Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2016

453.NHỮNG BÀI VĂN ĐẶC BIỆT

Nguồn: Mộc Nhân


1. Bài văn hay của học sinh lớp 10:

Đề bài : "Một bài học sâu sắc, ý nghĩa mà cuộc sống đã tặng cho em."
Bài viết dược điểm 9 với lời phê của cô giáo : "Cảm ơn em đã tặng cô một bài học, một lời động viên vào lúc cô cần nó nhất! Em đã thành công đấy, mong em tiếp tục thành công".
 ***
Bản chất của thành công
Đã bao giờ bạn tự hỏi thành công là gì mà bao kẻ bỏ cả cuộc đời mình theo đuổi? Phải chăng, đó là kết quả hoàn hảo trong công việc, sự chính xác đến từng chi tiết? Hay đó là cách nói khác của từ thành đạt, nghĩa là có được một cuộc sống giàu sang, được mọi người nể phục? Vậy thì bạn hãy dành chút thời gian để lặng mình suy ngẫm. Cuộc sống sẽ chỉ cho bạn có những người đạt được thành công theo một cách giản dị đến bất ngờ.

Thành công là khi bố và con trai có dũng khí bước vào bếp, nấu những món ăn mẹ thích nhân ngày 8-3. Món canh có thể hơi mặn, món cá sốt đáng lẽ phải có màu đỏ sậm thì lại ngả sang màu… đen cháy. Nhưng nhìn mâm cơm, mẹ vẫn cười. Bởi vì hai bố con không thể thành công trên “chiến trường” bếp núc, nhưng lại thành công khi tặng mẹ “đoá hồng” của tình yêu. Một món quà ý nghĩa hơn cả những món quà quý giá, hạnh phúc ấy long lanh in trong mắt mẹ.



Thành công còn là hình ảnh một cậu bé bị dị tật ở chân, không bao giờ đi lại bình thường được. Từ nhỏ, cậu đã nuôi ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá. Sau bao nỗ lực khổ luyện, cậu bé trở thành cầu thủ dự bị trong một đội bóng nhỏ, và chưa bao giờ được chính thức ra sân. Nhưng đó không phải là thất bại. Trái lại, thành công đã nở hoa khi cậu bé năm xưa, với bao nghị lực và quyết tâm, đã chiến thắng hoàn cảnh để theo đuổi ước mơ từ ngày thơ bé. Thành công ấy, liệu có mấy người đạt được?

Sau mỗi mùa thi đại học, có bao “sĩ tử” buồn rầu khi biết mình trở thành “tử sĩ”. Hai bảy điểm, cao thật đấy. Nhưng cao mà làm gì khi NV1 lấy tới hai bảy phẩy năm? Đó thật ra không phải là thất bại, chỉ là khi thành công – bị – trì – hoãn mà thôi. Cuộc sống vẫn chào đón họ với NV2, NV3. Quan trọng là họ đã nỗ lực hết sức để khẳng định mình. Đó là ý nghĩa vẹn nguyên của các kỳ thi, và cũng là bản chất của thành công.

Ngày còn nhỏ, tôi đã được đọc một câu chuyện rất xúc động. Truyện kể về một cậu bé nghèo với bài văn tả lại mẹ – người phụ nữ đã che chở cuộc đời em. Cậu bé viết về một người mẹ với mái tóc pha sương, với đôi bàn tay ram ráp nhăn nheo nhưng dịu hiền và ấm áp. Cậu kết luận rằng: bà ngoại là người mẹ – người phụ nữ đã nâng đỡ em trong suốt hành trình của cuộc đời. Bài văn lạc đề, phải về nhà viết lại. Nhưng đó mới chính là một tác phẩm thành công, bởi ở đó chất chứa tình yêu thương của đứa cháu mồ côi dành cho bà ngoại. Liệu có thành công nào, tình cảm nào thiêng liêng hơn thế?

Nhiều năm trước, báo chí từng vinh danh một cậu học trò nghèo thi đậu đại học với vị trí thủ khoa. Đối với cậu, đó là một thành công lớn. Nhưng có một thành công khác, lặng thầm mà lớn lao, đó là chiến thắng của một người cha gần 20 năm trời đạp xích lô nuôi con ăn học. Bao niềm tin và hi vọng hiện lên trên gương mặt vốn đã chịu nhiều khắc khổ. Và ngày con trai đậu đại học cũng là ngày tốt nghiệp khoá – học – của – một- người – cha.

Tôi biết có một nữ sinh tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu gần hai mươi năm trước. Với tài năng của mình, cô có thể gặt hái thành công trên con đường sự nghiệp và danh vọng. Nhưng cô sinh viên năm ấy đã chấp nhận hi sinh những cơ hội của đời mình để trở thành một người vợ đảm đang, một người mẹ dịu hiền của hai cô công chúa nhỏ. Cho tới bây giờ, khi đã là một phụ nữ trung niên, Người vẫn nói với tôi rằng: “Chăm sóc bố và hai con chu đáo, đối với mẹ đã là một thành công lớn”. Mỗi khi nghe câu nói ấy, tôi lại rơi nước mắt. Gia đình là hạnh phúc, là thành quả đẹp đẽ của đời mẹ, và chúng tôi phải cảm ơn mẹ vì điều đó.

Con người luôn khát khao thành công, nhưng mù quáng theo đuổi thành công thì thật là vô nghĩa. Bạn muốn mình giàu có, muốn trở thành tỷ phú như Bill Gates? Vậy thì hãy gấp đồng tiền một cách cẩn thận rồi trao nó cho bà cụ ăn xin bên đường. Với việc làm đẹp đẽ ấy, bạn sẽ cho mọi người hiểu được bạn không chỉ giàu có về vật chất mà còn giàu có tâm hồn. Khi đó, bạn đã thực sự thành công.

Cũng có khi bạn ước mơ thành công sẽ đến với mình như đến với Abramovich – ông chủ của đội bóng toàn những ngôi sao? Thành công chẳng ở đâu xa, chỉ cần bạn dành thời gian chăm sóc cho “đội bóng” của gia đình bạn. Ở đó, bạn nhận được tình yêu thương vô bờ bến, thứ mà Abramovich không nhận lại được từ những cầu thủ của ông ta. Thành công đến với mọi người một cách giản dị và ngọt ngào như thế!

Bạn được sinh ra, đó là một thành công vĩ đại của cha và mẹ. Trách nhiệm của bạn là phải gìn giữ cho vẻ đẹp hoàn thiện của thành công ấy. Đừng bao giờ ủ ê nghĩ rằng cuộc sống là một chuỗi của thất bại, bởi như một giáo sư người Anh từng nói: “Cuộc sống này không có thất bại, có chăng là cách chúng ta nhìn nhận mọi việc mà thôi”. Còn đối với tôi, thành công là khi ai đó đọc được bài viết nhỏ này. Có thể sẽ chẳng được điểm cao, nhưng gửi gắm được những suy nghĩ của mình vào trang viết, với tôi, đó là một thành công.


2. Bài văn lạc đề của một nữ học sinh lớp 12:
Đề bài : Phân tích nhân vật “Thánh Gióng” .
Bài viết bị điểm 0 với lời nhận xét của giáo viên: ”Bài không những lạc đề mà tư tưởng cũng có vấn đề! Đề nghị gia đình chú ý giáo dục! ”. 
Còn cư dân mạng thì có nhiều ý kiến đồng tình, thích thú …
***
“Truyền thuyết kể lại thật ấn tượng khi Thánh Gióng ba tuổi chưa biết nói cười nhưng khi giặc Ân đến thì thoắt cái vươn vai để trở thành người lớn trong phút chốc, ngay sau đó thì đã dùng gậy sắt, cưỡi ngựa sắt uýnh tan giặc. Wow, thậm chí ông còn dùng cả bụi tre làm vũ khí! Xong xuôi thì thay vì ở lại để nhận huân chương và được tôn vinh Anh hùng, ông lại vội vã bay ngay lên trời, để lại một loạt fan và người hâm mộ ngơ ngác. Chắc là ông tuy thành người lớn đột ngột vì hoàn cảnh vậy thôi chứ tuổi vẫn trẻ con nên dễ mắc cỡ trước đám đông, hoặc có thể ông ấy khiêm tốn và không mắc bệnh thành tích như người lớn bây giờ! Em hâm mộ ông, à… anh ấy lắm (mà sao trẻ thế họ lại cứ bắt gọi là ông nhỉ?)! Nếu anh ấy mà không bay mất chắc ối người hâm mộ sẽ chết mê chết mệt. Ôi, anh Gióng thật manly, thật cool – thần tượng của em!
Nhưng em không chỉ hâm mộ mà còn thương anh ấy lắm, mới ba tuổi ranh, chưa biết gì mà đã buộc phải thành người lớn, phải làm chuyện người lớn trong khi chưa kịp hưởng tuổi thơ, tuổi thần tiên, tuổi mộng mơ, tuổi ô mai như tụi em… L Thật buồn, thật ghét chiến tranh đã cướp đi mất tuổi thơ của anh ấy!

Em thì ngược lại, em có tuổi thơ và thời con trẻ đầy đủ đến phát chán. Thực sự thì em chỉ mong cái tuổi thơ này kết thúc nhanh nhanh và thành người lớn cùng thần tượng của em sớm nhất có thể vì qua tuổi thơ của chúng em quá nhiều lý do để bực bội. Này nhé: Tuổi thơ lúc nào cũng phải đi học, điểm kém thì bị chửi mắng, thậm chí dính chưởng của phụ huynh, muốn học giỏi thì lại phải quay cóp khi đi thi, em thì lại vụng nên quay toàn bị lộ. Lớp em tụi nó quay siêu lắm, có đứa còn được nhà trang bị điện thoại xịn để nhắn đầu bài, đứa thì móc với Giám thị quăng phao cho. Ai bây giờ chả cần phao, em không biết dùng phao, chết đuối phải rồi…
Tuổi thơ lúc nào cũng bắt đi sở thú. Đi riết chán ồm vì chẳng có gì để xem. Có mấy con thú ốm nhom cứ đứng vậy hoài. Mà nghe nói một con voi mới tự nhiên lăn đùng ra chết, người ta bảo nó bị bệnh hiểm nghèo, em nghĩ là nó đói thôi. Ba em dạo này làm ăn chứng khoán hay đất đai gì đó mà cứ về nhà quạu hoài, ba kêu làm ăn thế này thì có mà chết đói cả lũ! Đấy, người còn chết đói nữa là voi… Nên em chỉ muốn nhanh làm người lớn.
Tuổi thơ chán muốn chết vì muốn đi chơi chẳng biết đi đâu và đi bằng gì. Xe công cộng thì vừa chật vừa hôi, lại chen chúc và luôn chậm giờ, em đi mỗi một lần mà có mấy người lớn cứ chen sát cọ vào người, ghê thấy mồ! Chẳng nhẽ lúc nào cũng bắt gia đình cho quá giang. Em thích đi chơi ngoài thiên nhiên lắm mà không có chỗ nào đi, lại dơ và nguy hiểm nên mẹ không cho. Mà sao cứ đi xa là người lớn lại sợ trẻ con làm chuyện bậy bạ nhỉ? Sao họ cứ suy bụng ta ra bụng người thế? Đi gần thì có mỗi chỗ duy nhất là siêu thị. Dạo này kinh tế khó khăn nên chẳng ai mua gì, cứ đi vào chơi cho mát. Trong khu Game thì lúc nào cũng phải xếp hàng, tiếng động ầm ĩ nhức hết cả đầu, haizzz… Nên em chỉ muốn nhanh làm người lớn.
Tuổi thơ thật chán vì không có gì để xem. Ca nhạc thì nhảm, lại chẳng có bài vui cho lứa tuổi tụi em, cứ suốt ngày yêu nhau, bỏ nhau nhảm bà cố! Mà trong mấy cuộc thi Talent trên ti vi thì tụi trẻ con cũng toàn bắt chước người lớn mới được giải cao đấy thôi, ai mà coi trọng con nít! Phim Việt thì vừa chán vừa cũng toàn chuyện người lớn, mấy cái phim Mỹ hành động thì hay, vậy mà cái hay nhất chuẩn bị chiếu thì lại bị cấm mất vì nghe nói quá bạo lực. Mấy đứa bạn nhà giàu nó còn được bay qua Thái, qua Sin xem chứ em thì "potay". Mà lạ thật, hóa ra trẻ con bên ấy giàu hơn nhưng lại thích bạo lực hơn ở nhà mình nhỉ? Ôi, ước gì em được như Phù Đổng, ước gì em nhanh làm người lớn.
Tuổi thơ thì lúc nào cũng bắt đọc sách. Em cũng thích đọc lắm, nhất là mấy cuốn Manga vẽ tranh đẹp cực! Đọc lời và chữ nhiều đang chán, đọc truyện tranh đang thích thì mẹ lại cấm vì bảo trong đó toàn cảnh phản cảm của con nít làm chuyện người lớn…huhu. Nếu mà thế gọi là làm chuyện người lớn thì em cũng thích làm người lớn. Thích thế nhưng mà rất khó, mấy đứa con trai cùng lớp thỉnh thoảng cứ hay rủ đi chơi xa, vào nhà nghỉ làm chuyện người lớn. Thích đấy nhưng mà quá nguy hiểm, nhỏ L. lớp kế bên đi chơi riết rồi tự nhiên có em bé đó, kỳ lắm. Ô, mà sao mẹ Gióng mới ướm bàn chân vào vết chân người ta mà đã bị dính bầu hay thiệt nhỉ? Em cứ tưởng... Nhưng ở nhà cũng ghê thấy mồ à, mấy cha hàng xóm mắc dịch và biến thái cứ hay gạ qua nhà làm chuyện người lớn rồi cho tiền, cho kẹo... Sao làm trẻ con khổ thế!? Nên em chỉ muốn nhanh làm người lớn.
Mà làm người lớn cũng dễ ợt chứ có gì đâu. Em nghe nói nhỏ diễn viên nhí kia chưa đến 18 đã khai man để có bạn trai sớm. Mà vừa mấy bữa trước thấy nó còn ốm nhom ốm nhách trên ti vi, nghe dì Năm nói nó giải phẫu thẩm mĩ vòng 1 siêu khủng, nâng mũi dọc dừa, mất mấy ngàn đô lận, thế rồi thành hotgirl, được người ta rủ đi chơi mà trả tới hai chục ngàn đô. Wow, cho nên chắc em sẽ phấn đấu thành hotgirl trước, rồi sau đó sẽ đăng ký vô mấy cuộc thi Miss "sìtyn" để lấy danh hiệu rồi kiếm người rủ đi chơi lấy tiền. Làm người lớn vừa có giá, vừa tự do chẳng ai quản lý. Mẹ cấm đoán em chắc chỉ vì thiếu tiền, chứ em mà kiếm được mấy cha Đại gia thì sẽ bao cả nhà ăn chơi nhòe luôn. Đấy, sao cứ phải trong thời chiến mới trở thành người lớn lẹ như anh ấy được? Mà nói rồi mới nhớ và tiếc thần tượng của em. Giá anh Gióng mà không bay về trời thì ở lại thành Đại gia là chắc. Đẹp trai, body chuẩn men, tiền thưởng và danh hiệu khủng như thế thì thiếu gì hotgirl xin chết?
Vậy là cuối cùng anh Gióng hóa ra mất tuổi thơ nhỉ? Mà xét cho cùng thì đâu có ai cần tuổi thơ nhỉ? Còn em chỉ muốn làm một việc gì có ý nghĩa, em muốn học tập Thánh Gióng để trở thành người lớn thật nhanh, có nhiều tiền thật lẹ, nhưng thời này thì làm thế nào nhỉ? Haizzzz…”

3.  Bài văn “lạ” của học sinh lớp 12:
Đề bài: “phân tích về vấn nạn bạo lực học đường”.
Bài viết nhận được 0 điểm, kèm theo lời phê của giáo viên : "Ý thức kém, em cần chấn chỉnh ngay".
***
“Bạo lực học đường là 1 vấn đề vô cùng nhức nhối. Bạo lực không chỉ xuất hiện ở nam sinh hay nữ sinh, mà còn bạo lực về cả vấn đề tâm lý, hay người ta còn gọi là "khủng bố" tinh thần. Ví dụ tiêu biểu là học sinh không được đáp ứng những nhu cầu cần thiết trong giờ học. Ví dụ mùa hè, quạt trong phòng học chỉ mang tính chất minh họa, không có giá trị thực tiễn. Một phòng học chỉ có 5 cái quạt, 1 cái ở chỗ ngồi giáo viên, 2 cái ở giữa lối đi cho giáo viên đi lại và 2 cái dành cho 50 học sinh còn lại. Với chiều dài mỗi cánh quạt là 50cm, khoảng cách từ quạt đến mặt đất là 3m, quạt chạy trong hiệu điện thế 220V, sử dụng dòng điện của máy phát điện xoay chiều 3 pha. Từ đó ta tính được quạt có thể làm mát được 1 khu vực có bán kính hơn 1m hay xấp xỉ là 3 bàn học. 3 bàn/7 bàn, tức là 4 bàn bị nóng, ở 2 dãy sẽ là 8 bàn, mỗi bàn có 4 người nên sẽ có 32 người bị nóng. 32/50 người, 1 con số vô cùng lớn...

Tác hại của việc bị nóng: Cơ thể của 1 người trưởng thành có 70% là nước. Nhiệt độ mùa hè trung bình vào khoảng 35 độ C tức là tốc độ trung bình của sự bốc hơi nước là vào khoảng 0.15l/giờ, nên trong 1 buổi học kéo dài 1h cơ thể sẽ mất 0.6l nước. Cơ thể người có khoảng 30l nước, tức là chúng ta mất khoảng 2% lượng nước trong cơ thể. Cơ thể chúng ta khi mất từ 2 - 5% lượng nước sẽ dẫn đến tình trạng hoa mắt, chóng mặt, não bộ mât khoảng 7 - 8% khả năng hoạt động nên ảnh hưởng vô cùng lớn tới việc học, đấy là chưa kể đến sự ức chế có thể gây ra do nóng bức...”. 

452/ NỖI OAN CỦA CÁ


                Mộc Nhân



Đàn cá đang bơi tung tăn bỗng ngộ độc nước biển lăn quay ra chết.
Hồn chúng bay lên thiên đường vào chầu Ngọc Hoàng khiếu kiện vì chết oan.
Ngọc Hoàng hỏi: - Chúng bay sao lên đây?
Cá: - Thưa ngài chúng con bị chết oan.
Ngọc Hoàng: - Oan là oan thế nào? Trình tao xem xét.

Cá: - Thưa, chúng con bị đầu độc.
Ngọc Hoàng: - Có bằng chứng bị đầu độc không? Có hội đồng khoa học xác nhận
hông? Nếu không có bằng chứng xem như chúng mày chết do lỗi không biết bơi,
hoặc đánh nhau, hoặc tranh mồi hoặc tai nạn giao thông hoặc do thủy triều đen…

Cá: - Dạ thưa ngài, tuy chưa có bằng chứng nhưng chúng con tự biết là do trúng độc nên mới chết ạ.
Ngọc Hoàng: - Tụi bây láo… dưới đó là xứ sở thiên đường, biển không thể nhiễm độc khi chưa có chỉ đạo, nếu nhiễm độc cũng đúng quy trình chứ không thể tùy tiện… Nhưng dầu sao chúng bây cũng đã đến dập đầu nơi đây, vậy ta phán là chúng bay bị chết bởi “thủy triều đen”… là hợp cả đôi đàng !
Cá: - Dạ oan ức, oan ức, chúng con quả là bị nhiễm độc, xin ngài minh xét… Nhưng xin thưa ngài “thủy triều đen” là cái gì ạ?
Ngọc Hoàng: - Cấm kêu la om xòm làm kinh động trần gian. Tao còn không biết “thủy triều đen” là cái gì nữa … nhưng nếu chúng bay không kiện tụng và nhận là bị chết do “thủy triều đen” thì ta sẽ cho đầu thai làm ở “bộ khoa học và môi trường”, còn nếu tiếp tục kêu la thì sẽ bị khởi tố về tội “chết không đúng qui trình”, “chết không có giấy phép”… 
Nào chọn đi: làm quản lí môi trường hay bị khởi tố, chọn đi…
Cá: - dạ thưa ngài, chúng con xin làm … diễn viên hài !!!

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2016

451.HỌC VĂN-BIỂN TRỜI “BÃO GIÔNG”, LÒNG NGƯỜI ĐÂU BÌNH LẶNG!


Người ra đề: Cô giáo Đặng Thị Lan Hương – GV THPT Chuyên Thái Nguyên

Người viết: Em Nguyễn Ngọc Thúy – HS lớp 11 Văn K24 THPT Chuyên TN
Đề bài:
“Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển
Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
Trong hồn người có ngọn sóng nào không?
(Tổ quốc nhìn từ biển – Nguyễn Việt Chiến)
Suy nghĩ của em về câu hỏi trên trong những ngày đất nước đang “bão giông” từ biển.
Bài làm:
BIỂN TRỜI “BÃO GIÔNG”, LÒNG NGƯỜI ĐÂU BÌNH LẶNG!
“Sóng bể Đông thét gào lời cuồng nợ, giữ lấy Hoàng Sa, giữ lấy Trường Sa…”. Đó chính là tiếng biển cồn cào và tiếng lòng sôi sục của hàng triệu trái tim Việt Nam đang hướng về miền lãnh hải thiêng liêng của Tổ Quốc! Biển trời Việt Nam là nơi có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; là nơi những con sóng hiền hòa trong biển xanh ngập nắng, những con sóng rộn ràng đưa tàu cá ra khơi, những con sóng tâm tình sẻ chia nỗi nhớ nhà với những người lính biển… Đó cũng là nơi gắn bó máu thịt với linh hồn người Việt qua bao phong ba thăng trầm của lịch sử!
Vậy mà Trung Quốc, người láng giềng “núi liền núi, sông liền sông” lại nhẫn tâm tham tàn cướp đi sự bình yên của nó! Những cơn bão táp mưa sa của thiên nhiên đâu đau đớn bằng cái giàn khoan khổng lồ kia đang hàng giờ hút đi “món quà quý giá” mà biển cả ban tặng cho Tổ quốc thân yêu, đang làm tổn thương, vụn vỡ hàng triệu trái tim người Việt! Hồn người Việt Nam như bị bóp nghẹt trong cơn giận dữ! Đất trời phẫn nộ, bể Đông thét gào đòi lại miền chủ quyền linh thiêng của Tổ quốc!
“Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển
Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
Trong lòng người có ngọn sóng nào không?”
(Tổ quốc nhìn từ biển – Nguyễn Việt Chiến)
“Trong lòng người có ngọn sóng nào không?” Câu hỏi ấy xoáy vào trái tim và khối óc của mỗi con người trên đất nước Việt Nam - một đất nước yêu chuộng hòa bình, tự do và công lí; một đất nước tuy nhỏ bé nhưng giàu lòng yêu nước và tinh thần quật khởi, không chấp nhận “sống quỳ” trước bọn xâm lăng! Và những ngày vừa qua đã cho thấy, trước những “con sóng xâm lăng” đang lớp lớp đè lên thềm lục địa, đã có hàng triệu ngọn sóng trong lòng người đang sôi sục, trào dâng!
Tôi không phải một chính trị gia, không phải một nhà nghiên cứu lịch sử, cũng không phải một người lính đang cầm súng canh giữ nơi biển trời xa xôi! Tôi chỉ là một học sinh phổ thông ngày ngày cắp sách tới trường, mơ mộng về một ngày mai tươi sáng. Nhưng trong những ngày giông bão của đất nước, tôi biết rằng, mình không thể là người “ngoài cuộc”. Tôi hiểu rằng, biển trời Tổ quốc đang lâm nguy và tôi cũng cảm nhận được “những con sóng lòng” của mỗi người dân đất Việt trong những ngày tháng 5 nóng bỏng này!
Đó là những ngọn sóng của sự bất bình, căm giận!
Tôi nghe lòng buốt nhói, xót xa khi thấy cảnh những người mẹ tiễn con ra hải đảo, những người vợ tiễn chồng đến khơi xa, những người con nằm nôi chưa một lần gọi bố… hay những gia đình mưu sinh bằng nghề chài lưới nay lận đận, long đong! Dù là người miền xuôi hay miền ngược, vùng rừng núi xa xôi hay hải đảo mênh mông thì những người dân đất Việt vẫn là anh em một nhà, là dòng dõi con Rồng, cháu Tiên. Vậy nên, ngày hôm nay, khi đất nước đang “bão giông” từ biển, “mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng”. Phải rồi! Có người mẹ nào không lo lắng, xót xa cho người chồng và những người con thân yêu đang đối mặt với bao hiểm nguy, sóng gió? Và những người con trên đất liền đang đau đáu khôn nguôi hướng về những anh em của mình nơi biển xa! Tình cảm lo lắng, xót xa ấy đã chuyển hóa thành sự bất bình, căm giận đối với những bạo ngược, tham tàn!
Đó còn là ngọn sóng đồng cảm - trân trọng dành cho những người lính biển dũng cảm, can trường nơi hải đảo xa xôi! Tôi cùng bao người thấu hiểu mong ước của các anh khi “Cầm súng trên tay mà mong ước hòa bình”, và càng trân trọng hơn những ước mơ bình dị: “Tôi chỉ mong trực xong rời cây súng – Để alo về nghe con gọi bố ơi!”… Giờ này đây, trên đất liền bình yên, nhưng trên biển cả trào dâng sóng dữ, các anh đang chắc tay súng canh giữ biển trời của Tổ quốc, vẫn kiên định, tỉnh táo trước sự kích động gây hấn của kẻ thù. Các anh xứng đáng là những con người đẹp nhất trong trái tim mỗi người dân Việt!
Đó là những ngọn sóng của tình yêu thương và sự tin tưởng!
Sau những giờ học mệt nhoài, tôi lướt facebook để giải trí và tìm kiếm thông tin, vô tình bắt gặp một dòng tâm trạng: “Trên đời này có hai thứ mà ta không thể lựa chọn hay đánh đổi, đó là Mẹ và Tổ quốc! Có người đã hỏi tôi: “Cô có kế hoạch gì khi Việt Nam có “biến” không?”. Tôi trả lời luôn rằng: “Tôi sẽ không đi đâu hết! Đây là nơi tôi sinh ra và lớn lên. Ở đây có cha mẹ tôi, anh em tôi, chồng con tôi và cả những người láng giềng, bạn hữu của tôi! Vì vậy, đừng nghĩ rằng khi đất nước có “biến” tôi sẽ chạy trốn hay lẩn tránh. Tôi sẽ vẫn luôn ở đây, gắn bó với mảnh đất quê hương mình”. Có gì đó cay xè trong cánh mũi, tôi cảm động và tin tưởng rằng người Việt Nam luôn có một lòng yêu nước sâu thẳm từ trái tim.
Chúng tôi được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, chưa một lần phải đối mặt với cây súng, thước đao. Nhưng qua trang sách và những thước phim, chúng tôi hiểu sự tàn khốc của chiến tranh. Chúng tôi muốn được sống trong hòa bình! Nhưng chúng tôi cũng cảm nhận được Tổ quốc trong trái tim linh thiêng đến nhường nào! Và chúng tôi nhận thấy sứ mệnh của thế hệ mình: giữ trọn vẹn miền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc! Trên bản đồ! Và trong lòng người!
Đất nước lâm nguy, lòng người sao bình lặng?
Tôi đã được nghe kể về một cậu bé với ý tưởng dùng chú vịt vàng khổng lồ đặt ngoài biển khơi để kêu gọi hòa bình! Tôi đã được đọc, được nghe những lời ca, câu hát xúc động về biển đảo quê hương! Tôi cũng được biết đến thật nhiều những hành động cụ thể để “tiếp sức” cho những người lính nơi hải đảo xa xôi… Dù bằng cách này hay cách khác, tôi tin rằng, “ngọn sóng yêu nước” luôn thường trực trong hồn người Việt như mạch máu duy trì sự sống của dân tộc Việt Nam! Những “ngọn sóng trong lòng người” ấy sẽ chặn đứng tham vọng của kẻ thù, trả lại sự hiền hòa cho biển cả quê hương!
Biển trời “bão giông”, lòng người đâu bình lặng! Chúng ta hãy là những người trẻ yêu nước, bằng trái tim ấm nóng và lí trí tỉnh táo để góp phần giành lại chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu!
“Để biển Đông lại bình yên giữa nắng hè chói lọi
Súng buông nòng, lính đảo ngắm sao bay!”.

Trang : HOA BẤT TỬ

Thứ Tư, 4 tháng 5, 2016

350/ TỰ XỬA TỰ XƯA

 

     



            Xin mẹ đừng về trong giấc mơ con
            Cho phận mồ côi ngủ quên bên gò hoang vườn cũ
           Im đi nào con ve tháng hạ
Ra rả chi thuở chân đất đầu trần

Nhìn bà Chín bên nhà bán dạo mỗi đêm
Bóng đèn tù mù cứ khơi vào nỗi nhớ
Ước chi nhà quê sáng bừng như phố
Cho nguôi vơi nỗi day dứt đèn dầu

Cứ mỗi chiều về nắng quái vàng lên
Vạt khoai cứ khô queo đòi đôi thùng gánh nước
Hình như có giọt mồ hôi thánh thót...
Con chạy vội vào nhà đắp chiếu trùm chăn

Con trai con cứ ngồi học mỗi đêm
Lại y như là gục đầu thèm ngủ
Có con muỗi đậu trên vành tai thằng nhỏ
Con nhói đau những vết đốt ngày nào

Học đi con ráng bằng bạn bằng người
Mai mốt lớn khôn khỏi đời cơ nhỡ
Con nhắc con mình mà như nói mớ
Giọng khô khàn đâu tự xửa tự xưa!
                             Nguyễn Tấn Ái

          ( Đêm mơ thấy mẹ, tặng anh trai Thân Yên)