Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
Đến xuân này, nếu còn sống, Trung niên thi sĩ
Bùi Giáng 86 tuổi. Ông sinh năm 1926, thuộc dòng họ Bùi có tiếng ở Vĩnh Trinh (Quảng Nam). Suốt một đời, ông chỉ sống
với văn chương và triết học.
Bùi
Giáng là hiện tượng văn học không dễ lý giải. Có lẽ một vài thế hệ sau, khi con
người trầm tĩnh lại, lúc ấy mới có thể bàn đến thi sĩ vừa tỉnh vừa cuồng này.
Bây giờ, thơ văn, dịch thuật và nghiên cứu triết học của ông đã in lại. Mưa
Nguồn, NXB Hội Nhà Văn, in 1993.
Nhớ
lại khoảng cuối những năm 50 đầu 60 ở miền Nam, khi các tập khảo luận về Tản
Đà, Bà Huyện Thanh Quan, Chu Mạnh Trinh ... ký tên Bùi Giáng ra đời, người ta
đã thấy ở đây một giọng điệu lạ lùng trong việc tìm hiểu, khám phá các tác
phẩm, tác giả. Phân tích Qua Đèo Ngang,
Bùi Giáng đã đẽo tạc nỗi lòng lữ thứ của nữ sĩ đất Tây Hồ bằng một thứ ngôn ngữ
chất ngất nỗi niềm triết học. Cả khi bình Hương
Sơn Phong Cảnh của Chu Mạnh Trinh, ông cũng phủ lên bao sương khói hư
huyền. Trước đó và sau đó không có văn ấy, giọng ấy.
Về
thơ cũng vậy. Ông thổi vào Mưa Nguồn một hơi thở với rất nhiều
hương đồng gió nội. Thơ mang âm sắc lạ lùng, gây ngỡ ngàng không ít cho bao thế
hệ người đọc. Dần về sau, cánh cửa thơ ông uyên áo quá, khó đi vào. Đọc Mưa nguồn, tiếp xúc với chuồn chuồn, châu chấu với cồn xưa cỏ mọc, với truông đèo và những địa danh quen thuộc của xứ Quảng như Trung
Phước, Cà Tang, Trà Linh, Tý Sé, Phường Rạnh, Dùi Chiêng, Hòn Kẽm, Đá Dừng...
người đọc hiểu đoạn đời 15 năm chăn dê ở
núi đồi Trung Việt trong Nỗi lòng Tô
Vũ của ông. Phải chăng ông mượn điển tích Tô Vũ, tự Tử Khanh, thời Hán Vũ
Đế, từng chăn dê gửi tình yêu đến với bát ngát thiên nhiên ?
Mưa Nguồn, có đến một phần tư trong tổng
số bài nói đến mùa xuân. Ở đây, có xuân
sớm, trời xuân, ngàn xuân, bờ xuân, đầu xuân, cành xuân, mộng xuân, trái xuân,
bến xuân, ruộng xuân, đường xuân, thư xuân, dòng xuân ... Xuân của Bùi
Giáng còn có cả màu : màu xuân se, màu
nguyên xuân, màu xuân. Xuân như suối nguồn chảy ra từ một cõi uyên nguyên
nào, không cụ thể. Đó là thứ xuân đầu chứa
đầy chiêm bao, huyền thoại, hư ảo quyện với cuộc đời thực, nhiều mơ mộng :
Mai sau hẹn với ban đầu
Chờ nhau ngõ khác ngó màu
nguyên xuân
(Hẹn ước)
Những
trùng ngộ, sơ ngộ chợt đến chợt đi, nghe mùa xuân không đổ lục bên đuờng mà xuân xanh xô cổng chạy dài, đến một mùa
xuân hấp tấp, xuân hối hả, xuân bay biến
... người đọc nhận ra cái gì đó đang rời bỏ và con người hốt hoảng níu giữ.
Phải vậy chăng mà Bùi Giáng khát khao và ngây đi dưới mùa xuân man dại, tha thiết đứng
lại nghe xuân, mong mỏi dựng lại trời xuân để giữ một giòng
bất tuyệt xanh ngần xuân thơ dại ? Mưa
Nguồn có đến 10 bài có tựa đề nói đến mùa xuân. Đó là những Chào Nguyên Xuân, Mùa Xuân, Xuân Xanh, Xuân
Bình Dương, Thư Xuân, Lời Xuân, Xuân Thôn Nữ ... Song, mùa xuân không được
nhìn dưới góc độ của một không gian, thời gian cụ thể. Tất cả đều là trùng vợi
của cố quận, của ngàn mây, của đất trích chiêm bao :
Màu trời
đó bữa nay về trở lại
Một mùa xưa người nhớ chứ năm
kia
Ngày chạm mắt dưới mùa xuân
man dại
Dịp trùng lai em hẹn với tan
lìa ...
(Màu
trời đó)
Cảm
thức về sự bay biến của thời gian đã dựng lên trong nhiều bài thơ xuân của Bùi
Giáng cái dư vang vô thanh (chữ dùng của
thi sĩ) về những hoài niệm xa vời vợi. Chẳng thế mà ở tập Mùa
Thu Trong Thơ Ca (NXB An Tiêm, Sài Gòn, 1970), khi nói về Xuân Người Tàu Ngày Nay, nhà thơ đã viết : " Người Tàu ở Chợ Lớn dường như có phần không
thơ mộng bằng người Tàu trong thi văn cố quận của họ ". Bởi lẽ là :
Thời gian chắn bước chân chiều
Khóc sông bến lạ, mưa chiều
sớm xuân
(Cỏ
hoa hồn du mục )
Hoặc:
Màu
con mắt bên mùa xuân xiêu đổ
Ở bên kia nhìn trở lại bên
này ...
(Người
đi đâu)
Bên
kia là đâu ? Bên này là đâu ? Không biết. Chỉ thấy rằng, màu nước chảy, màu lãng đãng, màu lở dở xen giữa màu xuân khiến cho thi sĩ muốn ủ lại xuân phơi giữa bốn trời. Với ngần
ấy sắc thái xuân, ta có thể gọi Bùi Giáng là thi sĩ của những mùa xuân phôi pha.
Nguồn :Ung Thị Chiêu Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét