Truyện ngắn
“Biển ơi, biển có biết không, lòng ta đã hứa thủy chung trọn
đời. Mà sao, mà sao nàng lại không yêu, chê ta nghề biển… hồn treo cột buồm…”.
Anh vừa hát, bằng chất giọng nặng trịch của muối, vừa gõ đũa
đánh nhịp vào tô nước luộc mấy con cá bạc má mới bốc từ dưới ghe lên. Da anh đỏ
bầm, chả phân biệt được vì men rượu hay vì nắng gió đã nhuộm thành cái màu đặc
trưng của biển mặn. Đôi mắt nheo nhíu, xa xăm nhìn ra biển khơi lóa nắng, như
người trải từng nghề biển chăm chắm quan sát những mụt mây lúc mưng sáng để
đoán xem hôm nay trời lành dữ thế nào. Hết hát, anh lại kể tiếp:
Con gái miền biển mà, da cô nào cũng thoảng mùi cá tươi,
ngăm đen và láng mướt như tấm ván mít lâu năm. Chỉ được cái mặn mà. Hồi còn cởi
trần ví nhau chạy trên cát tôi đã nhận ra cái mặn mà ấy. Và cũng yêu cái mặn mà
ấy từ hồi còn ví nhau chạy trên cát, để quên những vết chân trần cho con sóng
cuốn đi, để quên buổi chiều rớt nhanh xuống đám dương liễu thẫm màu. Thời đó
nàng hay hỏi tôi, tại sao cá Ông lại cứu người? Vì nó thấy dân biển mình nghèo
khổ tội nghiệp quá, tôi trả lời đại nhưng nàng chỉ nhíu mày mà không phản đối.
Lớn lên, nàng hay kể tôi nghe chuyện thường được kể trong
làng: “Con gái có chồng đi biển mà không biết giữ mình, lỡ dan díu với người
khác là xui cho chồng, không bị lật ghe cũng bị hà bá khóa cứng tay chân không
cho bơi lội. Trong làng có ngôi miếu thờ cô Ba tiếng đồn linh thiêng, cũng vì
ngoại tình mà chồng bị trừng phạt chết mất xác ngoài biển, sau ân hận nên đã tự
vẫn….”.
Tôi chăm chắm nhìn nàng, kịp phát hiện ra điều mới lạ:
vùng da ngực của nàng không phải ngăm đen mà trắng mịn. Để khỏi xấu hổ vì bị
phát hiện vừa cắn “trái cấm”, tôi tảng lờ nhìn ra biển: “Ghe ông Bốn về rồi
kìa!”. Vẫn chưa hết cảm giác hồi hộp, tôi tự trấn an mình bằng cách kể cho nàng
nghe câu chuyện về ông tổ của làng Tĩnh Giang. Ông ta mê nghề biển, ghiền cát
trắng nên muốn lập nghiệp tại vùng đất này. Ngặt nỗi, thiếu nước ngọt, phải vét
sâu trong cát vớt từng gáo nhỏ về để dành trong lu. Sau, nhờ đào được cái giếng
tốt mà ông quy tụ dân tứ chiếng về lập làng. Nàng há miệng ngồi nghe, say sưa
như đang xem hát tuồng.
Tôi, nàng, cũng như những đứa trẻ miền biển khác lúc bấy giờ
đều không được đi học trường huyện. Mấy chữ làm vốn ở trường làng chỉ đủ để
tính tiền bán cá hay quy đổi mắm muối để lấy lúa gạo. Chúng tôi lớn khôn phần
nhiều nhờ vào những câu chuyện hư hư thực thực ở một vùng quê cát nghèo khó. Có
chuyện, bất cứ chuyện gì, để kể nhau nghe là thích lắm. Có khi nàng đòi tôi
phải kể đi kể lại nhiều lần một chuyện cũ rích. Cho đến khi tôi thấy mình hết
mê theo ghe ra biển mà chỉ mê đi nhặt tìm những câu chuyện thật ảo không rõ
ràng để về kể cho nàng nghe. Nhất là vào những đêm trăng sáng, khi giữa loáng
bạc sóng khơi, gió biển bắt đầu rên rỉ vì lạnh. Và cái mùi cá tươi quen thuộc
bỗng thơm mùi tóc mới gội bồ kết.
Buổi trưa cuối thu đẹp trời hiếm thấy. Nắng nhẹ như những
sợi tóc trắng sáng bay qua hàng dương bạc màu. Anh cán bộ xã dù đã được nghe kể
nhiều lần chuyện tình của năm Vị vẫn gục gật tỏ vẻ thích thú. Đến đoạn cuối,
khi nàng bỏ năm Vị, bỏ làng ra đi, anh chen vào như lời bạt ngắn gọn cho một
thiên tiểu thuyết lãng mạn: “Vợ thứ hai của ảnh giờ là người đàn bà đảm đang nhất
làng đấy nhà văn ơi”.
Tôi cố hình dung lại hình ảnh người đàn bà vừa gặp sáng nay.
Chiếc xe máy dựng vội dưới gốc dương không đủ bóng che, bên cạnh đám xương rồng
tua tủa những gai mà có sức chịu đựng nắng gió vô địch. Để nguyên khẩu trang,
mũ bảo hiểm, chị đi như chạy xuống bãi. Đôi chân trần in vết đều đặn trên cát.
Hai người đàn ông đang cố nương sóng đẩy ghe lên cạn. Áo bết nước và mồ hôi,
dính chặt vào da. Sóng xô lùi. Lại đẩy…. Khi góp sức một tay, anh cán bộ xã vừa
xô ghe vừa hát câu ca không rõ xuất xứ: “Từng đoàn nghề, đoàn nghề… vô bờ,
lăn bườm, gây chèo, lên bờ gánh ghe/ Từng đàn bà, đàn bà… quảy đôi bầu, qua đầm
lên Tân Thái!”. Tôi loay hoay chụp hình trong khi chị thoắt đôi tay bốc cá
bỏ rổ bưng đi. Ánh mắt chị có vẻ khó chịu khi tôi cứ đòi giữ cá lại để chụp
thêm vài cảnh nữa.
-Đảm đang nhưng mà khó tính? - Mắt vẫn nhìn anh, tôi hỏi
người cán bộ xã.
-Mới quen thấy vậy, quen lâu sẽ hiểu con gái miền biển nói
khó nghe nhưng tính dễ chịu. Chắc là ghe về trễ, sợ bị lỡ buổi chợ trưa nên chị
vội vàng. Lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm đâu không biết chứ bây giờ mấy
mụ sướng lắm. Rẹt chiếc xe máy mười lăm phút đến nửa tiếng sau là có thêm một
trăm ngàn đồng. Vậy nên ham, quên trưa quên tối vẫn cứ vui.
Thuyền thưa thớt, muộn màng tiếp tục về bến, vẫn là những
chiếc thuyền nhỏ vớt cao mũi để tránh sóng, vẫn là biển ngang bến không thành
bến. Năm Vị lặng im hớp từng ngụm rượu gạo khiêm tốn, mắt vẫn nhìn ra mông mênh
sóng nước. Anh chỉ thích thỉnh thoảng được chen vào cuộc vui vài câu hát, lời
thơ. Hình như thấy cần phải giải thích rõ thêm, anh cán bộ xã hăm hở kể tiếp:
“Chị Năm trước kia là bạn hàng của anh Năm đấy. Hằng ngày chị đạp xe hơn bốn
cây số từ thị trấn xuống mua cá về bỏ lại cho các đầu mối. Có lẽ thấy anh Năm
đô con, khỏe mạnh, ít nói, lại sống một mình nên quyết đổ gạo nấu chung. Không
ngờ lấy được anh Năm, gái thị trấn lại thích nghi với biển nhanh đến thế. Bây
giờ thì ít ai nghĩ chị không phải là dân gốc biển. Vậy mà…
Vậy mà “biển ơi, ơi biển xanh rờn. Ta buồn sao lại sóng còn
đùa vui…”. Anh lại hát, dường như để khỏa lấp một vết nứt tâm hồn đã thành dấu
sẹo….
Gần mười năm sau tôi mới có dịp trở lại Tĩnh Giang. Biển ngang vẫn thế, bến
không thành bến và sóng vẫn liếm tận bờ xương rồng đang cố chịu đựng nắng gió.
Hàng dương xanh một bên, rám gió mặn một bên. Chỉ có chuyện tình của Năm Vị
biến thiên theo năm tháng, dù anh tin hay không tin sẽ có ngày như thế. Ấy là
cái ngày người vợ cũ của anh trở về rồi lại ra đi.
Hôm ấy là sau cơn bão Chan-chu mấy ngày - Anh cán bộ xã năm
xưa kể - Trời vẫn còn đe dọa dân biển với lớp lớp mây đen vần vũ trên đầu.
Người đàn bà tay dắt con, tay xách chiếc túi đã bạc màu băng vội qua cát, thẳng
ra biển. Chị quỳ xuống lạy biển, lạy khoảng không bao la trước mặt rồi quày quã
vào làng. Bến cũ và người xưa, rạo rực và tan nát. Những dấu chân trên cát quíu
quắn không đều. Đi đến đâu cũng gặp tiếng khóc và nước mắt. Những ánh mắt trẻ
thơ chưa hiểu hết nỗi đau mất cha, những khuôn mặt góa phụ bơ phờ, những mái
tóc bạc trắng sau đêm khóc con. Người đàn bà xông thẳng vào nhà năm Vị đang
đông nghịt già trẻ, gái trai nhốn nháo. Lúc này năm Vị vẫn còn nằm trong danh
sách những người mất tích của làng, chưa biết sống chết ra sao.
“Vậy mà em vẫn tin rằng biển sẽ bao dung, anh ơi!”. Chị vật
vã than khóc. Mọi người dễ dàng nhận ra đó chính là vợ cũ của năm Vị….
-Nhà văn biết không, số năm Vị lớn lắm. Bão hơi bất ngờ, nhưng ông vẫn cố cho
thuyền neo nấp vào đảo để tránh hướng gió. Ai dè gió trở cùi chỏ, con thuyền bị
sóng đánh tạt vào mạng sườn làm tắt máy, gãy neo trôi đi luôn. “Nương theo gió,
cố giữ cho thuyền khỏi lật”, năm Vị ra lệnh như đang hét, và trước sự sống cái
chết chỉ cách nhau sợi tóc, bảy thủy thủ đều răm rắp nghe theo ông, cố chống
chọi với bão. Thuyền lênh đênh hai ngày trên biển, ướt lạnh, lương thực hết,
người đói và mệt lã. Lúc sóng yên biển lặng, vẫn chưa biết mình đang ở đâu. Mà
ở đâu, nhà văn có biết không? Trôi vô tuốt tận trong Phú Yên kia. Vậy mà không
ai bị hề hấn hay sứt mẻ chi cả. May thật, đúng là ơn biển chở che….
“Năm Vị năm nay còn đi biển nữa không?”. Tôi định hỏi tiếp, và có còn hay hát
“mà sao nàng lại không yêu, chê ta nghề biển hồn treo cột buồm” nữa không. Kịp
nghĩ, anh là nhân vật chính tôi sẽ gặp hôm nay nên gác lại những ý tưởng cần
khai thác.
-Năm Vị nói, bộ phận nào hưu được thì cứ cho hưu, riêng nghề biển, phải đến 70
tuổi kia. Còn nước còn tát, còn khỏe còn đi, quen rồi chừ không đi buồn chết
được. Vả lại, mấy mụ vợ hễ thấy ghe chồng mình về trễ là chạy lăng xăng hỏi
thăm chỗ này chỗ kia, nhưng nghỉ một bữa là đã ra vô nói mát: “Gió ri mà bên
nhà ông Cận cũng đi biển đấy!….”.
Biển cuối xuân, sóng lặng, mây hiền, nắng ấm. Anh cán bộ xã kể đến đó thì thình
lình dừng lại, chỉ tay về phía con đường đất vừa được nâng cấp: “Kìa, vợ sau
của năm Vị kia kìa. Nhà văn còn nhớ không?”. Tội nghiệp, năm Vị cứ hay chê vợ
mình thế này thế kia nhưng ít ai sống được như chị Năm đâu. Đảm đang, chịu khó
mà lại tốt bụng nữa. Dạo bão Chan-chu, bà trước tưởng năm Vị chết nên về xin
chịu tang, hai người đã sống với nhau một thời gian như chị em ruột. Làng ai
cũng phục sát đất.
Đã vậy sao không sống với nhau suốt đời như “Kim-Kiều tái hợp” cho vui cửa vui
nhà?- Tôi hỏi, mắt vẫn nhìn người đàn bà đang đạp chiếc xe băng qua cái cổng
làng mới xây, có hàng chữ đỏ chót: “Thôn văn hóa Tỉnh Giang”. Trông chị vẫn còn
khỏe như hồi tôi mới gặp lần đầu.
-Chuyện này hơi bí mật, chỉ có tôi và năm Vị biết thôi. Chị trước vì lỡ
nghe lời dụ dỗ của một chàng trai thành phố mà phản bội chồng. Từ nhỏ chị
đã ngấm câu chuyện hư hư thật thật của làng về một tai họa gia đình nếu có
chồng đi biển mà vợ ở nhà còn ngoại tình với người khác. Miếu thờ cô Ba linh
thiêng trong làng vẫn còn sờ sờ ra đó, ai mà quên được lời nguyền của biển. Nên
vì thật lòng thương năm Vị, chị đành phải ra đi để mưu cầu an toàn cho chồng
ngoài biển khơi.
-Cứ như là tiểu thuyết, người đời chỉ bịa chuyện để răn dạy lẫn nhau thôi, chứ
làm gì có chuyện đó thật. Bằng chứng là hồi bão Chan-chu, năm Vị đã bị hà bá
nắm tay rồi mà vẫn không lôi đi được.
-Tôi cũng khuyên chị ta như vậy, nhưng chị vẫn nhất quyết không ở lại, mặc dầu
nghe đâu cuộc sống hiện tại của chị còn khá nhiều vất vả. Chị nói, được biết
anh Năm khỏe mạnh, có vợ mẫu mực như thế là đủ rồi. Còn chuyện xưa dù thật hay
không cũng nên để cho dân làng tin mà tự giữ mình. Còn hơn là sống thiếu niềm
tin và thắc thỏm lo âu….
Tôi vừa đi vừa nghĩ, mình sẽ viết về cuộc tình của năm Vị với trên 90% là chi
tiết thật. Riêng địa danh Tỉnh Giang, tôi sẽ đổi chữ Tỉnh dấu hỏi thành Tĩnh
dấu ngã, nghĩa là “lặng yên và trong sạch”. Kết truyện, tôi vẫn để cho năm Vị
có thói quen hay hát “Chỉ còn biển thôi” mỗi khi nhấm rượu ngắm biển. Dẫu sao
đó cũng là dấu ấn thời thơ ấu của anh với biển xanh và cát trắng. Và tôi sẽ
miêu tả những mụt mây biển sớm mai bốn mùa vẫn hiền hòa như mùa xuân xung
quanh.
Tiêu
Đình
(Tên thât: Nguyễn Đình Quý, Phó Chủ tịch Hội VHNT Quảng Nam)