Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

332/ CHÙM THƠ MỚI - Huệ Triệu


Nhà thơ HUỆ TRIỆU
     
THÁNG BA

Bến quê thổn thức giấc quê
Hoa xoan nghẹn cả lối về… tháng Ba
Đầu sông, ngồng cải mưa hoa
Cuối sông, nắng thắp la đà mặt sông

Tuổi thơ ngầy ngật gió đồng
Củ khoai mọc cả cầu vồng trong mơ
Bến xưa tóp bụng con đò
Chị ngồi giặt áo cá cờ cọ chân

331/ BẤT AN

 - Nhật Quỳnh

              

Ta chờ nhau
cuối con đường lá mục
đã lưng chừng xuân
lá vẫn rơi
nhọ nhem phố
nhọ nhem những khuôn mặt người

Nơi hành lang bỏ hoang
người đàn bà xách lồng đèn đỏ
nghêu ngao hát một khúc hát
rao bán linh hồn và thể xác

Vài ba đứa trẻ côi cút gầy gò
ôm nhau trong góc tối ẩm ướt
trằn trọc giữa giấc ngủ
chúng đã bị đời khước từ ngây thơ
nhập cuộc mưu sinh

Quán cóc nghiêng khi anh thợ hồ thất nghiệp tợp từng ngụm rượu
thi thoảng lại cất lên tiếng cười ai oán
anh hận đời
hận người
cuộc sống đã thắt nút trước anh
khi gã thầu xây dựng với khuôn mặt bê tong chai lì hơn vôi vữa quẳng cho anh
xấp tiền bé mọn

Tấm vé số ông lão mù bỗng nặng trĩu trên tay em
nặng hơn ngàn trang bản thảo…

Có những sự thật luôn cong vênh khi phố về đêm
giữa khoảng trống ánh đèn xanh- đỏ
có sự thật luôn làm ta bất an
như em đã bất an khi chờ anh cuối con đường bấp bênh tình ái
vẫn vẽ tô ánh mắt hạnh phúc
nét ngọt ngào lên khuôn mặt
kỳ vọng những giá trị tình yêu nở hoa cho đời sống mới
và ước mơ không thể lụi tàn
vậy mà
vẫn bất an!


NHẬT QUỲNH


Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

331/Giải tỏa nỗi lo đổi mới đề thi tốt nghiệp Ngữ văn

Giải tỏa nỗi lo đổi mới đề thi tốt nghiệp Ngữ văn

Giải tỏa nỗi lo đổi mới đề thi tốt nghiệp Ngữ văn
GD&TĐ - Trước những thông tin mới về đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn năm nay, nhiều ý kiến tán thành nhưng cũng có không ít thể hiện băn khoăn, lo lắng.

330/Bàn thêm về “đề mở” trong kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn

Bàn thêm về “đề mở” trong kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn
GD&TĐ - “Đề mở” đã trở thành đề tài nóng không chỉ với môn Ngữ văn mà với các môn khoa học xã hội và nhân văn khác. 
Thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW, ngày 6/3/2014 Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch số 103/KH-BGDĐT về việc tổ chức hội thảo “Đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập môn Ngữ văn trong trường phổ thông”. 
Hội thảo nhằm nghiên cứu cơ sở lý luận và xây dựng kế hoạch triển khai việc đổi mới phương thức kiểm tra đánh giá kết quả học tập môn Ngữ văn ở trường phổ thông theo định hướng phát triển năng lực người học với cách thức xây dựng đề thi/kiểm tra và đáp án theo hướng mở; tích hợp kiến thức liên môn; giải quyết vấn đề thực tiễn.
Để chuẩn bị cho Hội thảo (dự kiến được tổ chức tại Hà Nội trung tuần tháng 4/2014), báo Giáo dục và Thời đại giới thiệu một số bài thảo luận về vấn đề nêu trên. 
Xin mời các ý kiến trao đổi, góp ý cho bài viết này gửi về các địa chỉ sau: nthoan@moet.edu.vn; 
ttkdung@moet.edu.vn; 
pthien@moet.edu.vn  
Trân trọng cảm ơn!  
Những năm gần đây, dù còn không ít vấn đề cần bàn về chương trình - sách giáo khoa môn Ngữ văn, phương pháp dạy học Văn, công tác đào tạo - bồi dưỡng giáo viên Ngữ văn, dư luận đã có những đánh giá tích cực về việc đổi mới trong kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn, đặc biệt là vấn đề “Đề mở” trong kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn.
Từ các chuyên gia đầu ngành, người làm công tác quản lý, chỉ đạo chuyên môn đến giáo viên trực tiếp đứng lớp, từ phụ huynh đến học sinh… đều đóng góp tiếng nói riêng của mình về vấn đề này: Đề và việc rèn luyện năng lực viết sáng tạo (PGS.TS Đỗ Ngọc Thống), Đề mở trong làm văn (GS.TS Trần Đình Sử), Đề mở và đổi mới phương pháp dạy học Ngữ vănĐề “mở ép”, bài thi “thảm họa”...
Điều đó càng chứng tỏ “vị trí số một của môn Ngữ văn” như phát biểu của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển tại Hội thảo Quốc gia về dạy học Ngữ văn. 
Nói như thế không có nghĩa là trước đây, trong kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ, cũng như trong những kỳ thi Quốc gia, kể cả thi tốt nghiệp THPT và thi học sinh giỏi, môn Ngữ văn chỉ có những đề đóng, không có đề mở.
Thực tế cho thấy, có rất nhiều đề văn hấp dẫn, kích thích được hứng thú và khả năng sáng tạo của học sinh: Một bài học ý nghĩa mà cuộc sống đã dành cho em; Vai trò của đồng tiền trong cuộc sống…
Tuy nhiên, công bằng mà nói, những đề như thế không nhiều. Bởi vậy, kể từ khi xuất hiện tiếng nói đầu tiên về “đề mở”, đến nay đã có cả một luồng dư luận bàn về đề mở trong kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn.
“Đề mở” đã trở thành đề tài nóng không chỉ với môn Ngữ văn mà với các môn khoa học xã hội và nhân văn khác như: Lịch sử, Địa lý… 
Và như thế, rất cần thống nhất: thế nào là đề mở, độ mở đến đâu thì có thể chấp nhận được, với đề mở đáp án cần mở như thế nào…
Từ việc rà soát, hệ thống lại những đề Văn được đánh giá cao trong những kỳ kiểm tra/thi gần đây, có thể thấy, ngoài câu hỏi mở xuất hiện trong đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2008 - 2009 trở lại đây (Phát biểu về tác dụng của việc đọc sách,Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội, Suy nghĩ về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam,…), đề mở môn Ngữ văn chủ yếu được phát hiện thông qua những “bài văn lạ” được đăng tải trên báo giấy hoặc báo điện tử. 
Đề mở trở thành nguyên nhân đầu tiên lý giải sự thành công của những bài viết đó. Rằng nếu không có những đề Văn như thế sẽ không có những bài văn gây “sốc” đến thế, những bài văn đi từ trái tim đến trái tim như thế! (Bài viết của em Hà Minh Ngọc, Nguyễn Trung Hiếu…). 
Ở những đề bài, những câu hỏi được xem là mở đó, không thấy xuất hiện một nhân vật, một tác phẩm văn học cụ thể nào trong chương trình và sách giáo khoa phổ thông, cũng không yêu cầu học sinh phải thực hiện một thao tác nghị luận cụ thể nào…
Nghĩa là, đề mở rất thoáng. Khác với đề bài truyền thống, đề mở không có “mệnh lệnh” chỉ rõ, không bó buộc, khuôn đúc bài viết của học sinh ở một dạng, một kiểu bài, một hoặc một vài tác phẩm thuộc một giai đoạn, một thời kỳ văn học nhất định.

Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

329/ KỊCH BẢN PHẦN DỰ THI: CHÀO HỎI THÔN KHÁNH THỊNH

            Cả đội cùng đi ra 



Chị  Mai hát:
Hờ hơ, hò  khoan là hố hụi hò khoan hờ...
À ơi. Ngày hội xã ta vui tổ chức,
         Hân hoan mừng các đội về đây
         Mấy  năm mới có một ngày.
         Giao lưu học hỏi  đong đầy yêu thương

Chị  Trâm hát:
         À ơi . Nghe lời ai hát ngân nga    
         Khánh Thịnh quê mẹ đậm đà thương yêu
         Cải lương, hát dặm, hát chèo...  
         Ai mà có khiếu thì  mời tham gia  
      Khoan hố hụi là hò khoan  (Cả đội hát )  

Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

326/ THAM LUẬN THI ĐUA

  
           Kính thưa quý vị đại biểu lãnh đạo.Thưa hội nghị.
          Hôm nay, tôi rất lấy làm vinh dự khi được dự buổi Hội nghị Tổng  kết phong trào thi đua yêu nước huyện Phú Ninh năm 2014 và rất  cảm ơn quí lãnh đạo đã cho phép tôi được trình bày tham luận về vấn đề “Dạy tốt và tận tụy với  học sinh”.  
           Kính thưa quý vị
          Là người con của vùng đất Phú Ninh, tiếp bước bao thế hệ thầy cô, tôi lại được về đây kế tục sự nghiệp trồng người. Đã 24 năm trong nghề. Hạnh phúc lặng thầm theo năm tháng. Năm 2013 đi qua ghi dấu một chặng đường trong hành trình của nghề dạy học. Tuy không ít vất vả nhưng tôi cảm thấy ấm lòng khi trái tim và khối óc hãy còn nhiệt huyết vì đàn em thân yêu. Cảnh ngộ riêng của gia đình quả thật còn nhiều nỗi khổ tâm và  vất vả. Công tác ở nơi mới- trường THCS Nguyễn Hiền với  nhiệm vụ giảng dạy các lớp chất lượng cao (lớp 8 và 9, bồi dưỡng học sinh giỏi 8, 9) ban đầu  không ít những khó khăn, bỡ ngỡ vì đường xa, nhiều nội dung soạn giảng, yêu cầu nâng cao…Nhưng  rồi tôi đã tìm thấy sự an tâm, niềm vui ở chính công việc. Bởi sự quan tâm ưu ái của các cấp lãnh đạo, sự động viên, gần gũi, tận tình của Ban giám hiệu, sự giúp đỡ của các thầy cô . 
          Và từ những cố gắng nỗ  lực của bản thân, tôi xin phép được chia sẻ những  gì đã làm trong vấn đề “Dạy tốt tận tụy với  học sinh” cùng quí vị.
         Trước hết là tôi tranh thủ sự giúp đỡ của các thầy cô đồng nghiệp,sự  quan tâm của lãnh đạo Huyện, Phòng giáo dục;  của nhà  trường, của hội phụ huynh; . Bởi đây là nguồn động viên lớn lao về mọi mặt  để tôi thực hiện  nhiệm vụ.  
          Thứ hai là niềm đam mê nghề nghiệp, sự tận tụy với công việc.Tôi  yêu mỗi giờ lên lớp và luôn tìm tòi  nghiên cứu để bài giảng cũ mà tiết dạy vẫn mới khơi gợi niềm hứng thú ở học sinh.Tôi luôn tự hỏi mình còn có những hạn chế nào trong cách dạy, trong lối  truyền đạt kiến thức và luôn lắng nghe những thông tin phản hồi từ các em để dần dần khắc phục để hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục. Dẫu hoàn cảnh gia đình luôn bận rộn vì con thường xuyên đau ốm, tôi vẫn đến  lớp đúng giờ. Khi  nhận các nhiệm vụ nhà trường và tổ phân công trong việc hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động dự thi:Thuyết trình văn học, thi Sáng tác trại hè, thi Kiến thức liên môn… tôi luôn làm hết mình và sẵn sàng tạm gác việc gia đình để dành  thời gian cho công việc chung.