BICH TRAM

339/ NGUYỄN CHIẾN – NGƯỜI VÀ THƠ

     Nguyễn Tấn Ái

                 Về thầy Nguyễn Chiến
                         GV văn trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, Điện Bàn, Quảng nam 
         
           Tần ngần mãi, không biết ngã cái đề như thế đã ổn thỏa chưa? Tại sao không là thơ và người? Có thể với nhiều người hâm mộ thầy, thì trước là thơ. Thơ thầy đẹp, da diết mà trong sáng, tục lụy mà thanh tao, đủ sức quyến rũ. Song với tôi, cái tôi yêu trước lại là con người thầy, đẹp như một nghệ sĩ, và thân thương như với tất cả mọi người, nhất là người trẻ, thầy phải là nhà giáo! 
          Nhớ ngày mới ra trường tập tễnh theo đòi nghiên bút, có một nhà giáo mà ngay từ phong thái đã tác động mạnh mẽ đến tôi, như một hấp lực vô hình, nghe nói đó là danh sĩ Nguyễn Chiến. Dáng cao thanh, mặt ngọc mắt sáng, tóc mây bồng bềnh, rất tiên phong đạo cốt. Cái dáng dấp rõ ràng không là con đẻ của thời đại, giữa những luộm thuộm rúm ró của một thời thầy giáo tháo giày đói cơm lạc áo thì người ấy như một lạc loài mây trắng.

          Như đọc được ở tôi, nhóc tỳ văn chương, một tia ngưỡng mộ, thầy thường dành cho một nụ cười và cái gật đầu chiếu cố bâng quơ, bởi cũng không biết tôi là ai, mà tôi cũng không biết cách nào để tiếp cận thầy. Cao đạo như thầy Ngô Sửu có khi còn dễ gần, chỉ mời thầy điếu thuốc lá (thầy Ngô Sửu nghiện thuốc lá nặng) là thầy khà lên khoái chí, buồn ngủ gặp chiếu manh, còn Nguyễn Chiến thì không.
          Vậy mà còn may, Văn Tấn Binh bảo thơ thầy rất đã. Thì tìm thơ mà đọc.
          Đầu tiên là Khúc tình mưa:
          Em xinh đến như thế
          Làm sao mà anh không
          Tan như là viên kẹo
          Ngã vào lòng mênh mông
          Một nhạc khúc yêu đương cổ điển dịu dàng miên viễn, day dứt vĩnh viễn sơ khai, ngọt từ khai tự đến cuối dòng:
          Bây giờ em xinh thế
          Con mắt nhìn rất mưa
          Cuối con đường mây tím
          Em thành cơn gió lùa.
          Mãi cho đến khi thầy ân cần tặng tôi tập thơ Giọt sương khi nắng lên thì tôi đã đọc thơ thầy ngót mười lăm năm! Rất yêu cái tinh tế trong cảm xúc của thầy khi đòi có mộtngày tình cũ, khi tự nhận mình chỉ là gã trẻ con lớn xác, là con ngựa bạch trắng từ đầu đến chân, mà vẫn giàu niềm tin ngày trái tim lên ngôi!
          Nhưng phải là Nguyễn Chiến đọc thơ Nguyễn Chiến thì mới đã. Giọng khê mà si của thầy rất có duyên với thơ tình. Cơ duyên mở lối, thỉnh thoảng có dịp cùng làm đề thi, cùng học bồi dưỡng rồi dạy bồi dưỡng, đôi ba lần được nghe thầy đọc thơ, là một kiểu thơ viết cho mình, tôi mới hiểu chú ngựa bạch kia không bao giờ chịu mòn mỏi với thời gian, hãy còn ham hố mở lối lên trời lắm!
          Càng gần thầy Nguyễn Chiến, càng mến mộ con người, đẳng cấp, phóng khoáng, ân tình.
          Đôi lúc thầy rủ: Em đi uống cà phê với thầy.
          Tôi hỏi nghiêm túc như đùa: Thầy và thầy Ngô Sửu ai hơn?
          Thầy trả lời không đùa: Ngô Sửu nhiều cao đồ hơn.
          Sau ngày thầy Ngô Sửu mất, thầy tâm sự: Tui thắp cho ông bạn già cây hương, vái mà chỉ sợ mình quỵ xuống không gượng nổi ông ạ!
          Thầy Ngô Sửu với thầy là số ít hiếm hoi sinh viên sư phạm văn từ trước 1975. Thân nhau, mà rất khác biệt, danh sĩ Hội An khắc khổ đau đời, danh sĩ Điện Bàn yêu đời ngang dọc.
          Tôi tặng thầy chữ ĐẸP.
          Đẹp như biệt thự nhà thầy riêng dành một góc tĩnh lặng để nhà giáo văn nhân lui tới trà dư tửu hậu.
          Đẹp như cách thầy ngồi tiếp chuyện bạn bè ung dung nho nhã không hề gò bó.
          Đẹp như cách thầy lên bục giảng thị phạm cho lớp sinh viên thực tập về phong thái văn chương.
          Đẹp như thơ thầy, giọt giọt là những giọt sương khi nắng lên, lưu luyến chực tan biến.
          Đẹp như những ân cần thầy trao gửi lớp đàn em giáo giới, văn giới.
          Âm thầm chuẩn bị một đêm thơ Nguyễn Chiến mà vì những lý do không đâu đến nổi mọi khổ công lại không thành, với thầy tôi biết mình có lỗi. Mà nghe đâu tháng 6 này (2016) thầy giã từ bục giảng, khoảng trống thầy để lại cho làng giáo e rằng đâu chỉ một hai khóa học. Và cái sự lỗi hẹn của tôi trở thành một khiếm khuyết đáng trách!
          Tưởng như thấy trước mắt ngày thầy ném viên phấn trắng, cao giọng thi ngâm tặng lũ học trò:
          Ngày mai đời hết rượu
          Ta còn cái ly không
          Cất lên khà một cuộc
          Đã cái đời thi ngông
                             (Thông điệp trắng)
                                      * **
          Khi viết những dòng này, tôi không viết cho một văn hữu, bởi với tôi, thầy là một người thầy, vĩnh viễn!
                                                    Tháng chạp 2015 - Nguyễn Tấn Ái

Thứ Năm, 14 tháng 1, 2016

458/ Một số dàn ý đề văn nghị luận văn học xoay quanh các đoạn trich Kiều

Đề : 
          Với Truyện Kiều của ND, nghệ thuật tự sự đã có những bước phát triển  vượt bậc

             Luận điểm 1: Với Truyện Kiều , nghệ thuật tự sự đã có những bước phát triển  vượt bậc : Trước hết là ở  nghệ thuật dẫn truyện
           - Trung tâm của văn bản không phải là sự việc mà là nhân vật ,lời văn kể chuyện theo hướng thuyết minh hành động,tâm lí của nhân vật.Phương thức kể và tả được kết hợp một cách nhuần nhuyễn, lời kể không đơn thuần là giới thiệu nhân vật, kể việc mà còn là lời đối thoại, độc thoại,nhận xét đánh giá, cũng có khi là bình luận. Khi lại là lời kể lời thuyết minh về lai lịch tính nết nhân vật . ( d/c : Giới thiệu chị em Thúy Kiều, Mã Giám Sinh)
            - Ngôi kể thứ ba với điểm nhìn nghệ thuật linh hoạt  khi thì kể theo điểm nhìn từ bên ngoài . Khi lại được nhìn với điểm nhìn bên trong (d/c: Kể về đức hạnh của chị em Kiều,  lời thoại của Mã Giám Sinh, về không gian lễ hội trong tiết thanh minh..) 
Luận điểm 2:  Với Truyện Kiều, nghệ thuật tự sự đã có những bước phát triển vượt bậc qua nghệ thuật  miêu tả thiên nhiên
            - Cảnh không đơn thuần là cảnh mà tả cảnh là tạo không gian để bộc lộ tâm trạng nhân vật,cảnh luôn gắn với người...Đó là cảnh nhuốm màu tâm trạng hiu hắt đang diễn ra trong tâm hồn nàng Kiều.(Kiều ở lầu Ngưng Bích )
        - Khi tả cảnh Nguyễn Du còn có khả năng gợi lên một cảnh tượng trong truyện giúp người đọc hình dung ra cảnh qua những ngôn từ ước lệ. ( Cảnh  ngày xuân)
        - Nghệ thuật tả cảnh đạt đến bậc thầy giàu tính tạo hình  (Cảnh  ngày xuân)
 Luận điểm 3:  Với Truyện Kiều , nghệ thuật tự sự đã có những bước phát triển  vượt bậc qua nghệ thuật  miêu tả con người:
       - Nghệ thuật tả người phong phú và đa dạng hơn, giàu tính tạo hình, lúc tả theo bút pháp ước lệ tượng trưng khi tả theo bút pháp tả thực tùy theo từng tuyến nhân vật phản diện hoặc chính diện. Khi miêu tả chị em Thúy Kiều Nguyễn Du sử dụng bút pháp ước lệ với từ ngữ  mĩ lệ để tôn vinh cái đẹp.( d/c)
      + Khi kể về nhân vật phản diện thì Nguyễn Du lại chú ý đến chi tiết hiện thực để người đọc dễ hình dung ra nhân vật với nét ngoại hình và tính cách rõ nét  (Mã Giám  Sinh mua Kiều) 
      + Cũng có khi miêu tả tâm lí gắn với hành động của nhân vật: (Mã Giám  Sinh mua Kiều)


       + Khi cần Nguyễn Du lại tập trung miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật bằng ngôn ngữ  mềm mại - nghệ thuật miêu tả nội tâm  (Mã Giám Sinh mua Kiều)



  Đề : Qua văn bản “ Cảnh ngày xuân” và “ Kiều ở lầu Ngưng Bích” ( Ngữ văn 9 – Tập 1), em hãy chứng minh rằng “ Cảnh vật và tâm trạng nhân vật trong thơ Nguyễn Du bao giờ  cũng vận động chứ không tĩnh tại”
                                                                          ( Ngữ văn 9 nâng cao)

*  Tìm ý, lập dàn ý:
Luận điểm1. Cảnh vật trong thơ Nguyễn Du luôn luôn vận động chứ không tĩnh tại:
           + Khi miêu tả cảnh Nguyễn Du có khả năng miêu tả khá độc đáo , luôn nhìn cảnh vật trong sự vận động theo thời gian và tâm trạng của nhân vật, cảnh luôn gắn bó với con người:
           + Trong “ Cảnh ngày xuân « :  Trước hết là cảnh ngày xuân : tươi sáng trong trẻo , tinh khôi mới mẻ, tràn đầy sức sống (d/c)
           +Vẫn là cảnh thiên nhiên ngày xuân nhưng chiều về lại có sự thay đổi theo thời gian , theo tâm trạng của con người : Cảnh chiều xuân mênh mang, nhạt dần ……(d/c)
           + Hay nơi lầu Ngưng Bích : Thiên nhiên được nhìn qua tâm trạng của một kẻ cô đơn cô độc  thì cảnh vật có vẻ đẹp hoang vắng mênh mông rợn ngợp
( 6 câu thơ đầu)
          +  Vẫn thiên nhiên nơi lầu Ngưng Bích nhưng trong tám câu cuối ta thấy có sự vận động theo dòng tâm trạng của con người khá tinh tế. Ngòi bút điêu luyện của Nguyễn Du đã thể hiện khá sinh động bức tranh thiên nhiên với những cảnh vật cụ thể . Cảnh được miêu tả từ xa đến gần, màu sắc từ đậm sang nhạt, âm thanh từ tĩnh sang động
Luận điểm 2 : Tâm trạng nhân vật trong thơ Nguyễn Du cũng luôn luôn vận động chứ không tĩnh tại
* Trong “Cảnh ngày xuân » : Tâm trạng của nhân vật có sự biến đổi theo thời gian và không gian ngày xuân . thiên nhiên ngày xuân tươi đẹp , lễ hội mùa xuân đông vui lòng người cũng nô nức vui tươi, hạnh phúc, hào hứng phấn khởi hoà trong không khí vui vẻ của hội đạp thanh(d/c)
           - Lễ hội tan, cảnh xuân nhạt dần , tâm trạng con người cũng thay đổi “lần xem , thơ thẩn, nao nao “
* Trong “ Kiều ở lầu Ngưng Bích” tâm trạng có sự biến đổi khá rõ rệt :
         - Trước hết là tâm trạng bẽ bàng sau đó là suy tư, tự đối diện với chính nỗi niềm của mình, nơi đất khách quê người tủi hờn ê chề nàng Kiều đã nhớ người yêu và cha mẹ mình (d/c)
         - Nhớ về những người thân yêu nàng lại nghĩ về cảnh ngộ của mình nỗi niềm ấy được Nguyễn Du miêu tả khá tinh tế : Từ buồn da diết trong nỗi nhớ quê, nhớ người (d/c) -> buồn băn khoăn về thân phận bèo dạt hoa trôi của mình(d/c)  -> buồn vô vọng trong cái nhìn nhạt nhoà không hi vọng (d/c) -> Lo sợ hãi hùng về tương lai mờ mịt của mình, tiếng lòng của nàng Kiều đồng vọng vào thiên nhiên (d/c )


Đề :
        Bằng những hiểu biết của em về “Truyện Kiều”, hãy trình bày về nghệ thuật miêu tả và khắc hoạ tính cách nhân vật của Nguyễn Du.
I/ Tìm hiểu đề
- Đề yêu cầu phân tích một giá trị nghệ thuật nổi bật của nghệ thuật Truyện Kiều: nghệ thuật xây dựng nhân vật. Có thể nói trong văn học trung đại, không có một tác giả thứ hai nào thành công trong việc miêu tả nhân vật như Nguyễn Du (theo Giáo sư Nguyễn Lộc).
- Chủ yếu sử dụng kiến thức trong các đoạn trích học, có thể vận dụng thêm một số hiểu biết về các nhân vật trong truyện thông qua một vài câu miêu tả mỗi nhân vật.
- Căn cứ vào từng đoạn trích đã học mà khái quát lên đặc điểm bút pháp xây dựng nhân vật của Nguyễn Du, để bố cục bài viết. Không nên phân tích cách viết từng nhân vật, sẽ trùng lặp và thiếu sâu sắc.
II/ Dàn bài chi tiết
A- Mở bài:
- Sức hấp dẫn mạnh mẽ của Truyện Kiều chính là bởi nội dung sâu sắc tình đời được biểu hiện bằng hình thức nghệ thuật đạt đến trình độ mẫu mực của văn chương cổ điển.
- Một trong những thành công xuất sắc của Nguyễn Du là nghệ thuật miêu tả và khắc hoạ tính cách nhân vật.
B- Thân bài :
1. Miêu tả ngoại hình rất độc đáo
Nguyễn Du khắc hoạ ngoại hình mỗi nhân vật hết sức cô đọng mà vẫn in dấu nét mặt, bộ dạng của từng nhân vật, không ai giống ai.
- Thuý Vân, Thuý Kiều đều đẹp, nhưng Vân thì:
Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc tuyết nhừng màu da.
Còn Kiều thì :
Làn thu thuỷ nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.
- Cũng là trang nam nhi, Từ Hải là anh hùng cho nên chàng hiện ra oai phong lẫm liệt:
Râu hùm hàm én mày ngài
Vai năm tấc rộng thân mười thước cao.
Kim Trọng là văn nhân, hiện ra thật nho nhã, hào hoa:
Tuyết in sắc ngựa câu giòn,
Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời.
- Cùng là những kẻ xấu xa, bỉ ổi, nhưng Mã Giám Sinh thì : Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao ; còn Sở Khanh thì : Hình dung trải chuốt áo khăn dịu dàng.
Nhìn chung, Nguyễn Du miêu tả nhân vật chính diện theo bút pháp ước lệ nhưng có sự sáng tạo nên vẫn sinh động ; tả nhân vật phản diện bằng bút pháp hiện thực như ngôn ngữ đời thường cũng rất sinh động.
2. Miêu tả nội tâm tinh tế và sâu sắc
- Nguyễn Du thường đặt nhân vật vào những cảnh ngộ có kịch tính để nhân vật bộc lộ tâm trạng : Bị đẩy vào lầu xanh, định thoát chết để thoát nhục lại không chết ; bị giam lỏng ở Lầu Ngưng Bích, chưa biết tương lai lành dữ ra sao.
- Ông đặc biệt thành công trong miêu tả nội tâm nhân vật qua ngôn ngữ tự sự của tác giả, qua độc thoại nội tâm và qua tả cảnh ngụ tình :
+ Tâm trạng của Kim Trọng và Thuý Kiều lần đầu tiên gặp nhau được miêu tả qua lời kể của tác giả :
Người quốc sắc kẻ thiên tài,
Tình trong như đã mặt ngoài còn e.
Chập chờn cơn tỉnh cơn mê,
Rốn ngồi chẳng tiện dứt về chỉn khôn.
+ Tâm trạng nhớ người yêu của Thuý Kiều khi ở lầu Ngưng Bích được bộc lộ qua tiếng nói nội tâm của nàng.
+ Tâm trạng cô đơn, lo lắng của Kiều khi một mình ở lầu Ngưng Bích được miêu tả qua cảnh thiên nhiên.
3. Nghệ thuật khắc hoạ tính cách nhân vật sắc sảo
a) Khắc hoạ tính cách qua diện mạo, cử chỉ

- Thuý Vân: Với vẻ khuôn trăng đầy đặn, hoa cười ngọc thốt cho thấy tín cách đoan trang, phúc hậu.
- Thuý Kiều : với đôi mắt như làn thu thuỷ, nét xuan sơn toát lên tính cách thông minh, đa cảm,…
- Mã Giám Sinh : vẻ mặt mày râu nhẵn nhụi, trang phục quần áo bảnh bao, cử chỉ ngồi tót sỗ sàng, cho thấy đó là kẻ trai lơ, thô lỗ.
- Hồ Tôn Hiến : cái vẻ mặt sắt cũng ngây vì tình tố cáo bản chất độc ác và dâm ô của viên “trọng thần”.
b) Khắc hoạ tính cách qua ngôn ngữ đối thoại
- Lời lẽ Từ Hải thường có tính khẳng định thể hiện rõ tích cách khẳng khái, tự tin:
Một lời đã biết đến ta,
Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau
- Thuý Kiều nói với Thúc Sinh : nghĩa nặng nghìn non, Tại ai há dám phụ lòng cố nhân, tỏ rõ nàng là con người trọng ân nghĩa.
- Hoạn Thư liệu điều kêu xin : chút phân đàn bà, ghen tuông thì cũng người ta thường tình, thì đây quả là con người khôn ngoan, giảo hoạt,…
C- Kết bài :
- Về phương diện xây dựng nhân vật, Nguyễn Du đạt những thành công mà chưa tác giả đương thời nào theo kịp. Nhà thơ thường miêu tả rất súc tích, chỉ cần một vài câu thơ ông đã có thể khắc hoạ rõ nét ngoại hình và tính cách nhân vật. Nhưng tuyệt diệu nhất là nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật.
- Truyện Kiều sống mãi với thời gian phần lớn cũng là do những thành tựu nghệ thuật này.






Thứ Hai, 11 tháng 1, 2016

338/ MÙA TRĂNG KHUYẾT

    Truyện ngắn - Nguyễn Tấn Ái


           1.Anh không viết chuyện này cho anh, không cho một hoài niệm, dù đẹp. Anh đang viết cho muội, vì, anh chợt hiểu rằng một khi dĩ vãng được sống lại, nó sẽ là năng lượng.
          Hãy chia sẻ cùng anh với một mùa trăng khuyết.
         
2. Ngây thơ và trong sáng, tuổi thơ chỉ thế thôi sao? Mà chẳng thể hơn, mà ước gì chỉ là như thế!
          Tôi thích những chiều trời nhiều mây, có những cơn mưa bất chợt mùa hạ sẽ ấm áp hơn. Tha hồ dầm mình trong làn nước ấm, cặp đôi con trâu nhà tôi và con bò nhà bé Hạ cũng tha hồ đi hoang, như thể chúng cũng rất thân nhau. Trẻ thơ tuổi mười ba nhà quê không có khái niệm nội y. Cả một tâm hồn trong suốt không cần che dấu. Hạ cứ thoải mái ngửa người trên thân cây chuối mặc tôi đẩy đi lung tung không định hướng, cười nắc nẻ mỗi khi tôi nghịch vốc nước đổ lên người Hạ.
          Không chỉ một hai, suốt một mùa hè như thế. Người lớn đi củi về nghỉ ở bãi sông, nhìn và cười. Tôi không hiểu. Ai vui thì cứ vui, ai cấm. Mà như có một lần đã hiểu, khi một anh thanh niên xóm trên cáu ngươi chửi đổng: Mần đi!
Tôi ngơ ngác, Hạ nhăn mặt.
Bến sông không còn trong veo nữa rồi!

3. Thì hẹn nhau lên đồi sim.
Không hẹn hò lãng mạn đâu, chỉ là bàn nhau:
- Hạ không thích tắm sông nữa, họ nói.
- Thì mình đi chỗ khác, lên đồi Lạc Sơn kìa, vui chán.
- Mà không được tắm với nhau nữa, buồn chết đi.
Vậy là đánh trâu dong bò lên đồi. Mà không buồn chết đi đâu. Buồn chết đi là chuyện của người già, trẻ thơ không chết được. Chúng nó vui với nhau khi dung dăng dung dẻ dắt nhau hái từng chùm bông trang, vạch từng gốc sim tìm trái chín. Mệt quá, nghỉ đi, nhìn sâu vào mắt, cười cười. Dòm dòm sau áo chút, có chi mô mà nhìn, bộ lạ lắm răng? Ran ran cả người, mồ hôi ra nhiều quá, gãi hoài cái đầu bù xù. Ê, chắc có chí đó, để Hạ bắt cho. Níu đầu tôi xuống, Hạ chăm chú rẽ từng sợi tóc. Mãi cho đến khi tôi áp mặt vào ngực Hạ lúc nào không biết ( hay biết cũng không chừng?). Lạ thiệt, sao Hạ tài thế, tay ôm chặc đầu tôi mà vẫn bắt chí được, cười được. Thì mình chơi trò bắt chí, vui chán, còn thực tế hơn cả trò chơi tắm sông. Vẫn văng vẳng bên tai lời chửi độc địa của anh con trai xóm trên.
Mỗi khi chiều về Hạ thường ngồi sau lưng tôi. Con trâu đi thong thả. Con bò của bé đi sau, cung cúc, tận tụy.
         
4. Năm sau tôi lên trường Huyện học. Ký sự của nhà quê bao giờ cũng tự hào ghi: Tuổi mười lăm, lần đầu ở trọ…
          Mẹ không cho chơi trò chăn trâu nữa, dù gì thì cũng sắp sửa là ông tú làng rồi, phải làm người lớn thôi.
          Một lần ngồi chơi với Hạ, Hạ nói: Mười lăm tuổi em cũng lên trường Huyện học.
          Má Hạ nói: Con mà lên được trường Huyện như anh con a?
          Mắt Hạ rơm rớm nước.
          Tôi nói: Được chớ răng không.
          Má nói: Con Hạ lên được trường Huyện, cho con luôn.
          Vậy là mỗi tối thứ bảy tôi lại được ngồi bên Hạ. Có phép hẳn hoi. Hạ mặt mũi sáng sủa mà răng đầu óc túi thui. Tôi chăn trâu dịu dàng mà bày biểu lại hay gắt gỏng. Hạ đã ít cười, mắt đã thôi vui. Mỗi lần tôi cốc đầu một cái đau, Hạ nhìn tôi chưng hửng. Một lần đau quá, Hạ kéo tay tôi cắn một miếng, rồi khóc tấm tức. Học hành không vui bằng tắm sông hay dạo núi. Mỗi buổi tối kèm Hạ học thường kết thúc bằng một nỗi buồn bâng quơ.
          Không còn là bạn bè của tuổi ngây ngô. Cái ông thầy oắt con thường hay làm dáng người cao đạo, thích chí thấy mình được ngưỡng mộ. Cô học trò càng tủi thân càng cắm cúi càng cố gắng.
          Một lần trò hỏi bâng quơ: Mấy chị học lớp thầy giỏi không?
          Tôi nhìn Hạ chưng hửng biết mình trật lất. Tối đó thầy buồn hiu.
         
5.Qua một trăm năm mươi mấy cái buồn hiu thì Hạ đã biết cười. Em đã thi đỗ lớp mười, đã lên trường Huyện.
Má Hạ liên hoan một bữa mỳ gà. Tôi ăn ba bát. Hạ cười cười, chông đũa nghếch mặt trêu: Ăn hết mất con ăn còn mất vợ!
          Tôi không được nhìn cô học trò mặc áo dài ngày ngày đến lớp rồi. Tôi lại lên trường mới, lần này thì xa lắc, tận ngoài cố đô Huế.
          Ngày tôi đi, ngồi với nhau lâu lắc, Hạ không tặng quà cho tôi, chỉ xa xôi: Quà má hứa cho rồi!
          Mãi vui với sông Hương núi Ngự, mãi tập tành học đòi giọng Huế mượt ngọn mồng tơi, tôi quên béng lời hẹn ngày đi, mỗi tháng sẽ viết thư về cho Hạ.
          Duy một lần đọc thư Hạ: Ngoài nớ lạnh không? Mùa đông đừng ngồi bên cửa sổ. Mấy chị lớp thầy giỏi không? Má nói ráng học cho bằng anh.
          Tôi viết về cho Hạ: Hè ni về không làm thầy Hạ nữa. Anh để tóc bù xù, về Hạ bắt chí cho anh.
          Đợi hoài không thấy thư Hạ nữa. Kể từ khi biết đợi.
         
6. Vừa về, cả nhà đi vắng, hú hồn, để nguyên đống bụi còn bám trên người, tôi bươn bả đi tắt lên nhà Hạ.
          Đứng sững trước cửa ra vào, Hạ nhìn tôi trân trối.
          Chẳng nói chẳng rằng lôi tuột tôi ra sau chái bếp, chỗ có cái ảng nước và sợi dây phơi. Vơ đại cái áo đang phơi, nhúng vào ảng nước, Hạ dịu dàng lau sạch mặt mũi chân tay cho tôi. Úi đau, chỗ nớ xưa bị học trò cắn mấy miếng. Hạ cười cười: Còn nhớ răng? Mấy giọt nước ướt sũng từ vai đến ngực Hạ, không chỉ là ngực trái mận ngày bắt chí. Tôi vượt qua khoảng cách một cách khá dễ dàng, như của mình, như dành sẵn. Hư òm òm, Hạ nói mà mặt ngó lơ.
          Một mùa hè yên ả, nắng buổi sớm tinh tươm, mưa buổi chiều hơi bụi, thích nhất là ánh trăng tọc mạch dòm chừng qua kẻ lá.
          Ngồi đè lên thân cây chuối mỗi khi Hạ xắt chuối cho heo, như thế cây chuối không lăn qua lăn lại, dù mắt cứ lăn tăn hoài. Hạ làm việc thoăn thoắt, nói tía lia, lâu lâu lại hỉ hỉ? Tôi cứ cười cười, cười cười, lâu lâu lại bày tỏ nguyện vọng. Bậy mà, bậy mà, Hạ thương anh chớ răng, không thương răng học chi cho mệt rứa. Đống chuối xắt đã cao rồi, Hạ không xắt nữa, không đứng lên, không vào nhà, đầu gục lên cánh tay, miệng thì thầm, răng anh hư rứa, nghi anh quá, mới một năm thôi mà lạ kinh.
         
Tối đó là một đêm rằm tháng bảy.
          Tựa mình vào thân cây chuối sau hè, người Hạ nóng rực.
          Tôi đã hạ quyết tâm “bắt nhốt con chim vào lồng”, cái triết lý bậy bạ của mấy đứa sinh viên mới thật là kinh khủng.
          Vẫn còn giữ cho mình lớp rào chắn vải thô dù mỏng dánh, song Hạ không còn xấu hổ, không còn lẩn tránh. Cái việc “thú ơi là thú” như lời đồn dại ở vỉa hè phố xá thiệt ra không đúng lắm. Mặt em cam chịu quá! Tôi hơi xấu hổ mà cứ liều lĩnh. Nhả ra bao nhiêu là châu ngọc. Hạ vơ vội mấy túm lá chuối khô tẩy xóa. Tôi mơ màng nhớ ngày xưa cùng với Hạ tắm sông.
          Một buổi tối mặt Hạ đỏ bừng: Chỉ chừng nớ thôi, em sẽ cho, nhớ đừng đòi hơn nữa. Hạ cầm tay tôi dắt đi.
          Bây giờ tôi biết mình ngu ngốc khi cứ muốn sành điệu ác độc. Mà ngu ngốc hơn cả vẫn cứ là Hạ, ai lại đi thử thách mình quá mức như tê.
          Lớp rào chắn cuối cùng rồi cũng gỡ bỏ.
          Gương mặt ấy trong trẻo thần tiên quá!
          Rực rỡ tựa trăng rằm.
          Rồi chợt như có một đám mây trôi ngang.
          Kéo tay tôi cắn mạnh.
          Buông thả.
          Rồi khóc tấm tức.
         
          7. Tôi mang cả linh hồn cô bé lớp mười vào trường đại học, ngây ngây ngô ngô. Tôi mang cả tình yêu nhà quê ra phố, nghi nghi ngờ ngờ. Ghét nhất mấy đứa nữ bạn cứ te te khoe mẽ bồ tui bồ tui. Cái mặt không biết khóc là cái mặt giang hồ hết biết. Nhớ hoài một góc nhà quê tội tội, tội tội.
          Mang bộ mặt thần kinh đi giữa phố, tôi thành của lạ.
          Tụi con gái kháo nhau cha này hâm hâm.
          Tụi con gái kháo nhau đố đứa nào ăn được nó.
          Tôi chỉ thích có Sen, không tò mò khiêu khích, chỉ dịu dàng thông cảm. Biệt hiệuSen vàng lãng đãng mà không lãng đãng chút nào. Tận tụy đưa tôi đi thư viện tìm sách đọc cho mỗi mùa thi. Tận tụy lắng nghe những gì tôi mơ màng. Có những lúc vuốt vuốt mái tóc tôi: Em hiểu.
          Cũng có những bữa cơm tối thật vui vẻ.
          Một bữa cơm tối Sen cười cười: Biết uống rượu không? Xị rượu thuốc đặt giữa bữa ăn. Để tôi vui, Sen cũng nhâm nhi đôi chút. Chàng sinh viên chưa từng biết rượu chỉ vài ly là say khướt. Nguyện vọng theo về bằng con đường quán tính. Em hiểu. Và với bao nhiêu chuyện nhà tôi đã kể, Sen đã nhập vai cô bé nhà quê rất đạt. Hình như nước mắt Sen ràn rụa khi tôi run người lẩm bẩm: Hạ ơi!
         
          8. Sen vốn dân chuyên văn từ hồi trung học, rất sành nhật ký. Mỗi trang nhật ký đều đều bằng nhau trên vuông giấy nhỏ xinh xinh. Rất thích chụm đầu cùng tôi đọc lại trang mình viết rồi rủ rỉ: Đúng chưa? Đúng chưa?
         
Ngày…tháng…năm
          Cùng nhau đọc Papillon - Người Tù Khổ Sai, thích có một hòn đảo vắng toàn ngọc trai, mình sẽ lặn thật giỏi để nuôi chàng Bướm. Tuân rất thích cô em ngây thơ tội nghiệp. Mình hỏi em giống ai. Tuân thật thà đến ghét: Sen giống cô chị, Hạ mới là cô em. Mình hỏi: Sen đến sau sao lại là chị? Vì Sen giỏi hơn Hạ khoảng ấy. Mình như bị quất một roi ngang giữa ngực.
         
Ngày… tháng… năm
          Sông Hương ngày cả gió. Bờ vai Tuân không đủ che chở cho mình. Tuân nói gió ở nhà quê rất thích, cứ tha hồ nắm tay nhau mà đi ngược gió. Lần đầu ngồi bên nhau mà lạnh buốt. Dắt nhau trở về nhà trọ. Mình đã sẵn sàng, rất muốn tình ấm lại, mà Tuân thì cứ tạnh như không. Hay là bấy nhiêu đã đủ? Hay là bấy nhiêu đã chán hở Tuân?
         
Ngày…tháng…năm…
          Sinh nhật mình. Tuân thật đáng yêu khi tặng mình một chú cún con. Cún hàng thật, biết sủa gâu gâu chứ không là cún bông đâu nhé. Tuân nói tìm mờ mắt mới bồng trộm được của ai bên phố. Chàng Đông-ky-sốt của em ơi! Bãi biển về khuya vắng tanh, Tuân ngoan như cún con liếm láp khắp người mình. Ngoan như cún đói khi đã thỏa thuê ngon lành nằm ngủ. Mình không ngủ được. Nghịch nghịch với con còng gió bắt được khi chiều. Còng kẹp mình một cái đau điếng rồi bỏ chạy. Đôi mắt còng thao láo gương lên nhìn mình trước khi đào tẩu sao giống mắt Tuân mỗi khi ngơ ngác quá! Sẽ để lại cho em bao nhiêu vết sẹo nữa rồi biến mất? Bao giờ sẽ đến Tuân ơi?
          Sau mỗi trang nhật ký Sen đều ương bướng đòi mình ký chung vào đó. Để còn kỷ niệm, Sen nói.

          9. Rồi cũng đến mùa hè mong đợi.
          Mà kỳ lạ thật, bước chân lên ga ra về mà lòng lại không háo hức như đã từng mong đợi. Tiễn tôi Sen chỉ nói: Khi mô buồn nhớ lại ra.
          Mẹ buồn buồn: Học hành mệt nhọc lắm hả con? Gầy ốm quá! Ngồi yên nhìn mình trệu trạo miếng cơm chắc lòng mẹ xót. Con lớn rồi chớ đâu còn trẻ con hở mẹ. Mẹ bâng quơ: Mấy lâu không thấy con bé Hạ đến chơi. Chắc biết mình ngóng tin, mẹ mới nói thế.
          Đợi thật tối tôi mới lên nhà Hạ. Cho thật bất ngờ. Chắc Hạ sẽ lại nhìn mình trân trối.
          Hạ đang bên chiếc bàn con, ngẩng lên nhìn tôi, ngơ ngác. Rồi gục mặt xuống bàn. Rồi cũng mau chóng đứng lên, anh ngồi chơi đi, Hạ nói khi lặng lẽ đi rót ly nước. Tôi thật không hiểu điều chi đã xảy ra. Ý tứ cách mình một khoảng đủ xa, Hạ ngồi đó, chăm chăm nhìn ngọn đèn dầu.
Một buổi gặp mặt không như mong đợi, thật nhàu nhỉ.
- Biết anh về khi chiều, mà em bận quá. Tưởng anh sẽ không lên, em hơi bất ngờ.
Tôi cầm tay Hạ:
- Sao thế?
Hạ khẽ rút tay về. Rồi bất ngờ đỗ vào ngực tôi, khóc. Tôi ôm lấy Hạ, bàn tay đã bắt đầu đói khát. Đừng anh! Hạ sửa lại tư thế, giũ giũ chiếc cỗ áo vừa xộc xệch cho nghiêm chỉnh.
- Má đi đâu rồi Hạ?
- Má qua nhà bên, má nói đi mượn người mai cày ruộng.
- Có con rể không biết cày ruộng, chắc má buồn. Tôi gắng đùa.
- Em sẽ gắng kiếm cho má đứa con rể biết cày ruộng. Ngập ngừng Hạ thêm: Và biết yêu con gái má nữa!
          Tôi ra về sớm hơn dự định. Bước thẩn thờ. Hạ lặng lẽ đi theo. Đến cuối con ngõ, bất chợt từ phía sau Hạ ôm lấy tôi, yên lặng anh, để thế, em muốn ôm anh thêm lần nữa. Tôi thật muốn quay người lại, nhưng thật biết, nếu thế Hạ sẽ rời tôi rất nhanh.
- Anh đừng lên nhà em nữa. Buông tôi ra, Hạ thì thầm.
          - Anh không hiểu?
          - Vài hôm nữa em sẽ đi Long An. Em xin được cô em trong ấy, làm người bán hàng. Em không học nữa, có học cũng không bằng anh đâu.
         
10. Cái cơ hội để hiểu Hạ và những gì đã diễn ra với Hạ đã không còn. Khi tôi còn âm u với bao nhiêu câu hỏi thì hai hôm sau, Hạ đi Long An thật.
          Tôi quay lại Huế sớm hơn dự định. Dù sao Long An cũng quá xa xôi với tôi.
          Sen đón tôi, nồng nhiệt một cách tự nhiên.
          Lâu rồi Sen cũng không còn giữ thói quen ghi nhật ký nữa. Sao thế? Sen cười cười: Tuân đã biết yêu rồi, viết nhật ký làm gì. Bế Sen đặt lên đùi mình (Sen rất thích thế), để làm kỷ niệm, tôi dỗ. Kỷ niệm đầy ắp ra rồi, Tuân còn đòi gì nữa.
         
11. Vừa xuất ngũ, Thịnh ra Huế chơi. Thằng bạn thân hồi cấp ba. Nó đi bộ đội vì trượt xuất vào đại học.
          Ngồi bên quán cà phê đường Võ Thị Sáu, quán sinh viên, Thịnh nói:
- Hạ có chồng rồi, vừa nhận ăn hỏi.
- Ai thế?
          - Thầy giáo dạy văn của nó.
          Rồi Thịnh chép miệng:
- Dạy văn phải thế mới đúng. Chứ cứ như ông thầy dạy tụi mình, rồi cứ như mi thì khốn nạn.
          Theo lời Thịnh, Hạ không ở mãi tận Long An. Biết tin cô học trò nhỏ bỏ nhà đi Nam, thầy của Hạ đã khăn gói vào tận Long An để tìm, dỗ Hạ về. Thương má khóc hết nước mắt, Hạ theo về. Tháng trước cả nhà ăn hỏi.
- Con Sen nào đâu, bồ mi sao tau không thấy? Hay mi sợ nó ăn luôn cả tau?
          Chưng hửng, bởi tôi chưa bao giờ kể với Thịnh về chuyện Sen.
- Hạ cho tau coi nhật ký viết chung của mi với bồ. Sen gửi cho Hạ. Con bé thật đáo để.
          Chiều lòng bạn, tôi - Sen - Thịnh có một bữa ăn chung. Sen trổ tài mến khách, bữa cơm thật lịch sự. Hai thằng câm như hến, chỉ Sen là nhân vật chính líu lo.
          Ra về Thịnh nói với tôi:
- Cái con thật đáo để, mà cũng ngon nhức mắt!
Giá trước đây vài ngày có ai nói thế chắc tôi đã quất một quả đấm thôi sơn. Còn bây giờ thì tôi không buồn cải chính.
         
12. Tôi đã trở thành thầy giáo đĩnh đạc một mình. Rồi cưới vợ. Sen không theo về như dự tính. Lần yêu cuối trước chia tay, ngày giới hạn, thấy tôi tần ngần, Sen giục: Cạn đi, nếu có con Sen lại sẽ tìm đến Tuân, thôn… xã… huyện… Sen đọc thuộc lòng vanh vách. Tôi rùng mình. Rồi lạnh cả người.
          Thịnh đã là cụ nông dân, già đi nhiều, chỉ còn cái giọng là vẫn như xưa, bạt mạng: Mi tệ quá, kém Hạ cái nồng nhiệt, thua Sen cái quyết liệt. Chỉ còn con vợ, ráng mà sống cho tử tế.
          Duy chỉ một lần gặp lại Hạ trong đám giỗ nhà đứa bạn bà con với Hạ. Tôi chỉ chăm chú với tô mỳ gà, hai bát. Làm cho tôi tô thứ ba, Hạ ý tứ: Anh vẫn chung thủy với món mỳ gà!
          Ừ, Hạ ạ, có lẽ đó là phẩm chất còn sót lại của anh!

                                                          Mùa đầu đông 2015