Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

261/Bé gái lớp 3 đói bụng bị chết đuối: Cảnh tang thương trong căn nhà tuềnh toàng


- Câu chuyện cô bé Phạm Thị Nhung quá đói bụng ngã xuống kênh tử vong khiến nhiều người xót xa.

Mấy ngày qua, vùng đất Vũ Quang - huyện xa nhất về phía Tây của Hà Tĩnh thắt lòng khi nghe câu chuyện về cái chết đáng thương của em Phạm Thi Nhung (Học sinh lớp 3A, tiểu học Đức Bồng, Vũ Quang). Nếu em qua đời vì bạo bệnh sẽ là một chuyện khác nhưng khi biết chuyện cô học sinh này vì quá đói bụng, bị choáng váng nên ngã xuống kênh rồi tử vong càng khiến cho nhiều người không kìm được nước mắt. 

Cảnh tang thương trong căn nhà tuềnh toàng

Cái chết đáng thương của bé Nhung đã khiến cho hàng xóm, láng giềng xót xa. Về hoàn cảnh gia đình em cũng thật tội nghiệp. Anh Phạm Văn Vân, chị Lê Thị Quý (bố mẹ bé Nhung, trú tại xóm 6, xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang) có 4 người con, nhà rất nghèo, mới được chính quyền hỗ trợ 1 căn nhà thuộc chương trình xóa nhà tranh tre, tạm bợ.

Biết tin em qua đời vì tai nạn, hàng trăm người dân đã đến nhà thắp hương, chia sẻ cùng gia đình. Trong căn nhà chẳng có tài sản gì đáng giá, khói hương nghi ngút trong tiếng khóc than, đau xót của người thân càng làm cho khung cảnh ở một xã miền núi thêm não nề.


Gia cảnh nghèo khó của em Nhung. (Ảnh thầy giáo Lê Quốc Châu chụp cùng mẹ của Nhung và các em)

“Cháu Nhung chết nằm đó, không có một hạt gạo để nấu cơm cúng. Chiếc bàn thờ thắp hương cũng không. Người nhà chỉ biết vội vàng lấy cái thau nhỏ, bỏ cát vào thắp nén hương tạm”, bà Trần Thị Sâm (hàng xóm) kể trong nước mắt.

Ngừng lại một lúc, bà Sâm nói thêm, Nhung chết đói trước khi chết đuối, chết mà không có một bộ đồ nguyên vẹn để mặc. "Người đi mua áo, người mua quần, người cho quả trứng về đặt bàn thờ cúng cháu", người hàng xóm này đau xót kể.

Ngay sau khi vớt được thi thể Nhung, gia đình đã đưa về nhà để mai táng. Ông Nguyễn Thái Hòa, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) huyện Vũ Quang cho biết, cán bộ của phòng cùng ban giám hiệu và thầy cô trường tiểu học Đức Bồng đã xuống thăm hỏi, động viên và hỗ trợ gia đình cháu Nhung. Biết tin cháu Nhung tử nạn, gia đình lại vô cùng khó khăn, mấy ngày qua có hàng chục đoàn thể, nhiều nhà từ thiện khắp cả nước đã đến chia sẻ, động viên. 

Một cán bộ xã Đức Bồng cho biết, gia đình anh Vân mới nhập cư đến sinh sống tại địa phương được mấy năm nay. Bản thân anh Vân lại hạn chế về trí tuệ, cả 2 vợ chồng đều không biết chữ. Trong nhà không có trâu bò, lợn gà, cơ ngơi không có thứ gì đáng giá. Nguồn sống dựa vào số tiền ít ỏi mà vợ chồng đi làm thuê, cuốc mướn.

Buổi sáng định mệnh

Kể lại câu chuyện của bé Nhung, thầy giáo Lê Quốc Châu (Trường THPT Cù Huy Cận, Vũ Quang) cho biết, buổi sáng ngày 25/9 định mệnh, Nhung vẫn đến trường như thường lệ. Thế nhưng, vào giờ nghỉ giữa tiết, Nhung lại gần cô giáo và xin một hộp sữa để uống. Cô giáo hỏi thì Nhung cho biết, quá đói bụng và cảm thấy như muốn ngất xỉu. Vốn biết Nhung là đứa bé có sức khỏe yếu và bị tim bẩm sinh nên khi thấy Nhung nói vậy, cô giáo đã gọi cho hàng xóm nhờ bố mẹ em đến trường đưa về nhà.

Biết tin từ người hàng xóm, anh Phạm Văn Vân (bố của Nhung) đi xe máy lên trường đưa con về. Đường về nhà khá xa cả chục km nhưng Nhung vẫn cố gắng tự đạp xe, vì sợ bố vất vả. Nhưng quãng đường về nhà ấy đã lấy đi cuộc đời tuổi thơ của em, biết bao mơ ước và tương lai ở phía trước. Khi Nhung đạp xe được 2 km thì đâm vào thành cầu Động, bị trượt chân và rơi xuống kênh.


Nhiều người đau xót khi nhìn thấy sách vở của em Nhung. (Ảnh: Lê Quốc Châu)


Người đi đường nhìn thấy bé Nhung rơi xuống kênh liền hô hào mọi người đến cứu. Gia đình, người thân, chính quyền nhân dân địa phương ngay lập tức có mặt kịp thời nhưng sau 2 tiếng đồng hồ tìm kiếm mới thấy thi thể. Nhung ra đi khi tuổi đời còn quá nhỏ với nỗi đau đớn cùng cực của gia đình.

Trên đường đưa thi thể Nhung về, người mẹ ngất lên ngất xuống. Chị khóc than trong đau khổ: “Con ra đi thế này mẹ không cam lòng!” Tiếng khóc ấy đã xé nát trái tim của bao người chứng kiến.

Theo Nhịp sống

Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

260/ Những bài thơ hay về Mùa Thu




Thơ tình cuối mùa thu

Cuối trời mây trắng bay
Lá vàng thưa thớt quá
Phải chăng lá về rừng
Mùa thu đi cùng lá
Mùa thu ra biển cả
Theo dòng nước mênh mang
Mùa thu vào hoa cúc
Chỉ còn anh và em
Chỉ còn anh và em
Là của mùa thu cũ
Chợt làn gió heo may
Thổi về xao động cả:
Lối đi quen bỗng lạ
Cỏ lật theo chiều mây
Đêm về sương ướt má
Hơi lạnh qua bàn tay
Tình ta như hàng cây
Đã bao mùa gió bão
Tình ta như dòng sông
Đã yên ngày thác lũ.
Thời gian như là gió
Mùa đi cùng tháng năm
Tuổi theo mùa đi mãi
Chỉ còn anh và em
Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại…
– Kìa bao người yêu mới
Đi qua cùng heo may.
Xuân Quỳnh



THU


Thu sang trong nắng hanh vàng
Gió lay mơn trớn nhẹ nhàng lá rơi
Mây thu ửng sắc lưng trời
Hồ thu soi nắng sáng ngời thủy tinh
Vài con chim lượn chao mình
Rừng thu vàng đỏ đượm tình nước mây
Hoàng hôn nhuộm thắm phương tây
Chim bay về tổ từng bầy kêu sương
Thu về bao nỗi nhớ thương...

Mùa Thu Lơ Đãng


Em nhặt cọng cỏ
Úa
Cỏ khô gãy
Trên tay
Mùa thu khẽ khàng giăng ngang đây
Heo may đệm gót.
Em kéo mây trời
Trên tầng không cao chót vót
Mây nhẹ như bông
Mây bềnh bồng.
Ơ kìa con suối trong
Bao mùa không khô hạn
Như tình yêu chúng ta bao ngày tháng
Mát rượi chốn đào nguyên
Nhặt cọng cỏ ta mơ duyên
Kết vòng hoa
Trao gửi
Mắt huyền bối rối
Trái tim hồng bâng khuâng
Cỏ úa dưới chân
Để xanh ngời mầm mới
Mùa thu ơi đừng trôi qua vội
Cỏ sẽ xanh
Cỏ sẽ mượt mà.
Mây bay qua
Gió bay qua
Mùa thu đầy nắng
Tiếng lá khô trong chiều thinh lặng
Mùa thu lơ đãng
Thả rơi lá vàng. 








Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

259/ Những nhạc phẩm bất hủ về mùa thu




‘Nhìn những mùa thu đi’, ‘Con thuyền không bến’ hay ‘Gửi gió cho mây ngàn bay’ đều là những tuyệt phẩm viết về mùa thu mà khi được cất lên, giai điệu của chúng có thể khiến bao thế hệ người nghe vỡ òa cảm xúc. 

1. “Gửi gió cho mây ngàn bay” (nhạc sĩ Đoàn Chuẩn - Từ Linh)
“... Với bao tà áo xanh đây mùa thu
Hoa lá tàn, hàng cây đứng hững hờ
Lá vàng, từng cánh rơi từng cánh
Rơi xuống âm thầm trên đất xưa...”
Mùa thu với bao vẻ đẹp nên thơ của đất trời đã gieo cảm xúc khiến nhạc sĩ Đoàn Chuẩn viết nên những giai điệu làm say đắm lòng người. Lá đổ muôn chiều, Chuyển bến hay Tà áo xanh đều được coi là những kiệt tác của âm nhạc VN. Trong số những tác phẩm viết về mùa thu của Đoàn Chuẩn, không thể không nhắc tới Gửi gió cho mây ngàn bay. Một bức tranh sinh động về thu Hà Nội đã được cố nhạc sĩ gửi gắm trong từng nốt nhạc và ca từ đầy lãng mạn
Đó là một mùa thu “lá vàng từng cánh rơi từng cánh” khiến tác giả “thấy hối tiếc nhiều” vì “thuyền đã sang bờ, đường về không lối”. Trong suốt cuộc đời, Đoàn Chuẩn sáng tác không nhiều, nhưng những tác phẩm của ông đều nắm giữ vị trí quan trọng trong trái tim người yêu nhạc VN hơn nửa thế kỷ qua. Năm nay, khi Hà Nội tròn 1000 năm tuổi cũng vào mùa thu, giai điệu của Gửi gió cho mây ngàn bay một lần nữa lại vang lên như đem “mùa thu trần gian” năm nào trở về. Khánh Ly, Tuấn Ngọc hay Thu Hà đều là những nghệ sĩ thể thiện ca khúc này thành công.  
2. “Thu cô liêu” (nhạc sĩ Văn Cao)
“... Thu cô liêu, tịch liêu
Cô thôn chiều, ta yêu thu, yêu mùa thu
Vàng hoen đáy nước soi rõ đường đi
Một mùa thi, một mùa thi
Lá xanh rơi rụng, buồn chi lá vàng...”
Dường như mùa thu có mối duyên nợ kỳ lạ với cố nhạc sĩ Văn Cao. Khi sinh thời, ônh từng tâm sự rằng: “Những kỷ niệm về mùa thu thì có quá nhiều trong cuộc đời, không chỉ mùa thu cách mạng mà còn cả mùa thu tình ái. Mùa thu gợi một cái gì đó về nam nữ, có lẽ là mùa cưới. Mùa cưới của chúng ta cũng lại vào mùa thu. Cái lành lạnh của mùa thu và những chiếc lá thay đổi màu cũng khiến tâm tính con người trở nên khác lạ”.
Là một trong ba tác phẩm viết về thu của cố nhạc sĩ Văn Cao, Thu cô liêumang giai điệu êm đềm, dịu dàng giống như tâm hồn tươi trẻ của một cô thôn nữ đang khám phá vẻ đẹp của buổi chiều thu. Mùa thu là mùa đem tới những xúc cảm bâng khuâng, khơi gợi tình yêu giữa đôi lứa. Hình ảnh ca sĩ Hồng Nhung duyên dáng cất cao tiếng hát trong trẻo giữa một bãi cỏ lau đu đưa trong gió đã trở nên gắn liền với nhạc phẩm Thu cô liêu trong suốt bao năm qua
3. “Mùa thu lá bay” (nhạc Hoa, lời Việt)
“... Mùa thu lá bay anh đã đi rồi
Vỡ tan ôi bao giấc mộng lứa đôi
Giờ đành lìa xa thế nhân sầu đau
Hẹn anh kiếp sau ta nhìn thấy nhau...”
Có một thời, nhạc phẩm Mùa thu lá bay đã tạo nên hiện tượng lớn đối với đông đảo công chúng yêu nhạc VN. Trong các buổi biểu diễn âm nhạc ngày trước, khi người dẫn chương trình giới thiệu nữ ca sĩ hải ngoại Kim Anh bước ra sân khấu thể hiện ca khúc này, ở phía dưới khán giả là những tràng pháo tay giòn giã không ngớt. Mùa thu lá bay đã làm nên tên tuổi của Kim Anh hay ngược lại, là điều mà chưa ai dám khẳng định. Chỉ biết rằng từ lâu, mỗi khi câu hát “Một ngày sống bên anh sẽ muôn đời” vang lên, người nghe chỉ biết nín lặng và chìm đắm trong giọng ca đầy mê hoặc của Kim Anh
Mùa thu cũng là mùa của sự biệt ly, chia lìa lứa đôi. Giai điệu mang nhiều tâm trạng của Mùa thu lá bay để lại cho người nghe nỗi khắc khoải và chạnh lòng khi nghĩ tới những kỷ niệm xưa cũ. Người con gái trong ca khúc tự gặm nhấm nỗi xót xa và mong một ngày được đoàn tụ với người mình yêu ở kiếp sau, khi đó tình yêu là “thiên thu”. Lần đầu tiên Kim Anh trình diễn Mùa thu lá bay là vào năm 1977. Sau hơn 30 năm, chị đã có dịp trở về quê hương và đứng giữa khán giả thể hiện lại ca khúc này với chất giọng trầm ấm như chưa từng bị mai một, trong đêm nhạc diễn ra hồi cuối tháng 8 ở Hà Nội.
4. “Con thuyền không bến” (nhạc sĩ Đặng Thế Phong)
“... Đêm nay thu sang cùng heo may
Đêm nay sương lam mờ chân mây
Thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng
Như nhớ thương ai chùng tơ lòng...”
Là một trong số ít ỏi ba ca khúc của nhạc sĩ bạc mệnh Đặng Thế Phong,Con thuyền không bến cho đến nay vẫn được xem là tác phẩm bất hủ nhất của tân nhạc VN. Từng giai điệu tê tái, não nề của ca khúc này đã để lại dấu ấn không thể phai nhòa trong tâm trí người yêu nhạc VN suốt gần 70 năm qua. Con thuyền không bến được Đặng Thế Phong sáng tác dành tặng riêng cho cô Tuyết - người yêu của ông khi đó. Trong một đêm trắng mùa thu trên sông Thương, chàng nhạc sĩ trẻ đã biến nỗi nhớ thương người yêu nơi xa thành một tuyệt phẩm.
Con thuyền không bến là một hình ảnh đậm chất thơ. Thuyền trôi lờ lững trên dòng nước mênh mang trong một đêm thu chớm lạnh cùng “heo may”, “sương lam mờ chân mây”, “ánh trăng mờ chiếu”. Nhạc sĩ Đặng Thế Phong đã diễn tả tâm trạng khắc khoải, nhung nhớ của những thanh niên trẻ trong thời chiến. Tình yêu của họ bơ vơ, lạc lõng cũng giống như con thuyền trôi bên con sông mùa thu, không biết đâu là bến bờ. Giọng hát khàn đục đặc trưng của nữ ca sĩ Khánh Ly đã thổi hồn và đem đến sức sống mãnh liệt mãi trường tồn cùng thời gian cho nhạc phẩm Con thuyền không bến
5. “Không còn mùa thu” (nhạc sĩ Việt Anh)
“... Không còn mùa thu, trăng rơi bên thềm
Không còn lời ru, mơ trên môi mềm
Em thơ, như mùa xuân đầu, nối dài đêm sâu
Anh làm mùa thu, cho em mơ màng...”
Ngoài vẻ đẹp quyến rũ làm xao xuyến lòng người, mùa thu với những lời ru, ánh trăng thề, những con đường hiu quạnh còn đem lại cảm giác buồn man mác. Đó là sự hoài niệm về những gì đã qua, về mối tình cũ đã chìm trong quá khứ. Mùa thu đến và đi quá đột ngột, cũng giống như chuyện tình dang dở của cô gái trong ca khúc Không còn mùa thu, để lại bao nuối tiếc và thương nhớ. Những ký ức về cuộc tình cũ cứ hiện về trong tâm trí của cô gái ấy mỗi độ thu sang.
Không còn mùa thu gắn liền với tiếng hát của nữ ca sĩ được mệnh danh là giọng ca "mùa thu Hà Nội" - Thu Phương . Giai điệu trữ tình cùng chất giọng nồng nàn, tha thiết của Thu Phương gợi cho người nghe một cảm giác xao xuyến, bồi hồi. Nhắc tới mùa thu, hầu như ai cũng hình dung ra sắc vàng. Đó là màu của những chiếc lá rơi bên thềm, của ánh trăng khuya và cũng là màu vàng tê tái của những ký ức tươi đẹp đã qua, chìm khuất tận nơi chân trời.

