Bài đạt giải ba cấp tỉnh
Bé Bùi Thì Thanh Kiều trường THCS Lê Qúi Đôn đai diện cho trẻ thơ Phú Ninh đứng đầu hàng bên trái |
I . Giới thiệu câu chuyện: Việc làm cho
ngày mai .
I . Giới thiệu câu chuyện: Việc làm cho
ngày mai .
Khi những cơn
mưa đầu mùa trút xuống, cái se lạnh của đất trời gợi cho ta sự rét buốt của mùa
đông dài phía trước. Lúc ấm áp trong chăn ấm, nệm êm, bạn có nghĩ đến những bạn
bè cùng trang lứa đang co ro trong tấm áo mong manh bởi hoàn cảnh còn nghèo
khó? Bạn có nghĩ đến những vùng núi cao còn chìm trong mưa tuyết lạnh lẽo, tái
tê? Bạn ơi, có phải ta giữ trong tay mình quá nhiều kẹo ngọt, để rồi đứng ngẩn
ngơ trước những điều có thể ngọt ngào hơn? Và bạn ơi, ta giữ trong mình chiếc
gông cùm của sự ích kỉ, hẹp hòi để rồi lê bước trên đường đời với cái vết xướt
của chính mình mà chẳng một lần sẻ chia, rung cảm hay nhìn thấy những vết
thương to lớn hơn của những người khác? Có bao giờ bạn nhận ra sự thờ ơ, vô cảm
ở chính mình? Bạn có tin rằng chỉ có dòng sông yêu thương mới có thể thắp lên
những chồi xanh trong tâm hồn khô khan, cằn cỗi? Vì lẽ ấy, câu chuyện “Việc làm cho ngày mai” em kể sau đây mong rằng sẽ gợi nhắc trong mỗi bạn
nhỏ chúng ta thông điệp về tình yêu thương, niềm tin, chia sẻ và lẽ sống hành
động “vì mọi người”
II . Nội dung câu chuyện:
Trường Lan tổ chức lễ tổng kết phong trào "Người
tốt, việc tốt” trong học sinh. Một cậu bé nhỏ nhắn, trong bộ đồng phục rộng hơn kích cỡ bước lên bục. Đó là Nguyễn Văn
Long lớp 7/1, một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt: mồ côi cha mẹ, sống
với bà đã già yếu. Thế nhưng Long đã vượt khó, học giỏi, đạt giải cao trong kì
thi huyện. Long lại luôn giúp những bạn học yếu để cùng tiến bộ ”. Lan vô cùng
ngạc nhiên bởi không thể tin trước mắt là cậu bé mà Lan đã từng gặp hai lần.
Chả
là tuần trước khi ngồi cùng mẹ trong quán ăn thì Lan gặp một bà cụ lụm khụm đội
cái nón lá cời, mặc bộ đồ cũ rách, giọng yếu ớt rao bán chè đậu xanh. Có một cậu bé bê mủng giúp bà cụ. Nhìn cái dáng gầy gò, da
đen nhẻm, vai mang chiếc túi sờn rách, Lan nghĩ: “Chắc là bán vé số chứ gì”,
rồi bĩu môi: “Lại thêm đứa cháu cũng xác xơ”.
Khi mẹ bảo Lan mua chè giúp bà,
Lan đã đưa tiền cho cụ nhưng không thèm đưa tay lấy gói chè run run từ tay cụ.
- Thôi, khỏi đưa chè cũng được.
- Con
cảm ơn cô và chị - Cậu bé lí nhí – nhưng
chúng tôi chỉ bán chứ không xin đâu ạ.
Nói rồi, cậu để tiền lại trên bàn. Lan liếc
bằng nửa con mắt, rồi mai mỉa:
- Đã nghèo mà còn sĩ diện! Họ đen đủi, bẩn
thỉu thế làm sao ăn được hả mẹ. Mẹ mua nước suối cho con được rồi.
Lúc ấy, Lan đã bị mẹ răn cho một hồi: “Sao con
lại không cảm thông thấu hiểu để rồi biết thương yêu cậu bé, kính trọng bà lão,
lại nói những lời như vậy?” Lan chỉ biết phùng mặt và nghĩ: “Lại là những bài
học cũ mèm”.
Và hôm qua đây, khi đi về ngoại,
Lan đang loay hoay chực khóc vì chiếc xe
đạp điện bị ngã xuống mương nước. Lan chưa tìm được người giúp thì cậu ta từ
đâu chạy lại, cố sức kéo chiếc xe lên giúp Lan, rồi vội đi. Mà Lan thì chưa kịp
nói lời cảm ơn. Giờ đây nghĩ lại vừa cảm thấy xấu hổ, hối hận vừa cảm phục
Long. Những suy nghĩ cứ ùa về, những tình cảm mà bấy lâu nay Lan chưa bao giờ
nghĩ đến. Lan nhận ra sự kiêu căng, tự cao về gia đình khá giả của mình mà luôn
chê bai, khinh thường những bạn bè nghèo khổ. Lan cố kìm chế cảm xúc mà sao
sóng mũi mình cay cay.
Một tuần sau, trong giờ học công
dân bài Quyền được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục
của trẻ em Việt Nam, cô giáo nhỏ nhẹ:
- Các
em ạ! Long xin nghỉ học dài ngày để chăm sóc bà bị tai biến nặng đang nằm viện.
Bạn ấy đã không có điều kiện để hưởng những quyền của trẻ thơ như các em. Bài
học hôm nay gợi cho em suy nghĩ, hành
động gì về quyền và bổn phận từ bản thân
mình và từ tình cảnh của Long?
Cả
lớp lặng đi. Lan nghĩ: “Mình thật may mắn biết bao khi được ba mẹ cưng chiều. Nào là điện thọai, máy tính
bảng, xe đạp điện…lại được dẫn đi chơi
bất cứ nơi nào mình thích…Ừ, mình là trẻ em thì mình có quyền được hưởng chứ? Nhưng
sao mình học càng ngày càng tệ? Còn Long
thì ngược lại…Tại sao mình cô tâm đến mức không thấu hiểu sự nhọc nhằn và hy sinh của ba mẹ, sự tận tụy của thầy cô để
nỗ lực hơn? Ôi! Câu nói của mẹ “Biết nghĩ cho người khác thì mới có thể sống
tốt được con à” và của cô giáo nữa: “Hạnh phúc nhận về là biết cho đi”. Mình có lỗi nhiều quá...” Lan mạnh dạn đưa tay phát biểu– điều
mà em ít khi làm:
-Thưa cô, tình cảnh của Long thật tội nghiệp. Chắc chắn bạn ấy rất muốn
được đi học vậy mà phải nghỉ học dài ngày. Chúng em cần góp quà, góp công sức
để động viên bạn ấy có điều kiện đến trường ạ! Và em cũng chưa xứng đáng với
quyền và bổn phận của trẻ em nên cần cố gắng hơn nữa ạ!
Cả lớp ngỡ ngàng rồi đồng loạt vỗ tay.Cô trìu
mến nhìn Lan, khen em rất nhiều.
Trên đường đi học về, Lan nghĩ mình đâu “có
ý nghĩ tích cực, biết yêu thương chia sẻ, giúp đỡ mọi người” và không lý gì “được
tuyên dương dưới cờ cho cả trường hưởng ứng” như lời cô đâu. Lan nghĩ đến mẹ, mẹ sẽ rất vui. Rồi
Lan tưởng tượng ra cảnh cùng các bạn đến nhà Long. Lan sẽ nói lời xin lỗi và sẽ
làm…sẽ làm rất nhiều việc…
3. Kết luận
và bài học giáo dục:
Câu chuyện của Lan cũng
là chuyện chung về căn bệnh vô cảm của
không ít bạn nhỏ trong chúng ta phải không nào?
Phải chăng cuộc sống hiện đại ngày càng đủ đầy, không
ít trẻ thơ như cô bé Lan được xem là
vàng ngọc, là măng non đáng yêu, quen với cuộc sống được vỗ về làm cho cái
“tôi” lớn dần trong vỏ bọc ích kỉ. Bệnh vô cảm đã nhiễm vào lúc nào không hay đã sớm gặm nhấm
tâm hồn trẻ thơ khiến cho một cô bé như Lan
đã không hề xúc động, thương cảm trước những mảnh đời khốn khổ, để rồi tỏ thái
độ khinh khi, nói ra những lời thiếu tế nhị, tôn trọng với cả người già cả.
Không những thế, nó còn làm cho cái ý nghĩ được sung sướng, được hưởng mọi
quyền lợi lấn át tất cả. Và rồi, nó khiến cho cô bé trở nên vô ơn. Ở đây, có lẽ
Lan không hề biết hành động, thái độ của bạn đã vi phạm điều 21– Bổn phận của
trẻ em trong Luật chăm sóc và giáo dục trẻ em: Yêu quý, kính trọng, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; kính trọng thầy
giáo, cô giáo; lễ phép với người lớn, thương yêu em nhỏ, đoàn kết với bạn bè;
giúp đỡ người già yếu, người khuyết tật, tàn tật, người gặp hoàn cảnh khó khăn
theo khả năng của mình. Thế đấy, phải chăng bệnh vô cảm đã đánh mất nét
đáng yêu vốn có của tuổi thơ? Làm sao chúng ta có thể trưởng thành khi chỉ biết
nuôi dưỡng mầm sống của thói ích kỉ? Cuộc
sống quanh ta rồi sẽ ra sao nếu ai cũng chỉ biết phần mình? Vậy mà đã có không
ít những câu chuyện đau lòng về thói vô cảm. Thấy bạn bè bị bạo hành trước mặt,
đã không can ngăn, không thương xót mà thản nhiên đứng xem, cổ vũ, rồi quay
clip tung lên mạng xem như một chuyện hay, li kì. Thật đáng xấu hổ! Lại có
chuyện một cô bé chỉ biết nằng nặc đòi mẹ mua chè khi mẹ đang loay hoay với
đống trái cây vừa bị đổ tung tóe giữa đường phố, trong khi mọi người đang vội nhặt
hộ. Rồi một bạn trẻ đã suýt giết cả người
bà yêu quí của mình chỉ vì bà không cho tiền đi chơi gaem... Vô cảm đã
làm cho con tim vốn ấm nóng tình người dần trở nên băng giá đến thế đó. Ôi! Có
cái chết nào đau đớn bằng cái chết trong tâm hồn bởi đó là cái chết thật của
người vô cảm vẫn còn đang sống.
Nhưng bạn có tin là thói vô cảm dẫu hoành
hoành tai hại đến đâu cũng phải cúi đầu trước sức mạnh diệu kì của tình thương bao la, ấm áp không? Tình thương ấy
có từ tấm lòng thơm thảo của cậu bé Long đó các bạn à! Dẫu cuộc sống bất hạnh
đầy những vất vả, lo toan cũng không hề khiến cho bạn ấy trở nên lạnh lùng, vô
tâm. Mà ngược lại…Trái tim biết sống hết mình vì bà, vì mọi người đã giúp
Long có nghị lực để học tốt, biết giúp
đỡ bạn bè và cả cô bé xa lạ đã từng xúc phạm, khinh khi bà cháu mình bằng cả tấm lòng vị tha, bao
dung. Không những thế, tình yêu thương còn có ở lời dạy bảo nhẹ nhàng của người
mẹ, ở tổ ấm học đường thân thiện và ở chính người cô qua những tiết công dân giàu
bài học làm người. Tất cả đã giúp cho một cô bé vô tâm đã biết day dứt, nhận ra
lỗi lầm và quyết tâm thay đổi. Thật thú vị khi ta tưởng tượng thêm phần kết của
câu chuyện. Cái Lan của ngày mai không còn là cái Lan của ngày hôm qua nữa. Bạn
ấy không những đã biết sống xứng đáng với
những gì mình được hưởng mà còn biết
giúp bạn vượt qua khó khăn để thực hiện ước muốn được học hành. Thế đấy!
“Tình yêu thương mở cửa đi ra từ trái tim
và trở về rung động bởi trái tim”.
Bạn có tin, xung quanh ta cũng luôn có những mạch nguồn yêu thương không
ngừng chảy? Từ những “địa chỉ từ thiện”, chương trình “trái tim cho em”, “lục
lạc vàng” được phát sóng hằng ngày trên các chương trình truyền hình, biết bao “tấm
lòng vàng” giúp cho những mảnh đời gặp
tai ương, hoạn nạn vươn lên sống tốt, những ước mơ giản dị được chắp cánh vào
đời. Qủa đúng là.
Có gì đẹp trên đời hơn
thế
Người yêu người, sống để yêu
nhau.
(Tố Hữu)
Nhưng
để cho cuộc đời đẹp hơn mình và bạn cần học lẽ yêu thương như thế nào?
Bạn
ơi! Mùa đông đến, cái lạnh, cái giá rét ùa về. Cái lạnh của đất trời cũng tràn
ngập mọi nơi. Nhưng những điều ấy không đáng sợ bằng cái lạnh giá từ trong tâm
hồn mỗi người phải không bạn? Nếu bạn không giữ ấm lòng mình, bốn mùa sẽ chỉ
còn là mùa đông lạnh lẽo.
Vậy nên, bạn ơi, biết giữ mình ấm áp, biết tin yêu và mở
rộng lòng, thấu hiểu, cảm thông, sẻ chia với mọi người thì tình yêu thương mới
lan tỏa, hạnh phúc mới dâng tràn.
Và hãy
“Thương người như thể thương thân” dù
mình là “lá rách”; yêu thương “để gió cuốn đi” thật nhẹ nhàng; yêu thương sao cho xứng đáng với quyền
và bổn phận của trẻ thơ đối với những gì cuộc đời trao tặng.
Nào! Hãy thay đổi cùng Lan từ
lời nói đến việc làm để cùng cảm nhận niềm hạnh phúc từ chính tâm hồn mình các
bạn nhé!
Bùi Thị Thanh Kiều Lớp 7/1 –Trường THCS Lê Quí Đôn, Đơn vị: Phú Ninh