Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

197/Sót lại


còn lại gì sau cái vẫy tay từ biệt 
một giờ mười lăm phút 
chân trời chia hai 

nước ngăn ngắt xanh 
chiều hun hút tím 
con tàu mang anh đi đã thành dấu chấm 
thành phố như phù điêu chết lặng 
mái ngói xô nghiêng 
nỗi buồn chực ngã 
lá rưng rưng rơi 
dòng tên hóa đá 
từng bóng người qua 
nụ cười sa mạc 
em mãi lang thang chẳng gặp bóng mình 




chỉ phút giây thôi 
cây đã già nghìn tuổi 
đừng nói gì với em 
đừng gửi gì cho em 
cứ để lụi tàn như những gì phải có 

em biết 
ngày mai khi mình thức dậy 
còn sót bên thềm 
nỗi nhớ sinh sôi

Vũ Thanh Hoa

196/ Hồn quê



Con sông
Vẫn quyết xuôi dòng
Vắt ngang
Đồng lúa trỗ
Nóng tháng mười
Màu trăng
Hương đất
Mùi mưa
Bốn mùa cây trái say xưa
Uống vào

Bỗng nhiên
Khát
Đến cồn cào
Giấc ngủ thơ bé
Cồn cào lời ru
Ập ù vài tiếng chim cu
Bến ao bầy ốc đánh đu lá dừa



Ta khôn lớn mấy cũng thừa
Lời ru vẫn trắng
Nắng trưa vẫn vàng
Bao năm cau đứng hai hàng
Giàn trầu vẫn cứ mỡ màng trong mưa

Đổi tuổi già lấy nội xưa
Chặn cơn gió
Nhốt nắng mưa mỗi ngày
Uống sương gió
Để rồi say
Quê nhà muôn thưở nồng – cay vẫn còn

Đậu già quấn quýt mướp non
Nội canh giấc ngủ
An toàn ấu thơ
Trứng gà ôm ấp lá mơ
Đẻ ra trong sáng, ngây thơ
Hồn người...

                                                              Nguyễn Thanh Tuấn

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

195/ BÀI VIẾT VỀ NGƯỜI LÍNH TRƯỜNG SƠN

                 Nguyễn Thị Bích Trâm   

             Baì 1: Cảm nhận về nhân vật Phương Định trong Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê.



“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai”
         Vâng! Một thời Trường Sơn ác liệt đạn bom, một thời Trường Sơn huyền thoại in dấu chân của bao thế hệ cha anh “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Có biết bao những trang văn viết về người chiến sĩ Trường Sơn nhất là nữ thanh niên xung phong đã khơi gợi trong chúng ta nhiều xúc cảm. Ác liệt mà vẫn bình yên…? Dạn dày mà vẫn rất tinh nhạy? Nữ tính mà vẫn can trường…?  Tất cả được khắc hoạ từ ngòi bút của nhà văn Lê Minh Khuê qua truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi”. Hình ảnh của những cô gái thanh niên xung phong với những vẻ đẹp hồn nhiên vốn có của tuổi trẻ Việt Nam trong thời chống Mỹ đã tỏa sáng lấp lánh. Đẹp nhất là ánh sao xa từ vẻ đẹp tâm hồn, phẩm chất của cô thanh niên xung phong Phương Định.
         Những ngôi sao xa xôi là một trong những truyện ngắn đầu tay của Lê Minh Khuê, viết năm 1971, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc diễn ra ác liệt nhất. Truyện kể về một tổ trinh sát mặt đường tại một trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn gồm ba cô gái: Phương Định, Nho và Thao. Họ ở cách xa đơn vị, dưới một cái hang ở chân cao điểm. Nhiệm vụ là quan sát máy bay địch ném bom, đo đất đá, san lấp hố bom, đo tọa độ những trái bom chưa nổ và phá bom. Công việc vô cùng nguy hiểm, suốt ngày họ phải chạy trên cao điểm và đối mặt với cái chết. Mặc dù vậy, họ vẫn sống hồn nhiên, yêu đời và gắn bó, yêu thương nhau.
         Mặc dầu sống trong hoàn cảnh ác liệt của chiến trường, Phương Định – cô thanh niên xung phong vẫn mang nét đẹp tâm hồn nhạy cảm, hồn nhiên, trong trẻo, giàu mơ mộng, lạc quan.
         “Đường bị đánh lở loét, màu đất đỏ, trắng lẫn lộn. Hai bên đường không có lá xanh. Chỉ có những thân cây bị tước khô cháy. Những cây nhiều rễ nằm lăn lóc. Những tảng đá to. Một vài cái thùng xăng hoặc thành ô tô méo mó, han gỉ nằm trong đất”. Đó là hiện thực đầy mùi chiến tranh, không có màu xanh của sự sống, chỉ thấy thần chết luôn rình rập. Con đường mang biết bao thương tích vì bom đạn giặc. Vậy mà Phương Định cùng những người đồng đội của mình ở trong một cái hang dưới chân cao điểm, giữa một vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn máu lửa ấy, nơi tập trung nhiều nhất bom đạn, sự nguy hiểm và ác liệt.
         Người đọc không thể không ngỡ ngàng khi cô thanh niên xung phong trong tổ trinh sát mặt đường ấy lại là một là nữ sinh của thủ đô thanh lịch bước vào chiến trường. Thời học sinh – cái thời áo trắng ngây thơ, hồn nhiên và vô tư sống bên mẹ trong một căn buồng nhỏ ở một đường phố yên tĩnh thành kỉ niệm đẹp trong cô. Chiến tranh khốc liệt căng thẳng ư? Mặc! Những hoài niệm về thời học trò thật đáng yêu ấy luôn sống trong cô ngay giữa chiến trường làm tươi mới một tâm hồn ẩn chứa những khát khao.
         Và có lẽ chúng ta ai muốn nhìn xa rồi lại ngắm gần một Phương Định đáng yêu trẻ trung và xinh xắn với “hai bím tóc dày tương đối mềm, một cái cổ cao kiêu hãnh như đài hoa loa kèn” và “đôi mắt nâu nâu dài dài hay nheo lại như chói nắng, hay có cái nhìn xa xăm”. Đó là thiếu nữ có một ngoại hình phảng phất dáng dấp thanh lịch của một thiếu nữ Hà Thành. Nếu nói đôi mắt là cửa sổ tâm hồn thì nhìn vào đôi mắt của Phương Định ta cảm nhận một tâm hồn rất lãng mạn, mơ mộng và cũng rất hồn nhiên.
         Là con gái đấy mà! Phương Định rất nhạy cảm và quan tâm đến hình thức của mình. Biết mình đẹp, cô thích ngắm mình trong gương, có chút kiêu ngầm khi biết mình được các anh pháo thủ và lái xe thăm hỏi. Cô vui và tự hào về điều đó nhưng không hay biểu lộ tình cảm của mình mà thường rỏ ra kín đáo giữa đám đông. Phương Định không săn sóc vồn vã, cô vẫn hay đứng ra xa, khoanh tay trước mặt và nhìn đi nơi khác mỗi khi một đám con gái xúm lại đối đáp với một anh bộ đội nói giỏi nào đấy. Một hành động đó thôi đã làm Phương Định trở nên thật kiêu kì, cái điệu của cô thật đáng yêu và cũng thật phù hợp với một người con gái như vậy.
         Tâm hồn yêu đời lạc quan của cô giữa Trường Sơn đạn lửa thật làm cho người ta càng ngạc nhiên hơn. Sau những giây phút căng thẳng ở cao điểm, xong việc là thở phào chạy vào hàng, là sà ngay vào một thế giới khác – thế giới con gái với những mơ mộng: nằm dài trên nền ẩm, lười biếng nheo mắt nghe ca nhạc từ cái đài bán dẫn nhỏ… Yêu đời lạc quan làm nên “Tiếng hát át tiếng bom” ở cô. Cô mê hát và hát mọi lúc, mọi nơi. Lại còn bịa ra lời mà hát, hát cả khi có sự im lặng không bình thường, “tiếng máy bay trinh sát rè rè”. Phải chăng trong tiếng hát, có ý thức về lý tưởng, có khao khát về quê hương, tình yêu của tuổi trẻ và có cả khát vọng được trở về cuộc sống thanh bình.
         Có lẽ thích nhất là được hòa cùng những cảm xúc trong tâm hồn cô khi cô đón nhận một cơn mưa đá bất ngờ. Không phải là cô gái căng thẳng, hồi hộp tột độ khi phá bom mà là một thiếu nữ hồn nhiên trong sáng với niềm vui con trẻ òa nở, cuống cuồng: “Mưa đá! Cha mẹ ơi! Mưa đá!”.  Thế là những kỷ niệm tuổi thơ ào ạt, trào dâng với hình ảnh thân thương về thành phố, quê hương, về gia đình, về tuổi thơ. “Người mẹ, cái cửa sổ ngôi nhà, những ngôi sao to trên bầu trời thành phố, con đường nhựa sau cơn mưa, những ngọn đèn trên quảng trường lung linh như những ngôi sao trong truyện cổ tích nói về xứ sở thần tiên”. Tất cả vừa rõ ràng, vừa mờ ảo; vừa đồng hiện, vừa vụt hiện trong tâm trí; vừa gần gũi, vừa xa xôi và xoáy mãnh liệt, dữ dội như con mưa đá.         
         Không chỉ mang hành trang từ vẻ đẹp tâm hồn đáng yêu, sức mạnh để cô gái nhỏ bé Hà Nội kia đối mặt với công việc đặc biệt nguy hiểm chính là tinh thần dũng cảm, gan góc vượt lên trên hiểm nguy và tình đồng đội nồng ấm chân thành. Những hiểm nguy nào có sá gì. Bởi mang nặng tình yêu tổ quốc, cô ra đi mà không tiếc tuổi thanh xuân. Rời ghế nhà trường phổ thông, Phương Định xung phong ra mặt trận. Phương Định nghĩ về hoàn cảnh sống nơi đây một cách giản dị và cho là có cái thú riêng: “… đất bốc khói, không khí bàng hoàng, máy bay đang ầm ì xa dần. Thần kinh căng như chảo”. Nhiệm vụ phá bom gian khổ, hi sinh, đòi hỏi sự dũng cảm và bình tĩnh hết sức. Vậy mà cô kể về nó với giọng điệu bình thản, pha sự hóm hỉnh: “Quen rồi. Một ngày chúng tôi phá bom đến năm lần. Ngày nào ít: ba lần”. Thật là biết cười trên gian khó!                         
         Điều gì đã làm nên sức mạnh bản lĩnh của cô phải chăng bên cạnh nét đẹp của một tâm hồn đáng yêu, đầy chất nữ tính ấy còn là một Phương Định dũng cảm, gan góc vượt lên mọi hiểm nguy. Sau những đợt thả bom của giặc, Định cùng đồng đội chạy lên cao điểm để làm nhiệm vụ. Không gian lúc đó vắng lặng đến phát sợ. Nhưng cô không hề sợ hãi. Cô có cảm giác như các chiến sĩ đang dõi theo mình, vì vậy mà cô cảm thấy an tâm hơn. Cô quyết định không đi khom, bởi một lý do rất đơn giản “Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đường hoàng mà bước tới.” Cảm giác ấy vừa thể hiện lòng tự trọng, vừa là ý chí mạnh mẽ giúp cô dũng cảm vượt qua mọi hiểm nguy. Đối với cô,       cái chết thì cô có nghĩ đến nhưng lại là “một cái chết mờ nhạt, không cụ thể”, mà cô quan tâm nhất là liệu bom có nổ hay không, không thì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai, cô luôn đặt nhiệm vụ của mình lên hàng đầu. Và trong những lúc phá bom như vậy, ta vẫn còn thấy thấp thoáng cái sự nhạy cảm, tinh tế trong cảm xúc của cô, “một tiếng động sắc đến gai người, cứa vào da thịt tôi. Tôi rùng mình và bỗng thấy tại sao mình làm quá chậm. Nhanh lên một tí! Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành.”, phải là một người bình tĩnh gan góc mới có được những cảm nhận chân thực như vậy. Chính những lúc đó, ta mới thấy được cái sự dũng cảm đến lạ thường của cô gái.
         Mạnh mẽ kiên cường, liệu tình cảm trong cô có khô khan? Không! Tình  đồng đội dành cho chị Thao và Nho mới ấm áp làm sao? Cô lo lắng cho chị Thao và Nho lên cao điểm chưa về đến nỗi “nói như gắt vào máy” khi đại đội trưởng hỏi tình hình. Cô hiểu chị Thao và Nho như biết về những chị em ruột thịt. Còn với Nho, cô em út của tổ trinh sát thì Phương Định rất muốn bế trên tay “trông nó nhẹ mát như một que kem trắng”. Biết bao trìu mến, yêu thương trong cái nhìn ấy. Khi Nho bị thương, cô vỗ về và chăm sóc tận tình: “moi đất, bế Nho đặt lên đùi” “rửa cho Nho bằng nước đun sôi trên bếp than” “tiêm cho Nho” rồi “pha sữa trong cái ca sắt…”.  Đặc biệt, cô dành tình yêu và niềm cảm phục cho tất cả những chiến sĩ mà cô gặp ngày đêm trên con đường ra mặt trận. Với cô “những người đẹp nhất, thông minh, cam đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục có ngôi sao trên mũ”. Tình cảm ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho cô để cô hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.          
         Bằng việc sử dụng ngôi kể thứ nhất chân thực, linh hoạt, cốt truyện đơn giản, tình huống truyện hợp lý và việc sử dụng nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật đặc sắc, “Những ngôi sao xa xôi” đã ca ngợi vẻ đẹp của những cô gái đã Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng” (Tố Hữu). Mang nét trẻ trung của một tâm hồn trong sáng, hồn nhiên và đầy mơ mộng nhưng lại là một cô thanh niên xung phong dũng cảm, gan dạ, sâu sắc tình đồng đội, Phương Định xứng đáng là đại diện của thế hệ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ.
         Những ngôi sao xa xôi”, những con người được ví như những vì sao lấp lánh giữa bầu trời đêm. Một thứ ánh sáng không rực rỡ mà sáng trong, tưởng như xa mà lại rất gần, “xa xôi” là bởi vì phải ngắm nhìn thật kỹ thì mới có thể thấy được những tâm hồn cao đẹp ấy. Ba cô gái thanh niên xung phong đặc biệt là Phương Định, trái tim hồng của cô, “ngôi sao xa xôi” mãi mãi lung linh, toả sáng lấp lánh trên đỉnh cao Trường Sơn, xa xôi mà gần gũi trong lòng yêu thương cảm phục của mọi người, mọi thời đại như lời thơ: 
                Đêm đêm, tâm hồn em tỏa sáng
Những vì sao ngời chói, lung linh...”
                            (Khoảng trời hố bom - Lâm Thị Mỹ Dạ)
                                                                      
           Bài 2: Vẻ đẹp người chiến sĩ qua bài thơ tiểu đội xe không kính.  

    Nguyễn Thị Bích Trâm 
             
     Thấm thoắt đã ba mươi hai năm kể từ ngày đất nước thống nhất. Cuộc sống thanh bình, ấm no và hạnh phúc hôm nay đã đánh đổi bằng xương máu của bao thế hệ cha anh. Vẫn còn âm vang đâu đây không khí hào hùng của những trận tuyến chống quân thù.Và hình ảnh một Trường Sơn hùng vĩ mang chí lớn của biết bao người con trung dũng kiên cường lại  như hiện về trong ký ức trong lòng ngưỡng mộ của bao thế hệ. Nhà thơ Tố từng ca ngợi những con người quả cảm ấy
                         Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
                         Mà lòng phơi phới dậy tương lai
         Qủa đúng như thế, một Trường Sơn ác liệt đạn bom, một Trường Sơn đầy chông gai thử thách là nơi để những chàng “Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi” làm nên những kỳ tích. Trên những con đường Trường Sơn cheo leo, hiểm trở đầy mưa bom bão đạn, những đoàn xe vận tải lương thực, khí giới vẫn chạy  băng băng phục vụ cho chiến trường Miền Nam.  Điều kỳ diệu ấy có được bởi vẻ đẹp tinh thần, tình cảm của những người chiền sĩ lái xe. Chất thơ trong hiện thực đầy khốc liệt đã được đưa vào thơ từ hồn thơ nhạy cảm của nhà thơ Phạm Tiến Duật qua “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”.
Không có kính không phải vì xe không có kính
..........................................................
Chỉ cần trong xe có một trái tim.  

Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

194/ PHÂN TÍCH TÁC PHẨM "CHUYỆN NGƯỜI CON GÁI NAM XƯƠNG"


            Trong văn học Việt Nam đã có không ít tác phẩm mang tên gọi truyền kì hoặc mang tính chất truyền kì, song được tôn vinh ” thiên cổ kì bút ” thì đến nay chỉ có một Truyền Kì Mạn Lục của Nguyễn Dữ.
           Trong tập truyện ấy, tác phẩm  Chuyện người con gái Nam Xương được xem như đặc sắc nhất  vì đã khắc họa thành công số phận của người phụ nữ dưới chế độ xưa.
          Nhân vật chính của tác phẩm là Vũ Nương đã để lại trong lòng người đọc niềm cảm thương sâu sắc. Vũ Nương, một thiếu phụ đức hạnh vẹn toàn phải chịu nỗi oan khuất đành phải chọn cái chết để giải tỏ.

193/Tiễn em vào đaị học



                                                               
                                                            Tặng một học trò của tôi


Em lên tàu vào một buổi chiều thu
Tôi đứng lặng dưới sân ga, lá bàng rụng đỏ...
Tàu đưa em qua bao miền nắng gió
Đến với giảng đường đại học ở phương Nam.

Tôi trở về với kí ức thời gian
Trong đám học trò em hiện lên rõ nhất
Bởi ở em có một điều rất thật
Gia đình nghèo em lại biết vươn lên...


Mai em bước vào buổi học đầu tiên
Xin chúc em những điều tươi đẹp nhất.
Nhưng em ạ, thời gian như chớp mắt.
Hãy cố gắng hết mình, đừng một phút lãng quên.

Tôi qua rồi cái tuổi hoa niên
Mà nỗi nhớ tuổi học trò vẫn còn như lửa...
Một sắc phượng hồng vấn vương trên cỏ
Gửi theo em vào lớp sớm mai này...

Rồi cuộc đời em sẽ mãi bay xa
Em sẽ tới những chân trời cao rộng.
Hãy nhớ nhé, cậu học trò bé bỏng
Nghĩa thầy cô sâu nặng ân tình.

   Hoàng Thị Thúy Nga-trường THCS Trần Phú -Phú Ninh                                  

192/ THẦY TÔI


                           
                                Tặng thầy Phạm Xuân Trí


Hơn ba mười năm đứng trên bục giảng
Hoa phấn rơi điểm bạc mái tóc thầy
Chăm sóc cây đời không một phút nghỉ tay
Tuổi tròn sáu mươi thầy về dưỡng sức

Chẳng thể nào quên những tháng ngày cơ cực
Sắn lát, bo bo bầu bạn với măng rừng
Vất vả, nhọc nhằn cõng nặng trên lưng
Vẫn động viên nhau không rời bục giảng


Đốt cháy tim mình thầy làm nên ánh sáng
Cho các em đi khỏi lạc lối đường dài
Rút hết ruột tằm thầy gởi tương lai
Bao học trò lớn khôn đi mọi miền đất nước
  
Giữa chợ đời bon chen xuôi ngược
Người ta rao bán, rao mua chẳng thiếu thứ gì
Chỉ có một điều thầy dạy con ghi
Chữ “Nhân” làm người con ơi giữ lấy...

Giữa bão táp cuộc đời thầy tôi vẫn vậy
Độ lượng, hiền từ, giản dị, thanh cao.

Huỳnh Cẩn -trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm

Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

191/ Vấn đề học văn của học sinh hiện nay


Tôi có đọc bài: “Học văn - thực trạng cần báo động” của tác giả Khánh Hòa đăng trên báo Giáo dục và Thời đại - số 147 (trang 9). Tôi đồng ý với nhận xét của tác giả Khánh Hòa nêu ra: "Học sinh bây giờ không thích học văn", tác giả có dẫn giải đư­a ra một số dẫn chứng để chứng minh, thống kê bằng con số: 50% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông không biết viết một bài làm văn theo đúng yêu cầu, viết sai chính tả, ngữ pháp, câu văn không gãy gọn. Luyện khá kỹ các thao tác văn nghị luận chứng minh, giải thích, bình luận, v.v... vậy mà tất cả vô hiệu hóa...
Sau đó tác giả nêu nguyên nhân học sinh không thích học văn: thờ ơ, coi th­ường môn văn (có cả các bậc phụ huynh), thực dụng với những ngành học mà sau này làm ra tiền...Đọc bài của tác giả Khánh Hòa có nhiều thầy cô giảng dạy bộ môn Ngữ văn thấy đau xót vô cùng về thực trạng học văn của học sinh phổ thông hiện nay, không những không thích học mà còn rất lư­ời. Bởi vậy "vấn đề học văn của học sinh phổ thông cần đư­ợc bàn thêm".

Tôi rất thông cảm với tâm trạng của tác giả Khánh Hòa và góp thêm một số ý kiến về thực trạng học văn của học sinh hiện nay: rất lư­ời, bài không soạn (có lớp đạt con số kỷ lục 70% - 80%). Khi hỏi bài soạn đâu có em thản nhiên trả lời: “để quên ở nhà”, thầy cô bảo cho về lấy thì các em lấy lý do là nhà ở xa, v.v... Chẳng những thế câu trả lời còn thiếu từ "em" là chủ ngữ, vở ghi chép lung tung, có bài ghi một phần rất nhỏ xong để đấy, đa số ghi chữ được chữ chăng, không chú ý nghe giảng, thích cười đùa nói chuyện mất trật tự hay nói tục chửi bậy (thậm chí có em ghi một quyển cả văn, toán, ngoại ngữ...), ý thức học tập rất yếu. Tuy vậy, có một số em thích học văn, con số này chiếm tỷ lệ rất nhỏ, đa số là các em nữ. Có nhiều em một câu ca dao rất quen thuộc, hay câu thơ cũng không biết, nh­ư câu:
"Thuyền về có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền".
Khi gọi các em lên đọc bài, có em đọc từ “về” thành từ “tôi”, từ “thì” thành từ “ta”, không hiểu các em cố tình xuyên tạc đi nh­ư thế hay là các em không thuộc bài, làm cho câu ca dao mất cái hay, cái vẻ duyên dáng trữ tình, sai lệch cả nội dung - nhiều thầy cô kêu ca không chịu nổi, tức "anh ách", ấy là tôi chư­a kể đến vấn đề các em phân tích nội dung và nghệ thuật của câu ca dao, đã có em phân tích theo kiểu: “chữ tác ra chữ tộ - i hi ra ô hô” làm sai lệch nội dung câu ca dao đẹp như­ vậy, hay nh­ư vậy? Thật đáng buồn.Còn kiến thức để làm bài tập làm văn thì ra sao? Rỗng tuếch. Khi thầy cô ra đề, lần nào các em cũng kêu là đề khó (kể cả đề dễ). Các em chỉ thích các thầy cô "bầy cỗ sẵn' để "chọn miếng ngon ăn" - các em thích có dàn bài thầy cô làm sẵn còn các em chẳng chịu làm dàn bài bao giờ, cho nên kết cấu bài văn không chặt chẽ, ý không lôgic là thế hoặc giở tài liệu có sẵn ghi chép vào bài làm (chép những chỗ gần giống vào bài).

Thật vô cảm, không chịu động não suy nghĩ gì cả. Học bài thì dập khuôn, làm bài thì thiếu hình ảnh và từ ngữ hay, thích sao chép làm cho bài văn thiếu sinh động, mất vẻ đẹp m­ượt mà, trong sáng. Trên tờ giấy chỉ là những con chữ, dòng chữ giấy trắng mực đen thật khô khan, không có hồn. Khi diễn đạt câu ca dao “Ai ơi bư­ng bát cơm đầy”, có em diễn đạt thật ngô nghê, diễn nôm, câu viết dài dòng, lặp từ... Ví dụ "đây chính là lời khuyên mà ngư­ời nông dân nói với mọi ng­ười rằng họ lao động vất vả lắm mới có bát cơm đầy, nên phải nhớ ơn họ khi b­ưng bát cơm đầy". Học sinh chư­a thấy đ­ược việc học văn là để giáo dục lý t­ưởng, tình cảm, bồi dư­ỡng tính nhân bản, nhân văn của con ngư­ời.Theo tôi, việc học sinh phổ thông hiện nay không thích học văn, l­ười học có một số nguyên nhân sau:

- Học sinh ít đọc sách, không chịu học bài, soạn bài để tăng thêm vốn sống, vốn văn học, vốn hiểu biết để thấy đư­ợc cái hay, cái đẹp của văn chư­ơng.
- Thời đại công nghiệp điện tử phát triển, các em bị cuốn hút vào các chư­ơng trình Intemet, trò chơi điện tử, các đĩa hát, băng nhạc...
- Thời kỳ kinh tế thị trư­ờng làm cho con ng­ười thực tế và thực dụng hơn với các bộ môn khoa học tự nhiên dễ kiếm ra lợi nhuận...
- Ý chí học tập của học sinh chư­a cao, chư­a có quyết tâm và ý chí tiến thủ, ch­ưa say mê.Rõ ràng học sinh phổ thông hiện nay ch­ưa thấy đ­ược tác dụng của việc học tập bộ môn ngữ văn là cần thiết cho việc giao tiếp hàng ngày, cho việc diễn đạt hành văn các bộ môn khoa học khác như­ toán, lý, hóa, sử, địa... nhất là những bộ môn sử dụng nhiều đến lý thuyết rất cần cách diễn đạt lập luận rõ ràng.
       Hơn nữa các em ch­ưa thấy đ­ược tầm quan trọng của câu nói "Văn học là nhân học" nghĩa là văn học là khoa học về con người, tức là học cách làm ngư­ời, nên việc học tập bộ môn Ngữ văn bị các em chểnh mảng hoặc lãng quên.

Sưu tầm

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

190/ Nợ



Khi người ta bảo em điên
là lúc em khôn
Nơi tinh tuý tận cùng sự thông minh
em hiểu
Em yêu anh nhiều như thế
Gai hoa hồng đâm giọt máu chảy thành thơ 

 

Khi người ta bảo em khôn
là lúc em điên
Trong vật vã, cuồng say, quắt quay
em biết
Em yêu anh nhiều biết bao

Em là kẻ tử tù chẳng trốn khỏi nhà lao
Tự cài then, còng tay ngồi chờ bản án
Là hành khất lỡ đường chẳng còn gì để bán
Em bán trái tim mình
Anh nợ suốt đời anh




Vũ Thanh Hoa

189/ Phố thở



mở cửa ngày 
sáng nghe phố thở 
những bàn chân len chen bước 
những bánh xe quay vòng 
quay vòng 

những mặt người kín mít khẩu trang 
tay đeo găng 
đầu bảo hiểm 

tiếng còi xe xé thượng tầng khí quyển 
chuông điện thoại thăng trầm 
thăng trầm 

em lẫn vào thế giới mộng du 
múa theo điệu valse của nộm 
cười nụ kỹ thuật số 
phát âm lập trình 
lập trình 

rót nắng ngập đáy ly ngày 
ngày rơi 
đáy rỗng 

trả khói bụi về màn hình computer trắng 
đêm nghe phố thở 
em lạc trong giấc mơ anh…

Vũ Thanh Hoa

Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2013

188/ CỬA SỔ



Cửa sổ để em nhìn vào khoảng trống
Để mở ra trời nắng
Để khép lại trời mưa
Và trong những ngày sương mù
Em chờ anh gõ cửa
Dẫu rằng em không còn anh nữa
Hề chi mà buồn với lẽ ở – đi
Hề chi mà đau
Hề chi mà xa xót
 Em- những ngày mộng mị
Là những ngày trống vắng niềm tin
Ô cửa sổ vẫn sơn màu xanh
Vẫn vì anh mà xanh
Và trong cơn mưa lá rũ không đành
Em ngồi hát lời cây từ cửa sổ
Ngay cả lúc nỗi đợi chờ tan vỡ
Em nghiêng đời em qua mỗi chấn song
Trên trời cao còn có một dòng sông
Còn tha thiết yêu một vì sao lạc

Em dẫu không còn anh
Dẫu là anh đã khác

Rồi hư ảo như trời
Rồi cứ thế căn phòng vừa khép cửa
Người mở lòng ra mà bước tới không cùng.

Tác giả: Bình Nguyên Trang

Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2013

187 ME ƠI !




Gà gáy
Me trở dậy
nhen lửa ấm sớm ngày
ngồi đợi bình minh.

Bóng chiều ngả mình
dáng me gầy lá đổ
đoạn từng nhánh  củi
phơi giàn  đầy
quên thân cò một đời lặn lội
hoàng hôn cần những phút thảnh thơi

 Đông đang qua me nào có biết
xuân các con vắt kiệt nhựa mai già
Con của me đã giờ ở nơi xa
cửa  rộng nhà cao  rộn ràng phố xá
Me chẳng muốn xa vườn xưa quê cũ
chẳng muốn dùng bếp điện, bếp ga
chẳng bỏ được thói quen dậy sớm
chẳng thể nào không tiếc cây củi tươi.

Me không là me
Chúng con chẳng bằng cát bụi… Me ơi !

Nguyễn Thị Bích Trâm

186/ CHÂN DUNG NGƯỜI THẦY



                           Kinh tặng thầy giáo Ninh Văn Thới Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi

Trọn một đời đến lớp,
                          Không phấn trắng bảng đen.
Bục giảng là sân bãi,
                          Tràn ngập ánh nắng vàng.
Giọt nắng cứ long lanh,
                          Làn da ngăm ram ráp.
Mồ hôi rơi thánh thót,
                          Ướt đẫm lưng áo thầy.
Niềm vui lại đong đầy,
                          Rộn ràng mùa Hội Khỏe.
Thầy như là mãi mãi,
                          Trẻ lại tuổi đôi mươi.
Tươi rói những nụ cười,
                          Ngời niềm tin chiến thắng.
                          ****
Làm sao cho ánh nắng,
                          Đừng tắt lúc chiều tà?
Hoàng hôn đừng vội vã,
                          Để ngày buồn rưng rưng.
Làm sao níu mùa xuân,
                          Trên cành mai nở rộ?
Hạ ơi đừng đi vội,
                          Cánh phượng hồng buông rơi.
                          ****
Thời gian cứ mãi trôi,
                          Dòng người cứ hối hả.
Thời gian như ngọn gió,
                          Thổi qua đời mênh mông.
Vẫn mãi là sông dài,
                          Vẫn mãi là biển lớn.
Bóng dáng thầy chiều sớm,
                          Vằng vặc nơi mái trường.
Để lòng ai vấn vương,
                          Để tình thương dào dạt.
Một chiều nghe câu hát,
                          Lòng bồi hồi xốn xang!

Phạm Thị Sen (Nguyễn Văn Trỗi)

185/ CÔ BÉ BÁN DIÊM - TIẾNG LÒNG ĐỒNG VỌNG


                      Soạn giảng Cô bé bán diêm*
                      Ngoài kia trời đã sang đêm lâu rồi.
                      Đêm xuân phẳng lặng như tờ,
                      Mà sao trang viết từng lời xốn xang.                 


                      Chuyện kể thời An-đec-xen,
                     Có em bé gái bán diêm giao thừa.
                     Rao hoài người chẳng ai mua,
                     Que diêm cháy-tắt, một đời thiên thu.

                     
                   Chuyện kể một chiều hôm nao,
                     Tôi gặp em bé giọng rao buồn buồn.
                     Người ta bán đất, bán rừng,
                     Em lùng khắp chợ bán từng lọn rau.
                     Ngày xuân áo mỏng cánh nâu,
                     Tiếng rao lạc giữa Hà Châu mịt mùng.
                     Thương em mua bó rau rừng,
                     Mua cho em cả bão bùng ngày thơ.
                     Bát canh tím sẫm mồng tơi,
                     Mà sao mặn chát giọt mồ hôi em.



                    Chuyện kể thời An-đec-xen,
                    Và chuyện tôi kể về em một chiều.
                    Bài giảng chất chứa thương yêu,
                    Tiếng lòng đồng vọng hai chiều thời gian.




*Cô bé bán diêm: Truyện ngắn của nhà văn An-đec-xen, SGK Ngữ văn 8, tập 2
                                                                
                                                    HỒ VĂN HIỆP                                     
              (GV trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, Phú Ninh, Quảng Nam)

Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

184/ MỘT SỐ HÌNH ẢNH DÃ NGOẠI Ở BIỂN TAM THANH CỦA TRƯỜNG THCS NGUYỄN HIỀN

      Ngày 8-3-2013 -một ngày thật đẹp trời trường tôi tổ chức tham quan dã ngoại ở bãi biển Tỉnh thủy Tam Thanh . Sau phần nghi lễ chúng tôi bắt đầu chương trình ca nhạc và ẩm thực .Không khí thật sôi nổi ,vui vẻ và cũng rất  đầy tâm trạng qua những  ca khúc  về chủ đề tình yêu và biển ... trong một dàn nhạc vô cùng hoành tráng. Chương trình ẩm thực được tổ chức gọn nhẹ mà nhiều lần nhưng rất khoái khẩu với những món hải sản đặc biệt: ốc gạo ,cá hấp ,mực hấp , sứa trộn ...  Ra về  vẫn có ngừơi còn luyến tiếc "ngày 8-3 sao ngắn quá" . Một ngày  không thể nào quên.
      
               Ảnh do Thầy Ca Viết Hoàng cung cấp