BICH TRAM

Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

60/ TỔNG KẾT CHUYÊN ĐỀ “DẠY HỌC THEO CHUẨN KIẾN THỨC NĂNG VÀ PHÂN HÓA THEO NĂNG LỰC CỦA HỌC SINH”


Nguồn : Trường THCS Phan Châu Trinh -huyện Phú Ninh 
I.Tình hình dạy học của trường về chuẩn kiến thức, kĩ năng và phân hóa theo năng lực của học sinh:
1.Tình hình chung của trường về thực hiện chuyên đề “dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng và phân hóa theo năng lực của học sinh”
Căn cứ công văn số 292/GDĐT ngày 22 tháng 8 năm 2011 của PGD&ĐT huyện Phú Ninh về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2011 – 2012 cấp THCS .Ngay từ đầu năm học bộ phận chuyên môn nhà trường đã xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên đề trong đó có việc thực hiện chuyên đề “dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng và phân hóa theo năng lực của học sinh” cấp huyện năm học 2011 – 2012.
Tiếp nhận công văn số 457/ KH GDĐT ngày 14 tháng 11 năm 2011 của PGD&ĐT huyện Phú Ninh về việc tổ chức thực hiện chuyên đề năm học 2011 – 2012 cấp THCS. Bộ phận chuyên môn nhà trường đã triển khai cụ thể kế hoạch đến các tổ chuyên môn và từng giáo viên.
Ngoài ra, BGH nhà trường chỉ đạo giáo viên tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học tích cực; thực hiện ra đề kiểm tra theo mức độ kiến thức theo quy định về chương trình giáo dục phổ thông có căn cứ vào hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của BGD&ĐT.
2. Tình hình tổ Ngữ văn về thực hiện chuyên đề “dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng và phân hóa theo năng lực của học sinh”
Tổ ngữ văn trường THCS Phan Châu trinh gồm 6 giáo viên nữ, tuổi đời cao nhất : 52 , thấp nhất 42; cả 6 GV đều đạt chuẩn ( trong đó có 1 GV đạt trình độ trên chuẩn )
          a.Thuận lợi:
- Được sự quan tâm chỉ đạo của phòng giáo dục, của sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của BGH nhà trường, và sự đoàn kết, thể hiện trách nhiệm cao của đội ngũ giáo viên trong tổ.
- Có trang bị đầy đủ các tài liệu về chuẩn kiến thức, kĩ năng đã tránh được sự quá tải trong soạn giảng.
-Đầu năm học 2011-2012 Bộ giáo dục đã điều chỉnh giảm tải giúp người dạy và người học có thêm thời gian cho các hoạt động.
-Kế thừa chuyên đề “Dạy học và kiểm tra đánh giá chuẩn kiến thức, kỹ năng theo phương pháp dạy học tích cực” của năm học trước và giai đoạn 2 năm học này.

          b.Khó khăn:
- Còn khập khiểng giữa lý thuyết với thực trạng học sinh, thực tế giảng dạy.
- GV còn lúng túng, vướng mắc ở một số hoạt động dạy học.
- Cơ sở vật chất chưa đáp ứng đượccác hoạt động dạy học theo yêu cầu ( nhất là dạy học tích cực )
- Khả năng ứng dụng CNTT còn hạn chế do lớn tuổi.
 c.Tình hình thực hiện chuyên đề “dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng và phân hóa theo năng lực của học sinh” của tổ ngữ văn trường THCS Phan Châu Trinh:
          -Thực hiện đúng công văn hướng dẫn, chỉ đạo của phòng giáo dục và BGH nhà trường , ngay từ đầu năm học tổ đã xây dựng kế hoạch hoạt động năm học trong đó có tập trung xây dựng các chuyên đề để sinh hoạt chuyên môn trong năm học .
- Cách dạy tốt thơ trữ tình theo chuẩn kiến thức kỹ năng và phân hóa theo năng lực học sinh (tháng 10)
-Dạy tốt tiết ôn tập theo chuẩn kiến thức kỹ năng và phân hóa theo năng lực học sinh (tháng 12)
- Cách dạy tốt bài tiếng việt theo chuẩn kiến thức kỹ năng và phân hóa theo năng lực học sinh (tháng 2)
II. Tổng kết chuyên đề “Dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng và phân hóa theo năng lực của học sinh”
Định hướng đổi mới phương pháp dạy học đã được xác định trong các nghị quyết trung ương từ năm 1996, được thể chế hóa trong luật giáo dục (12/1998), đặc biệt được tái khẳng định trong điều 5 luật giáo dục (2005 ) “Phương pháp giáo dục phải phát huy tính tích cực ,tự giác chủ động, tư duy sáng tạo của người học , bồi dưỡng cho người học năng lực tự học , khả năng thực hành lòng say mê học tập và ý chí vươn lên “
          Song song với việc đổi mới nội dung chương trình SGK xác định chuẩn kiến thức mà học sinh cần phải đạt được thì mục tiêu giáo dục toàn diện càng được chú trọng . Điểm mới trong chương trình giáo dục phổ thông là đưa chuẩn kiến thức kĩ năng vào thành phần của chương trình góp phần khắc phục tình trạng quá tải trong giảng dạy học tập . Việc dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng của bộ môn ngữ văn đòi hỏi người giáo viên phải đầu tư nghiên cứu, bám sát chuẩn kiến thức của từng chương từng bài ; đồng thời chú trọng lượng kiến thức cần đạt đối với từng đối tượng học sinh để qua đó đổi mới trong phương pháp soạn giảng.
Dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng và phân hóa theo năng lực học sinh đòi hỏi người giáo viên phải bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng để thiết kế bài giảng, với mục tiêu là đạt được các yêu cầu cơ bản, tối thiểu về kiến thức kỹ năng, dạy không quá tải; việc khai thác sâu kiến thức, kĩ năng phải phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh .
Thiết kế tổ chức hướng dẫn học sinh thực hiện các hoạt động học tập với các hình thức đa dạng, có sức hấp dẫn phù hợp với đặc trưng bài học, với đặc điểm và trình độ học sinh tạo cơ hội và điều kiện cho học sinh được tham gia một cách tích cực.
Sử dụng các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học một cách hợp lý phù hợp với đặc trưng bộ môn, nội dung tính chất của bài học,đặc điểm và trình độ học sinh.
Dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng và phân hóa theo năng lực học sinh là một yêu cầu cần thiết nhằm giúp học sinh tích cực hơn trong học tập, có như thế mới đáp ứng được những yêu cầu trong định hướng đổi mới công tác giáo dục của ngành.
Năm học 2011-2012 phòng giáo dục đào tạo Phú Ninh chỉ đạo sinh hoạt chuyên đề “Dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng và phân hóa theo năng lực học sinh” để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cho từng môn học và áp dụng cho phù hợp với tình hình cơ sở vật chất, đội ngũ, học sinh, địa phương.
Để làm tốt công tác dạy học, kiểm tra đánh giá đạt được chuẩn kiến thức, kĩ năng và phân hóa theo đúng năng lực của từng đối tượng học sinh đòi hỏi người dạy và người học phải có một sự đầu tư, đổi mới trong cách soạn giảng và cách học
1.Sự chuẩn bị của giáo viên và học sinh
a.Về giáo viên:
- Nắm kỹ trọng tâm kiến thức kỹ năng của mỗi cụm bài học, từng bài học; từ đó thiết kế bài dạy sát với chuẩn kiến thức kỹ năng trong từng hoạt động. Muốn học sinh hoạt động tích cực trong giờ học, nắm được trọng tâm kiến thức kỹ năng ngoài việc đã nói trên giáo viên còn chuẩn bị kỹ cho học sinh từ khâu dặn dò từ tiết học trước.
- Chuẩn bị đầy đủ các thiết bị, đồ dùng dạy học và nhất thiết phải sử dụng hợp lý.
- Cần phải đổi mới trong soạn giảng thiết kế và xây dựng hệ thống câu hỏi một cách chặt chẽ đi từ mức độ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp; tổ chức các hoạt động dạy học trên lớp phù hợp nhằm huy động được tất cả đối tượng học sinh tham gia vào hoạt động học tập. Muốn đạt được yêu cầu trên thì trong công tác dạy học người giáo viên cần thực hiện tốt các phương pháp dạy học tích cực sau đây:
* Phương pháp nêu và giải quyết vấn đề:
Trong một xã hội đang phát triển nhanh theo cơ chế thị trường, cạnh tranh gay gắt thì phát hiện sớm và giải quyết hợp lý những vấn đề nẩy sinh trong thực tiển và một năng lực đảm bảo sự thành công trong cuộc sống.Vì vậy, tập dượt cho học sinh biết phát hiện, đặt ra và giải quyết những vấn đề gặp phải trong học tập, trong cuộc sống của cá nhân, gia đình…..là việc làm cần thiết không chỉ có ý nghĩa ở phương pháp dạy học và phải được đặt như một mục tiêu giáo dục và đào tạo.
Đối với bộ môn ngữ văn thì đây là phương pháp giáo viên có thể áp dụng trong các tiết học. Tuy nhiên khi áp dụng cần chú ý các mức độ phù hợp với năng lực học sinh như sau:
Mức 1: giáo viên đặt vấn đề, nêu cách giải quyết vấn đề theo sự hướng dẫn của giáo viên. Giáo viên đánh giá kết quả ở mức độ này phù hợp với học sinh có học lực từ yếu đến trung bình , giáo viên nên sử dụng nhiều hơn trong PPDH.
Mức 2: giáo viên nêu vấn đề, nêu giả thiết, học sinh lập kế hoạch giải quyết vấn đề - giáo viên và học sinh kết luận . Một phần trong bài dạy có thể áp dụng để phát huy đối với học sinh khá,giỏi.
Mức3,4 Là những yêu cầu cao hơn – giáo viên có thể vận dụng để bồi dưỡng học sinh giỏi, hạn chế trong giảng dạy đại trà.
          *Phương pháp hợp tác ( thảo luận nhóm )
Chú ý cách tổ chức và hướng dẫn hoạt động nhóm của học sinh, phân công nhiệm vụ cụ thể, ấn định thời gian phù hợp, bao quát lớp để phát huy hiệu quả hoạt động của nhóm . Nên sử dụng kỹ thuật khăn trải bàn trong hoạt động nhóm để tất cả đối tượng học sinh được tham gia ý kiến của mình . Như vậy, ta đã khai thác năng lực và phân hóa theo từng trình độ của học sinh, đồng thời chú ý hệ thống câu hỏi có tính gợi mở để học sinh yếu, kém có thể tham gia được. Khi báo cáo kết quả thảo luận giáo viên cần chú ý gọi nhiều đối tượng học sinh ( Y,TB,K,G) trả lời theo các yêu cầu câu hỏi phù hợp với đối tượng để cuốn hết tất cả học sinh đều tham gia hoạt động nhóm trong tiết học.
*Phương pháp trò chơi học tập: Có thể áp dụng một vài hình thức hoạt động như trò chơi giải ô chữ ghép hình, tìm thông tin nhanh, tiếp sức …để củng cố bài học.  
*Phương pháp đóng vai …
b.Về phía học sinh:
Ngoài việc chuẩn bị đầy đủ những yêu cầu cần thiết để đến lớp như SGK, đồ dùng học tập. Học sinh còn phải chuẩn bị bài soạn theo yêu cầu mà giáo viên đã giao về nhà.
2. Những việc làm của tổ ngữ văn trường THCS Phan Châu Trinh qua 4 giai đoạn thực hiện chuyên đề:
Để thực hiện chuyên đề “ Dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng và phân hóa theo năng lực của học sinh thì điều đầu tiên giáo viên phải nắm kỹ trọng tâm kiến thức kỹ năng của mỗi cụm bài học, từ đó thiết kế bài dạy sát với chuẩn đó trong từng hoạt động phù hợp theo năng lực của học sinh, bên cạnh đó đòi hỏi học sinh chuẩn bị kỹ theo yêu cầu của giáo viên.
-Trong giai đoạn đầu tổ nghiên cứu, hướng dẫn thực hiện chuyên đề “Dạy tốt tiết văn bản thơ trữ tình theo chuẩn kiến thức kỹ năng và phân hóa theo năng lực học sinh. Với mảng chuyên đề thuộc cụm văn bản trữ tình này, trước hết đòi hỏi người dạy phải xác định được, làm thế nào để học sinh cảm nhận được giá trị nội dung tư tưởng mà tác giả muốn hướng tới cuộc sống, về nghệ thuật  biểu cảm trong lời thơ, hình ảnh thơ học thuộc các bài thơ, đoạn thơ. Kỹ năng phải phát hiện được yếu tố ngôn ngữ , hình ảnh nghệ thuật; mạch cảm xúc trữ tình mà tác giả muốn thể hiện.
          Để đạt được chuẩn kiến thức kỹ năng đồng thời phân hóa theo đúng năng lực của từng đối tượng học sinh đòi hỏi giáo viên phải đầu tư trong công tác soạn bài , thiết kế và xây dựng hệ thống câu hỏi một cách chặt chẽ đi từ mức độ thấp đến cao; sử dụng các phương tiện dạy học hợp lý; tổ chức các hoạt động trên lớp phù hợp nhằm huy động được tất cả các đối tượng học sinh tham gia. Tổ đã tiến hành dạy minh họa  văn bản   “Đồng chí” của Chính Hữu. Để đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng và dạy học phân hóa theo năng lực của học sinh . Đồng thời xoáy sâu nội dung bài giảng . Để hướng cho học sinh thấy được một trong những cơ sở hình thành tình đồng chí là “ Sự tương đồng về cảnh ngộ xuất thân nghèo khó” giáo viên nêu những dạng câu hỏi phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh, cụ thể như sau :
-Dạng 1. (học sinh yếu )
 Đọc những câu thơ nói lên hoàn cảnh xuất thân của người lính ?
-Dạng 2. (học sinh TB-Khá )
Qua những câu thơ trên em biết những người lính xuất thân trong hoàn cảnh như thế nào ?
-Dạng 3. (học sinh giỏi )
 Chi tiết nào cho em thấy điều đó ? hãy lý giải .
·        Sau khi học sinh trả lời , giáo viên chốt lại:
Tình đồng chí , đồng đội bắt nguồn sâu xa từ sự tương đồng về cảnh ngộ xuất thân nghèo khó . Đó chính là cơ sở cùng chung giai cấp xuất thân của những người lính cách mạng.
Sau đó tổ tiến hành dạy tiết minh họa tiếp theo với thơ trung đại - Bài qua đèo Ngang của bà Huyện Thanh Quan.
Để đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng và dạy học phân hóa theo năng lực của học sinh , đồng thời xoáy sâu nội dung bài giảng “Cảnh đèo Ngang và tâm trạng tác giả” giáo viên định dạng câu hỏi phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh và cụ thể như sau:
- Dạng 1. (H/S yếu )
Đọc những câu thơ tả cảnh đèo Ngang ? ( 4 câu đầu )
- Dang 2. (TB-Khá)
Tác giả sử dụng  những biện pháp nghệ thuật gì ở những câu thơ trên? chỉ ra những từ ngữ chỉ thời gian không gian cảnh vật trong những câu thơ đó.(điệp từ, từ láy,đảo ngữ) (thời gian :bóng xế tà; không gian: Đèo Ngang, dưới núi, bên sông; cảnh vật : cỏ ,cây, hoa, lá)
- Dạng 3.( học sinh giỏi )
Từ những chi tiết trên em thấy cảnh đèo Ngang hiện lên như thế nào? lí giải?(tiêu điều , hoang sơ vì sự sống hiện lên bé nhỏ-ít ỏi…)
Sau khi nêu những dạng câu hỏi trên chúng tôi thấy học sinh tham gia hoạt động tích cực hơn và nắm chắc được nội dung bài học trên cơ sở cảm nhận được từ những nhận xét của học sinh và lời bình của giáo viên.
Tổng kết giai đoạn 1.
          Sau khi thực hiện xong giai đoạn 1, tổ ngữ văn tiến hành tổng kết rút kinh nghiệm như sau:
Đa số học sinh nắm được chuẩn kiến thức kỹ năng của bài học, các em tham gia các hoạt động dạy học một cách tích cực hào hứng  song vẫn còn một số học sinh yếu ngại nêu ra ý kiến của mình còn ỷ lại vào các nhóm trưởng trong hoạt động hợp tác ,bên cạnh đó có một số em phần chuẩn bị bài ở nhà chỉ làm qua loa đại khái mang tính đối phó nên tiết học chưa huy động được hết các đối tượng tham gia .
Giai đoạn 2:
          Rút kinh nghiệm ở giai đoạn 1- giai đoạn 2 chúng tôi tăng cường dự giờ đồng nghiệp, thực hiện chuyên đề “ Dạy tốt tiết ôn tập theo chuẩn kiến thức kỹ năng và phân hóa theo năng lực học sinh” Với chuyên đề này đòi hỏi giáo viên làm thế nào để học sinh hệ thống các kiến thức đã học. Cụ thể  tổ đã dạy minh họa bài “ôn tập truyện dân gian” Chuẩn kiến thứckỹ năng cần đạt được : Hiểu đặc điểm thể loại cơ bản của truyện dân gian đã học .
- Hiểu cảm nhận được nội dung, ý nghĩa và nét đặc sắc vì nghệ thuật của các truyện dân gian đã học.
- So sánh sự giống nhau và khác nhau giữa các truyện dân gian
- Trình bày cảm nhận về truyện dân gian theo đặc trưng thể loại.
- Kể lại một vài truyện dân gian đã học.
Để hướng học sinh đến trọng tâm kiến thức “Nắm được đặc điểm của những thể loại truyện dân gian đã học, giáo viên cần dùng một số câu hỏi cho từng đối tượng học sinh .
          - Dạng 1(H/S yếu )
            Kể tên các loại truyện dân gian đã học?
          - Dạng 2 . (H/S trung bình )
            Nêu đặc điểm tiêu biểu của truyện truyền thuyết? với đối tượng học sinh TB,Khá sẽ dễ dàng nêu được đặc điểm của từng thể loại.
          - Dạng 3 . (H/S giỏi khá )
            Hãy lấy ví dụ minh họa cho những đặc điểm trên?
Với đối tượng học sinh giỏi, các em sẽ dựa vào truyện đã học sẽ minh họa được.
Ví dụ : truyện Sơn tinh, Thủy Tinh kể về nhân vật sự kiện thời Hùng Vương thứ sáu. Truyện có nhiều chi tiết tưởng tượng là ảo như: Sơn tinh có tài lạ vẫy tay nỗi cồn bãi, Thủy Tinh hô mưa gọi gió …Truyện có cốt lõi sự thật lịch sử đó là vua Hùng thứ sáu- Công chúa Mỵ Nương – việc đắp đê ngăn chặn lũ lụt. Qua câu chuyện thấy được khát vọng của nhân dân về việc chế ngự thiên tai lũ lụt đồng thời ca ngợi thời vua Hùng nhân dân ta đã biết đắp đê ngăn lũ.
Hay truyện ngụ ngôn “thầy bói xem voi” : Mượn chuyện 5 ông thầy bói mù xem voi để khuyên con người muốn hiểu biết sự vật, sự việc phải xem xét chúng một cách toàn diện. Nhắc nhở con người không chủ quan trong việc nhìn nhận sự vật, hiện tượng.
Tổng kết giai đoạn 2.
          Rút kinh nghiệm ở giai đoạn 1 chúng tôi thực hiện giai đoạn 2 với sự chuẩn bị chu đáo hơn cho  đối tượng  học sinh yếu, TB yếu bằng cách  đưa ra câu hỏi cụ thể hơn ,chỉ đạo chặt chẽ và có sự kết hợp giúp đỡ của những học sinh khá giỏi, tổ chức học nhóm ở nhà theo địa bàn dân cư để giúp đỡ những học sinh yếu, kém có cơ hội tiếp cận với các đề tài được đưa ra thảo luận, trong các hoạt động dạy học ở lớp giáo viên có chú ý đến đối tượng học sinh trung bình, yếu nhiều hơn. Sự nỗ lực của chúng tôi cũng không đem lại kết quả cao như mong muốn.
Để bổ sung thêm cho những kinh nghiệm đã đạt được ở trường, toàn bộ giáo viên trong tổ được dự giờ, nghe báo cáo chuyên đề giai đoạn 2 của trường THCS Nguyễn Hiền để làm cơ sở tiến hành giai đoạn 3.
Giai đoạn 3:
          Tổ triển khai chuyên đề cách dạy tốt bài TV theo chuẩn kiến thức kỹ năng và phân hóa năng lực học sinh, ở phân môn TV yêu cầu học sinh phải nắm vững khái niệm, giá trị của từ, câu tiếng việt. Biết vận dụng trong văn nói, văn viết để giao tiếp tạo lập văn bản có hiệu quả. Trong phần luyện tập giáo viên phải bám vào chuẩn kiến thức, kỹ năng để lựa chọn bài tập phù hợp với yêu cầu mức độ thời gian. Tổ cũng đã tiến hành dạy minh họa bài “ẩn dụ” tiết 96 lớp 6, ở bài dạy này yêu cầu học sinh phải nắm được khái niệm ẩn dụ, các kiểu ẩn dụ; tác dụng của phép ẩn dụ và bước đầu nhận biết và phân tích được ý nghĩa cũng như tác dụng của phép tu từ ẩn dụ trong thực tế sử dụng tiếng việt. Để phân hóa theo năng lực học sinh giáo viên cũng nêu 3 dạng câu hỏi cho 3 nhóm đối tượng học sinh .
Ví dụ hình thành khái niệm “ ẩn dụ” là gì ?
- Dạng 1 (học sinh yếu, TB )
Cụm từ “người cha” trong ví dụ trên dùng để chỉ ai ? (Bác Hồ )?
- Dạng 2.(H/S khá ) Vì sao ví như vậy ? ( người cha được ví với Bác Hồ vì có sự tương đồng : tuổi tác, tình yêu thương, sự chăm sóc…)
- Dạng3.(H/S giỏi )  So sánh cách nói này có gì giống và khác với phép tu từ so sánh trong câu thơ : “người là cha, là Bác, là anh” (giống nhau: đều so sánh Bác Hồ với người cha- khác nhau: Minh Huệ lược bỏ vế A,chỉ có vế B- Tố Hữu không lược bỏ )
Từ đó giáo viên chốt: khi phép so sánh có lược bỏ vế A, người ta gọi đó là so sánh ngầm . Đó là phép ẩn dụ- Vậy “thế nào là ẩn dụ”
Tổng kết giai đoạn 3.                                           
Ở giai đoạn 3 ngoài việc dạy thể nghiệm minh họa chuyên đề, chúng tôi còn tổ chức dự giờ rút kinh nghiệm, rà soát lại những điểm còn hạn chế trong khâu chuẩn bị bài của học sinh. Sử dụng phương pháp dạy học hợp tác cũng còn mang tính hình thức chưa thực sự đem lại kết quả như mong muốn. Chúng tôi họp rút kinh nghiệm và tìm những giải pháp tối ưu hơn để chuẩn bị cho phần tổng kết chuyên đề giai đoạn 4 do trường đảm nhận.
          Giai đoạn 4 .
Chấp hành sự phân công, tổ ngữ văn trường THCS Phan Châu Trinh đảm nhận tổng kết chuyên đề “Dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng và phân hóa năng lực của học sinh”. Tổ chúng tôi đã tiến hành họp rút kinh nghiệm và mạnh dạn đưa ra những việc đã làm được và chưa làm được của tổ Ngữ văn trường chúng tôi để làm giai đoạn 4.
          III. Bài học kinh nghiệm từ 4 giai đoạn của chuyên đề:
          - Giáo viên cần bám sát trọng tâm kiến thức kĩ năng ở tài liệu hướng dẫn, chú ý đến nội dung giảm tải từ đó thiết kế các hoạt động dạy học phù hợp với năng lực học sinh về chuẩn kiến thức kĩ năng, xây dựng hệ thống câu hỏi có tính logic, gợi mở và có sự phân hóa theo trình độ học sinh để huy động được nhiều đối tượng học sinh tham gia vào các hoạt động dạy học.
          - Chú trọng hơn trong khâu dặn dò học sinh chuẩn bị bài soạn ở nhà theo định hướng của giáo viên theo chuẩn kiến thức kỹ năng. Đây là yếu tố quan trọng giúp cho việc thực hiện các hoạt động dạy học sinh động.
          - Tạo không khí lớp học thân thiện không nặng nề căng thẳng giúp học sinh hợp tác trong các hoạt động dạy học .
          - Tổ chức lớp học có nề nếp, phân chia nhóm học tập tương đối đồng đều ở các đối tượng G,K,TB,YẾU để các em giúp đỡ nhau trong học tập, giáo viên phải đặc biệt chú ý đến các đối tượng tích cực trong các hoạt động học,để động viên khuyến khích kịp thời giúp học sinh phấn khởi , có niềm vui trong học tập.
- Vấn đề dạy học môn Ngữ văn theo chuẩn kiến thức kĩ năng và phân hóa theo năng lực của học sinh là yêu cầu cần thiết để thực hiện tốt chương trình giáo dục của từng môn học. Với điều kiện thực tế của trường THCS Phan Châu Trinh hiện nay, tổ Ngữ văn chúng tôi đã phát huy mọi khả năng và phương tiện hiện có. Những điều làm được còn rất khiêm tốn, rất mong nhận được sự góp ý xây dựng của quý thầy, cô giáo.

TTCM                                                        P. HIỆU TRƯỞNG        


Phạm Thị Xuân Mai                                               Hồ Thị Tuyết Trinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét