(GD&TĐ) - Nâng cao chất lượng giáo dục luôn là mục
tiêu hướng đến của ngành và đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định là một
trong 2 nhiệm vụ trọng tâm của năm học. Đặc biệt, trong hướng dẫn cách
thức triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, có một giải pháp
tạo sự đồng thuận cao của đội ngũ, đó là “giới thiệu điển hình đổi mới phương
pháp dạy học ở các trường và các tỉnh”. Vậy làm thế nào để việc giới
thiệu điển hình đổi mới ở các đơn vị giáo dục đạt hiệu quả?
Vấn đề “đổi mới phương pháp dạy học”
không phải đến bây giờ mới được đặt ra mà đã được đề cập nhiều từ những thập
niên chín mươi. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện, còn thiếu một nền móng
chắc chắn; ở góc độ quản lý chuyên môn, khâu chỉ đạo còn chưa khoa học, chưa
đồng bộ, dẫn đến mạnh ai nấy làm, hiệu quả không cao. Xin đơn cử một vài ví dụ
về thực trạng này. Một loạt cụm từ cùng được các trường nhắc đi nhắc lại khi
nói về đổi mới phương pháp nào là “thầy chủ đạo, trò chủ động”, “phát huy vai
trò chủ thể học sinh”, “thầy thiết kế, trò thi công”, nhưng mỗi nơi lại làm một
cách. Có lần, trong mạng lưới chuyên môn của Quảng Nam, tôi được tham dự 2 tiết
dạy Giảng văn (bây giờ gọi là Ngữ Văn) cùng một bài của một giáo viên ở Tam Kỳ
và một GV ở Hội An. Kết quả là 2 GV này vận dụng lối dạy gọi là “phát huy tính
tích cực của học sinh” hoàn toàn trái ngược nhau. Người thì cho hết học sinh
này đến HS khác đọc diễn cảm, vẽ tranh minh hoạ, giáo viên và học sinh đua nhau
nhận xét; còn người khác lại liên tục đặt hết câu hỏi này đến câu hỏi khác cho
HS trả lời mà không có một “khoảng lặng” nào để HS thẩm thấu tác phẩm văn
chương nghệ thuật. Đến một thời điểm sau đó khoảng 4, 5 năm, có lẽ do không ít
ý kiến chê bai về cái sự “thiếu khoảng lặng” ở các kiểu dạy như trên, phương
pháp giảng bình bắt đầu thế chỗ. Nhiều tiết học giáo viên thuyết giảng, HS tập
bình, sau đó thì “thầy đọc, trò chép”.
Thực trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi
ngược” nói trên cho thấy sự cần thiết phải giới thiệu những điển hình về đổi
mới phương pháp dạy học. Vì từ những điển hình này sẽ phác hoạ những mô hình
của đổi mới. Kế hoạch thực tập, thao giảng lâu nay được các trường đặt ra như
là biện pháp để trao đổi chuyên môn, nâng cao tay nghề. Cách làm khá phổ biến
là hàng tuần hay hàng tháng, tổ chuyên môn cử một GV dạy thực tập, mỗi học kỳ
hay mỗi năm, đôi ba lần ban giám hiệu chọn GV các tổ thao giảng theo chuyên đề.
Thực tập, thao giảng nếu được thực hiện một cách bài bản, khoa học và linh hoạt
thì tất sẽ có hiệu quả trong trao đổi kinh nghiệm giảng dạy của giáo viên. Tiếc
thay, không ít nơi do hạn chế về năng lực chuyên môn của hiệu phó, tổ trưởng
chuyên môn nên việc thực hiện mang tính hình thức, đối phó. “Đến hẹn lại lên”,
tuần này, tháng này GV này chịu trách nhiệm thực tập cho toàn tổ dự, tuần sau,
tháng sau lại đến GV khác. Khi nhận xét, xếp loại thì người nọ nhìn người
kia không dám góp ý, không dám xếp loại trung bình, loại yếu chỉ vì sợ đụng
chạm, thù ghét. Chính vì vậy mà chất lượng dạy và học không được cải thiện.
Phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm
(SKKN) ở trường phổ thông từ trước đến nay cũng được coi là giải pháp nâng cao
chất lượng. Cách làm phổ biến như sau: Đầu năm học các tổ chuyên môn cho GV
đăng ký đề tài, đến gần cuối năm (khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4), các GV hoàn
thiện SKKN nộp về BGH. Hội đồng xét duyệt SKKN của trường sau khi bình xét thì
chọn lựa để gửi lên phòng, lên sở. Phòng và Sở tiếp tục bình xét, xếp loại và
lấy đó là một trong những tiêu chuẩn khống chế để xếp loại GV giỏi, chiến sỹ
thi đua. Một hiện tượng khá phổ biến hiện nay ở nhiều tỉnh thành là GV lười
viết SKKN; đầu năm đăng ký một đề tài nào đó cho có, đến cuối năm mới vội vã
viết đối phó, hoặc “thuê” viết. Thậm chí, còn có hiện tượng SKKN đã được
xếp loại ở tỉnh, thành này được hoán đổi cho GV ở tỉnh khác (do mối quan hệ
quen thân). Tiêu chí đánh giá công nhận một GV giỏi phải có SKKN mà Bộ GD-ĐT
quy định là hoàn toàn hợp lý, vì đã là một GV giỏi thật sự thì không thể không
có sáng kiến kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy, giáo dục học sinh.
Vậy thì vì sao lại có hiện tượng nói
trên? Trước hết đó là do cấp lãnh đạo các đơn vị giáo dục chưa khơi gợi được sự
say mê nghiên cứu, tìm tòi của người thầy giáo, chưa biến việc viết SKKN thành
một phong trào thường xuyên. Có nơi lại làm mất niềm tin của đội ngũ trong quá
trình tổ chức chấm chọn SKKN, khi để xảy ra hiện tượng “cơm chấm cơm”, nghĩa là
đội ngũ chấm chọn lại yếu tay nghề, không có chuyên môn nên chấm chọn, xếp loại
thiếu chính xác, có sự “nhìn mặt đặt tên”. GV ở các trường còn phàn nàn rất
nhiều về việc những SKKN được xếp loại A hay B không bao giờ được giới thiệu
công khai, được nhân trộng để họ có thể học hỏi. Đã có một số nơi, sau mỗi năm
học, SKKN bị chất đống trong kho và biến thành giấy loại đem cân ký ngoài… chợ
trời. Còn rất hiếm những trường tổ chức được phong trào viết SKKN của GV một
cách hiệu quả như THPT Chu Văn An, Amsterdam (Hà
Nội), THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam
Định), THPT Đào Duy Từ, THPT Chuyên Quảng Bình, THPT Chuyên Phan Chu Trinh, Lê
Quý Đôn (Đà Nẵng), Trường Quốc học Huế, THPT Sào Nam
(Quảng Nam ).
Như vậy, thực tập-thao giảng và viết
SKKN ở các trường phổ thông nếu được tổ chức tốt có thể thông qua đó để giới
thiệu điển hình trong đổi mới PP dạy học. Có thể tiến hành theo cách: Lấy ý
kiến đánh giá từ học sinh về những tiết học gây hứng thú, tổ chức cho một nhóm
GV dạy cùng một bài để đánh giá, rút kinh nghiệm và biểu dương kịp thời GV có
nhiều đổi mới trong tiết dạy, tổ chức cho GV có SKKN đạt chất lượng cao báo cáo
và có phản biện tại chỗ. Cách làm như Sở GD-ĐT Gia Lai, hàng năm bỏ kinh phí ra
để in thành tập những SKKN có giá trị đưa về các thư viện nhà trường cũng rất
đáng học hỏi. Việc giới thiệu điển hình trong đổi mới phương pháp dạy học có
thể tổ chức từ cấp trường, đến cấp phòng, cấp sở . Cách thức tổ chức
nên đan xen linh hoạt nhiều hình thức và cốt lõi là chỉ ra cho được chỗ nào
đổi mới, chỗ nào sáng tạo, chứ không chỉ là những bài báo cáo nặng về lý thuyết
hay tổ chức dự giờ, thao giảng thiên về biểu diễn hết tiết dạy này đến tiết dạy
khác (có sự chuẩn bị trước) một cách đơn điệu. Cần đề ra các mức thưởng có giá
trị thực tế, tương xứng với công sức đầu tư của GV trong đổi mới phương pháp
dạy học. Chắc chắn, những giáo viên được xem là điển hình trong đổi mới phương
pháp dạy học phải hội đủ các tiêu chuẩn: Giảng dạy có kinh nghiệm, say mê
chuyên môn, luôn có ý thức cầu tiến, có uy tín trong đội ngũ và trong học sinh.
Đây cũng là những yêu cầu hội đủ đối với một giáo viên đạt danh hiệu giáo viên
dạy giỏi, song rất tiếc những năm qua ở nhiều nơi còn chưa có sự quan tâm đầu
tư đúng mức.
Nguyễn Thị Thúy Hồng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét