Âm nhạc là một bộ phận không thể thiếu trong
cuộc sống của con người. Âm nhạc có thể chia sẻ với chúng ta rất nhiều điều:
Giải quyết những khó khăn trong cuộc sống, vơi đi những hờn giận vu vơ, đưa
người về dĩ vãng, tìm lại tuổi thơ yêu dấu, nghe lòng bồi hồi, xao xuyến với
tình yêu quê mẹ, với nắng ấm quê cha, sống dậy lòng tự hào dân tộc, khát vọng
tìm về chân lý… Ngay từ thời thượng cổ, âm nhạc đã được ra đời cùng với đời
sống sinh hoạt và lao động sản xuất của các cộng đồng người nguyên thuỷ. Kể từ
đấy, âm nhạc đã không ngừng được phát triển và hoàn thiện cùng năm tháng. Quả
thật, âm nhạc có sức ảnh hưởng lớn đến con người, đến sự hình thành và phát
triển nhân cách nơi mỗi người.
Như các loại hình nghệ thuật khác, nội dung âm
nhạc cũng phản ánh hiện thực của cuộc sống. Bằng nét đặc thù riêng của mình, âm
nhạc đã phản ánh hiện thực cuộc sống một cách ước lệ và trừu tượng. Âm nhạc mô
tả các sự vật, hiện tượng trong cuộc sống. Âm nhạc còn có thể thể hiện quan
điểm sống, chuyển tải tư tưởng. Còn một phần rất quan trọng trong nội dung của
âm nhạc là sự đánh giá thực tại trên quan điểm của Mỹ học, có nghĩa là đánh giá
các sự vật, hiện tượng nhưng không phụ thuộc vào cách nhìn nhận thực tiễn, thực
dụng về đối tượng ấy. Vĩ dụ khi ngắm nhìn cảnh mặt trời mọc, chúng ta thích
ngắm nhìn nó vì nó đẹp chứ hoàn toàn không có ý nghĩ là mặt trời sẽ cung cấp
năng lượng cho chúng ta, mặt trời sẽ sưởi ấm cho ta,… Có thể nói rằng, cách
đánh giá trên quan điểm Mỹ học là một cách đánh giá “vô tư”.
Đấy là những nội dung mà âm nhạc có thể chuyển
tải. Và nội dung của âm nhạc có tính bất định. Tùy theo khả năng và đặc điểm
tâm lý, quan điểm, sở thích, kinh nghiệm sống, trình độ văn hóa… của mỗi người
mà ở họ có sự cảm nhận khác nhau về nội dung của cùng một bản nhạc.
Với sự phối hợp nhuần nhuyễn, hài hoà giữa ca
từ, nhịp điệu, tiết tấu bản nhạc, âm nhạc đã tác động lớn đến người nghe. Dù
rằng sự cảm thụ âm nhạc ở mỗi người là khác nhau và có thể rất đa dạng. Nhưng
chúng vẫn nằm trong một ranh giới nhất định và vẫn có những điểm chung nhất
định. Điểm chung ấy dựa vào sức tác động của âm nhạc đối với con người.
Trước hết, âm nhạc tác động lên phương diện
sinh lý của con người. Sự tác động này hầu như ai cũng nhận thấy được. Bằng
công trình nghiên cứu của mình, hai nhà sinh học người Nga, I.M.Đô ghen và
I.R.Tackhanốp đã chứng minh rằng, Âm nhạc có ảnh hưởng đến hệ hô hấp, hệ tuần
hoàn và đến những khía cạnh khác trong cơ thể người. Âm nhạc có thể khiến cho
người nghe cảm thấy dễ chịu, cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái. Và âm nhạc cũng có
thể làm cho người nghe cảm thấy mệt mõi, rã rời hay căng thẳng, khó chịu. Chính
vì thế mà âm nhạc có ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất lao động. Ngày trước,
nhờ những câu hò ý vị, vui tươi trong khi gặt hái, trong khi giả gạo, trong khi
cấy cày, tát nước,… người lao động đã quên đi sự mệt nhọc, vất vả và hăng say
hơn trong công việc. Ngày nay, trong các nhà máy, xí nghiệp, nếu biết sử dụng
âm nhạc một cách khoa học thì năng suất lao động sẽ được nâng cao.
Không chỉ có thế, âm nhạc còn tác động đến cảm
xúc và tư tưởng của con người. Âm nhạc, nếu được cảm thụ một cách sâu sắc và
thông minh thì sẽ tác động đến thế giới quan, đến toàn bộ ý thức của con người.
Tác động trực tiếp, mạnh mẽ nhất của âm nhạc đối với con người là trong lĩnh
vực tình cảm và tâm trạng của con người. Không một loại hình nghệ thuật nào
khác ngoài âm nhạc lại có thể tác động với một uy lực như thế vào thế giới cảm
xúc của con người.
Sở dĩ âm nhạc có được sức ảnh hưởng lớn bởi vì
âm nhạc là một loại hình nghệ thuật có tính biểu hiện. Ngôn ngữ của nó giống
với ngữ điệu của tiếng nói và giống với cử chỉ, nghĩa là giống với phương tiện
biểu hiện của cảm xúc. Chính sự khái quát hoá và tăng lên gấp nhiều lần những
khả năng biểu hiện của ngữ điệu và tiết tấu, âm nhạc đã có được một sức mạnh
tác động vào cảm xúc thật lớn lao. Hơn nữa, trong tác phẩm âm nhạc còn miêu tả
những điều mà chúng ta thích thú và quan tâm trong thực tiễn. Âm nhạc có sự tái
hiện những âm thanh đầy sức hấp dẫn của thiên nhiên, thể hiện những cảm xúc dễ
chịu và đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của chúng ta.
Có một vai trò của âm nhạc mà không ai có thể
phủ nhận được, đó là sự tham gia và hỗ trợ trong các dịp lễ hội và giải trí
cộng đồng, trong sự chuyển động của tập thể (diễu hành), dùng làm phương tiện
để nghỉ ngơi, giải trí.
Chính vì âm nhạc tác động lên mặt xúc cảm và tư
tưởng nên âm nhạc đóng vai trò không kém phần quan trọng trong việc giáo dục
con người, nhất là thế hệ trẻ. Có thể thông qua âm nhạc để giáo dục tư tưởng,
đạo đức cho người nghe. Những nhân vật tích cực, những tấm gương đạo đức cao cả
và cả hình tượng những con người bị dày vò bởi sự đấu tranh nội tâm khổ sở,
những con người sống dằn vặt và không thoả mãn được đề cập đến trong bản nhạc
đã ảnh hưởng đến tình cảm đạo đức của người nghe, nâng người nghe lên một tầm
cao bao la về đạo đức. Những tác phẩm âm nhạc diễn tả những tư tưởng, tình cảm
đạo đức cao đẹp như tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, tình
bạn, tình yêu, tình huynh đệ, tình phụ tử, tình mẫu tử,… luôn đóng một vai trò
giáo dục đặc biệt có ý nghĩa. Âm nhạc đã đánh thức lương tâm, thức tỉnh một sự
bồn chồn cao quí, một nỗi niềm lo lắng thiêng liêng: Mình đã làm được điều tốt
đó chưa? Mình đã sống tốt chưa? Mình có xứng với cái đẹp ấy không? Liệu mình
còn đủ sức để hoàn thiện bản thân hơn nữa không?… Những điều ấy tạo nên nội lực
thúc đẩy người nghe vươn tới sự toàn thiện, toàn mỹ.
Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực, có những
loại âm nhạc có thể tác động tiêu cực đến con người. Những ca khúc trữ tình
chứa đựng những tình cảm không lành mạnh, sướt mướt hay suồng sã, nó có thể tác
hại lớn đến đạo đức con người. Nó là kẻ đưa đường nhẹ nhàng nhất cho sự băng
hoại đạo đức, suy sụp về tinh thần. Có những bản chạc mà khi nghe nó thì người
nghe cảm thấy buồn rã rượi, chán nãn, yếu đuối, nhu nhược,… Và cũng có những
bản nhạc làm cho người nghe phấn khích quá độ, trở nên cuồng nhiệt, không làm
chủ được hành vi của mình, dẫn đến những hành động sai trái.
Vì âm nhạc có sức ảnh hưởng lớn như thế cho nên
các bậc phụ huynh, những người làm công tác giáo dục cần phải lưu tâm nhiều hơn
nữa về vấn đề này. Trong nhà trường, trong các sinh hoạt tập thể nên lựa chọn
những loại âm nhạc có nội dung lành mạnh, phù hợp với lứa tuổi của các em để
dạy cho các em, để cho các em nghe. Trong gia đình, các bậc phụ huynh nên
khuyên nhũ và định hướng cho con em mình lựa chon âm nhạc để nghe, hướng dẫn
cho các em biết cách cảm thụ âm nhạc. Cần tìm hiểu sở thích âm nhạc của các em
trong giáo dục. Qua sở thích về âm nhạc của các em, chúng ta có thể biết được
phần nào tính khí và phẩm chất đạo đức của các em.
Như vậy, âm nhạc có nhiều vai trò quan trọng
trong đời sống xã hội. Nhưng các vai trò ấy chúng gắn bó chặt chẽ với nhau,
nhiều khi chúng hoà quyện vào nhau, khó có thể phân định rạch ròi.
Cuộc sống mà không có âm nhạc thì cuộc sống sẽ
trở nên rất tẻ nhạt và trầm lắng. Bàn về vai trò của âm nhạc đối với cuộc sống
xã hội thì phong phú và sâu sắc vô cùng. Trong bài viết nhỏ này chưa thể diễn
tả hết được cái hay, cái quý của nó. Để kết thúc bài viết của mình, người viết
xin dẫn ra đây lời nói của Sô-xta-cô-vits: “Âm nhạc nâng con người lên, làm con người cao quí
hơn, củng cố phẩm chất, củng cố niềm tin vào sức mạnh bên trong của bản thân,
vào sứ mệnh lớn lao của mình”.
Minh Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét