Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2015

336/ TIẾNG ĐÀN TÔI

.

Mộc Nhân 


Tiếng đàn tôi một ngày phủ bụi
chẳng thể nào phối những hòa âm
giai điệu chưa hành trình đã lạc thanh trầm.
những cung dây tâm thần phân liệt.

Tiếng đàn tôi một ngày bị kết án
chẳng thể nào chạy thoát tội đồ  
âm vực du dương giờ em khởi tố
vì đã xuyên tim và làm tàn giấc mơ.

Tiếng đàn tôi một ngày bị chà đạp
chẳng thể nào giữ vẹn hình hài
ngăn phím bặt câm bao điều ân ái
ẩn khuất những mỹ âm dối trá mưu toan

Những ngân rung làm khí cầu bấn loạn
giờ như tàu ngầm chìm thăm thẳm đại dương
chỉ còn tôi và giai điệu nhạt nhường 
tự hóa trang mình trong đêm lễ hội.

Em hãy bịt tai khi nghe những âm hình hấp hối
để gió lật bóng đêm nhìn rõ mặt hề
bài du ca cuối cùng em đừng cưỡng chế
ngày rong chơi anh xin làm gã u mê.

336.TRANG SỨC MÙA THU -(25-34)

 Nguyễn Tấn Ái


25.
 Ngày mưa em về ngang lối nhỏ
          anh hóa thành trẻ thơ nhặt nắng
          nhặt được sợi nắng còn thơm mùi tóc
          xa kia cuối con đường đã xa, thật xa…

          Nhớ hoài một con đường đã mời chân em qua
          nhớ hoài buổi lòng anh tiệc cưới
          ước chi thời gian không ngả màu và em không theo người về miền đất hứa
          thì lòng không run hoài trên một lối mưa xưa. 


26.
 Có một ngày trời nước thật trong
          trong suốt tâm hồn em tháng năm mắc cạn
          anh tặng em hòn sỏi phép màu ngủ quên dĩ vãng
          em đem về làm trang sức mùa thu

          Có một ngày mùa thu thật trong
          trong như tâm hồn anh ngây ngô tiệc cưới
          em cô dâu ngàn đời mong đợi
          tan trong anh như huyền diệu tình đầu

         27.
Như giọt sương đi hoang tự mây trời
          như cọng cỏ xanh mịn màng mặt đất
          anh đốt nến lên mừng sinh nhật
          ơi sinh nhật muộn màng xa xót bao nhiêu
          nhìn sâu đáy mắt người anh nói: anh yêu!
         
         28.
Anh giữ cho người khoảng trong trẻo bình yên
          cho ngủ quên bao nỗi niềm đắng chát
          tin đi em rằng dẫu nhiều mất mát
          em hãy còn anh như dấu hỏi tình khờ!

29.
 Em như cánh chim khát bầu trời cao rộng
          không chịu nhốt mình trong khu vườn nhỏ
          mà anh cứ muốn đưa em về căn nhà xưa đó
          có bờ tre góc vườn cây mít ríu rít tiếng chim kêu.
  
30.
Cuối con đường ấy hoang vắng thế
          sao không về với tình anh mênh mông?
          tih tih tin nhắn chiều đến trễ
          lang bạt nơi đâu chấm nhỏ bụi hồng?


31.
 Cũng cơn gió chiều thổi suốt nhà anh nhà em
          qua khu vườn không cổng ngõ
          mang theo cả bao lời khi say!
          chiều nay, ôi chiều nay
          gió lạc trong mộng mỵ
          tiếng khóc nào vương vấn
          một thuở trần gian hẹp
          không còn em
          đời như một vết roi!

         
        32.
Hốt một trời yêu thả vào biển nhớ
          dài như một con đường
          tan như một thẳm sâu
          ước chi là ngày xưa
          ước chi mãi tình đầu
          để giọng cười em không lẩn vào quá khứ
          thả bóng mình ngã lênh loang lữ thứ
          yêu rồi phải không?

         
33.
Có không căn nhà xưa em thiêng liêng như vừng ánh sáng?
          có không dòng suối mùa xuân ngày anh uống cạn?
          có không ngày em di dân đày đọa hình hài?

          Nhặt hòn sỏi ném vào lòng suối
          lòng suối cạn
          ném vào dĩ vãng
          dĩ vãng đui mù
          anh âm u hát lời cỏ dại
          phía bên kia thời gian là trẻ thơ!

          Chợt nghe cánh mùa về chấp chới
          thả bóng diều lên bầu mơ ước
          đôi mắt ai đắm cả màu chiều

          Vập vào ngày cằn ngất ngư ly rượu đắng
          say như giã từ dĩ vãng
          như dạo ấy học làm người lớn cười vang nỗi đau.

         

34.
Lời tạ từ rớt trên đường phố
          bên những bước chân vô tình
          chiếc lá xa mùa thu
          như lời thơ lặng thinh
          thăm thẳm con đường dắt tay nỗi nhớ
          góc nao hạ vàng mắt ngóng chờ nhau?

         









335/CÓ MỘT DÒNG SÔNG ĐÃ QUA ĐỜI

Mộc Nhân Lê Đức Thịnh

Tình cờ đọc lại một câu thơ viết đã lâu: “Quá giang một cơn mưa/ lòng vương tàn tích cũ/ tháng mười trở đông” (Mộc Nhân - Haiku tiễn biệt); chả hiểu sao lại liên tưởng đến tập sách anh Hải Triều mới tặng.
Có lẽ cái cơn mưa tháng Mười và tàn tích cũ gợi vấn vương chăng!
Bỏ mọi thứ đấy để xem “Tiếng gàu rơi và dòng sông mùa cũ” của Nguyễn Hải Triều, nxb Văn Học – 2015.
Say sưa, miên man, gần như là lướt qua trọn tập 200 trang trong cả buổi tối.
Cảm nhận đầu tiên là anh đã giúp mình lật tung kí ức làng quê cố xứ.

Những trang chữ cồn cào: tiếng gàu rơi, mùa bắt cá bộng, chén đường non, bờ xe nước, trường làng, câu hát ru, làng nghề, sông Vu Gia, sông Thu Bồn, các miền đất… hiện lên trong dòng hoài niệm chạy suốt thời gian quá khứ, hiển hiện trong không gian núi sông đồng bãi của quê xứ trung du mưa dầm nắng rát.
Lối viết của anh cũng thật giản dị, chẳng cầu kì biến ảo về thi pháp nhưng đó chính là tài hoa bút kí của một tay viết lão luyện xứ Quảng biến những chất liệu hiện thực thành bức chạm ngôn ngữ khắc dấu thời gian trên sông núi quê hương.
Đặc trưng của “Bút kí” là ghi chép sự việc theo lối tản mạn, điểm xuyết trong dòng  xúc cảm của người viết nhưng điều thú vị ở tập bút kí này là dưới ngòi bút của mình, nhiều “sự việc” rải rác đây đó ở làng quê trung du dưới cái nhìn của anh lại thành“chuyện” – có cốt truyện, có nhân vật, có tính cách và khơi gợi những ám ảnh nhân sinh(Mùa bứt đót, Có một vùng đất…) và ngược lại, nhiều “câu chuyện” về danh nhân, anh hùng, con người, cố xứ … mà anh mang đến cho bạn đọc trong dòng miên man nhặt nhạnh khơi gợi những điều ít người biết hay đã lãng quên (Lần theo những giai thoại, Những bến chợ và chuyện về một gánh hát…).
Đọc “Tiếng gàu rơi và dòng sông mùa cũ” của Nguyễn Hải Triều, chúng ta không chỉ cảm nhận về nếp quê, con người của một miền đất “Dưới chân núi lớn” (1) mà anh còn gợi những dấu ấn về những miền quê khác của xứ Quảng, rộng hơn là trên khắp quê hương đất nước chúng ta.
Đằng sau những trang bút kí Nguyễn Hải Triều, còn là những trầm tích văn hóa làng xã, văn hóa ứng xử, văn hóa văn nghệ dân gian, ẩm thực làng quê, làng nghề, văn hóa chợ quê, văn hóa phong tục… được tác giả ấp iu trong một bảo tàng cá nhân chắt chiu chăm chút khá trang trọng.
Mỗi trang kí của mình, khi thì anh đem đến cho bạn đọc một tiếng cười nhẹ nhàng mà sảng khoái (Hát xạo…); khi thì khoái chí vì sự thông minh trong lời hát dân gian(Điều thú vị…); khi thì miên man hoài niệm (Kí ức làng, Xa xăm trường cũ); khi thì đau đáu tiếc thương (Câu chuyện dòng sông)…
Nói như Lê Trung Việt viết ở lời bạt là “lạnh người”, “thư thái và thật nhớ về ngày cũ, ngày xưa, ngày đó ngày xanh lên khung trời thơ trẻ. Đọc để nhớ và để buồn…”
Chợt thấm: những vật bé nhỏ đôi khi lại có thể lưu giữ được những kỷ niệm tuyệt vời.
Trong cái cảm xúc dâng lên khi chứng nghiệm vọng âm từ “Tiếng gàu rơi và dòng sông mùa cũ”, viết vội mấy dòng chia sẻ trong niềm cảm thương luyến tiếc vì “Có một dòng sông đã qua đời” (2).
Cảm ơn anh đã tặng sách, đã lưu giữ và nhen nhóm cho nhau những điều kì lạ từ những “nếp quê” – nhất là khi mọi trí nhớ đang dần đi vào “mùa cũ”.
Hay nói như Gabriel Garcia Marquez: “Trí nhớ của trái tim xóa đi những điều xấu và phóng đại những điều tốt đẹp”.
------------------------
(1): Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tên gọi của địa danh Đại Lộc có nghĩa là “Dưới chân núi lớn”.
          (2): Dẫn theo Trịnh Công Sơn.