Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021

284/ CÔ GIÁO VƯỢT QUA NGHỊCH CẢNH, GÌN GIỮ "LỬA NGHỀ"

 

  


Mặc dù hoàn cảnh vô cùng khó khăn nhưng cô giáo Nguyễn Thị Bích Trâm, giáo viên bộ môn Ngữ văn, Trường THCS Lê Quý Đôn, huyện Phú Ninh, Quảng Nam đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, gìn giữ “lửa nghề”. Mới đây, LĐLĐ tỉnh Quảng Nam đã biểu dương gia đình chị Trâm là gia đình tiêu biểu, đồng thời đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam biểu dương tại Hội nghị biểu dương gia đình công nhân, viên chức, lao động tiêu biểu toàn quốc.

Người mẹ mang nhiều nỗi đau

              
                  
“Ba năm đầu, tôi và chồng stress rất nhiều. Con tôi bị bệnh Down và thêm các bệnh lý khác nên sức khỏe rất yếu. Tôi không nhớ hết biết bao nhiêu lần đưa con đi bệnh viện. Hai vợ chồng vừa lo dạy học ở trường, vừa thay nhau chăm con. Thời gian quần quật cả ngày với đứa nhỏ. Nhưng khó khăn về mặt thể chất đối với tôi nó không đau bằng nỗi đau tinh thần. Mỗi lần thấy chồng buồn vì con tôi xót lắm, cố nén nỗi đau vào lòng để động viên chồng” – chị Trâm tâm sự.

Gần 30 năm công tác trong nghề giáo, có nhiều thành tích đáng tự hào nhưng ít ai biết được chị Trâm lại có một hoàn cảnh rất khó khăn.

Vào năm 2005, khi chị sinh đứa con thứ hai thì không may con trai bị bệnh Down. Khi mới chào đời, con chị Trâm sinh non 8 tháng, bị gãy xương đùi sau ca sinh mổ nên việc chăm nuôi con rất vất vả.

Đó là những ngày tháng đau buồn với gia đình chị Trâm. Khi đó vợ chồng chị như ngã gục khi nhìn mặt đứa con trai vừa chào đời. Ban đầu chị không tin đó là sự thật. Mãi về sau chị mới tự an ủi bản thân, xem đó là số phận và chấp nhận điều này.

   Khi con chị Trâm lớn, cháu vẫn không thể tự chăm sóc bản thân mà phải phụ thuộc vào cha mẹ. Cuối năm 2020, cha chồng chị Trâm (80 tuổi) bị bệnh nặng về thần kinh và hạn chế vận động. Dù bận việc trường, việc chăm con, chị vẫn chịu khó chăm lo việc ăn uống, thuốc thang,… chu đáo cho cha chồng. Vừa lo cho đứa con khờ dại, vừa lo cho cha chồng không may mang bạo bệnh. Vợ chồng chị bận rộn suốt ngày đêm.

“Được cái nhà có vườn để trồng đậu, trồng rau, nuôi vịt, nuôi gà để cải thiện chất lượng bữa ăn gia đình. Và nhờ chi tiêu tiết kiệm nên gia đình tôi có tiền nuôi đứa con gái đầu ăn học. Hiện tại con gái tôi đã tốt nghiệp ra trường và đã đi làm được hơn 2 năm. Cháu rất hiếu thảo với ông bà, cha mẹ và rất thương em trai nên thường xuyên gọi điện về thăm hỏi và gửi rất nhiều quà. Cả nhà vui lắm!”– chị Trâm kể lại đầy hào hứng và rất đỗi tự hào.

Con gái đầu của chị Trâm đã hoàn thành chương trình Đại học tại Trường Đại học Kinh tế - Luật TP. HCM vào năm 2018 và hiện đang công tác, làm việc tại Malaysia.

                 

Một Nhà giáo Ưu tú

Cô Nguyễn Thị Thúy Vi, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, huyện Phú Ninh, Quảng Nam cho rằng: “Chị Trâm là một giáo viên có năng lực chuyên môn tốt, uy tín rất lớn đối với học sinh và đồng nghiệp. Chị Trâm đã đoạt nhiều giải thưởng từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia, được Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh Quảng Nam tặng nhiều Bằng khen và đặc biệt là danh hiệu Nhà giáo Ưu tú do Chủ tịch nước trao tặng. Những phần thưởng ấy phần nào khắc họa nên hình ảnh một cô giáo tâm huyết với nghề, truyền cho học trò và đồng nghiệp khát vọng sáng tạo, đổi mới”.

             

Vượt lên hoàn cảnh, với nỗ lực không mệt mỏi, chị Nguyễn Thị Bích Trâm đã đoạt Giải nhất Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh (năm 2015), Giải nhất Quốc gia Hội thi Dạy học tích hợp dành cho giáo viên Trung học (năm 2016).

Chị cũng được chọn là Nhà giáo tiêu biểu tỉnh Quảng Nam dự Lễ Tri ân và tôn vinh ngày 20/11/2018 tại Hà Nội.

Chị Trâm cũng được UBND tỉnh Quảng Nam, LĐLĐ tỉnh Quảng Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Nam tặng Bằng khen vì thành tích xuất sắc trong phong trào yêu nước; thành tích 2 giỏi xuất sắc; thành tích xuất sắc 5 năm (2015 - 2020),…

Khó khăn, vất vả trong gia đình là thế nhưng chị Trâm không vì hoàn cảnh mà đánh mất đi sự nhiệt huyết của một nhà giáo. Hằng ngày chị vẫn luôn nỗ lực cống hiến trí tuệ, tâm huyết của mình để truyền đạt kiến thức cho lớp lớp học trò, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm hay cho những đồng nghiệp trẻ.

Hơn 30 năm gắn bó với nghề giáo, là suốt ngần ấy năm chị phấn đấu hết mình với chuyên môn. Chị Trâm không ngừng trau dồi kiến thức, học hỏi, sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp với từng đối tượng học sinh và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. “Trong công việc ở trường tôi không nề hà bất cứ công việc gì. Từ việc nhỏ đến việc lớn tôi đều tham gia và luôn hoàn thành nhiệm vụ” – Chị Trâm nói.

Trong quá trình dạy học, chị Trâm luôn tìm hiểu, lắng nghe thông tin phản hồi từ học sinh để tự điều chỉnh cách dạy sao cho các em hiểu bài và khám phá chiếm lĩnh kiến thức văn chương bằng con đường cảm thụ tích cực. Chị Trâm chia sẻ: "Với tôi, việc dạy Văn không đơn thuần là dạy kiến thức mà còn dạy cho học sinh làm người. Vậy nên tôi đã rất chú trọng hướng các em tới chủ đề về giáo dục tình người, ý thức bảo vệ môi trường sống”.

   

Ngọn lửa yêu đời, yêu nghề

sẽ lan tỏa

                  

Nhiều năm hoạt động phụ nữ ở địa phương, bà Vũ Thị Thanh Loan, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam đã quá thân quen với hình ảnh cô giáo Bích Trâm trong các buổi lễ tuyên dương, khen thưởng trong các hoạt động phong trào, đoàn thể.

“Vượt qua hoàn cảnh riêng của gia đình, cô Trâm luôn tích cực trong việc ứng dụng phương pháp dạy học mới và rất tận tụy vì học sinh. Cả cuộc đời cô Trâm cống hiến cho nghề, cô được nhiều đồng nghiệp quý mến, học sinh kính trọng. Ở cái tuổi ngoài 50 nhưng ngọn lửa yêu đời, yêu nghề của cô Trâm vẫn cứ lan tỏa đến những bạn bè, đồng nghiệp”- bà Loan nhận định.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng Ban Tuyên giáo - Nữ công, LĐLĐ tỉnh Quảng Nam, gia đình chị Bích Trâm là một gia đình mẫu mực, tiêu biểu và vừa được LĐLĐ tỉnh Quảng Nam tuyên dương. Cả hai vợ chồng chị Trâm đều hoạt động phong trào đoàn thể rất tích cực. Mặc dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều trở ngại nhưng cá nhân chị Trâm vẫn luôn lạc quan và hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn ở nhà trường. Chị Trâm là một tấm gương điển hình trong phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” ở Quảng Nam.

                 Huỳnh Huyền Vi 











https://cuocsongantoan.vn/quang-nam-co-giao-vuot-qua-nghich-canh-gin-giu-lua-nghe-68141.html?gidzl=PT7JSo_L7rLWoTjoAymVKcVDtdippXmBUywDVpV8JLPqc8n_FfyTNd3Ftoaod4iDVftRU3DwClKHBTCMLm


Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2019

283/ “DẠỴ VĂN – DẠY NGƯỜI” - TỪ MỘT HỘI THẢO


            
      Sau bao ngày háo hức mong chờ, chúng tôi - những giáo viên Văn THCS -được dự buổi hội thảo “Dạy Văn - dạy Người” ở hội trường khách sạn Bàn Thạch – thành phố Tam KÌ mang tên “Hành trình từ trái tim đến trái tim” do Sở Giáo dục đào tạo Quảng Nam tổ chức. Thật khó diễn tả hết được những cung bậc cảm xúc bởi một sự đặc biệt về hình thức cho đến nội dung. Cảm giác ngỡ ngàng mà cũng rất gần gũi; chuyện đã cũ mà lại rất mới; chương trình ngắn gọn mà giàu ý nghĩa; người thầy báo cáo thì tự nhiên, chân thực mà cũng rất nghệ sĩ, uyên bác… với những câu chuyện rất nghề, rất đời, rất văn.
      Đã bấy lâu trong cái vội vã, xô bồ, lắm nhiêu khê, lắm nghịch lí của cuộc sống, người thầy dạy Văn đôi khi cảm thấy mặc cảm, bất an, mất tự tin về nghề. Đam mê ngày nào khu trú lại trong cái vỏ tửơng chừng như xơ cứng của trái tim. Và hôm nay, sau mấy mươi năm với nghề, lần đầu tiên được lắng nghe những chia sẻ của những bậc tiền bối, những người Thầy lớn. Chỉ là trong mấy tiếng đồng hồ thôi, không khí rất Văn và rất Người ùa về như luồng gió ấm áp xua tan cái lạnh lẽo của tiết trời đông. Thật không thể nói hết niềm ngưỡng mộ, niềm tri ân, niềm xúc động đến lạ kì! Trong lòng tự nhủ, giá như mình đã đam mê hơn, giá như mình nhận ra mình chân thực hơn và giá như mình biết yêu thương hơn và giá như…Cảm ơn Sở Giáo dục đạo tạo Quảng Nam với một chương trình mới mẻ, sáng tạo, cuốn hút .Và đọng lại thật hiều bởi biết bao điều trăn trở về cái khó của Hành trình Dạy Văn ấy đã được giải đáp.
       “Dạy Văn – dạy Người còn dạy Toán dạy chó à?”
      Đó là câu dẫn thú vị của Nhà giáo ưu tú Nguyễn Minh Hùng nhắc lời của thầy giáo ở trường Đại học trong bài nói chuyện. Không! Môn học nào cũng dạy người cả - vì học sinh cần “học để biết, học để làm, học để chung sống và để tự khẳng định mình”. Nhưng môn Văn có cách dạy người đặc thù. Bởi “văn học là nhân học”. Bởi mỗi tác phẩm rọi chiếu lay thức tâm hồn độc giả một cách tự nhiên bằng ánh sáng từ trái tim người nghệ sĩ. Vì người dạy Văn là người kĩ sư tâm hồn có khả năng hiện thực hóa các chức năng văn học đến trí tuệ, trái tim người học.
       Dạy văn- dạy Người là dạy cái gì?
      Theo thầy Huỳnh Ngọc Thống, tổ trưởng tổ Văn Trường THPT Quế Sơn, dạy Văn là dạy cái đẹp của Văn chương- cái đẹp của tư tưởng tình cảm và cái đẹp của hình tượng, ngôn từ. Từ đó. hướng người học tìm thấy “cái đẹp” trong cả cái bi, cái xấu, cái ác – mặt biện chứng của cái đẹp. Có như thế dạy văn mới làm được cuộc hành trình đưa con người vươn tới chân – thiện – mĩ.
      Dạy Văn- dạy Người cần những phẩm chất nào ở người thầy?
     Theo NGUT Trương Văn Quang, người dạy Văn đâu phải chỉ có đam mê nghề mà còn đam mê Văn chương; đâu chỉ có kiến thức rộng “biết môn Lí, hiểu môn Sinh”, trải nghiệm nhiều mà còn luôn luôn “cập nhật thời tiết, thời giá, thời sự” và dẫu khó khăn vẫn không chùn bước- “dù sóng gió, con thuyền của hành trình dạy Văn vẫn vượt qua”. Với cô giáo trẻ- TS Văn Phương Trang, giáo viên Văn trường THPT chuyên Lê Thánh Tông - thầy là người bạn đồng cảm, sẻ chia, thấu hiểu và cũng là người thắp lên niềm tin về thế giới kì diệu từ trang văn đến cuộc đời trong lòng học trò. Với NGUT Nguyễn Minh Hùng, thầy phải loại bỏ cái “tôi” tự cao, tự đại cho mình là cao quý. Và thầy phải “biết trăm dạy một”, thầy cũng là người nghệ sĩ “tỉnh mà mê, mê mà tỉnh”. Thế đó, cần lắm ở người thầy cái tâm, cái tầm, cái đức và cả cái phong cách.
    Dạy Văn - dạy Người là dạy như thế nào?
    Không đau sao được khi Không ít học trò khước từ môn Văn như khước từ chính người dạy Văn! Học trò luôn đúng khi có quyền được chọn ham thích môn học cũng như chọn thầy. Và nếu học trò sai lầm khi từ chối môn Văn thì học trò vẫn đúng. Vì sai lầm là tất yếu của sự hướng đến hoàn thiện.
    Vậy làm sao để truyền lửa yêu Văn cho cả những học trò ấy?
    Trước hết, hãy “đưa Văn chương về với cuộc đời” (Lời thầy Trương Văn Quang). Văn chương chỉ sống trong lòng bạn đọc khi được mang hơi thở của cuộc sống.
     Đâu chỉ có thế. Người dạy cần trao cho trò quyền được sáng tạo, được phản biện, được “khẳng định mình”  trong cảm thụ văn chương và trong những vấn đề của cuộc sống. Và như vậy thì không thể vắng những trang giáo án với phương pháp dạy học, kĩ thuật dạy học tích cực với sự tổ chức linh hoạt nhuần nhuyễn các hoạt động học của người thầy theo định hướng phát triển năng lực.
       Và điều không thể thiếu theo Thầy Trương Văn Quang là dạy Văn bằng chính phong thái lẫm liệt, lòng tự trọng, sự tử tế để tiệm cận đến cái mẫu mực của người thầy. Dẫu rằng thầy cũng có lúc "đau" vì cái “bán thần” đó chính Thầy nỗ lực tạo ra.
      Hơn nữa “Dạy văn- dạy người” là nhận ra mình là “dạy” chính mình. Nếu học sinh có quyền được sai lầm và xứng đáng được yêu thương, trân trọng thì người thầy cần “vượt lên cái tôi, cái ích kỉ” để biết “bao dung trò”, “tin tưởng trò”, và không quên “tri ân trò”.
       Ra đi với nhiều câu hỏi về cái khó của “Dạy người” trong “dạy Văn” thì trở về đã có những câu trả lời đầy tâm phục chạm khắc vào tim. Vô cùng cảm ơn Nhà giáo ưu tú Trương Văn Quang, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Minh Hùng, nhà giáo Huỳnh Văn Thống- tổ trưởng cùng cô giáo Văn Phương Trang, giáo đã cho chúng tôi hiểu chính mình, hiểu hơn cái cái trọng trách lớn lao, cái thử thách không ngừng, và niềm hạnh phúc vô bờ của dạy Văn – dạy Người. Tôi chợt nhớ đến buổi tập huấn “Trường học hạnh phúc”do Thầy Châu Văn Thủy – Trưởng phòng Giao dục Trung học Sở Giáo dục Quảng Nam- báo cáo bởi rất tâm đắc về thông điệp thầy gửi rằng “Trường hạnh phúc chỉ khi thầy hạnh phúc mà hạnh phúc là khi biết sống lạc quan, yêu thương học sinh”. Thì ra Dạy văn –dạy người là vì một “Trường học hạnh phúc” đúng nghĩa. Cũng như lời tổng kết đánh giá của Nhà Giáo Hà Thanh Quốc – Giám đốc Sở Giáo dục Quảng Nam “Hành trình trái tim đến trái tim” Là khát vọng là niềm tin là tâm huyết, là nhân quả tốt đẹp cho những kĩ sư tâm hồn mang tên “Dạy Văn” có được hoa thơm quả ngọt là mang tên “Dạy người”.
      "Dạy văn, dạy Người"là vấn đề không bao giờ cũ, không có một đáp án chung. Bởi xã hội không ngừng thay đổi, bởi Người Thầy là sáng tạo. Có niềm tin là có tất cả, “Cuộc hành trình của thế hệ chúng tôi là cuộc hành trình không tiếc nuối” là thông điệp quý giá từ lời NGUT Trương Văn Quang đã truyền cho tôi và những người bạn của tôi những khát vọng không ngừng để tiếp tục lái con thuyền “Dạy văn - dạy người” vượt sóng gió đại dương.









                                                              

                                                                                          Nguyễn Thị Bích Trâm