BICH TRAM

237/ ĐỀ TUYỂN SINH LỚP 10 THPT CHUYÊN NGUYỄN BỈNH KHIÊM (2013 – 2014)

Môn: văn chuyên
Câu 1: (1đ) Giải thích nghĩa của từ “thu” trong hai ngữ điệu sau. Xác định đó là hiện tượng đồng âm hay nhiều nghĩa. Vì sao?
a/ Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
                                      (Hữu Thỉnh, Sang thu)
b/ Vừa nghe Tuấn nện lộp bộp đôi dép sa bô xuống thang, Nhĩ đã thu hết tàn lực lết dần, lết dần trên chiếc phản gỗ.
                                      (Nguyễn Minh Châu, Bến quê)
Câu 2: (1đ)
Nêu cảm nhận của em về nhan đề bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải (dưới hình thức một đoạn văn)
Câu 3: (3đ)
Viết một bài văn nghị luận ngắn (khoảng một trang giấy làm bài), trình bày suy nghĩ của em về quan niệm sống mà Nick Vujivic đã gửi gắm qua nhan đề một cuốn sách của mình: Đừng từ bỏ khát vọng
Câu 4: (5đ)
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du viết:
Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
                                     (Cảnh ngày xuân, Ngữ văn 9, tập 1)
Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân,
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung,
Bốn bề bát ngát xa trông,
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia.
 (Kiều ở lầu Ngưng Bích,  Ngữ văn 9, tập 1)
          Cảm nhận của em về bức tranh thiên nhiên trong từng đoạn thơ trên. Từ đó, hãy nhận xét sự khác nhau cơ bản của nghệ thuật miêu tả cảnh thiên nhiên ở hai đoạn thơ này.





236/ ĐỀ TUYỂN SINH LỚP 10 THPT CHUYÊN (2013 -2014)


 Môn : Văn chung

  Câu 1: (2đ) Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu của đề:
Bệnh lề mề suy cho cùng là do một số người thiếu tự trọng và chưa biết tôn trọng người khác tạo ra. Họ chỉ quý thời gian của mình mà không tôn trọng thời gian của người khác. Họ không coi mình là người có trách nhiệm đối với công việc chung của mọi người.
                   (Phương Thảo, Bệnh lề mề - Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục)
a.      Đoạn văn trên có những phép liên kết câu nào? Chỉ ra từ ngữ thể hiện của mỗi phép liên kết.
b.     Các câu trong đoạn văn trên được hiểu theo nghĩa tường minh hay hàm ý? Vì sao?

Câu 2: (2đ)
Tóm tắt đoạn trích truyện Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng (Ngữ văn 9, tập 1). Nêu ý nghĩa của đoạn trích đó.

Câu 3: (6đ)

Cảm nhận của em bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

235/ CÀ PHÊ BẤT NGỜ


              Thân Yên Nguyễn
       Chiều Sài Gòn mưa trắng phố phường, những cao ốc chọc trời như mất hút sau màn mưa dày đặc. Con đường lênh loang nước, gió thổi ào ào từng cơn vít  những ngọn cây ven đường cong như cần câu được con cá lớn. Mình tấp vội vào quán cà phê ven đường, tiếp mình là cô chủ quán trạc tuổi tứ tuần vận bộ đồ bà ba xanh thẩm nở nụ cười hiền hậu:
- Anh uống gì ạ?
- Vâng, cho anh cà phê đen đá không đường em nhé.
- Vâng, anh chờ em tí.
            Lát sau cô khệ nệ bưng khay ra có cả tách trà nóng và chiếc cốc nhỏ. Cô từ tốn đặt xuống bàn rồi nói:
- Em mời ạ!
        Ly cà phê bốc khói thơm  nồng nàn như xua tan bầu không khí ẩm mốc do cơn mưa buổi chiều mang lại. Mình buộc miệng khen:
- Rất cao nguyên.
      Cô chủ quán ngồi đối diện tay áp vào má như dấu đi nỗi buồn xa xăm.. Nghe thế, cô ấy thắc mắc:
- Anh nói rõ xem nào, cao nguyên nhưng vùng nào mới được?
Mình đáp lời cà phê chính hiệu Buôn Me còn cô chủ quán gốc gác Pleiku. Cô chủ tròn xoe mắt ngạc nhiên pha thích thú:
- Sao anh biết giỏi vậy?
Mình đáp lời:
- Mùi thơm nồng nàn và vị đắng đặt trưng cà phê Buôn Mê thì không lẫn vào đâu được. Còn cặp má hồng, đôi môi đỏ, đôi mắt ướt, mái tóc dài đen nhánh thoạt trông như mới hấp dầu ấy thì đúng chất liệu “ còn chút gì để nhớ” mà anh nghe qua tác giả là anh lính hào hoa ngày xưa còn gì. Anh đoán trúng phóc rồi phải không?
Cô chủ cười duyên dáng gật đầu:
- Vâng, đúng vậy, em tên Vân, nhà ở đường Phan Đình Phùng Phường Hoa Lư thành phố Pleiku.
            Trời đột ngột dừng mưa, mình vội mở ví thanh toán tiền, cô chủ quán xua tay:
            - Thôi, lần này em mời anh, lần sau em sẽ tính. Cứ xem như em trả thù lao buổi nói chuyện ngắn ngủi đáng nhớ này vậy.
            - Không được, mình bảo, em cứ tính tiền cà phê, còn khuyến mãi nụ cười có chiếc răng khểnh kèm theo đôi lúm đồng tiền là quá đủ rồi.
            Cô ấy che miệng cười :
        - Mời anh cứ đến quán chơi, với riêng anh thì em khuyến mãi nụ cười vô điều kiện. Nhớ đừng biệt tích như chim hoàng hạc ấy.
        - Ấy chết, không dám đâu, vì nụ cười em là tài sản tinh thần của cả quốc gia mà!
        - Ơ, anh khéo ăn nói thật, chiều nay quả lắm bất ngờ. Này nhé, bất ngờ trời mưa, bất ngờ anh đến, bất ngờ nhận ra xứ sở của em, bất ngờ ra đi từ quán cà phê Bất Ngờ.
        - Còn thiếu hai điểm bất ngờ nữa em ạ, mình muốn nấn ná thêm, cà phê ngon bất ngờ, lúc cười em xinh đến bất ngờ.
Cô ấy cười duyên dáng bảo:
      - Thế em thêm số 6 vào biển hiệu anh nhé.
        - Ừ, cà phê 6 Bất Ngờ.
Chủ khách nhìn nhau cười, nụ cười dường như đồng cảm.- nụ cười người xa xứ.
                                                                                                       5- 2013

Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2013

309/NHỮNG VẦN THƠ " NGƯỜI CHÈO ĐÒ" THẦM LẶNG


            HUỲNH VĂN HOA   

             ( Bài đăng trên Báo GD-TĐ số đặc biệt ngày 14/11/2012)         

             Ở thơ ca hiện đại Việt Nam, ngoài hình tượng người mẹ, người lính, thì người thầy được đề cập nhiều hơn cả. Điều này không lạ đối với truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta. Nếu lập được thống kê, chắc sẽ đến hàng nghìn bài thơ như thế. Chỉ riêng mùa nhớ ơn thầy cô 20/11 hằng năm, trên những trang báo học trò, đã thấy bao lời hay ý đẹp viết về " người gặp hàng ngày " trên bục giảng này.

               Tiếc rằng cho đến nay, khi nhiều tuyển tập thơ ca ra đời, từ tuyển tập thơ tình, tuyển thơ tác giả, tuyển thơ nước ngoài, đến tuyển tập thơ thế kỷ, vẫn thiếu vắng một tuyển thơ đầy đặn và có chất lượng về người thầy.
             Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, ta thử đi một vòng qua vườn hoa khá nhiều hương sắc của mảng thơ viết về thầy, cô giáo.
                                                                 
                                                         *  
                                                     *      *             
            Người thầy đầu tiên của mỗi con người là những cô mẫu giáo. Thơ viết về các cô thường hồn nhiên. Có lẽ do chi phối bởi đối tượng giảng dạỵ
            Khánh Chi trong tập Gửi gió về cho nội, có hai bài thơ viết về cô giáo. Cô giáo em là bài thơ viết theo thể tự do với nhiều so sánh lạ. Cô học trò nhỏ làm thơ này đã lấy các thời khắc của một ngày : buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, buổi tối, để qua đó, nói lên những suy nghĩ đẹp đẽ về cô. Cô là buổi sáng khi ánh mai chưa lên, nhìn vào mắt cô, em thấy em, thấy các bạn. Buổi chiều, đó là bàn tay phấn trắng như người gieo hạt. Và, trong buổi tối, trong giấc mơ, em thấy cô đi ra trong chiếc bông sen đẹp, cô hiền như lá lúa tháng ba. Bài thơ Khánh Chi viết năm lên 9 tuổi. Ý tứ tinh tươm, mới mẻ                         
            Ở một góc độ khác, cũng viết về cô mẫu giáo, Vũ Quần Phương thiên trọng về phía công ơn dạy dỗ. Cô hát, cô dạy, cô thức, cô ru ... Trong bài Trường con, nhà thơ như hoá thân vào thế giới trẻ con để viết. Nơi thế giới ấy, có bàn ghế bé lại như con, có chữ C :  trăng khuyết, chữ O : tròn, có mái trường trong phố như nôi nhỏ, có làn môi chóp chép, nét mi thưa. Thông qua những hình ảnh thân quen đó, nhà thơ  thổi vào ước vọng và tình yêu rộng lớn về quê hương, đất nước. Từ đỉnh núi, dòng sông, khúc hát, đêm trăng đến Tổ quốc, cuộc đời,… như không còn khoảng cách nữa, cả đến những suy nghĩ lớn lao, cao cả:
                 Cô dắt con đi giữa phố đông
                Tưởng như dắt mãi đến không cùng
                 Mai sau bay giữa vòm tinh tú
                Cô vẫn cầm tay, con biết không?
              Trần Quốc Toàn lại nghĩ và thương cô mẫu giáo, người luôn muốn tạo niềm vui cho học trò, nên gấp giấy thành chim, thành thuyền, nhặt những quả thông, quả chò, về làm con nhím, con thỏ, để dạy bao người lớn lên.
                                          *        *
                                              *


234/ Nếu Được Sống Đến 2 Lần

  Nhiều tác giả
 Ai đó hỏi rằng, nếu được sống hai lần, bạn sẽ làm gì? Riêng tôi, tôi sẽ trả lời...
   Tôi sẽ chẳng bao giờ quên ngày sinh nhật của người tôi quen biết. Tôi sẽ không để tuột mất cơ hội bày tỏ trái tim mình với ai đó, cũng như tôi sẽ dành thời gian để dừng lại và biết lắng nghe.
   Tôi sẽ dành thời gian cho bạn bè chỉ bởi vì người đó là bạn tôi. Tôi cũng sẽ lên kế hoạch có những kỳ nghỉ với gia đình thân yêu.
    Tôi sẽ dành thời gian, để lắng nghe những cuộc phiên lưu đầy "ngộ nghĩnh" của một đứa trẻ lên năm. Tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn cho ai đó để họ cảm thấy họ  quan trọng hơn .

 Tôi sẽ nằm sóng soài trên ngọn đồi có những triền cỏ xanh mượt để lắng nghe tiếng cười khúc khích của chính mình. Tôi sẽ chia sẻ cảm xúc của tôi cho những người yêu tôi. Tôi sẽ yêu thương mỗi điều nhỏ nhặt trong một ngày, một vòng tay buổi sáng sớm, một nụ cười của người lạ, một buổi ăn tối cùng với gia đình, một nụ cười với cuộc điện thoại nhầm số...
     Nếu cuộc sống được sống hai lần, tôi sẽ xác định quan điểm sống của mình để sao không phải hối tiếc và tôi sẽ để những người tôi yêu biết điều ấy... hằng ngày! Tôi sẽ không để thời gian trôi qua mà không kịp để người tôi yêu thương biết rằng họ là một phần quan trọng trong cuộc đời tôi.
    Sống trọn vẹn từng khoảnh khắc là cách giúp  ta  luôn nhớ rằng: không ai, không điều gì là nhỏ nhặt trong cuộc đời của ta...
Quà tặng cuộc sống

233/Đề thi và đáp án môn Văn: Đôi điều bàn thêm

Lý Luận Dạy & Học

Mấy năm gần đây Bộ GD&ĐT đã có những cải tiến cách ra đề thi môn Văn tốt nghiệp THPT ở dạng mở - phần nghị luận xã hội (3 điểm) đã được các thầy cô giáo, học sinh và xã hội đồng tình, hoan nghênh.
Đó cũng là xu hướng đổi mới góp phần tích cực trong việc dạy và học văn hiện nay nhằm đào tạo những con người gắn bó với xã hội với cộng đồng để có cách nghĩ, cách sống và hành động cao đẹp đậm tính nhân văn. Đề thường hướng vào các vấn đề về xã hội diễn ra quanh ta như: bảo vệ môi trường, đọc sách, gia đình, tình bạn, tình yêu, lẽ sống, lý tưởng hay lời gay ý đẹp của lãnh tụ, danh nhân…
Ảnh minh họa - internetTrong xu thế hội nhập hiện nay, việc mở rộng tầm mắt và suy nghĩ cho học sinh qua việc dạy và học văn là rất cần thiết. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan nên việc dạy và học văn cũng như đề thi môn Văn ở các kỳ thi Tốt nghiệp THPT hay thi Đại học Cao đẳng cũng còn còn nhiều điều đáng bàn…
Đề thi Văn tốt nghiệp THPT năm nay nói chung rất hay. Là một giáo viên dạy Văn đã nghỉ hưu, tôi  xin có đôi điều bàn thêm:
- Câu 1 và câu 3 đã bám sát chương trình Chuẩn hoặc chương trình Nâng cao, đánh giá được năng lực học văn của học sinh.
- Riêng câu 2 (3 điểm): “Bày tỏ suy nghĩ của anh/ chị về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam” là một đề nghị luận xã hội “dạng mở nhưng có định hướng”, Bộ GD&ĐT đã cập nhật kịp thời tình hình thời sự trong nước để ra đề, phù hợp với lứa tuổi học sinh THPT.
Nói là đề có tính “định hướng và định lượng” rõ ràng. “Định hướng” vì dưới câu hỏi đề có in kèm đoạn tin trên báo Thanh niên online ngày 6/5/2013 (có em không đọc báo, không xem ti vi về tin này vẫn có thể làm bài được). Còn “định lượng” là chỉ viết khoảng 400 chữ, hạn chế việc học sinh viết dài dòng, lan man.
 Đây là một đề có tính giáo dục tư tưởng tốt, hướng các em không những học tập gương “người tốt việc tốt” của Nam mà còn cần phải có hành động, nghĩa cử cao đẹp đối với con người, sẵn sàng “mình vì mọi người”. Với dạng đề “mở” này các em có thể bày tỏ nhiều suy nghĩ ở những mức độ khác nhau.
Song, tôi chỉ băn khoăn đôi chút về đáp án của Bộ GD&ĐT trong hướng dẫn chấm thi. Ở phần bình luận và liên hệ bản thân nên có phần “mở” hơn. Đáp án chỉ hướng tới việc ca ngợi và học tập một hành động, nghĩa cử cao đẹp của em Nam, giàu ý nghĩa tích cực trong bối cảnh cuộc sống hiện tại. Từ đó phản đối lối sống ích kỷ, vô cảm… theo một chiều. Nhưng thật ra cuộc sống rất đa chiều mà học sinh thường tiếp cận.
Sau khi thi xong đã có nhiều ý kiến của giáo viên, học sinh bàn thêm về câu 2 này, có ý kiến đã đưa lên mạng, lên báo (khen nhiều và chê ít). Trước hành động cứu người của Nam và dẫn đến cái chết của em, đáp án cần “mở” hơn.
Chúng ta thường vẫn dạy học sinh trược một vấn đề diễn ra trong cuộc sống, khi bình luận thường có 3 luồng ý kiến: một là đúng hoàn toàn, hai là vừa đúng vừa sai, ba là sai hoàn toàn. Ở câu 2 này cũng có 3 luồng ý kiến:
1. Ca ngợi lòng dũng cảm của em Nam (đa số)
2. Vừa ca ngợi vừa phê phán về hành động đó (số ít) với lý do: Nếu Nam đã thấy đuối sức quá rồi thì nên nghỉ mà hô hào xem có ai gần đó tới cứu giúp. Hoặc đành chấp nhận cứu được 3 em thôi. Cứu được em thứ 4 thì mình đuối sức, bị chết, để lại nỗi đau buồn cho gia đình, bạn bè, thầy cô… Đó là một sự trả giá đắt.
3. Phê phán hành động của Nam dại dột, không lượng sức mình để dẫn đến cái chết (số này rất ít). Với lý do: Nếu cứ học tập Nam mà mình bơi kém, hoặc không biết bơi, cứ lao xuống sông cứu bạn để rồi không cứu được mà dẫn đến cái chết thì rất không nên.
Cũng như có em không biết võ thuật, không có vũ khí mà thấy bọn côn đồ, trộm cướp “cứ ra sức anh hào” đuổi bắt để rồi bị chúng chém hoặc đánh chết thì có nên không?
Vì vậy, theo tôi Phần lưu ý ở đáp án cần “mở” hơn. Dĩ nhiên là không cho điểm những bài có suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực. Nhưng tất cả những ý kiến đôi khi trái chiều, “phản biện” ấy ta cũng nên cân nhắc xem xét.
Lê Xuân (Nguyên giáo viên Văn trường TPPT chuyên Lý Tự Trọng, TP Cần Thơ)

Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

232/ GỢI Ý LỜI GIẢI MÔN NGỮ VĂN- Kì thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm học 2013-2014


PHẦN I (6 điểm)
Trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, Thanh Hải nguyện làm một con chim, một cành hoa và một nốt nhạc trầm để kết thành:
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc
(Trích Ngữ văn 9, tập hai- NXB Giáo dục, 2012)
1. Nhan đề “Mùa xuân nho nhỏ” được cấu tạo bởi những từ loại nào? Việc kết hợp các từ loại ấy có tác dụng gì?
Gợi ý:


1. Nhan đề “Mùa xuân nho nhỏ” được cấu tạo bởi từ loại: danh từ “ mùa xuân” và tính từ “nho nhỏ”.
Việc kết hợp giữa các từ loại trên có tác dụng tạo nên nhan đề có cấu tạo là một cụm danh từ. Nhan đề này mới lạ, độc đáo, gây được sự hấp dẫn, chú ý của bạn đọc và thể hiện được tình yêu thiên nhiên, cuộc sống, khát vọng hòa nhập, cống hiến những phần đẹp đẽ nhất, tinh túy nhất của cuộc đời mình để góp phần làm nên mùa xuân chung cho đất nước


.2. Nốt nhạc trầm trong bài thơ có nét riêng gì? Điều đó góp phần thể hiện ước nguyện nào của tác giả?
Gợi ý: 
Nốt nhạc trầm trong bài thơ có nét riêng là: Không véo von, cao giọng mà trầm lắng, thiếu nó bản nhạc sẽ mất đi giai điệu sâu lắng. Nốt nhạc trầm biểu tượng cho sự cống hiến khiêm nhường nhỏ bé, khát vọng sống hòa nhập làm nên mùa xuân chung đất nước của nhà thơ Thanh Hải nói riêng và những con người lao động nói chung.
3. Dựa vào khổ thơ trên, hãy viết một đoạn văn nghị luận khoảng 12 câu theo cách lập luận tổng hợp- phân tích- tổng hợp làm rõ tâm niệm của nhà thơ, trong đó có sử dụng câu bị động và phép thế ( gạch dưới câu bị động và những từ ngữ dùng làm phép thế)
Gợi ý:
a. Về hình thức:
- Học sinh trình bày đúng đoạn nghị luận, có đủ ba phần mở- thân- kết, chữ đầu dòng thụt lùi vào 1 ô và viết hoa, các dòng sau viết sát mép lề, nét chữ rõ ràng, dễ đọc, không bị lỗi chính tả.
b. Nội dung: 
* Câu mở: 
- Giới thiệu khổ thơ “Một mùa xuân nho nhỏ…..Dù là khi tóc bạc” trích từ bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của nhà thơ Thanh Hải.
- Ý chính: Bạn đọc thấy được tâm niệm sống, khát vọng được hòa nhập và cống hiến làm nên mùa xuân chung cho đất nước của nhà thơ.
*Thân đoạn:
- Nếu như ở khổ trước, tâm niệm của nhà thơ được thể hiện một cách chân thành, khiêm nhường, nhỏ bé qua điệp ngữ “ ta làm” và qua những hình ảnh thiên nhiên đẹp tự nhiên, giản dị: con chim hót, một cành hoa…thì khổ thơ tiếp theo, nhà thơ tự nhận mình là “Một mùa xuân nho nhỏ”
+ Từ láy “nho nhỏ” làm định ngữ cho danh từ “mùa xuân” đã diễn tả mùa xuân là mùa đẹp nhất, mùa của sức sống, sức phát triển của vạn vật và con người.
+ Đây còn là hình ảnh ẩn dụ thể hiện sự hòa nhập, dầng hiến những gì đẹp đẽ nhất, tinh túy nhất của con người, góp phần làm nên mùa xuân chung cho đất nước.
+ Qua cụm từ “Một mùa xuân nho nhỏ”, bạn đọc thấy được mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể, thấy được cái hữu hạn của con người và cái vô hạn của đất trời: Một con người- Một mùa xuân nho nhỏ, chưa thể tạo nên mùa xuân chung cho đất nước nhưng có nhiều “ Mùa xuân nho nhỏ” góp lại sẽ tạo nên được mùa xuân cho đất nước, dân tộc.
- Sự cống hiến này giống như “nốt nhạc trầm” nhỏ bé, khiêm nhường “ Lặng lẽ dâng cho đời”, không khoa trương, ầm ĩ.
- Điệp ngữ “ Dù là” với sắc thái ý nghĩa khẳng định như một lời hứa của nhà thơ với đất nước, với chính lòng mình sẽ cống hiến bền bỉ suốt cả cuộc đời, bất chấp thời gian, tuổi tác:
“Dù là tuổi đôi mươi
Dù là khi tóc bạc”
- Liên hệ hoàn cảnh sáng tác bài thơ: Nhà thơ đang nằm trên giường bệnh và chỉ ít lâu sau đã qua đời mà vẫn dâng hiến cho đời bài thơ “Một mùa xuân nho nhỏ”. Nhà thơ đã đi vào cõi vĩnh hằng nhưng bài thơ đó bất tử với thời gian, được phổ nhạc thành bài hát vẫn được cất lên mỗi độ xuân về làm xao xuyến biết bao lòng người. 
* Kết đoạn:
- Thể thơ 5 chữ, gần với điệu dân ca miền Trung, có âm hưởng nhẹ nhàng, tha thiết, hình ảnh thơ đẹp một cách tự nhiên, giản dị. 
- Bạn đọc thấy được lý tưởng sống cao đẹp, khao khát cống hiến hết sức mình cho đất nước, dân tộc của nhà thơ.
- Khát vọng cống hiến của nhà thơ Thanh Hải cũng từng được nhà thơ Tố Hữu thể hiện trong bài “Một khúc ca xuân”:
“Nếu là con chim, chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”…

c. Về ngữ pháp:
Học sinh gạch chân, chú thích rõ ràng những câu bị động và từ ngữ dùng làm phép thế được sử dụng thích hợp trong đoạn văn viết của mình.
PHẦN II ( 4 điểm)
Dưới đây là một phần trong lệnh truyền của vua Quang Trung với quân lính:
“- Quân Thanh sang xâm lược nước ta, hiện ở Thăng Long, các người đã biết chưa? Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị (…) Các ngươi đều là những kẻ có lương tri, lương năng, hãy nên cùng ta đồng hiệp lực, để dựng nên côn lớn”
(Trích Ngữ văn 9, tập một- NXB Giáo dục 2012)1. Đoạn văn trên trích trong tác phẩm nào? Tác giả là ai?
Gợi ý: 
- Đoạn văn trên trích trong tác phẩm “Hoàng Lê nhất thống chí”.
- Tác giả Ngô gia văn phái: Nhóm tác giả dòng họ Ngô Thì, trong đó có hai tác giả chính là Ngô Thì Chí, và Ngô Thì Du.2. Nhà vua nói “ đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị” nhằm khẳng định điều gì? Hãy chép 2 câu trong bài thơ “Sông núi nước Nam” có nội dung tương tự.
Gợi ý:
- Nhà vua nói “ đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị” nhằm khẳng định: Chủ quyền độc lập lãnh thổ dân tộc đã được phân định rõ từ xưa đến nay. Qua câu nói này, Quang Trung muốn khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho các tướng sĩ.
- Hai câu thơ trong bài thơ “Sông núi nước Nam” có nội dung tương tự là:
Phiên âm:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”
Dịch thơ: 
“ Sông núi nước Nam vua Nam ở
Vằng vặc sách trời chia xứ sở”
Hoặc “ Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời”3. Từ đoạn trích trên, với những hiểu biết xã hội, em hãy trình bày suy nghĩ ( khoảng nửa trang giấy thi) về hình ảnh những người chiến sĩ ngay đêm bảo vệ biển đảo thiêng liêng của dân tộc.
Gợi ý: 
- Đây là phần học sinh bày tỏ suy nghĩ về những vấn đề xã hội đang xảy ra trên đất nước. Bài làm có tính chất mở song học sinh vẫn cần đảm bảo các mạch ý sau:
- Bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền độc lập dân tộc là trách nhiệm và bổn phận của mỗi người dân Việt Nam. Nó là biểu hiện hùng hồn cho truyền thống yêu nước của dân tộc khi đất nước có giặc ngoại xâm.
- Những người chiến sĩ ngày đêm bảo vệ biển đảo thiêng liêng của dân tộc là nối tiếp, phát huy truyền thống yêu nước, bảo vệ non sông gấm vóc của Tổ quốc.
- Những người lính đang canh giữ biển đảo của đất nước mang trong mình những vẻ đẹp của người lính trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đó là:
+ Họ mang phẩm chất tốt đẹp của người lính cách mạng: Sống có lý tưởng, có “ lương tri, lương năng”, vượt mọi khó khăn ( xa gia đình, quê hương, sống ở nơi có khí hậu khắc nghiệt, đời sống vật chất thiếu thốn…) nhưng vẫn cầm chắc tay súng bảo vệ biển đảo của đất nước. Họ không chỉ có tinh thần trách nhiệm cao mà còn có lòng dũng cảm, gan dạ. Đặc biệt là sự dũng cảm vượt lên chính mình để ngày đêm ở lại đảo xa thực hiện nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao phó. Họ là những người lính có tình đồng đội, biết gắn bó chia sẻ “ đồng tâm hiệp lực, để dựng nên công lớn”.
+ Họ còn có tâm hồn trong sáng, hồn nhiên, trẻ trung, lạc quan yêu đời; có phong cách sống hiện đại; có tri thức khoa học và đặc biệt biết vận dụng sáng tạo những tri thức đó từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường vào việc bảo vệ biển đảo của đất nước.
- Đảng, Nhà nước, mọi người dân đều hướng về họ với tấm lòng mến yêu, biết ơn, chia sẻ động viên. Nhà nước đã có chính sách đãi ngộ đối với những người lính ở đảo xa và người thân của họ ở hậu phương. Các ban ngành, đoàn thể trên cả nước đã tổ chức thăm hỏi, động viên họ, đặc biệt là những ngày lễ, tết…
- Học sinh liên hệ tình cảm và việc làm của em và trường em với các chiến sĩ đang canh giữ biển đảo cho đất nước.

Gợi ý lời giải của cô giáo Phạm Thị Tú Anh, giáo viên trường THCS Đống Đa- Hà Nội

232/ ĐỀ TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN VĂN (HÀ NỘI) NĂM HỌC 2013 - 2014

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
HÀ NỘI

ĐỀ CHÍNH THỨC

KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT
NĂM HỌC 2013 - 2014

MÔN THI: NGỮ VĂN
Ngày thi: 18/06/2013
Thời gian làm bài: 120 phút
Phần I: (6 điểm)
Trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, Thanh Hải nguyện làm một con chim, một cành hoa và một nốt nhạc trầm để kết thành:
“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.”
(Trích Ngữ văn 9, tập hai – NXB Giáo dục, 2012)
1. Nhan đề Mùa xuân nho nhỏ được cấu tạo bởi những từ loại nào? Việc kết hợp các từ loại ấy có tác dụng gì?
2. Nốt nhạc trầm trong bài thơ có nét riêng gì? Điều đó góp phần thể hiện ước nguyện nào của tác giả?
3. Dựa vào khổ thơ trên, hãy viết một đoạn văn nghị luận khoảng 12 câu theo cách lập luận tổng hợp – phân tích – tổng hợp làm rõ tâm niệm của nhà thơ, trong đó có sử dụng câu bị động và phép thế (gạch dưới câu bị động và những từ ngữ dùng làm phép thế).
Phần II (4 điểm)
Dưới đây là một phần trong lệnh truyền của vua Quang Trung với quân lính:
“- Quân Thanh sang xâm lấn nước ta, hiện ở Thăng Long, các ngươi đã biết chưa? Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị.(…) Các ngươi đều là những kẻ có lương tri, lương năng, hãy nên cùng ta đồng tâm hiệp lực, để dựng nên công lớn.”
(Trích Ngữ văn 9, tập một – NXB Giáo dục, 2012)
1. Đoạn văn trên trích trong tác phẩm nào? Tác giả là ai?
2. Nhà vua nói “đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị” nhằm khẳng định điều gì? Hãy chép 2 câu trong bài thơ Sông núi nước Nam có nội dung tương tự.
3. Từ đoạn trích trên, với những hiểu biết xã hội, em hãy trình bày suy nghĩ (khoảng nửa trang giấy thi) về hình ảnh những người chiến sĩ ngày đêm bảo vệ biển đảo thiêng liêng của dân tộc.

231/Ba việc không thể tiết kiệm


(GD&TĐ) - Cho dù thế gian này trở nên phồn hoa ra sao, tôi vẫn ưa chuộng đức tính tiết kiệm. Việc này đã trở thành mối quan hệ không mấy gắn bó với tiền bạc nữa. Tôi nói vậy là bởi vì những lúc tiết kiệm thường chỉ phải trả cái giá rất rẻ.

          Lại ví dụ, cho dù tủ áo của bạn treo đầy các bộ thời trang đủ kiểu, trong mùa hè nóng hầm hập, thì bạn cũng chỉ có thể mặc mỗi chiếc áo phông dệt kim mỏng thôi. Giả thử bạn khoác chiếc áo da lông thú lên mình, nếu nhẹ thì khắp mình mọc đầy rôm sẩy, nếu nặng sẽ bị cảm nóng đến ngất đi thậm chí mất mạng nữa chứ.Ví dụ như, tuýp kem đánh răng đầy đặn, nhưng mỗi lần dùng chỉ có thể bóp ra từ 1,5 đến 2 cm lên bàn chải đánh răng mà thôi, chứ không thể nào bóp ra dài đến hàng mét. Vì bạn không thể một lúc dùng nhiều kem đánh răng như vậy.
      Tiết kiệm dễ dàng hơn là xa xỉ, chỉ cần thực hiện bằng cách trực tiếp nhất và tốn kém ít nhất là có thể đạt được mục đích mà mình mong muốn.
Thế nhưng có ba việc bạn không thể tiết kiệm được.

       Một là việc học tập. Học tập cần phải chi phí. Khi trả chi phí cho học tập, có khác so với việc mua bán hàng hóa. Bởi vì bạn không thể biết trước được rồi mình sẽ có thể học vào bao nhiêu kiến thức, điều này không thể chỉ quyết định ở trình độ giảng dạy của giáo viên, mà còn quyết định ở trạng thái học tập của bạn.
     Không ai có thể đảm bảo cho bạn rằng sau khi đã nộp học phí rồi thì bạn nhất định sẽ thi đỗ đại học, đây chẳng qua chỉ là đầu tư giai đoạn đầu mà thôi. Cơ hội như bé phù dâu cầm váy cưới cho cô dâu, nếu bạn không học tập, thì cô dâu sẽ không bao giờ xuất hiện trên lễ đường nhân sinh của bạn.

   Đi du lịch là để thân thể gân cốt chúng ta cảm nhận được những làn gió thổi, những dòng nước chảy khác nhau, đầu óc chúng ta sẽ trở nên minh mẫn nhiều màu sắc do được bổ sung bởi những phong cảnh khác nhau. Ánh mắt vì thế mà trở nên sắc bén, ăn nói vì thế mà trở nên từ tốn.Việc thứ hai là đi du lịch. Bạn phải tìm hiểu thế giới này, vậy thì phải cất bước đi xa. Mà đi du lịch tất nhiên cần tốn kém tiền bạc, điều này ai cũng biết. Cái hay của du lịch không phải chỉ đưa mắt là có thể nhìn thấy hết, mà cần có một quá trình tích lũy tiềm ẩn bên trong.

    Xã hội tiến bộ rồi, vật chất dồi dào rồi, calo không tiêu hao hết trở thành gánh nặng trong cơ thể chúng ta. Thế là cần phải có máy chạy bộ cơ đặt trên mặt đất cho chúng ta chạy, phải vùng vẫy bơi trong bể nước hòa đầy chất clo, lăn lộn trượt mình trên bãi tuyết nhân tạo và lớp băng nhân tạo, hoặc leo lên vách tường xi măng nhân tạo thay cho vách núi ...Việc thứ ba là rèn luyện sức khỏe. Người cổ đại không có thói quen rèn luyện sức khỏe, nhưng vì bữa no bữa đói cho nên thân hình họ không bị phì nộn. Do nhu cầu của sinh tồn buộc họ phải không ngừng chạy nhảy săn bắn, khi nhàn rỗi thì lại giả thần lộng quỷ, hay leo lên núi tạc chữ vẽ tranh, hay nhảy múa quanh đống lửa, hết thảy đều tiêu hao thể lực, không thể tích lũy được calo thừa thãi trong cơ thể.
   Vậy thì, có cách nào để tiết kiệm tiền bạc không nhỉ? Thực ra có đấy thôi. Hãy coi nhân sinh là một tiết học, học tập tất cả mọi người, thì bạn sẽ tiết kiệm học phí. Bạn hãy cất bước ra đi, đi thật xa sẽ tiết kiệm tiền du lịch. Bạn không cần phải có bất cứ loại máy móc tập luyện nào, chỉ cần đá cầu tập thể thao ở ngay nhà, vậy là bạn có thể tiết kiệm tiền mua vé vào trung tâm tập luyện thể thao.
Thế nhưng, hết thảy đều phải tốn kém, bởi vì chúng ta đã phải bỏ ra thời gian vàng ngọc.

Tốt Thục Mẫn

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

230/ TRUYỆN CƯỜI

Nguồn:Mộc Nhân

1. TRÁNH VỎ DƯA…
Hai vợ chồng nọ cùng lên xe bus. Vừa ngồi xuống ghế, cô vợ nghe loáng thoáng thấy có người nhận xét về mình:
- Khiếp, bà vợ sao mà trông già thế, cứ như hai chị em!
Cô vợ đỏ mặt lên vì giận dữ. Một người đàn bà đứng tuổi ngồi bên cạnh cô vợ thấy vậy liền hỏi:
- Có chuyện gì mà chị trông bực dọc thế?
Nén tiếng thở dài, cô vợ quay sang bà khách đồng hành than thở:
- Mấy con mẹ lắm chuyện ngồi ghế sau xúc phạm tôi!
Nghe vậy bà khách đồng hành quay sang nói với anh chồng:
- Này cậu, tại sao cậu lại để người ta xúc phạm mẹ cậu như vậy hả?

2. CHUYỆN NỘI BỘ CƠ QUAN
Xưa: Hảo hán làm, hảo hán chịu. Nay: Hảo hán làm, hảo hán chuồn. Sic!!!
Vợ sếp nói với một nhân viên dưới quyền sếp:
- Em có nguyện vọng gì thì cứ nói thẳng với chị nhiều khi lại được việc hơn là gặp sếp của em.
- Dạ, nhưng sếp luôn căn dặn bọn em: "Không được qua mặt tôi để đề xuất nguyện vọng với cấp trên tôi!".
- Tớ biết tại sao có người nói nên dạy học sinh bắt đầu bằng chữ E rồi.
- Tại sao?
- Bởi sau này đi làm các em sẽ thường xuyên được nghe sếp: "E hèm…".
- Cơ quan ta dự kiến áp dụng một số biện pháp tiết kiệm mới đấy.
- Trời đất ơi, sau này lại tốn không biết bao nhiêu tiền của để sửa sai đây?

3. CHUYệN BÓI TOÁN
Đồng tiền không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi mà chỉ chạy từ túi người này sang túi người khác.
Vợ vừa đi xem bói về bảo chồng:
- Lão thầy bói mù xem cho em toàn nói dựa!
- Dựa thế nào?
- Hắn cầm cổ tay em thấy vòng, lần ngực em thấy dây chuyền, thế là đoán ngay số em giàu!
Một ông khách đi xem bói, nghe bà bói phán:
- Ông là cha của hai đứa con trai...
- Tôi nghĩ bà đoán sai rồi. Tôi đã là cha của ba đứa con trai.
- Đó là do ông nghĩ thế thôi...
Hai vợ chồng đi dạo phố về.
- Anh nghĩ lão thầy bói khi nãy là mù thật đấy.
- Sao anh lại đoán thế?
- Vì lúc em cho tiền thì lão nói: Cám ơn… người đẹp!

4. LÚC ở NHÀ Vợ CŨNG LÀ... CÔ GIÁO
Có người nói: Phía sau thành công của người đàn ông là người phụ nữ… ngạc nhiên.
Trong bữa ăn, vợ nói với chồng:
- Em có cách bán cái đàn ooc nhà mình với giá cao.
- Bằng cách nào?
- Anh để em chơi ooc vài hôm tự khắc hàng xóm sẽ góp tiền mua.
Vợ sếp bảo chồng:
- Giấy rách phải giữ lấy lề, anh làm sếp phải gương mẫu.
- Đúng thế.
- Ta nghèo nhưng phải biết giữ thể diện.
- Em nói chí phải.
- Nếu đối tác hay cấp dưới biếu quà anh cũng đừng nhận.
- Đúng lắm!
- Mà... để em nhận cho, kẻo anh mang tiếng!
Chồng hỏi vợ:
- Em vẫn cho rằng tiền bạc sẽ đem lại hạnh phúc có phải không?
- Đúng thế! Chính xác thì bản thân tiền bạc cũng chưa hẳn, mà là... số lượng của nó.

5. CHUYỆN VỢ ÔNG... HÀNG XÓM
Câu nói nằm lòng: Cách khen một người đàn bà hay nhất là hãy nói xấu một người đàn bà khác trước mặt họ. Cách để vợ dễ nổi khùng nhất là khen hết lời vợ thằng bạn trước mặt vợ.
- Anh có thích một người phụ nữ khờ khạo không?
- Không.
- Vậy một người phụ nữ nghiện thuốc lá?
- Cũng không.
- Thế còn phụ nữ không biết nấu ăn?
- Hoàn toàn không thích!
- Vậy thì sao anh lại quá chú ý đến vợ tôi vậy?
Một cô nói với cô bạn hàng xóm:
- Ai ngờ hàng xóm nhà mình lại có thằng cha đểu thế. Hôm qua hắn lại dám tán tỉnh cả tôi nữa chứ...
- Thằng cha nào mà đểu thế?
- Khó nói quá... nhất là khi nói với vợ thằng cha đó.
Một "tóc vàng" hỏi bạn:
- Nghe nói cậu rất thích sân vận động thành phố mình có bóng đá?
- Vì những lúc đó ông chồng mình vắng nhà hơn hai tiếng.

6. CừU GIÀ VÀ Cỏ NON
Nếu muốn trả thù một ai đó hãy gửi cho hắn một người đàn bà đẹp. Nhưng nếu ai đó cho bạn một người đàn bà xấu cũng không chắc là hắn yêu quý bạn.
Một ông ngỏ lời cầu hôn với cô gái nọ:
- Em thấy đấy, so với tuổi của tôi thì tôi còn trẻ lắm!
- Đúng thế, nhưng so với... tuổi của em thì ông lại... quá yếu!

- Bố nên nghĩ lại đi, bố đã là một ông già mà cô ấy thì còn quá trẻ, làm sao mà bố có thể lấy cô ấy làm vợ kia chứ.
- Thôi, được rồi, bố sẽ cố gắng chờ cô ta lớn thêm hai, ba tuổi nữa.

Thấy ông chủ đi thăm vợ nằm ở bệnh viện về vẻ mặt lo lắng, cô giúp việc hỏi:
- Tình hình của bà thế nào rồi ạ?
- Gay lắm!
- Có chuyện gì xảy ra thế, thưa ông?
- Chiều nay bà ấy xuất viện!

7. PHÙ... THÌ RA LÀ THế
Trời ạ! Nói gì thì phải diễn đạt rõ ràng ra, cứ làm hàng xóm mắc bệnh tưởng...
Trong khu tập thể, hai nhà chỉ cách nhau bức liếp. Một sáng sớm chị vợ nhà bên nói to:
- Em đã bảo anh bao nhiêu lần là bóp từ dưới bóp lên kia mà, sao anh cứ bóp từ trên bóp xuống thế?
Anh hàng xóm tò mò nhìn sang, thấy tay người chồng đang cầm... ống kem đánh răng.

8. CÁI LƯỡI KHÔNG XƯƠNG
Chính vì thế mà nói xuôi hay nói ngược đều... xuôi cả, bạn đọc truyện sau sẽ hiểu.
Hai bà lâu ngày gặp nhau:
- Chồng tớ bị ngã xe, mất toi mấy triệu bạc.
- Không sao, của đi thay người mà!
- Hôm qua ông ấy lại bị bắt về tội đánh bạc.
- Không sao, người đi thay của mà!

229/ Bí quyết đạt điểm cao thi ĐH các môn khối A

Thủ khoa Lê Thành Đạt bên phải


(GD&TĐ) - Thủ khoa khối A Trường ĐHSP Hà Nội kỳ tuyển sinh 2012 - bạn Lê Thành Đạt chia sẻ những bí quyết bổ ích về thi học, thi.


Kinh nghiệm học tốt 3 môn khối A

Lê Thành Đạt chia sẻ: Sau khi thi tốt nghiệp, toàn bộ khoảng thời gian còn lại em dành cho việc ôn thi đại học. Tuy nhiên, không giống suy nghĩ nhiều bạn cho rằng, khoảng thời gian này “cắm mặt cắm mũi” “thâu đêm suốt sáng” để học, bản thân em cảm thấy quá trình ôn của mình trong năm khá ổn, giờ là lúc nên bình tĩnh, nhìn nhận mọi vấn đề một cách thấu đáo. Do đó, em không học nhiều, một ngày em chỉ học 3-4 tiếng, dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, chơi thể thao, đêm em có xem euro.

Đối với môn Toán, em tải trên mạng đề thi thử mới của các trường, mua tuyển tập các đề thi Toán năm trước. Mỗi ngày em làm một đến hai đề. Lúc làm bài, em cố gắng phân dạng bài tập rõ ràng, tự bấm giờ, câu dễ làm trước, câu khó làm sau. Môn Toán em cũng rất chú ý làm cho thật chỉn chu, trình bày thật logic, chặt chẽ, từ các chi tiết nhỏ nhất. Bên cạnh đó, em và các bạn tập trung làm nhiều dạng câu 5, thường là câu khó nhất đề “hệ phương trình” và “bất đẳng thức”. Có bài Toán khó nào hay, cách giải đặc sắc, hoặc phương pháp nào mới, em và các bạn đều tích cực chia sẻ cho nhau hoặc học trên mạng.

Với môn Lý, lúc này bọn em không chỉ luyện các đề thi mà còn làm lại các chuyên đề bài tập mà các thầy cô đã giao trên lớp. Môn Lý, em cố gắng hiểu bản chất của hiện tượng, từ đó mình có thể tránh việc học thuộc vẹt quá nhiều làm quá tải, lẫn lộn các công thức với nhau. Phần nào còn yếu em tập trung vào phần đó, tuy nhiên với phần mình đã nắm vững cũng nên ôn lại cẩn thận. Do yếu tố đặc trưng là trắc nghiệm nên mỗi năm đề lại ra nhiều câu rất hay và mới, do đó bọn em thường lên mạng xem các tài liệu về dạng bài mới cũng như tự lập một số công thức tính nhanh của riêng mình để áp dụng nhanh vào bài tập. Khi luyện đề, em cũng bấm giờ, luôn tập trung hết mức. Thông thường, cũng như môn Hoá, bọn em sẽ làm hai lượt, để có thể soát lại bài một cách chắc chắn nhất. Rèn luyện kỹ năng bấm máy cũng là một điều rất quan trọng trong quá trình ôn thi.

Với môn Hoá, tuy mức độ khó, theo em đánh giá là không khó bằng hai môn trên nhưng độ đa dạng trong bài tập, các mẹo đánh lừa học sinh thì lại “nhất”. Ngay trong năm, từng phần kiến thức, từng loại bài tập bọn em đã làm khá kĩ trên lớp. Không chỉ thế, thầy giáo dạy hoá bọn em còn yêu cầu chúng em tự sáng tạo bài tập để nắm được tư duy ra đề. Do đó, tháng cuối cùng, bên cạnh việc luyện đề, bọn em cũng tự ôn lại các chuyên đề Hoá đã học. 

Nói chung , do quá trình học trong năm chắc và cẩn thận nên việc ôn lại các dạng bài tập không quá vất vả mà chủ yếu bọn em luyện kĩ năng làm bài và phần lý thuyết. Quả thật là phần lý thuyết Hoá cực kỳ đa dạng và không dễ chút nào. Em và các bạn thường đọc rất kỹ sách giáo khoa, các tài liệu tham khảo, và hay tổ chức các cuộc thi nho nhỏ, một bạn cầm tài liệu sẽ ra câu hỏi, kiểm tra kiến thức các bạn. Những lần như vậy, vừa vui vừa ghi sâu kiến thức rất nhanh. Cũng giống cả hai môn Toán, Lý, năm nào hầu như cũng có các câu hỏi, bài toán hay, lạ, do đó, bọn em luôn “lùng sục” các đề thi thử để tìm các dạng bài mới và trao đổi với nhau. Riêng môn Hoá, phải ghi nhớ nhiều nên em có cuốn sổ tay nhỏ, ghi những kiến thức, công thức, bí kíp, tên các chất, các quặng... để có thể thuận tiện ôn lại.

Cũng phải nói thêm, bên cạnh việc tự học, không khí học tập trong lớp cũng khá quan trọng. Lớp bên hay tổ chức các kì thi thử song song với việc thi thử ở trường, điều này đã giúp chúng em có một tâm lý rất vững vàng khi thi thật. Em và các bạn rất hay cùng nhau lên thư viện học nhóm. Quả thực, việc học với các bạn đều thông mình chăm chỉ giúp chúng em học hỏi ở nhau được nhiều điều. Tuy vậy, lớp em còn hay đi chơi, làm cho không khí thi thử của cả lớp rất thoải mái!

Làm bài thi: Bình tĩnh, tập trung, đúng phương pháp 

Đối với Lê Thành Đạt, kinh nghiệm làm bài cả 3 môn là phải bình tĩnh, tập trung, và có phương pháp làm bài đúng đắn.
 

Khi làm Toán, câu nào khó, không nghĩ ra được, em lập tức bỏ qua, làm câu dễ hơn, khi mình đã giải quyết các câu dễ xong, em cảm thấy tự tin và thoải mái hơn để đối mặt với các câu khó. 

Đối với các câu khó, em thường đọc kỹ đề bài, cố gắng nhận dạng thực chất nó thuộc dạng bài nào, điều kiện, giả thiết này tương với điều gì, hoặc bản chất điều kiện ấy sẽ suy ra điều gì, thông thường khi nhìn ra điểm mấu chốt của bài toán, ta sẽ có hướng giải quyết. Em khuyên mọi người, hãy làm ngay bài toán với hướng làm đầu tiên mà bạn nghĩ ra trong đầu, việc cau mày suy nghĩ để tìm lời giải đẹp, nhanh gọn nhiều khi có hại khi chỉ làm mất thời gian của chúng ta.
 

Toán là môn trình bày duy nhất và việc mất nửa điểm trình bày hay 0,25 cũng có thể làm chúng ta mất cơ hội với trường đại học mơ ước. Do đó, em cỗ gắng trình bày chậm, logic. Thầy giáo dạy Hình học của em thường dạy rằng, trình bày cũng thể hiện tư duy người viết. Câu chữ, dấu suy ra, dấu tương đuơng, các phép biến đổi, điều kiện xác định... cũng rất đáng lưu ý. Nếu làm sai gạch đi làm lại, không nên viết chèn, hay tẩy xoá, điều đó làm xấu bài làm và gây khó chịu cho người chấm.

Với môn Lý, Hoá, cũng theo phương châm của môn Toán, câu nào không làm được lập tức bỏ qua làm câu khác, câu đó sẽ để lượt hai giải quyết. Cũng do mới vào thi hồi hộp nên tức thời ta quên mất hoặc không nhìn ra dạng bài quen thuộc nên yên tâm là sau khi đã bình tĩnh nhìn lại, các câu hỏi sẽ được giải quyết.

Với môn Lý, em làm rất cẩn thận và suy nghĩ thật kỹ các câu phần điện, đây là phần phức tạp và khó nhất trong đề. Sau khi đã chắc chắn các câu khác, em sẽ để thời gian còn lại suy nghĩ các câu khó trên. Nhưng chú ý là em cũng để dành khoảng 10 phút cuối, kiểm tra lại một lượt đáp án, các kết quả tính toán, các câu lý thuyết.

Với môn Hoá, đề Hoá thường rất hay bẫy nên em đọc kỹ đề bài, xác định thật rõ ràng cần tính cái gì, phải dùng kiến thức gì, dạng bài gì, công thức nào để làm bài. Các câu lý thuyết cũng rất khó, yêu cầu em tổng hợp kiến thức thật chắc, suy luận tốt để trả lời các câu hỏi. Nhiều khi không có câu trả lời rõ ràng, mình phải dùng phương pháp loại trừ, cũng khá hữu ích. Môn Hoá em cũng bấm lại máy nhiều lần, kiểm tra lại các câu trả lời đáp án của mình cho thật chính xác.

Quả thực, trong kì thi đại học em cảm thấy mình rất tự tin và bình tĩnh, phải đến môn cuối cùng, môn Hoá, em mới cảm giác chút hồi hộp, không như thi Toán, Lý, em cũng thấy mình “tỉnh bơ”. Một phần cũng do thi thử rất nhiều lần với kết quả tốt, bố mẹ cũng rất thoải mái với sự lựa chọn và tin tưởng em. Hơn nữa, khi thi em ở ngay trong trường sư phạm, em cũng học 3 năm rồi nên không lạ lẫm. Trước mấy hôm thi em không học nhiều mà chủ yếu nghỉ ngơi thư giãn, chẳng nghĩ gì nhiều đến kì thi đại học, chỉ mơ màng nghĩ đến lúc nghỉ hè nên tâm trạng rất thoải mái!
  
Hiếu Nguyễn (ghi)

Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

228/ LÊN TAM LÃNH CÙNG EM

                                 Bích Trâm
                                                     
           Tặng cô Sen nhân dịp đi  dạy chuyên đề ở Tam Lãnh

                                 Đường lên Tam Lãnh vợi vời
                                 Xênh xang tà áo rồi bời tóc mây 
                                 Chông chênh giáo án chùng tay
                                 Cồng kền bảng phụ em bay lên đèo
                                 Đường cong cong đổ cheo leo
                                 Sương thu lạnh cũng tan theo nắng đào


                                 Ông trời không thể không vào
                                 Ngắm em – cô giáo khác nào tiên sa
                                 Nụ cười nở thắm tựa hoa
                                 Tiếng em thánh thót sơn ca cũng dừng
                                 Ông trời chân bước ngập ngừng
                                 Có thầy ngơ ngẩn tưởng chừng đang mơ
                                 Trách cho tiếng trống hững hờ
                                 Vỡ tan từng mảnh ý thơ nồng nàn

                                 Em về tha thướt dịu dàng
                                 Má hồng hồng ửng giữa ngàn nắng hoa
                                 Cỏ cây thầm thì lời ca
                                 Gió thơm làn tóc, mây xòa bóng râm
                                 Đường xa bỗng hóa ra gần
                                 Đèo cao dốc dựng hóa bằng như ru…
                                 Có người ngắm bước em đi
                                 Xao lòng chút chút có gì đâu em./.