BICH TRAM

Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

275/ NGUYỄN BÍNH VÀ NHỮNG MÙA XUÂN CÔ LỮ



                   Đêm ba mươi Tết trời mưa bụi
                   Sực nhớ quê nhà uống rượu suông                                
                                                (Nguyễn Bính)
          Nguyễn Bính là nhờ thơ tha hương. Suốt cuộc đời lầm lũi, lận đận nơi quê người, Nguyễn Bính có những vần thơ " lữ khác nhớ quê " đầy tê tái, nhất là mỗi khi xuân về, Tết đến.
          30 Tết Ất Tỵ, ngày giáp Tết Bính Ngọ (20/01/1966) cũng là kiểu tha hương mới, Nguyễn Bính rời chỗ cơ quan đang sơ tán, đến chơi nhà người bạn ở Lý Nhân, không ngờ, lần ấy, nhà thơ từ biệt cõi đời.
                   Năm mới tháng giêng mồng một Tết
                   Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân
          Đối với Nguyễn Bính, tha hương như một định mệnh. Gần 20 năm trời, ông  nếm trải  đầy đủ mọi dư vị đắng cay của cảnh  " một thân lận đận nơi trời xa ". Người thi sĩ giang hồ này đã trôi dạt nhiều nơi. Có khi, ngược tàu lên Phú Thọ, có lúc xuống Hải Phòng, rồi vào Huế, SàiGòn. Cuối cùng, vào các tỉnh miền Tây Nam Bộ, xuống tới Hà Tiên. Những ngày tháng lang bạt đó đã để lại cho đời những vần thơ ngậm ngùi xót xa và không kém phần hấp dẫn. Có lẽ, trong các nhà thơ lãng mạn, không ai như ông, chẳng chịu ở nguyên một chỗ. Nguyễn Bính đi như vô định, như một khát vọng tìm kiếm một quê hương mới ... Song, càng dấn bước, Nguyễn Bính càng thấy " quê người đắng khói, quê người cay men ".
                   Từ nay khi nhớ quê nhà
                   Thấy mây Tần, tưởng đó là thôn Vân
                                                (Bài thơ Thôn Vân)
                   Hoặc :
                   Hỡi ôi, trời đất vô cùng rộng
                   Nào biết tìm đâu một mái nhà 
                                                (Đêm mưa đất khách)
          Trong bài Thư Gởi Thầy Mẹ, Nguyễn Bính nói lên tâm trạng tha hương của mình với những câu thơ không kém phần đớn đau ân hận :
                             Con dan díu  nợ giang hồ
                   Một mai những tưởng cơ đồ làm nên
                             Ai ngờ ngày tháng lưu niên ..
          Vậy mà, Nguyễn Bính vẫn cứ đi, đi mãi. Làng quê trở thành hoài niệm mỗi khi dừng bước giang hồ. Sau bao ngày tháng " đêm đêm quán trọ thức thi đèn " , những buổi soi gương " thấy lệch bao nhiêu mặt chữ điền ", một ngày đầy ngỡ ngàng :
                   Chẳng đợi mà xuân vẫn cứ sang
                   Phồn hoa thôi hết mộng huy hoàng            
                   Sáng nay sực tỉnh sầu đô thị
                   Tôi đã về đây rất vội vàng.
                                      (Sao chẳng về đây)
          " Sực tỉnh " vậy thôi ! Vốn là nhà thơ yêu tha thiết cảnh xuân, vậy mà mùa xuân đến, Nguyễn Bính lại cô đơn. Quạnh quẽ một thân, người thi sĩ vẫn không nguôi nhớ đến cánh hoa đào, phiên chợ Tết, câu đối bên cột nhà hàng xóm. Như để chống chọi lại nỗi buồn xa xứ, ông quay ra với chén rượu và mong tìm ở đó chút lãng quên. Nhưng rồi, thơ cũng suông và rượu vẫn đắng :
                   Chén rượu tha hương ! Trời, đắng lắm.                        
                                                (Xuân tha hương )
          Thất vọng trong tình trường, trong " sòng đời thua đến trắng hai tay ", nhiều khi không còn chút bám víu nào, Nguyễn Bính có những vần thơ đọc đến là tội nghiệp :
                   Em thường cầu nguyện, thường van vái,
                   Một sớm thanh bình mặt đại dương.
                   Bao giờ em được về quê cũ,
                   Dâng chị bài thơ Xuân Cố Hương.                                         
                                                (Xuân vẫn tha hương)
          Chị Trúc, người chị trong nhiều bài thơ của Nguyễn Bính, là một biểu tượng của ngày về, của ước mơ được sẻ chia. " Tha hương không gặp người tri kỷ ", chút êm đềm tan biến. Trong nhiều bài thơ xuân, Nguyễn Bính thường viết trong tâm trạng gãy đổ, đắng chát. Men vị cay nồng u uất là một hương vị rất đặc biệt ở những ngày tháng phiêu lưu này. Khát vọng trở lại quê nhà như ngọn nến luôn chực bùng cháy trong ông :
                   Một thân quán trọ sầu phong toả
                   Đốt ngọn đèn lên bóng rợn tường.                       
                                      (Xuân vẫn tha hương)     
          Ngọn nến hoài hương ấy, vừa sáng trong lòng nhà thơ những khát khao và cũng lại chiếu hắt lên đó những nỗi niềm cô quạnh, bơ vơ :
                   Chao ôi, Tết đến em không được,
                   Trông thấy quê hương thật não nùng…               
                                      (Xuân tha hương)
                   Quê nhà xa lắc xa lơ đ,ó
                   Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay.
                                      (Hành phương Nam)
          Ước vọng ngày về, nhất là mỗi khi xuân đến đã tạo nên Nguyễn Bính một giọng thơ lạ lẫm về tâm trạng tha hương. Hiếm thấy nhà thơ lãng mạn nào nói hay hơn ông về cảnh huống " Rõi bóng quê nhà mắt lệ tuôn ". Các bài thơ Xuân Tha Hương, Xuân Lại Tha Hương, Xuân Vẫn Tha Hương, Hành Phương Nam, Nguyễn Bính đã tạo dựng nên dòng thơ riêng : Dòng thơ cố quận. Dòng thơ này đúc kết những cay đắng tình đời mà Nguyễn Bính từng giáp mặt trong những năm quê người lẻ bóng. Ông là nhà thơ tự lưu đày ngay trên quê hương, thảng hoặc, Nguyễn Bính cũng có tâm trạng giống Bạch Cư Dị bị biếm trích đi Giang Châu, khác chăng, Bạch Cư Dị còn có một ca kỹ đồng điệu. Tiếng đàn tỳ bà trên đất Tầm Dương đêm nào đã gặp một tâm hồn, Nguyễn Bính không được như thế:
                                      ...
                   Quê người đứng ngắm mây lưu lạc
                   Bến cũ ngồi nghe sóng lỡ làng ...
Nguồn :Ung Thị Chiêu Hà

274/ NHỮNG VẦN THƠ " NGƯỜI CHÈO ĐÒ" THẦM LẶNG

            
             Ở thơ ca hiện đại Việt Nam, ngoài hình tượng người mẹ, người lính, thì người thầy được đề cập nhiều hơn cả. Điều này không lạ đối với truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta. Nếu lập được thống kê, chắc sẽ đến hàng nghìn bài thơ như thế. Chỉ riêng mùa nhớ ơn thầy cô 20/11 hằng năm, trên những trang báo học trò, đã thấy bao lời hay ý đẹp viết về " người gặp hàng ngày " trên bục giảng này.

               Tiếc rằng cho đến nay, khi nhiều tuyển tập thơ ca ra đời, từ tuyển tập thơ tình, tuyển thơ tác giả, tuyển thơ nước ngoài, đến tuyển tập thơ thế kỷ, vẫn thiếu vắng một tuyển thơ đầy đặn và có chất lượng về người thầy.
             Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, ta thử đi một vòng qua vườn hoa khá nhiều hương sắc của mảng thơ viết về thầy, cô giáo.
                                                                  *  
                                                     *      *             
            Người thầy đầu tiên của mỗi con người là những cô mẫu giáo. Thơ viết về các cô thường hồn nhiên. Có lẽ do chi phối bởi đối tượng giảng dạỵ

            Khánh Chi trong tập Gửi gió về cho nội, có hai bài thơ viết về cô giáo. Cô giáo em là bài thơ viết theo thể tự do với nhiều so sánh lạ. Cô học trò nhỏ làm thơ này đã lấy các thời khắc của một ngày : buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, buổi tối, để qua đó, nói lên những suy nghĩ đẹp đẽ về cô. Cô là buổi sáng khi ánh mai chưa lên, nhìn vào mắt cô, em thấy em, thấy các bạn. Buổi chiều, đó là bàn tay phấn trắng như người gieo hạt. Và, trong buổi tối, trong giấc mơ, em thấy cô đi ra trong chiếc bông sen đẹp, cô hiền như lá lúa tháng ba. Bài thơ Khánh Chi viết năm lên 9 tuổi. Ý tứ tinh tươm, mới mẻ

            Ở một góc độ khác, cũng viết về cô mẫu giáo, Vũ Quần Phương thiên trọng về phía công ơn dạy dỗ. Cô hát, cô dạy, cô thức, cô ru ... Trong bài Trường con, nhà thơ như hoá thân vào thế giới trẻ con để viết. Nơi thế giới ấy, có bàn ghế bé lại như con, có chữ C :  trăng khuyết, chữ O : tròn, có mái trường trong phố như nôi nhỏ, có làn môi chóp chép, nét mi thưa. Thông qua những hình ảnh thân quen đó, nhà thơ  thổi vào ước vọng và tình yêu rộng lớn về quê hương, đất nước. Từ đỉnh núi, dòng sông, khúc hát, đêm trăng đến Tổ quốc, cuộc đời,… như không còn khoảng cách nữa, cả đến những suy nghĩ lớn lao, cao cả:
Cô dắt con đi giữa phố đông
Tưởng như dắt mãi đến không cùng
Mai sau bay giữa vòm tinh tú
Cô vẫn cầm tay, con biết không?


    Trần Quốc Toàn lại nghĩ và thương cô mẫu giáo, người luôn muốn tạo niềm vui cho học trò, nên gấp giấy thành chim, thành thuyền, nhặt những quả thông, quả chò, về làm con nhím, con thỏ, để dạy bao người lớn lên.

                *        *

                    *
           Thường thơ viết về người thầy là những hồi ức trong trẻo, sáng đẹp. Điều này cũng dễ hiểu. Tuổi trẻ gắn bó với trường lớp, thầy bạn, chưa hoen lấm cát bụi đời thường, tâm hồn còn trong trắng; vì thế, khi nhớ về ngày xưa, kỷ niệm bao giờ cũng lung linh, kỳ diệu. Ngô Văn Phú quay trở lại Tuổi học trò, nhớ về ngôi trường ở thị xã trung du. Nơi ấy, một thời, dăm cậu học trò nghèo, ăn cơm độn, canh rau, mơ làm thi sĩ :

        Tuổi học trò của thị xã trung du
        Hàng long não ủ hương vào trang vở
        Sông Thao chảy như tâm hồn tuổi trẻ
        Cứ đi hoài, không tính phút dừng chân…

            Sông Thao, những quả đồi Phú Thọ, gió Bến Đoan, trăng Trù Mật đã nuôi dưỡng tâm hồn một thế hệ. Và, nơi ấy, có người thầy giáo già, mái tóc bạc bao năm rồi, chưa hết lo toan, vẫn cứ nhớ hoài.
   
          Có người đã ví người thầy giáo như kẻ đưa đò, hết chuyến này đến chuyến khác.  Đành vậy. Có điều trên con đò - tri thức đó, khi cập bến, kẻ ở người đi khó quên nhau. Trong hoài niệm của mỗi người, nơi góc trái tim, chúng ta nhớ về thầy, cô cũ với bao tình cảm đậm đà, sâu nặng. Lớn lên, ta hiểu ra bao điều lớn lao từ lời giảng ngày xưa :

        Thầy đã giáng cho con về đất nước, nhân dân
        Để lúc mặc lành không quên người áo vá
               Ăn miếng ngon nhớ bàn tay người trồng khoai, dỡ củ
        Câu ca dao đau đáu một thời ...

                    (Phạm Khoa Văn - Thăm thầy giáo cũ)

    Trong những năm đạn lửa Trường Sơn, mùa thu - khai trường, vẫn nôn nao nhớ về tiếng trống, nhớ về người thầy, người cô. Trong bài thơ Chẳng thế nào nói hết được đâu, người học trò làm thơ Nguyễn Văn Thắng của vùng chiêm trũng Nam Hà, cứ thương nhớ mãi bóng hình người cô giáo năm xưa, giã từ miền quê quan họ : Nơi con sông Cầu bên bồi bên lở - Con sông Thương nghe tiếng hát giao duyên đến với vùng chiêm lầy lội, rồi những ngày sơ tán, những bữa cơm sắn độn khoai. Chiến tranh, người học trò lên đường. Trong cái ác liệt của đạn bom, vẫn nhớ, vẫn ghi :

        Chúng em đi đánh giặc ở Trường Sơn
        Mang lời cô thắp sáng rừng lá đỏ ....
        Em nghĩ về cô như nghĩ về quê hương thân thuộc
        Chẳng thế nào nói hết được đâu

          Một khía cạnh khác, Nguyễn Đình Ảnh ghi lại những xúc cảm khi nhận được thư thầy cũ. Ba mươi năm là quãng thời gian không ngắn trong đời mỗi người. Vậy mà, suốt chiều dài đằng đẳng ấy, thầy giáo ngày nào vẫn dõi theo từng bước đường của người học trò. Bài thơ có những dòng trĩu nặng yêu thương :

        Ba mươi hai năm chưa gặp lại lần nào
        Bỗng hôm nay nhận được thư thầy gửi ...
        Đọc xong rồi cứ cầm mãi trong tay
        Phong thư nhỏ của người thầy giáo cũ
        Ngỡ còn ấm trên từng nét chữ
        Tấm lòng thầy qua bao tháng, năm
                          (Đọc thư thầy)

            *        *
                    *
            Sẽ thiếu sót, nếu không nhìn thấy một mảng thơ do chính những người cầm phấn sáng tạo. Và, tưởng như có điều nghịch lý chăng, khi người thầy quay về với bao học trò của mình, cũng sâu nặng, ấm áp nghĩa tình. Qua nhiều năm giảng dạy, tiếp xúc với bao lứa học trò, gặp những cảnh đời éo le, bất hạnh, người thầy sẻ chia vui buồn, mất mát như chính những người thân mình vậy. Một người cha ra đi, không về. Một người mẹ bao năm cách mặt. Nỗi đời hiu quạnh như cứ dào lên trong lòng thầy những thương cảm khôn nguôi :

        Đã bao lần thầy lau kính
        Mà mắt vẫn cứ nhoà đi
        Các em viết về nỗi đau tử biệt
        Các em kể về nỗi khổ sinh ly ...

                (Đặng Hiển-Đọc hồi ức tuổi thơ học trò)
           Đặng Hiển là nhà giáo, làm thơ, quê Nam Định, sống và công tác tại Hà Tây (cũ). Bài Viếng thầy nói lên tình cảm, tấm lòng của người học trò, kính trọng thầy:
        Bài thơ con mới viết
        Chưa kịp dâng thầy xem
            Vậy mà, thầy đã ra đi, bùi ngùi thương tiếc, với “Hương khói trào nước mắt/ Lệ nến giọt vắn dài”, mong “Cúi xin thầy tha tội/ Sự đời lệ chảy xuôi”.    




    Lê Huy Hoà cho ta nhận diện chân dung một người học trò. Người học trò ấy giã từ tán bàng xanh, sân trường nắng ngập, tiếng ve mùa hè, theo tiếng gọi của Rẻo đất biên cương trầm mặc cánh rừng già. Trở lại trường xưa với cánh tay gửi lại chiến trường: Lặng lẽ ở dãy bàn cuối lớp, áo quân nhân, một tay áo buông chùng. Nhưng từ nay, lớp học ấm cúng hơn, em hoá thành tấm gương soi cả lớp. Và, đối với người thầy cũng thế :

        Lời tôi giảng thật hơn khi tôi nói đến ước mơ
        Khi mắt tôi dừng lại ở tay áo buông chùng của em -
                                                                                    người học trò ấy
        Niềm tin yêu lớn dậy
        Những chân trời sau nét phấn xôn xao…
               
                    (Người học trò ấy)

                  Trần Đăng Khoa có một bài thơ viết về người thầy giáo thương binh rất cảm động. Năm ấy, chiến tranh đến. Một buổi sáng bom dội, cây phượng già đổ ngổn ngang, ngôi trường thân yêu tốc mái, chiếc bảng đen lỗ chỗ dấu bom, người thầy cầm súng ra đi. Năm sau, thầy trở về, một bàn chân không còn nữa. Bàn chân thầy gửi lại nơi đâu, Khe Sanh, Tây Ninh, Đồng Tháp, học trò thơ trẻ không biết. Nhưng điều rõ ràng, sâu xa nhất, những chiều giá buốt, những đêm mưa dầm, dấu nạng hai bên như hai hàng lỗ đáo :

        Chúng em nhận ra bàn chân thầy giáo
        Như nhận ra cái gì chưa hoàn hảo
        Của cả cuộc đời mình ...
        Và bàn chân thầy, bàn chân đã mất
        Vẫn dắt chúng em đi trọn vẹn cuộc đời

                    (Bàn chân thầy giáo)

          Hữu Thỉnh có một bài thơ khá hay viết về người thầy, có tên Thưa thầy. Hình tượng chiếc thước kẻ, vật quen thuộc của người đi dạy như vẽ ra con đường cho người học trò vin vào đấy, bước qua cay đắng cuộc đời, đứng lên trước mọi vấp ngã, đi tới tương lai, vững tin:
                    Đã vấp ngã
                    thưa thầy
                    nhiều vấp ngã
                   Chẳng đâu xa, ở ngay giữa con người
                Em bước đi lặng lẽ nghĩ về thầy
               Đời mau quá, vui buồn chưa kịp cũ
           Trong nghĩ suy của người học trò, với thầy, đó là nơi gửi gắm của niềm tin, chốn đi về sau bao thất bại, là bông hoa cho thơm mát bình yên, là ngọn suối tan đi nhọc nhằn. Bao giờ cũng vậy, ngồi bên thầy, chúng ta trở thành bé bỏng, như đứa con bên cạnh mẹ hiền. Thương thầy, qua thời gian, tóc bạc dần. Trang giáo án mỏng manh không chịu nổi những bão giật của đời thường:
        Cây trước cửa, gió ở ngoài trang vở
        Thầy một mình vật vã với văn chương

Đang mưa bão đường về sông nước ngập
Giở trang Kiều thầy giảng chạnh lòng đau.
              
    Thầy giáo, như có người so sánh, là cành hoa đào ngày xuân, tự cháy đỏ đời mình để cho mùa xuân rực rỡ. Bao thế hệ qua đi, trên bến sông xưa, người thầy kính yêu của chúng ta vẫn còn đứng đó, cần mẫn dìu dắt bao lớp học trò :

        Con tằm rút ruột mang tơ óng
        Cây được vun trồng nở rộ hoa
                                               (Bài xướng - Doãn Mậu Côn)                   

       
Huỳnh Văn Hoa 
Nguồn : Ung Thị Chiêu Hà 
 
                            


273/ XỨ QUẢNG VÀ THƠ CAO BÁ QUÁT

 
           
            Những năm 40 của thế kỉ XIX, nhiều lần Cao Bá Quát đã đặt chân đến xứ Quảng. ông đến đây trong tình cảnh của một “trục khách” (người bị đuổi đi), một “trục thần” (bề tôi bị đày đi xa kinh đô). Có thể nói, những năm tháng đầy dập vùi, cay đắng này đã để lại trong ông bao dư vị mặn chát về tình đời, về thái độ phải lựa chọn giữa nhân dân và vương triều đương thời.


         
Xứ Quảng, nơi chưa hề quen biết, vậy mà vẫn có duyên nợ với ông. Cao Bá Quát đã đi nhiều nơi. ông đến Lạng Sơn, Thái Nguyên, Côn Sơn vào Ninh Bình, Thanh Hóa, Hoàng Sơn, Huế. Nơi nào đi qua cũng có thơ để lại. Những bài thơ mượn cảnh tả tình ấy đã cho thấy một tâm hồn khoáng đạt, yêu tha thiết cảnh vật và con người của đất nước. Sau này, bị phát vãng vào Đà Nẵng, xa nhà, xa quê hương, văn chương dang dở, Cao đã gửi bao buồn vui ở những vần thơ viết trên đất Quảng.
         
Năm 1841, Triệu Trị nguyên niên, vua có mở chiếu ân khoa, Cao Bá Quát được cử làm sơ khảo trường thi Thừa Thiên. Do bụng liên tài, mến người giỏi, ông đã dùng muội đèn chữa cho 24 quyển thi. Việc ấy lộ ra ngoài, ông bị tống giam. Năm sau (1842), do cần những hàng tiêu dùng của người Âu, triều đình Huế cử số quan chức có tội ra nước ngoài làm công việc mua bán. Nhân đó, Cao Bá Quát được rời Huế vào Đà Nẵng, sung vào đoàn của Đào Trí Phú đi Indonesia, Singapore. Cuối hè 1843, thuyền về lại Đà Nẵng. It lâu sau, Cao về kinh. Tưởng được bổ dụng lại, không ngờ lần đó ông bị thải về quê.
Cuối đời Thiệu Trị (1847), ông được mời vào Huế, làm ở Viện Hàn lâm, giữ công việc biên tập thơ ca. Được một thời gian, Cao được giao đi công cán một số tỉnh Nam Trung Bộ. Thực chất, chuyến đi cũng là một kiểu đi đày. Và, đây là lần thứ hai, Cao đến xứ Quảng.
Qua những lần như thế, Cao Bá Quát viết một số bài  thơ liên quan đến đất và người xứ Quảng. Chưa có tài liệu lịch sử nào xác nhận về những nơi ông đến, những người gặp ông, chỉ căn cứ vào địa danh và tên gọi trong thơ, đời sau hiểu rằng, đất Quảng đã không ít lần được Cao Bá Quát đề cập đến, cả vui lẫn buồn.      
Cuối năm Nhâm Dần (1842). Cao Bá Quát đến Đà Nẵng. Trong bài thơ Phát vãng dương trình chu hành phó Đà Nẵng, tẩu bút lưu thân thức (1) [1]
          Cao viết :
                        Đà Giang dao vọng nhật đông biên
                        Đảo dữ, thương mang lô kì thiên
                        Tử khuyết vân yên thường ngọ mộng
                        Thiên nhai cầm kiếm thị đinh niên
          Dịch nghĩa :
                        Bể Đà Nẵng xa trong ở về phía đông
                        Đảo cồn muôn lớp sóng đường đi nghìn trùng.
                        Mây khói kinh thành, ban trưa thường nằm mộng
                        Việc cần kiếm ở bên trời, chính là lúc trai tráng này.
         
Đọc qua những vần thơ như thế, điều dễ thấy là, giữa lúc thân tù ngục, lòng đầy ngổn ngang, tâm sự chỉ biết hỏi trời, được xa Huế vào Đà Nẵng, tâm hồn ông đã dậy lên bao niềm vui phơi phới. Đây cũng là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, trong ông, chất nho sĩ tích cực vẫn còn, vẫn muốn “Thiên nhai cầm kiếm thị đinh niên”. Song, cảm xúc ấy chỉ là nhất thời. Cái con người ưu thời, mang nhiều tâm sự bi thương vẫn là cái chính, chiếm lĩnh sâu sắc nơi tâm hồn ông.
         
Ở bài Châu hành há Thanh Khê, nhân cố nhân ký biệt tòng du chư đệ tử (Thuyền xuôi Thanh Khê, nhân có người quen, gửi lời từ biệt các học trò), Cao nói đến nỗi ngậm ngùi, quyến luyến trong buổi chia tay,  Phía kia đèo Hải Vân không còn xa mấy, nơi này “Núi Ngũ Hành chỉ còn gang tấc”, thấy mây bay lững lờ, chỉ còn một mảnh trăng “nhất phiến nguyệt”, cứ đêm đêm soi hoài trên dòng sông bạc. Thơ chứa chan một nỗi niềm ngán ngẫm, pha chút u hoài.
         
Bài “Tức sự” nói lên cảnh tình đau xót, sức hèn tóc bạc, làm thân đi thủ, Mây trời, sông nước Đà Nẵng cũng được nhìn dưới góc độ của một “trục thần”. Hai câu thơ cuối, Cao viết :
                        Tiếu khan Đà hải thủy
                        Ba lãng bão tri tân.
Dịch nghĩa :    Cười nhìn trước cửa bể Đà Nẵng.
                   Những sóng cùng gió đã làm cho ta càng biết được bờ bến nhiều hơn.
         
Ở bài thơ Lưu viện du nguyệt, văn đắc tái phát Đà Nẵng, thị dạ đồng Vũ Hoài Phủ thống ẩm (Ở viện hơn một tháng, được tin lại phải tái phát đi Đà Nẵng, đêm ấy cùng ông Vũ Hoài Phủ uống rượu thực say), trong cảnh ngộ tái phát phối, đêm ông cùng bạn uống rượu và bày tỏ nỗi niềm cho nhau. ông nhìn cuộc đời mình, thấy con đường trở về quê xa lăng lắc, văn chương cũng chẳng giúp gì cho thân thế. Xa kia, mây núi của Đà Nẵng đã cảm thấy hơi thu đến gần (Đà tấn vân sơn tiệm giác thu), lòng như Lý Bạch tiễn Vương Xương Linh bị giáng chức đi Long Tiêu. Mượn sự tích Ngũ Khê và Dạ Lang, Cao Bá Quát muốn qua đây giãi bày tâm sự sắp đi đày của mình :
                        Một tấm lòng sầu chờ bác gửi
                        Năm khe thuyền Dạ bóng trăng đưa
                                                (Xuân Trang dịch)
         
Một lần đến Hội An, gặp người hát cũ của thành Nam, lìa xứ, phiêu dạt vào nam, nỗi lòng cũng cô đơn, trơ trọi như mình, Cao Bá Quát viết bài thơ Du Hội An phùng Vị thành ca giả (Chơi phố Hội An, gặp người đào hát thành Vị). Cung bậc bài thơ có chút gì như tâm sự của Nguyễn Du gặp lại người ca kỹ cũ trong Long thành cầm giả ca. Nguyễn Du đã kết thúc bài thơ bằng những câu nghe ai oán, ngấn đầy nước mắt :
                        Ngán trăm năm thì giờ chớp mắt
                        Lệ thương tâm ướt vạt áo là
                        Nam về đầu bạc ngẫm ta
                        Trách gì hương phấn bông hoa chẳng tàn
                        Trừng trừng đôi mắt mơ màng
                        Quen mà hóa lạ nghĩ càng thêm thương (1)
                                                                   (Hoàng Tạo dịch)
         
Ở Cao, tâm trạng có khác, song cũng không kém phần bi ai. Đêm gặp nhau, dưới ánh trăng tà, giữa nơi quê người đất khách, biết lấy gì san sẻ, nếu không mượn tiếng đàn tiếng sáo. Ngoài kia, có một quê hương nhưng khuất nẻo. Gió vi vút như gọi về, nỗi buồn như lan trên từng tiếng trúc, tiếng ti. Tâm sự tỏ bày, bình rượu vẫn còn sao nước mắt cạn, ép hoài chẳng chảy.
Trong tận cùng nỗi cô đơn ấy, thôi thì hát cho nhau trọn khúc, giải nỗi sầu nhân thế :
                        Trúc tơ đêm trăng này
                        Đất nước mấy thu cách
                        Lệ cạn rượu còn đầy
                        Đèn còn lòng nỡ tắt
                        Bạn bè lưa thưa dần
                        Tiếc nhau gì khúc hát…
                                      (Hoàng Tạo dịch)
         
Âm vang bài thơ là nỗi buồn, nỗi buồn xa xứ và nỗi buồn thân phận. Có thể nói, trong các bài thơ đề cập đến xứ Quảng, bài Du Hội An phùng Vị thành ca giả là một bài thơ tê tái, đầy thương cảm. Chắc hẳn là, trong lần tao ngộ đó, trong ông đã thức dậy không ít nỗi niềm da diết và khắc khoải. Người gặp và kẻ được gặp, ai tâm trạng hơn ai, không biết. Chỉ thấy rằng, tiếng thơ là tiếng lòng của một nhà thơ đầy tình nhân đạo.
         
Và, nơi một bài thơ khác, bài Dữ Quảng Nam học chính Bùi đồng túc dạ khởi kiến nguyệt (Nằm cùng với ông đốc học Quảng Nam họ Bùi đang đêm trở dậy thấy trăng) lại cho thấy một Cao Bá Quát gắn lòng mình với cảnh trí thiên nhiên. Thiên nhiên ở đây là xứ Quảng. Gặp lại trăng sáng như gặp người bạn cũ, đang đêm trở dậy muốn mình như Tổ Địch, Lý Bạch, nhưng rốt cuộc phải quay về với chính mình, với ấm chè, mồi thuốc thức đợi mặt trời lên. Bài thơ cũng là một tâm sự.
                            
Nhìn chung, trong những năm tháng không vui của đời mình, Cao Bá Quát đã đến với đất Quảng. Chắc rằng, vùng đất ấy đã chia ngọt sẻ bùi với ông không ít. Có vậy, ông mới có những vần thơ để lại. Tiếc là, đến nay chưa ai sưu tập đầy đủ những bài thơ của ông đã viết về con người và vùng đất Quảng Nam này.
        

([1] ) Những bài thơ, câu thơ trích ở bài viết được rút từ :
                - Thơ Chữ Hán Cao Bá Quát - NXB Văn học - HN 1976
                - Nguyễn Tài Thư, Con người và tư tưởng Cao Bá Quát - NXB KHXH - HN 1980

                                                                                       
          Huỳnh Văn Hoa 
Nguồn : Ung Thị Chiêu Hà 

                

272/Làm thế nào lấy lại niềm tin đã mất



Trong mỗi chúng ta, chắc ai cũng đã thấy sự tổn thương, mất mát ở trái tim mình. Niềm tin trong ta bị lung lay, đổ vỡ. Ta thấy dường như nó bị người khác đánh cắp, khi ta đã chân thành cho đi một cách không toan tính. Dù có hoang mang, nhưng tận sâu thẳm trong lòng, ta vẫn muốn khôi phục lại niềm tin ấy, để ngày mai nắng lại lên. Vậy phải làm sao?


Tôi đã từng nói đến việc mỗi người chúng ta cần phải có trách nhiệm với niềm tin của mình. Để tránh những tổn thương cho bản thân và cho người khác, trên nền tảng của sự hiểu biết. Nhưng con người không phải máy móc. Như tôi, đã có lúc viết lên trang nhật ký của mình rằng:

“Lâu lâu tôi tự hỏi, niềm tin là gì nhỉ?
... Niềm tin là một thứ đẹp đẽ với tôi. Tôi xây nó bằng cái nhìn trong trẻo, không một chút tính toán, không một chút nghi hoặc, không một vết bụi mờ. Tôi nhìn nó bằng những chia sẻ chân thành, bằng mơ ước, bằng những hy vọng, đợi chờ, tiếng cười, buồn vui và nước mắt...
... Niềm tin với tôi là một thứ quan trọng. Tôi đứng trên nó bằng tình yêu thương, bằng trái tim, bằng sự hiểu biết, bằng những gì thuộc về chữ Người...
... Vậy nên khi niềm tin bị đổ vỡ, bị mất mát, bị đánh cắp... Tôi sợ... Tôi đứng vào vỏ ốc của riêng tôi... Với những giọt nước mắt không sao rơi ra nổi... Khi biết được những sự thật phũ phàng, tôi cố gắng cười vui, cố gắng để lòng bằng phẳng... Chênh chao, tôi loạng quạng, rờ rẫm từng bước như một đứa trẻ chập chững tập đi. Sợ tất cả mọi thứ, sợ tất cả mọi điều, và sợ tất cả mọi người... Nghi hoặc hết thảy…
Bởi chính vì niềm tin mà trái tim tôi bị đâm nát, tình yêu thương của tôi bị chà đạp...”
Tôi đã khôi phục niềm tin của mình bằng cách nào?

1. Tôi dành thời gian suy ngẫm để ý thức sâu sắc về tất cả những việc mình đã làm. Tôi thấy rõ những vụng về, những tật xấu của bản thân trong những chuyện đã qua. Chưa hiểu rõ những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân  Tin vào một điều, tin vào người nào đó đến mức không nhìn ra được điều gì khác xung quanh
2. Tôi học cách để nhìn mọi thứ theo cách tự nhiên nhất như nó vốn là, và đang diễn ra. Tôi tập cho mình cách tương tác (ứng xử) với mọi người xung quanh theo cách không mong ước điều gì, không phản đối điều gì ở họ. Để tôi có thể chọn lọc chính xác, những gì phù hợp với mình và những gì mình nên tránh, với “hệ quy chiếu” tôi đã xây dựng lên bằng những hiểu biết của bản thân. “Hệ quy chiếu” đó là chuỗi những giá trị sống mà tôi luôn suy ngẫm để khẳng định nó, cho chính mình. Khi tìm thấy sự tin tưởng và thanh tịnh ở trong lòng bằng một chuỗi những giá trị sống đó, tôi cũng dễ dàng tin tưởng vào những điều tốt đẹp, tích cực ở mọi thứ xung quanh. 
3. Thời gian là một điều quan trọng và cần thiết để có thể khôi phục niềm tin. Ngay chính bản thân, tôi cũng phải xác định, từ từ, kiên trì, để có thể vượt qua được nỗi đau của chính mình. Bằng những nỗ lực, hết sức có thể cho hiện tại. Không cần biết cái đích của sự nỗ lực này là gì, ở đâu, và thế nào… Tôi chỉ cần biết, tôi đã sống cho ngày hôm nay tốt hơn hôm qua, ngày mai tốt hơn hôm nay là tôi thấy được an lòng trong nỗi đau vẫn đang hiện diện. Rồi không biết tự khi nào, những vết thương lành lại; 
Niềm tin trong tôi được khẳng định lại.
Và tôi cái tôi có là những trải nghiệm buồn vui, những nước mắt và tiếng cười, những đớn đau và hạnh phúc… Tất cả đều là những bài học quý giá nên có cho tất cả mọi người.
Vậy nên, nếu như có lần nào đó, bạn bị mất niềm tin, dù có hoang mang nhưng hãy kiên trì tìm cách khôi phục niềm tin ấy, để đi tiếp những chặng đường phía trước.
Sưu tầm
Saigonaise




271/Đừng trách

Có những tình yêu tự đặt ra cho mình những giới hạn
nên đừng trách…

Là định mệnh ngẫu nhiên chọn ta giữa muôn triệu người để thử thách
tin một người ở trong tim như ta đã từng cố chấp
tin một nụ hôn duy nhất ở giữa trời và đất
tin một ánh mắt mà nếu thiếu ta trong nhãn cầu sẽ cô độc
tin cả vào những tháng ngày ta nâng niu trên tay chỉ toàn là ngờ vực
bởi vẻ đẹp của những giấc mơ…

Chúng ta có thể đã sống đúng cuộc đời của những người trú mưa
tìm thấy một mái hiên rồi đứng chung lặng lẽ
thỉnh thoảng hỏi thăm nhau - nếu lạnh thì nép thêm vào một chút nhé?
thỉnh thoảng cầm tay nhau - cho khác với những người xa lạ
thỉnh thoảng trách một lời - lúc cơn mưa bạt thêm vào lòng một chút gió
rồi thì nắng lên ở đâu đó ngoài phố
chúng ta mỗi người chỉ để lại được dấu chân…

Đừng trách
khi ta đến trong cuộc đời này với hình hài mà ta ước mong
mỗi ngày qua đều nhận ra không có gì là trọn vẹn
nhưng ta đã yêu thương theo cách những gì con người ta có được
chọn một con người để sẻ chia phần tâm hồn sâu thẳm nhất
tuyệt đối không tin vào những bất trắc
cho đến khi…

Điều đáng sợ trong tình yêu không phải là lúc con người ta yêu thương đã mất đi
mà chính là tình yêu ấy không hề giống như ta tưởng tượng
con người ấy không hề giống như ta vẫn biết
trái tim ấy không hề giống như trái tim ta nằm bình yên trong ngực
và ta quặn đau…


Rồi chúng ta sẽ mỉm cười với cái gọi là ngày xưa
làm thế nào biết trước đúng hay sai để mà lo lắng
ta chỉ đủ bao dung khi đi qua được oán giận
nhìn người mình yêu thương ....
như một niềm vui… 

 Nguyễn Phong Việt

Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

270/ ĐI TÌM XUÂN QUA MƯA NGUỒN CỦA BÙI GIÁNG




                             Xin chào nhau giữa con đường
                   Mùa xuân phía trước miên trường phía sau

           Đến xuân này, nếu còn sống, Trung niên thi sĩ Bùi Giáng 86 tuổi. Ông sinh năm 1926, thuộc dòng họ Bùi có tiếng ở Vĩnh Trinh (Quảng Nam). Suốt một đời, ông chỉ sống với văn chương và triết học.
          Bùi Giáng là hiện tượng văn học không dễ lý giải. Có lẽ một vài thế hệ sau, khi con người trầm tĩnh lại, lúc ấy mới có thể bàn đến thi sĩ vừa tỉnh vừa cuồng này. Bây giờ, thơ văn, dịch thuật và nghiên cứu triết học của ông đã in lại. Mưa Nguồn, NXB Hội Nhà Văn, in 1993.

          Nhớ lại khoảng cuối những năm 50 đầu 60 ở miền Nam, khi các tập khảo luận về Tản Đà, Bà Huyện Thanh Quan, Chu Mạnh Trinh ... ký tên Bùi Giáng ra đời, người ta đã thấy ở đây một giọng điệu lạ lùng trong việc tìm hiểu, khám phá các tác phẩm, tác giả. Phân tích Qua Đèo Ngang, Bùi Giáng đã đẽo tạc nỗi lòng lữ thứ của nữ sĩ đất Tây Hồ bằng một thứ ngôn ngữ chất ngất nỗi niềm triết học. Cả khi bình Hương Sơn Phong Cảnh của Chu Mạnh Trinh, ông cũng phủ lên bao sương khói hư huyền. Trước đó và sau đó không có văn ấy, giọng ấy.



          Về thơ cũng vậy. Ông thổi vào Mưa Nguồn một hơi thở với rất nhiều hương đồng gió nội. Thơ mang âm sắc lạ lùng, gây ngỡ ngàng không ít cho bao thế hệ người đọc. Dần về sau, cánh cửa thơ ông uyên áo quá, khó đi vào. Đọc Mưa nguồn, tiếp xúc với chuồn chuồn, châu chấu với cồn xưa cỏ mọc, với truông đèo và những địa danh quen thuộc của xứ Quảng như Trung Phước, Cà Tang, Trà Linh, Tý Sé, Phường Rạnh, Dùi Chiêng, Hòn Kẽm, Đá Dừng... người đọc hiểu đoạn đời 15 năm chăn dê ở núi đồi Trung Việt trong Nỗi lòng Tô Vũ của ông. Phải chăng ông mượn điển tích Tô Vũ, tự Tử Khanh, thời Hán Vũ Đế, từng chăn dê gửi tình yêu đến với bát ngát thiên nhiên ?

          Mưa Nguồn, có đến một phần tư trong tổng số bài nói đến mùa xuân. Ở đây, có xuân sớm, trời xuân, ngàn xuân, bờ xuân, đầu xuân, cành xuân, mộng xuân, trái xuân, bến xuân, ruộng xuân, đường xuân, thư xuân, dòng xuân ... Xuân của Bùi Giáng còn có cả màu : màu xuân se, màu nguyên xuân, màu xuân. Xuân như suối nguồn chảy ra từ một cõi uyên nguyên nào, không cụ thể. Đó là thứ xuân đầu chứa đầy chiêm bao, huyền thoại, hư ảo quyện với cuộc đời thực, nhiều mơ mộng :

                   Mai sau hẹn với ban đầu
                   Chờ nhau ngõ khác ngó màu nguyên xuân
                                                     (Hẹn ước)

          Những trùng ngộ, sơ ngộ chợt đến chợt đi, nghe mùa xuân không đổ lục bên đuờng xuân xanh xô cổng chạy dài, đến một mùa xuân hấp tấp, xuân hối hả, xuân bay biến ... người đọc nhận ra cái gì đó đang rời bỏ và con người hốt hoảng níu giữ. Phải vậy chăng mà Bùi Giáng khát khao và ngây đi dưới mùa xuân man dại, tha thiết đứng lại nghe xuân, mong mỏi dựng lại trời xuân để giữ một giòng bất tuyệt xanh ngần xuân thơ dại ? Mưa Nguồn có đến 10 bài có tựa đề nói đến mùa xuân. Đó là những Chào Nguyên Xuân, Mùa Xuân, Xuân Xanh, Xuân Bình Dương, Thư Xuân, Lời Xuân, Xuân Thôn Nữ ... Song, mùa xuân không được nhìn dưới góc độ của một không gian, thời gian cụ thể. Tất cả đều là trùng vợi của cố quận, của ngàn mây, của đất trích chiêm bao :

                    Màu trời đó bữa nay về trở lại
                   Một mùa xưa người nhớ chứ năm kia
                   Ngày chạm mắt dưới mùa xuân man dại
                   Dịp trùng lai em hẹn với tan lìa ...
                            
                                                (Màu trời đó)

                   
          Cảm thức về sự bay biến của thời gian đã dựng lên trong nhiều bài thơ xuân của Bùi Giáng cái dư vang vô thanh (chữ dùng của thi sĩ) về những hoài niệm xa vời vợi. Chẳng thế mà ở tập Mùa Thu Trong Thơ Ca (NXB An Tiêm, Sài Gòn, 1970), khi nói về Xuân Người Tàu Ngày Nay, nhà thơ đã viết : " Người Tàu ở Chợ Lớn dường như có phần không thơ mộng bằng người Tàu trong thi văn cố quận của họ ". Bởi lẽ là :

                   Thời gian chắn bước chân chiều
                   Khóc sông bến lạ, mưa chiều sớm xuân
                                                (Cỏ hoa hồn du mục )

                   Hoặc:

                    Màu con mắt bên mùa xuân xiêu đổ
                   Ở bên kia nhìn trở lại bên này ...
                                                (Người đi đâu)

          Bên kia là đâu ? Bên này là đâu ? Không biết. Chỉ thấy rằng, màu nước chảy, màu lãng đãng, màu lở dở xen giữa màu xuân khiến cho thi sĩ muốn ủ lại xuân phơi giữa bốn trời. Với ngần ấy sắc thái xuân, ta có thể gọi Bùi Giáng là thi sĩ của những mùa xuân phôi pha.

Nguồn :Ung Thị Chiêu Hà




269/ Trả lại mùa thu


Mùa thu ơi!
Thiên đường ta trả lại
Áng mây trôi
Tím cả một bầu trời
Mùa lá rơi cho
vàng gieo muôn nẻo
Nghe xạc xào bên ngọn gió hanh heo
Có ai đang
đeo nhung nhớ vào hồn
Tim chết lặng
ôm nỗi buồn vây kín
Cuối trời xa
hoàng hôn buông tim tím
Áng mây buồn
vây kín nỗi lòng ta

Mùa thu ơi ! Ngày ấy đã xa rồi
Xin trả lại
nụ cười... cay khóe mắt
Ngày mai đến
bóng đêm sẽ tắt

Một mình ta
góp nhặt mảnh tình thu
Hong nỗi nhớ
chuỗi tháng ngày...
ngơ ngu...
Mùa thu ơi! Ta xin gửi lại nhé
Chút tình buồn
sẽ theo gió  bay...



Hoàng ngọc lan

Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

268/ CỔ TÍCH: GHẬP GHỀNH NƯỚC MẮT CHÔNG CHÊNH NỤ CƯỜI

Nguyễn Tấn Ái
1. Đẹp như cổ tích!
          Những giấc mơ lãng mạn thường tự trang điểm cho mình vẻ hồng phấn cổ trang rằng đẹp như cổ tích.
          Mà cổ tích đâu chỉ có đẹp, cổ tích còn là những niềm đau. Mà sao chưa ai gọi tên những nỗi đau là đau như cổ tích?
          Phải chăng công năng của cổ tích là xóa đi cái đau giữa đời thường để chỉ còn cái đẹp lên ngôi, thăng hoa, rồi phảng phất giữa đời thường?

          Phải chăng là như một giấc mơ, đằng sau những trang đời cổ tích, sau những giọt đau luôn tỏa sáng những ánh cười?
          Và nước mắt với nụ cười đã là những hấp dẫn của huyền thoại cổ xưa.
          2. Đau như nước mắt!
          Nước mắt trước hết là kết tinh của những nỗi đau. Chính những nỗi đau đã thấm đầy cổ tích hóa thành nước mắt. Không là nỗi trăn trở miên viễn về kiếp người hư ảo có không, không là nỗi niềm tội lỗi của bản năng con người cần một thông điệp cứu sinh như trong triết học hay tôn giáo, nước mắt cổ tích là nước mắt của những cuộc đời, của những con người rất thực. Họ là kẻ mồ côi, người nghèo khó hay những phận người không lành lặn mà bị đời đày đọa, hắt hủi, khinh miệt.
          Giữa những trang cổ tích là cô Tấm lấm láp giữa ao làng, là cô Tấm cô đơn bên bờ giếng, là Tấm tấm tức tủi thân khi hội làng náo nức…Là Sọ Dừa lăn lóc, cô Cóc bị coi khinh, người em khó nghèo với gia tài chỉ là cây khế nhìn trái chín dần vơi bởi chim phượng hoàng đến hái… Là người vợ chờ chồng đến hóa đá ngóng trông. Kể sao xiết sao hết những phận người! Nước mắt họ đã rơi. Những cuộc đời tắm trong nước mắt. Khóc vì bị cướp đoạt, khóc vì bị lừa dối, khóc vì đã khó nghèo lại họa tai, khóc vì nỗi chia ly. Ai đó đã có một tuyên ngôn thật buồn, rằng mọi dòng nước rồi sẽ dần vơi duy chỉ có nước mắt con người là không bao giờ vơi cạn. Là chân lý chăng, nhất là khi phát ngôn được rọi soi qua những ngày dài cổ tích.
          3. Đẹp như nước mắt.
          Song nếu chỉ là những dằn vặt đau xé để lấm tấm trổ hoa đời bất hạnh thì không thể giải thích hết sức hấp dẫn vĩnh hằng của cổ tích, hấp dẫn ngay cả khi những giọt đau nhỏ xuống trang đời. Nước mắt còn là cái đẹp.
          Không lãng mạn mà dọn một nẻo đi riêng lạ đời rằng cái buồn vốn đẹp, song với tôi nỗi buồn cổ tích bao giờ cũng đẹp. Đẹp bởi nỗi buồn ấy không chỉ chịu mình yếu đuối, bởi tiếng khóc không chỉ dừng lại ở ranh giới bất hạnh, không chỉ kể đời mà là để thấu đời. Ta hiểu dẫu bị đọa đày thì Tấm vẫn là tấm lòng thơm thảo, dẫu khốn cùng thì Chữ Đồng Tử vẫn là người con hiếu thảo. Và càng bị coi khinh ngược đãi chàng sọ Dừa, chàng Khoai càng rất mực siêng năng. Rằng trong bất hạnh chia ly người vợ kia vẫn một tấm lòng thủy chung son sắt…Không một lời phẫn nộ đuổi đánh khi phượng hoàng đến vỗ cánh trên cây khế, người em chất phát chỉ một dạ tâm tình: Phượng hoàng ơi, tôi nghèo lắm, gia tài chỉ mõi cây khế mà thôi. Chim ăn hết rồi tôi lấy gì nuôi thân!
          Rằng tôi đã gặp được những tấm lòng đẹp, những ứng xử đẹp, những tâm hồn đẹp ngay cả khi bí lối cùng đường. Như chức năng con người trên cuộc đời này là phải đẹp dù có phải trải qua cay đắng vô ngần.
          Và chính ở cái đẹp này ta thấm thía bao cảm thông, bao nâng niu trân trọng đượm trong giọng kể ngày xưa của bà của mẹ…của những thế hệ bình dân ngàn đời. Chính nơi đây những giọt nước mắt người dan đã chan hòa cùng những cuộc đời bất hạnh. Họ khóc vì thương một phận người, hơn thế nữa, họ khóc vì yêu những con người! Những thương yêu đâu chỉ dành cho thế giới tưởng tượng, mà là yêu thương chính cuộc đời mình, bởi chưng cổ tích chính là những hóa thân của đời thường, những cuộc đời tôi luyện qua khó nhọc, qua nghèo đói, qua bất công. Chất nhân văn của dân tộc phải chăng đã đầy đặn lên chính từ những giọt nước mắt vì đời đã nhỏ xuống? Và với ước mong cuộc đời rồi sẽ đẹp hơn?
          4. Chông chênh nụ cười.
          Và, chính vì tình yêu là sức mạnh, nên những câu chuyện của tình yêu đã không chịu số phận bi kịch dầm nước mắt, mà phía sau xa của gian truân bất hạnh là hạnh phúc trổ hoa, như sau màn đêm là bình minh chim hót, như cầu vồng lấp lánh sau những cơn mưa.
          Diệu kỳ thay sức sống của những người bình dân, rằng trong trí tưởng tượng của những đời người chỉ biết khó nghèo đã thấy thơm những bảy nong cơm ba nong cà làm quà tặng cho người dõng sĩ. Trong giấc mơ hoa của những đêm lạnh không chăn chiếu cô gái nào mơ mình trở thành hoàng hậu, và gian nhà xiêu tó trong gió bão nào ước được chất đầy vàng ngọc để ban phát cho những người nghèo?
          Cô Tấm đã trở về với bà hàng nước để lần nữa tắm gội đời mình trong ân tình nhân dân, chuẩn bị hành trang cho cuộc hóa thân thành hoàng hậu. Rằng sau bao nhiêu lần cái chết, Tấm đã thực được sống bằng trọn vẹn mơ ước của cuộc đời. Chàng Chữ Đồng Tử rồi cũng được gặp Tiên Dung, gặp được những nhận thức đánh giá đúng giá trị con người, để vĩnh viễn không còn là người con khó nghèo vùi mình trong bãi cát, để cánh đồng lau sậy hốt nhiên thành cung điện nguy nga. Sọ Dừa, cô vợ Cóc hóa thành những chàng trai cô gái đẹp như tiên cho đời mơ ước…Và cái xấu cái ác đã bị trừng trị: mẹ con Cám xấu xa, lũ phú ông gian ác, Lý Thông nham hiểm và cái kết bi đát của họ đáng để người đời suy ngẫm.
          Cổ tích thường có cái kết có hậu đẹp như một giấc chiêm bao. Phải chăng trong cuộc đời giàu nước mắt thì trong giấc mơ những người bình dân xưa đã biết mỉm cười, rằng trong gian nan cuộc sống họ đã chuẩn bị tâm lý đón nhận những nụ cười? Người ta thường nói ước mơ khi mãnh liệt tự nó có năng lực như một hiện thực. Thật như thế, những giấc mơ của những câu chuyện buồn xưa ấy cứ hiển nhiên như là đời sống. Ta không chỉ gặp một giấc mơ mà như đã gặp một cái kết có hậu giữa đời thương. Giữa trần trụi đời thường đã chói lói một giấc mơ. Phải chăng niềm tin ngây thơ và bất diệt vào tính chiến thắng của cái thiện đã là thiên lương của những người muôn năm cũ? Giấc mơ cổ tích vì vậy có một hấp lực vô ngần, giàu khả năng củng cố niềm tin con người vào tương lai. Đó chính là sức mạnh lạc quan của cổ tích.
          Mà kỳ lạ thay, sau bao nhiêu ngất ngây vì hạnh phúc, người nghe chuyện lại vẫn thấy nụ cười kia có gì đó chông chênh. Niềm tin thì thật mãnh liệt, mà như có một chênh vênh giữa niềm tin và hiện thực. Rằng trong cuộc đời vẫn những cô Tấm lấm láp, người nông dân nghèo khó, người bệnh tật bơ vơ…Rằng như hiện thực đã từ chối những giấc mơ. Rằng khoảnh khắc thăng hoa kia chỉ thật trong bầu không khí của mẹ, của bà, trong hề hà câu chuyện để rồi vụt tan biến giữa đời thường. Hiện thực chưa mở ra một nẻo về thiên đàng, và ngoài kia, đời hãy còn thô bạo vài bông hoa ác!
          Dù sao, niềm tin và mơ ước vẫn cứ rất cần cho cuộc đời, cho cái thiện, cho thiên lương.
          5. Bài học cho tôi, cho ai.
           Đã một ngày dài cổ tích, đã chìm trong vô hạn thời gian rồi đó. Giá trị thời gian được nhân lên bởi chính những cuộc đời đi qua nó. Tôi đã một ngày dài như thế kỉ với những vui những buồn. Tôi hiểu lời dặn dò cha ông nhắn nhủ: Sẽ là phù du cuộc đời, chỉ có những ai biết sống đẹp mới là tồn tại vĩnh hằng. Tôi hiểu đời vốn nhiều nước mắt nên mong rằng đừng thêm nước mắt. Khẽ hỏi mình liệu trong va chạm với đời có khi nào tôi đã chạm vào nỗi đau của một ai, và nước mắt đã chảy?  Rằng trong ngông nghênh non trẻ đời mình tôi đã dập tắt của ai đó một tiếng cười? Rằng đang khi muốn làm người em hiền lành bên cây khế mà kỳ thực tôi đã hẹp hòi như một người anh biển lận?
          Ngẫm hoài câu chuyện trả thù của Tấm mà lắm lúc rùng mình: Tấm đem cái ác Tấm trả nợ đời, nợ đời cái ác còn nơi cô Tấm! Lẽ nào cũng là hành trình của tôi, của nhân loại bảy tỉ con người?
          Con đường hướng thiện của nhân gian còn lắm nhọc nhằn, niềm tin vào chính nghĩa trong đời đôi khi mang sắc màu bi quan.
          Nên cổ tích hãy còn đây, nhắc nhở!
          Rằng giấc mơ đẹp nhất của cuộc đời vẫn cứ là giấc mơ sống thiện.
          Dù là nước mắt, hãy giàu niềm tin vào những nụ cười, hãy đặt niềm tin vào những nụ cười!