Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

286/ Mùa xuân đến.

       

          Mùa xuân đến.
          Nắng   về xua tan những ngày đông 
          Ước mơ cuộc đời  thắp thêm nụ mới 
          Cuộc sống không  dành cho ai  cằn cỗi 
          Tình người đẹp tựa bài thơ 

      Nguyễn Thị Bích Trâm

       

Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

285/NHỮNG NỖI RỜI RẠC

              Võ Thị Phương Thanh       

        Những nỗi rời rạc... Như ngày nắng hạ có niềm vui, như ngày mưa đông có nỗi buồn . Những nỗi rời rạc... không gặp nhau như những mảnh rời của đời sống, như những con chữ nhảy múa trong những vũ điệu thầm lặng... Nhưng những nỗi rời rạc ấy lại kết nối thành những mảnh ghép của một tâm hồn để trong đêm tối  bình nguyên hay trong sương sớm miền xa đục lờ nỗi nhớ... tôi nghe phong thanh một bài ca.
***
1. Mình luôn muốn nắm giữ tất cả những yêu thương và sắc màu của cuộc sống như những viên bi...
Nhưng hãy yêu thương và sưởi ấm đôi bàn tay mình vì cũng có lúc mình mệt mỏi và yếu đuối. Những lúc đó mình sẽ buông mà đã buông rồi thì không bao giờ nắm lại những gì đã rơi.
Đừng vô tình làm mình bị tổn thương, tất cả vẫn nằm trong nụ cười của mình.
Nhưng có những thứ đã nhạt màu...

2. Mình thực sự bàng hoàng nhưng rồi đã tha thứ thật nhanh.  Vẫn nghĩ như vậy mình sẽ cảm thấy dễ chịu nhưng không phải, mình vẫn thấy bị tổn thương...
Đừng gây tổn thương cho người khác khi thực sự họ không đáng nhận điều đó.  Vì cho dù có tha thứ thì ...
Sự va chạm nào cũng đau xót...

3. Những người bạn tốt của tôi - đôi khi không ở cạnh mình, nhưng vẫn từng ngày, từng ngày ... với những thương yêu.
Bạn không bao giờ like, không bao giờ comment và bình thường bạn cũng không bao giờ nhắn tin  nhưng một ngày nào đó mình buồn -  để status - thì khi tiếng chuông điện thoại reo lên, mình biết người gọi không ai khác là bạn!
Ngày mẹ mình mất, bạn về bên cạnh đặt tay lên đôi vai gầy yếu đang gánh nặng nỗi đau của mình với một lời nhắn gửi động viên "cố lên!".
Bạn không bao giờ hỏi mình có buồn không (…), bạn đến và nói "ngồi dậy đi em". Bạn ngồi đó nhìn những giọt nước mắt của mình rơi xuống...
Thời sinh viên đã qua, những ngày tháng êm đềm trở thành kỉ niệm, kí ức ngọt ngào, mình không còn nhiều thời gian gặp nhau để vui đùa trẻ con nữa nhưng mỗi năm đến ngày khai giảng tựu trường bạn lại gọi: "chuẩn bị gì cho năm học mới chưa?". Rồi khi năm học không còn vào ngày 5/9 nữa, bạn cũng nhớ để gọi vì con bạn cũng đi học sớm hơn....
Còn bạn nữa, bạn là người đã giúp mình vượt qua thời gian khó khăn nhất khi mà mình hình như gục ngã thật sự rồi. Nếu như bạn không dành cho mình một niềm tin, bạn không vực mình dậy để hiên ngang nhìn cuộc sống đang chà đạp mình .... không biết mình sẽ ra sao?
“Người bạn nhỏ” của cuộc đời mình đang dần trưởng thành theo năm tháng. “Bạn” đã mang đến cho mình hạnh phúc - một hạnh phúc không gì so sánh được. Những người bạn tốt mình có thể xa, có thể sống mà không có họ nhưng mình sẽ không thể sống nổi nếu thiếu “bạn”. Một lần “bạn” đi học về mình đang nấu bếp, bạn chạy lại ôm từ phía sau và bỗng dưng nói: "con sẽ không bao giờ xa mẹ đâu, kể cả khi mẹ mất đi, con sẽ ..."  (con từng nói mẹ không được mất, nhưng dần dần con cũng đã hiểu đời sống là hữu hạn nên vì thế đã biết là một ngày thật xa mẹ sẽ...)
Cảm ơn tất cả những người bạn đã dành cho mình những tình cảm chân thành, luôn cầu mong tất cả hạnh phúc và sức khỏe!

4. Mỗi khi cái lạnh ùa về, mình chợt nhớ tuổi thơ.
Những giờ phút cuối cùng của một năm đang dần trôi qua, mọi người đang hối hả chúc nhau một mùa xuân một năm mới bắt đầu nhưng ở đây mùa đông vẫn hiện hữu, cái lạnh se thắt mỗi sáng và về đêm.
Mình yêu và thích cái lạnh hơn cái nắng nóng, phải chăng vì nó gắn với thời thơ ấu đã qua của mình, có nhiều điều để nhớ để thương.
Nhưng với cái lạnh đôi khi cảm thấy chạnh lòng...
Ba mươi năm trước.
Mình không nhớ lúc đó có lạnh như bây giờ không? Chỉ biết một điều rất chắc chắn là ngày đó rừng còn nhiều, vùng đất kinh tế mới này còn hoang sơ lắm và theo suy luận của mình (và theo những lời kể của người lớn ) thì thời đó có những mùa đông lạnh hơn bây giờ.
Vậy mà...
Mình chưa khi nào có tấm áo ấm để mặc vào mùa đông !
Dù không còn nhớ lạnh thế nào, nhưng có một điều nữa mình nhớ rất rõ đó là nhà mình cũng không có chăn để đắp, và tất nhiên là không có nệm để nằm.
Mỗi tối mấy chị em kê một tấm phên đan bằng tre lên hai chiếc ghế dài bên dưới có thêm hai thanh tre chéo để chắc hơn, rồi trải lên đó một chiếc chiếu mỏng.
Có những đêm dài mình không tài nào ngủ được vì lạnh, đôi chân thì không có vớ, mà trên thân người được phủ bằng chiếc chiếu - thay chăn. Mấy chị em cứ kéo dành nhau - chiếu làm sao ủ ấm khít được thân thể con người.
Khi đêm tàn ngày lên thì mình lại đối diện với chặng đường dài đến trường với đôi chân đôi khi là không dép và cũng không có áo dày. Mình cứ chìm trong màn sương trắng đang phủ xuống. Đến trường bạn bè đứa nào cũng suýt xoa trong chiếc áo ấm ! Không biết lúc đó mình có lạnh không?
Cho đến ngày mình được tin đậu đại học.
Tháng 8 Đà Lạt hình như vẫn đang mùa mưa và có lạnh không nhỉ?
Nghĩ một điều thật lạ ... hình như không ai đến Đà Lạt mà không có một tấm áo ấm như mình...
Tuổi thơ đã qua, bây giờ mình đã có thể có nhiều hơn một chiếc áo ấm...
Vậy mà bất cứ ở đâu, nơi nào mình cảm thấy lạnh thì ngày tháng ấy lại ùa về...
Cay xè trên khóe mắt !


Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014

284/ LỜI CÔ


          Gởi học sinh lớp 8/1 trường THCS Nguyễn Hiền



    Rồi sẽ có ngày các em lớn lên.
    Cũng như cô đã từng khôn lớn.
    Các em tung bay khắp mọi miền đất nước.
    Sải  cánh yêu thương vào khoảng trời mơ  ước.

    Các em con nhớ chăng 
    Mái ấm hôm nay
    Cô thương các em.
    Như mẹ hiền thương đàn con nhỏ.
    Các em - Những hạt nắng vô tư tinh nghịch.
    Từng ngày yêu sao
    Ánh mắt các em đây những khát khao
    Và có bao điều muốn nói.
    Mong thầy cô tha thứ những lỗi lầm.

  
   Hỡi những búp măng non yêu thương.
   Mùa xuân này cố gắng nhé các em.     
   Biển học vô bờ có bao điều thú vị
   Học không ngừng.
   Cô  tin ở  các em.
                            Cô chủ nhiệm 
                     Nguyễn Thị Thu Ba
              Ngày 24 tháng 12 năm 2014

Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

283/ CHÂN LÝ CUỘC ĐỜI

ST


- Dù bạn có dành bao nhiêu tình yêu thương và sự quan tâm cho những người xung quanh thì vẫn có lúc họ không trân trọng   tình cảm của bạn. Nhưng dù sao đi nữa, hãy cứ  bày tỏ với họ bằng tấm lòng chân thành nhất.

- Hãy nhớ rằng phải mất rất nhiều năm mới có thể tạo dựng niềm tin, nhưng chỉ cần một vài giây là bạn có thể đánh mất nó.

- Điều quan trọng trong cuộc sống này không phải là những gì bạn có, mà chính là bạn đã lưu lại được gì.

- Đằng sau bất kỳ thử thách nào cũng sẽ là một trải nghiệm quý báu của cuộc sống.

- Đừng bao giờ so sánh cuộc đời mình với người khác, mà hãy cố gắng từng ngày, từng ngày để có được tất cả những gì bạn mong muốn, bằng chính sức lực và tâm trí của bản thân.

- Điều quan trọng không phải những gì xảy ra với bạn, mà chính là cách bạn đối phó với chúng như thế nào.

- Tôi biết rằng cho dù bạn có cắt mỏng một sự việc, một vấn đề trong cuộc sống khéo léo đến thế nào đi nữa thì nó vẫn luôn có hai mặt.

- Sẽ luôn phải mất một thời gian dài để có thể trở thành người mà mình mong muốn. Vì thế, hãy luôn nhẫn nại.

- Bình luận hay nhận xét một sự việc thì dễ dàng hơn là trực tiếp tham dự vào.

- Hãy dành những lời âu yếm cho những người mà bạn yêu thương, ngay lúc này, vì có thể đó là lần cuối cùng bạn trông thấy họ.

- Chúng ta luôn có thể tiếp tục đi, thậm chí cả khi ta nghĩ rằng mình hoàn toàn không thể.

- Phải có trách nhiệm với những gì mình đã làm, cho dù điều đó có khó khăn đến thế nào đi nữa.

- Bạn luôn có sư lưa chọn, hoăc điều khiển được hành vi của mình, hoăc để cho nó điều khiển chính bạn.

- Hãy hiểu rằng điều gì đến quá dễ dàng thì cũng ra đi nhanh chóng. Cũng như vậy, bất cứ một mối quan hệ say đắm, nồng nàn ngay lần đầu tiên nào rồi cũng dần phai nhạt khi có một mối quan hệ khác thay thế.

- Tha thứ là một bài học khó khăn, cần phải rèn luyện và thực hành thường xuyên.

- Hãy hiểu rằng có những người yêu bạn tha thiết nhưng không biết cách thể hiện tình cảm của mình. Và nếu một ai đó không yêu thương bạn theo cách bạn muốn thì điều đó cũng không có nghĩa họ không yêu bạn bằng tất cả những gì họ có.

- Tiền bạc là thứ tồi tệ để đem ra thỏa thuận một điều gì đó không đúng với giá trị của chúng.

- Với một người bạn thân thiết nhất bên mình, ta có thể làm một điều gì đó, hay thậm chí không làm gì cả mà vẫn có được quãng thời gian đẹp đẽ nhất.

- Hãy vui khi thấy rằng càng ngày, ta càng giống như cha mẹ mình, dù đó là việc thừa hưởng một đôi mắt không xanh thẳm như mơ ước, một đôi môi không đầy đặn tuyệt vời.

- Thỉnh thoảng tôi và bạn cũng nổi giận - chúng ta có quyền nổi giận - nhưng điều đó không có nghĩa ta được phép trở thành một người tàn nhẫn. Tình bạn thật sự sẽ tiếp tục lớn lên, ngay cả khi hai người sống cách xa nhau. Và tình yêu thật sự cũng như vậy.

- Sự trưởng thành tùy thuộc vào những kinh nghiệm mà bạn đã trải qua chứ hoàn toàn không dựa vào số lần sinh nhật bạn từng có trong đời.

- Đừng bao giờ nói với một đứa trẻ là những giấc mơ của nó không thể xảy ra hoặc rất kỳ dị, bởi điều đó chẳng khác nào bạn đang làm thui chột niềm tin trong chúng.

- Gia đình không phải lúc nào cũng ở bên cạnh bạn. Vì vậy, hãy tạo ra những mối quan hệ tốt đẹp khác quanh mình, để bạn - chính bạn chứ không phải ai khác - luôn được chăm sóc và yêu thương trong vòng tay nhân ái của mọi người.

- Dù một người bạn có tốt đến thế nào đi nữa, đôi khi, họ cũng sẽ làm tổn thương bạn. Khi ấy, cách tốt nhất chúng ta có thể làm đó là tha thứ.

- Được người khác tha thứ là chưa đủ. Đôi khi, bạn phải học cách tha thứ cho chính mình.

- Hãy luôn ý thức được rằng, cho dù trái tim bạn có tan nát ra sao, thì thế giới này vẫn sẽ không bao giờ dừng lại.

- Khi hai người có vấn đề tranh cãi, điều đó không có nghĩa là họ không yêu nhau. Và ngược lại, với hai người không bao giờ tranh cãi, cũng chẳng phải là họ yêu nhau tha thiết.

- Hai người có thể cùng nhìn vào một vật, nhưng những gì họ thấy là khác nhau hoàn toàn.

- Dù ta có cố gắng bảo vệ, ấp ủ những người mình yêu thương như thế nào đi chăng nữa, họ cũng sẽ bị tổn thương bởi những khắc nghiệt của cuộc sống.

- Có rất nhiều cách để yêu và giữ tình yêu, nhưng cách tốt nhất, đó là hãy yêu thật lòng.

- Những người trung thực với chính mình, bao giờ họ cũng tiến xa hơn trong cuộc sống.

- Dù bạn có bao nhiêu người bạn đi nữa, cũng sẽ có lúc bạn cảm thấy cô đơn và lạc lõng giữa cuộc đời. Vì vậy đừng quên học cách tin và yêu chính bản thân mình.

- Cuộc sống của bạn có thể bị thay đổi bởi những người mà thậm chí bạn không hề biết tới.

- Ngay cả khi bạn nghĩ rằng mình không có gì để cho, bạn vẫn còn tình yêu thương và sự chia sẻ để trao đi một cách hào phóng.

- Viết cũng như nói có thể làm dịu nỗi đau.

- Những bằng khen trên tường không làm bạn trở thành con người có học thức hay đáng kính trọng.

- Mọi người, ngay cả những người mà bạn quan tâm, thương yêu nhất, rồi cũng có lúc rời xa bạn.

- Mặc dù từ “yêu” có nhiều nghĩa khác nhau nhưng hãy thận trọng khi sử dụng bởi vì nó sẽ mất đi giá trị khi bị lạm dụng.

282/THẬT -GIẢ



LÊ KHÁNH MAI


Ta vẫn thường nhạo cười cái giả
và kêu lên cái giả quá nhiều
bông hoa, nụ cười, ánh mắt, lời yêu…
Chẳng có gì khiến ta tin là thật
Vẫn có bao điều không thể nào giả được
như mặt trời, ngôi sao, cơn bão, bóng đêm…
như nhịp đập trái tim rộn rã, yếu mềm
như nỗi tuyệt vọng trụi trần đau sắc

Và những cái giả kia là phương thuốc hồi sinh.

Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2014

281/ Các bệnh hô hấp thường gặp trong mùa lạnh



      Mùa đông xuân là mùa các bệnh phổi - phế quản phát triển mạnh: người 
chưa mắc bệnh thì dễ mắc, người đang mắc thì bệnh có xu hướng tǎng nặng,
 người đã chữa khỏi thì bệnh dễ tái phát.

Mùa đông xuân là mùa các bệnh phổi - phế quản phát triển mạnh: người chưa 
mắc bệnh thì dễ mắc, người đang mắc thì bệnh có xu hướng tǎng nặng, người
 đã chữa khỏi thì bệnh dễ tái phát.
Các yếu tố làm cho bệnh phổi - phế quản dễ phát triển, tǎng nặng, tái phát 
trong mùa đông xuân là do thời tiết: độ ẩm cao, khí áp thấp, nhiệt độ thấp, 
cộng thêm khả nǎng đề kháng của cơ thể bị suy giảm, các vi sinh vật (vi 
khuẩn, virus, nấm mốc, bụi phấn hoa, ký sinh trùng...) phát triển thuận lợi.
Các bệnh phổi - phế quản dễ phát triển trong mùa này là:
1. Hen phế quản
Phế quản của người bị hen rất nhạy cảm với mọi kích thích gây bệnh. Kích 
thích đó có thể là các dị nguyên từ bên ngoài như phấn hoa, hóa chất, bụi
 sinh vật, nấm, mốc, vi khuẩn, bụi vô cơ..., hay có nguồn gốc nội tại trong 
cơ thể người bệnh: các nội tiết tố, những thay đổi của môi trường bên trong 
cơ thể... Yếu tố tǎng thông khí ở người mắc bệnh phổi - phế quản (viêm 
phế quản, viêm phổi...), do thay đổi độ ẩm trong không khí thở hít cũng là 
một đặc điểm đáng chú ý trong hen phế quản mùa đông xuân.
Trong bệnh hen phế quản, cần chú ý nhất đến thể khó thở kịch phát, 
thường gặp ở trẻ nhỏ, đa số do dị ứng; thể khó thở liên tục xuất hiện ngay
 từ đầu hoặc sau những cơn khó thở kịch phát, thường gặp ở bệnh nhân
 có tiền sử hen lâu ngày; thể hen có tràn khí màng phổi xảy ra ở người 
phế nang đã bị giãn; thể hen ác tính, hen do sử dụng aspirin (mùa đông 
xuân là mùa hay bị cảm sốt, người bệnh có thể dùng aspirin điều trị); thể 
hen có cơn tǎng huyết áp kèm theo...
Phòng tránh bệnh chủ yếu là phải loại trừ được các yếu tố gây bệnh như 
tránh lạnh, tránh bụi bậm, ký sinh vật, nấm mốc, phấn hoa... Điều trị bệnh
 phải nhanh, có hiệu quả, cắt được cơn hen trong thời gian ngắn nhất, 
không để cơn hen phát triển thành ác tính.
2. Viêm khí - phế quản cấp
Các tác nhân gây viêm khí - phế quản cấp mùa đông xuân thường là virus
 cúm, virus influenza A và B, các virus parainfluenza, virus hợp bào hô hấp,
 virus hạch, virus đường mũi và các loại khác. Các triệu chứng của nhiễm 
khuẩn đường hô hấp trên thường gối chồng lên các biểu hiện của viêm khí - 
phế quản. Phòng bệnh chủ yếu vẫn là giữ ấm, không để bị lạnh, chỉ dùng
 kháng sinh thông thường chống bội nhiễm.
3. Viêm phổi mắc phải ở cộng đồng
Trước đây, viêm phổi được xếp làm 2 loại: "điển hình" (do vi khuẩn) và 
"không điển hình" (thường do virus). Ngày nay, người ta hay phân loại viêm 
phổi thành viêm phổi mắc phải ở cộng đồng và viêm phổi mắc phải ở bệnh viện.
Viêm phổi mắc phải ở cộng đồng trong mùa đông xuân đáng chú ý nhất là:
-        Viêm phổi ở những người không có bệnh tật, tuổi dưới 60: yếu tố gây 
bệnh thường gặp nhất là S. pneumoniae, Mycoplasma pneumoniae, các virus
 hô hấp, Chlamydia pneumoniae, H. influenzae...
-        Viêm phổi ở những người có bệnh, tuổi trên 60: chủ yếu do S. pneumoniae, 
các virus hô hấp, H. influenzae, trực khuẩn Gram (-) ái khí, tụ cầu vàng và các 
loại khác.
-        Viêm phổi ở người già khỏe mạnh đã nguy hiểm, viêm phổi ở người già c
ó bệnh mùa lạnh càng nguy hiểm hơn vì khả nǎng chống đỡ với lạnh ở người già
 rất kém. Quá nửa số tử vong của người già trong nǎm là vào mùa lạnh, hầu hết 
số tai biến do bệnh tật gây ra cũng vào mùa này.
Phòng bệnh cho người già mùa lạnh chủ yếu là phải tránh các tác động xấu của 
yếu tố gây bệnh: giữ ấm, tránh lạnh, tránh ẩm, tránh gió lùa, tǎng cường sự chǎm 
sóc, nuôi dưỡng, nâng đỡ cơ thể cho người già, chữa trị bằng các thuốc có hiệu
 quả cao,
 tác dụng mạnh, kháng sinh phù hợp có phổ rộng.
4. Viêm phổi mắc phải ở bệnh viện đang là một vấn đề được nhiều người quan tâm,
 gần đây chúng ta mới chú ý đến do độ nặng của bệnh, vì nguyên nhân gây bệnh là 
các vi khuẩn bệnh viện nói chung đã kháng với một hoặc nhiều kháng sinh sử dụng 
trong bệnh viện, rất nguy hiểm cho bệnh nhân nằm viện, đặc biệt là người bệnh nặng, 
đáng lo ngại nhất là người già, trẻ em. Vì vậy, việc phòng bệnh hết sức quan trọng. 
Tỷ lệ tử vong của bệnh cao nên ngay khi nghi ngờ có viêm phổi đã phải điều trị ngay 
với kháng sinh phổ rộng và phối hợp ít nhất 2 loại kháng sinh trong tối thiểu 7-10 ngày.
5. Đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân rất thường gặp trong các bệnh phổi. 
Hàng năm, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nhập viện điều trị thường
 chiếm từ 20-25% số các bệnh nhân  nằm điều trị tại các khoa nội hô hấp. Nguyên nhân 
chủ yếu khiến các bệnh nhân nhập viện là nhiễm trùng hô hấp. Tiêm phòng cúm hàng
 năm,
giữ ấm, dùng thuốc điều trị đều đặn là những biện pháp cần được thực hiện để tránh
 xuất hiện các đợt cấp của bệnh.
6. Giãn phế quản
Có 2 loại giãn phế quản: thể "khô" (ít gặp) và thể "ướt" (thường gặp). Giãn phế quản
 ướt là giãn phế quản xuất tiết, người bệnh có biểu hiện chủ yếu là ho khạc nhiều 
đờm, nguyên nhân thường do vi khuẩn. Mùa đông xuân là mùa giãn phế quản ướt 
biểu hiện rõ nhất, người bệnh có tỷ lệ "trở bệnh" cao nhất. Lạnh là yếu tố kích thích
 phế quản xuất tiết niêm dịch, ứ đọng trong các phế quản giãn là môi trường thuận 
lợi cho cho nhiễm khuẩn phát triển. Chống lạnh, chống nhiễm khuẩn cần được đặc 
biệt chú ý trong mùa đông xuân.
7. Ápxe phổi
Viêm phổi, giãn phế quản bội nhiễm mùa lạnh không được giải quyết tốt sẽ biến 
chứng thành ápxe phổi. ápxe phổi là sự hủy hoại nhu mô phổi do nguyên nhân 
nhiễm khuẩn, nếu điều trị nội khoa không kết quả phải giải quyết bằng phẫu thuật. 
Vi khuẩn gây bệnh là các vi khuẩn thông thường đường hô hấp: S. pneumoniae. 
H. influenzae..., ở trẻ em cần chú ý ápxe phổi do tụ cầu.
8. Lao phổi
Lao phổi nếu không được chǎm sóc, giữ gìn, điều trị tốt sẽ nặng lên trong mùa lạnh. 
Các thể lao tổn thương rộng, phá hủy nhều, lao suy kiệt, thể trạng gầy yếu, lao trẻ em 
mùa đông xuân có tử vong cao. Ngoài bệnh lao sẵn có, người bệnh còn có thể bị 
bội nhiễm vi khuẩn S. pneumoniae. H. influenzae... trong mùa đông xuân.

Trên đây là một số bệnh đường hô hấp thường gặp trong mùa đông xuân, 
cần được phòng tránh, phát hiện và điều trị tốt, tránh các biến chứng nặng và tử vong

TS. 
Nguyễn Thanh Hồi - Khoa Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai

Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

280/ NGAN NGÁT VỊ QUÊ


Mộc Nhân – Lê Đức Thịnh
                        Về tập thơ "Trăng vẫn sáng" của Đỗ Thị Kết
                               Nhà xuất bản Văn Học - 2014

Trong dòng chảy đa diện của thi ca Đất Quảng, chợt nhận ra một giọng thơ dung dị, không cầu kì tung hứng chữ nghĩa, không mật ngôn ẩn ngữ mà có sức lay động lòng người, ngời lên từng con chữ bình dị, tròn ý đầy tình: thơ Đỗ Thị Kết.
          Tôi biết cô Đỗ Thị Kết từ rất lâu, là một đồng nghiệp, một đàn chị, một bạn thơ nên đôi khi được cô chia sẻ những trang viết. Nguồn cảm xúc thơ Đỗ Thị Kết khởi hành từ cuộc sống thật của chính mình; đọc và hiểu được nơi trú ngụ đằng sau mỗi con chữ của Đỗ Thị Kết là những trầm mặc chuyện đời, chuyện nghề, chuyện quê hương, những số phận… để rồi những nét vẽ của ngôn từ trong thơ Đỗ Thị Kết đã tạo nên những bức tranh sinh động đủ sắc màu ấm lạnh.

          Chiều dài tháng năm của nghề dạy học, chiều sâu minh triết của một người thấm nhuần lẽ đạo trong những biến chuyển trầm phù của đời sống không giới hạn đã tạo nên một bút lực ở Đỗ Thị Kết.

          Ở Đỗ Thị Kết, dạy học không chỉ là một nghề mà còn là cái nghiệp –  không chỉ là nỗi đau đáu với những bài giảng mà còn là những xót thương khi nhận ra “Ô bỏ trống” đâu dễ nói về một thân phận học trò: “Có một ô trống/ Cha em là ai/ Chết hay còn sống/ Mẹ em/ Cô nhận ra rồi…/ Ô trống kia/ Làm sao điền như con toán/ Dáng người cha/ Em có tưởng tượng bao giờ ?”  (Ô bỏ trống).
          Từ những thấu hiểu về chuyện đời trong chuyện nghề mà niềm vui của Đỗ Thị Kết là “ánh mắt ngỡ ngàng, cảm giác bàng hoàng/ náo nức, bồi hồi, mong đợi” khi bắt gặp “Hạnh phúc trong tôi qua từng đôi mắt ấy/ Những đôi mắt như bao đôi mắt vậy/ Mà ánh nhìn làm mát cả tâm can/ Khi em cười khôn ngăn những âm vang” (Đôi mắt). 
          Mảng đề tài quê hương trong thơ Đỗ Thị Kết là hồi ức đẹp có buồn vui với giai điệu thơ khi trầm lắng, khi trào dâng về hình ảnh người mẹ: “Tàu cau/ Trước ngõ/ Hương trong gió/ Bóng mẹ già/ Lom khom nhặt/ Chuốt từng sợi khô/ Cặm cụi bao ngày/ Chổi cau / Mẹ quét/ Mo cau/ Chiếc gàu/ Nghiêng/ Nghiêng / Lật/ Lật/ Sợi dây dừa/ Giếng nước đầu thôn/ Hương quê/ Day dứt/ Bồn chồn!” (Hương quê); có khi chắt lọc, gọt giũa và chạm khắc về người cha trong nhịp “đều đặn vòng quay… lại trở, lại xoay”: “Lại một giấc mơ/ Ngôi nhà thân yêu/ Bên lò lửa/ Cha miệt mài / Từng vá bột/ Đều đặn vòng quay/ Bánh nóng dẻo / Trắng màu gạo trắng/ Lại trở, Lại xoay…” (Ngan ngát vị quê)
          Hình ảnh làng quê trong thơ Đỗ Thị Kết hiện lên hiền lành, lặng lẽ trong biển đời mênh mông sóng động: Chiếc bánh/ Cái quạt nan/ Nồi than rực đỏ/ Vuờn cải/ Vại tương trước sân/ Cây xoan đầu ngõ…” để rồi tất cả làm nên “Ngan ngát/ Sớm. Chiều/ Mùi. Vị/ Quê hương.” (Ngan ngát vị quê)
          Trong nhiều khoảnh khắc như thiền tịnh, Đỗ Thị Kết đã tìm về góc vườn dịu êm, cộng hưởng với đất trời trong niềm vui dung dị mà thành cõi bình yên, hòa ái: “Hàng cau/ Chừ đã vươn cao/ Mẹ ơi/ Mơ ước thuở nào/ Giờ đây…./ Nắng soi rực rỡ vườn cây/ Hồng kia đỏ thắm/ Mai này vàng tươi/ Ngàn hoa khoe sắc/ Nhớ Người/ Nhớ mùa xuân/ Nhớ nụ cười thương yêu” (Giá mà có mẹ).
          Bỗng dưng nghĩ đến tên tập thơ của Đỗ Thị Kết - “Trăng vẫn sáng” – tập thơ chắt lọc một đời cầm bút giữa cuộc phù sinh mà nhận ra một điều: giữa cái gần và rất xa  trong ánh trăng tưởng như mơ mộng ấy là một tình yêu không bao giờ vơi cạn không chỉ dành riêng cho cha mẹ, người thân, cho đàn em nhỏ mà còn dành cho đất đai, thanh âm mà Đỗ Thị Kết đã từng sống, từng nghe trong  mạch ngầm quê hương: “Mười năm/ Vẫn một màu trăng/ Mười năm/ Mà cứ ngỡ rằng/ hôm qua…/ Không gian vời vợi bao la/ Hàng tre soi bóng, Vu Gia lững lờ/ Vẫn con đường/ Thắm ước mơ/ Tiếng cười trong trẻo bây giờ còn vang/ Mênh mông trăng/ Rộn xóm làng/ Đường thơm hương lúa/ Thênh thang gió đồi/ Rất gần lại rất xa xôi/ Rừng xanh có nhớ khoảng trời ta qua » (Suối xưa còn vọng?).
          Những trang thơ Đỗ Thị Kết nếu nhìn ở góc độ nào đó có thể xem như những dòng nhật ký. Có khi ghi trong khoảnh khắc thiêng liêng: “Phút giao thừa/ Bao lời chúc phúc/ Thật giản đơn/ Thoáng chút ngỡ ngàng/ Giao thoa đất trời/ Muôn vật hân hoan/ Thanh âm rộn ràng / Niềm vui tất bật/ Thời điểm thiêng liêng / Không gian rất thật/ Có khoảnh khắc nào / Như thực/ Như mơ !”(Khoảnh khắc); hay lúc chật vật ngày lũ mà Chiêm bao/ Cơn lũ lại về…/ Cõng mẹ tìm nơi trú ngụ/ Con nghe bao nỗi bời bời/ Ngồi đó chờ con mẹ nhé/ Ra ngoài hứng giọt mưa rơi…” (Chiêm bao); hay để thổ lộ những trăn trở của mình về lẽ nhân sinh: “Tìm đâu/ Số phận/ Cuộc đời/ Trăng thơ/ Nhũng phù phiếm/ Vu vơ/ Vinh quang/ Cay đắng/ Một giấc mơ/ Dây oan đeo đẳng/ Cơm áo/ Nghĩa tình/ Vấn vuơng/ Thầm lặng/ Bao ngả đường/ Lối rẽ về đâu?” (Lối rẽ về đâu);nhưng cũng có lúc rạng ngời mùa xuân: “Đã nghe xuân đến rộn ràng/ Đã nghe muôn vật hân hoan đón chào/ Xuân nay hay những xuân nào/ Mai vàng vẫn nét thanh tao ngàn đời/ Hoa xuân khoe sắc gọi mời/ Hương xuân hương của đất trời giao thoa”(Xuân).
          Điều đáng trân trọng nhất là thơ Thơ Đỗ Thị Kết giản dị, thân thiết với muôn nẻo đời thường, chưa bao giờ cần đến sự trang điểm hay cầu kì chữ nghĩa mà vẫn tạo nên một thế giới tinh thần khác biệt, thuần khiết, thanh tân.
          Có lẽ đó là dấu ấn, là nét riêng của thơ Đỗ Thị Kết còn đọng lại trong cảm nhận của bạn đọc – một thế giới nghệ thuật “Ngan ngát vị quê”.

Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

287/ Cảm xúc tình xuân

Mùa xuân đến rồi lại đi 
Chiều thu  ấm áp kể chi muộn màng 
Miên man  muôn dặm mây ngàn 
Mong manh một mảnh  lá vàng  phôi pha 

Tình thu  còn mãi  ngân nga 
Muối cay gừng mặn để mà nhớ thương
Đường dài lắm nắng nhiều sương 
Bước em em bước vấn vương  cõi  lòng 

Tháng năm giây phút  nụ  hồng 
Hoa tàn còn lại nồng nàn hương xa 
Mênh mang trời đất bao la 
Tình  đâu chữ một , tình là  chữ  son 

 Dẫu không vẹn một chữ tròn 
 Còn trưa còn sớm em còn  là em.

Nguyễn Thị Bích Trâm

Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

279/ Một bài thơ tình hay

 NHỮNG VŨ ĐIỆU VÀ KHÚC CA

        Mộc Nhân – Lê Đức Thịnh
          Này em: "Giữa điệp trùng rừng núi thì con đường ngắn tuyệt vời nhất là đi qua những đỉnh núi; con đường đó chỉ thực hiện được trên đôi chân của những người kì diệu mang theo tâm hồn mình trong những VŨ ĐIỆU CỦA RỪNG và BÀI CA CỦA NÚI".

1. Vũ điệu của rừng:
Những vũ điệu của rừng
đẹp đẽ chưa từng thấy và lạ lùng chưa từng biết đến bao giờ
em mang theo những giấc mơ cổ tích
có cả hạnh ngộ và niềm đau tĩnh mịch
nhảy múa trên đôi chân trầm mặc điềm nhiên
ẩn sâu những nghĩ ngợi về nỗi đau ám chặn đời người.

Những vũ điệu của rừng
tôi ve vuốt vẻ thô ráp và ấp iu bàn chân em tê lạnh
đôi khi ứa máu tổn thương
tôi gội rửa giữa dòng miên man qua bao ghềnh vực
chảy vào trong nhau cõi đời hư thực
ôm lặng lẽ chất nỗi buồn cho cuộc phiêu du.

Những vũ điệu của rừng
đi qua đời tôi mà chẳng có gì để đổi trao xứng đáng
em chia khối buồn kí ức tuổi thơ oằn vai
vươn qua những rặng núi cao trên đôi chân xếnh xáng
đỉnh yên bình giờ chỉ có tình yêu trong trẻo khí trời lãng đãng
và chiếc hôn trở mình loé sáng chiêm bao.

Những vũ điệu của rừng
lấp lóa chiếc vòng hồng thạch mềm mượt bàn tay em
vẽ lên những điều tinh khôi một đời thất lạc
tôi bước vào tâm hồn em trong hành trình trầm ngâm ngơ ngác
như người tìm nắng nửa đêm
giờ biết một nỗi buồn trong thẳm sâu.

2. Khúc ca của núi
Những khúc ca của núi
cất lên từ tình yêu của một loài chim đồng nội         
tiếng hót xua tan những nặng nề u tối
và giờ đây em là mây trắng trôi trên cao
còn tôi sẽ ôm em trong vòng tay hẹp lở làng của gã mộng du
ảo tưởng mặt trời không bao giờ tắt.

Những khúc ca của núi
thánh thót những điều không thể nói
đảo phách trong tiết điệu nhảy nhót cùng những con chữ cuống cuồng
giữa mênh mang bình nguyên có những ngôi sao len qua bóng đêm
ngân rung điều tưởng tượng
tôi sờ chạm làn môi em 
                        ngỡ bông hồng rung rinh dưới những giọt sương.

Những khúc ca của núi
đẩy tâm hồn em vút lên cao
tôi ôm nỗi nhớ vô hình vật vờ trên vòm trời
ngày gió réo khát khao chập chững yêu đương
trong khoảnh khắc chiều đứt gãy vệt nắng mờ sương
chúng ta trao nhau nụ hôn tràn ra khỏi giấc mơ.

Những khúc ca của núi
có khi lãng đãng như cánh bướm 
chờn vờn như sương sớm miền xa đục lờ nỗi nhớ
nhưng nửa đêm tỉnh giấc phong thanh một bài ca
và tôi cũng nhẹ nhàng cất cánh bay cùng em
để nghĩ về một mùa thu chưa sống cùng thu bao giờ.

          MN - LĐT