Mộc Nhân Lê Đức Thịnh
Tình cờ đọc lại một câu thơ viết
đã lâu: “Quá giang một cơn mưa/ lòng vương tàn tích cũ/ tháng mười trở
đông” (Mộc Nhân - Haiku tiễn biệt); chả hiểu sao lại liên tưởng đến tập
sách anh Hải Triều mới tặng.
Có lẽ cái cơn mưa tháng Mười và
tàn tích cũ gợi vấn vương chăng!
Bỏ mọi thứ đấy để xem “Tiếng
gàu rơi và dòng sông mùa cũ” của Nguyễn Hải Triều, nxb Văn Học – 2015.
Say sưa, miên man, gần như là
lướt qua trọn tập 200 trang trong cả buổi tối.
Cảm nhận đầu tiên là anh đã giúp
mình lật tung kí ức làng quê cố xứ.
Những trang chữ cồn cào: tiếng
gàu rơi, mùa bắt cá bộng, chén đường non, bờ xe nước, trường làng, câu hát ru,
làng nghề, sông Vu Gia, sông Thu Bồn, các miền đất… hiện lên trong dòng hoài
niệm chạy suốt thời gian quá khứ, hiển hiện trong không gian núi sông đồng bãi
của quê xứ trung du mưa dầm nắng rát.
Lối viết của anh cũng thật giản
dị, chẳng cầu kì biến ảo về thi pháp nhưng đó chính là tài hoa bút kí của một
tay viết lão luyện xứ Quảng biến những chất liệu hiện thực thành bức chạm ngôn
ngữ khắc dấu thời gian trên sông núi quê hương.
Đặc trưng của “Bút kí” là
ghi chép sự việc theo lối tản mạn, điểm xuyết trong dòng xúc cảm của
người viết nhưng điều thú vị ở tập bút kí này là dưới ngòi bút của mình,
nhiều “sự việc” rải rác đây đó ở làng quê trung du dưới cái nhìn của
anh lại thành“chuyện” – có cốt truyện, có nhân vật, có tính cách và khơi
gợi những ám ảnh nhân sinh(Mùa bứt đót, Có một vùng đất…) và ngược lại,
nhiều “câu chuyện” về danh nhân, anh hùng, con người, cố xứ … mà anh mang đến
cho bạn đọc trong dòng miên man nhặt nhạnh khơi gợi những điều ít người biết
hay đã lãng quên (Lần theo những giai thoại, Những bến chợ và chuyện về
một gánh hát…).
Đọc “Tiếng gàu rơi và dòng
sông mùa cũ” của Nguyễn Hải Triều, chúng ta không chỉ cảm nhận về nếp quê,
con người của một miền đất “Dưới chân núi lớn” (1) mà anh còn gợi
những dấu ấn về những miền quê khác của xứ Quảng, rộng hơn là trên khắp quê
hương đất nước chúng ta.
Đằng sau những trang bút kí
Nguyễn Hải Triều, còn là những trầm tích văn hóa làng xã, văn hóa ứng xử, văn
hóa văn nghệ dân gian, ẩm thực làng quê, làng nghề, văn hóa chợ quê, văn hóa
phong tục… được tác giả ấp iu trong một bảo tàng cá nhân chắt chiu chăm chút
khá trang trọng.
Mỗi trang kí của mình, khi thì
anh đem đến cho bạn đọc một tiếng cười nhẹ nhàng mà sảng khoái (Hát xạo…);
khi thì khoái chí vì sự thông minh trong lời hát dân gian(Điều thú vị…); khi
thì miên man hoài niệm (Kí ức làng, Xa xăm trường cũ); khi thì đau đáu
tiếc thương (Câu chuyện dòng sông)…
Nói như Lê Trung Việt viết ở lời
bạt là “lạnh người”, “thư thái và thật nhớ về ngày cũ, ngày xưa, ngày
đó ngày xanh lên khung trời thơ trẻ. Đọc để nhớ và để buồn…”
Chợt thấm: những vật bé nhỏ đôi
khi lại có thể lưu giữ được những kỷ niệm tuyệt vời.
Trong cái cảm xúc dâng lên khi
chứng nghiệm vọng âm từ “Tiếng gàu rơi và dòng sông mùa cũ”, viết vội mấy
dòng chia sẻ trong niềm cảm thương luyến tiếc vì “Có một dòng sông đã qua
đời” (2).
Cảm ơn anh đã tặng sách, đã lưu
giữ và nhen nhóm cho nhau những điều kì lạ từ những “nếp quê” – nhất
là khi mọi trí nhớ đang dần đi vào “mùa cũ”.
Hay nói như Gabriel Garcia
Marquez: “Trí nhớ của trái tim xóa đi những điều xấu và phóng đại những
điều tốt đẹp”.
------------------------
(1): Nhiều nhà nghiên cứu cho
rằng tên gọi của địa danh Đại Lộc có nghĩa là “Dưới chân núi lớn”.
(2): Dẫn theo Trịnh Công Sơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét