Hoàng Minh Tường
Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia Văn Phái, là cuốn
tiểu thuyết xuất sắc nhất của văn học Việt Nam trung đại. Tác phẩm bắt đầu từ
thời chúa Trịnh Sâm lấy Đặng Thị Huệ (1767) và kết thúc vào năm vua Gia Long
lên ngôi (1802). Hơn ba mươi năm, một không khí đậm đặc chất tiểu thuyết với
hàng trăm nhân vật và sự kiện động trời.
Các tác giả dòng họ Ngô Thì ở làng Tả Thanh Oai, tục gọi
là làng Tó, nay thuộc Thanh Trì, Hà Nội, kết thúc thiên tiểu thuyết ở hồi thứ
17:
Mất thành Thăng Long vua Cảnh Thịnh bị bắt
Táng lăng Bàn Thạch Nguyễn Hoàng phi chết theo.
Cuối hồi này có sự kiện đáng chú ý: “Năm Quí Hợi (1803),
năm thứ tám niên hiệu Gia Khánh nhà Thanh, tức là năm thứ hai niên hiệu Gia
Long ở nước ta, lúc đó đã dẹp xong quân Tây Sơn, nhà Nguyễn bèn sai sứ thần
sang nhà Thanh dâng biểu trần tình và xin phong vương. Các bầy tôi cũ của nhà
Lê nghe tin, liền làm tờ biểu trình với quan nội các, xin đem linh cữu của vua
cũ và thái mẫu về nước an táng.” (tr 488 - HLNTC, Nxb Kim Đồng, 2006).
Năm 1804, vua Gia Long đã cho an táng vua và gia quyến Lê
Chiêu Thống như “những người yêu nước” (!) cạnh lăng vua Lê Hiển Tông trên núi
Bàn Thạch, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Việc làm này của ông vua khai mở triều Nguyễn,
âu cũng dễ hiểu, bởi kẻ thù của kẻ thù chính là bạn ta, mà. Đến năm thứ 14 đời
vua Tự Đức (1860), triều Nguyễn còn “vâng chỉ dụ của nhà vua, cho lập đền thờ
các bề tôi đi trốn theo vua Lê, ở phía tây thành Thăng Long, tại phường Thụy
Chương, huyện Vĩnh Thuận” (tr 482).
“Các bề tôi đi trốn theo vua Lê” bao gồm 33 người, gọi là
“Cố Lê tiết nghĩa thần” (các bầy tôi tiết nghĩa đời Lê ), đứng đầu là Lê Quýnh.
Đền thờ có tên gọi “Cố Lê tiết nghĩa từ” ( đền thờ các bậc tiết nghĩa đời Lê).
Đây quả là một sự vinh danh ngược, vinh danh bọn vua quan phản quốc, mà có lẽ
đền thờ này là trường hợp hiếm hoi trong lịch sử nước Việt(!)
Hầu như rất ít người Hà Nội, biết đền “Cố Lê”. Lục tìm
mãi các tài liệu, tôi mới biết ngôi đền này hiện nằm ở cuối ngõ 124, phố Thụy
Khuê, gần với con đường quanh hồ Tây. Thời Lê là phường Thụy Chương, huyện Vĩnh
Thuận. Có lẽ vào những năm cuối thế kỷ 19, khuôn viên của đền khá rộng rãi, ăn
thông từ gần đường Thụy Khuê tới mép Hồ Tây. Nhưng rồi thế gian biến cải, lòng
dân quên lãng, nhà dân lấn chiếm, bây giờ chỉ còn cổng đền, gốc đa cổ thụ và
một am thờ nằm trên diện tích 167 mét vuông, hiện đã gần như phế tích, và
đang là địa điểm tranh chấp với một hợp tác xã thủ công. Quả đúng như câu ca
xưa: Yêu dân dân lập đền thờ/ Hại dân dân đái ngập mồ cho coi. Các vị “Cố Lê”
này, trong mắt dân quanh vùng Thụy Khuê chẳng phải “thần”, cũng chẳng “tiết
nghĩa” gì. Họ không phá đền vì sợ khuôn phép triều đình nhà Nguyễn. Đền không
thiêng trong lòng dân thì phỏng có ý nghĩa gì?
Lê Chiêu Thống là ai?
Lê Quýnh là ai? Sách Hoàng Lê nhất thống chí chép đủ cả.
Đây là hành tung
của Lê Chiêu Thống khi Tôn Sĩ Nghị kéo quân sang xâm lược:
“Trước đó vua Lê
đang lẩn lút ở Kinh Bắc, Lạng Sơn, nghe tin Tôn Sĩ Nghị đưa hịch sang nước Nam
và hẹn ngày đến cửa ải, nhà vua bèn bí mật sai người đi gọi nghĩa sĩ bốn
phương. Các quan văn võ nghe tin, cũng đều khuyên bảo hào mục các địa phương,
nhóm họp hương binh để chờ đợi.
Rồi đó, vua sai Lê
Duy Đản đem thư lên cửa ải, để yết kiến Tôn Sĩ Nghị, bẩm rõ tình hình trong nước
với Nghị…
Vua lại truyền phải
sức cho các kỳ lão và các xã dân mấy huyện ven đường, phải sửa soạn đón rước
quân Thanh.” (tr 416)
Và tiếp theo :
“Lúc Nghị tới trấn
Kinh Bắc, vua Lê tự đem các quan đến chào… Vua Lê nói: “Đội ơn đại hoàng đế,
đức cả như trời, không sao hình dung được cho hết. Lại nhờ cụ lớn hạ mình đến
đây, khiến cho nước chúng tôi được thấy ánh sáng của áo cừu, đai ngọc, được
thỏa lòng ngửa trông sao Bắc Đẩu, núi Thái Sơn. Mối tình vui mừng, kính mến,
không sao kể xiết...
Hôm sau, vua thân
hành đến chờ đón ở doanh của Nghị. Nghị sai người bày biện nghi trượng rất long
trọng ở điện Kính Thiên, rồi truyền cho trăm quan tới hầu. Vua Lê đội mũ miện,
mặc áo cổn quỳ ở giữa sân. Nghị dẫn bọn liêu thuộc đến, rồi tuyên đọc tờ sắc
của Hoàng đế nhà Thanh phong cho vua Lê làm An Nam quốc vương…” (tr 420).
“Tuy vua Lê đã được
phong vương, nhưng giấy tờ đưa đi các nơi, đều dùng niên hiệu Càn Long. Vì có
Nghị ở đấy nên không dám dùng niên hiệu Chiêu Thống. Ngày ngày sau các buổi
chầu, vua lại tới chờ ở doanh của Nghị để nghe truyền việc quân việc nước. Vua
cưỡi ngựa đi trước, Lê Quýnh cưỡi ngựa đi sau, quân lính hộ vệ chỉ vài chục
người. Người trong kinh có kẻ không biết là vua. Hoặc có người biết thì họ nói
riêng với nhau rằng: “Nước Nam ta từ khi có đế, có vương tới nay, chưa thấy bao
giờ có ông vua luồn cúi đê hèn như thế. Tiếng là làm vua, nhưng niên hiệu thì
viết là Càn Long, việc gì cũng do viên tổng đốc, có khác gì phụ thuộc vào Trung
Quốc.” (tr 420)
Còn đây là chân
dung Lê Quýnh:
“Lê Quýnh là người
làng Đại Mão, huyện Siêu Loại, vốn là một tay phong lưu công tử, con trai của
tiến sỹ triều Lê là Lê Doãn Giản. Khi tuổi trẻ, Quýnh chỉ biết uống rượu, đánh
bạc, việc văn võ đều chưa hề luyện tập qua. Trước vì là con nhà quí tộc thân cận,
nên được làm gia thần nhà vua. Đến khi quân Tây Sơn tới xâm lấn, kinh thành
thất thủ, Quýnh vâng mệnh vua theo hầu Thái hậu lên Cao Bằng, rồi bị quân giặc
đuổi bắt, phải chạy sang Trung Quốc. Vì Quýnh hơi biết chữ nghĩa, cho nên khi
chuyện trò với người Thanh thường bịa ra nhiều câu khoác lác. Tôn Sĩ Nghị cũng
không xét đến chỗ đó, đem lời tâu lên, vua Thanh ưng thuận. Thế rồi may được
khôi phục lại nước nhà, Quýnh tự cho là công lao của mình. Sau khi về thành
Thăng Long, Quýnh chỉ lo đền ơn trả oán và công nhiên ăn của đút lót…”
Vua ấy, thần ấy,
cộng với bọn Tôn Sĩ Nghị vốn dã tâm cướp nước, lại ngông ngạo, chủ quan, nên
ngày 25 tháng chạp năm Mậu Thân, 1788, sau khi nhận tin cấp báo, Bắc Bình vương
Nguyễn Huệ đã làm lễ đăng quang lên ngôi Quang Trung Hoàng đế, và phát lệnh
xuất quân từ Phú Xuân ra bắc tiễu phạt quân Thanh.
“Vua Quang Trung tự
mình đốc xuất đại binh. Ngày 29 đến Nghệ An…” (tr 434).
Bốn ngày từ
Phú Xuân đến Nghệ An. Mỗi ngày đi sáu mươi cây số. Một tốc độ thần kỳ. Tại Nghệ
An, sau khi hội đàm với La sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, “Vua Quang Trung mừng lắm,
liền sai đại tướng là Hám hổ hầu kén lính ở Nghệ An, cứ ba suất đinh thì lấy
một người, chưa mấy lúc đã được hơn một vạn quân tinh nhuệ. Rồi nhà vua mở cuộc
duyệt binh lớn ở doanh trấn, đem số quân ở Thuận Hóa, Quảng Nam chia làm bốn
doanh tiền, hậu, tả, hữu, còn số lính mới tuyển ở Nghệ An thì làm trung quân.”
(tr 435)
Ngay hôm sau, đại
quân đến Tam Điệp. Sau khi gặp các tướng Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, các quân sư
Ngô Thì Nhậm, Phan Huy ích, “Vua Quang Trung bèn mở tiệc khao quân, chia quân
sĩ ra làm năm đạo, hôm đó là ngày 30 tháng chạp. Rồi nhà vua bảo kín với các
tướng rằng: “Ta với các ngươi hãy tạm sửa lễ cúng Tết trước đã. Đến tối 30 Tết
lập tức lên đường, hẹn đến ngày mùng 7 năm mới thì vào thành Thăng Long mở tiệc
ăn mừng. Các ngươi nhớ lấy, đừng cho là ta nói khoác” (tr 438)
Quả là một thiên
tài quân sự, vừa thần tốc hành tiến với tốc độ huyền thoại, vừa thâu nạp quân
sĩ, tổ chức chiến đấu. Và thật bất ngờ, từ Tam Điệp tới Thăng Long hơn trăm cây
số, mà chỉ ba ngày thần tốc, “Nửa đêm ngày 3 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789) vua
Quang Trung tới làng Hà Hồi, huyện Thượng Phúc, lặng lẽ vây kín làng ấy, rồi
bắc loa truyền gọi, tiếng quân lính luân phiên nhau dạ ran để hưởng ứng, nghe
như có hơn vài vạn người. Trong đồn lúc ấy mới biết, ai nấy rụng rời sợ hãi,
liền xin ra hàng, lương thực khí giới đều bị quân Nam lấy hết.” (tr 439).
“Vua Quang
Trung cưỡi voi đi đốc thúc, mờ sáng ngày mồng 5 tiến sát đồn Ngọc Hồi…” (tr
440)
“Quân Thanh chống
không nổi, bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết. Tên Thái thú Điền Châu
là Sầm Nghi Đống tự thắt cổ chết. (tr 440)
Sách không nói địa
điểm Sầm Nghi Đống chết, nhưng dân gian sau này cho biết ta chôn chung quân
tướng giặc Thanh một hố, rồi đắp thành gò, tức gò Đống Đa bây giờ.
Còn chủ soái giặc, Tôn Sỹ Nghị khi ấy thì sao?
“Tôn Sĩ Nghị sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người
không kịp mặc giáp, dẫn bọn lính kỵ mã của mình chuồn trước qua cầu phao rồi
nhằm hướng bắc mà chạy. Quân sĩ các doanh nghe tin, đều hoảng hồn, tan tác bỏ
chạy, tranh nhau qua cầu sang sông, xô đẩy nhau rơi xuống mà chết rất nhiều.
Lát sau cầu lại bị đứt, quân lính đều rơi xuống nước, đến nỗi nước sông Nhĩ Hà
vì thế mà tắc nghẽn không chảy được nữa” (tr 442).
“Giữa trưa hôm ấy vua Quang Trung tiến binh đến Thăng
Long, rồi kéo đại quân vào thành, chiếc chiến bào màu đỏ của nhà vua đã bị
nhuộm đen vì khói thuốc súng” (tr 441).
Những trang văn thật hào sảng, cuồn cuộn như bão lốc theo
nhịp thần tốc của đoàn quân bách thắng.
Và đây, lại hình ảnh của vua quan bán nước:
“Vua Lê (Chiêu Thống) ở trong điện, nghe tin có việc biến
ấy, vội vã cùng bọn Lê Quýnh, Trịnh Hiến đưa Thái hậu ra ngoài. Cả bọn chạy đến
bến sông thì thấy cầu phao đã đứt, thuyền bè cũng không, bèn gấp rút chạy đến
Nghi Tàm, thình lình gặp được chiếc thuyền đánh cá, vội cướp lấy rồi chạy sang
bờ bắc…” (tr 443).
Những trang văn như những thước phim quay nhanh, ống kính
lúc cận cảnh, lúc toàn cảnh, lúc đặc tả, khi càn lướt, vô cùng sống động. Ước
gì điện ảnh nước nhà phục dựng lại được những ngày Tết năm Kỷ Dậu ấy. Và nhất
định nhà đạo diễn phải có cảnh Quang Trung Nguyễn Huệ, chưa kịp cởi áo chiến
bào màu đỏ bị nhuộm đen vì khói súng, đã sai quân phi ngựa trạm mang cành đào
Thăng Long vào Phú Xuân báo tin vui cho nàng Ngọc Hân công chúa. Nước mã hồi
này mang sức Xuân, âm vang Chiến thắng và tình yêu Thăng Long, chắc chỉ trong
ba ngày, nàng Ngọc Hân đã có cả một Mùa Xuân tưng bừng.