Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

264/ KỈ NIỆM VỀ THẦY

    Thúy An lớp 8/1 trường THCS Nguyễn Hiền Phú Ninh

         Trong cuộc đời của mỗi người, ai cũng có một người thật đặc biệt trong trái tim, đặc biệt đủ để in dấu trong tâm khảm họ vượt qua thời gian, khoảng cách. Đối với tôi, người đó là thầy, người mà tôi rất mực yêu quý và cảm phục.
         Trước đây tôi là học sinh trường THCS NVT, là một cô nữ sinh lớp sáu mới chập chững bước chân vào trường nhưng với tính cách hòa đồng thân thiện, tôi nhanh chóng bắt thân được với mọi người. Và có lẽ tôi cũng đã in được ấn tượng tốt với thầy. Thầy là một giáo viên trẻ mới ra trường, được tuyển về trường tôi làm giáo viên tổng phụ trách . Tôi khá ấn tượng với thầy về vẻ ngoài lanh lợi, cao ráo và khuôn mặt điển trai. Thầy khá vui tính và hài hước nên tụi học sinh chúng tôi rất quý thầy.


         Do có được thành tích học tập khá tốt từ những năm học tiểu học, tôi được đề cử làm lớp trưởng và có một chân trong bnar chỉ huy liên liên đội. Đối với một đứa con gái mới chân ướt chân ráo bước vào trường như tôi thì kể ra là khá hãnh diện. Tôi xuất hiện trước mọi người với vai trò làm MC, làm hoạt náo viên,… trong những hoạt động vui chơi do nhà trường tổ chức. Hoàn thành những nhiệm vụ đó một cách xuất sắc, tôi nhanh chóng trở thành tâm điểm của bạn bè, là học trò cưng của thầy. Tôi vui lắm! Chuyện sẽ chẳng có gì đáng kể nếu như tôi không mắc phải một lỗi lầm nghiêm trọng với thầy. Chả là tôi có một “xích mích” nhỏ xíu với thầy, hôm vừa rồi, tôi hỏi thầy vài câu nhưng chắc là do vôi quá nên thầy chưa kịp trả lời. Tụi bạn tôi thấy vậy thì quay ra cười rồi “Ê……” cho tôi một tràng dài. Thầy làm tôi tẽ tò quá mức. Kể từ hôm đó tôi giận thầy, những tôi nghĩ chắc thầy không biết. Sau này nghĩ lại tôi thấy lúc đó mình trẻ con quá, thầy là người lớn để ý đến  những chuyện vụn vặt ấy làm gì chứ. Tôi giận thầy đã làm tôi mất mặt trước bạn bè, đánh đổ biết bao ý nghĩ tốt đẹp của chúng trước đây giành cho tôi… Tôi đem tất cả những “uất ức” trẻ con ấy ra kể tất tần tật với hai đứa bạn thân của tôi. Cuối cùng tôi hạ một câu kết “Tao thấy ghét “ông” thầy H. kinh khủng!”  mà chẳng thèm vặn nhỏ vô-lum xuống mặc dù lúc đó chúng tôi đang đứng trước cửa phòng thầy. Khi đó tôi đứng quay lưng ra ngoài, còn hai đứa bạn tôi đứng nhìn vào trong.  Tôi đâu hay biết là thầy đã đứng đó và nghe hết tất cả. Chỉ khi chúng nó thốt lên, những tiếng đầy kinh hãi : “Chết rồi… thầy … thầy … đứng… sau lưng mày kìa” tôi mới hoảng hồn. Tôi tái mặt phóng ù ra ngoài cổng trường mà chăng thèm quay mặt lại xin lỗi thầy một tiếng.
      Thầy khá thân với ba má tôi nên tôi nghĩ chẳng sớm thì muộn thầy cũng sẽ kể “tội trạng vô lễ với giáo viên” của tôi cho ba má nghe. Nhưng không, một ngày, hai ngày rồi ba ngày … trôi qua, vẫn chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Thầy không hề nói với ba má tôi! Tôi nghe hai đứa bạn tôi kể lại lúc đó nhìn thầy giận ghê lắm, mặt thầy đỏ ơi là đỏ… Ừ thì đúng rồi, chắc là thầy thất vọng về tôi nhiều lắm. Hình ảnh cô học trò ngoan hiền của tôi, trong mắt thầy trước đây chắc không còn nữa rồi… Tôi buồn lắm. Nhưng có một chuyện đáng nói hơn hết là sau đó, thầy vẫn đối xử, nói chuyện bình thường với tôi.(?!) Tôi thật sự ngạc nhiên về điều đó. Chẳng lẽ thầy không hề giận tôi ư? Tôi và thầy đều không nói gì đến chuyện cũ, mọi chuyện cứ thế trôi qua, và tôi rất biết ơn thầy về điều đó. Phải chăng cái gọi là bao dung, độ lượng của một người thầy đã xóa đi tất cả. Lúc ấy đối với tôi, thầy chẳng khác nào một vị thần, vị thần đong đầy tình yêu thương với học trò.
       Đã một năm trôi qua, tôi đã chuyển đến trường khác, những đến một lời xin lỗi tôi cũng không nói với thầy. Nghĩ lại tôi thầy giận mình quá. Thầy đã dạy tôi một bài học tuyệt vời về lòng vị tha, nhân ái. Tôi – sẽ mãi mãi khắc sâu bài học ngày xưa cùng với hình bóng của thầy trên đường đời. Chợt, văng vẳng đâu đây, vang lên bên tai tôi câu hát.
“Dẫu đếm hết sao trời đêm nay
Dẫu đếm hết lá mùa thu rơi
Nhưng ngàn năm, làm sao em đếm hết công ơn người thầy….”

Thật đúng như vậy thầy ơi!

Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

263/TRUYỆN CƯỜI (TT)

Nguồn :Mộc Nhân 

11. ĐÀN ÔNG ĐỘC THÂN... CƯỜI
“Đàn ông độc thân và đàn ông có vợ ai hiểu phụ nữ hơn? Chắc chắn đàn ông độc thân, vì nếu không thì họ đã cưới vợ”. Nếu không tin bạn hãy đọc chùm cười này...
-Này, cháu không thể đi chơi ngoài phố muộn thế được.
- Về sớm để làm gì ạ? Cháu đã có vợ đâu cơ chứ!
- Bố ơi, thế nào là người đàn ông độc thân?
- Là người chỉ phải rửa bát và giặt đồ của chính mình thôi!
- Chưa chắc tất cả phụ nữ đều thông minh. Nhưng cô gái mà anh chàng nát rượu đầu xóm chọn chắc chắn thông minh.
- Tại sao?
- Chính vì thông minh, nên cô ấy không chịu lấy anh ta!
- Các cô gái ăn mặc "Trống vắng" nhằm mục đích gì nhỉ?
- Để cánh đàn ông “Trái tim không ngủ yên" mà từ bỏ cảnh độc thân.

12. CHUYỆN CHÀNG KY
Chàng Ky đi tán gái, chàng gặp cô gái mà tôi tin rằng họ sẽ sống rất hạnh phúc vì có nhiều điểm giống nhau…
Một cô gái quy định với chàng ám hiệu:
- Anh cứ đứng dưới cửa sổ phòng em. Khi nào thấy có thể tiếp anh được, em sẽ ném một đồng xu xuống.
Đúng hẹn, chàng Ky đến. Ở lầu hai, cô gái thò đầu ra và anh chàng nghe thấy một tiếng "keng" cạnh chân mình. Đợi mãi không thấy chàng trai lên, cô gái lại thò đầu ra cửa sổ, thấy chàng đang lúi húi như tìm kiếm cái gì. Cô gọi:
- Lên đi thôi. Anh làm cái gì ở dưới thế?
- Anh tìm nhặt đồng xu lúc nãy.
- Đừng tìm nữa. Đồng xu ấy có buộc dây, em kéo nó lên rồi.


13. NHƯ BỊ ĐIỆN GIẬT
Có một người chết vì điện giật. Tại hiện trường, thanh tra cảnh sát hỏi ông chồng:
- Ông nói là nghe thấy tiếng bà nhà kêu thét lên, tại sao ông không chạy vào bếp để cứu?
- Mọi khi vẫn thế, bà ấy có làm sao đâu!
- Ông muốn nói rằng, vợ ông vẫn thường xuyên bị điện giật?
- À không, bà ấy vẫn thường xuyên thét lên như vậy.

14. BỆNH NGOẠI
Sắp chết đến nơi mà ông sếp sính ngoại vẫn muốn biến mình thành bệnh nhân ngoại.

Một ông giám đốc Công ty ngoại thương bất ngờ lên cơn đau ruột thừa. Bà vợ hốt hoảng gọi con:
- Mau! Gọi bác sĩ đi con!
Ông giám đốc cố gượng dậy:
- Đừng gọi bác sĩ...! Hãy gọi đốc tờ cho tôi!

15. TÁC DụNG PHụ CủA Mỹ PHẩM
Hai vợ chồng cùng đi shopping, cô vợ chỉ vào một lọ mỹ phẩm rất đắt tiền thủ thỉ với chồng:
- Anh ạ! Loại mỹ phẩm này tuy đắt thật nhưng nếu dùng nó sẽ làm mất các nếp nhăn trên mặt em đấy!
- Anh thì nghĩ nó có tác dụng phụ.
- Tác dụng phụ gì hả anh?
- À, nó làm xuất hiện các nếp nhăn trên mặt... anh.

16. ĐẦU ÓC KINH DOANH
Ông bố của một người thợ đục đá ốm nặng mấy tháng nay. Một hôm, cụ
thấy trong người khác lạ...
Cụ cho gọi các con cháu dặn khắc một tấm bia cắm trên mộ.
Người con sau đó mang hết tâm huyết khắc một tấm bia thật đẹp với dòng chữ: “Mộ cụ Nguyễn Văn X, cha của thợ đá Nguyễn Văn Y - chuyên khắc bia mộ, đục cối đá, cối xay bột. Bảo đảm. Giá rẻ. Liên hệ: 090...”.

17. GIỮ BÍ MẬT
Nhờ mấy chàng keo kiệt giữ bí mật chuyện tiền nong là nhất rồi.

Chàng sinh viên Nguyễn Văn Nghèo gặp anh bạn Trần Văn Keo. Nghèo bảo Keo:
- Cậu có thể giữ giùm tớ một bí mật này không?
- Được chứ! Tớ sẽ câm như hến.
- Tớ có việc gấp, cậu cho tớ vay 20 ngàn.
- Yên tâm đi, tớ coi như không nghe thấy cậu nói gì.

18. KHả NĂNG XấU NHấT
Ông chồng nào vớ được bà vợ như dưới đây chắc cũng chẳng muốn hấp hối làm gì, thà "đi" luôn còn hơn.
Khi bệnh của ông tỷ phú già không còn hy vọng chữa chạy gì nữa, bác sĩ nói với cô vợ trẻ của ông ta:
- Bà cần chuẩn bị tinh thần đón nhận khả năng xấu nhất có thể xảy ra.
Cô gái vẫn đang chìm trong suy tư, mắt nhìn xa xôi, lẩm bẩm:
- Vâng, lũ con ông ấy đòi thừa kế phần lớn số tài sản. Tôi xác định giành được một nửa là may rồi.

19. TẾ NHỊ
Hai cô bạn gái nói chuyện với nhau: - Sao? Chuyến đi biển cùng anh bồ mới vui vẻ chứ?
Cô bạn hào hứng:
- Tuyệt! Anh ấy là người rất tế nhị.
- Làm sao cậu nhận ra điều ấy?
- Ngoài bãi biển, anh ấy chỉ chạm tay vào những chỗ có vải trên cơ thể mình, những chỗ hở thì không.
20. BÓ TAY VỚI VỢ
Ý chồng là không ai được "bóc" ngoài vợ. Thế mà cô nàng chậm hiểu chẳng chịu "bóc" gì hết.
Chồng ở nước ngoài gọi điện về cho vợ:
- Tuần trước, anh có gửi cho em một bức thư, em đã nhận được chưa?
- Em nhận được rồi nhưng chưa dám xem.
- Sao vậy?
- Vì ngoài bì thư anh có ghi: Trong thư có ảnh, xin đừng bóc.

- !!! 

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

262/ KỈ NIỆM VỀ MỘT NGÀY KHAI TRƯỜNG

       
         Đối với tuổi học trò chúng ta có biết bao nhiêu kỉ niệm đẹp..Và tôi cũyng thế .Năm nay tôi đỗ vào trường chất lượng cao  Nguyễn Hiền, kỉ niệm về ngày khai giảng đầu tiên  ở trường này đã  làm tôi nhớ mãi.      
            Hôm ấy, trong nỗi niềm lo lắng tôi đã dậy từ rất sớm và càng lo lắng hơn khi thấy trời mưa, nhìn những giọt mưa cứ rơi tí tách trên mái hiên mà lòng tôi như se lại, lo sợ cho buổi lễ khai giảng của trường.

          Tôi chuẩn bị tươm tất mọi thứ, rồi được mẹ trang trí cho một chiếc áo tiện lợi, đồng hành với tôi trên đường đến trường là một chiếc xe đạp mới toanh. Đi trên đường, mặc dù trời mưa nhưng tôi vẫn cảm thấy háo hức lạ thường.Cây cối quanh đường tươi cười như chúc tôi một ngày mới với nhiều điều tốt lành. Vừa đến cổng trường tấm băng rôn màu đỏ thắm tươi trên nền chữ “CHÀO MỪNG NĂM HỌC MỚI 2012-2013” như đập vào mắt, gợi thêm cho lòng tôi niềm hân hoan lạ thường. Từ khắp các ngả đường học sinh đổ dồn về sân trường, tiếng cười nói ríu rít như những chú chim non.
         Những hàng cây trên sân trường vẫn tươi thắm như được gột rửa sau trận mưa tối qua. Cây phượng, cây bút và cả các cây bằng lăng  đua nhau khoe sắc xanh biếc .Cây bàng vươn những cánh tay khẳng khiu rung rinh trong bộ áo mới xanh nõn nà. Quanh sân trường mọi nơi đều sạch sẽ, gọn gàng vì trước hôm khai giảng toàn trường đã dọn vệ sinh. Trên khoảng sân xi-măng những vũng nước còn đọng lại trong veo.Ở phía lễ đài, các thầy cô đang tất bật chuẩn bị mọi thứ, mỗi người một việc ai cũng hăng hái đặc biệt là các thầy gIáo nam. Ở hai bên khán đài nhà vòm được dựng kiên cố với hai dãy bàn ghế dài xếp ngăn nắp gọn gàng để tiếp đón các đại biểu về dự. Trên sân khấu được đặt những lẳng hoa tươi của các đại biểu tặng trường rực rỡ khoe những bộ áo đầy sắc màu Tấm rèm xanh được căng rộng  làm nổi bật lên lá cờ tổ quốc nền đỏ sao vàng năm cánh. Tượng Bác Hồ cũng đặt trên bục trang nghiêm ở giữa sân khấu và vòm hoa tươi thắm như bày tỏ lòng tôn kính với Bác.
         Trên trụ cao của dãy lầu sau khán đài treo những tấm băng rôn màu đỏ, to kéo dài từ tầng hai xướng gần chấm đất, nổi bật là hàng chữ “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”.
         Chỉ trong vài phút mọi thứ đã ổn định. Chúng tôi xếp hàng ngay ngắn trong sự chỉ đạo của cô chủ nhiệm những bộ quần xanh, áo trắng, mũ ca lô đã chuẩn bị tươm tất từ lâu như làm nổi bật một khoảng sân. Tiếng trống vang lên chúng tôi đi theo hàng lối răm rắp theo nhịp trống như đội quân tí hon ra trận, vẫy tay chào đại biểu đi đầu đoàn diễu hành là đội cờ hồng dương cao như bày tỏ niềm tin hi vọng của chúng tôi. Những anh chị lớn mang những bó hoa tươi thắm sang đón các lớp Chất lượng cao. Đoàn diễu hành đến lớp mình chúng tôi vẫy tay thật cao, tươi cười ngẩng đầu nhìn đại biểu trong lời giới thiệu của cô Liên – dẫn chương trình và sự hướng dẫn của cô chủ nhiệm. Để đáp lại tình cảm của chúng tôi, các bác lãnh đạo, các thầy cô đứng dậy vẫy tay chào, nhìn với ánh mắt tươi cười làm lòng tôi cảm thấy ấm áp và tự hào làm sao khi vinh dự được học lớp Chất lượng cao.
             Lúc đó, nhìn lên sân khấu tôi thấy nó rực rỡ hơn, những tà áo dài của các cô phấp phới, tung bay nhè nhẹ với đủ sắc màu, nổi bật nhất là áo dài màu hồng phấn của cô Liên và màu cam tươi của cô Trâm. Phía sau sân khấu là cô Nương trẻ trung, duyên dáng đứng che ô cho các thầy cô phát biểu. Vài phút sau, các khối lớp đã ổn đinh vào vị trí. Giờ chào cờ đã đến, may mắn làm sao trời đã ngớt mưa, chúng tôi đứng lên chỉnh đốn trang phục và tất cả thầy cô, quí vị đại biểu cũng trang nghiêm làm lễ chào cờ, hàng trăm đôi mắt nhìn lên lá cờ Tổ quốc “Nghỉ… nghiêm” giọng cô Hiệu phó vang lên rõ ràng, bài hát Quốc ca hùng tráng cất lên làm sống lại trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam như xoa tan cái giá lạnh của cơn mưa nhẹ đầu thu.
            Sau phần chào cờ là chương trình văn nghệ, nhiều tiết mục đặc sắc, cuốn hút và hấp dẫn người nghe. Đặc biệt, tiết mục tôi yêu thích nhất là “Cơn mưa hè” do “ca sĩ nhí” Trần Băng trình bày, giọng cô lớp 6 bé ngọt ngào truyền cảm cất lên khiến chúng tôi chăm chú, không thể rời mắt khỏi sân khấu, những bước nhảy yểu điệu, thướt tha của Băng làm chiếc váy đỏ tung theo nhịp bước. Chương trình văn nghệ kết thúc trong tiếng vỗ tay giòn giã của mọi người.Lúc này, mưa bắt đầu nặng hạt. Cô giáo chủ nhiệm các lớp mang những chiếc áo tiện lợi ra cho  học sinh chúng tôi che đầu.
           Cô Vi – Phó hiệu trưởng nhà trường trong chiếc áo dài trắng tinh điểm những chiếc hoa màu hồng xinh xắn lên đọc thư chào mừng năm học mới của bác chủ tịch nước Trương Tấn Sang, giọng cô ấm áp trìu mến vang lên  sưởi ấm  lòng người. Một cách trang trọng, thầy Hiệu trưởng Lương Văn Túy mặc bộ vét màu xám với chiếc cà vạt màu nâu hết sức sang trọng thầy đọc diễn văn khai giảng, giọng ân cần nhắc nhở, khiến tôi nhớ mãi câu nói “Các em hãy ghi nhớ lời thầy, cố gắng học tập để làm rạng danh gia đình, nhà trường và cả xã hội.”
           Bác trống nằm im lìm từ đầu tới giờ, bỗng cất tiếng “Tùng… tùng… tùng” một hồi trống dài vang lên như thôi thúc chúng tôi bước vào năm học mới đầy thành công và nhiều thành tích trong học tập.Vì trời mưa to nên chùm bong bóng mở hội khai trường không thể cất mình lên nổi, các bạn thả  các từng chiếc  đủ bay lên cao  trông như những chiếc đèn lồng xinh xắn đủ màu sắc, tượng trưng cho ước mơ của chúng tôi bay cao và bay xa hơn nữa. Mãi mê nhìn theo những chiếc bóng bay, không sao rời mắt khỏi bầu trời, không khí sân trường xôn xao, náo nhiệt hẳn lên. Bỗng các bạn im lặng khi nghe giới thiệu   chị Phan Thị Thanh Tuyền , học sinh lớp 8 .chất lượng cao đại diện cho tất cả  học sinh toàn trường bày tỏ cảm nghĩ. Chị mặc chiếc váy trắng, mũ ca lô và gương mặt đang yêu bước lên sân khấu. Giọng chị rất ấm, chị đã nói lên những tâm tư tình cảm của chúng tôi về vai trò của nhà trường, công lao của thầy cô. Nhẩm theo lời chị, tôi thầm hứa sẽ cố học thật giỏi và vâng lời người lớn để không phụ lòng mong ước, sự kì vọng của cha mẹ, thầy cô dành cho mình.
          Trời bắt đầu mưa nặng hạt hơn, cái lạnh đã thấm đến da thịt nhưng chúng tôi vẫn chăm chú xem tiếp chương trình trao tặng quà cho các bạn vượt khó học giỏi và cho các thủ khoa vào các lớp chất lượng cao. Bỗng một tiếng “Ô”, thì ra là anh Tân lớp 9 và cậu Pháp lớp mình đấy”. Các bạn lớp tôi xì xào bàn tán. Cậu Pháp dáng người nhỏ nhắn nhanh nhẹn bước lên bục khán đài là niềm vinh dự của lớp. Tôi đang ao ước được như bạn ấy thì giật mình khi nghe tiếng gọi tên tôi trong danh sách các bạn học sinh nghèo, bước lên sân khấu mà lòng tôi cảm thấy rất vui. Ôm phần quà mà Hội khuyến học trao tặng tôi cảm nhận được sự quan tâm ưu ái của thầy cô và của những tấm lòng hảo tâm.Kết thúc buổi lễ, chúng tôi ra về mặc dù ai cũng thấm ướt nước mưa những vẫn thấy ấm áp lạ thường.
              Tôi nghĩ đây là buổi lễ khai giảng long trọng nhất của huyện nhà.. Ra về, mà lòng tôi cứ háo hức mong chờ đến thứ năm để được đón xem hình ảnh của buổi lễ khai giảng trường mình trên đài truyền hình. Tôi tự nhủ  sẽ học thật giỏi,sẽ thật ngoan  để không phụ sự kì vọng của thầy cô, cha mẹ Buổi lế khai trường để lại một cái ấn tượng rất sâu sắc trong lòng cho dù năm tháng có trôi qua, kỉ niệm ấy sẽ mãi mãi không bao giờ phai nhòa.


 Nguyễn Thị Tĩnh lớp 8/1 trường THCS Nguyễn Hiền

261/THĂM ĐỊA ĐẠO KỲ ANH

      Con về thăm địa đạo Kỳ Anh.
       Địa đạo anh hùng đã đi vào huyền thoại.
      Nơi ấy có mẹ
      Người mẹ hiền yêu dấu
     Trong hầm sâu
     Mẹ giấu nuôi những đứa con.


.
     Biển vẫn hát
     Khúc ca về người mẹ
    Ôi mẹ Việt Nam –một đời gian khổ
    Mẹ dâng hương hoa
    Cho đất nước rạng ngời
     Chúng con về thăm địa đạo Kỳ Anh.
     Địa đạo lẫy lừng một thời chống Mỹ
     Nơi ấy có mẹ
     Người mẹ thời chinh chiến
    Trong đạn bom
     Mẹ giấu che những bước chân  con.



   Biến vẫn hát
   Khúc ca về mẹ
                                
                  Lê Thị Thu Ba GV trường THCS Nguyễn Hiền




260/ CÔ GIÁO MÀ ANH




             Anh bảo  em chiều mai đi dạo phố.
            Thăm công viên ,vào siêu thị  Đà thành.
Ừ thích thật mình  tha hồ mua sắm.
            Ngắm  sông Hàn thành phố buổi hoàng hôn.
            Nhưng anh ơi chiều mai em  bận việc.
            Em phải dạy bù- cô giáo mà anh.
            Thôi thì để ngày kia mình đi vậy.
Vào Tam Quan  quê ngoại, biển Kỳ Hà.
Ồ vui thật  được tắm mình trong nắng.
 Mặc sức  mà  ăn cá, lẫu tôm tươi.
Nhưng anh nhé em xin đành lỗi hẹn.
Bởi ngày kia  có tập bài chưa chấm.
Em phải  chấm bài- cô giáo mà anh.
Vậy tối nay mình đi chợ hội xuân.
Mua  hàng hiệu, áo quần, đồ trang sức.
Nhưng anh ơi tối nay em cũng bận.
            Giáo  án ngày mai em phải  hoàn thành.
Đừng giận em nhiều nhé anh yêu.
Bởi em là cô giáo mà anh!.

                       
Lê Thị Thu Ba GV trường THCS Nguyễn Hiền

Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

259/ PHONG CÁCH NÊU GƯƠNG CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Bài tham gia dự thi Tìm hiểu về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tháng 8-2013 của đảng bộ thị trấn Phú Thinh  do cô  Nguyễn Thị Thúy Vi (hiệu phó trường THCS Nguyễn Hiền ) thực hiện đạt giải nhất 

 “ Người là cha, là bác, là anh
 Quả tim lớn lọc trăm dòng máu đỏ”
                            (Sáng tháng năm )
 Lời thơ của Tố Hữu nói hộ lòng mỗi chúng ta niềm kính yêu ngưỡng mộ người. Ôi cuộc đời Người là cả nước non. Chủ tịch Hồ Chí Minh với cuộc đời  hoạt động cách mạng  hết lòng vì nước, vì dân, đã để lại cho chúng ta một di sản hết sức quý báu. Đó là tư tưởng của Người. Trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng đạo đức cách mạng giữ một vị trí quan trọng. Đó là nền đạo đức cách mạng mang tính nhân văn sâu sắc. Và nhất là tìm hiểu phong cách nêu gương, chúng ta càng ngưỡng mộ phong cách sống đẹp của Người.
                 Vậy  phong cách nêu gương của Hồ Chí Minh là gì ? Phong  cách nêu gương là cách sống luôn làm gương cho người khác và luôn trân trọng tấm gương của mọi người.Phong cách nêu gương của Hồ Chí Minh  Đó là:
           Thứ nhất cần nêu gương trên ba mối quan hệ: với mình, với người, với việc. Đối với mình phải không tự cao tự đại, tự mãn, kiêu ngạo mà luôn học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân, phải tự phê bình mình như rửa mặt hằng ngày; đối với người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc, khoan dung, độ lượng; đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào phải giữ nguyên tắc “dĩ công vi thượng”, đã phụ trách việc gì thì phải tận tâm, tận lực làm cho kỳ được, không sợ khó khăn, gian khổ, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh.
   Thứ hai, muốn nêu gương được thì nói phải đi đôi với làm. Thực tế cho thấy, nếu một cán bộ, đảng viên “nói một đằng, làm một nẻo” thì trước con mắt của nhân dân, họ không còn là người chiến sĩ tiên phong nữa, họ tuyên truyền sẽ chẳng ai nghe. Và thực chất, họ đã tự tước đi vai trò của người lãnh đạo. Tự mình phải gương mẫu thực hiện nêu gương trước mới giúp người khác làm theo, bản thân mình không gương mẫu thì không thể nói ai được.    
               Thứ ba: Để giáo dục bằng nêu gương đạt kết quả cao, Người chủ trương: “Lấy gương người tốt, việc tốt” hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Trong cuộc sống hằng ngày, người cán bộ, đảng viên chẳng những phải có trách nhiệm tự tu dưỡng tốt để trở thành con người có đời tư trong sáng, mà còn phải làm tấm gương giúp nhân dân nhìn vào đó làm những điều đúng, những điều thiện, chống lại thói hư, tật xấu.
       Phong cách  nêu gương được hình thành ở người  là do  đâu?          Ngừơi   Hồ Chí Minh thấm một triết lý sâu xa rằng, cơm chúng ta ăn, áo chúng ra mặc đều do mồ hôi, nước mắt của nhân dân mà ra, nên chúng ta phải đền bù xứng đáng cho dân. Tư tưởng đạo đức ấy đã tạo nên một phong cách nêu gương, tự giác gương mẫu của Hồ Chí Minh, người lãnh tụ kính yêu của cách mạng Việt Nam, người suốt đời phấn đấu, hi sinh vì đất nước, vì dân tộc
        Nếu như việc nêu gương về đạo đức trong các xã hội trước đây (nhất là ở xã hội phong kiến), người ta thường chỉ đặt trọng tâm nêu gương vào những người quản lý xã hội, những bậc vĩ nhân, quân tử…, thì đến Hồ Chí Minh, Người quan niệm rằng: giáo dục đạo đức là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, của tất cả mọi người. Trong xã hội ta, ai cũng là chủ thể, đồng thời là đối tượng của giáo dục đạo đức. Do đó, ai cũng có thể và cần phải luôn nêu gương sáng về đạo đức
         Vậy Bác Hồ của chúng ta đã thể hiện phong cách  nêu gương đó như thế nào?
                  Ngừoi từng dạy: “Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành. Kháng chiến, kiến quốc, ta phải cần kiệm. Nhưng tự mình phải cần và kiệm trước đã. Trước hết, nói đi đôi với làm, mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân. Làm gương cả về ba mặt: tinh thần, vật chất và văn hóa. Không có gì là khó. Khó như cách mạng mà ta đã làm được và đã thành công. Muốn làm được, ta phải: quyết tâm, trí tâm và đồng tâm. Ta nhớ ba chữ ấy, thực hành làm gương nêu ba chữ ấy lên, tất là các đồng chí phải thành công”.
             Người nhắc nhở đảng viên: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Tự mình phải chính trước, mới giúp người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý.
           Khi nước nhà vừa giành được độc lập năm 1945, đứng trước nạn đói đang hoành hành, Người kêu gọi toàn dân diệt “giặc đói” bằng hành động cụ thể, mười ngày nhịn ăn một bữa để lấy số gạo tiết kiệm đó cứu những người bị đói và chính Người đã làm gương, nghiêm túc thực hiện một cách triệt để mặc dù phải làm việc nhiều, sức khỏe giảm sút vì vừa trải qua một trận ốm nặng… Bộ đội, cán bộ ăn cơm độn ngô, khoai sắn, Bác cũng yêu cầu nấu cơm độn 50% đúng như mọi người.
            Các đồng chí đều đã biết ,Người còn là tấm gương về lối sống giản dị. Là Chủ tịch nước nhưng Bác cũng chỉ có vài bộ quần áo đơn sơ, giản dị, anh em phục vụ muốn đề nghị may mới cho Bác, nhưng Bác không cho và nói: “Bác có hai bộ là đủ dùng rồi. Hiện nay đồng bào ta còn thiếu quần áo mặc. Bác có như vậy là đủ và tốt lắm rồi!”
            Bữa ăn của Bác như bữa ăn của mọi nhà: Bát canh, quả cà, con cá hoặc lát thịt kho.... Có đôi tất rách đã vá lại mấy lần Bác cũng không dùng tất mới, áo Bác rách có nhiều khi phải vá vai, rồi lộn cổ… vá đi vá lại, Bác mới cho thay... Bác nói: “Cái gì còn dùng được nên dùng, bỏ đi không nên”. Có lần một đồng chí cán bộ gần Bác đã mạnh dạn thưa thật với Bác rằng: Bác là Chủ tịch nước, Bác mặc áo sờn vá như thế thì không phù hợp lắm. Bác nói: Này chú! Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước mặc áo vá thế này là cái phúc của dân đấy! Đừng bỏ cái phúc ấy đi.”           
    Phong cách sinh hoạt Hồ Chí Minh có nhiều nét đã trở thành huyền thoại không những đối với nhân dân Việt Nam mà còn đối với cả thế giới. Đó là sự giản dị, thanh đạm, thanh cao trong sinh hoạt hằng ngày; là cách sống chừng mực, điều độ, ngăn nắp, yêu lao động, rất quý trọng thời gian, chẳng có ham muốn danh lợi riêng cho mình; đó là tình thương yêu con người hòa quyện với tình yêu thiên nhiên tạo nên tinh thần lạc quan của người chiến sĩ cách mạng.
              Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc xây dựng làng, xã, huyện, tỉnh kiểu mẫu; những “người tốt, việc tốt”. Từ những nhân tố mới làm gương mẫu nhân rộng ra, dấy lên phong trào thi đua học tập và làm theo, tạo nên khí thế cách mạng hào hùng trong sản xuất, công tác... rộng khắp trong cả nước. Ngay từ những ngày đầu hoạt động cách mạng, Người  rất quan tâm rèn luyện cho cán bộ, đảng viên không những về mặt phẩm chất, đạo đức mà còn rèn luyện về phong cách làm việc. Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (năm 1927) và “Sửa đổi lối làm việc” (tháng 10-1947), Bác đã yêu cầu cán bộ, đảng viên phải là người có phẩm chất đạo đức cách mạng, vừa phải có năng lực mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; trong đó phong cách làm việc nêu gương là một nhân tố quan trọng cấu thành nên phẩm chất và năng lực của cán bộ, đảng viên.        
Các đồng chí ạ! Học tập phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chi bộ trường THCS Nguyễn Hiền trong thời gian qua đã thực hiện làm theo đạt được nhiều  kết quả tốt, đó là:
 Mỗi cán bộ đảng viên trong chi bộ không ai tự mãn, luôn học tập để nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; tinh thần phê bình và tự phê bình luôn được phát huy trong đội ngũ, nhất là trong mỗi cán bộ đảng viên; xây dựng tốt khối đoàn kết nội bộ trong Đảng và trong cơ quan; đội ngũ có tinh thần trách nhiệm cao.
 Mỗi cán bộ đảng viên thực hiện tốt việc nói đi đôi với làm, thẳng thắn, trung thực góp ý để đồng nghiệp ngày càng hoàn thiện, thầy cô giáo thường xuyên uốn nắn, giáo dục học sinh về hành vi, đạo đức, kĩ năng sống.
 Và đặc biệt là lấy gương người tốt, việc tốt để nêu gương được thực hiện có hiệu quả, nhất là trong học sinh, tổ chức tuyên dương những tấm gương đạo đức điển hình, phê bình những hành vi chưa tốt của một số học sinh để làm gương cho nhiều học sinh khác, điều đó đã đem lại hiệu quả giáo dục đạo đức khá tốt trong thời gian qua. Thực hiện tốt cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, thầy cô  giáo luôn là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Thực hiện tốt phương châm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
Năm học 2012-2013, thầy và trò nhà trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học, về giáo dục các lớp đại trà, chất lượng tăng lên vượt bậc so với cùng kì các năm học qua, Nguyễn Hiền xếp vị thứ ba trên 9 trường THCS trong toàn huyện; là năm đầu tiên thực hiện nhiệm vụ giáo dục 4 lớp chất lượng cao, tuy bước đầu còn gặp nhiều khó khăn nhưng kết quả đạt được khá tốt, 97.1% tỉ lệ học sinh được xếp loại giỏi, đạt 20 giải học sinh giỏi cấp tỉnh và 184 giải học sinh giỏi cấp huyện; tiêu biểu trong việc học tập phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh có các em học sinh như Đinh Minh Tân, Võ Thị My Ny-học sinh lớp 9/1,.. còn nhiều tấm gương điển hình của thầy cô giáo và các em học sinh khác nữa.
               Phong cách nêu gương trong tư tưởng và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện xuyên suốt trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng, phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân của Người. Người không chỉ tiếp thu, kế thừa, bổ sung, phát triển và hoàn thiện lý luận về phương pháp, mà Người đã thực hành phong cách nêu gương một cách nhuần nhuyễn, hết sức mẫu mực và tự nhiên. Người kiên trì nêu gương về đạo đức còn nhiều hơn những điều Người nói và viết ra. Chính bản thân Người là một tấm gương về phong cách nêu gương về đạo đức, một hình ảnh mẫu mực về “người lãnh đạo và người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
.           “Sống, chiến đấu, lao động  và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Câu nói ấy đã trở thành tâm niệm của mỗi chúng ta, mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên trường THCS Nguyễn Hiền. Và phong cách nêu gương của Người sẽ luôn đi vào mỗi thái độ hành động cụ thể nhất để mái Trường mang tên trạng nguyên Nguyễn Hiền  thực hiện tốt sứ mệnh cao cả, đưa sự nghiệp giáo dục của thị trấn Phú Thịnh lên tầm cao mới.
                Nào chúng ta hãy:
Học Người phong cách nêu gương
Bằng cả tâm nguyện tình thương cuộc đời
Trăm năm lợi ích trồng ngừơi
Tấm gương Bác mãi sáng ngời lòng ta./.
                 

Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

258/ CHÙM THƠ BÁO HIẾU LỄ VU LAN CỦA MAI BÁ ẤN


  
Cha
Mẹ là dòng nước mát
Cha là rãnh cày thô
lúa trĩu bông đơm hạt
nuôi đàn con dại khờ

Cha lặng thầm như đất
giấu màu mỡ bên trong
dạy con bằng ánh mắt
chứa bao niềm ước mong

chiếc roi tre im lặng
nhịp trên đà cửa tre
những ngày con trốn học
rong chơi quên nẻo về



lời khen Cha cũng kiệm
quát mắng Cha cũng không
như đất quê im lặng
nuôi lúa khoai trên đồng

bắp cày bằng gỗ mít
gọng cày bằng mù u
vừa nhẹ trâu vừa chắc
một đời Cha cần cù


chiếc roi bằng dủ dẻ
mót - cho trâu sợ đòn
nhưng chỉ nghe tiếng vút
ít để lằn trên lưng

tình thương Cha là vậy
cụ thể mà ít lời
càng lớn khôn càng thấy
cao sâu hơn biển trời…



Ru

con ve nằm khóc trên chạt ổi
hạ tàn rồi trưa nồng đầu thu
con dế nỉ non trong xó tối
giục đêm tàn… kết thúc lời ru
thạch sùng ru đêm
đàn gà ru sáng
con chào mào hát lửng giữa chừng trưa…



Phải mẹ khóc cả một đời thầm lặng
thành lời ru bên những chiếc nôi đưa !





Mẹ tôi

Ngày Mẹ sinh con leo lét ngọn đèn dầu
mùa giáp hạt cả làng xơ xát đói
tiếng mõ thúc liên hồi thời giặc giã
đêm sơ sinh ta không bình yên…

Tuổi thơ ta quên mất chuyện thần tiên
chỉ biết cắn răng chống chọi
những cơn đói thiếu ăn và cái lạnh mùa đông nghiệt ngã
lầm lụi lùa trâu đi… đường quê bùn lầy

Nhưng có Mẹ là niềm tin còn lại
dòng sữa thơm không khuất phục đói nghèo
còi cọc xác thân nhưng tấm lòng vĩ đại
mẹ muôn năm cao cả của thương yêu

Mẹ lầm lũi giục ta kiêu hãnh
mẹ tảo tần giục ta siêng năng
mẹ bóng tối giục ta tìm ánh sáng
mẹ mù chữ giục ta thâu đêm chong mắt với ngọn đèn

Ngày cả huyện chỉ một mình con Mẹ
bước thênh thang vào ngưỡng cửa giảng đường
mẹ lại khóc vì sợ con xa cách
níu không gần lại được những xa thương



Và bây giờ con cũng đà bạc tóc
quá bốn mươi Mẹ đã tám mươi tròn
vậy mà cũng không ít lần Mẹ khóc
là những lần bất hạnh đến cùng con

Cao cả thế ! Trên đời duy có Mẹ
con đội trên đầu, con giấu trong tim
thờ phượng mãi… và Mẹ ơi ! Có lẽ…
nói về Người… thơ chỉ biết lặng im


Lời mẹ ru


Mẹ ơi ! một nắng hai sương
Ru con khoan nhặt đoạn trường khúc ca
Cuối sông đầu chợ bôn ba
Nuôi con bạc tóc nếp già hằn sâu
Trầu xanh cùng trắng miếng cau
Nhai với vôi bạc đậm màu thủy chung
Nghĩa ân là chuyện vô cùng
Dạy con từ thuở lọt lòng nằm nôi
Mà khi đã lớn thành người
Chuyện đời Mẹ kể chưa nguôi nỗi lòng
Nực mùa Hạ rét mùa Đông
Lời ru gạn đục khơi trong cánh cò
Triền miên bao nỗi âu lo
Qua sông nước lớn con đò chồng chênh
Mẹ ru trăng lặn nước lên
Cuốn theo dòng lũ… bập bềnh lời ca
Bế con vào bồng con ra
Trông mây, trông gió suy già đoán non
Sợ đau lòng phận cò con
Đắng cay Mẹ chịu….ngọt ngon Mẹ nhường
Ầu ơ…cá bống rút xương
Ơi à….trường đoạn đoạn trường lụy lưu
Quan quan cái con thư cưu
Tỉ tê ả Chức, chàng Ngưu đôi bờ…
Mẹ ru từ bấy đến giờ….
Lớn khôn rồi vẫn ngây thơ trong lòng
Lời ru gạn đục khơi trong...


                                                                                          
  Mai Bá Ấn



Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

257/ NGỌN GIÓ LẠ


Anh có biết tình yêu của gió là gì không
Chỉ lướt nhẹ qua cũng làm nỗi nhớ dịu dàng man mác
Xoa mờ đắng chát
Bằng nụ hôn ngoan
Anh có nghe gió hát điều gì không
Rằng tình yêu không chỉ êm đềm như mùa thu với chiếc lá vàng đầu ngõ
Cơn lốc cũng đôi ba lần qua đó
Khi giận hờn chợt vút lên cao 

Anh có nghe tiếng gió lao đao chênh chao
Không gian nghẹn ngào
Lời tình nào gian dối
Giọt nước mắt rơi ngược vào lòng vẫn không tiếc nuối
Từ tạ một lời gió sẽ ra đi
Khi người chẳng nỡ
Quên nhìn những cánh Lưu ly
Sẽ chẳng dịu dàng đâu
Đừng tìm cách chắn đường đi của gió
Để cơn giận vặn mình thành bão tố
Tơi tả cả vườn yêu
Khi cánh đồng xanh tươi - gió chẳng muốn đổi chiều
Nên khúc ca tình đừng đổi thay lời nhé
Tình yêu bao đời không là điều mới mẻ
Nhưng ngọn gió là em luôn mới ở trong anh
Em sẽ là hương thơm để gió mãi trong lành
Cuốn quanh đời anh
Nụ hôn tình tựa như giông bão
Có đôi khi ngại ngần
Nhưng mùa yêu không thay mầu áo
Vì em muôn đời là gió của riêng anh.



Thanh Thanh Ngọc

Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

256/ TRÁI TIM KHÔNG CHIA LÌA

                                      
                                        Bích Trâm 

                               Ba thương con vì con giống mẹ
                                     Mẹ thương con vì con giống ba
               Còn gì sung sướng hơn là được ba mẹ yêu thương, nâng niu, trìu mến.Tuổi  thơ chúng ta, ai cũng có  được niềm hạnh phúc ấy. Nhưng xung quanh ta vẫn không hiếm những mảnh đời trẻ thơ sống cảnh trớ trêu, thiếu tình thương của bố mẹ .Hạnh phúc gia đình đổ vỡ ,bố mẹ li hôn, con là nạn nhân của những cuộc chia tay. Cái bi kịch gia đình đầy phũ phàng ấy đã đựơc nhà văn Khánh Hoài thể hiện một cách sâu sắc ,cảm  động  trong truyện Cuộc chia tay của những con búp bê. Câu chuyện rất giàu tính nhân văn đã khơi gợi trong lòng em rất nhiều suy nghĩ. Câu chuyện rất giàu tính nhân văn đã khơi gợi trong lòng em rất nhiều suy nghĩ. Trong nỗi đau chia li, những tâm hồn trẻ thơ ấy vẫn luôn đau đáu khát vọng yêu thương bằng  tất cả tấm lòng nhân hậu, vị tha trong sáng.  Bởi lẽ giản đơn: trái tim yêu thương đâu thể chia lìa.
              Đọc truyện ai mà không đau lòng trước tình cảnh  của hai anh em Thành Và Thủy. Bởi tình anh em thắm thiết mà phải  chia tay .Trong cuộc đời, ai mà không chứng kiến những cuộc chia tay .Người mẹ tiễn con lên đường làm nghĩa vụ quân sự. Ngưòi vợ tiễn chồng đi công tác. Và đứa con chia tay gia đình đi học trường xa... Cuộc chia tay nào mà không bịn rịn, lưu luyến. Cuộc chia tay nào mà không có nỗi đau .Nhưng đó là những cuộc chia tay tràn đầy tình yêu thương và hi vọng – những cuộc chia tay của hạnh phúc. Bởi những nỗi buồn đau chỉ là tạm thời để hoá thành sức mạnh,nguồn động viên cho ngừời đi và người ở lại. Nhưng cuộc chia tay Thành và Thuỷ trong truyện Cuộc chia tay của những con búp bê  chỉ có đau thương. Bố mẹ bỏ nhau, hai anh em phải sống trong cảnh sảy đàn tan nghé. Thành và Thủy chỉ được chọn một trong hai bố mẹ lại phải chia cắt tình anh em ruột thịt. Cái  bi kịch gia đình đã được Thành kể lại trong nỗi đau và niềm  xúc động. 

   
         Tổ ấm gia đình không còn nữa. Nỗi đau không chỉ vì phải mất đi tình thương của một trong hai đấng sinh thành mà còn là nỗi đau phaỉ xa lìa tình anh em ruột thịt .Hai anh em đã từng có những ngày tháng vui vẻ bên nhau. Thủy luôn lo lắng, giúp đỡ anh những công việc nhỏ nhặt nhưng rất ấm áp tình thương dành cho anh trai  mình. Biết áo anh bị rách,Thuỷ đã đem kim chỉ ra tận sân vận động vá áo cho anh. Còn Thành,tình cảm chân thành trìu mến của một người anh nào có kém gì. “Làm chị lành làm anh khó”, Thành không một chút nề hà luôn chăm sóc em chu đáo bằng việc  tận tình giúp em trong học tập. Chiều nào cũng không quên lặn lội đến trường  đón em và thủ thỉ tâm tình trò chuyện. Và  có những lúc rảnh rỗi hai anh em chơi đùa cùng nhau. Thành luôn nhường đồ chơi cho em.Tình anh em thắm thiết  là thế làm sao lại phải chia cắt? Câu hỏi  cứ xoáy vào lòng của hai đứa trẻ đáng thương và của chính người đọc.
         Trước bi kịch gia đình, tình cảm của hai anh em ngày càng trở nên thiết tha ,rất mực gần gũi thương yêu chia sẻ và quan tâm lẫn nhau. Suốt đêm nghe em gái khóc, Thành cũng khóc, khóc rất nhiều. Thuỷ nức nở, tức tưởi, em khóc nhiều nên hai bờ mi đã sưng mọng lên, cặp mắt đen trở nên buồn thăm thẳm. Thủy khóc  vì buồn vì thương anh và sắp phải xa anh… và bởi Thủy là con gái nên yếu mềm. Còn Thành  là con trai cơ mà? Phải chăng Thành cũng quá yếu đuối. Không ! Thành đã cố kìm nén những cảm xúc để em không nhận ra Thành luôn muốn được che chở làm điểm tựa cho em. Nhưng những tình cảm sâu sắc ở trái tim vốn còn rất bẻ bỏng như Thành  làm sao có thể không trào dâng trên khoe mắt. Và càng cố nén thì càng vỡ òa trong đớn đau.
           Thành muốn cố giấu nỗi đau lòng trước mặt em gái nên rón rén đi ra vườn, ngồi xuống gốc cây hồng xiêm. Thuỷ luôn muốn chia sẻ nỗi buồn trong lòng anh nên cũng đi ra vườn  ngồi cạnh anh trai. Em gái lặng lẽ đặt tay lên vai anh trai còn anh trai thì kéo em ngồi xuống và khẽ vuốt lên mái tóc. Với những cử chỉ quan tâm nhau như thế, dù phải chịu cảnh trớ trêu, tình anh em  ấm áp, ngọt ngào đã làm vơi đi phần nào vết thương lòng đang nhứt nhối. Nhưng biết làm sao khi đó chỉ là một niềm an ủi,  sự chia sẻ  nhỏ bé trong nỗi bất hạnh ngập tràn!
           Viết về nỗi đau của bi kịch gia đình nhà thơ Vương Trọng cũng có bài thơ Hai chị em rất cảm động. Em còn quá nhỏ. Còn chị  chỉ biết dỗ dành em trong nước mắt .Ngưòi đọc đau nỗi đau của chính sự ngây thơ của hai đứa trẻ tội nghiệp .
                             Nín đi em bố mẹ bận ra toà !
                            Chị lên bảy dỗ em trai ba tuổi
                            Thằng bé khóc bụng chưa quen chịu đói
                            Hai bàn tay xé áo chị đòi cơm.              
          Còn cuộc chia tay  của những con Búp bê của Khánh Hoài còn có cả nỗi đau trước tấm lòng trẻ thơ  trong sáng, cao đẹp của hai anh em Thành và Thuỷ. Hại bạn ấy ngoan ngoãn ,sống biết thương yêu nhau là thế. Lẽ ra phải đựợc bố mẹ yêu quí, nâng niu thật nhiều,thật nhiều.Vậy mà...
            Dẫu ngây thơ đến mức nào chắc chắn Thành và Thuỷ cũng hiểu rằng chính ba mẹ là những người đã đẩy con cái đến cảnh ngộ đau thương. Có thể sự nông nổi, bồng bột của trẻ thơ  sẽ khiến Thành và Thuỷ trở nên bực bội,oán trách bố mẹ để rồi trở nên ích kỉ, hẹp hòi, khô cạn tình thương. Nhưng không! Từ trong nỗi bất hạnh vẫn có những tâm hồn trẻ thơ rất mực đáng yêu!        
           Trong nỗi đau chia li, những tâm hồn trẻ thơ ấy vẫn luôn đau đáu khát vọng yêu thương bằng  tất cả tấm lòng nhân hậu, vị tha trong sáng.  Bởi lẽ giản đơn: Chia tay nhưng những  tình  cảm trong trái tim đâu thể chia lìa.
            Sắp phải  theo mẹ về quê mà không được gặp bố, Thuỷ  vẫn còn nỗi day dứt. Thuỷ vẫn nhớ bố, yêu bố biết bao. Bố đã đi không thấy về. Bao giờ em mới đựơc gặp lại bố? Thành đọc được những ý nghĩ trong lòng em, thương em vô cùng nhưng đành bất lực. Cậu chỉ biết  xót xa nhìn em và nghĩ: Bao giờ nó cũng chu đáo và hiếu thảo như vậy! Trong lòng trẻ thơ non nớt  của em Thuỷ vẫn còn nguyên câu hỏi ngây thơ “Sao bố mãi không về nhỉ?”. Câu hỏi như thế, lẽ ra phải xót xa trong lòng  người bố mà Thuỷ luôn mong đợi. Gía mà người bố ấy có thể hiểu được tấm lòng hiếu thảo của một tâm hồn trẻ thơ dạt dào yêu thương và khát khao được yêu thương đến nhường nào!
          Nghĩ đến bố rồi lại nghĩ đến mái trường, thầy cô bạn bè.Thuỷ lại muốn được đến trường để chia tay ,từ biệt ...Trong lòng Thành,  thương  em nhiều lắm bởi đã hiểu thấu cái ước mơ nhỏ bé, bình dị mong được gặp bố lần cuối đã không thực hiện được. Thành lại dắt em gái đến trường như những ngày còn nhỏ. Với Thuỷ, một gốc cây trước lớp, cái sân trường mang đầy những kỉ niệm. Và có lẽ, tất cả  ùa về khi em đứng nép mình và đăm đăm nhìn khắp sân trường.Thuỷ khóc thút thít. Những giọt nước mắt lại đầm đìa. Những tháng ngày sắp tới, em sẽ phải rời xa sách vở, giã từ những ước mơ hồn nhiên... Gắn liền với em là  cái thúng hoa quả để có cái ăn, cái mặc... Những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ nơi mái trường cùng với cuộc chia tay ngày hôm ấy sẽ khép lại trong lòng đứa trẻ bất hạnh. Ôi! Biết làm sao khi Thủy chẳng thể làm gì được ngoài những giọt nước mắt của tình cảm yêu thương thắm thiết dành cho thầy cô, bè bạn ,mái trường.        
          Chia li nối tiếp chia li. Ngưòi đọc càng nghẹn ngào khi hai anh em chia nhau những con búp bê -những đồ chơi mà thường ngày Thuỷ vẫn yêu thích ,nâng niu .Thuỷ đã đặt cho mỗi con búp bê một cái tên riêng: con Vệ Sĩ ,con Em Nhỏ và luôn đặt chúng cạnh nhau. Biết Thành hay nằm mê ngủ ,thấy ma,Thuỷ đã có sáng kiến bắt con Vệ Sĩ khoác dao díp gác đêm  cho anh trai ngủ yên giấc.Thành vẫn thường nhường con Vệ sĩ để nó đến bên Em nhỏ với em Thủy. Gìơ phút chia tay, hai anh em lại phải chia nhau những con búp bê theo lệnh quát của mẹ. Trẻ thơ ai mà chẳng thích được sở hữu đồ chơi ? Nhất là em Thủy. Vậy mà cả hai đều nhường nhau.Thành bảo dứt khoát: “Không phải chia nữa. Anh cho em tất”. Nhưng Thuỷ buồn bã lắc đầu: “Không, em không lấy .Em để lại hết cho anh”. Tự sâu trong lòng của cả hai đều không muốn chia rẻ  đôi búp bê như chính sự  chia lìa của  hai anh em. Chúng cần phải ở bên nhau  để đựơc quan tâm, săn sóc lẫn nhau như tình anh em máu thịt mãi mãi trọn vẹn.
              Trước mặt mẹ thì cả hai không dám cãi lời. Đồ chơi cần phải đựơc chia. Con Vệ Sĩ ở lại với anh trai, còn Thuỷ mang theo con Em Nhỏ với lời dặn dò chu đáo, ân cần :“Vệ Sĩ thân yêu ở lại nhé ! Ở  lại gác cho anh trai tao ngủ nhé.”. Nhưng trước lúc giã biệt,Thuỷ đã để lại con Em Nhỏ bởi  Thủy  không bao giờ để chúng nó ngồi cách xa nhau. Thuỷ cũng cần những con búp bê ấy lắm chứ!  Bởi đó sẽ là vật kỉ niệm của tình anh em sâu nặng. Bởi Thuỷ sẽ không bao giờ có được những đồ chơi đáng yêu như thế trong những tháng ngày sẽ phải  bán từng mẹt hoa quả bên vệ đường, góc chợ. Nhưng Thuỷ là thế, lúc nào cũng lo lắng cho anh mà quên cả bản thân mình. Thành càng thương em hơn nhưng đânh và chỉ biết mếu máo đứng chôn chân xuống đất nhìn theo cái cái bóng nhỏ liêu xiêu của em gái.
           Đồ chơi đã không chia xa. Nhưng những đứa trẻ cần được sống trong vòng tay yêu thương của bố mẹ, của tình thân phải gánh chịu thực tế phũ phàng - trở thành “trẻ  mồ côi”. Cha, mẹ, anh, em vẫn còn đấy mà thiếu vắng trong sự giã biệt .Tổ ấm gia đình còn đâu? Chút tình thương của hai đứa trẻ dành cho nhau sao mà cay đắng,xót xa đến vậỵ  Đoạn truyện làm ta đọc thật sự xúc động bởi những khát khao yêu thương bình thường,nhỏ bé của những mảnh tâm hồn trẻ thơ  tội nghiệp.
              Yêu thương để rồi chỉ mãi khát vọng được yêu thương. Câu chuyện về tình anh em thắm thiết đã  khép lại với  lòng yêu mến, cảm thông  sâu xa của tác giả dành cho hai anh em Thành và Thủy. Cảm ơn nhà văn khánh Hoài bởi những trang viết thấm đẫm tính  nhân văn.            
          Cuộc đời thực vẫn còn  có những điều  trớ trêu. Xung quanh ta còn nhiều, nhiều lắm nhưng cảnh ngộ tương tự. Từ bi kịch gia đình đã không ít những đứa trẻ lang thang kiếm sống bằng đủ nghề:  bán báo, đánh giày, bán vé số...và cả bán hoa quả như em Thuỷ. Đó những mảnh đời bất hạnh được cảm thông, chia xẻ,che chở, đùm bọc. Đó cũng là những tâm hồn trẻ thơ mang những vẻ đẹp tiềm ẩn của những trái tim đâu thể chia lìa cho chúng ta những bài học về lẽ sống đẹp. Các bạn ơi ! Hãy  biết sống nhân hậu,vị tha, bằng tất cả tình thương và khát khao yêu thương để vơi đi nỗi đau bất hạnh, để vượt qua mọi khó khăn trên đường đời!