Ở thơ ca hiện đại Việt Nam, ngoài hình
tượng người mẹ, người lính, thì người thầy được đề cập nhiều hơn cả. Điều này
không lạ đối với truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta. Nếu lập được
thống kê, chắc sẽ đến hàng nghìn bài thơ như thế. Chỉ riêng mùa nhớ ơn thầy cô
20/11 hằng năm, trên những trang báo học trò, đã thấy bao lời hay ý đẹp viết về
" người gặp hàng ngày " trên bục giảng này.
Tiếc rằng cho đến nay, khi nhiều tuyển tập thơ ca ra đời, từ tuyển tập thơ tình, tuyển thơ tác giả, tuyển thơ nước ngoài, đến tuyển tập thơ thế kỷ, vẫn thiếu vắng một tuyển thơ đầy đặn và có chất lượng về người thầy.
Tiếc rằng cho đến nay, khi nhiều tuyển tập thơ ca ra đời, từ tuyển tập thơ tình, tuyển thơ tác giả, tuyển thơ nước ngoài, đến tuyển tập thơ thế kỷ, vẫn thiếu vắng một tuyển thơ đầy đặn và có chất lượng về người thầy.
Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, ta thử đi một vòng qua vườn hoa khá nhiều
hương sắc của mảng thơ viết về thầy, cô giáo.
*
* *
Người thầy đầu tiên của mỗi con người là những cô mẫu giáo. Thơ viết về các cô thường hồn nhiên. Có lẽ do chi phối bởi đối tượng giảng dạỵ
Người thầy đầu tiên của mỗi con người là những cô mẫu giáo. Thơ viết về các cô thường hồn nhiên. Có lẽ do chi phối bởi đối tượng giảng dạỵ
Khánh Chi trong tập Gửi gió về cho nội, có hai bài thơ viết về cô giáo. Cô giáo em là bài thơ viết theo thể tự do với nhiều so sánh lạ. Cô học trò nhỏ làm thơ này đã lấy các thời khắc của một ngày : buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, buổi tối, để qua đó, nói lên những suy nghĩ đẹp đẽ về cô. Cô là buổi sáng khi ánh mai chưa lên, nhìn vào mắt cô, em thấy em, thấy các bạn. Buổi chiều, đó là bàn tay phấn trắng như người gieo hạt. Và, trong buổi tối, trong giấc mơ, em thấy cô đi ra trong chiếc bông sen đẹp, cô hiền như lá lúa tháng ba. Bài thơ Khánh Chi viết năm lên 9 tuổi. Ý tứ tinh tươm, mới mẻ
Ở một góc độ khác, cũng viết về cô mẫu giáo, Vũ Quần Phương thiên trọng về phía công ơn dạy dỗ. Cô hát, cô dạy, cô thức, cô ru ... Trong bài Trường con, nhà thơ như hoá thân vào thế giới trẻ con để viết. Nơi thế giới ấy, có bàn ghế bé lại như con, có chữ C : trăng khuyết, chữ O : tròn, có mái trường trong phố như nôi nhỏ, có làn môi chóp chép, nét mi thưa. Thông qua những hình ảnh thân quen đó, nhà thơ thổi vào ước vọng và tình yêu rộng lớn về quê hương, đất nước. Từ đỉnh núi, dòng sông, khúc hát, đêm trăng đến Tổ quốc, cuộc đời,… như không còn khoảng cách nữa, cả đến những suy nghĩ lớn lao, cao cả:
Cô dắt con đi giữa phố đông
Tưởng như dắt mãi đến không cùng
Mai sau bay giữa vòm tinh tú
Cô vẫn cầm tay, con biết không?
Trần Quốc Toàn lại nghĩ và thương cô mẫu giáo, người luôn muốn tạo niềm vui cho học trò, nên gấp giấy thành chim, thành thuyền, nhặt những quả thông, quả chò, về làm con nhím, con thỏ, để dạy bao người lớn lên.
* *
*
Thường thơ viết về người thầy là những hồi ức trong trẻo, sáng đẹp. Điều này cũng dễ hiểu. Tuổi trẻ gắn bó với trường lớp, thầy bạn, chưa hoen lấm cát bụi đời thường, tâm hồn còn trong trắng; vì thế, khi nhớ về ngày xưa, kỷ niệm bao giờ cũng lung linh, kỳ diệu. Ngô Văn Phú quay trở lại Tuổi học trò, nhớ về ngôi trường ở thị xã trung du. Nơi ấy, một thời, dăm cậu học trò nghèo, ăn cơm độn, canh rau, mơ làm thi sĩ :
Tuổi học trò của thị xã trung du
Hàng long não ủ hương vào trang vở
Sông Thao chảy như tâm hồn tuổi trẻ
Cứ đi hoài, không tính phút dừng chân…
Sông Thao, những quả đồi Phú Thọ, gió Bến Đoan, trăng Trù Mật đã nuôi dưỡng tâm hồn một thế hệ. Và, nơi ấy, có người thầy giáo già, mái tóc bạc bao năm rồi, chưa hết lo toan, vẫn cứ nhớ hoài.
Có người đã ví người thầy giáo như kẻ đưa đò, hết chuyến này đến chuyến khác. Đành vậy. Có điều trên con đò - tri thức đó, khi cập bến, kẻ ở người đi khó quên nhau. Trong hoài niệm của mỗi người, nơi góc trái tim, chúng ta nhớ về thầy, cô cũ với bao tình cảm đậm đà, sâu nặng. Lớn lên, ta hiểu ra bao điều lớn lao từ lời giảng ngày xưa :
Thầy đã giáng cho con về đất nước, nhân dân
Để lúc mặc lành không quên người áo vá
Ăn miếng ngon nhớ bàn tay người trồng khoai, dỡ củ
Câu ca dao đau đáu một thời ...
(Phạm Khoa Văn - Thăm thầy giáo cũ)
Trong những năm đạn lửa Trường Sơn, mùa thu - khai trường, vẫn nôn nao nhớ về tiếng trống, nhớ về người thầy, người cô. Trong bài thơ Chẳng thế nào nói hết được đâu, người học trò làm thơ Nguyễn Văn Thắng của vùng chiêm trũng Nam Hà, cứ thương nhớ mãi bóng hình người cô giáo năm xưa, giã từ miền quê quan họ : Nơi con sông Cầu bên bồi bên lở - Con sông Thương nghe tiếng hát giao duyên đến với vùng chiêm lầy lội, rồi những ngày sơ tán, những bữa cơm sắn độn khoai. Chiến tranh, người học trò lên đường. Trong cái ác liệt của đạn bom, vẫn nhớ, vẫn ghi :
Chúng em đi đánh giặc ở Trường Sơn
Mang lời cô thắp sáng rừng lá đỏ ....
Em nghĩ về cô như nghĩ về quê hương thân thuộc
Chẳng thế nào nói hết được đâu
Một khía cạnh khác, Nguyễn Đình Ảnh ghi lại những xúc cảm khi nhận được thư thầy cũ. Ba mươi năm là quãng thời gian không ngắn trong đời mỗi người. Vậy mà, suốt chiều dài đằng đẳng ấy, thầy giáo ngày nào vẫn dõi theo từng bước đường của người học trò. Bài thơ có những dòng trĩu nặng yêu thương :
Ba mươi hai năm chưa gặp lại lần nào
Bỗng hôm nay nhận được thư thầy gửi ...
Đọc xong rồi cứ cầm mãi trong tay
Phong thư nhỏ của người thầy giáo cũ
Ngỡ còn ấm trên từng nét chữ
Tấm lòng thầy qua bao tháng, năm
(Đọc thư thầy)
* *
*
Sẽ thiếu sót, nếu không nhìn thấy một mảng thơ do chính những người cầm phấn sáng tạo. Và, tưởng như có điều nghịch lý chăng, khi người thầy quay về với bao học trò của mình, cũng sâu nặng, ấm áp nghĩa tình. Qua nhiều năm giảng dạy, tiếp xúc với bao lứa học trò, gặp những cảnh đời éo le, bất hạnh, người thầy sẻ chia vui buồn, mất mát như chính những người thân mình vậy. Một người cha ra đi, không về. Một người mẹ bao năm cách mặt. Nỗi đời hiu quạnh như cứ dào lên trong lòng thầy những thương cảm khôn nguôi :
Đã bao lần thầy lau kính
Mà mắt vẫn cứ nhoà đi
Các em viết về nỗi đau tử biệt
Các em kể về nỗi khổ sinh ly ...
(Đặng Hiển-Đọc hồi ức tuổi thơ học trò)
Đặng Hiển là nhà giáo, làm thơ, quê Nam Định, sống và công tác tại Hà Tây (cũ). Bài Viếng thầy nói lên tình cảm, tấm lòng của người học trò, kính trọng thầy:
Bài thơ con mới viết
Chưa kịp dâng thầy xem
Vậy mà, thầy đã ra đi, bùi ngùi thương tiếc, với “Hương khói trào nước mắt/ Lệ nến giọt vắn dài”, mong “Cúi xin thầy tha tội/ Sự đời lệ chảy xuôi”.
Lê Huy Hoà cho ta nhận diện chân dung một người học trò. Người học trò ấy giã từ tán bàng xanh, sân trường nắng ngập, tiếng ve mùa hè, theo tiếng gọi của Rẻo đất biên cương trầm mặc cánh rừng già. Trở lại trường xưa với cánh tay gửi lại chiến trường: Lặng lẽ ở dãy bàn cuối lớp, áo quân nhân, một tay áo buông chùng. Nhưng từ nay, lớp học ấm cúng hơn, em hoá thành tấm gương soi cả lớp. Và, đối với người thầy cũng thế :
Lời tôi giảng thật hơn khi tôi nói đến ước mơ
Khi mắt tôi dừng lại ở tay áo buông chùng của em -
người học trò ấy
Niềm tin yêu lớn dậy
Những chân trời sau nét phấn xôn xao…
(Người học trò ấy)
Trần Đăng Khoa có một bài thơ viết về người thầy giáo thương binh rất cảm động. Năm ấy, chiến tranh đến. Một buổi sáng bom dội, cây phượng già đổ ngổn ngang, ngôi trường thân yêu tốc mái, chiếc bảng đen lỗ chỗ dấu bom, người thầy cầm súng ra đi. Năm sau, thầy trở về, một bàn chân không còn nữa. Bàn chân thầy gửi lại nơi đâu, Khe Sanh, Tây Ninh, Đồng Tháp, học trò thơ trẻ không biết. Nhưng điều rõ ràng, sâu xa nhất, những chiều giá buốt, những đêm mưa dầm, dấu nạng hai bên như hai hàng lỗ đáo :
Chúng em nhận ra bàn chân thầy giáo
Như nhận ra cái gì chưa hoàn hảo
Của cả cuộc đời mình ...
Và bàn chân thầy, bàn chân đã mất
Vẫn dắt chúng em đi trọn vẹn cuộc đời
(Bàn chân thầy giáo)
Hữu Thỉnh có một bài thơ khá hay viết về người thầy, có tên Thưa thầy. Hình tượng chiếc thước kẻ, vật quen thuộc của người đi dạy như vẽ ra con đường cho người học trò vin vào đấy, bước qua cay đắng cuộc đời, đứng lên trước mọi vấp ngã, đi tới tương lai, vững tin:
Đã vấp ngã
thưa thầy
nhiều vấp ngã
Chẳng đâu xa, ở ngay giữa con người
Em bước đi lặng lẽ nghĩ về thầy
Đời mau quá, vui buồn chưa kịp cũ
Trong nghĩ suy của người học trò, với thầy, đó là nơi gửi gắm của niềm tin, chốn đi về sau bao thất bại, là bông hoa cho thơm mát bình yên, là ngọn suối tan đi nhọc nhằn. Bao giờ cũng vậy, ngồi bên thầy, chúng ta trở thành bé bỏng, như đứa con bên cạnh mẹ hiền. Thương thầy, qua thời gian, tóc bạc dần. Trang giáo án mỏng manh không chịu nổi những bão giật của đời thường:
Cây trước cửa, gió ở ngoài trang vở
Thầy một mình vật vã với văn chương
…
Đang mưa bão đường về sông nước ngập
Giở trang Kiều thầy giảng chạnh lòng đau.
Thầy giáo, như có người so sánh, là cành hoa đào ngày xuân, tự cháy đỏ đời mình để cho mùa xuân rực rỡ. Bao thế hệ qua đi, trên bến sông xưa, người thầy kính yêu của chúng ta vẫn còn đứng đó, cần mẫn dìu dắt bao lớp học trò :
Con tằm rút ruột mang tơ óng
Cây được vun trồng nở rộ hoa
(Bài xướng - Doãn Mậu Côn)
Huỳnh Văn Hoa
Nguồn : Ung Thị Chiêu Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét