BICH TRAM

Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2015

331/ĐỌC LẠI THƠ HAIKU - BASHO

 

         Mộc Nhân

       Dân tộc Nhật Bản có hai thể thơ chính là tanka và haiku.
          Tanka (tức Đoản ca hay còn gọi là Wa-ka hay Hòa ca) với 31 âm tiết, ngắt nhịp theo kiểu: 5-7-5-7-7 và bài thơ tanka sau đây được xem là bài thơ mở đầu cho thơ ca Nhật Bản:
Tám tầng mây dựng
Ở xứ Izumo
Ta làm tám tầng mây xa
Tám tầng mây ấy
Che chở người vợ ta.
          (Bài thơ này tương truyền là của thần Susanoo làm tặng người vợ yêu quý của mình là nàng Kushinada).
          Hay là bài thơ nổi tiếng sau đây:
Đàn nhạn bay về
Cây phong của ta ơi
Đến lượt em rồi đó
Đã sang mùa
Em hãy đổi màu đi.
                            (vô danh)
Còn thơ haiku thì ngắn hơn nữa. Từ haiku theo âm Hán Việt là “hài cú”, cả bài theo thrr thức phổ biến nhất chỉ có 17 âm tiết gồm ba nhịp 5-7-5 (tuy nhiên đôi khi có thể tự do hơn về số tiếng và cả về nhịp) thường được viết trong một dòng để biểu diễn thư pháp hay đề thơ cho các bức họa trong tiếng Nhật; và khi dịch sang tiếng Việt thì được xếp thành ba dòng.  Thơ haiku Nhật là kiểu thơ có nét dung dị đặc biệt, nó là chiếc gương soi rọi linh hồn văn hóa Nhật Bản.
Thơ haiku là một thể thơ có cấu tứ mới lạ, khó hiểu gây ấn tượng mạnh song lại rất gần gũi với những ai muốn tiếp nhận.Chính vì sự ngắn gọn mà thơ Basho hàm súc cao độ, “Sự ngắn gọn của haiku không phải là vấn đề hình thức; haiku không phải là một tư tưởng phong phú rút vào một hình thức ngắn, mà là một sự tình vắn tắt đã tìm ra được hình thức vừa vặn của mình”. Vì thế, thơ haiku có nhiều khoảng trống im lặng không phải vì chật chội mà đó là một đặc sắc nghệ thuật. Sự cô đọng đi vào chiều sâu vào chân không chứ không phải là ý muốn dùng sự ít lời để diễn tả nhiều ý nghĩa khác nhau.
Những bài thơ haiku hết sức cô đọng lại có sức chứa đặc biệt những vẻ đẹp của thiên nhiên. Nghiên cứu giá trị thẩm mỹ của thiên nhiên để thấy được cái hay, cái đẹp và sức hấp dẫn của thơ haiku mà nó còn phản ánh chứa đựng tư tưởng thẩm mỹ vẻ đẹp văn hóa truyền thống của một dân tộc.
Thơ haiku là một thể thơ độc đáo mang phong vị Thiền. Mỗi bài thơ được ví như một chiếc gương soi rọi thiên nhiên của bốn mùa và tâm hồn của nghìn đời.
Thơ haiku là khúc ca của bốn mùa. Mỗi bài thơ haiku đều có quí ngữ (kigo hay từ ngữ báo hiệu mùa). Nội dung thơ cô đọng trong cái cực ngắn. Thơ haiku chỉ miêu tả những cái gì ở thực tại và lặng thinh. Khoảng lặng ấy là “khoảng trống” của “chân không”.
Xét đến cùng thì thơ haiku vẫn đến với mọi người bằng tinh thần Thiền tông đề cao thiên nhiên, đề cao cái đẹp thô sơ, mộc mạc, tầm thường, nhỏ bé nhưng chẳng tầm thường chút nào.
“Một bài thơ haiku có thể chứa ba chiều của vũ trụ. Còn chiều thứ tư để dành cho người đọc” (Nhật Chiêu) hay nhà thơ Paul (Pháp) cũng nói: “Tôi viết nửa bài thơ. Người đọc viết phần còn lại”. Đó là những nội dung mà thơ haiku diễn đạt.
***
Nói đến thơ haiku Nhật Bản không thể không nhắc đến nhà thơ Basho (1644-1694), thiền sư, thi sĩ lỗi lạc, người gắn liền cuộc đời và sự nghiệp của mình với thể thơ haiku.
Thơ haiku Basho là những câu chữ siêu ngắn chứa đựng thiên nhiên của nước Nhật. Là những “tác phẩm kiệt xuất” của người Nhật có giá trị lớn ở nhiều mặt hết sức phong phú và tuyệt mỹ.
Basho là một thiên tài lỗi lạc của Nhật Bản, người đưa thơ haiku lên đỉnh cao thi ca dân tộc và vươn mình ra thế giới. Thơ haiku Basho không chỉ là đại biểu cho thơ ca Nhật Bản mà còn  đại diện cho văn học và văn hóa Nhật Bản.  
Thơ ông không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật giải trí thông thường mà còn là tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước, yêu con người và cuộc sống. Thơ ông là những bài ca dung dị về thiên nhiên con người Nhật Bản. Thiên nhiên trong thơ ông là những bức tranh văn hóa độc đáo đậm màu sắc Nhật Bản.
Bằng tài năng và nghệ thuật của mình, Basho “vẽ” nên những bài thơ haiku giàu hình ảnh nghệ thuật. Trong đó, nghệ thuật miêu tả tượng trưng và liên tưởng, tính đa nghĩa của hình ảnh là đặc trưng nghệ thuật thơ Basho. Trên nền nghệ thuật đó, Basho dùng ngôn ngữ mộc mạc, đơn sơ, hình thức thơ ngắn gọn thấm đẫm cảm thức thẩm mỹ truyền thống tạo nên những kiệt tác cho thơ ca Nhật Bản.

          Bài viết này không có tham vọng nghiên cứu về thơ haiku hay Basho mà chỉ dẫn nhập để cùng bạn đọc đọc lại những bài thơ  đỉnh cao của thơ haiku Basho:
1.
Trên cành khô
cánh quạ đậu
chiều thu.
2.
Ao cũ
con ếch nhảy vào
vang tiếng nước xao.
3.
Nhiều điều xiết bao
gợi hồn ta nhớ
những cánh hoa đào.
4.
Chung một mái trọ
phòng bên những du nữ ngủ
trăng và hoa thu.
                                      5. 
Hãy rung lên, nấm mồ
giọng ta than khóc
là gió mùa thu.
6.
Mưa mù sương
phù dung một đóa
làm mùa lên hương.
7. (Từ thế chi ca).
Đau yếu giữa hành trình
chỉ còn mộng tôi phiêu lãng
trên những cánh đồng hoang.
                                      8.
Những giấc mơ hoa
những cánh đồng cháy rụi
cơn gió thở than qua.
                                      9.
Đã rơi năm nào
tuyết mà ta ngắm
bây giờ lại rơi ?
10.
Tôi vỗ bàn tay
dưới trăng mùa hạ
tiếng dội về ban mai !
11.
Trên bình nguyên
chim Vân Tước hát
xa mọi ưu phiền.
12.
Dòng thác trong
giữa làn sóng bạc
trăng mùa hạ lên.
13.
Hoa đinh hương ơi
những giọt sương sáng
em đừng để rơi.
14.
Đi nữa bạn ơi
ngắm nhìn tuyết đổ
cho dầu ta rơi !
15.
Ôi tiếng ve kêu
thấu xuyên vào đá
trong cõi quạnh hiu.
16.
Tiếng ve mải mê
không hề để lộ
cái chết gần kề.
Thơ haiku là thơ của thiên nhiên bốn mùa. Mỗi bài thơ haiku của Basho đều gắn liền với thiên nhiên. Hình ảnh thiên nhiên gợi lên bao xúc cảm trong ông. Trong mỗi bài thơ, thiên nhiên hiện lên với mọi vẻ đẹp vốn có của nó từ cái ban sơ, mộc mạc đến những gì tinh tú kiêu sa lộng lẫy đầy quyến rũ cũng như sắp đi vào phai tàn và gợi lên những rung cảm sâu xa trong lòng người. Bằng tài năng của mình Basho đã cho ra đời hàng loạt các bài thơ haiku rực rỡ hương sắc bốn mùa. Mỗi bài thơ là một bức tranh tuyệt mỹ. Những tác phẩm kiệt xuất ấy là kết quả của một đời lãng du trên bước đường hành giả, làm lữ nhân phù thế. Thiên nhiên trong thơ Basho thật tươi đẹp hồn nhiên trữ tình nồng thắm trong cái trong trẻo và nguyên sơ của nó.
17.
Mong manh mong manh
một nhành hoa cúc
vừa đơm nụ vàng
18.
Dòng thác trong
giữa làn sóng bạc
trăng mùa hạ lên.
19.
Ôi biển hoang vu
Ngân Hà vươn  trải
trên đảo Sado.
20.
Mogami tuôn dòng
cuốn mặt trời rực lửa
dìm xuống trùng dương.
21.
Mùa xuân đến rồi
vô danh ngọn đồi ấy
sáng nay khoác áo sương mù.
22.
Tiếng cu kêu
biến tan về phía
hòn đảo cô liêu.
23.
Ôi chim oanh
hát trước rừng trúc
sau hàng liễu nghiêng.
24.
Rừng trúc mênh mông
                                     tiếng chim cu hót 
trong ánh trăng nghiêng.
25.
Giông tố dấu mình
trong khu rừng trúc
và rồi lặng thinh.
26.
Dòng thác trong
buông theo triền nước
những lá thông xanh.
27.
Ta muốn ngà say
ngủ mơ trên đá
hoa cẩm chướng đầy.
Trong thơ Basho, thiên nhiên còn là những hình ảnh gần gũi quen thuộc với chúng ta. Nó ở xung quanh cuộc sống chúng ta. Nó hiện diện rất hồn nhiên, rất khiêm tốn, bé bỏng dễ thương chẳng hạn như:
28.
Trên thân nấm rơm
chiếc lá từ đâu đến
vẫn còn nằm yên.
29.
Bên đường
hoa dâm bụt
đưa mình cho ngựa ăn.
30.
Trên cành liễu nghiêng
con bướm đổi chỗ
mỗi lần gió lên.
31.
Một con ong
từ lòng thược dược
bay đi tần ngần.
32.
Con chuồn chuồn
đậu mãi mà không  được
trên ngọn cỏ gió rung.
33.
Dưới làn nước trôi
có con cua nhỏ
bò lên chân tôi.
34.
Từ trong rầm nhà
đáp lời chim sẻ
rúc rích chuột con.
35.
Trong lều ngư dân
giữa đám tôm cá
có con dế mèn.
Những hình ảnh bình thường ta gặp trong cuộc sống cũng xuất hiện trong thơ haiku Basho, nó được đưa vào thơ bởi cảm thức thẩm mỹ truyền thống về cái đơn sơ, bình dị, nguyên thuỷ, sơ khai, hồn nhiên tươi tắn, trẻ trung, yêu đời. Đó là nơi chứa đựng và giãi bày bao tâm tư tình cảm của nhà thơ. Basho yêu quí thiên nhiên biết bao. Những bước chân của nhà thơ cũng nặng tình thiên nhiên, nặng tình của sự sống chan hòa cùng thiên nhiên và trong khoảnh khắc tinh khôi nhất mà nhà thơ cảm được “linh thần” của nó bằng tình cảm chân tình nhất, vì một cảnh tượng đẹp đẽ về sự hòa điệu của tâm hồn và rộn vang những âm thanh đầy nhân bản trong lòng người sẽ cảm được sự kết tinh của mọi vẻ đẹp ta cảm nghiệm.

Thiên nhiên trong thơ thấm đẫm tình cảm con người. Basho cảm nhận trong nhiên nhiên cũng có linh hồn, cũng có niềm vui nỗi buồn. Vì thế thiên nhiên đọng lại trong câu chữ là những bức tranh hữu tình. Nhưng cái tình nằm im lặng sau câu chữ. Nó hiện ra trong câu chữ ngay thời khắc mà cái gì cũng chưa mãn khai chưa toàn mỹ, nó còn bỏ ngỏ phần còn lại của đời mình. Thiên nhiên là người bạn thân thiết của nhà thơ và của mọi người. Tình cảm Basho dành cho thiên nhiên luôn luôn là ước mơ về với thiên nhiên để được giao tình thân thiết:
36.
Bên dòng Sumida
chú chuột kia uống nước
mưa mùa xuân pha.
37.
Hoa diên vĩ
buộc quanh bàn chân
mang dép rơm
38.
Bên vỏ ốc con
trôi theo bọt sóng
những cánh đinh hương
39.
Ôi đóa nazuna
đôi mắt tôi nhìn kỹ
bên hang giậu nở hoa.
40.
Mong manh mong manh
một nhành hoa cúc
vừa đơm nụ vàng.
41.
Ôi huy hoàng
lá xanh lá xanh
chói ngời trong nắng.
42.
Cây hoa nào
mà ta chưa biết
gởi lại một làn hương
43.
Như cảnh trong tranh
tôi trên mình ngựa
chầm chậm qua đồng.
44.             
Con nhện kia ơi
bài hát nào ngươi có
trong gió thu này ?
45.
Dậy đi thôi
cùng ta kết bạn
cánh bướm ngủ say ơi !
46.
Thế rồi từ từ
mùa xuân thành tựu
với trăng và hoa mơ.
47.
Ngọn lúa nào
trong ngón tay bíu chặt
khi từ biệt nhau.
48.
Mùa xuân ra đi
tiếng chim thổn thức
mắt cá lệ đầy.
49.
Vỏ trai tách rời
chia tay cùng bạn
mùa thu ra đi.
50.
Cầu treo vực thẳm
những cây thường xuân
quanh đời ta quấn.
          Thơ haiku Basho qua khung cảnh, âm thanh, không gian, thời gian, ta có thể cảm được mọi giá trị mỹ cảm, nghệ thuật và ý nghĩa của bài thơ nhưng ta không thể giải thích vì giải thích sẽ mất hay, mất đi ý nghĩa của bài thơ.
Đó là “Thiền tính” nên khi đọc thơ haiku có khi dường như chẳng hiểu gì cả, không thể cắt nghĩa trọn vẹn. Vì vậy thơ haiku đôi khi khó cảm hiểu và không dễ gì tiếp nhậ hay sáng tác.  Basho có đôi lúc cũng băn khoăn về “con đường haiku”. Ông không biết có còn ai tiếp bước nữa không ?
51.
Trên con đường này
giữa chiều thu ấy
đi về không ai.
                           52.
Mưa đông giăng đầy trời
một chú khỉ đơn độc
cũng mong chiếc áo tơi.
53.
Trong ánh ngày
con đom đóm ấy
cổ đỏ gay.
54. 
Biển tối dần
tiếng kêu chim nhan
trắng màu trong đêm.
55.
Vầng trăng non dại
theo tôi từ độ ấy
có ai ngờ đêm nay.
Basho là một đại thi hào của Nhật Bản. Bằng tài năng và nghệ thuật, ông sáng tạo nên những giá trị tuyệt đẹp về thiên nhiên. Những nét đặc sắc nghệ trong thơ Basho là sự kế thừa và phát huy những giá trị văn chương truyền thống của dân tộc Nhật Bản.
Và thơ haiku đến với chúng ta bằng cái “đạo” ẩn chứa bên trong nó. Đấy là con đường sâu thẳm trong cái bình thường giản dị nhất giữa cuộc đời như Tagore đã từng nói: “Trong vội vã, ta bỏ quên những bông hoa bên hàng giậu ven đường”.
--------------------------
* Số thứ tự các bài thơ do người viết bài đánh để dễ đọc lại.
Đọc thêm các bài haiku khác của Basho:
1.
Đi hái cải củ
cậu bé con kia
được ngồi lưng ngựa.
2.
Người chèo thuyền
ống điếu ngậm trong miệng
gió mùa xuân lên.
3.
Trên đồng mùa hạ
nhìn người vác cỏ
tôi lần đường đi.
4.
Tiếng rao người bán cá
hòa trong tiếng chim cu
vang vang mùa hạ.
5.
Em bé nhọc nhằn
trong khi xay gạo
vẫn nhìn lên trăng.
6.
Mùa thu âm u
người hàng xóm ấy
sống như thế nào ?
7.
Mùa xuân qua đi
sao cứ nhớ mãi
người ở Omi.
8.
Lệ trào nóng hổi
trên tay tóc mẹ
làn sương thu.
9.
Trong mùa thu này
ta già biết mấy
ôi chim và mây.
10.
Trao cho cây liễu
mọi điều ước vọng
mọi điều chán chê.
11.
Không bao giờ quên
mùi vị cô đơn
của giọt sương trắng.
12.
Làng chuông không ngân
biết làm chi nhỉ
những chiều mùa xuân.
13.
Vương trái tim tôi
ngang con đường núi
đồng thảo nở hoa tươi.
14.
Mưa đông giăng đầy trời
một chú khỉ đơn độc
cũng mong chiếc áo tơi.
15.
Trong tuyết ban mai
đôi mắt ta nhìn cả
những con ngựa gầy.
16.
Tiếng rao người bán cá
hòa trong tiếng chim cu
vang vang mùa hạ.
17.
Vượn hú não nề
hay trẻ bị bỏ rơi than khóc ?
gió mùa thu tái tê.
18.
Xem kìa bé ơi
hãy chạy nhanh đến
mưa đá đang rơi !
19.
Kìa những đứa tiểu nhi tấm bé
Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha
Lấy ai bồng bế vào ra
U ơ tiếng khóc thiết tha nỗi lòng.
20.
Chung một mái trọ
phòng bên những du nữ ngủ
trăng và hoa thu.
21.
Những chiến binh ngã xuống
giấc mộng chưa thành
cỏ mùa hạ ngút xanh.
22.
Chống gậy đưa chân
cả gia đình bạc tóc
đi viếng mộ người thân.
23.
Con nhạn ốm đau
rơi trong chiều rét
ôi lữ khách nào.
24.
Trăng rụng rồi
bốn góc bàn quen thuộc
còn lại mà thôi.
25.
Vầng trăng tan nhanh
giọt mưa còn đọng
đó đây trên cành.
26.
Tiếng chuông chùa tan
hương hoa đào buổi tối
như còn ngân vang.
27.
Rạng sáng
trôi trong sương
tiếng chuông.
28.
Đêm xuân phai nhòa
và rạng đông đến
trên cành đào hoa.
29.
Nhiều chuyện
làm nhớ lại
những cánh hoa đào.
30.
Ôi tiếng ve kêu
thấu xuyến vào đá
trong cõi quạnh hiu.
31.
Ôi đóa hoa nazuna
đôi mắt tôi nhìn kỹ
bên hàng giậu nở hoa.
32.
Dậy đi thôi
cùng ta kết bạn
cánh bướm ngủ say ơi !
33.
Bướm chim nào biết đâu
một bông hoa nào mới nở
bên trời mùa thu.
34.
Tiếng hạc vang trời
và tàu lá chuối
trở thành tả tơi.
35.
Lang thang đồng nội
để cho mưa gió
thấm vào hồn tôi.
36.
Năm rồi năm
trên bộ mặt khỉ
mặt nạ khỉ mang.
37.
Dưới cây lao xao
chén canh đĩa cá
đều vương hoa đào
38.
Bướm chim nào biết đâu
một bông hoa mới nở
bên trời mùa thu.
39.
Bài ca khởi đầu
bài ca người trồng lúa
từ miền quê thâm sâu.
40.
Mưa tháng năm
đứng dầm trong nước
chân hạc ngắn dần.
41.
Trên cành liễu nghiêng
con buớm đổi chỗ
mỗi lần gió lên.
42.
Con chuồn chuồn
đậu mãi mà không được
trên ngọn cỏ gió rung.
43.
Mái lều im
một con chim gõ kiến
gõ ngoài trụ hiên.
44.
Lá thủy tiên
dưới làn tuyết mới
nhè nhẹ trĩu mình.  
45.
Ôi tiếng ve kêu
thấu xuyên vào đá
trong cõi quạnh hiu.
46.
Mong manh mong manh
một nhành hoa cúc
vừa đơm nụ vàng.
47.
Mưa mù sương
phù dung một đóa
làm mùa lên hương.
48.
Mưa đổ
trên chuồng bò
tiếng gà ó o
49.
Ngày đầu xuân
sao mà tôi nhớ
chiều thu cô đơn.
50.
Biển tối dần
tiếng kêu chim nhạn
trắng màu trong đêm.
51.
Trăng rụng rồi
bốn góc bàn quen thuộc
còn lại mà thôi.
52.
Vầng trăng non dại
theo tôi từ độ ấy
có ai ngờ đêm nay.
53.
Mùa đông vò võ
thế gian một màu
và âm thanh gió.
54.
Những chiếc lá rơi
dường như trăm tuổi
giữa ngôi vườn chùa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét