BICH TRAM

Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

88/ MỘT NGHỊ LỰC PHI THƯỜNG


 Những “Gương vượt khó học giỏi” “ Gương học sinh nghèo hiếu học” luôn được xã hội ca ngợi, nhất là ở môi trường giáo dục.Trường tôi cũng vậy,  gương em học sinh  khuyết tật mắt nặng, Phạm Phú Thịnh, chín  năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi, luôn được chúng tôi nhắc đến để nhắc nhở học sinh cố gắng học tập tốt vì các em còn may mắn hơn bạn Thịnh rất nhiều. 
Có những con người vốn không may mắn khi chào đời. Thịnh là đứa trẻ như thế. Ngày Thịnh cất tiếng khóc chào đời, gia đình, họ hàng vui lắm. Song niềm vui đó không được bao lâu thì nỗi lo lại ập đến. Mẹ Thịnh phát hiện hai mắt con không bình thường. Bốn, năm ngày sau mà mắt Thịnh vẫn chưa mở mặc dầu đôi tay bé xíu cứ huơ qua, huơ lại. Mẹ Thịnh kể cho tôi nghe trong nước mắt. Mười hai ngày trôi qua, đôi mắt bé tí của Thịnh mở hé ra. Tròng đen mắt của Thịnh qúa  nhỏ, chỉ bằng hạt đậu đen, mi trên và mi dưới như dính chặt vào nhau. Cha mẹ Thịnh được bà con,  họ hàng mách bảo tìm thuốc nam để chữa mắt cho Thịnh. Song thuốc Nam không đem lại kết quả gì. Đôi mắt Thịnh vẫn vậy. Thương con ba mẹ Thịnh chỉ còn biết trông chờ từng ngày con lớn để tìm cách khác chữa trị.
Thịnh lớn lên từng ngày, khỏe mạnh, nước da trắng, gương mặt sáng, vầng trán cao. Chỉ có đôi mắt là vẫn không nhìn thấy rõ những gì ở xung quanh mình. Mẹ Thịnh nói rằng Thịnh chạy nhảy trong sân mà vấp ngã liên miên vì không nhìn thấy, chị xót xa lắm.
Lên sáu tuổi, ba mẹ Thịnh dành hết số tiền dành dụm đưa con ra Đà Nẵng, tìm bác sĩ chuyên khoa mắt để khám và chạy chữa, nhưng ai cũng lắc đầu. Các bác sĩ khám và bảo, Thịnh bị dị dạng giác mạc, đục thủy tinh thể bẩm sinh...Bác sĩ quyết định phẫu thuật mắt phải. Mười ngày sau, Thịnh được phẫu thuật mắt trái. Như vậy là hai mắt của Thịnh đã được phẫu thuật song Thịnh vẫn chỉ thấy mờ mờ. 
Đến tuổi đi học, cha mẹ Thịnh không cho Thịnh đi học sợ con không nhìn thấy sẽ gặp tai nạn. Thịnh nằng nặc khóc đòi được đi học. Mọi người khuyên nhủ ,anh chị mới cho Thịnh đi học. Ở trường, không nhìn thấy hình ảnh cũng như chữ cô giáo viết trên bảng, Thịnh đã khóc và hỏi tại sao cháu không nhìn thấy gì hả cô. Cô giáo cùng khóc theo Thịnh. Rất bất ngờ, năm học đầu tiên của cuộc đời Thịnh nhận được phần thưởng học sinh xuất sắc.
          Năm nay, Phạm Phú Thịnh đang là học sinh lớp 12 A1- lớp chọn của trường THPT Nguyễn Dục. Em thi vào trường với số điểm là 53 điểm  số điểm mà không nhiều học sinh đạt được . Và em luôn giữ được thành tích học sinh giỏi xuất sắc của trường.
          Tôi chủ nhiệm em Thịnh hai năm (Lớp 8/2 rồi lớp 9/2 trường THCS Nguyễn Hiền - Huyện phú Ninh năm học 2008- 2009, năm học 2009- 2010).,  song những điều tôi biết về em thì hơn hai năm bởi tôi là người địa phương, trước đó tôi đã chủ nhiệm chị gái em, em Phạm Thị Thu Sen (hiện đang học trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh). Em Sen đã nhiều lần tâm sự cùng cô giáo về đứa em nhiều bất hạnh của mình: Mỗi tròng đen của mắt Thịnh chỉ bằng hạt đậu. Muốn phân biệt màu sắc, những vật dụng phải đặt cách mắt em chừng gang tay; còn để đọc được chữ viết, em áp sát trang sách, trang vở vào mặt mà rà qua, rà lại. Thịnh chỉ nhìn thấy mọi vật lờ mờ trong chừng non nửa thước. Có tiếp xúc với Thịnh hàng ngày, có nhìn thấy Thịnh trong những giờ học mới thấy hết sự nỗ lực của em.  Hình như em không bỏ sót một câu, một chữ nào trong lời giảng của thầy cô, giáo. Khi đọc, hai tay em nâng cao quyển vở hoặc sách lên sát mắt, cách khoảng 1- 2 cm. Còn khi viết, khuôn mặt em áp sát trên mặt bàn. Những lúc nghe không kịp, em lại nhìn sát vào vở bạn để viết lại hoặc nhờ các bạn ngồi cạnh đọc giùm. Khi lên bảng giải bài, Thịnh cũng áp sát mặt vào bảng đen mà viết trông thật tội nghiệp. Thịnh có trí nhớ khá  tốt, các bạn ngồi cạnh chép bài, chỉ cần đọc qua là Thịnh nhớ và ghi vào vở mình đầy đủ bài học như các bạn trong lớp. Việc học của Thịnh khó khăn như vậy, song kết quả thật bất ngờ. Thường, những bài kiểm tra của Thịnh luôn đạt điểm cao bỏi lẽ những kiến thức cơ bản, nội dung được mở rộng trong bài giảng của thầy cô,Thịnh đã trình bày rất đầy đủ và rõ ràng trong bài kiểm tra - nhiều thầy cô đã nhận xét như vậy.
Trong một lần đến nhà học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, Chị Lưu Thị Huệ -mẹ Thịnh kể cho tôi nghe năm năm học tiểu học Thịnh luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi, trong kì thi học sinh giỏi tỉnh lớp 5, Thịnh đạt giải khuyến khích, điểm suýt soát đạt giải 3, năm lớp 6 và lớp 7 Thịnh cũng là học sinh giỏi, không biết năm nay Thịnh có giữ được danh hiệu này không. Tôi động viên chị, Thịnh học chăm lắm, hơn rất nhiều bạn có đôi mắt sáng bình thường.
Chị Huệ còn cho tôi biết, Thịnh tuy còn nhỏ song đã biết bố trí thời gian để học, em nói càng học lớp lớn bài vở ngày càng nhiều, con phải dậy sớm học mới thuộc. Thế là Thịnh dậy từ lúc 3 giờ sáng để học, không cần ai gọi cả. Mắt nhìn kém là thế, song Thịnh rất ham đọc sách, nhất là sách nâng cao các môn Toán, Lí Hóa, Anh.
Chín năm học trôi qua, chín năm liền Phạm Phú Thịnh- học sinh khuyết tật mắt rất nặng này đạt danh hiệu học sinh giỏi, năm lớp 8 đạt giải Hóa cấp huyện. Năm học lớp 8
 và năm học lớp 9 em Phạm Phú Thịnh là một trong bốn học sinh giỏi của lớp tôi. Đây quả  là một thành tích đáng tự hào của một học sinh khuyết tật đặc biệt.
Không chỉ nỗ lực trong học tập, trong các hoạt động khác của lớp, Thịnh tham gia rất tích cực và có trách nhiệm. Năm Thịnh học lớp 9, trường tôi có tổ chức cắm trại, nội dung sinh hoạt trại khá phong phú. Lớp tôi quyết tâm dành giải nhất thi Nghi thức - Múa hát tập thể. Các bạn tập luyện rất nhiều, có bạn tập mãi mà múa chẳng đều và đúng động tác. Song Thịnh thì múa rất đúng động tác. Hỏi ra tôi mới biết, Thịnh nào đâu có thấy gì khi các bạn trong ban chỉ huy chi đội tập huấn cho lớp. Về nhà Thịnh phải nhờ em gái là em Phạm Thị Thu Uyên  học sinh lớp 7, tập cho mình. Hai anh em đứng thật gần lại với nhau, Uyên tập cho anh từng động tác, sau đó Thịnh tự tập cho mình. Thế mới biết, sự cố gắng của     Thịnh trong hòa nhập vào các hoạt động của trường, lớp là đáng quý biết bao.
            Có lúc Thịnh tâm sự với tôi: em rất thích học hóa để trở thành nhà nghiên cứu.Vì nghĩ như vậy nên ở trường mới, thầy cô mới, kiến thức mới, em phải học nhiều hơn. Song “ lực bất tòng tâm”. Vừa qua ba mẹ Thịnh có đưa Thịnh ra Đà Nẵng để khám mắt, bác sĩ bảo thị lực của Thịnh mất 90%, dễ bị mù, bác sĩ đã cho bắn tia hai mắt, song vẫn không có kết quả gì. Những ngày gần đây, do phải học bài nhiều, thức khuya để học thi, quyết tâm đạt danh hiệu học sinh giỏi nên mắt em kém hơn trước nữa. Không biết việc gì rồi sẽ đến với em học sinh khuyết tật đầy nghị lực và ước mơ này.

Trường tôi đã xem Thịnh như một tấm gương sáng về nghị lực phi thường của cậu học trò khiếm thị từ lúc sinh ra đến giờ. Sự nỗ lực, kiên trì vượt qua khó khăn để đạt thành tích tốt trong học tập của Phạm Phú Thịnh thật đáng trân trọng. Con đường phía trước của em còn dài, ước mơ của em có thể trở thành hiện thực không? Câu trả lời không thể chỉ dừng lại ở em, ở gia đình em mà ở toàn xã hội, ở các nhà hảo tâm. Mong sao khi đọc bài viết này, mọi người cùng nhau giúp đỡ em kinh phí để chữa trị cho em có được đôi mắt sáng như bao người khác.
Chúng ta  “Cùng cho em một đôi mắt sáng” cũng như đã cho biết bao “ Trái tim cho em”.

Võ Thi Bạch Tuyết -giáo viên trường THCS Nguyễn Hiền



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét