1.
Kể chuyện này mà buồn kinh khủng, tôi
tự hỏi mình là cái thằng gì mà thiếu tinh thần lạc quan thế. Nhưng nếu bạn đọc
không thích câu chuyện này thì tốt hơn là quăng phéng nó qua một bên, cho rảnh
nợ. Như tôi muốn quăng phéng qua một bên mà cũng không rảnh nợ.
2.
Tôi vốn không chân thành mấy khi an ủi ai đó câu họa vô đơn chí, mà giờ cái
phần không tin ấy cứ đeo bám lấy tôi như một nợ tâm linh.
Cha hắn là lão già trưởng bối quyền mưu. Lão nhảy núi, rồi lăng nhăng chi đó,
gánh cái kỉ luật, lão lại dinh-tê, kịp bán vài bằng hữu để lập công. Cái lí
lịch chết tiệt ấy không biết giấu diếm thế nào mà sau 1975 lão lại làm chủ của
một hợp tác xã to đùng, quyền hơn cả chủ tịch xã. Khi mô hình hợp tác xã cứ rả
từng mảng lớn, nông dân khắp các huyện được giải phóng thì gông cùm ấy ở quê
tôi còn kéo dài thêm hai năm nữa. Hai năm với hai nghìn dân có nghĩa là lão đã
có công làm cho dân quê này đói thêm 4.380.000 bữa ăn nữa đấy. Hồi môn cho
chiêu thức đó dĩ nhiên là cơ hội tẩu tán số tài sản còn lại của hợp tác xã.
Hắn vào đại học khoa sử của một trường đại học lớn nhất miền Trung, cái lịch
lãm của dân sử học đã khơi thông dòng máu gian hùng di truyền. Khi bọn tôi đứa
nào đứa nấy đói rả họng và hèn như con giun thì hắn đã nghênh ngang đi lại với
mấy tay giảng viên khét tiếng dũng sĩ diệt sinh viên. Cư xá sinh viên đồn đại
chính hắn đã cài bẫy và chơi đẹp cô giáo chủ nhiệm lớp vì một vụ tham ô công
quỹ gì đấy. Sự việc chỉ là đồn đại vì sau đó cô chủ nhiệm bỏ nghề, chẳng lấy gì
làm bằng cớ. Chỉ thỉnh thoảng rượu vào, hắn nhếch mép cười ngạo mạn, bảo cô cứ
như con cá gỗ, chẳng thú vị gì.
Ông tơ thực quá đa đoan, lại cột chúng tôi làm một chùm, hai thằng lại về cùng
một trường trung học. Với một người vô chiêu thức như tôi thì việc sống cạnh
một thằng Tào Tháo như hắn quả là đáng lo. Song dần tôi nghiệm ra tôi không
phải là đối thủ mà hắn dòm dỏ, hắn còn bận khối chuyện hơi đâu mà giành mấy
quyển sách nát với tôi.
Đối thủ của hắn bấy giờ hóa ra nặng kí hơn tôi nhiều. Trường khuyết chân hiệu
phó, hắn giương đông kích tây giật chân bí thư đoàn trường. Làm đoàn đâu ba
tuần hắn ngay lập tức lập được chiến công, dẫn đầu đoàn thanh tra đến thanh tra
cơ sở dạy thêm của một giáo viên dạy toán. Không có giấy đăng kí của phụ huynh,
học sinh đông vượt mức quy định, thầy bị kiểm điểm. Chức danh hiệu phó nay mai
của thầy cũng không còn. Ai cũng khen hắn năng nổ, thẳng thắn trong công việc,
có triển
vọng.
Sau việc ấy ban giám hiệu tin hắn lắm, còn thầy cô chúng tôi thấy hắn thì cứ lo
lo. Lảng dần ra vẫn tốt hơn. Lẽ ra tôi vẫn cứ yên bình nếu không một lần táo
tợn. Năm ấy bình bầu hiệu phó ở trường thật cam go, những tưởng với quyền uy
này thì
nhất hô bá ứng, ai dè. Ba bận ba kì bầu phiếu cho một nhân sự duy nhất ứng danh
hiệu phó là hắn mà không thành, ngoài ban giám hiệu không ai tín nhiệm. Lãnh
đạo bực không kể xiết, đề nghị phát biểu. Dè đâu lại chỉ định trúng nhằm vào
tôi, cái
thằng ít nói nhất, vô tranh nhất. Tôi vừa sợ vừa run khẽ nêu ý mình:
- Có lẽ… phải chọn người sẽ lãnh đạo mình, sẽ nhận xét công tác của mình nên
không chỉ năng nổ là đủ…mà còn cần có đức nữa…đồng chí ấy tuy năng nổ nhưng ít
chịu học hành…lại kém đức…em xin phép không tín nhiệm…
Tôi è à phải mười lăm phút mới thả trôi nổi cái điều mình chiêm nghiệm bấy nay,
mồ hôi túa ra như tắm, trông thật tội. Tưởng sau phút ấy lãnh đạo sẽ dội lửa
xuống đầu mình, ngờ đâu cả hội trường như sấm dậy: “ Đúng đấy! Đúng đấy!” Trước
khí thế công nông binh quyết liệt ấy, có sếp nào dại dột mà đứng ra đương đầu,
vụ việc đành xếp lại.
Sau vụ ấy, tôi sống trong nơm nớp lo sợ, đi đứng nói năng giữ kẽ cực kì khó
nhọc. Lặng lẽ khăn gói vào cao học. Rồi xin về làm công tác chuyên môn ở một
đơn vị khác.
Sau bận ấy trường tôi thêm mấy vụ phong ba. Con cái mấy giáo viên thi
hỏng tốt nghiệp vì bị bắt tài liệu. Hắn làm sở tại. Cài bẫy đưa tài liệu vào,
rồi đích thân đi bắt. Đòn âm.
Bẵng đi năm năm, một mớ anh em gặp tôi, mặt mày hoan hỉ: tay Phan Kênh ( tên hắn
) tiêu tùng rồi. Minh tranh ám đấu cuối mùa chết lỗ chân trâu.
- Sao thế? Tôi hỏi không ra vui, chẳng ra buồn.
- Mày nhớ mụ Mua bán vịt lộn trước cổng trường không? Mụ hại đời hắn.
À, tôi nhớ rồi, mụ Mua lỡ thì, mặt rỗ, làm nghề bán trứng vịt lộn. Xấu thậm xấu
tệ chỉ được cái thân xác thì nung núc.
- Hắn bận ấy buồn, không chơi với ai, chiều lại ra ngỏ hẻm làm dăm trứng
vịt lộn, nốc đúng một chai rượu dỏm rồi ngất ngưởng đi về.Có hôm xỉn quá thì
mượn tạm chiếc giường của mụ Mua rồi ngáy luôn đến sáng. Ba tháng trước mụ sinh
con, giống Phan Kênh như tạc, mụ dọn về nhà hắn ở luôn, đuổi mấy cũng không đi.
Hắn chịu.
Chuyện về Phan Kênh đến đó là hết.
3.
Chuyện tưởng đến đó là hết.
Mà hết thế thì chẳng nên chuyện chút nào.
Bận tôi về công tác nơi cũ, nghĩ thương anh hùng mạt lộ, tôi ghé lại thăm hắn,
định an ủi vài câu. Tôi lầm.
Hắn vui vẻ hơn xưa, đãi tôi một bữa rượu có cả chục vịt lộn hẳn hoi:
- Ăn đi mày, rồi uống vô, hai thứ này là sáng kiến khoa học bình dân đấy, có nó
thì
ma cũng thành tiên, cắt buồng trứng vẫn cứ đẻ.
Rồi ngó trân tôi một chập, nó bảo:
- Mày vẫn cứ như xưa, lành đến ngu. Đời như mày cả chẳng thú vị gì.
- Thế đời như ông thú lắm sao? Tự ái tôi vặt lại.
- Sao lại không? Nó vênh mặt. Xưa mày đói thì tao no. Tụi mày còn ngủ mớ thấy
gái thì tao xơi cả dòng tôn thất hẳn hoi. Mày cúc cung làm lính thì tao suýt
nữa làm quan, không đã đời à.
Tôi hỏi:
- Thế chuyện cô chủ nhiệm là có thực sao?
- Sao lại không. Đứa nào rơi vào tầm ngắm của tao mà thoát ra được chứ. Bận ấy
đi chợ Đông Ba, thấy cô ngắm nghía mãi cái đồng hồ sin-cô, tao gài. Tiền quỹ
lớp vừamột cái sin-cô và hai tô bún. Rồi bỗng dưng quỹ lớp bị giang hồ móc túi,
hợp lý quá
đi chớ. Nhưng có thằng biết nó không hợp lý là tao. Có đâu ngờ tao lại không
chịu ngờ nghệch như cô muốn. Một đêm tơi bời sông Hương là giá của chiếc đồng
hồ. Lẽ ra cô không bỏ dạy, nếu sau đó tao không mò đến tận nhà cô, đòi thêm vài
quận nữa, hãy còn rẻ chán mà mày.
Nghe hắn kể nhơn nhơn, tôi chỉ muốn ném cái tô đựng trứng vịt lộn vào mặt hắn
- Thế còn vụ thầy dạy toán, sao mày ra tay ác liệt thế, dù sao cũng thầy mình.
- Vụ đó tại thầy cản đường tao. Để ổng lên hiệu phó rồi hiệu trưởng thì tao có
mà mốc đầu làm lính à? Mày thì chịu được, còn tao thì không. Đứa nào cản đường
tao thì phải trả giá.
Tôi rùng mình.
- Còn vụ thi tốt nghiệp lộn xộn thì sao?
- Đòn thanh trừng. Dĩ nhiên là thế.
Rồi hắn trợn mắt bảo tôi:
- Thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ nhì sợ kẻ cố cùng liều thân. Mày là thằng cố
cùng từ trong bản chất, tao chẳng thèm chơi mày. Nhưng tao là anh hùng thất thế,
mày để đó mà xem. Mụ vợ tao còn múp chán. Dạo này khối đứa thèm rượu và thèm
trứng vịt lộn lắm. Rồi tao cột đầu vài đứa cho trôi cái hận. Tao còn chờ mấy
thằng to đầu, thế nào rồi chúng cũng thò đầu ra…
Mụ Mua từ nhà dưới loẹt quẹt đi lên, tiếp thêm tí nước mắm, rồi lại loẹt quẹt
trở xuống. Nhìn tấm lưng múp míp của mụ tôi lại rùng mình.
Tôi biết câu chuyện đến đây chưa phải là hết.
4.
Xong đợt công tác trở về, đi qua cổng trường, thấy từng đàn học sinh túa ra,
nói cười hi hô. Nghe léng phéng cái gì mà môn này môn khác, ông này bà kia. Tôi
trước đã có ý định chụp vài pô ảnh làm kỉ niệm người trở lại trường xưa, bổng
bây giờ không còn hứng thú nữa. Tôi không biết giữa cái hoàn cảnh và cái gien
di truyền, cái nào ảnh hưởng đến tính cách mạnh hơn.
Tần
ngần trước cổng trường, chợt có ai gọi:
- Về làm gì mà vội, vào đây cụng vài ly đã.
Không kịp nhìn đến ai, tôi ấn tay ga, xe vọt đi.
Nguyễn
Tấn Ái