Tiêu Đình
Trong hầu hết mấy bài thơ nổi tiếng còn lại của bà
Huyện Thanh Quan ta đều bắt gặp hình ảnh “bóng hoàng hôn”, bóng tịch dương”,
bóng xế tà” làm nền cho sự thăng hoa cảm xúc. Giá như bà Huyện Thanh Quan không
đi qua “trời non nước” đèo Ngang đúng vào lúc “bóng xế tà” mà vào một buổi sáng
bắt đầu cho ngày mới thì liệu “mảnh tình riêng” của bà có lay động được lòng
người suốt nhiều thế kỷ qua? Nguyễn Du đã có đoạn Kiều kiệt xuất: “Buồn trông
cửa bể chiều hôm…” nhờ vào không gian, thời gian “bảng lảng bóng hoàng hôn” dễ
gợi buồn nhớ ấy. Cho nên, có thể nói chiều hôm là thời gian của thi nhân, thi
ca, của cái đẹp lạnh buồn và nỗi niềm tâm trạng buồn nhớ.
Trong văn học dân gian Quảng Nam có khá nhiều câu ca dao, câu hát
ru bắt đầu bằng “chiều chiều” có thể cũng từ lẽ đó:
-Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều
-Chiều chiều mây phủ Hải Vân
Chim kêu ghềnh đá gẫm thân lại buồn
-Chiều chiều lại nhớ chiều chiều.
Nhớ nồi cơm nguội, nhớ niêu nước chè
-Chiều chiều ra ngõ ngó mông
Ngó thời thấy ngõ, người không thấy người.
-Chiều chiều chim vịt kêu chiều
Gẫm thương quân tử khăn điều vắt vai
-Chiều chiều đổ lúa ra quây
Bậu về quê bậu lúa nầy ai tun?
“Chiều chiều” là từ láy vừa xác định thời gian vật lý,
vừa diễn tả tính chất lặp lại của thời gian tâm lý, thời gian nghệ thuật. Có
cái gì cứ như xoay vòng luẩn quẩn, khó mà vươn thoát ra khỏi. Để rồi sau đó là
tâm trạng buồn thương nhớ mãi ảnh đến ray rứt, đến làm đau lòng người. Một bóng
dáng người thân, người thương thoáng ẩn thoáng hiện theo kiểu: “Thoáng hiện em về trong đáy cốc. Nói cười
như chuyện một đêm mơ”.
Văn học dân gian “hiện đại”, cũng có những câu như rút
ruột người đời bắt đầu bằng “chiều chiều”:
Chiều chiều lại uống mấy ly
Say về con ngủ để mỳ ba ăn.
Rất dễ liên tưởng đến tấm lòng thơm thảo của đứa con
trong ca dao xưa: “Đói lòng cắn hột chà là / Để cơm nuôi mẹ, mẹ già đau răng”.
Rất ít hay gặp đi cùng “chiều chiều” là sự hóm hỉnh, cợt nhã với đời như câu:
Chiều chiều một dĩa lòng heo
Một chai rượu gạo dù nghèo vẫn vui.
T.Đ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét