Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2016

464/ NHỮNG CÁNH THƯ KHÔNG GỬI

     

 Bài đạt giải A -đơt  thi tham gia sáng tác với chủ đề “Biển, đảo trong trái tim em” -Trại sáng tác Văn học thiếu nhi các tỉnh thành phía nam năm 2016. 

          Nó xếp lá thư vừa viết xong còn nguyên mùi mực, vuốt góc cẩn thận rồi đặt ngay ngực trái. Xong rồi mới đặt vào bao thư. Nó lại nắn nót viết từng chữ hoa thật đẹp vào ô người nhận. Tỉ mẫn. Chăm chút. Như muốn dồn tất cả tình yêu thương, sự nhớ mong, lòng tự hào vào từng nét chữ ấy. Dán chiếc phong bì cẩn thận, nó đi về phía đầu giường, lôi ra một chiếc hộp nhỏ. Mở khóa. Nhẹ nhàng đặt bao thư vào đó cùng với 99 lá thư khác đã nằm ngăn nắp trong đó. Mỉm cười. Đây là lá thư thứ 100 nó viết cho ba.
          Nó – một con bé vừa tròn 11 tuổi. Nó sống với mẹ nơi thành phố phồn hoa đô hội. Tiếng còi xe inh ỏi. Tiếng ồn ào phố phường…Bao nhiêu âm thanh cứ trộn lẫn vào nhau mỗi ngày nhưng không làm sao át đi tiếng sóng biển vẫn vang lên trong lòng nó. Cứ mỗi dịp nghỉ lễ hay nghỉ hè, bao giờ mẹ cũng dẫn nó về quê nội. Quê nội nó là một ngôi làng nghèo ven biển miền trung. Ở đấy, những ngày hè nắng gió đến rát da. Còn những mùa mưa thì sóng vỗ ầm ầm với những cơn bão biển dữ dội. Ấy vậy mà nó lại yêu miền quê ấy đến lạ kì. Nó yêu những con sóng lăn tăn vỗ vào bờ cát mỗi sớm mai. Yêu những con cá, con tôm mắt sáng, trong xanh đến kì lạ. Yêu những buổi sớm mai ngồi nghe biển hát. Nó thích được ngụp lặn trong dòng nước mát lành ấy mà tưởng tượng như biển đang ôm nó vào lòng. Nó nhớ da diết những đứa trẻ đen nhẻm vì nắng và gió biển, nhưng nụ cười lại rạng ngời tỏa nắng…Đặc biệt, nó nhớ nơi ấy bởi ở đấy có người bà lưng còng, mắt mờ, ngày ngày chống gậy nhìn ra phía biển. Rồi lại chống gậy, men theo đồi cát, đến ngồi im lìm bên những ngôi mộ trên đồi. Bà thì thầm trò chuyện rất lâu. Rồi lại men theo đồi cát, đi về nhà. Nó vẫn thường hay theo bà mỗi khi về đó. Những lúc ấy, bà lại kể nó nghe bao nhiêu chuyện, những câu chuyện buồn, đã xa, xa lắm…Chuyện về ông, về ba nó, và về cả chính nó những ngày ấu thơ…
          Những buổi chiều như thế. Gió từ biển thổi vào phần phật. Mấy tàu dừa khô trước nhà xào xạc, xào xạc. Gió thổi tung mái tóc cắt ngang vai của nó. Nó nhìn mấy cọng tóc bạc phất phơ của nội mà thấy thương nội quá. Nội nhìn về phía biển lúc này đang nổi những con sóng bạc đầu bằng ánh mắt xa xăm. Tay nội sờ vào mấy tấm ảnh đã cũ. Rồi nội kể, giọng trầm hẳn đi: “Ông cháu ấy à! Ông đã từng là một người lính biển kiên cường đấy…” Bao giờ nội cũng bắt đầu như thế! Qua lời kể ấy, nó hiểu được nỗi nhớ của bà dành cho ông. Vâng! Ông là lính biển, một người lính thực thụ. Cả cuộc đời bám biển, chiến đấu với bao kẻ thù, ông chưa bao giờ chùn bước. Ông yêu biển, đồng nghĩa với việc ông luôn phải xa gia đình. Tuổi thanh xuân của bà là những năm tháng cô quạnh. Bà vò võ nuôi con một mình. Ông ra đi trong một trận chiến ác liệt với kẻ thù. Bà đau đớn đến tận cùng nhưng phải gắng gượng vì con. Rồi ba lớn lên. Tình yêu biển đã ngấm sâu vào máu thịt. Mặc cho người mẹ khóc lóc, van nài, ba vẫn quyết tâm nối tiếp nghiệp ông. Ba cũng trở thành một người lính biển.
          Một ngày của tám năm về trước – ngày nó lên ba. Một đứa bé ba tuổi, đầu quấn khăn tang, mặc bộ đồ tang trắng, tay cầm gậy đứng bên chiếc quan tài khiến bao nhiêu ánh nhìn ái ngại và thương cảm. Nó khóc… vì hôm nay nhà có nhiều người lạ quá! Mà ai cũng khóc! Tiếng kèn, tiếng trống ỉ eo đến não ruột. Mẹ nó rũ rượi, ôm nó khóc không thành tiếng. Nó đâu biết rằng đó là ngày buồn tủi nhất. Ngày nó mãi mãi không còn ba nữa. Nó khóc đó, rồi ngủ đó, có khi cười với người quen khi được cho cái bánh, cái kẹo hay một món đồ chơi đẹp mắt…Ba tuổi, nó chưa hiểu mất mát là gì!
Sau này lớn lên, qua những lời kể của nội, của mẹ, qua những hình ảnh và kỉ vật ba để lại, nó đã khắc sâu trong tim hình ảnh về ba. Trong tâm khảm, nó hình dung ba là người cao lớn, vạm vỡ, ánh mắt đen đầy cương nghị, nụ cười thật hiền và giọng nói thật trầm ấm, vang xa.
Tuổi thơ đi qua. Nó dần lớn lên. Nhìn chúng bạn có ba đón mỗi chiều tan trường, được ba và mẹ chở đi công viên cuối tuần mà nó thấy chạnh lòng. Nó nhớ ba da diết nhưng không buồn. Nếu có ai hỏi: “Ba đâu?” Nó sẽ trả lời đầy tự hào: “Ba tớ ấy à! Ba tớ đã từng là lính biển đấy”. Ngày ấy, ba gặp tai nạn trong một lần làm nhiệm vụ, rồi mãi mãi nằm lại nơi biển cả. Nội và mẹ tưởng không thể sống nổi. Nhưng rồi nhìn đứa con gái ba tuổi mắt đen láy, trong veo, cả hai đã cùng nhau đứng dậy, cùng nắm chặt tay nó. Lớn lên một chút, nó đã hiểu chuyện, đã biết những mất mát đau thương. Nó trở nên mạnh mẽ. Và tự nhiên nó yêu biển đến kì lạ. Những ngày ở quê, nó thường ngồi rất lâu bên bờ biển, nhìn ra xa. Nó di di bàn chân trên cát, để mặc những con sóng vuốt ve đôi bàn chân nhỏ. Thỉnh thoảng nó nằm sấp tai xuống cát để nghe những âm thanh u u trong ấy. Nó gọi đó là âm thanh của biển. Mẹ lại bảo: “Con lắng nghe đi, trong đó có tiếng thì thầm của ba”.
Nó bắt đầu viết những bức thư cho ba từ năm lớp 4. Nó đọc đâu đó trong sách nói rằng: “Nếu viết 1001 bức thư cho ai đó thì phép màu sẽ xuất hiện, người đó dù có đi xa cũng sẽ trở về”. Và nó tin và mong phép màu ấy sẽ đến. Trong những bức thư, nó thường kể với ba về những chuyện trên lớp, chuyện cái Bích khóc nhè, chuyện thằng Tuân giật bím tóc, nhiều nhất vẫn là khoe những điểm 9, điểm 10 nó đạt được. Có hôm, nó thấy mẹ nhìn ảnh ba rồi khóc. Nó lại viết cho ba…Nó biết mẹ nhớ ba, như nỗi nhớ trong lòng nó vậy. Nó về thăm nội, chạy ù ra biển, chụm tay lên miệng rồi hét to : “Ba ơi! Con đã về thăm ba đây!” Sóng cuốn những lời của nó ra xa, xa mãi… Trên không trung những con hải âu trắng bay là là nhịp cánh. Người ta vẫn bảo, khi người lính biển ngã xuống họ sẽ hóa nên những chú hải âu. Hải âu bay lên cao nhưng vẫn bám biển muôn đời. Có lẽ trong những cánh chim kia có một đôi cánh là của ba nó….
Đêm ấy, nó lại thức khuya, nhìn ra phía biển, nhìn về phía xa, nơi có những ngọn hải đăng đang chiếu sáng vằng vặc . Nó lại ngồi viết những dòng thư cho ba. Lá thư thứ 101… Những cánh thư không bao giờ gửi…
“Ba thương nhớ! Chiều nay con lại về với biển, về với ba. Biển vẫn xanh và nước muôn đời vẫn mặn ba nhỉ? Cát dưới chân con vẫn vàng giòn. Những con còng cát vẫn chạy dài trên bãi. Con đã chạy theo chúng đến mỏi nhừ cả chân ba ạ! Biển chiều nay thật êm. Con đã nằm thật lâu để mặc những con sóng vỗ vào mặt, vào mình. Con biết biển đang thay ba ôm con vào lòng. Lời thì thầm của biển phải chăng là lời thì thầm của ba. Con không buồn đâu ba ạ. Con biết ba vẫn ở ngoài kia, ba hóa thân thành ngàn con sóng vỗ….Ba là những cánh hải âu trên cao xanh bao la kia…Con đã lớn lên từng ngày bằng tình yêu thương của mẹ, bằng lòng mong mỏi của bà. Con được bồi đắp lòng yêu biển quê hương bằng những chiến công của ông và của ba. Con tự hào vì con có ba. Bên con vẫn còn có bao nhiêu trái tim đồng lòng hướng về biển cả. Dân quê mình vẫn bất khuất kiên trung. Ba ạ! Bài học hôm nào cô giáo dạy con vẫn nhớ. Biển quê hương mình vẫn vất vả gian nan…Con yêu ba, yêu biển quê mình. Con biết nơi trời cao xanh thẳm kia, ba đang mỉm cười nhìn con. Những chú hải quân vẫn ngày đêm bảo vệ ngư dân bám biển. Như những đàn hải âu kia vẫn là là nhịp cánh mỗi ngày trên biển phải không ba? Con sẽ còn viết nữa những dòng thơ về biển, về ba...Bây giờ con đã biết sẽ không có phép màu nào nữa nhưng con vẫn sẽ viết, con tin sẽ có một điều kì diệu xảy đến với mình. Khi nào biển còn là ba vẫn bên con. Những con sóng bạc đầu nghìn năm vẫn không thôi vỗ nhịp. Và nhịp đập trái tim ba đã hòa vào nhịp của sóng phải không ba?...”
Nó gấp lá thư lại, nhẹ nhàng đặt lên ngực trái, cẩn thận như mọi lần… Ngoài kia, trăng đã lên cao lắm. Trăng như chiếc mâm vàng khổng lồ soi sáng cả mặt biển mênh mông. Gió hát lời ru của biển. Gió cùng sóng mang những lời thì thầm từ trái tim bé bỏng của nó ra xa, xa mãi nơi biển khơi.

        (Nguyễn Lương Hoàng Diễm – học sinh lớp 7/1, trường THCS Lê Quý Đôn, Phú Ninh, Quảng Nam)

463/ HAI TÁC PHẨM DỰ THI CỦA LÊ NGUYỄN MAI LINH.

                                         

                                   Biển đảo mùa thu 


       Tác phẩm đạt giải B - Trại sáng tác Văn học thiếu nhi các tỉnh thành phía nam năm 2016 với chủ đề “Biển, đảo trong trái tim em”


                   
                                   
                                 Thấm thoắt mấy mùa thu đi qua
                           Nơi đây mẹ già ngóng chờ con nhỏ
                           Con biết không con hàng bàng trước ngõ
                           Đã bao lần thay áo đượm màu sân
                           Cái quả thơm ngon hạt cơm béo ngậy
                          Thương con ở vùng đảo xa xôi ấy
                           Mẹ biết con thèm, con nhớ biết bao
                           Hãy yên chí con trai bé nhỏ
                           Nơi đây mẹ vun trồng chăm sóc nó
                           Dẫu thời gian tóc mẹ đã bạc phơ
                           Mắt mẹ đượm buồn, giọt lệ thấm áo
                           Mong sao mẹ con ta đoàn tụ
                           Chỉ một ngày một ngày thôi con ơi!!

                          Mẹ biết:
                          Nơi xa xôi biển đảo của tổ quốc
                          Có hình hài máu mủ mẹ yêu thương
                          Ngày qua ngày lặng mình giữa sóng biển
                          Tóc hóa vàng, da ngăm rám nắng
                          Có sao đâu con trai của mẹ
                         Tổ quốc yên bình thắm một màu xanh
                          Nơi đảo xa vang tiếng gọi trong lành
                          Con thủy chung với một miền đất mẹ.
                    
                         Ở biển đảo có nghe thiên nhiên gọi
                         Gió thủ thỉ sóng thì thầm tai con
                         Đàn hải âu bay lượn giữa trăng tròn
                         Thấy chị Hằng khép mình cười e ngại.

                         Khi ngọn lửa thắp trên ngọn nến xanh ấy
                         Hãy nhìn về muôn dặm phía xa xa
                         Lẫn trong màu nước xanh ngọc ngà
                         Có nụ cười, ánh mắt mẹ già luôn dõi

                         Ở nơi ấy
                        Biển đảo là lòng mẹ
                        Bầu trời vòng tay cha
                        Khẩu súng là những món quà
                        Biết chăng…
                        Cánh diều no gió nhớ người lính biển

                        Ngày ra đi không một chút bàng hoàng
                        Nhịp đập trái tim đập cùng nhịp sóng
                        Mẹ tự hào con trai bé bỏng
                        Thông minh, dũng cảm, kiên trì
                        Hãy, luôn là lính ngã nhào sóng gió
                         Mẹ, hàng bàng mãi dõi theo con.
                                                     
                                                  Lê Nguyễn Mai Linh Lớp 8/1 THCS Lê Qúy Đôn-Phú Ninh

                                                 

                                          Giấc mơ biển cả.

            “Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa ngàn bão tố phong ba ta vượt qua vượt qua….mắt e nhìn theo  con tàu đi xa mãi, giữa nơi biển khơi đang nở rộ ngàn bông hoa san hô..”. Gió hây hẩy. Biển ru bằng những đợt sóng rào rạt. Những đốm sao lung linh như muôn vàn hạt kim cương nạm trên bầu trời của mặt biển yên bình. Tiếng hát và giai điệu trữ tình quen thuộc ấy  lại cất lên trong đêm thanh tĩnh. Tôi lại thèm ăn một củ khoai lang đất cát, một bát mì Quảng do chính tay mẹ nấu, thèm được bắt còng cùng lũ bạn, thèm được gặp một người.  Nhớ.
                                           *              *
                                                   *
           Cái làng chài cằn cỗi đầy nắng gió - làng chài ven biển Tam Thanh..”   Ngày ấy… Tuổi thơ tôi ngụp lặn với biển cả. Mẹ tôi - da đen láng vì làm muối để có tiền lo cho từng bữa ăn của chúng tôi. Ba tôi thì đi biển cả tháng mới về. Cả nhà tôi sống nhờ biển. Ở miền quê chỉ có cát vàng, biển xanh bao phủ, chúng tôi chẳng bao giờ được biết đến công viên, đồ chơi điện tử như bọn trẻ thành phố. Nhưng đời nào tôi buồn về việc đó bởi tôi tự hào hơn ai hết về cái tuổi thơ mộc mạc, bình dị. Bạn của tôi là một đám trạc  tuổi tôi, da ngăm đen, tóc cháy nắng. Con Hà, thằng Tí, thằng Tam và cả  cô bạn  Hoa đáng yêu nữa. Chúng tôi là bạn thân của nhau từ thuở biết bò, chơi với nhau, gắn kết với nhau như hình với bóng.
           Sau những buổi đến trường, chúng tôi thi nhau bằng cua bắng còng rồi có thể hòa mình vào dòng nước mát, từng gợn sóng trắng xóa nô đùa đập vào bờ quấn vào chân chúng tôi như hòa vào cuộc chơi lí thú. Trong đám chúng tôi, thắng Tí là người bơi giỏi nhất, nó thường nằm thả mình trên mặt biển như tấm đệm xanh êm êm... nhìn bầu trời. Tôi thích lắm, tôi thèm được như nó, một chút hứng thú với biển của tôi bắt đầu từ đây. Từ đấy tôi quyết tâm học bơi, hễ thấy bóng ba là tôi lại nhảy lên, ôm chặt cổ, vòi ba phải dạy tôi bơi. Và rồi  tôi bơi rất giỏi.
           Vào một buổi sáng đẹp trời. Chúng tôi rủ nhau ra biển tắm. Những làn sóng vỗ nhẹ vào bờ.Chẳng hiểu lũ bạn, hễ ra biển là nhảy “tùm” xuống nước ngay, còn tôi cứ từ từ, từ từ. Nước vuốt ve bàn chân ấm áp, thoải mái đến kì lạ. Cát dưới chân tôi cứ xoắn xoắn, tôi cảm giác như mình đang chạy, đang tiến tới chân trời phía xa, nơi mà ba tôi và các bác đang ngày đêm đánh bắt. Gió hiu hiu. Tôi choàng mình ngã xuống mặt biển êm ả, biển thì thầm tai tôi nhưng chả rõ nói gì, tôi thầm nghĩ là “chào buối sáng, anh bạn”. Đắm mình trong lòng bạn biển không được bao lâu. Chợt.. “Cứu tui với..!! Mấy người ơi cứu tui với..có ai không cứu cháu..!!!...Hượn ơi…” Tiếng kêu cứu, ai kêu cứu thế kia. Hoa, giọng nói đó là của Hoa. Tôi đứng  phắt dậy, nhìn xung quanh hét lớn “ Hoa, bà ở đâu????” Không hiểu sao lúc này chân tay tôi run lẩy bẩy. Nếu..nếu như biển cướp đi người bạn “quan trọng” của tôi thì…thì. Lũ bạn tôi cũng cuống cuồng lên, con Hà chạy tán loạn tìm, thằng Tí bơi ra phía ngoài kia, còn thằng Tam chạy đi gọi người lớn. Còn tôi, có lẽ mặt tái nhợt. Rối bời. Tôi cố lấy bình tĩnh, chợt thoáng thấy một cánh tay giơ lên. Không nghĩ ngợi gì, tôi phóng mình, bơi thật nhanh, chưa bao giờ tôi thấy mình bơi nhanh đến vậy. Tôi ngỡ như biển đẩy tôi, tiếp sức cho tôi. Vài giây sau tôi tới được và dìu Hoa vào bờ. Cũng may bọn tôi được dạy sơ cứu kĩ vì ở với nước nên Hoa Sữa cũng ko bị sao. Khi tỉnh lại, Hoa  khóc rồi lại cười. Chả hiểu sao lồng ngực tôi cứ đập thình thịch, nụ cười ấy, đôi mắt ấy chạm tới tim tôi. Rất nhẹ.
         Đêm hôm đó tôi không thể chợp mắt, mọi cảm xúc cứ bồn chồn khó tả. Ánh mắt cảm ơn đen láy của cái Hoa làm tôi không thở được.  Thế là tôi trốn nhà lẻn ra bờ biển. Lòng tôi nhẹ hơn. Tôi mắc bệnh “nghiện” biển, lúc nào cũng vậy. Hít thở hơi ấm mặn mà, tâm sự với biển rộng mênh mông. Biển như lẳng lặng lắng nghe, chốc chốc lại thầm thì trò chuyện. Lần này, tôi có hơi giận nhưng thầm cảm ơn biển đã mang đến cho tôi “một sự cảm nắng” tuyệt vời!
           Từ lần xảy ra tai nạn, lũ bạn ít thân với biển hơn. Tôi biết biển buồn lắm, biển đâu cố ý làm Hoa bị như vầy, đúng không? Đám bạn tôi, có lẽ chúng đã quá quen với việc nhìn thấy vỏ sò, ốc, cá..v..vv... Chúng ăn uống cũng thấy biển, học tập, vui chơi cũng thấy biển và cho đến lúc ngả mình trong chiếc chăn  ấm áp cũng rì rào sóng vỗ bên tai. Có thể, đôi lúc chúng cảm thấy chán nhưng riêng tôi thì không. Bởi biển chứa  như cuốn sổ nhật kí lưu giữ tuổi thơ tôi và chỉ có biển mới biết tình cảm tôi dành cho một người bạn...
           Tình yêu tôi dành cho biển gắn với niềm mong chờ ba tôi đi biển xa về. Cứ mỗi lần ba ra khơi, ngày nào tôi cũng nhớ và rất nhớ ba.  Tôi thầm mong cho sóng emm biển lặn ba đi về được nhiều cá mực. Vui nhất là những lúc vừa  cắp sách về tới nhà, tôi thoáng thấy con thuyền đang tiến về làng tôi. Tôi chạy quanh khắp làng, reo hò, thông báo ầm ĩ. Lũ trẻ chúng tôi chạy hết ra đứng vẫy tay, gọi lớn: “ Ba..Ba…baaaaa…”. Ba của chúng tôi đã về. Tôi nhìn thấy ba mình.. ba đã về “Mẹ ơi! Ba về rồi”..tôi kêu to. Tôi gọi mà lòng vui không tả xiếc. Ba vừa xuống thuyền, tôi nhảy vồ tới ôm ba, ôm chặt đến nổi ba không thở được.  Nhưng rồi ba lại đi đánh bắt. Có lần tôi nằng nặc đòi đi theo và ba không đồng ý vì sợ tôi không chịu nỗi chuyến đi dài ngày. Thế là tôi giận, tôi khóc, tôi bỏ cả ăn, cứ ủ rủ, tôi ra biển. Biển hiền hòa như chia sẻ cùng tôi mơ ước khám phá... Bỗng, một bàn tay chạm vào vai tôi “đi thôi con”. Giọng ba tôi đấy ư? Ba vừa bảo tôi đi cùng đấy ư?” tôi nhảy cẩng lên “yeahhh” một tiếng thật vang. Biển vỗ một làn sóng mạnh tung tóe như vui mừng cùng tôi.
        Chuyến đi cùng ba bắt đầu trong ánh mắt thèm thuồng của lũ bạn. Tôi ở với biển từ nhỏ, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được chồng chềnh trên biển. Con thuyền nhỏ trôi giữa đại dương mênh mông, bạn biển thật rộng và giờ tôi đang ở trong lòng bạn ấy. Tôi ngồi ở mui thuyền, nhìn quan cảnh. Ồ..những đàn hải âu tung cánh chao đảo khắp nơi, những chú cá nhảy tung,vẫy đuôi rồi lặng xuống biển. Chiếc thuyền rẽ nhánh nước biển, những làn nước trắng cuộn mình như đang nâng lấy con thuyền ba  tôi. Và  phía xa xa.. “ Đó là gì hả ba?”- tôi hỏi. “ Đó là nơi canh gác của các chú lính hải quân con à..”. Lính hải quân, tôi cứ nghĩ mãi ba chữ đó, tôi nhìn chằm chằm vào tòa tháp cao..mãi..không thôi.
           Màn đêm dần dần buông xuống, như gần trước mắt ông mặt trời dần xuống biển hệt ngọn nến sắp cháy hết.  Trời tối dần, tối dần, Chỉ còn những đốm sao lung linh đáy nước.  Ba gọi tôi vào ăn tối. Bữa ăn đầu tiên của tôi trên chiếc thuyền.   “Ầm” có gì đó va mạnh vào thuyền. Con thuyền rùng mình như sắp vỡ. Tôi hoảng sợ. Hình như con thuyền chạy nhanh hơn. Tôi nghe thấy tiếng la hét: "Bọn Tàu khựa" .  Tôi ngồi thu mình, qua khoảng hở của bong tàu tôi thấy lờ mờ  một chiếc tàu to như con chó sói khổng lồ đang hăng máu. Và rồi con thuyền  của ba tôi đã bị hỏng vì vết đâm lúc nãy. Tôi run chân, đứng bất động. Ba trấn an và mặc áo phao cho tôi, ba cố để chặn nước tràn vào thuyền. Tôi khẩn cầu, tôi chắp tay khẩn cầu bạn biển cho con thuyền của ba tôi được bình an. Nhưng không, con thuyền của tôi và ba đang chìm, từ từ. Ba phát tín hiệu cầu cứu, nhưng cái ý nghĩ non nớt, dại dột rằng mình sẽ chết cứ lẩn quẩn mãi trong đầu tôi. Trời đất quanh tôi tối sầm lại, thằng con trai dám đương mình cứu bạn giờ đang ôm chầm ba nó, khóc.. Tôi không khóc to, khóc ré.. tôi nấc lên, có lẽ v́ quá sợ đến nổi khóc không ra tiếng. “Thật là..Hượn dũng cảm của ba đâu rồi”- Ba tôi mỉm cười như không có gì xảy ra. Thế là tôi cố, rất cố gắng để bình tĩnh nhưng còn thuyền vẫn cứ chìm. Lúc tôi tuyệt vọng nhất, là lúc mà tôi nghĩ ba con tôi sẽ ra ði không lời từ biệt với mẹ và chị Hiên ở nhà. Rồi mẹ và chị tôi sẽ khóc ðến phát ngất, mẹ tôi sẽ ðau buồn mà ðổ bệnh mất vì bà rất yếu, chị tôi sẽ không được đi học vì thiếu thu nhập. Hix.. rồi lũ bạn sẽ nhớ tôi, và cả Hoa Sữa..tôi chỉ muốn hét lên đến mức bạn ấy có thể nghe được rằng “Tớ thích cậu. Thật đấy!” . Nước ngập dần, nếu không nhờ áo phao thì tôi đã chìm. Ba nâng tôi lên, ông bám vào cạnh cao của thuyền chờ cứu. Mắt ba đượm buồn, tôi nghĩ ba rất lo nhưng vì không muốn tôi tuyệt vọng nên ba ra vẻ vui, mỉm cười hiền từ. Có lẽ ba đã uống vài ngụm nýớc vì cố bảo vệ tôi. Lúc này, tôi mới thấm thía câu nói của Jack Baxter “Trên đời này có bao nhiêu chiếc lá thì bằng ngàn nấy lần cha yêu con”. Tôi vừa sợ biển nhưng cũng thầm cảm ơn vì biển đã cho tôi cảm nhận được tình cha, hằng ngày tôi lì lợm, tôi không nghe lời, nhưng lần này nếu may mắn thoát chết, tôi sẽ nghe lời ba mẹ, sẽ chăm học, không để ba mẹ buồn vì tôi nữa”. Tôi xin hứa, chỉ mong sao bạn biển nghe được nỗi lòng và cho ba con tôi được sống. Tôi cố sức bơi nhưng cũng đuối sức, mắt dần nhắm lại. Ba cứ nảy mạnh thân tôi rằng tôi không được bỏ cuộc. “Ba ơi,  con yêu ba”. Một ý nghĩ khác chợt chiếm lấy tâm trí tôi “tôi không được gặp lại bạn ấy ư ”.  Cứ ngỡ đây là câu nói cuối cùng của tôi, mắt dần khép lại,…Đột nhiên  một tia sáng lóe lên, ánh đèn rọi vào mắt tôi. “Cứu hộ ư ?” Tôi chỉ kịp nhoẻn miệng cười rồi chìm vào giấc ngủ..
       Lúc tỉnh lại, xung quanh tôi là những chú cảnh sát biển và các bác ngư dân trên thuyền của ba tôi. Ba tôi rất khỏe, ba cười với tôi, nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt đen sạm nắng gió. “Tôi đang ở nơi làm việc của các chú lính hải quân mà tôi đã được thấy từ xa đây sao, tôi vui lắm, tôi vui không tả xiết.. Đúng là trong cái rủi có cái may mà”- tôi thầm cười. Tôi cố mở mắt to để nhìn, các chú cảnh sát biển. Ôi các chú trông hiền hậu mà  dũng cảm lạ kì. Ba tôi bảo các chú đã rất vất vả, đuổi bọn Tàu khựa và cứu ba con tôi. Ôi! Những chú lính hải quân. Tôi muốn ôm chầm các chú. Tôi thầm cảm ơn biển, cảm ơn các chú! Tôi yêu những con cá tươi ngon, yêu những ng chuyến ra khơi,yêu những người ngư dân bám biển và giờ đây tôi  yêu người lính biển!
        Tôi và ba trở về trong sự mong mỏi của tất cả mọi người, đặc biệt là mẹ và chị Hiên. Cả nhà tôi ôm nhau, mẹ tôi khóc, mẹ mắng tôi. Mẹ bảo sẽ không cho ba con tôi đi đánh bắt nữa. Nhưng nói là vậy thôi, không đánh bắt thì nhà tôi lấy gì mà sống, mà còn phải bám biển nữa chứ, không thì bọn Tàu khựa thêm lộng hành.         . Ôi tôi muốn làm chú cảnh sát biển thông minh, dũng cảm, kiên trì cứu giúp mọi người, bảo vệ biển đảo quê hương, đất nước..
         Ngày chúng tôi phải đi, phải rời xa  ngôi làng để vào  thành phố để học đại học .Tôi không hiểu nổi cảm xúc của mình, có gì đó bồi hồi, xốn xang không muốn rời,   Mẹ và chị tôi cứ khóc hoài, ba nắm chặt tay tôi nhìn tôi thật lâu . Còn Hoa, tôi bạn nhìn tôi với ánh mắt đen láy kì lạ. Tim tôi đập bất thường.
                                              
                                                        *
                                                 *              *
            Giờ đây, tôi đã là chàng cảnh sát biển.
         Trời đêm đầu tháng tám, trăng như chiếc lá vàng đang trôi giữa dòng sông sao. Ánh sáng bàng bạc dát lên mặt biển những đừơng vân lấp lánh. Bất giác, tôi nhớ những đêm trăng cùng lũ bạn tìm còng. Đứng trên đảo nhìn ra biển khơi mênh mông, hình bóng quê nhà lại về trong nỗi nhớ! Bãi cát sóng xô mỗi sáng mỗi chiều. Tôi như tưởng tượng thấy hình dáng của cha tôi, mẹ tôi, chị tôi, của lũ bạn tôi ngày bé. Hoa của tôi giờ đã là cô giáo! Vẫn ánh mắt ấy, vẫn nụ cười ấy, nhưng giờ đã xinh xắn hơn xưa rất nhiều rồi. Hoa vẫn đợi ngày tôi về đất liền ….
        
          Tôi nhìn ra phía xa, nơi đường chân trời giờ như sợi chỉ mảnh. Tôi biết, khi bức màn đêm này được vén lên, thì ánh bình minh sẽ hé sáng chào ngày mới. Biển cả quê hương sẽ sáng chói dưới ánh mặt trời rực rỡ sớm mai. Những con thuyền này trở về…. Những con thuyền khác sẽ ra khơi. Cuộc sống cứ tiếp nối….  Dân quê tôi vẫn sẽ muôn đời bám biển. …Tôi sẽ luôn nhìn thấy ba tôi đứng trên mũi thuyền vẩy tay chào với  nụ cười tươi tắn nhất . 

                      Lê Nguyễn Mai Linh  Lớp 8/1 trường THCS Lê Qúy Đôn -Phú Ninh 



Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2016

462/ KHÁT VỌNG TỪ MỘT MÁI TRƯỜNG


             
          Thời gian là điều kiện trải nghiệm cho những  khát vọng vốn tiềm tàng ở một vùng quê  mang tên Phú Ninh. Mới đây thôi, đâu thể vẽ nên hình hài của một con đường bởi còn lắm gian truân. Nhưng mỗi chúng tôi, dường như, đã  lắng nghe hơi thở ấm áp, sự háo hức và nhộn nhịp của cuộc sống đã bắt đầu chuyển mình để đón chào một mùa xuân mới trên chính vườn ươm này– trường THCS Lê Qúy Đôn.  
        
             Một mô hình “vượt khó
             Lê Qúy Đôn là tên trường THCS đã có từ lâu ở Thị trấn Phứ Thịnh-trung tâm huyện Phú Ninh. Ngôi trường đã được hình thành sau nhiều năm thai nghén.
            Niềm  vinh hạnh ban đầu đã nhường chỗ  cho những lo âu -“vạn sự khởi đầu nan”- của hành trình dài  nhiều gian khó.Vì số lớp rất ít, mỗi khối một lớp, nên mỗi thầy cô phải đảm nhận giảng dạy nhiều khối lớp- vừa dạy chính vừa nâng cao,vừa bồi dưỡng. Tuy tiết dạy không nhiều nhưng vất vả thì vô kể vì điều kiện đi lại xa, giáo án nhiều loại và phải tự tìm tòi mày mò khung chương trình, tài liệu nâng cao, bồi dưỡng…   
        Trong bộn bề những lo âu, đội ngũ những người thầy cô giáo dạy các lớp CLC đã có được sự quan tâm đặc biệt: sự gần gũi, động viên tận tình của các cấp lãnh đạo huyện và phòng giáo dục, của  ban giám hiệu nhà trường. Sau 2 lần  được đi tham quan học tập ở trường chuyên THCS Nguyễn Khuyến– Đà Nẵng – chúng tôi mở rộng thêm tầm mắt và học hỏi thêm nhiều về kinh nghiệm chuyên môn. Chúng tôi yên tâm hơn khi được day nơi trường mới do nhân dân Mỹ tài trợ và huyện đầu tư. Hai dãy lầu  xếp theo hình chữ  L những được khoác bộ áo sáng  rực bởi màu vàng sơn  mới. Các phòng học  của các lớp chất lượng cao  đều được  trang bị bàn ghế mới, màn hình mới. Những phòng thực hành Lí, Hóa, Nhạc, phòng Tin, phòng Lab…được đầu tư những trang thiết bị mới nhất. Khu nhà ăn  cho học sinh các lớp CLC và giáo viên  đã được xây mới  rộng rãi đẹp mắt với đầy đủ các trang vật dụng của một nhà bếp có tính qui mô bền vững đáp ứng cho hàng trăm khẩu phần ăn hằng ngày.Chúng tôi càng phấn khởi bởi đối tượng hầu hết  học sinh ngoan, hiền, chăm học, phụ huynh rất quan tâm…
           Là một huyện vùng nông thôn nghèo còn rất nhiều khó khăn, sự quan tâm đầu tư cho các lớp  CLC  như thế đã là cả sự quyết tâm và ưu ái  của các cấp lãnh đạo đối với  con em nhân dân và sự nghiệp giáo dục của địa phương. Chúng tôi hiểu: “Đây quả là mô hình vượt khó rất đặc biệt của huyện nhà"

         “Vượt khó là có niềm tin”
           Tất cả vì mực tiêu chất lượng dạy học, dưới sự chỉ đạo tận tình của các cấp lãnh đạo nhất là sự chỉ đạo về chuyên môn của phòng giáo dục của ban giám hiệu, các thầy cô  tích cực, tìm tòi nâng cao tay nghề, ứng dụng công nghệ thông tin, vận dụng phương pháp dạy học tích cực, gây hứng thú cho học sinh. Đặc biệt công tác dạy nâng cao, bồi dưỡng học sinh giỏi, dần dần ổn định về khung chương trình và có sự đầu tư nâng cao về chất ở tài liệu giảng dạy.  
          Niềm hân hoan phấn khởi đã và đang rạng rỡ trên những gương mặt của  đàn em thơ và cả những người thầy cô giáo.  Đội ngũ những thầy cô các lớp CLC ngày càng đạt yếu cầu về số lượng và đều trên chuẩn, đặc biệt là có rất nhiều thầy cô giáo tuổi đời còn rất trẻ có năng lực và mang đầy tâm huyết. Có lẽ, các em học sinh cũng  phần nào cảm nhận trong từng ánh mắt, từng lời giảng những nỗ lực hết mình, niềm yêu thương, sự kì vọng, của các thầy cô giáo. Tất cả các lớp CLC rất hào hứng  với tinh thần thi đua trong mọi phong trào:“Hoa điểm mười” “Tiết học tốt” …
          Và rồi, những mùa thi đến.  Con số gần 30 học sinh đỗ vào trường chuyên của lớp chất lượng cao trong những năm qua là niềm vui của thầy và trò. Đặc biệt là năm nay trường có nhiều giải tỉnh và giải quốc gia. Niềm vui được nhân lên khi được nghe lời tâm sự của em Phạm thị Thảo Nguyên học sinh lớp 9 có hoàn cảnh khó khăn tâm sự: “Tự hồi nào đến giờ em không có điều kiện để học thêm. Về đây học, em  ở lại trưa ăn cơm nghỉ ngơi, chiều  được học  nâng cao, bồi dưỡng, cuối tháng còn được nhận thêm tiền trợ cấp. Em dành dụm mua sách vở, sửa xe đạp. Mẹ em rất yên tâm khi hai em được  học ở đây”. Em đã thi đỗ vào trường chuyên môn văn với điểm số cao nhất.
        Thế đấy, hạnh phúc biết bao khi chính những lớp học này đã,đang và sẽ  chắt chiu bao giọt mồ hôi của niềm vui nghề giáo, được vỗ về những tâm hồn  trẻ thơ mà đời thường nhật còn nhiều nỗi khổ, nuôi dưỡng ước mơ để chờ ngày tỏa sáng và bay cao bay xa đến chân trời mới.
         Có thể nói những thành quả đáng trân trọng của về chất lượng đại trà và nhất là mũi nhọn, phong trào trong hai năm học qua sẽ làm nền móng để tinh thần  dạy và học  năm học tới  thêm phần phấn khích.
          Kể từ có các chất lượng cao, hầu hết nhân dân trong huyện rất phấn khởi. Vốn là những ngừơi nông dân nghèo mang truyền thống thần hiếu học, khát khao có được môi trường  học tập tốt nhất cho con em mình của  người vùng quê Phú Ninh, nhất là những con em học giỏi đã thành hiện thực.  Chất lượng dạy học dần chuyển biến tốt. Cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Thúy Vy hiệu trưởng nhà trường, trong cuộc họp đầu năm,vui mừng nhận xét: “Chất lượng học lớp 9 trong năm nay có phần hơn những năm trước. Tuy nhiên, vẫn có nhiều em chưa thật sự xuất sắc nên rất cần sự tận tâm nỗ lực của các thầy cô." Và như vậy cũng đồng nghĩa với việc con đường dạy học của thầy trò các lớp CLC  trong năm nay và năm đến vẫn còn lắm gian nan và vụ mùa nặng chùm chắc hạt vẫn còn trong đợi chờ…
         Cũng có thể có rất nhiều người  không tán thành với  con đường mà Phú Ninh  đang lựa chọn cho  sự nghiệp trồng người - một con đường còn đầy gai góc. Đường là do con người tạo ra. Nhưng liệu đi mãi có thành đường không? Hơn 2 năm, một quãng thời gian khá ngắn  để đánh dấu sự vươn lên  của các lớp CLC ở  ngôi trường mang tên Lê Qúy Đôn cũng là  một quãng thời gian đủ để tạo nên những đổi thay từ giá trị vật chất đến tinh thần, sự cảm nhận của tâm hồn con người. Và  phía trước đã có ánh sáng của vừng dương để Phú Ninh tự tin hơn trên con đường về phía ánh mặt trời bởi  “Hãy đi sẽ đến, hãy tìm sẽ gặp.” Tin rằng, nơi đây sẽ  là ngôi nhà đầu tiên, là vườn ươm mầm cho những tài năng, là một nấc thang vững chắc, đã và đang thắp sáng những niềm tin và chắp cánh những ước mơ vươn tới tương lai cho tuổi thơ vùng quê nghèo hiếu học.  






 Nguyễn Thị Bích Trâm



461/ CÁI HOA - TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN MẬU HÙNG KIỆT

Link cố định 

       Nguyễn Mậu Hùng Kiệt

     Được tin cái Hoa con chị Thao mất, tôi đưa vợ con về xóm cây Thị, trước là để thắp cho con bé nén nhang, sau nhân tiện ghé thăm bà ngoại mấy đứa nhỏ. Thật ra, đây không phải là điều bất ngờ đối với tôi cũng như bà con trong xóm. Bởi gần hai mươi năm, kể từ ngày chào đời, cái Hoa vẫn nằm thỏng thượt, khóc cười, vui buồn không một ai biết được. Mỗi khi nhìn chị Thao vát cái thân thể dài ngoằng, ẻo lả của cái Hoa dạo xóm, không ai lại không ái ngại. Có người còn độc mồm, độc miệng bảo: “Giá như con bé sớm chết đi thì tốt biết mấy!”. 




Hình như lâu lắm rồi người ta không còn truy cứu trách nhiệm về cái người đã sinh ra nó. Ngày tôi mới về làm rể ở cái xóm nhỏ hiu hắt, buồn vắng này đã nghe người ta kháo nhau về người cha của cái sinh linh tội nghiệp đó. Thật ra, tôi chẳng hiểu mô, tê, răng, rứa chi cả. Người trong cuộc còn không hiểu nổi, nói gì đến tôi. Người ta nói nhiều, thậm chí đặt điều về chị Thao cũng một phần do cái Hoa khi ra đời đã không bình thường như bao đứa trẻ khác. Người thì nói như đinh đóng cột: “cái Hoa là con của anh Phồn ở xóm Núi chứ còn ai!”, kẻ thì bóng gió: “Không lẽ... là người trong nhà nên trời bắt tội ?”. Vân vân và vân vân.... Anh Phồn thì tôi biết. Anh là bộ đội xuất ngũ về sống thui thủi một mình trong xóm Núi. Gia đình chẳng còn ai. Anh là người cô độc, lầm lì, ít nói nhưng sống trung thực và có tình. Người ta đổ tội cho anh vì cứ nghĩ cái Hoa là hậu quả của người có nhiễm chất độc màu da cam. Mà anh thì đã từng vào sinh ra tử ở những vùng địch thả chất độc huỷ diệt trong những năm chiến tranh khốc liệt. Hơn nữa, điều đáng ngờ là chị Thao thường vào xóm Núi để chặt củi, bắt ốc. Còn cái chuyện trong nhà, ngoài ngõ gì đó thì tôi chịu! Tôi nghe vợ nói, chị Thao cũng là người không có cha, còn mẹ thì mất từ những năm sáu tám, sáu chín thì phải. Chị phải sống với dì dượng. Dì dượng thì chẳng có con cái gì nên họ sống với nhau cũng êm ấm lắm. Nhưng không lẽ chuyện ấy... lại là như thế? Tôi không dám nghĩ đến!. Thôi thì sự cũng đã rồi! Tôi đùa với vợ: “Đến chị Thao còn không biết của ai nói gì đến mình!”. Nói thật, đùa như vậy cũng hơi ác, bởi tôi biết, hơn ai hết chị Thao đau và buồn lắm. Một nỗi buồn câm nín!
        Nhiều khi tôi nghĩ cuộc đời cũng thật tàn nhẫn với chị Thao. Con gái xóm cây Thị, cô nào cô nấy cũng đẹp, cũng giỏi giang, học hành đến nơi đến chốn, chồng con đuề huề lại có nhà riêng dưới thị trấn, trên tỉnh, ngoài phố. Lâu lâu, đưa chồng con về thăm quê, xe cộ, quần áo, quà cóp... Xôm ra trò! Còn chị Thao, nói như ông nhà văn Nam Cao – cha đẻ của Chí Phèo, Thị Nở - thì chị đúng là trò đùa của tạo hoá. Không đến nỗi xấu như Thị Nở, nhưng chị Thao cũng hội đủ những cái cần để làm nên một cô gái xấu xí quê mùa: người thấp lùn lại đen đúa, mắt xếch, răng hô, tóc cứng như rễ tre; còn vòng một, vòng hai, vòng ba thì khỏi phải nói cứ xâm xấp bằng nhau trong sự quá cỡ. Không phải là cô gái đần độn nhưng học hành thì chẳng ra gì. Học trước quên sau. Công việc thì chăm nhưng lại rất chậm, thậm chí hơi vụng. Chỉ được mỗi cái hay cười. Chị Thao cười hiền lắm! Không biết giấu bên trong điều gì nhưng nụ cười của chị quả là một ân huệ của thượng đế. Nụ cười ấy vừa thân thiện lại vừa ấm áp. Ngày vợ chồng tôi còn sống chung với bà Ngoại của mấy đứa nhỏ ở xóm cây Thị, mỗi khi đi làm đồng, qua ngang ngõ nhà chị Thao, thế nào tôi cũng được chị ban phát cho một nụ cười. Biết chỉ là nụ cười xã giao nhưng tôi vẫn thấy lòng mình thanh thản lạ thường.
Như thách thức với số phận nghiệt ngã, cái Hoa cứ lớn lên theo cách riêng của nó. Thân thể nó như được kéo dài ra. Càng dài càng thỏng thượt, mềm oặt. Nước da trắng, trắng bợt bạt. Đôi mắt đờ đẫn, trắng dã, vô hồn. Nhìn mà đau lòng. Còn nghe nó khóc - khóc hay cười cũng thế - thì không có ruột gan nào chịu được. Nói đúng hơn tiếng kêu của nó nhói buốt và man dại lắm. Bất chấp lời ong tiếng ve của người đời, chị Thao vẫn cứ lặng lẽ mớm cơm, đút cháo cho cái “cục cưng của mẹ” (chị hay gọi cái Hoa như thế). Tôi biết từ ngày có cái Hoa, chị Thao vất vả lắm. Tiếng là có dì dượng giúp đỡ nhưng chăm sóc một đứa bé tật nguyền như Hoa quả chẳng dễ dàng tý nào. Cũng may được các tổ chức xã hội, các nhà từ thiện giúp đỡ nên cũng không đến nỗi khó khăn lắm về vật chất. Hơn thế nữa, tôi còn nghe nói, chị Thao lại được anh Phồn đặc biệt quan tâm. Có người bảo: “Thằng Phồn coi con Thao quý lắm. Có việc gì nặng cũng làm giúp. Có món gì ngon cũng gửi về cho cái Hoa...”. Mỗi lần về thăm quê vợ, tôi đều nghe người ta nói tốt về anh. Tôi nghĩ, có lẽ, người dân ở xóm cây Thị cũng muốn tác thành cho họ nên đôi, nên lứa. Nhưng chờ mãi vẫn chẳng thấy động tĩnh gì. Có lần gặp anh, tôi bạo miệng hỏi: “Anh Phồn sao chưa lấy chị Thao, còn chờ gì nữa?”. Anh cười và bảo: “Chú mày cứ nói chơi hoài. Cô ấy làm mẹ cái Hoa đã khổ lắm rồi, chú còn bảo làm vợ cái thằng Phồn khố rách áo ôm này nữa thì chịu sao nổi?”. Tôi lặng thinh nắm lấy tay anh và chẳng biết nói gì thêm nữa.
Đám ma cái Hoa không đông như tôi nghĩ. Đi sau cái quan tài nhỏ chỉ trên dưới mươi người. Tôi cầm nhánh huệ trắng đi bên vợ. Nghe vợ kể, những năm gần đây, cái Hoa đến tuổi dậy thì có những biểu hiện lạ lắm. Xóm làng đến thăm, nhìn nó bôi bẩn đến phát khiếp. Hơn nữa, nó còn thích được người khác động chạm đến những chỗ kín nữa kia... Và anh biết không, tụi con nít ở xóm, không biết có ai bày cứ nghêu ngao hát: Tội chi buôn tảo bán tần/ Ở đây với dượng, dượng mần dượng nuôi/ Tội chi buôn ngược bán xuôi/ Ở đây với dượng, dượng nuôi dượng mần...
          Tôi có cảm giác như mình đang trôi về một thế giới nào khác rất tiểu thuyết, rất kinh dị. Trước măt tôi chiếc quan tài cứ chập chờn lên xuống và như muốn đậu lại đâu đó trên lưng chừng núi có rất nhiều mây trắng. Rồi nắp quan tài bật mở, cái Hoa với đôi cánh trắng muốt bay lên giữa một vùng hào quang sáng chói.


NMHK

460/ SÓNG XÔ BẾN RÌ -TRUYỆN NGẮN CỦA TIÊU ĐÌNH


Truyện ngắn của Tiêu Đình




Người đàn bà đã quá tứ thập nhưng màu mắt vẫn còn sáng trong và lãng đãng chút khói sương xa vắng. Người ta sang sông. Riêng chị thì cứ đi đi lại lại như muốn tìm người thân hay một báu vật nào đó. Những dấu giày nối nhau in trên cát trắng mịn cứ nhỏ dần, nhỏ dần. Những dấu vết tận cùng về phía mặt trời lặn giống như sự lỗi hẹn của những dấu chấm lững. Thỉnh thoảng chị dừng chân, chăm chắm nhìn ngọn đồi cây đá chen nhau đang còn vướng vất mấy sợi nắng yếu mềm. Có lúc chị mỉm cười tần ngần ngắm mấy đứa trẻ chơi đuổi bắt nhau, ngã lăn tròn trên bãi, thân hình muối cát như người ta lăn nắm xôi vò vào dĩa muối mè trước khi gói bằng lá chuối mang lên rừng.
Hồi xấp xỉ tuổi lũ trẻ, chị mê vui chơi không bằng mê ngắm người dân bổn địa bến Rì khoát chiếc khăn lên người để thay đồ. Dường như chỉ thấy họ cầm đầu mối khăn quơ một vòng tay như người ta làm xiếc mà không kịp nhận ra đầu mối ấy được giắt dính vào đâu, từ lúc nào. Thế là chỉ cần tiếp một động tác co chân nép người bên bụi Rì, họ đã thay chiếc quần sũng nước bỏ phịch trên cát, kín đáo và nhanh gọn. Lớn lên, cũng như người chị dâu từ dưới xuôi về, tập hoài vẫn chưa kịp thành thạo những động tác ấy chị đã phải xa làng, xa cái bến quê thanh bình trong ký ức tuổi thơ.
Không thấy loại Rì cây lá nhỏ, dưới nắng chỉ bám mấy chiếc rễ vào cát nóng vẫn cứ sống, cứ xanh. Cũng không thấy loại Rì đuối đan nhau dày đặc trên cát nóng, ngọn giống cái đuôi con cá đuối mẫn cán quẫy đạp cùng cát mà không bao giờ chịu để cho cát vùi lấp. Mùa mưa, lũ về vùi lấp hay cuốn sạch những thân Rì tấp vào ghềnh đá, bụi tre, tháng sau đã thấy chúng từ đâu lại trồi lên trên cát trắng những mầm mới hứa hẹn. Không thấy những cặp tình nhân vọc trăng vọc cát bên bụi Rì toả bóng che chắn. Sáng ra, lá Rì bị bứt bỏ đầy trên cát mịn. Không thấy người dân bến nằm ngửa trên đám Rì đuối chờ phơi áo quần khô ráo. Không thấy lũ trẻ mặc cả lời đồn bến Rì có ma rủ nhau ra đó chơi trò trốn tìm, áo cởi vắt trên những cành Rì oằn xuống sát đất. Sau cuộc, kẻ thắng người thua đều nhảy bùm xuống sông bơi tắm. Không thấy mấy sơn nữ tóc dài giặt đồ dưới bến, đem trải phơi trên thân Rì, chưa hết tiếng cười trong veo đã đủ khô để mang về.
-Bà có qua sông không?
-…
-Dạ, bà qua sông hay muốn tìm ai?- Người lái đò hỏi đến lần thứ hai chị mới giật mình.
-Bến Rì ở chỗ nào vậy ông?
-Thì ở đây chứ chỗ mô nữa.
Người đàn bà bà nói một mình như vẫn chưa tin: “Lạ quá!”
-Vậy sao chẳng thấy cây Rì nào cả?
Cây Rù Rì? Ừ nhỉ…bà nhắc tôi mới nhớ....-Ông lái đò nhìn sông rồi ngước nhìn cây cầu bê-tông mới vắt ngang qua bến Rì- Từ ngày có đường mới, cầu mới và bên Lâm Hạ chuẩn bị lên đời thị trấn thì có bao giờ sông được yên đâu bà. Người ta đào chỗ nầy lấy cát sỏi, khoét chỗ kia lấy đất đá, bên lở thành ra bên bồi….
Chỉ còn lại một ít chiều trên chóp núi Ấn. Hai con người, hai ý nghĩ khác nhau. Chị nghĩ về cái thời tay cầm chai rượu trắng nhét nút cùi bắp, tay chị giữ chặt bàn tay cha tập bước qua tấm ván nhỏ lên con đò chòng chành lắc lư để sang bên kia sông ăn giỗ. Mạnh dạn lên. Dân bến mà không tập lên xuống đò thì không phải là dân bến. Rồi mơ hồ vẳng lên trong chị lời của một người con trai: Lớn lên anh sẽ đưa em ra bến Rì…. Ông lái đò thì như đang nghe lời nội kể năm nào: Ông bà mình đặt tên bến Rì là do ở đây mọc nhiều cây Rì lắm, một loài cây sống rất giống với người dân Lâm Yên. Mùa lũ trắng nước, mùa khô trắng đất cây Rì vẫn trơ gan cùng năm tháng như dân làng vẫn thuỷ chung bám sỏi đá và cát trắng để tồn tại…. Tuổi nhỏ, chưa thể hiểu hết ý khái quát trong câu nói của nội, nhưng ông biết rõ chỉ với những cụm Rì không cao quá đầu mà trò chơi đuổi bắt, trốn tìm vẫn bao đời được lặp lại. Cái bóng Rì chỉ đổ mát một vùng nhỏ bằng chiếc nia con mà bao người đã nương vào đó giữa nắng trời nóng cát. Dây Rì đuối bò mềm oặt trên cát mà chịu nóng chịu nước không chê vào đâu được. Yếu mềm thế mà Rì đã phải hứng chịu biết bao phẫn nộ, yêu thương của thiên nhiên, con người. Chỉ vài chiếc rễ bám vào cát, Rì vẫn hát reo cùng gió núi, ngả nghiêng đó rồi vững vàng đó. Vậy mà khi được hỏi cây Rì mất đâu cả rồi, ông, người lái đò truyền thống của bến Rì, lại giật mình. Nhỏ bé quá chăng, hay là con người đã quá thờ ơ với chúng, với những gì đang tốc độ vận hành xung quanh?
-Lâu quá rồi, tôi không còn nhớ rõ giống Rì đã đi đâu về đâu -Người lái đò vẫn khuấy đều mái chèo, đối thoại qua một không gian nước, mắt nhìn xa xăm vào khoảng không vừa tắt nắng- Ngày tản cư khỏi làng, tôi vẫn còn thấy bến Rì xanh dày những cây Rì tua tủa lá cành, những vùng cát trải đầy thân lá của loại Rì đuối chỉ thấy ngọn mà không biết gốc rễ ở tận đẩu đâu. Bom đạn xối xuống làng, những thân Rì ngả nghiêng, những thân Rì bị vùi chôn, những thân Rì bật gốc trôi theo sông. Nhưng vẫn còn đó những cây Rì bám cát để thử sức mình với hạn hán và bão lũ….
Chị xoay mặt về hướng người đàn ông đang chèo đò như đang thả hồn mộng du cùng mây trời. Mái chèo vỗ nước chậm đều. Sóng xao dịu nhẹ như chỉ một thoáng cau mày êm ái. Bến vắng. Một mảng tối nhanh chóng trùm xuống vùng cát trắng dưới chân cầu, nơi mà ngày xưa, vào giờ nầy, trẻ già trai gái làng Lâm Yên gần như đổ dồn về đây, thu gọn cuộc sống của làng vào một bến sông. Người gọi người, người sang sông, người tắm rửa vội vàng, người nằm ngữa trên cát để uống gió và lắng nghe những âm vang đì độp, chát chao của bến trời, bến đời.
Người đàn ông tấp đò cập bến, chậm rãi bước lên bờ, ngồi duỗi chân trên cát mịn châm thuốc, như không hề biết sự có mặt của người khách lạ. Một vì sao sớm vừa chớp mắt trên cao. Hàng chục ánh đèn xe máy, ô tô đan xéo nhau trên cây cầu mới chênh vênh. Tiếng máy nổ rền vang. Chị cũng ngồi phịch xuống cát, cùng hướng nhìn với ông lái đò, chân gần chạm chân.
-Ông là người bến Rì?
-Nhưng tôi sống ở nơi khác nhiều hơn là ở bến Rì.
-Thế ông có biết cụ Xá lái đò hồi xưa còn hay mất không ông?
Ông lái đò xoay người nhìn thẳng vào mắt người đàn bà. Ánh mắt của khách có cái lạ của xa xôi thời gian, của khắc khoải không gian và cái quen quen của người dân bến Rì. Điếu thuốc trên môi ông chớp lửa, thoáng soi một chút xao động trên vẻ mặt phong trần.
-Bà là người Lâm Yên?
-Dạ,…Nhưng tôi đã xa làng từ hồi mới lên mười.
-Lên mười….À, mà sao bà biết ông Xá? Ông Xá là ông nội của tôi. Trong chiến tranh, cha tôi vẫn thay thế ông nội chèo đò ở bến Rì được một thời gian rồi mới mất. Còn tôi, trở về làng sau ngày hoà bình như không thể bước qua lời nguyền, tôi lại tiếp nối cái nghề chưa hẳn là nghề của cha ông mình. Lúc đầu, chỉ chèo giúp cho dân làng, hoặc được trả công bằng lúa, bắp, khoai, sắn…nhưng về sau thì khấm khá hơn. Đủ sống qua ngày. Từ khi có cây cầu mới kia- ông chỉ tay về hướng có những tiếng động lạ của máy móc- thì nghề của tôi xem như đã già cỗi. Cũng chèo cũng chống vất vưởng qua ngày tháng vậy thôi. Lỗi hẹn với bến rồi bà ạ….
Người đàn bà không hỏi gì thêm. Chị đang cố mà không thể mường tượng rõ hình ảnh một ông Xá trong ký ức trẻ con. Với ông, cái còn lại sau khi đã mất là một người đưa đò ăn ngủ với những con ma của bến Rì linh thiêng. Trưa đứng bóng hay khuya vắng lạnh, mỗi khi có ai chụm hai bàn tay làm loa gọi lớn đò ơi là thấy ông như mọc lên từ sông nước, lạch bạch xuất hiện với mái chèo khua nước mỗi lúc một rõ hơn. Tóc ông Xá nổi trắng toát trên nền đêm, không bao giờ chịu đứng yên trước những cơn gió cứ ưa chơi trò trêu đùa trái khoáy. Chị sợ ông Xá giống như anh Tuấn sợ ông lão hớt tóc dạo, chưa lên đò đã bắt đầu giữ cho tay chân phải nghiêm túc. Con gái con đứa phải nết na thuỳ mỵ, trên đò không phải như ngoài bãi kia đâu mà muốn đứng ngồi nhảy nhót tuỳ thích. Thế là lần nào cũng vậy, theo ngón tay chỉ đầy quyền uy của ông Xá, chị ngồi im thít ở một góc đò lổn ngổn đồ ăn thức uống. Ở góc đối diện, đứa cháu nội của ông tay đang múc từng gáo nước nhỉ vào lòng thuyền, đưa mắt liếc nhìn chị. Được điều, ngó vậy mà ông Xá rất tốt bụng với mọi người. Chị còn nhớ, ngày theo anh Tuấn rời bến Rì nhốn nháo để tản cư khỏi làng, chính ông Xá và đứa cháu nội như hủ mắm treo đầu giàn đã tiễn chị lên khỏi con dốc đất đổ xuống bến và dúi cho chị mấy trái ổi trắng giòn, to hơn nắm tay. Hồi đó trong làng dễ mấy ai cũng có được trái ổi giống mới chỉ nhìn đã thấy thèm.
-Bà về đây là để thăm người thân hay có việc chi?
-Không, tôi không còn một người thân nào ở Lâm Yên cả. Cũng không có công việc gì quan trọng. Vượt hàng ngàn cây số tôi về đây chỉ là để tìm lại cái bến Rì hơn ba mươi năm trước…..
Người đàn bà định nói thêm: và một lời hứa hẹn vu vơ, nhưng đã kịp dừng.
-Chắc là bà có nhiều kỷ niệm với nó?
-Chưa hẳn thế, bởi vì khi tôi bắt đầu hiểu về nó, yêu mến nó thì cũng là lúc phải bắt đầu xa nó….
Ánh sáng và bóng tối đều đang dịch chuyển, bắt đầu từ bến Rì trôi ngược lên chóp núi Ấn. Vầng trăng non từ lúc nào đã núp vào bụi tre bên bờ sông để trộm nghe câu chuyện giữa ông lái đò và người khách lạ. Có phải họ đã nhận ra nhau từ một lần chơi trốn tìm xa ngái hay trong ký ức mù mờ của một chuyến đò ngang? Họ đã quên hay vừa nhớ lại lời hứa vu vơ nào đó không đủ sức tồn tại với chiến tranh? Nhưng sao họ lại chỉ im lặng nhìn nhau mà chẳng nói gì thêm với nhau? Lâu sau ông lái đò mới nhã nhặn mời khách về nhà mình để nghỉ qua đêm. Khách đồng ý nhưng xin được ngồi lại với bến Rì cho đến khi có đủ trăng. Ước mơ nhiều khi chỉ giản đơn như thế đấy, giản đơn đến không ngờ. Chị chỉ cần có vậy thôi đối với một chuyến đi dài hơn ngàn cây số.
Đêm. Bến Rì đang bắt đầu đời sống riêng với bài ca muôn thuở của lũ côn trùng trên cạn dưới nước. Thiếu tiếng chiếu giặt đập bì bộp và tiếng trẻ con reo đùa. Nhưng dẫu sao thì bến Rì vẫn nguyên vẹn còn đó. Chiến tranh hay hoà bình, bến Rì còn hay mất, cây cầu bê-tông trên cao kia có hay không, lúc còn nhỏ hay khi đã ở vào cái tuổi sắp tri thiên mệnh như chị bây giờ, bến Rì vẫn tồn tại một bản hoà tấu riêng quen thuộc. Có thể một cung bậc nào đó bị khuyết mẻ hay mất đi, có thể những cung bậc mới đã thay thế hay đang vặn mình để thay thế, nhưng rồi chị vẫn nhận ra sự ngân vang của nó, như nhận ra chính mình giữa bộn bề công việc làm ăn và gia đình. Ngồi với sông với bến và đêm thế nầy, chị càng cảm thấy mình như được gạn lọc các chất tạp để được còn lại là chính mình, giống một nghệ nhân miệt mài uốn tỉa để có được cái dáng cây ưng ý. Trăng trên cao, núi rừng sau lưng, sông bến phía trước và cả phố thị ngày ngày cuốn chị vào một vòng xoáy vô hình nào đó đều đang vận hành dữ dội để được có mặt tại đây, tại cái bến Rì gần nửa đời gặp lại. Và chị, một chấm nhỏ giữa cát mờ đục và mênh mông đất trời, là điểm ngưng tụ.
-Tôi chờ bà….
Người lái đò vừa nói vừa thong thả bước nhẹ về phía sông. Những dấu chân trên cát đọng những vùng tối mờ ảo. Thuyền chầm chậm rời bến rồi ngược dòng. Mọi tiếng động đều rất khẽ, như không muốn phá vỡ khoảnh khắc giao hoà giữa tơ trời và tơ lòng . Thuyền không khách, chẳng biết rồi ông sẽ bơi về đâu. Dáng ông cao cao nghiêng nghiêng nổi một phần trên nền trăng đã rải đến tận bãi cát đầu cầu.
Chỉ còn lại mình chị, với đêm, với trăng, với cái bến Rì năm xưa, và lời hò hẹn trong tâm tưởng. Thì đêm nào cũng có gái trai hẹn hò nhau, cứ rủ rỉ rù rì cả đêm nên gọi là bến Rì chứ sao? Có phải như cách giải thích của ông Sang giỏi kể chuyện tiếu lâm nhất làng hay không mà suốt đời chị cứ bị ám ảnh? Ít ra thì ông Sang cũng có phần đúng, chị đã từng theo mấy người lớn tuổi hơn đi rình nghe những cặp tình nhân nói chuyện với nhau bên những bụi Rì không đủ sức che giấu họ. Có lúc lộ chân tướng bị cát níu chân chạy không nổi vẫn phải chạy. Còn những lúc không bị lộ cũng có nghe được họ nói gì đâu. Nếu không bị gió núi, tiếng sóng hay tiếng côn trùng đồng loã át đi thì cũng chỉ nghe rủ rỉ rù rì thật, như đôi chim câu mớm tình cho nhau trước giờ hưởng lạc. Rồi đến lượt chị, khi đã biết buồn vui vì một lời hứa, dù rất vu vơ, thì cái bến Rì thuộc về ký ức tuổi thơ bỗng có một vòng cầu vồng ngũ sắc vắt qua. Nhìn thấy đó, đẹp lắm, mà không biết nó có mặt lúc nào, bắt đầu từ đâu, kết thúc ở đâu. Phải vậy chăng mà một đời lỗi hẹn, thứ ngôn ngữ không thành ngôn ngữ ấy cứ bám theo, ám ảnh chị đến ray rứt bần thần, cả những lúc buồn nhất hay vui nhất với công việc làm ăn, tất bật tranh sống.
Mờ đục sương đêm đã nuốt chững cái bóng của người lái đò. Nhìn theo hướng ấy, chị chỉ còn thấy những lá Rì đuối trải lót chỗ ngồi, những thân Rì cây cố trườn người vươn bóng để che giấu cho đôi tình nhân yên bình trò chuyện. Bóng của họ khi thì hai, lúc lại nhập vào nhau, tiếng cười của họ trong như sông buổi sáng, lãng mạn như bến về khuya. Chị, đứa con gái mười tuổi, vẫn không giấu được những thoáng xao xuyến, đỏ mặt khi nghĩ đến cái ngày mình sẽ lớn lên như những anh chị gái trai trong làng….
Lớn lên anh sẽ đưa em ra bến Rì. Bằng lòng lấy tôi, em sẽ có tất cả: giàu sang, quyền lực, địa vị xã hội….Để xem anh nhảy từ nhánh cây thị ùm xuống sông, mang theo vào bờ hương thị thơm lừng? Tình yêu, làm gì có tình yêu. Cô lầm rồi đó. Không, không phải,…nhưng mà…ừ,… đúng rồi! Ngày mai cô phải nói với mọi người rằng, cái vết bầm trên mặt là do cô sơ ý bị ngã….Và anh sẽ nói với em rằng, có một đôi tình nhân đang hò hẹn bên gốc Rì đằng kia. Không đúng sao mà cô ngồi thừ cái mặt ra đó? Còn uy tín xã hội của tôi, còn sự nghiệp mà cả đời tôi đã dày công tạo dựng….Đi-anh cầm bàn tay lần đầu biết run- ta đến đó đi em….
Chị giật mình, không phải quá khứ-hiện tại đang đối thoại. Không phải một mình chị đang ngồi với sông, với đêm. Có tiếng mái chèo khua nước trở về, rất nhẹ. Trăng đã tràn không gian. Dáng người lái đò hơi nghiêng, nổi cao khều trên nền trăng mờ đục. Một cây Rì tua tủa cành, lá lóng lánh sắc màu trăng huyền ảo, đang nằm trong lòng thuyền.
Bến Rì, sóng xao dịu nhẹ….



Tiêu Đình 

459/ Một số dàn ý đề bài NLVH xoay quanh bài thơ Bếp Lửa


             “...Thơ là chiều sâu, là sự chắt lọc, kết tinh ” ( Nguyễn Văn Hạnh). Từ đó em hãy trình bày cảm nhận của mình về chiều sâu suy ngẫm trong đoạn thơ sau:
 Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ
Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa !

Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:
 - Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa ?
                                           ( Trích ‘‘Bếp lửa’’ - Bằng Việt , Ngữ văn 9 - Tập 1
         
Luận điểm 1:  Suy ngẫm vê hình ảnh bếp lửa và ngọn lửa:
         - Từ bếp lửa cháu suy ngẫm về ngọn lửa. Điệp từ , giọng thơ xúc động.........gợi chiều sâu của cảm xúc : từ bếp lửa bà nhen đã sáng bừng lên ngọn lửa bất diệt ngọn lửa của tình yêu thương, của niềm tin bền bỉ
Luận điểm 2:  Suy ngẫm sâu sắc về hình ảnh người bà gắn với bếp lửa và thể hiện tình yêu thương của cháu:
             - Giọng  thơ sâu lắng bùi ngùi mang đầy hoài niệm suy tư....Hình ảnh bà hiện về qua hồi ức vẫn dáng vẻ tảo tần, chịu thương chịu khó lặng lẽ hi sinh cả một đời cho gia đình, cho cháu con...
           - Bà không chỉ nhóm bếp lửa bằng rơm rạ mà bà còn nhóm lên trong cháu bao niềm yêu thương, nhóm lên bao nghĩa tình, và đặc biệt bà còn nhóm dậy cả trong cháu những ước mơ hoài bão, khát khao của tuổi thơ, bà đã mở rộng tâm hồn cháu bằng ngọn lửa ấm áp của trái tim bà.  Điệp từ nhóm  kết hợp với nhịp thơ nhanh gợi ra bao cảm xúc dạt dào,...
            - Cảm xúc ấy sáng bừng lên chất trí tuệ, hình ảnh bếp lửa đã ngang với điều kì diệu thiêng liêng
 Luận điểm3:. Niềm thương nhớ của cháu : 
            - Kết thúc đoạn thơ là câu hỏi tu từ, hình ảnh thơ giàu sức gợi đã thể hiện sâu sắc vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ.

               - Từ  việc lưu giữ kỉ niệm cùng cảm xúc trào dâng cuối cùng kết đọng lại thành tâm niệm suy tư, thành điểm tựa tinh thần và từ tình cảm gắn bó với người bà đã được nâng lên thành tình yêu thương gắn bó sâu sắc với quê hương, đất nước.  


         Bàn về bài thơ “Bếp lửa”của Bằng Việt có ý kiến cho rằng: “Bài thơ biểu hiện một triết lí thầm kín: Những gì là thân thiết nhất của tuổi thơ mỗi người, đều có sức tỏa sáng, nâng đỡ con người trên hành trình dài rộng của cuộc đời .”
        Em hãy phân tích bài thơ để làm sáng tỏ nhận định trên? 


-Thân bài:
+Giải thích lời nhận định:
Những gì là thân thiết nhất của tuổi thơ mỗi người: là những người thân trong gia đình, thầy cô, bạn bè, hay những kỉ niệm.....gắn bó sâu sắc với chúng ta.
Đều có sức tỏa sáng, nâng đỡ con người trên hành trình dài rộng của cuộc đời: Trở thành điểm tựa, nguồn động lực, tiếp sức cho ta trên mỗi bước đường đời.
+  Phân tích bài thơ để chứng minh theo hai luận điểm:
*Trong bài thơ “Bếp lửa” những gì là thân thiết nhất của tuổi thơ mỗi người chính là bà, là bếp lửa, là những kỉ niệm với bà, với bếp lửa......(Có dẫn chứng+ phân tích)
*Bài thơ có sức tỏa sáng, nâng đỡ con người trên hành trình dài rộng. Bà với tình yêu thương, đức hi sinh, niềm tin yêu cuộc sống; Bếp lửa với sự ấm áp, thân thiết.....là chỗ dựa cho cháu, nhen lên trong cháu những tâm tình, những niềm tin. Khi cháu lớn lên, học tập và công tác nơi xa, bà và bếp lửa vẫn là điểm tựa, là nguồn động viên, là nơi nâng đỡ...... (Có dẫn chứng+ phân tích)
*Suy rộng ra, điều đã tạo ra sức tỏa sáng, sự nâng đỡ người cháu trong bài thơ chính là quê hương, đất nước.

Phân tích đoạn thơ sau :
"Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi đến tận bây giờ
.......
Ôi kỳ lạ và thiêng liêng bếp lửa!"
Gợi ý:
          * Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vị trí, nội dung đoạn thơ:Những suy ngẫm sâu sắc của tác giả về người bà, về bếp lửa.
          * Thân bài:
          - Suy ngẫm của người cháu về bà (7 câu đầu)
          + Đó là sự tần tảo, đức hi sinh, tấm lòng yêu thương sẻ chia của bà, hình ảnh bà luôn gắn với hình ảnh bếp lửa, ngọn lửa (HS cần căn cứ vào cụm từ chỉ thời gian: đời bà, mấy chục năm, từ láy tượng hình: lận đận, hình ảnh ẩn dụ: nắng mưa).
          + Bà đã nhóm dậy những gì cao quý, thiêng liêng nhất của một con người: nhóm niềm yêu thương, niềm tin, nghị lực.
          - Suy ngẫm của người cháu vì bếp lửa, ngọn lửa (câu cuối) hình ảnh bà gắn với bếp lửa, ngọn lửa. Bếp lửa vốn thân thuộc trong mỗi gia đình bỗng trở lên kỳ lạ bởi ngọn lửa bà nhóm lên từ chính ngọn lửa trong lòng bà, ngọn lửa của sức sống, niềm tin ® bếp lửa kì diệu thiêng liêng có sức toả sáng nâng đỡ tâm hồn cháu trong suốt cuộc đời.
          * Kết bài: Suy nghĩ và ước mơ của tác giả.

Cảm nhận của em về tình bà cháu và bếp lửa trong bài thơ" Bếp lửa" của Bằng Việt.
Gợi ý:a. Mở bài: Giới thiệu chung về tác giả và bài thơ với tình bà cháu thiêng liêng, ấm áp.
b. Thân bài:
- Hình ảnh Bếp lửa khơi nguồn cho cảm xúc về bà
- kỉ niệm của tình bà cháu gắn liền với Hình ảnh bếp lửa
                        Lên 4 tuổi,
                        Tám năm ròng,
                        …giặc đốt làng
Đó là thời điểm từ bé đến lớn, ký ức về nỗi cay cực đói nghèo.
- Hình ảnh người bà và bếp lửa trong nỗi nhớ của người cháu, đó là người bà chịu thương chịu khó, giàu đức hy sinh
“Rồi sớm rồi chiều…
  Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn
……………chứa niềm tin dai dẳng”
-> Ngọn lửa của trái tim con người, của tình yêu thương mà người bà truyền cho người cháu, ngọn lửa của niềm tin, của hy vọng.
- Bếp lửa là hình ảnh của cuộc sống thực đầy vất vả nhọc nhằn của hai bà cháu, và là hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng cho tình bà ấm áp.
- Hình ảnh bếp lửa là sự nuôi dưỡng, nhen nhóm tình cảm yêu thương con người, thể hiện nỗi nhớ, lòng biết ơn bà, khơi gợi lên cho cháu một tâm hồn cao đẹp.khổ cuối
c. Kết bài:
 Là bài thơ cảm động về tình bà cháu. Tình cảm dạt dào trong lòng đã tìm đến một giọng điệu, một nhịp điệu thật phù hợp.

 Sưu tầm và tổng hợp