Mộc Nhân
Trong dòng
văn thơ cổ Việt Nam
có hai nữ thi sĩ được nhiều người biết đến đó là Hồ Xuân Hương và Bà Huyện
Thanh Quan. Nếu như thơ văn của Hồ Xuân Hương sắc sảo, góc cạnh thì phong cách
thơ của bà Huyện Thanh Quan lại trầm lắng, sâu kín, hoài cảm…
Bà Huyện
Thanh Quan tên thật là Nguyễn Thị Hinh sống vào nửa đầu thế kỷ XIX, quê ở làng
Nghi Tàm, kinh thành Thăng Long. Chồng bà làm tri huyện Thanh Quan, tỉnh Thái
Bình, nên người đời trân trọng gọi bà là Bà Huyện Thanh Quan. Bà xuất thân
trong một gia đình quan lại, có tài văn thơ, giỏi nữ công gia chánh nên được
vua Minh Mệnh vời vào kinh đô Phú Xuân làm “Cung
trung giáo tập”.
Tác phẩm bà
để lại không nhiều, những bài thơ Nôm thất ngôn bát cú Đường luật được nhiều
người biết đến: “Qua Đèo
Ngang”, “Chiều hôm nhớ nhà”, “Thăng Long thành hoài cổ”, “Chùa Trấn Bắc”, “Chơi
đài khán xuân Trấn Võ”, “Tức cảnh chiều thu” thường có giọng man mác buồn,ngôn ngữ
trang nhã, tinh tế điêu luyện với hồn thơ đẹp.
Bài thơ “Qua
Đèo Ngang” được sáng tác khi bà trên đường vào Phú Xuân. Cảnh Đèo Ngang lúc xế
tà bóng xế đã gợi lên nỗi buồn cô đơn của người lữ khách.
Ca dao vùng
Hà Tĩnh có câu: “Trèo đèo hai
mái chân vân / Lòng về Hà Tĩnh dạ ái ân Quảng Bình” gợi tả tâm trạng vấn vương quê hương
cố xứ của con người khi bước qua con đèo thuộc dãy Hoành Sơn, phân chia địa
giới hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Trên Đèo Ngang nhìn ra xa chỉ có núi đá và
biển, thiên nhiên mênh mông hoang vắng. Đọc “Qua
Đèo Ngang” ta có thể thấu
hiếu bức tranh tả cảnh ngụ tình sâu sắc của tác giả.
1. “Bước tới đèo ngang bóng xế tà / Cỏ
cây chen đá lá chen hoa”
Hai câu đề
tả toàn cảnh Đèo Ngang từ điểm nhìn trên cao, bao quát vào thời khắc “bóng xế tà” – là lúc mặt trời đang dần khuất bóng,
trời sắp tối. Thời điểm này thường dễ gợi cảm giác lắng lòng thấm thía. Có lẽ
vì vậy mà thơ bà Huyện Thanh Quan thường thể hiện nét thi pháp thời gian này:
“Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn / Tiếng ốc xa đưa vẳng trống dồn…” (Chiều
hôm nhớ nhà), “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo / Nền cũ lâu đài bóng tịch
dương” (Thăng Long thành hoài cổ)…
Không gian
nơi đây mênh mông nhìn đâu cũng chỉ thấy: “Cỏ
cây chen đá, lá chen hoa”. Hai vế tiểu đối kết hợp với điệp ngữ “chen”
khiến ta hình dung khung cảnh vật rợn ngợp, cỏ cây um tùm, hoang dã; âm hưởng
của điệp vần:tà - đá – lá khiến
câu thơ giàu âm điệu, réo rắt như một tiếng lòng, biểu lộ sự ngạc nhiên và xúc
động về cảnh hoang vắng vùng đèo núi nơi đây heo hút đến nao lòng.
2. “Lom khom dưới núi tiều vài chú /
Lác đác bên sông chợ mấy nhà”
Góc nhìn đã
thay đổi từ toàn cảnh đến cận cảnh nhưng tầm nhìn hãy còn xa.
Bóng dáng
con người đã xuất hiện nhưng chỉ có “tiều vài chú” đang “lom khom dưới núi” và
“chợ mấy nhà” thưa thớt, “lác đác bên sông”.
Một nét vẽ
mang tính ước lệ thường thấy trong thơ cổ, một trong bốn bức tranh tứ bình “ngư, tiều, canh, mục” được tạo dựng khá nhẹ nhàng, tinh tế,
ấm áp nhưng vẫn không làm mất đi cái hoang sơ cảnh vật vì con người xuất hiện
thật nhỏ bé, ít ỏi, xa vời.
Cách sử dụng
từ láy để miêu tả cảnh vật có giá trị gợi hình gợi cảm, mang lại cho người
đọc cảm giác quạnh hiu; phép đối và đảo ngữ trong miêu tả đầy ấn tượng. Âm điệu
thơ trầm bổng du dương.
3. “Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc /
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”
Từ những cảm
nhận bằng thị giác, nhà thơ đã cảm nhận khung cảnh chiều qua Đèo Ngang qua
những thanh âm: tiếng chim cuốc và chim đa đa gọi bầy lúc hoàng hôn.
Phép đối và
đảo ngữ vận dụng rất tài tình kết hợp với biện pháp nhân hóa qua điệp âm “cuốc
cuốc” và “gia gia” tạo nên âm hưởng du dương của khúc nhạc lòng lữ khách.
Nghe tiếng chim rừng mà “nhớ nước đau lòng” và “thương nhà mỏi miệng” thì quả
là nỗi buồn thấm sâu vào lòng người, lan toả trong không gian mênh mông.
Nỗi “nhớ nhà” của người lữ khách thì khá dễ hiểu bởi
tác giả đang xa nhà nên nhớ nhà, nhớ làng Nghi Tàm thân thuộc.
Còn tại sao
lại “nhớ nước” trong khi đang sống trong khung cảnh thanh
bình? Có lẽ đó là sự hoài niệm về triều Lê - một triều đại đã qua – câu thơ
mang theo niềm hoài cỗ thường thấy trong thơ bà Huyện Thanh Quan.
Ở đây có
kiểu chơi chữ đồng âm: từ âm vang tiếng chim cuốc mà gợi nhớ tích xưa: Chuyện
kể vua Đỗ Vũ nước Thục, yêu say đắm bà Biết Linh đến đắm say mất cảnh giác nên
mất ngôi vua. Đỗ Vũ phải trốn vào rừng, thương tiếc một sự nghiệp của thời vàng
son, chết hoá thành con chim Đỗ Vũ (Đỗ Quyên), có người cho rằng mùa hè chim
cuốc kêu nguyên đêm, sáng ra khan cổ, máu chảy miệng rồi chết. Trong Truyện
Kiều có câu "Ấy hồn Thục đế hay là Đỗ Quyên" là từ tích
này.
Cái hay của
câu thơ là lấy cái động để làm nổi bật cái yên tĩnh vắng lặng trong khoảnh khắc
hoàng hôn theo thi pháp “lấy động tả tĩnh” truyền thống trong thơ văn cổ. Âm
thanh đó chính là tiếng lòng của nhà thơ.
4. “Dừng chân đứng lại trời non nước /
Một mảnh tình riêng ta với ta”
Bốn chữ “dừng chân đứng lại” thể hiện một nỗi niềm xúc động đến bồn
chồn trong bước chân lữ khách; “trời
non nước” thể hiện cái cảm
nhận từ không gian mênh mang ở nhiều phía: xa, gần, cao, sâu mà lại trống trải,
thiếu vắng đi hơi ấm con người; rồi “một
mảnh tình riêng” như lắng
đọng lòng người; giữa cái bao la, mênh mông, vô hạn của vũ trụ; chỉ còn “ta với ta” trong nỗi cô đơn xa vắng, nhớ thương
đến tận cùng.
“Ta với
ta” tức là chỉ có một mình tác giả, hay đó chính là
tiếng lòng của nhà thơ. Cụm từ "ta
với ta" đối lập với "trời - non - nước" bởi một bên là cái trùng điệp của
thiên nhiên, một bên là cái cô đơn của "mảnh tình riêng" không người
chia sẻ khiến tác giả cảm thấy mình vô cùng lẻ loi nên quay về với chính tâm tư
của mình, đối diện với chính mình, cô đơn đến tuyệt đối.
Từ chỗ hướng
ngoại, ý thơ chuyển sang hướng nội trong mối quan hệ thiên nhiên với con người
tuy nhìn có vẻ như đối lập nhau nhưng bên trong là sự cộng hưởng càng làm nổi
bật tâm trạng cô đơn, và nỗi niềm của tác giả.
“Qua Đèo
Ngang” là một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật trữ
tình đặc sắc; ngôn từ mộc mạc, bình dân mà trang nhã điêu luyện; bút pháp “tả cảnh ngụ tình” đặc sắc.
Thiên nhiên
hoang vắng, cảnh sắc hữu tình thấm một nỗi buồn man mác như hiển hiện qua từng
dòng thơ. Cảm hứng thiên nhiên trữ tình chan hoà với tình yêu quê hương đất
nước và nỗi lòng con người đã khiến cho bài thơ trở thành khúc tâm tình còn lại
mãi như con đèo nối giữa hai miền đất: “Lòng
về Hà Tỉnh dạ ái ân Quảng Bình”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét