BICH TRAM

Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

110/ LỜI PHÊ ĐÁNG GIÁ... NGHÌN VÀNG

Nguyễn Thị Thúy Hồng (GD&TĐ)

Trong vòng nửa tháng qua, 2 bài văn thuộc dạng “có vấn đề” của học sinh lớp 7 và lớp 10 ở Hà Nội đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận, tạo ra những cuộc tranh luận khá sôi động trên các trang báo mạng. Nhiều cán bộ quản lý cho rằng, đây cũng là việc làm cần thiết để giáo viên tiếp thu một cách có chọn lọc các ý kiến đóng góp hữu ích cho chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm. Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến chỉ tập trung ở chất lượng làm văn của học sinh cũng như điểm số mà bỏ qua lời phê của giáo viên ở từng bài văn nêu trên.

Trước hết, xin hãy quan sát lời phê ở bài văn của em học sinh lớp 7 nhập vai Cám kể chuyện Tấm Cám. Toàn lời phê (bằng mực đỏ) như sau:
                   -Chữ nghĩa cẩu thả.
                   -K biết cách làm bài NLXH.
                   -NV cám của em đáng sợ quá !
Không mấy khó khăn để bạn đọc có thể nhận ra, ngay ở dòng thứ nhất của lời phê đã xuất hiện mâu thuẫn: cô đánh giá học sinh chữ nghĩa cẩu thả nhưng chính cô lại viết tắt bừa bãi, không theo nguyên tắc nào (K, NV, NLXH) Tệ hại hơn nữa, cô còn không viết hoa tên riêng của nhân vật (Cám)


Lỗi chính tả này nếu học sinh mắc phải cũng không thể chấp nhận, huống gì người mắc lỗi lại là cô giáo. Ở dòng thứ hai, cô phê học sinh không biết cách làm bài nghị luận xã hội (NLXH), trong khi đề cô ra có 3 yêu cầu. Lẽ ra cô phải chỉ rõ bài tập số mấy học sinh không biết làm bài NLXH. 
Ở dòng thứ ba “ NV cám của em đáng sợ quá!”, thì sự đáng sợ của Cám, nhân vật phản diện trong bài văn đã chứng tỏ em học sinh (HS) đáp ứng đúng yêu cầu ở đề ra của cô. HS sẽ hiểu như thế nào về lời phê này? Nhân vật Cám đáng sợ thì HS đáng được khen hay là chê? Có người còn nói, Cám không đáng sợ thì đáng thương hay sao?
Tóm lại, cả 3 dòng trong lời phê của cô giáo ở bài văn của em HS nhập vai Cám đều không thể chấp nhận, không những thế còn gây tác dụng ngược cả về mục đích rèn câu, chữ và khả năng sáng tạo.
Ở lời phê trong bài làm của em HS hiểu nhầm vể “ canh gà Thọ Xương”, chỉ có một dòng, gồm 3 ý. Nguyên văn lời cô phê như sau: “*Có ý thức làm bài; song cần rèn chữ viết, diễn đạt nhiều hơn”.
Lời phê này chủ yếu rơi vào tình trạng chung chung, đơn giản. Từ chỗ thiếu sự đầu tư, suy nghĩ kỹ trước khi “bút phê”, cô cũng đã rơi vào tình trạng diễn đạt “tối nghĩa”:
Về ý thứ nhất trong lời phê, người ta dễ đặt câu hỏi: chẳng lẽ cô giáo ra đề HS lại không có ý thức làm bài?
Ý thứ hai (cần rèn chữ viết) được nhập luôn với ý thứ ba (diễn đạt nhiều hơn) bằng một dấu phảy. Người trong nghề có thể hiểu ý cô muốn nói: cần rèn chữ viết và rèn cách diễn đạt nhiều hơn. Nhưng vẫn có thể dẫn đến sự hiểu nhầm là cần phải diễn đạt (ý tưởng) nhiều hơn nữa.
Đổi mới phương pháp dạy và học trong nhà trường hiện nay rất chú trọng tới đổi mới cách đánh giá, cho điểm. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo rất sát nhiệm vụ này, cũng như các đơn vị, trường học đã có nhiều hội nghị, hội thảo bàn về kinh nghiệm đánh giá, cho điểm HS. Đánh giá đúng thể hiện qua lời phê và điểm số không chỉ để đảm bảo sự công bằng mà còn giúp HS định hướng được sự rèn luyện.
Ở 2 lời phê dẫn ra làm minh chứng nêu trên, GV thiếu chuẩn mực nên dẫn tới sự cho điểm cũng không chính xác; không những thế còn đánh mất tác dụng rèn cho HS về kỹ năng câu, chữ, diễn đạt.


Phổ biến hơn cả hiện tại là lời phê vào học bạ của HS thường đại khái, qua loa (chẳng hạn: Đạo đức: Tốt; Học lực: Khá;…). Nếu như lời phê của GV trong bài tập, bài kiểm tra của HS có tác dụng bổ trợ kiến thức, rèn kỹ năng thì lời phê trong học bạ lại có tính cách giáo dục HS về nhân cách.
Thế hệ chúng tôi, nhiều người vẫn còn lưu trong ký ức nguyên vẹn lời phê của thầy cô giáo hồi còn học ở trường phổ thông. Những lời phê chi tiết cả khi nêu ưu điểm và nhược điểm; chẳng hạn như “ Rất đáng khen, cần phát huy em nhé”; hoặc là “ Cố gắng hơn ở lần sau em nhé.”. Và tôi cho rằng, sự trưởng thành của HS là từ những lời phê như thế. Tiếc thay, nhiều GV hiện nay còn xem thường lời phê của mình.
Nên chăng, các trường phổ thông cần đi sâu vào bàn bạc, trao đổi kinh nghiệm về lời phê, bao gồm lời phê ở bài kiểm tra và lời phê trong học bạ của học sinh; lấy đó làm một trong những tiêu chí đánh giá về năng lực, trách nhiệm người thầy. Tin rằng, việc làm này sẽ cải thiện đáng kể chất lượng giáo dục.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét