhà vua bố thí. Bauakas cho anh ta tiền và định đi tiếp thì anh ta túm lấy quần áo của ông.
“Anh muốn gì nữa?” nhà vua hỏi. “Chẳng lẽ tôi chưa cho anh tiền sao?”
“Ông đã bố thí cho tôi rồi,” người tàn tật nói, “Giờ ông hãy ban cho tôi một ân huệ. Xin cho tôi quá giang một đoạn đường vào quảng trường thành phố, nếu không lũ ngựa và lạc đà sẽ giẫm đạp tôi.”
Bauakas cho người tàn tật ngồi phía sau và đưa anh ta vào quảng trường thành phố. Tới đây, ông dừng ngựa nhưng người tàn tật không xuống.
“Chúng ta đã đến quảng trường, tại sao anh không xuống?” Bauakas hỏi.
“Sao tôi phải làm thế?” gã ăn xin đáp lại. “Con ngựa này là của tôi. Nếu ông không muốn trả lại, chúng ta sẽ đến tòa giải quyết.”
Nghe thấy cãi nhau, người xung quanh bảo họ:
“Đến gặp quan tòa đi! Ông ấy sẽ giải quyết cho hai người!”
Bauakas và người tàn tật đến gặp quan tòa. Ở tòa đang có nhiều người khác, vị quan gọi từng người theo thứ tự. Trước khi đến lượt Bauakas và người tàn tật, vị quan tòa đang nghe chuyện của một trí thức và người nông dân. Họ đến cùng một phụ nữ ; người nông dân cho biết đó là vợ ông, còn người học giả lại bảo của mình. Vị quan tòa nghe xong, im lặng một lúc, rồi nói:
“Để người phụ nữ này ở đây, ngày mai hai người quay lại.”
Khi hai người kia đi khỏi, có người bán thịt và người bán dầu đến trước vị quan tòa. Người bán thịt dính đầy máu còn người bán dầu dính đầy dầu. Trong tay người bán thịt cầm tiền còn người bán dầu đang giữ tay anh ta.
“Tôi đang mua dầu của người này,” - người bán thịt kể - “Khi tôi đang rút ví lấy tiền để trả, hắn liền túm lấy tay tôi và cố lấy tiền của tôi. Đó là nguyên nhân chúng tôi đến gặp ngài – tôi đang giữ ví của mình, còn hắn đang cầm tay tôi. Nhưng đây là tiền của tôi, hắn chính là tên ăn cắp.”
Đến lượt người bán dầu kể. “Đó không phải là sự thật,” anh ta nói. “Người bán thịt đến mua dầu, sau khi tôi đã đổ đầy chai dầu, hắn nhờ tôi đổi một mẩu vàng. Khi tôi lấy tiền ra và đặt lên ghế, hắn đã tóm lấy và định chạy trốn. Tôi nhanh tay túm lấy hắn và như ngài thấy tôi đem hắn đến cho ngài xử.”
Vị quan tòa im lặng một lúc rồi nói: “Để tiền lại đây, ngày mai hai người quay lại.”
Khi đến lượt mình, Bauakas kể lại chuyện xảy ra. Vị quan tòa lắng nghe, sau đó yêu cầu kẻ ăn mày kể.
“Tất cả những gì hắn nói không phải sự thật,” tên ăn mày nói. “Hắn đang ngồi dưới đất, gặp tôi đi vào thành phố, hắn xin đi nhờ. Tôi cho hắn lên ngựa đi cùng và đưa hắn tới nơi cần đến. Nhưng khi chúng tôi đến đây, hắn không chịu xuống mà lại còn cãi đây là ngựa của hắn, đó không phải sự thật.”
Vị quan tòa suy nghĩ một lát rồi bảo: “Để con ngựa ở đây, ngày mai hai người quay lại.”
Ngày hôm sau, nhiều người đến tòa nghe phán quyết của vị quan.
Đầu tiên là vụ của nông dân và trí thức.
“Đưa vợ ông đi,” vị quan nói với người trí thức, “tên nông dân này bị phạt đánh 50 roi.”
Người trí thức đưa vợ đi, còn nông dân ở lại chịu phạt.
Tiếp đến vị quan gọi người bán thịt.
“Tiền này là của anh,” ông nói. Sau đó vị quan chỉ vào kẻ bán dầu và nói: “Phạt đánh hắn 50 roi.”
Sau đó, ông gọi Bauakas và tên ăn mày.
“Ông có thể nhận ra con ngựa của ông giữa một đàn có hai mươi con không?” vị quan hỏi Bauakas.
“Tôi nhận được”, đức vua đáp.
“Còn anh?” ông hỏi người tàn tật.
“Tôi nhận được,” hắn trả lời.
“Đi theo tôi”, vị quan tòa nói với Bauakas.
Họ đến chuồng ngựa. Bauakas chỉ ngay vào con ngựa của ông đang đứng giữa hai mươi con khác. Tiếp đến, vị quan đưa người tàn tật đến chuồng ngựa nhận dạng. Hắn nhận ra ngựa và chỉ vào nó. Vị quan quay về tòa và ngồi xuống ghế.
“Mang con ngựa đi, nó là của ông,” vị quan nói với Bauakas. “Phạt tên ăn mày này 50 roi.”
Khi quan tòa trở về nhà, Bauakas đi sau ông.
“Ông cần gì nữa?” vị quan hỏi. “Chẳng lẽ ông không vừa lòng với phán quyết của tôi à?”
“Tôi hài lòng,” Bauakas trả lời. “Nhưng tôi rất muốn được biết là tại sao ông biết người phụ nữ kia là vợ của học giả, tiền là của người bán thịt, con ngựa là của tôi chứ không phải của tên ăn xin.”
“Đây là lý do tôi biết về thân thế của người phụ nữ: Sáng nay tôi đưa cho chị ta và nói: ‘Hãy đổ đầy lọ mực này cho tôi.’
Chị ta cầm lấy, nhanh chóng và khéo léo rửa sạch, sau đó đổ đầy mực vào; do đó đây chắc hẳn là công việc chị ta quen làm. Nếu là vợ của nông dân, chị ta sẽ không biết làm việc này. Điều đó chứng tỏ người trí thức nói thật.
“Và đây là lý do tôi biết về số tiền: Tôi thả tiền vào một cốc nước đầy, sáng ra tôi quan sát xem có dầu nổi trên mặt nước hay không. Nếu là của người bán dầu, tiền này sẽ dính dầu. Nhưng không có dầu nổi trên mặt nước nên người bán thịt đã nói thật.
“Còn chuyện tìm ra ngựa thì phức tạp hơn. Người tàn tật đã nhận ra ngựa giữa hai mươi con khác và ông cũng thế. Tuy nhiên, mục đích tôi đưa hai người vào chuồng ngựa không phải để nhận dạng, mà tôi muốn xem chú ngựa biết ai. Khi ông lại gần, chú ngựa ngoái đầu lại nhìn và rướn cổ về phía ông nhưng khi người tàn tật chạm vào, nó vểnh tai và nâng chân lên. Theo đó, tôi biết ông chính là chủ nhân thực sự của chú ngựa này.”
Bauakas nói với vị quan tòa: “Tôi không phải dân buôn mà là vua Bauakas, tôi đến đây để chứng thực những lời đồn về ông. Tôi thấy ông là vị quan thông minh. Hãy nói cho tôi biết ông muốn gì, ông sẽ được nhận như một phần thưởng của tôi.”

                                                 CÂU HỎI  VÀ HƯỚNG DẪN MÃ HÓA

Câu hỏi 1: VỊ QUAN TÒA CÔNG TÂM                                                        R12Q01 - 0  1  9
Ở đoạn đầu câu chuyện, chúng ta được biết Bauakas đã cải trang thành một thương nhân.
Tại sao Bauakas không muốn bị phát hiện?
A. Ông muốn biết liệu mình có được tuân lệnh ngay cả khi cải trang thành “dân thường”.
B. Ông dự định xuất hiện trước vị quan tòa trong vai của một thương nhân.
C. Ông thích cải trang để đi lại tự do và trêu chọc người khác.
D. Ông muốn quan sát vị quan tòa làm việc như bình thường, không bị ảnh hưởng  khi nhà vua xuất hiện
VỊ QUAN TÒA CÔNG TÂM:  HƯỚNG DẪN MÃ HÓA CÂU HỎI 1
Mức tối đa: D. Ông muốn quan sát vị quan tòa làm việc như bình thường, không bị ảnh hưởng  khi nhà vua xuất hiện
Không đạt: Câu trả lời khác hoặc không trả lời

 


Câu hỏi 2: VỊ QUAN TÒA CÔNG TÂM                                         R12Q02 - 0  1  9
Vị quan tòa đã làm cách nào để biết người phụ nữ là vợ của học giả?
A. Bằng cách quan sát hình dáng và thấy chị ta không có vẻ ngoài giống vợ của một người nông dân.
B. Bằng cách nghe người trí thức và nông dân kể lại câu chuyện trước tòa.
C. Bằng cách theo dõi chị ta phản ứng với người trí thức và nông dân trước tòa.
D. Bằng cách kiểm tra kinh nghiệm làm việc giúp đỡ chồng

VỊ QUAN TÒA CÔNG TÂM: HƯỚNG DẪN MÃ HÓA CÂU HỎI 2
Mức tối đa: D. Bằng cách kiểm tra kinh nghiệm làm việc giúp đỡ chồng
Không đạt: Câu trả lời khác hoặc không trả lời
Câu hỏi 3: VỊ QUAN TÒA CÔNG TÂM                       R12Q03 - 0  1  9
Em có nghĩ rằng việc vị quan tòa tuyên CÙNG một hình phạt cho các tội phạm là công bằng hay không? Giải thích câu trả lời, đề cập tới điểm giống và khác nhau giữa ba trường hợp trong câu chuyện.   
......................................................................................................................................
......................................................................................................................................
......................................................................................................................................         
VỊ QUAN TÒA CÔNG TÂM:  HƯỚNG DẪN MÃ HÓA CÂU HỎI 3
Mức tối đa: Đánh giá sự công bằng của các hình phạt với mỗi trường hợp, xét về sự tương đồng và khác biệt của các hành vi phạm tội. Cho thấy sự hiểu biết đúng về các tội ác.
o        Không, cố tình chiếm đoạt vợ người khác là một tội ác nghiêm trọng so với ăn cắp tiền hoặc cướp ngựa.
o        Cả ba tên tội phạm đều cố tình lừa người khác và nói dối không nhận, do đó họ đều bị phạt giống nhau.
o        Điều này rất khó nói. Nông dân, người bán dầu và kẻ ăn mày đều cố tình trộm cắp. Nói cách khác, những thứ họ lấy đều không có giá trị ngang bằng nhau.
.
o        Không, có một số vụ còn tồi tệ hơn nhiều vụ khác. [Câu trả lời đúng tối thiểu: đưa ra tiêu chuẩn (“tồi tệ”) cho các hình phạt.]
o        Đúng, tất cả họ đều nói dối
Không đạt
- Cho thấy sự hiểu biết đúng về các vụ việc và/hoặc hình phạt nhưng không đánh giá.
o        Vị quan tòa phạt ba tên tội phạm 50 roi. Các vụ án gồm có chiếm đoạt phụ nữ, ăn trộm tiền và ăn cắp ngựa.
- Cho thấy sự hiểu sai về các vụ việc hoặc hình phạt.
o        Em nghĩ rằng vụ của nông dân và trí thức khác với hai vụ còn lại vì nó giống như một vụ ly hôn, trong khi hai vụ kia là trộm cắp. Vì thế không nên phạt người nông dân.
- Đánh giá tính công bằng của hình phạt đối với mỗi vụ việc (thí dụ, trả lời câu hỏi “Phạt đánh 50 roi có công bằng không?”)
o        Không, phạt 50 roi là quá nặng đối với bất kỳ loại hình phạm tội nào.
o        Có, cần thiết áp dụng các hình phạt khắt khe để bọn tội phạm không cố tình tái phạm nữa.
o        Không, Em nghĩ rằng hình phạt chưa đủ mạnh.
o        Vị quan quá nghiêm khắc.
- Câu trả lời không liên quan hoặc mơ hồ, không giải thích hoặc giải thích lạc đề không phù hợp với nội dung câu chuyện.
o        Có, em nghĩ như vậy là công bằng.
o        Không, bởi vì em có thể là người vi phạm lỗi nhỏ và dễ dàng tìm thấy trong cuộc sống.
o        Có, vì ông là một vị quan công tâm.
o        Em không nghĩ đưa ra cùng một hình phạt là công bằng vì các vụ khác nhau. [Dùng từ “khác nhau” chưa đủ để đánh giá vụ việc và giải thích vì sao không áp dụng cùng hình phạt cho các vụ việc.]
o        Không, vì có liên quan đến nhiều hoàn cảnh khác nhau.
o        Có, cả ba vụ việc điều có người tốt và kẻ xấu, những kẻ tạm gọi là phản diện cần bị phạt vì đã làm việc xấu. [Đây không phải là sự đánh giá về vụ việc.]
- Không trả lời hoặc thiếu.
Câu hỏi 4: VỊ QUAN TÒA CÔNG TÂM                              R12Q04 - 0  1  9                           
Nội dung chính của câu chuyện là gì?
A. Những tên tội phạm chính
B. Công lý sáng suốt.
C. Người trị vì giỏi.
D. Mưu mẹo thông minh.
VỊ QUAN TÒA CÔNG TÂM: HƯỚNG DẪN MÃ HÓA CÂU HỎI 4
Mức tối đa: B. Công lý sáng suốt.
Không đạt: Câu trả lời khác hoặc không trả lời
Câu hỏi 5:  VỊ QUAN TÒA CÔNG TÂM                            R12Q05 - 0  1  9
Với câu hỏi này, em cần so sánh giữa pháp luật và công lý ở đất nước mình với pháp luật và công lý nêu trong câu chuyện.

Trong truyện này, những tên tội phạm đã bị pháp luật trừng trị. Còn điểm gì TƯƠNG ĐỒNG giữa pháp luật và công lý ở nước của em với pháp luật và công lý trong câu chuyện này?
......................................................................................................................................         
Trong truyện, vị quan tòa đã phạt mỗi tên tội phạm 50 roi. Ngoài các hình thức tuyên phạt, có điểm nào KHÁC giữa pháp luật và công lý ở nước của em với pháp luật và công lý thể hiện trong câu chuyện này?
......................................................................................................................................         
VỊ QUAN TOÀ CÔNG TÂM:  HƯỚNG DẪN MÃ HÓA CÂU HỎI 5:
Nội dung trả lời về sự tương đồng
Mức tối đa: Mô trả sự tương đồng. Cho thấy sự hiểu biết chuẩn xác về câu chuyện. Cách so sánh với đặc điểm của hệ thống luật pháp quốc gia rõ ràng hoặc dễ hiểu. Không nhất thiết phải thể hiện kiến thức hiểu biết chuẩn xác về hệ thống luật pháp quốc gia, nhưng có kiến thức căn bản về luật pháp trong nước là điều nên có ở thanh thiếu niên 15 tuổi.
·   Phán quyết dựa trên bằng chứng.
·   Hai bên đều được phép kể lại phiên bản sự thật của mình.
·   Bình đẳng trước pháp luật (không kể bạn là ai).
·   Có một quan tòa làm chủ tọa.
·   Các vụ việc tương tự đều nhận hình phạt giống nhau.
·   Những người tại tòa nhận phán quyết dựa trên nhiều bằng chứng thu nhận được.
·   Mỗi người đều được nói.
·   Họ được đến tòa để phát biểu về kết quả.
·   Hệ thống pháp lý trong câu chuyện này đều có một người công tâm đứng ra quyết định sự thật, đó là quan tòa.
·   Hệ thống tòa án.
·   Lý lẽ của các bên đều được lắng nghe.
·   Ở hệ thống nước em, thẩm phán cũng là những người cần phải sáng suốt và công tâm. [Đánh giá xác đáng, thể hiện sự hiểu biết chuẩn xác về câu chuyện.]
Không đạt:
- Câu trả lời khác, không liên quan, không chính xác và mơ hồ.
o        Không biết đúng sai.
o        Ngay cả các lãnh đạo quan trọng cũng có thể bị hầu tòa.
o        Hình phạt.
-      Không trả lời
Nội dung trả lời về sự khác biệt
Mức tối đa: Miêu tả một điểm khác biệt. Cách so sánh với đặc điểm của hệ thống luật pháp quốc gia rõ ràng hoặc dễ hiểu. Không nhất thiết phải có kiến thức chuẩn xác về hệ thống pháp luật trong nước. (Thí dụ, có thể chấp nhận “không có ban bồi thẩm” là “sự khác biệt”). Trau dồi kiến thức căn bản về luật pháp trong nước là điều nên có ở thanh thiếu niên 15 tuổi.
·         Không có luật sư.
·         Vị thẩm phán đích thân điều tra sự việc.
·         Tiến hành nhanh chóng, trong khi các phiên tòa hiện đại thường mất vài tuần.
·         Không có ban bồi thẩm; dường như không có cách kháng án.
·         Hình phạt khắc khe hơn nhiều. [Nhận xét định lượng về mức phạt]
·         Áp dụng cùng một hình phạt không kể loại vụ việc.
·         Hội đồng gồm có 12 quan tòa – gọi là bồi thẩm đoàn– thay cho một vị quan.
·         Không có luật sư hoặc người bào chữa.
·         Không có bằng chứng cụ thể.
·         Lời nói của quan tòa là phán quyết cuối cùng.
·         Ở nước em thực hiện xét xử trong phòng xử án.
·         Các vị quan tòa không áp dụng “các cuộc kiểm tra” nhỏ như vị quan trong câu chuyện.
·         Câu chuyện có một vị quan công tâm. [Nêu rõ hoặc ẩn ý về hệ thống pháp luật quốc gia. Câu trả lời phù hợp với sự hiểu biết chuẩn xác về câu chuyện.]

Không có điểm
- Câu trả lời khác, không liên quan, không chính xác hoặc mơ hồ.
·         Hình phạt.
·         Mô típ cũ.
·         Hệ thống tòa án.
·         Không áp dụng phạt đòn roi. [lạc đề.]
·         Kết quả, phán quyết.
·         Không đội tóc giả.
- Không trả lời.
Câu hỏi 6: VỊ QUAN TÒA CÔNG TÂM                             R12Q6 - 0  1  9
Tên nào chính xác nhất sau đây mô tả câu chuyện này?
A. Câu chuyện dân gian.
B. Câu chuyện du lịch.
C. Ghi chép lịch sử.
D. Thảm kịch
VỊ QUAN TOÀ CÔNG TÂM : HƯỚNG DẪN MÃ HÓA CÂU HỎI 6
Mức tối đa: A. Câu chuyện dân gian
Không có điểm: câu trả lời khác hoặc không trả lời.

TÀI LIỆU PISA