Mộc Nhân - Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11
Bài đăng trên Tạp chí Dạy học ngày nay tháng 11-2013
I. Tiểu sử:
Chu Văn An tên thật
là Chu An, tên chữ là Linh Triệt, khi về ẩn cư thì xưng hiệu là Tiều Ẩn, sinh
tại làng Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (Thanh Liệt, huyện Thanh Trì,
Hà Nội). Sử sách không chép rõ ông sinh năm nào, nhưng theo thần tích tại đình
làng Thanh Liệt, nơi thờ ông làm Thành Hoàng, thì ông sinh năm Nhâm Thìn 1292
và mất năm Canh Tuất 1370. Khi ông mất vua truy tặng tước Công (tước lớn nhất
trong năm tước mà người ngoài hoàng tộc có thể được phong dưới thời phong kiến)
kèm theo hai chữ Văn Trinh (Văn Trinh Công - vì vậy người đời sau mới gọi ông
là Chu Văn An) ban hiệu Khang Tiết Tiên Sinh và được đem vào thờ trong Văn Miếu
bên cạnh Khổng Tử xem ông ngang hàng với các bậc thánh hiền ngày xưa. Đó là một
điều hết sức hiếm có. Người dân ở làng quê của ông thì tôn thờ ông làm Thành
hoàng. Người ta gọi ông là “Đức thánh Chu ”,
“Đức Thánh Văn”. Qua đó mới thấy, ngay cả khi đã qua đời, đạo đức của Chu Văn
An vẫn tiếp tục sáng ngời.
Danh sĩ nổi tiếng thế kỷ 19 là Ngô Thế Vinh trong bài văn bia ở đền thờ Chu Văn
An đã giải thích hai chữ “Văn Trinh” như sau: “Văn, đức chi biểu dã;
Trinh, đức chi chính cố dã”, tức: Văn là cái vẻ đẹp bên ngoài
của đức, Trinh là sự bền vững bên trong của đức, nghĩa là ngoại mạo và tâm hồn
Chu An đều đẹp cả.
Ông là một nhà giáo, thầy thuốc, đại quan nhà Trần, nhân dân ta khi nói về thầy
Chu Văn An, ai cũng một lòng ngưỡng mộ, vì thầy là một bậc hiền nho, một tấm
gương tiết tháo, suốt đời không màng lợi danh. Thầy có công lớn trong việc
truyền bá, giáo dục tư tưởng đạo đức Khổng giáo. Nhận thấy tài năng và đức độ
của thầy, vua Trần Minh Tông(1314-1329) mời ra làm Tư nghiệp trường Quốc Tử
Giám, dạy học cho thái tử. Đến đời Dụ Tông - thời kỳ suy sụp nhà Trần - tình
hình thế sự thay đổi, vua quan ăn chơi sa đoạ, bọn gian thần tham nhũng, đục
khoét dân nghèo ngày một nhiều. Cảm xót trước vận mệnh nước nhà, thầy đã nhiều
lần can ngăn và dâng sớ chém 7 nịnh thần nhưng đều bất thành nên cáo quan về
dạy học, viết sách cho tới khi mất. Sự nghiệp của thầy con ghi và thờ tại Văn
Miếu Quốc Tử Giám.
II. Thất trảm sớ:
Hơn 600 năm
trước, nhà Nho Chu Văn An đã một thời làm rạng
danh cho giới sĩ phu, nêu cao khí tiết thanh cao và thể hiện tinh thần chính
trực “uy vũ bất năng khuất”. Ngày nay khi nhắc
đến thầy Chu Văn An, chúng ta thường liên
tưởng tới “Thất trảm sớ” với nội dung tâu chém 7
nịnh thần. Nhà Trần trải qua 12 đời vua: vua đầu tiên Trần Thái Tông (1225),
vua cuối cùng là Trần Thiếu Đế (1400) kéo dài được 175 năm. Sau đó vào năm 1400
bị Hồ Quý Ly cướp ngôi. Thời vua Trần Dụ Tông là thời kỳ bắt đầu suy sụp của
nhà Trần. Năm 1357, sau khi thượng hoàng Minh Tông băng hà, thì vua Dụ Tông
được nắm trọn đại quyền (trị vì từ 1341-1369), nước ta rơi vào cuộc khủng hoảng
trầm trọng.
Trong nước,
về kinh tế: mất mùa, đói kém, sản xuất đình đốn, đời sống nhân dân bị đe dọa
nghiêm trọng; về xã hội, loạn lạc xảy ra khắp nơi, nông dân bất mãn, nổi dậy
chống lại triều đình; về chính trị, vua quan chỉ lo ăn chơi, tranh giành quyền
lực, bọn nịnh thần thâu tóm quyền bính, thao túng triều đình. Ngoài nước, nhà
Minh uy hiếp, đe dọa nền độc lập của Đại Việt. Thế mà nhà vua chỉ nghe lời xúc
xiểm của đám nịnh thần. Chúng mượn danh
Hoàng thượng để làm các việc, mà nhìn bề ngoài thiên hạ cứ ngỡ là chúng làm vì
Hoàng thượng nhưng kỳ thực là thao túng để đục khoét công quỹ, ăn chơi sa đọa,
các khoản chi tiêu cho Hoàng thượng chỉ một phần, còn vào túi chúng tới chín
phần, lại còn
xúi giục nhà vua buông lơi việc triều chính. Đây cũng chính là những kẻ gây bè
phái, đấu đá lẫn nhau, làm mất đi sự đoàn kết trong vương triều Trần – sự đoàn
kết đáng quý đã từng giúp nhà Trần 3 lần đánh bại đạo quân hung bạo nhất thế
giới vào thế kỉ XIII – quân Nguyên Mông. Triều đình trở nên thối nát.
Chu An đã nhiều lần can gián vua và cũng là học trò của mình nhưng nhà vua
không nghe. Cuối cùng ông đã hiên ngang dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần mà
sử sách gọi là “Thất trảm sớ” để mong cứu vãn nhà
Trần. “Thất trảm sớ” của thầy Chu An là tiếng
sét giữa trời quang – giáng thẳng xuống đầu những kẻ xu nịnh; là tiếng chuông
cảnh tỉnh nhà vua đang sa đà vào cõi u minh; là tiếng gào thét phẫn nộ của kẻ
sĩ trước thực trạng bê bối của triều đình; là tiếng kêu đau xót của người trí
thức trước tình cảnh lầm than của đám lê dân; là tiếng nói của chính nghĩa can
trường, đầy nghĩa khí. Theo nhiều tài liệu thì trong Sớ có đoạn viết: “Để giữ nghiêm phép nước,
nối dòng đại thống từ Thái tông cao hoàng đế tới nay, xin bệ hạ cho chém đầu
bảy tên gian thần trên, và tịch thu sản nghiệp của chúng, sung quốc khố, để làm
gương răn đe kẻ khác".
Tiếc thay! Vua Trần Dụ Tông đã không nghe theo lời khuyên của thầy Chu Văn An
nên vẫn tiếp tục tin dùng đám gian thần; cũng có thể vua hoảng sợ, không đủ
quyền lực để ra tay tiêu trừ chúng. Đất nước vẫn đói khổ, loạn lạc. Nhân dân
mất niềm tin vào triều đình. Hiểm họa mất nước vẫn lơ lửng trên đầu Đại Việt.
Cho đến nay nội dung tờ sớ đó không ai biết, có thể lúc đó bọn gian thần
đã hủy đi để bịt miệng dư luận hoặc ai đó hủy đi để bảo vệ ông cũng nên.
Sau khi “Thất trảm sớ” bị nhà vua từ chối, thầy
Chu Văn An buồn bã vì bao nhiêu nhiệt huyết muốn cải tổ triều đình, muốn cứu
vãn đất nước, cứu vớt dân đen, cuối cùng đã tan thành mây khói; thầy Chu Văn An
đã treo mũ, từ quan, về quê dạy học. Thầy về mà vẫn đau đáu một nỗi niềm yêu
nước, thương dân nên không thể nhắm mắt ngủ yên khi giấc mơ cải tổ của mình
chưa thành.
Sớ này ngày nay đã thất lạc nên không biết rõ chính xác tên của 7 tên nịnh thần
mà Chu An xin chém. Nhưng qua việc vua Dụ Tông từ chối lời đề nghị của thầy
mình là Chu An, cũng đủ thấy thế lực và ảnh hưởng của 7 tên nịnh thần ấy lớn
dường nào. “Thất trảm sớ” được người đời sau ca ngợi là“Thất trảm chi sớ
nghĩa động càn khôn” nghĩa: Bài sớ xin chém bảy tên
nịnh thần, nghĩa khí động tới trời đất (Việt Giám Thông Khảo Tổng
Luận - Lê Tung, TK XV) danh sĩ Nguyễn Văn Lý (TK XX) có thơ “Thất trảm vô vi tồn quốc
luận/ Cô vân tuy viễn tự thân tâm” nghĩa: Thất trảm sớ không
được thi hành, cả nước bàn luận/ Đám mây lẻ loi tuy xa vẫn tự có tinh thần
trong lòng.
Chính sử không ghi rõ 7 gian thần mà Chu Văn An ghi trong "Thất trảm sớ" là ai. Theo cuốn
"Vương triều sụp đổ", tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Hoàng Quốc Hải,
NXB Phụ nữ - 2006, thì bảy tên gian thần bị Chu Văn An xin nhà vua xử trảm,
gồm:
1. Hoạn quan chi hậu cục Mai Thọ Đức, kẻ cai quản phi tần và tuyển chọn mỹ nữ,
đã lạm dụng chức quyền bắt về vô số con gái nhà lương dân. Để nhiều người chết
trẻ, chết già vì mòn mỏi trong cung thất; lại bày ra các trò dâm ô trác táng
dẫn Hoàng thượng vào con đường vô đạo.
2. Trâu Canh, viên ngự y phạm tội làm cho Hoàng thượng liệt dương từ năm 3
tuổi, lại bày trò phục dương cho bề trên khi 15 tuổi. Y đã bắt cóc 21 đứa trẻ
khỏe mạnh con nhà lương dân, giết đi lấy mật làm thang cho bài thuốc hồi dương
của quan gia. Rồi y bày trò cho quan gia thông dâm với chị ruột mình, nói là
phương thuốc chữa trị. Trong khi chữa trị cho quan gia, y lại thông dâm với
cung nhân của chính quan gia. Trâu Canh là người Hán, cháu nội Trâu Tôn đi theo
quân nhà Nguyên vào xâm lược Đại Việt, năm Ất Dậu (1285) thất trận bị quân Đại
Việt bắt, y đã xin hàng, lại xin được cư trú. Nay Trâu Canh lộng hành, dẫn dắt
đức vua vào con đường thương luân bại lý.
3. Bùi Khoan, Chính chưởng phụng ngự. Y bày trò cờ bạc rượu chè dơ dáy ngay
trong cung thất, dẫn đức vua vào mê lộ, bê tha như đám dân đen ngu muội.
4. Văn Hiến hầu can tội gây bè đảng khiến các đại thần chia rẽ, ngờ vực lẫn
nhau, làm cho đức vua khó phân biệt người ngay kẻ nịnh.
5. Hành khiển tả ty lang trung Nguyễn Thanh Lương, xảo trá, dẫn vua vào con
đường ăn chơi xa xỉ, tới cạn kiệt quốc khố.
6. Hành khiển hữu ty, hữu bộc xạ Tâm Đức Ngưu đồng lõa với Nguyễn Thanh Lương
tìm đủ mọi cách tăng thu thuế khóa, tăng các sắc thuế từ thượng cổ chưa từng
có, để bòn rút của dân, lấy tiền chi vào các cuộc ăn chơi trác táng của hoàng
thượng. Kể cả những năm mất mùa đói kém, dân chết đói đầy đường, chúng cũng
không tha giảm.
7. Đoàn Nhữ Cẩu, Đồng binh chương sự, bòn rút khẩu phần của lính, các đồ binh
khí đã cũ hỏng vẫn không chịu thay thế, để lấy tiền công bỏ túi. Y sao nhãng
việc luyện tập canh phòng biên cương phía Bắc, phía Nam gần như bỏ ngỏ. Hiện
thời Chiêm Thành đang ráo riết nhòm ngó miền châu Hóa.
Dù chỉ là huyền sử nhưng với những tên người cụ thể, với những cáo trạng như
vậy cũng là một “giải mả thú vị”, thoả mãn lòng dân. Điều quý hơn hết là dân ta
đã một lòng ca ngợi và xem thầy như sao Đấu, sao Khuê, Cao Bá Quát cũng từng
viết :
Thất trảm yêu ma phải rợn lòng
Trời đất soi chung vầng hào khí
Nước non còn mãi nếp cao phong.
Trời đất soi chung vầng hào khí
Nước non còn mãi nếp cao phong.
III.
Sự nghiệp giáo dục:
Chu Văn An đã nêu lên những tiêu chuẩn về đạo đức nhà giáo, mà cho đến bây giờ
những quan điểm này vẫn còn nguyên giá trị. Đó là: "cùng lý" (hiểu phải cho đến nơi đến
chốn), "chính tâm" (giữ lòng cho ngay thẳng), "tịch tà"(trừ bỏ thói hư, tật xấu,
chống lại tà thuyết) và "cự bế" (cự bế là ngăn ngừa cái
dở). Bốn điều ấy đề cập đến những vấn đề về kiến thức, về lương tâm đạo đức, về
bản lĩnh của người thầy. Thời đó, mà ông đưa ra vấn đề này có vẻ còn hơi sớm,
bởi ở cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14, Nho Giáo chỉ trong giai đoạn đang lên,
nhưng chưa đến hồi cực thịnh. Chu Văn An đã đi trước thời đại, và chính nhờ điều
đó đã giúp ông trở thành người thầy giáo có tính chất tiên phong. Ông có công
lớn trong việc truyền bá giáo dục tư tưởng Khổng Giáo ở Việt Nam . Học trò
của Chu An lên đến vài ngàn người, xa gần đều
biết tiếng. Đến mức mà vua Trần Minh Tông vời ông ra làm Tư nghiệp Quốc tử giám
(tức "Hiệu trưởng" trường QTG).
Sự nghiệp của Chu Văn An là sự nghiệp của một nhà giáo, khi còn ở quê thì ông
mở trường dạy học, khi làm quan Tư Nghiệp Quốc Tử Giám dạy thái tử và đào tạo
nhiều học trò thành những người giữ trọng trách quốc gia, khi từ quan lại trở
về quê dạy học. Học trò của ông cũng có người làm quan cao như Phạm Sư Mạnh, Lê
Quát giữ đến chức hành khiển (tể tướng). Trong lịch sử giáo dục Việt Nam , Chu Văn An
luôn được xem là biểu tượng của người thầy mẫu mực.
Chu Văn An là thầy dạy của hai vị hoàng tử mà sau này đều trở thành vua là Trần
Hiến Tông (1329 - 1341) và Trần Dụ Tông (1341 - 1369). Như vậy, Chu Văn
An làm Tư nghiệp Quốc tử giám trải ba triều: Minh Tông, Hiến Tông và Dụ Tông.
Khi "Thất trảm sớ" không được vua chấp nhận,
Chu Văn An lập tức cáo quan về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương),
lấy hiệu là Tiều Ẩn, dạy học, viết sách cho tới cuối đời. Bên cạnh việc dạy học
để truyền bá đạo Thánh hiền, Chu An còn sáng
tác nhiều sách vở trong đó có "Tứ Thư Thuyết
Ước", "Tiều Ẩn Thi
Tập" và "Quốc Ngữ Thi
Tập",
nhưng đều bị người thời Minh cướp lấy mang về Tàu cả. Ông còn soạn một cuốn
sách thuốc có tên là "Y Học Yếu Giải Tập Chu Di Biên".
Thời đại Chu An là giai đoạn hậu chiến tranh
chống quân ngoại xâm Nguyên-Mông. Sau chiến tranh, thì việc dùng văn trị để
định quốc an bang là điều tất yếu. Thế nhưng câu hỏi đặt ra là phải dùng gì đây
giữa ba tôn giáo khi ấy là : Nho, Phật, Lão?
Khi Phật giáo được các vua đầu nhà Trần coi trọng và thịnh hành, thì Nho giáo
đóng vai trò thứ yếu. Ban đầu chỉ có nhà chùa là nơi dạy chữ Nho và sách sử.
Tuy nhiên, ở thời đại Chu An, Nho học bắt đầu
từng bước lớn mạnh. Nhiều nhà Nho và thái học sinh không làm quan, về mở trường
dạy sách Nho như trường hợp của Chu An. Hệ thống trường lớp tại các địa phương
được hình thành. Đó là những tiền đề quan trọng để Nho Giáo dần tiến lên vai
trò độc tôn trong hệ tư tưởng giáo dục và chính trị thời Hậu Lê thế kỷ 15. Và
đương nhiên Chu An có công không nhỏ trong công cuộc phát triển Nho Giáo này
bởi hệ thống trường lớp của Chu An là nổi tiếng và có đến hàng ngàn học trò, và
bởi mấy chục năm lèo lái con tàu giáo dục của quốc gia trên cương vị lãnh đạo
Quốc Tử Giám.
Trước tác Tứ Thư Thuyết Ước của Chu An có thể được xem là một trong những diễn
dịch, bình luận và giải thích Nho Giáo sớm nhất của Việt Nam .
IV. Vạn Thế Sư Biểu
Các sử gia phong kiến Việt Nam
thời hậu Chu An đều không tiếc lời ca tụng đức
độ của ông, và luôn xem ông là Biểu tượng mẫu mực của người thầy giáo Việt. Sử
gia Ngô Sĩ Liên nhận định về Chu An trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư như sau:
“Người hiền được dùng ở
đời thường lo vua không thi hành điều sở học của mình. Vua thì dùng người hiền
mà hay lo người hiền không theo ý muốn của mình. Cho nên, vua tôi gặp nhau, từ
xưa đã là rất khó.
Nho gia nước Việt ta được dùng rất nhiều, nhưng kẻ thì chỉ nghĩ đến công danh,
kẻ thì lo làm giàu, kẻ chỉ xu phụ, kẻ chỉ cốt ăn lộc giữ thân, ít ai chịu để
tâm đến đạo đức, lo nghĩ việc giúp vua nêu đức tốt để cho dân được nhờ. Tô Hiến
Thành thời Lý và Chu Văn Trinh đời Trần có lẽ cũng gần được. Nhưng Hiến Thành
gặp được vua sáng nên công danh sự nghiệp được thấy ngay đương thời, còn Chu
Văn Trinh đời Trần không gặp được vua anh minh nên chính học của Ông phải đến
đời sau mới thấy được.
Văn Trinh thờ vua thẳng thắn mà can ngăn, xuất xử thì làm theo nghĩa lý, đào
tạo người tài thì công khanh đều ở cửa nhà ông mà ra, tiết tháo của ông cao
thượng đến thiên tử cũng không bắt làm bề tôi được. Huống chi, tư thế đường
hoàng mà đạo làm thầy được nghiêm, giọng nói lẫm liệt mà bọn nịnh hót phải sợ.
Ngàn năm về sau, nghe phong độ của ông, há kẻ điêu ngoa lại không thành liêm
chính, kẻ yếu hèn lại không biết tự lập hay sao?”.
Phan Huy Chú - một học giả lừng danh triều Nguyễn ca ngợi Chu An :"Học
nghiệp thuần túy, tiết tháo cao thượng, làng Nho nước Việt ta trước sau chỉ có
mình ông, các ông khác không thể so sánh được”.
Vua Tự Đức trong "Việt Sử tổng
vịnh" viết về Chu An như sau:
Thượng tường sơn đẩu thế
gian sư,
Tâm dự nhân quai nhất khứ trừ.
Thất trảm sớ thành thiên địa giám,
Trực thanh bất cộng hữu Trần suy.
Tâm dự nhân quai nhất khứ trừ.
Thất trảm sớ thành thiên địa giám,
Trực thanh bất cộng hữu Trần suy.
Nghĩa là:
Gian tà đâu để tung hoành,
Khí cao vằng vặc lưu danh sáng ngời.
Sớ dâng chứng với đất trời,
Không đang tâm sống cảnh đời suy vi.
Gian tà đâu để tung hoành,
Khí cao vằng vặc lưu danh sáng ngời.
Sớ dâng chứng với đất trời,
Không đang tâm sống cảnh đời suy vi.
Đức độ khiến được cả quỷ thần
Đức độ của Chu An không chỉ được các bậc túc Nho ca ngợi, mà dân gian cũng dành
niềm kính ngưỡng. Một trong những minh chứng cho sự kính ngưỡng đó là câu
chuyện dân gian mang màu sắc dã sử về sự tích Đầm Mực được sử sách chép lại như
sau:
"Tương truyền khi ông mở trường dạy học, rất đông học trò tìm đến thụ
nghiệp. Trong số học trò có một thanh niên, mặt mũi sáng sủa hôm nào cũng đến
thật sớm. Ông khen là chăm chỉ nhưng hỏi thì ngập ngừng không nói quê quán ở
đâu. Ông cho người đi theo thấy người đó đi đến đầm Đại (nằm giữa các làng Đại
Từ, Tứ Kỳ, Huỳnh Cung) thì biến mất nên ngờ là thủy thần.
Năm đó, trời đại hạn, dân chúng khổ sở lắm. Một hôm, thầy Chu mới mở lời nhờ
người học trò nọ làm mưa cứu dân. Người học trò ấy tuân lời thầy mới ra đứng
giữa sân, lấy nghiên mực, ngửa mặt lên khấn, lấy bút thấm mực vãi ra bốn
phương. Lúc hết mực tung bút và nghiên lên trời. Lập tức, mây đen kéo đến, sấm
chớp ầm ầm, trời đổ một trận mưa thật lớn. Người học trò đội mưa đi về, ra đến
cửa thì biến mất. Sáng hôm sau, không thấy y trở lại học, Chu An cho người đến
đầm Đại tìm thì thấy một con thuồng luồng thật to chết nổi trên mặt nước. Ông
thương xót, sai học trò vớt xác mang về mai táng tử tế. Dân làng thấy vậy lập
đền thờ, nay vẫn còn. Chỗ nghiên mực ném lên rơi xuống nay thành đầm nước lúc
nào cũng đen, gọi là Đầm Mực. Quản bút rơi xuống làng Tả Thanh Oai, sau này là
một làng văn học nổi tiếng (quê hương Ngô Thời Sĩ, Ngô Thời Nhiệm triều Hậu
Lê)".
Đức độ của vị "Vạn thế sư biểu" thể hiện ở mấy nét chính -
những nét này cũng là biểu hiện xuyên suốt mọi quan điểm, tư tưởng trong cuộc
đời và sự nghiệp giúp nước giúp đời của ông, đó là:
1. Là một người thầy rất giỏi (cùng lý): Ông giỏi nên ông
mới dạy được các lớp học trò từ bậc quyền quý nhất như thái tử đến những người
bình thường ở làng quê. Đặc biệt, ở trường làng, ông có hàng ngàn môn sinh. Nức
tiếng đến tận triều đình. Thậm chí đến thủy thần cũng tìm đến học. Câu chuyện
quỷ thần chỉ là chuyện dã sử, nhưng qua đó cho thấy rằng ai cũng muốn đến học
với thầy Chu Văn An. Ông là nhà giáo đầu tiên của nước Đại Việt có nhiều học
trò giỏi. Từ đó tạo điều kiện cho cái học Khổng-Mạnh dần dần chiếm vị trí độc
tôn trong nền giáo dục Đại Việt.
2. Là người thầy nghiêm nghị và mẫu mực (chính tâm): Học trò của ông có người
làm quan to, như Phạm Sư Mạnh hay Lê Quát làm đến tể tướng, thế mà khi khi đến
với thầy Chu Văn An các ông này vẫn phải khép nép và thậm chí có khi còn được
nhắc nhở, dạy bảo những gì mà thầy Chu Văn An thấy cần phải nhắc nhở học
trò.
3. Là một thầy giáo có nhân phẩm trong sạch và tiết tháo (tịch tà và cự bế): Thấy quyền thần làm
điều trái đạo thì ông can gián và viết thất trảm sớ xin chém bảy tên nịnh thần.
Vua không nghe thì ông lập tức từ quan chứ không màng chi công danh lợi lộc.
Ông từ quan về quê dạy học, dạy dân, làm thuốc, viết sách… Chu Văn An làm như
vậy là để giữ nguyên cái đức sáng ngời, làm cho đạo học được thâm sâu hơn ở
chính ông và những người được ông tiếp tục đào luyện. Chính phẩm chất thanh cao
tuyệt vời ấy mà ông đã được người đương thời và đời sau ca ngợi, tôn là “Vạn
thế sư biểu”.
Sau này nhiều người có cống hiến rất lớn lao, cũng là bậc tôn sư đạo cao đức
trọng, nhân cách thanh khiết, thuần nhã, khí phách, chính trực, kiên cường
nhưng như Chu Văn An thì không ai có thể sánh. Ông là một người thầy mẫu mực
cho nền “lương sư hưng quốc” Đại Việt. Lịch sử giáo dục Việt Nam từ xưa đến nay vẫn một niềm tôn kính đối với
Chu Văn An, đặt ông ở địa cao quý nhất, khả kính
nhất, người đứng đầu các bậc nhà giáo danh nhân đất Việt từ ngàn xưa.
Dù nền giáo dục của thời thầy Chu Văn An và thời đại ngày nay là hoàn toàn khác
nhưng đức độ nhân cách ông vẫn còn những giá trị quý giá để thế hệ nhà giáo hôm
nay tự hào, tôn vinh và noi gương.
(Viết nhân kỉ niệm ngày Nhà giáo VN
20/ 11/ 2013)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét