Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2015

334. BÀI DỰ THI HÙNG BIỆN “CÂU CHUYỆN TÌNH HUỐNG ĐẠO ĐỨC, PHÁP LUẬT” : VIỆC LÀM CHO NGÀY MAI



 Bài đạt  giải ba cấp tỉnh 


Bé Bùi Thì Thanh Kiều trường THCS Lê Qúi Đôn
đai diện cho trẻ thơ Phú Ninh đứng đầu hàng bên trái 
                           
I . Giới thiệu câu chuyện: Việc làm cho ngày mai .

   I . Giới thiệu câu chuyện: Việc làm cho ngày mai .
  Khi những cơn mưa đầu mùa trút xuống, cái se lạnh của đất trời gợi cho ta sự rét buốt của mùa đông dài phía trước. Lúc ấm áp trong chăn ấm, nệm êm, bạn có nghĩ đến những bạn bè cùng trang lứa đang co ro trong tấm áo mong manh bởi hoàn cảnh còn nghèo khó? Bạn có nghĩ đến những vùng núi cao còn chìm trong mưa tuyết lạnh lẽo, tái tê? Bạn ơi, có phải ta giữ trong tay mình quá nhiều kẹo ngọt, để rồi đứng ngẩn ngơ trước những điều có thể ngọt ngào hơn? Và bạn ơi, ta giữ trong mình chiếc gông cùm của sự ích kỉ, hẹp hòi để rồi lê bước trên đường đời với cái vết xướt của chính mình mà chẳng một lần sẻ chia, rung cảm hay nhìn thấy những vết thương to lớn hơn của những người khác? Có bao giờ bạn nhận ra sự thờ ơ, vô cảm ở chính mình? Bạn có tin rằng chỉ có dòng sông yêu thương mới có thể thắp lên những chồi xanh trong tâm hồn khô khan, cằn cỗi? Vì lẽ ấy, câu chuyện “Việc làm cho ngày mai” em kể sau đây mong rằng sẽ gợi nhắc trong mỗi  bạn nhỏ chúng ta thông điệp về tình yêu thương, niềm tin, chia sẻ và lẽ sống hành động “vì mọi người”
II . Nội dung câu chuyện:
         Trường Lan tổ chức lễ tổng kết phong trào "Người tốt, việc tốt” trong học sinh. Một cậu bé nhỏ nhắn, trong bộ đồng phục rộng hơn kích cỡ bước lên bục. Đó  là Nguyễn Văn  Long lớp 7/1, một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt: mồ côi cha mẹ, sống với bà đã già yếu. Thế nhưng Long đã vượt khó, học giỏi, đạt giải cao trong kì thi huyện. Long lại luôn giúp những bạn học yếu để cùng tiến bộ ”. Lan vô cùng ngạc nhiên bởi không thể tin trước mắt là cậu bé mà Lan đã từng gặp hai lần.
        Chả là tuần trước khi ngồi cùng mẹ trong quán ăn thì Lan gặp một bà cụ lụm khụm đội cái nón lá cời, mặc bộ đồ cũ rách, giọng yếu ớt rao bán  chè đậu xanh. Có một cậu bé  bê mủng giúp bà cụ. Nhìn cái dáng gầy gò, da đen nhẻm, vai mang chiếc túi sờn rách, Lan nghĩ: “Chắc là bán vé số chứ gì”, rồi bĩu môi: “Lại thêm đứa cháu cũng xác xơ”.
Khi mẹ bảo Lan mua chè giúp bà, Lan đã đưa tiền cho cụ nhưng không thèm đưa tay lấy gói chè run run từ tay cụ.
- Thôi, khỏi đưa chè cũng được.
          - Con cảm ơn cô và chị - Cậu bé lí nhínhưng chúng tôi chỉ bán chứ không xin đâu ạ.
          Nói rồi, cậu để tiền lại trên bàn. Lan liếc bằng nửa con mắt, rồi mai mỉa:
 - Đã nghèo mà còn sĩ diện! Họ đen đủi, bẩn thỉu thế làm sao ăn được hả mẹ. Mẹ mua nước suối cho con được rồi.
          Lúc ấy, Lan đã bị mẹ răn cho một hồi: “Sao con lại không cảm thông thấu hiểu để rồi biết thương yêu cậu bé, kính trọng bà lão, lại nói những lời như vậy?” Lan chỉ biết phùng mặt và nghĩ: “Lại là những bài học cũ mèm”.
Và hôm qua đây, khi đi về ngoại, Lan đang loay hoay chực khóc vì  chiếc xe đạp điện bị ngã xuống mương nước. Lan chưa tìm được người giúp thì cậu ta từ đâu chạy lại, cố sức kéo chiếc xe lên giúp Lan, rồi vội đi. Mà Lan thì chưa kịp nói lời cảm ơn. Giờ đây nghĩ lại vừa cảm thấy xấu hổ, hối hận vừa cảm phục Long. Những suy nghĩ cứ ùa về, những tình cảm mà bấy lâu nay Lan chưa bao giờ nghĩ đến. Lan nhận ra sự kiêu căng, tự cao về gia đình khá giả của mình mà luôn chê bai, khinh thường những bạn bè nghèo khổ. Lan cố kìm chế cảm xúc mà sao sóng mũi mình cay cay.
           Một tuần sau, trong giờ học công dân bài  Quyền được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục của trẻ em Việt Nam, cô giáo nhỏ nhẹ:
         - Các em ạ! Long xin nghỉ học dài ngày để chăm sóc bà bị tai biến nặng đang nằm viện. Bạn ấy đã không có điều kiện để hưởng những quyền của trẻ thơ như các em. Bài học hôm nay gợi cho em  suy nghĩ, hành động gì về quyền và bổn phận từ bản  thân mình và từ tình cảnh của Long?
         Cả lớp lặng đi. Lan nghĩ: “Mình thật may mắn biết bao khi được  ba mẹ cưng chiều. Nào là điện thọai, máy tính bảng, xe đạp điện…lại được  dẫn đi chơi bất cứ nơi nào mình thích…Ừ, mình là trẻ em thì mình có quyền được hưởng chứ? Nhưng sao mình  học càng ngày càng tệ? Còn Long thì ngược lại…Tại sao mình cô tâm đến mức không thấu hiểu sự nhọc nhằn và  hy sinh của ba mẹ, sự tận tụy của thầy cô để nỗ lực hơn? Ôi! Câu nói của mẹ “Biết nghĩ cho người khác thì mới có thể sống tốt được con à” và của cô giáo nữa: “Hạnh phúc nhận về là biết cho đi”. Mình có lỗi nhiều quá...” Lan mạnh dạn đưa tay phát biểu– điều mà em ít khi làm:
  -Thưa cô, tình cảnh của Long thật tội nghiệp. Chắc chắn bạn ấy rất muốn được đi học vậy mà phải nghỉ học dài ngày. Chúng em cần góp quà, góp công sức để động viên bạn ấy có điều kiện đến trường ạ! Và em cũng chưa xứng đáng với quyền và bổn phận của trẻ em nên cần cố gắng hơn nữa ạ!
    Cả lớp ngỡ ngàng rồi đồng loạt vỗ tay.Cô trìu mến nhìn Lan, khen em rất nhiều.
         Trên đường đi học về, Lan nghĩ mình đâu “có ý nghĩ tích cực, biết yêu thương chia sẻ, giúp đỡ mọi người” và không lý gì “được tuyên dương dưới cờ cho cả trường hưởng ứng” như  lời cô đâu. Lan nghĩ đến mẹ, mẹ sẽ rất vui. Rồi Lan tưởng tượng ra cảnh cùng các bạn đến nhà Long. Lan sẽ nói lời xin lỗi và sẽ làm…sẽ làm rất nhiều việc…
          3. Kết luận và bài học giáo dục:     
         Câu chuyện của Lan cũng là chuyện chung về căn bệnh  vô cảm của không ít bạn nhỏ trong chúng ta phải không nào?  
         Phải chăng cuộc sống hiện đại ngày càng đủ đầy, không ít trẻ thơ như  cô bé Lan được xem là vàng ngọc, là măng non đáng yêu, quen với cuộc sống được vỗ về làm cho cái “tôi” lớn dần trong vỏ bọc ích kỉ. Bệnh vô cảm đã  nhiễm vào lúc nào không hay đã sớm gặm nhấm tâm hồn trẻ thơ  khiến cho một cô bé như Lan đã không hề xúc động, thương cảm trước những mảnh đời khốn khổ, để rồi tỏ thái độ khinh khi, nói ra những lời thiếu tế nhị, tôn trọng với cả người già cả. Không những thế, nó còn làm cho cái ý nghĩ được sung sướng, được hưởng mọi quyền lợi lấn át tất cả. Và rồi, nó khiến cho cô bé trở nên vô ơn. Ở đây, có lẽ Lan không hề biết hành động, thái độ của bạn đã vi phạm điều 21– Bổn phận của trẻ em trong Luật chăm sóc và giáo dục trẻ em: Yêu quý, kính trọng, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; kính trọng thầy giáo, cô giáo; lễ phép với người lớn, thương yêu em nhỏ, đoàn kết với bạn bè; giúp đỡ người già yếu, người khuyết tật, tàn tật, người gặp hoàn cảnh khó khăn theo khả năng của mình. Thế đấy, phải chăng bệnh vô cảm đã đánh mất nét đáng yêu vốn có của tuổi thơ? Làm sao chúng ta có thể trưởng thành khi chỉ biết nuôi dưỡng mầm sống của thói ích kỉ?  Cuộc sống quanh ta rồi sẽ ra sao nếu ai cũng chỉ biết phần mình? Vậy mà đã có không ít những câu chuyện đau lòng về thói vô cảm. Thấy bạn bè bị bạo hành trước mặt, đã không can ngăn, không thương xót mà thản nhiên đứng xem, cổ vũ, rồi quay clip tung lên mạng xem như một chuyện hay, li kì. Thật đáng xấu hổ! Lại có chuyện một cô bé chỉ biết nằng nặc đòi mẹ mua chè khi mẹ đang loay hoay với đống trái cây vừa bị đổ tung tóe giữa đường phố, trong khi mọi người đang vội nhặt hộ. Rồi một bạn trẻ đã suýt giết cả người  bà yêu quí của mình chỉ vì bà không cho tiền đi chơi gaem... Vô cảm đã làm cho con tim vốn ấm nóng tình người dần trở nên băng giá đến thế đó. Ôi! Có cái chết nào đau đớn bằng cái chết trong tâm hồn bởi đó là cái chết thật của người vô cảm vẫn còn đang sống.
           Nhưng bạn có tin là thói vô cảm dẫu hoành hoành tai hại đến đâu cũng phải cúi đầu trước sức mạnh diệu kì của  tình thương bao la, ấm áp không? Tình thương ấy có từ tấm lòng thơm thảo của cậu bé Long đó các bạn à! Dẫu cuộc sống bất hạnh đầy những vất vả, lo toan cũng không hề khiến cho bạn ấy trở nên lạnh lùng, vô tâm. Mà ngược lại…Trái tim biết sống hết mình vì bà, vì mọi người đã giúp Long  có nghị lực để học tốt, biết giúp đỡ bạn bè và cả cô bé xa lạ đã từng xúc phạm, khinh khi  bà cháu mình bằng cả tấm lòng vị tha, bao dung. Không những thế, tình yêu thương còn có ở lời dạy bảo nhẹ nhàng của người mẹ, ở tổ ấm học đường thân thiện và ở chính người cô qua những tiết công dân giàu bài học làm người. Tất cả đã giúp cho một cô bé vô tâm đã biết day dứt, nhận ra lỗi lầm và quyết tâm thay đổi. Thật thú vị khi ta tưởng tượng thêm phần kết của câu chuyện. Cái Lan của ngày mai không còn là cái Lan của ngày hôm qua nữa. Bạn ấy không những đã biết sống xứng đáng với  những gì mình được hưởng mà còn biết  giúp bạn vượt qua khó khăn để thực hiện ước muốn được học hành. Thế đấy! “Tình yêu thương mở cửa đi ra từ trái tim và trở về rung động bởi trái tim”. 
          Bạn có tin, xung quanh ta cũng luôn có những mạch nguồn yêu thương không ngừng chảy? Từ những “địa chỉ từ thiện”, chương trình “trái tim cho em”, “lục lạc vàng” được phát sóng hằng ngày trên các chương trình truyền hình, biết bao “tấm lòng vàng” giúp  cho những mảnh đời gặp tai ương, hoạn nạn vươn lên sống tốt, những ước mơ giản dị được chắp cánh vào đời. Qủa đúng là.
                      Có gì đẹp trên đời hơn thế
              Người yêu người, sống để yêu nhau. 
                                                        (Tố Hữu)
           Nhưng để cho cuộc đời đẹp hơn mình và bạn cần học lẽ yêu thương như thế nào?              
            Bạn ơi! Mùa đông đến, cái lạnh, cái giá rét ùa về. Cái lạnh của đất trời cũng tràn ngập mọi nơi. Nhưng những điều ấy không đáng sợ bằng cái lạnh giá từ trong tâm hồn mỗi người phải không bạn? Nếu bạn không giữ ấm lòng mình, bốn mùa sẽ chỉ còn là mùa đông lạnh lẽo.
          Vậy nên, bạn ơi, biết giữ mình ấm áp, biết tin yêu và mở rộng lòng, thấu hiểu, cảm thông, sẻ chia với mọi người thì tình yêu thương mới lan tỏa, hạnh phúc mới dâng tràn.
          Và hãy “Thương người như thể thương thân” dù mình là “lá rách”;  yêu thương “để gió cuốn đi” thật nhẹ nhàng; yêu thương sao cho xứng đáng với quyền và bổn phận của trẻ thơ đối với những gì cuộc đời trao tặng.
          Nào! Hãy thay đổi cùng Lan từ lời nói đến việc làm để cùng cảm nhận niềm hạnh phúc từ chính tâm hồn mình các bạn nhé!


          

Bùi Thị Thanh Kiều Lớp 7/1 –Trường THCS Lê Quí Đôn, Đơn vị: Phú Ninh

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

332/ Ở NƠI ĐÓ


                                           
Cảm ơn em - cô học trò đáng yêu - đã chia sẻ cùng cô truyện ngắn em sáng tác.

Bài đã được đăng trên tạp chí Đất Quảng năm 2015

 (Ở nơi đó, những cánh hoa một lần bung nở trên bầu trời mùa hạ...
Có một người đã lớn cứ đau hoài giấc mộng phía lãng du...)


                

Thành phố nhỏ bé quá, hư hao dưới những bóng nắng mệt nhoài. Dòng người vội vã quá, chúng ta mãi trôi đi như vậy, lặng lẽ... Hạ vẫn như thế, những con đường lấp lánh chói mắt, cái nóng vấn vít trong từng cơn gió lòng vòng chật chội, khoảng trời thấp và xanh đôi lần bỗng nhiên im bặt, tôi gọi tên những khoảng lặng mùa hạ, giữa đứt quãng tiếng ve, giữa lưng chừng ngã đường đèn đỏ, giữa đôi mắt dịu một cánh hoa rơi nghiêng... Mùa hạ không thôi nhung nhớ, những điều đã qua...
                Giờ, một chiều hạ bên hiên nắng tàn, úa rũ những gắng gượng mạnh mẽ, chỉ còn lại một bản thể nguyên sơ, yếu đuối khe khẽ nấc, ôm ấp những mất mát cũ kỹ năm nào... Đôi khi, tôi nghĩ chẳng ai có thể thực sự trưởng thành, hay có lẽ họ chỉ tự huyễn hoặc mình như thế, để không phải đau nỗi buồn của xưa kia, để có thể sống cho hiện tại và cả tương lai, tôi thầm ao ước làm được như thế. Nhưng tôi không đủ tỉnh táo, không đủ can đảm để lại rồi đánh mất những mảnh ký ức cuối cùng vào lãng quên, thế nên chỉ có thể lặng im khi nắng hạ ùa về, quật tung những lớp bụi trắng xóa của thời gian trên vết thương tưởng chừng sẽ an yên nằm lại... Ừ, chẳng còn ai ở lại mãi một nơi từng làm mình đau, nhưng tôi ngủ quên đã rất lâu rồi, ngủ quên trong bé dại, một mình...
                Cậu còn nhớ không? T...
                Mùa hạ làm tớ đau, nhưng tớ không thể ghét bỏ nó, vì cậu...
*
*          *
                Góc phố nắng vàng, nắng nghịch ngợm trên mái tóc rối, T. vẫy tay về phía tôi, nhưng mắt không cười, mãi rất lâu sau này, ánh mắt kéo dài suốt bao nhiêu năm chẳng lụi tàn ấy hình như vẫn bí mật nhìn tôi từ một nơi rất xa, xa lắm. Tôi ấy, một cô bé ngốc nghếch, chẳng bao giờ chịu làm cậu an tâm, gió mùa đông lạnh cứ phải đợi cậu nhắc mới quàng thêm khăn, và rồi mùa hạ về lại để cậu thêm bao nhiêu rắc rối. Cái tính ẩm ương kỳ lạ nắng mưa bất chợt cũng như trái tim một đứa trẻ vừa chạm ngõ suy tư. Vậy nên có lúc chạy giữa những trưa nhức nhối nắng, cậu giả vờ giận rồi đội sụp chiếc mũ của cậu lên cho tôi hay khi làm mặt lạnh chìa ra chai nước lúc tôi bảo khát, làm những giấc ngủ tràn ngập nắng hồng của cô bé nhỏ có chút gì đó băn khoăn rất lạ. Nhưng tôi đã vô tư không nhận ra, những rung cảm đầu tiên ấy, dù không đủ mạnh mẽ để làm trái tim phải giật mình nhớ mong, mà lại như bền bỉ gieo xuống một hạt mầm để rồi không bao giờ có thể hóa thành chồi xanh.
                Tôi đã yêu cậu từ bao giờ?
                Năm 10 tuổi... tôi biết mình có cậu...
                Ngày những mất mát đầu tiên xô đến, dữ dằn và khoét đi một khoảng trống sâu hoắm tuyệt vọng, rằng sự ra đi của một người thân thuộc là quá lớn. Cậu ôm tôi bằng một bờ vai còn run nhè nhẹ khi tôi dụi đầu lau nước mắt tèm lem, cậu bảo, đừng lo không còn ai ở bên, cậu sẽ luôn có tớ. Và tôi đã có cậu suốt những năm tháng tuổi thơ vô tình sứt vỡ vài góc ấy. Một tuổi thơ không hoàn hảo, nhưng tôi đã sống tốt, vì cậu ở đó. May sao mà có cậu. Khi ấy, hình như một cơn mưa mùa hạ rơi lao xao ngoài ngõ...
                Năm 13 tuổi... tôi biết mình cần cậu...
                Tôi nghĩ mình có gì đó không ổn, mẹ đưa tôi đến bệnh viện, vị bác sĩ tóc điểm bạc đã nói gì đấy và bà rất buồn, từ đó, ngày nào tôi cũng phải uống những viên thuốc đủ màu bên cốc nước lọc trong veo. Đôi khi tôi bật cười nhìn những viên thuốc bọc đường, nó vẫn đắng thế, chẳng ai uống thuốc được dễ dàng như ăn kẹo cả, tôi thấy một lời phủ nhận ráo hoảnh của con người về sự thật. Sự thật là điều gì đó tàn nhẫn và người ta không muốn chấp nhận. Nhưng tôi càng không muốn lừa dối bản thân, trái tim tôi không bình thường như bao người may mắn khác, nó quá bé nhỏ vì chút sai sót nào đó phải có của tạo hóa ngay từ khi sinh ra. Tôi cố đánh lừa cảm giác của mình khi ở bên cậu, rằng tôi vẫn ổn, để lại được vui đùa, chạy loanh quanh theo cậu khắp nơi. Nhưng tôi chẳng giấu được lâu. Những bước chạy nhiều lần khiến tôi hụt hơi, tiếng gọi cậu có khi nghe giọng lạc đi. Đồ ngốc, mệt thì phải nói ra chứ. Tớ có mệt gì đâu, cậu nói gì thế? Cậu nghĩ tớ là đứa ngốc sao? Tớ khỏe thật mà, nhìn này... Và con bé hậu đậu là tôi ngã ngay trước mặt cậu, vì dẫm lên dây giày, khó nhọc từng hơi thở không dám nhìn cậu, nước mắt trào ra không tiếng động. Cậu cõng tôi cả quãng đường dài về nhà, không nói gì nhiều, chỉ có khuôn mặt nhìn nghiêng lòa xòa xuống vài sợi tóc lộ ra vẻ lo lắng. Dưới bầu trời mùa hạ, chẳng hiểu sao tôi lơ đãng nhìn mà không thấy mây trôi, hàng cây hai bên đường nghiêng nghiêng đổ bóng dài trong nắng chiều, còn cả một quãng đường xa phải đi, tôi gục đầu trên tấm lưng ướt nhòe. Hôm đó, gió mùa hạ ngừng thổi vị khô nồng, ngưng đọng lại khoảnh khắc mong manh...
                Cảm ơn cậu...an yên...
                Có lẽ T. sẽ chẳng bao giờ biết đâu, nhưng tôi đã muốn mãi là đứa trẻ ngoan, được cậu ở bên nhắc mình phải làm gì là đúng, như cách cậu vẫn dịu dàng ngay cạnh, cùng tôi xuyên qua những chếnh choáng mùa hạ. Như cách cậu với người tới trước đóng cửa xe, kéo rèm xuống che cho tôi khỏi những tia nắng chiều trôi xiên khắp không gian. Nhưng cậu đã chưa bao giờ chú ý đến, thứ tôi vô thức với tay đón lấy không phải là cơn gió đầy bụi làm tôi phải cúi đầu ngăn tiếng ho khan khiến cậu lo lắng, mà là những cánh hoa trắng nhỏ xíu bay tung ngược chiều gió nơi góc đường nào đấy. Cậu không thấy sao, chúng đã ở đó, trắng muốt, tinh khôi, lạc lõng, rơi xuống êm lạ lùng, như cái vẫy tay tràn ngập yêu thương mãi mãi không phai tàn, như sự dựa dẫm đã kéo dài thành một thói quen không thể thay đổi trong trái tim cô gái nhỏ. Nhưng cuối cùng, cái buông tay huyền bí thinh lặng mà tàn nhẫn đến tuyệt vọng được dửng dưng mặc định sẵn ấy, nó tước đoạt đến những hạt bụi hạnh phúc cuối cùng mà tớ cố níu giữ. Tớ muốn giữ vẹn nguyên những dao động của chiếc lá khẽ rung trước gió, tớ muốn lưu lại những vệt nước mau khô trên mái ngói đỏ, tớ muốn một lần nữa nhìn thấy hai chiếc bóng song song cùng bước, trong những giấc mơ...
                Khi tớ nói đó là lần cuối cùng tớ thấy mình hạnh phúc, cậu có tin không? Ngày cuối cùng của mùa hạ tuổi 18 đầy mộng mơ gánh theo bao ảo tưởng miên man nhớ, tôi đã tin mình hạnh phúc. Vì một chiều biển lộng gió như vùi tan nước mắt...
                Thả tay, một cánh hoa sẽ bay đi.
                Bay đi...
                Nắm chặt tay, một cánh hoa vẫn bay đi.
                Vĩnh viễn...
*
*          *
                Có lẽ, cậu sẽ hiểu nỗi chới với không mộng mị của một cánh hoa cố bay ngược trong cơn gió xoáy vô tình hơn tớ, nhưng tớ có thể đoán, được mà. Có phải sự vội vã của nó cũng không quá đáng sợ và sự tàn nhẫn đó thật ra cũng không quá đau? T. của tớ sẽ không hoảng loạn đâu, vì cậu mạnh mẽ hơn những cánh hoa kia, rất nhiều, những cánh hoa trắng bay ngang mép tuổi trẻ. Tớ biết, cậu đã bình thản chấp nhận như thể khép mắt chẳng níu giữ trên từng ngón tay dài điều gì nữa, cậu để lại tuổi trẻ như một vì sao băng đầy bụi sáng lướt qua những bóng mây vần vũ đêm không trăng. Nhưng làm sao tớ có thể vờ như không hiểu, giây phút ấy cũng đầy tràn nuối tiếc, nuối tiếc hơn cả nỗi mong chờ của tớ, lúc này, cứ dần dâng lên xuyên qua từng ngày hạ còn vương vãi ở lại. Yêu thương thuần khiết, tuyệt đẹp trong tớ vỡ vụn như cát biển đã khô quắt đi vì chờ đợi quá lâu một con sóng không bao giờ còn vỗ nữa. Cậu biết không, vì hình như đã chẳng ai gọi đó là chia ly và sẽ càng không phải là đổi thay... mà trong thoáng chốc nó đã xảy ra để rồi trở thành một mất mát mãi mãi, một xa rời mãi mãi, thế nên tớ sẽ không nói vĩnh biệt, tớ muốn chúng ta lại có thể tạm biệt như những cuộc gặp gỡ rồi một ngày nào đó được bắt đầu lại, dù là ở nơi địa hạt trái tim không mở rộng, phất phơ những điêu tàn niềm tin, vậy thôi cũng đủ. Hay ít ra, cậu cũng sẽ quay về cho tớ ôm một lần mới phải chứ, một lần cuối thôi. Không được thật sao?
                Mưa giông cuối hạ, tưởng như bâng quơ cũng có thể nhìn thấy cả nỗi cô đơn hoang dại của những cơn bão nhiệt đới u hoài cuồng loạn, cứ ghìm chặt nỗi đau vĩ đại của mình đằng sau chấm mắt bình lặng ấy, để rồi cuốn tan theo bao mảnh vụn hạnh phúc thành nhúm bọt biển chớp mắt là vỡ tung, có bao giờ tìm lại được đâu. Và sẽ chẳng ai ở lại neo dừng chút tàn dư ký ức cuối cùng hư hao buông thõng trước lối về tương lai, chẳng ai cả. Khi vầng dương mùa hạ nhẹ rơi trên tán cây màu bạc phía bên kia bầu trời, ừ, nó sẽ khóc, từng giọt bi thương thấm vào mặt đất, như vỡ tung khô nứt, như rệu rã hoang tàn, rồi lại ở trên cao mà quay đầu nhìn xuống tinh cầu xanh chìm dần vào bóng tối ken dày, ngụp lặn trong biển nước mắt vô tận, khi mà ở trong nước, chẳng ai còn nhìn thấy nước mắt bao giờ nữa. Ừ, chẳng ai... Và tôi khóc, có mệt mỏi lắm không, sân bay chiều mưa trút nước chỉ mình cậu bên chiếc vali to đùng, không nặng bằng giấc mơ tương lai mà gia đình gán lên vai cậu. Khoảng không hoang hoải phía trên những ghềnh đá chênh vênh trơn trượt bám đầy rêu của một vùng biển lạnh ngắt và xa xôi. Mùa hạ trên đại dương tưởng chừng an lành bình lặng cũng vô thường run rẩy những con sóng ngầm trồi sụt nhàn nhạt màu và những xoáy gió ảm đạm bám đầy hơi nước ẩm lạnh, vụt qua, quên về. Cậu đã không kể cho tôi, không gì cả...
                Và cậu rời xa tôi, lặng lẽ, lặng lẽ ghê người...
                “... ngày... tháng... năm, một chiếc máy bay gặp sự cố khi bay qua vùng biển vì bất ngờ gặp thời tiết xấu...”
                Những mảng rêu hoen ố buồn vì nắng, bong tróc nơi bờ tường cũ... bạc thếch xót xa ngày tàn hạ, rồi mưa nhẹ nhàng cuốn trôi...
*
*          *
                Những năm tháng sau này thong dong lướt qua thế giới ngoài rèm cửa. Bình lặng, không vội vã. Rất dịu dàng.

*          *
                Tôi đã yêu cậu bao lâu? Tròn 8 năm...
                Đến bao giờ tôi mới học được cánh nắm giữ yêu thương ở lại bên mình? Có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ học được, và sẽ không còn cơ hội để có thể làm điều đó nữa...
                Mùa hạ là nơi bắt đầu, và cũng cuốn trôi theo vòng xoay cuối mùa, tất cả. Mùa hạ rơi, ở nơi giao lộ mùa, tháng bảy, nắng điêu tàn sắp thay màu, mùa thu vừa nhón chân bước lặng lẽ qua thềm. Tớ sẽ nói cho cậu, khi bầu trời trở nên xanh thẳm và cao vợi, khi lá bắt đầu chuyển mình khẽ vàng trên cành, khi cánh đồng dài trĩu hạt còn lại cô độc một mình sau vụ gặt, cậu có chắc là mùa yên bình không? Tớ từng yêu mùa thu, nhưng tớ không thể nào rời xa mùa hạ, mùa của chúng ta. Vì trong không khí còn thoáng mùi ẩm ướt, vì cái nóng vẫn cứ quấn quanh trong gió, và vì... 
                Cậu đã ở lại cùng mùa hạ năm ấy, mãi mãi. Mãi mãi...
*
*          *
                Mưa rào đầu hạ. Mưa từng hạt đan vào trong nắng, tỏa sáng lung linh màu của ảo ảnh, là khi những kỷ niệm từ quá khứ rơi trên vòm lá rồi tan đi mất dấu, vọng lên thinh lặng nỗi nhớ đượm lãng quên từ phía sau màu lam của cầu vồng tháng sáu. Ngày ấy, cậu 18, và cậu cứ ở cái tuổi tròn trĩnh ấy, trẻ mãi. Cùng với ký ức cuối cùng của tôi, về cậu.
                Mùa hạ là những chuyến đi dài, bất tận...
                T. xốc lại chiếc ba lô to xụ trên vai, tay cầm lấy túi xách của tôi, không quay sang trách tôi đến muộn giờ hẹn. Chúng tôi ngồi ở băng ghế vắng, chờ đợi chiếc xe bus đầu tiên chạy trong ngày. Mặt trời vội vã xuất hiện rực rỡ dù chẳng ai chào đón nó vì đương nhiên sẽ phải thức dậy sớm, sương đêm hình như quên mình không còn hiện hữu, mặt đất khô cong, không khí oi nồng từ mới sáng. Cậu đi đôi giày xám đen buộc gọn gàng dây trắng, còn đôi thể thao của tôi thì ngược lại, giày trắng và dây đen. Bỏ qua vài chiếc xe sơn màu chói mắt, chúng tôi lên một chiếc xe nhỏ xanh lá dịu dàng. Vì trong một lúc cao hứng nhìn ảnh đám bạn gửi về, tôi đã kéo kéo tay áo cậu, vờ nũng nịu như một chú mèo con bảo cũng muốn đến một thành phố biển như thế. Cứ tưởng cậu không để tâm, bao lâu rồi lời nói ấy tôi cũng đã quên, vậy mà tối qua, cậu nhắn cho tôi một cái tin, rất muộn. Và giờ thì chúng tôi ngồi bên nhau, đến một vùng biển xa lạ mà cậu chọn, hay ít ra là tôi vẫn tự nhủ mình như thế. Cậu nhường chỗ ngồi duy nhất còn lại trên xe cho tôi, còn mình thì đứng đấy cho đến khi vị khách đằng sau tôi bước xuống bên vệ đường. Ừ thì chúng tôi vẫn cạnh nhau mà, chỉ là cách nhau một chiếc ghế thôi, đúng không.
                Nếu lúc đó, cậu biết tớ nhìn chăm chú đến thế vào tấm kính xe bus trong suốt chỉ là để kiếm tìm bóng cậu tựa đầu trên ghế đệm, mắt nhắm hiền lành phản chiếu sau khung cửa không buông rèm tràn nắng lung linh, hòa với sắc trời thăm thẳm vô định, thì sao nhỉ? Chắc cậu lại bảo tớ ngốc nghếch nữa thôi, ừ, tớ ngốc thật đấy, nhưng cậu biết không, từ lúc đó, cái màu xanh làm bóng cậu nhòe đi ấy, nó sâu hun hút đến nỗi tớ sợ, cái màu xanh ấy, nó ám hồn tớ, suốt đời...


                Gió và nắng, sóng và cát, những tiếng thì thầm xa xôi không thôi vọng lại từ đại dương bao la ngoài kia. Tớ muốn giữ lại những thứ tuyệt đẹp ấy, cậu giúp tớ được không, T.? Nhưng này, chỉ cậu biết thôi, lúc đó tớ không còn nhìn thấy đường chân trời nữa, không còn bất cứ đường cắt nào cả, như tinh cầu nhỏ bằng pha lê biêng biếc xanh trên bàn học cậu tặng tớ ấy, ừm, nhân dịp gì nhỉ? Sinh nhật tớ, có lẽ vậy. Tớ nâng nó trên tay và ngước nhìn, tớ muốn ngăn cách thời gian bằng trong suốt băng lạnh cứ xám dần lại mỗi ngày.
                Biển mùa hạ năm đó, yên bình, cậu có thấy?
                Biển mùa hạ, trong vắt đầy tĩnh lặng, dịu dàng ôm ấp bờ cát trắng, mặc nắng hanh hao khô nhanh cát ướt khi những con sóng óng ánh bạc rút ra xa. Tôi để gió góp nhặt pha hơi muối trong mái tóc dài bay tung, để nắng làm màu váy trắng sóng sánh chảy, nhưng không thể đến gần biển hơn, vì cậu lo cho sức khỏe của tôi, chúng tôi cứ đi dọc bãi biển như thế, lặng lẽ với suy nghĩ vẩn vơ. Cậu cầm giày giúp tôi trong khi tôi mải miết nghịch cát, như một đứa trẻ, tôi vẫn là một đứa trẻ trước những con sóng khó đoán xa bờ. Cái đứa nhút nhát là tôi toàn trốn dưới bóng mây lơ đãng, làm bộ hòa nước mắt vào khoảng tối để chẳng thể nhớ mình đã từng được hạnh phúc như thế nào. Nhưng T. luôn có cách của riêng mình, cậu đưa tôi giữ một cuốn album mỏng không đầy đủ các trang, những bức ảnh tôi nằm trên cát mịn, mỉm cười. Hay vu vơ nắm cát tung ngang tầm mắt. T. lôi từ ba lô ra chiếc máy ảnh cũ lúc nào tôi cũng không hay nữa, nhưng vì cậu là người chụp nên tôi đã chẳng thể có được, dù chỉ là một tấm hình, của cậu, hoặc thảng sẽ chỉ là hai đôi giày màu tương phản đặt cạnh nhau, âm thầm, trống vắng. Có mùa hạ tràn vị mặn, có những bọt nước vỡ tung trắng xóa, có cả tôi hạnh phúc trong khờ dại mà đi qua ngày ấy. Bình thản và

                Tất cả tan theo những dấu chân trên cát ngày triều dâng...
                       
Lê Mai Nhật Uyên -học sinh lớp 11 chuyên văn trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2015

331/ĐỌC LẠI THƠ HAIKU - BASHO

 

         Mộc Nhân

       Dân tộc Nhật Bản có hai thể thơ chính là tanka và haiku.
          Tanka (tức Đoản ca hay còn gọi là Wa-ka hay Hòa ca) với 31 âm tiết, ngắt nhịp theo kiểu: 5-7-5-7-7 và bài thơ tanka sau đây được xem là bài thơ mở đầu cho thơ ca Nhật Bản:
Tám tầng mây dựng
Ở xứ Izumo
Ta làm tám tầng mây xa
Tám tầng mây ấy
Che chở người vợ ta.
          (Bài thơ này tương truyền là của thần Susanoo làm tặng người vợ yêu quý của mình là nàng Kushinada).
          Hay là bài thơ nổi tiếng sau đây:
Đàn nhạn bay về
Cây phong của ta ơi
Đến lượt em rồi đó
Đã sang mùa
Em hãy đổi màu đi.
                            (vô danh)
Còn thơ haiku thì ngắn hơn nữa. Từ haiku theo âm Hán Việt là “hài cú”, cả bài theo thrr thức phổ biến nhất chỉ có 17 âm tiết gồm ba nhịp 5-7-5 (tuy nhiên đôi khi có thể tự do hơn về số tiếng và cả về nhịp) thường được viết trong một dòng để biểu diễn thư pháp hay đề thơ cho các bức họa trong tiếng Nhật; và khi dịch sang tiếng Việt thì được xếp thành ba dòng.  Thơ haiku Nhật là kiểu thơ có nét dung dị đặc biệt, nó là chiếc gương soi rọi linh hồn văn hóa Nhật Bản.
Thơ haiku là một thể thơ có cấu tứ mới lạ, khó hiểu gây ấn tượng mạnh song lại rất gần gũi với những ai muốn tiếp nhận.Chính vì sự ngắn gọn mà thơ Basho hàm súc cao độ, “Sự ngắn gọn của haiku không phải là vấn đề hình thức; haiku không phải là một tư tưởng phong phú rút vào một hình thức ngắn, mà là một sự tình vắn tắt đã tìm ra được hình thức vừa vặn của mình”. Vì thế, thơ haiku có nhiều khoảng trống im lặng không phải vì chật chội mà đó là một đặc sắc nghệ thuật. Sự cô đọng đi vào chiều sâu vào chân không chứ không phải là ý muốn dùng sự ít lời để diễn tả nhiều ý nghĩa khác nhau.
Những bài thơ haiku hết sức cô đọng lại có sức chứa đặc biệt những vẻ đẹp của thiên nhiên. Nghiên cứu giá trị thẩm mỹ của thiên nhiên để thấy được cái hay, cái đẹp và sức hấp dẫn của thơ haiku mà nó còn phản ánh chứa đựng tư tưởng thẩm mỹ vẻ đẹp văn hóa truyền thống của một dân tộc.
Thơ haiku là một thể thơ độc đáo mang phong vị Thiền. Mỗi bài thơ được ví như một chiếc gương soi rọi thiên nhiên của bốn mùa và tâm hồn của nghìn đời.
Thơ haiku là khúc ca của bốn mùa. Mỗi bài thơ haiku đều có quí ngữ (kigo hay từ ngữ báo hiệu mùa). Nội dung thơ cô đọng trong cái cực ngắn. Thơ haiku chỉ miêu tả những cái gì ở thực tại và lặng thinh. Khoảng lặng ấy là “khoảng trống” của “chân không”.
Xét đến cùng thì thơ haiku vẫn đến với mọi người bằng tinh thần Thiền tông đề cao thiên nhiên, đề cao cái đẹp thô sơ, mộc mạc, tầm thường, nhỏ bé nhưng chẳng tầm thường chút nào.
“Một bài thơ haiku có thể chứa ba chiều của vũ trụ. Còn chiều thứ tư để dành cho người đọc” (Nhật Chiêu) hay nhà thơ Paul (Pháp) cũng nói: “Tôi viết nửa bài thơ. Người đọc viết phần còn lại”. Đó là những nội dung mà thơ haiku diễn đạt.
***
Nói đến thơ haiku Nhật Bản không thể không nhắc đến nhà thơ Basho (1644-1694), thiền sư, thi sĩ lỗi lạc, người gắn liền cuộc đời và sự nghiệp của mình với thể thơ haiku.
Thơ haiku Basho là những câu chữ siêu ngắn chứa đựng thiên nhiên của nước Nhật. Là những “tác phẩm kiệt xuất” của người Nhật có giá trị lớn ở nhiều mặt hết sức phong phú và tuyệt mỹ.
Basho là một thiên tài lỗi lạc của Nhật Bản, người đưa thơ haiku lên đỉnh cao thi ca dân tộc và vươn mình ra thế giới. Thơ haiku Basho không chỉ là đại biểu cho thơ ca Nhật Bản mà còn  đại diện cho văn học và văn hóa Nhật Bản.  
Thơ ông không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật giải trí thông thường mà còn là tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước, yêu con người và cuộc sống. Thơ ông là những bài ca dung dị về thiên nhiên con người Nhật Bản. Thiên nhiên trong thơ ông là những bức tranh văn hóa độc đáo đậm màu sắc Nhật Bản.
Bằng tài năng và nghệ thuật của mình, Basho “vẽ” nên những bài thơ haiku giàu hình ảnh nghệ thuật. Trong đó, nghệ thuật miêu tả tượng trưng và liên tưởng, tính đa nghĩa của hình ảnh là đặc trưng nghệ thuật thơ Basho. Trên nền nghệ thuật đó, Basho dùng ngôn ngữ mộc mạc, đơn sơ, hình thức thơ ngắn gọn thấm đẫm cảm thức thẩm mỹ truyền thống tạo nên những kiệt tác cho thơ ca Nhật Bản.

          Bài viết này không có tham vọng nghiên cứu về thơ haiku hay Basho mà chỉ dẫn nhập để cùng bạn đọc đọc lại những bài thơ  đỉnh cao của thơ haiku Basho:
1.
Trên cành khô
cánh quạ đậu
chiều thu.
2.
Ao cũ
con ếch nhảy vào
vang tiếng nước xao.
3.
Nhiều điều xiết bao
gợi hồn ta nhớ
những cánh hoa đào.
4.
Chung một mái trọ
phòng bên những du nữ ngủ
trăng và hoa thu.
                                      5. 
Hãy rung lên, nấm mồ
giọng ta than khóc
là gió mùa thu.
6.
Mưa mù sương
phù dung một đóa
làm mùa lên hương.
7. (Từ thế chi ca).
Đau yếu giữa hành trình
chỉ còn mộng tôi phiêu lãng
trên những cánh đồng hoang.
                                      8.
Những giấc mơ hoa
những cánh đồng cháy rụi
cơn gió thở than qua.
                                      9.
Đã rơi năm nào
tuyết mà ta ngắm
bây giờ lại rơi ?
10.
Tôi vỗ bàn tay
dưới trăng mùa hạ
tiếng dội về ban mai !
11.
Trên bình nguyên
chim Vân Tước hát
xa mọi ưu phiền.
12.
Dòng thác trong
giữa làn sóng bạc
trăng mùa hạ lên.
13.
Hoa đinh hương ơi
những giọt sương sáng
em đừng để rơi.
14.
Đi nữa bạn ơi
ngắm nhìn tuyết đổ
cho dầu ta rơi !
15.
Ôi tiếng ve kêu
thấu xuyên vào đá
trong cõi quạnh hiu.
16.
Tiếng ve mải mê
không hề để lộ
cái chết gần kề.
Thơ haiku là thơ của thiên nhiên bốn mùa. Mỗi bài thơ haiku của Basho đều gắn liền với thiên nhiên. Hình ảnh thiên nhiên gợi lên bao xúc cảm trong ông. Trong mỗi bài thơ, thiên nhiên hiện lên với mọi vẻ đẹp vốn có của nó từ cái ban sơ, mộc mạc đến những gì tinh tú kiêu sa lộng lẫy đầy quyến rũ cũng như sắp đi vào phai tàn và gợi lên những rung cảm sâu xa trong lòng người. Bằng tài năng của mình Basho đã cho ra đời hàng loạt các bài thơ haiku rực rỡ hương sắc bốn mùa. Mỗi bài thơ là một bức tranh tuyệt mỹ. Những tác phẩm kiệt xuất ấy là kết quả của một đời lãng du trên bước đường hành giả, làm lữ nhân phù thế. Thiên nhiên trong thơ Basho thật tươi đẹp hồn nhiên trữ tình nồng thắm trong cái trong trẻo và nguyên sơ của nó.
17.
Mong manh mong manh
một nhành hoa cúc
vừa đơm nụ vàng
18.
Dòng thác trong
giữa làn sóng bạc
trăng mùa hạ lên.
19.
Ôi biển hoang vu
Ngân Hà vươn  trải
trên đảo Sado.
20.
Mogami tuôn dòng
cuốn mặt trời rực lửa
dìm xuống trùng dương.
21.
Mùa xuân đến rồi
vô danh ngọn đồi ấy
sáng nay khoác áo sương mù.
22.
Tiếng cu kêu
biến tan về phía
hòn đảo cô liêu.
23.
Ôi chim oanh
hát trước rừng trúc
sau hàng liễu nghiêng.
24.
Rừng trúc mênh mông
                                     tiếng chim cu hót 
trong ánh trăng nghiêng.
25.
Giông tố dấu mình
trong khu rừng trúc
và rồi lặng thinh.
26.
Dòng thác trong
buông theo triền nước
những lá thông xanh.
27.
Ta muốn ngà say
ngủ mơ trên đá
hoa cẩm chướng đầy.
Trong thơ Basho, thiên nhiên còn là những hình ảnh gần gũi quen thuộc với chúng ta. Nó ở xung quanh cuộc sống chúng ta. Nó hiện diện rất hồn nhiên, rất khiêm tốn, bé bỏng dễ thương chẳng hạn như:
28.
Trên thân nấm rơm
chiếc lá từ đâu đến
vẫn còn nằm yên.
29.
Bên đường
hoa dâm bụt
đưa mình cho ngựa ăn.
30.
Trên cành liễu nghiêng
con bướm đổi chỗ
mỗi lần gió lên.
31.
Một con ong
từ lòng thược dược
bay đi tần ngần.
32.
Con chuồn chuồn
đậu mãi mà không  được
trên ngọn cỏ gió rung.
33.
Dưới làn nước trôi
có con cua nhỏ
bò lên chân tôi.
34.
Từ trong rầm nhà
đáp lời chim sẻ
rúc rích chuột con.
35.
Trong lều ngư dân
giữa đám tôm cá
có con dế mèn.
Những hình ảnh bình thường ta gặp trong cuộc sống cũng xuất hiện trong thơ haiku Basho, nó được đưa vào thơ bởi cảm thức thẩm mỹ truyền thống về cái đơn sơ, bình dị, nguyên thuỷ, sơ khai, hồn nhiên tươi tắn, trẻ trung, yêu đời. Đó là nơi chứa đựng và giãi bày bao tâm tư tình cảm của nhà thơ. Basho yêu quí thiên nhiên biết bao. Những bước chân của nhà thơ cũng nặng tình thiên nhiên, nặng tình của sự sống chan hòa cùng thiên nhiên và trong khoảnh khắc tinh khôi nhất mà nhà thơ cảm được “linh thần” của nó bằng tình cảm chân tình nhất, vì một cảnh tượng đẹp đẽ về sự hòa điệu của tâm hồn và rộn vang những âm thanh đầy nhân bản trong lòng người sẽ cảm được sự kết tinh của mọi vẻ đẹp ta cảm nghiệm.

Thiên nhiên trong thơ thấm đẫm tình cảm con người. Basho cảm nhận trong nhiên nhiên cũng có linh hồn, cũng có niềm vui nỗi buồn. Vì thế thiên nhiên đọng lại trong câu chữ là những bức tranh hữu tình. Nhưng cái tình nằm im lặng sau câu chữ. Nó hiện ra trong câu chữ ngay thời khắc mà cái gì cũng chưa mãn khai chưa toàn mỹ, nó còn bỏ ngỏ phần còn lại của đời mình. Thiên nhiên là người bạn thân thiết của nhà thơ và của mọi người. Tình cảm Basho dành cho thiên nhiên luôn luôn là ước mơ về với thiên nhiên để được giao tình thân thiết:
36.
Bên dòng Sumida
chú chuột kia uống nước
mưa mùa xuân pha.
37.
Hoa diên vĩ
buộc quanh bàn chân
mang dép rơm
38.
Bên vỏ ốc con
trôi theo bọt sóng
những cánh đinh hương
39.
Ôi đóa nazuna
đôi mắt tôi nhìn kỹ
bên hang giậu nở hoa.
40.
Mong manh mong manh
một nhành hoa cúc
vừa đơm nụ vàng.
41.
Ôi huy hoàng
lá xanh lá xanh
chói ngời trong nắng.
42.
Cây hoa nào
mà ta chưa biết
gởi lại một làn hương
43.
Như cảnh trong tranh
tôi trên mình ngựa
chầm chậm qua đồng.
44.             
Con nhện kia ơi
bài hát nào ngươi có
trong gió thu này ?
45.
Dậy đi thôi
cùng ta kết bạn
cánh bướm ngủ say ơi !
46.
Thế rồi từ từ
mùa xuân thành tựu
với trăng và hoa mơ.
47.
Ngọn lúa nào
trong ngón tay bíu chặt
khi từ biệt nhau.
48.
Mùa xuân ra đi
tiếng chim thổn thức
mắt cá lệ đầy.
49.
Vỏ trai tách rời
chia tay cùng bạn
mùa thu ra đi.
50.
Cầu treo vực thẳm
những cây thường xuân
quanh đời ta quấn.
          Thơ haiku Basho qua khung cảnh, âm thanh, không gian, thời gian, ta có thể cảm được mọi giá trị mỹ cảm, nghệ thuật và ý nghĩa của bài thơ nhưng ta không thể giải thích vì giải thích sẽ mất hay, mất đi ý nghĩa của bài thơ.
Đó là “Thiền tính” nên khi đọc thơ haiku có khi dường như chẳng hiểu gì cả, không thể cắt nghĩa trọn vẹn. Vì vậy thơ haiku đôi khi khó cảm hiểu và không dễ gì tiếp nhậ hay sáng tác.  Basho có đôi lúc cũng băn khoăn về “con đường haiku”. Ông không biết có còn ai tiếp bước nữa không ?
51.
Trên con đường này
giữa chiều thu ấy
đi về không ai.
                           52.
Mưa đông giăng đầy trời
một chú khỉ đơn độc
cũng mong chiếc áo tơi.
53.
Trong ánh ngày
con đom đóm ấy
cổ đỏ gay.
54. 
Biển tối dần
tiếng kêu chim nhan
trắng màu trong đêm.
55.
Vầng trăng non dại
theo tôi từ độ ấy
có ai ngờ đêm nay.
Basho là một đại thi hào của Nhật Bản. Bằng tài năng và nghệ thuật, ông sáng tạo nên những giá trị tuyệt đẹp về thiên nhiên. Những nét đặc sắc nghệ trong thơ Basho là sự kế thừa và phát huy những giá trị văn chương truyền thống của dân tộc Nhật Bản.
Và thơ haiku đến với chúng ta bằng cái “đạo” ẩn chứa bên trong nó. Đấy là con đường sâu thẳm trong cái bình thường giản dị nhất giữa cuộc đời như Tagore đã từng nói: “Trong vội vã, ta bỏ quên những bông hoa bên hàng giậu ven đường”.
--------------------------
* Số thứ tự các bài thơ do người viết bài đánh để dễ đọc lại.
Đọc thêm các bài haiku khác của Basho:
1.
Đi hái cải củ
cậu bé con kia
được ngồi lưng ngựa.
2.
Người chèo thuyền
ống điếu ngậm trong miệng
gió mùa xuân lên.
3.
Trên đồng mùa hạ
nhìn người vác cỏ
tôi lần đường đi.
4.
Tiếng rao người bán cá
hòa trong tiếng chim cu
vang vang mùa hạ.
5.
Em bé nhọc nhằn
trong khi xay gạo
vẫn nhìn lên trăng.
6.
Mùa thu âm u
người hàng xóm ấy
sống như thế nào ?
7.
Mùa xuân qua đi
sao cứ nhớ mãi
người ở Omi.
8.
Lệ trào nóng hổi
trên tay tóc mẹ
làn sương thu.
9.
Trong mùa thu này
ta già biết mấy
ôi chim và mây.
10.
Trao cho cây liễu
mọi điều ước vọng
mọi điều chán chê.
11.
Không bao giờ quên
mùi vị cô đơn
của giọt sương trắng.
12.
Làng chuông không ngân
biết làm chi nhỉ
những chiều mùa xuân.
13.
Vương trái tim tôi
ngang con đường núi
đồng thảo nở hoa tươi.
14.
Mưa đông giăng đầy trời
một chú khỉ đơn độc
cũng mong chiếc áo tơi.
15.
Trong tuyết ban mai
đôi mắt ta nhìn cả
những con ngựa gầy.
16.
Tiếng rao người bán cá
hòa trong tiếng chim cu
vang vang mùa hạ.
17.
Vượn hú não nề
hay trẻ bị bỏ rơi than khóc ?
gió mùa thu tái tê.
18.
Xem kìa bé ơi
hãy chạy nhanh đến
mưa đá đang rơi !
19.
Kìa những đứa tiểu nhi tấm bé
Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha
Lấy ai bồng bế vào ra
U ơ tiếng khóc thiết tha nỗi lòng.
20.
Chung một mái trọ
phòng bên những du nữ ngủ
trăng và hoa thu.
21.
Những chiến binh ngã xuống
giấc mộng chưa thành
cỏ mùa hạ ngút xanh.
22.
Chống gậy đưa chân
cả gia đình bạc tóc
đi viếng mộ người thân.
23.
Con nhạn ốm đau
rơi trong chiều rét
ôi lữ khách nào.
24.
Trăng rụng rồi
bốn góc bàn quen thuộc
còn lại mà thôi.
25.
Vầng trăng tan nhanh
giọt mưa còn đọng
đó đây trên cành.
26.
Tiếng chuông chùa tan
hương hoa đào buổi tối
như còn ngân vang.
27.
Rạng sáng
trôi trong sương
tiếng chuông.
28.
Đêm xuân phai nhòa
và rạng đông đến
trên cành đào hoa.
29.
Nhiều chuyện
làm nhớ lại
những cánh hoa đào.
30.
Ôi tiếng ve kêu
thấu xuyến vào đá
trong cõi quạnh hiu.
31.
Ôi đóa hoa nazuna
đôi mắt tôi nhìn kỹ
bên hàng giậu nở hoa.
32.
Dậy đi thôi
cùng ta kết bạn
cánh bướm ngủ say ơi !
33.
Bướm chim nào biết đâu
một bông hoa nào mới nở
bên trời mùa thu.
34.
Tiếng hạc vang trời
và tàu lá chuối
trở thành tả tơi.
35.
Lang thang đồng nội
để cho mưa gió
thấm vào hồn tôi.
36.
Năm rồi năm
trên bộ mặt khỉ
mặt nạ khỉ mang.
37.
Dưới cây lao xao
chén canh đĩa cá
đều vương hoa đào
38.
Bướm chim nào biết đâu
một bông hoa mới nở
bên trời mùa thu.
39.
Bài ca khởi đầu
bài ca người trồng lúa
từ miền quê thâm sâu.
40.
Mưa tháng năm
đứng dầm trong nước
chân hạc ngắn dần.
41.
Trên cành liễu nghiêng
con buớm đổi chỗ
mỗi lần gió lên.
42.
Con chuồn chuồn
đậu mãi mà không được
trên ngọn cỏ gió rung.
43.
Mái lều im
một con chim gõ kiến
gõ ngoài trụ hiên.
44.
Lá thủy tiên
dưới làn tuyết mới
nhè nhẹ trĩu mình.  
45.
Ôi tiếng ve kêu
thấu xuyên vào đá
trong cõi quạnh hiu.
46.
Mong manh mong manh
một nhành hoa cúc
vừa đơm nụ vàng.
47.
Mưa mù sương
phù dung một đóa
làm mùa lên hương.
48.
Mưa đổ
trên chuồng bò
tiếng gà ó o
49.
Ngày đầu xuân
sao mà tôi nhớ
chiều thu cô đơn.
50.
Biển tối dần
tiếng kêu chim nhạn
trắng màu trong đêm.
51.
Trăng rụng rồi
bốn góc bàn quen thuộc
còn lại mà thôi.
52.
Vầng trăng non dại
theo tôi từ độ ấy
có ai ngờ đêm nay.
53.
Mùa đông vò võ
thế gian một màu
và âm thanh gió.
54.
Những chiếc lá rơi
dường như trăm tuổi
giữa ngôi vườn chùa.