8. “Buồn tàn thu” (nhạc sĩ Văn Cao)
“… Nghe bước chân người sương gió
Xa dần như tiếng thu đang tàn
Ôi người gió sương em mơ thương  bao lần
Và chờ tin hồng đến
Đêm mùa thu chết…”
Buồn tàn thu là sáng tác đầu tay của cố nhạc sĩ Văn Cao viết năm 1939 với lời tựa dành cho nhạc sĩ Phạm Duy: “Tương tiến nhạc sĩ Phạm Duy, kẻ du ca đã gieo nhạc buồn của tôi khắp chốn”. Nhạc sĩ Phạm Duy cũng là người đầu tiên trình diễn ca khúc này trong thập niên 1940. Giai điệu buồn da diết với nhịp điệu chậm rãi của Buồn tàn thu thể hiện nỗi sầu thương của một người thiếu phụ mòn mỏi chờ đợi người yêu để rồi chết cùng mùa thu.
Nỗi vấn vương của người thiếu phụ trong bài hát cứ bay theo những chiếc lá vàng. Ngồi trong nhà đan áo, nàng nhắn nhủ gió, mây và những cánh chim uyên đưa duyên tới người tình trong sự vô vọng. Năm tháng cứ thế trôi qua và trong một đêm mùa thu chết, tình yêu của nàng đã “rơi theo lá vàng”. Những giọng nữ cao như Thái Thanh, Kim Tước hay sau này là Ánh Tuyết đã thổi hồn cho Buồn tàn thu 
9. “Nhìn những mùa thu đi/ Nắng thủy tinh” (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn)
“… Nhìn những mùa thu đi
Em nghe sầu lên trong nắng
Và lá rụng ngoài song
Nghe tên mình vào quên lãng
Nghe tháng ngày chết trong thu vàng…”
“… Chiều đã đi vào vươn mắt em
Mùa thu qua tay đã bao lần
Ngàn cây thắp nến lên hai hàng
Màu nắng bây giờ trong mắt em…”
Nhìn những mùa thu đi và Nắng thủy tinh đều là hai nhạc phẩm bất tử về mùa thu mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã để lại cho kho tàng âm nhạc VN. Đều lấy hình ảnh là một buổi chiều thu, nhưng nếu như Nắng thủy tinh là một “chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm” thì buổi chiều trong Nhìn những mùa thu đi lại “đơn côi bàn tay quên lối, đưa em về nắng vương nhè nhẹ”. Trong cuộc đời của mỗi con người, ai rồi cũng sẽ phải đón nhận những mùa thu đi qua và “nghe tên mình vào quên lãng”. Mùa thu đến và đi để lại bao cảm xúc bâng khuâng, ngậm ngùi.
Khoảnh khắc hai nữ ca sĩ Khánh Ly và Lệ Thu cùng nhau đứng trên sân khấu thể hiện Nhìn những mùa thu đi và Nắng thủy tinh là một hình ảnh đẹp đã in sâu vào ký ức của công chúng hâm mộ nhạc Trịnh Những hoài cảm sâu sắc của biết bao người nghe đã, đang và sẽ vẫn trào dâng mỗi khi những giai điệu êm đềm ấy được ngân vang. Mùa thu cũng là lúc để chúng ta hoài niệm về quá khứ, để tâm hồn mình “buồn dâng mênh mang” và lắng đọng theo từng nốt nhạc xưa cũ.  


Nguyên Minh

258/Kỉ niệm Cắm hoa công đoàn.

      Trích từ bài dự thi Tìm hiểu 85 năm công đoàn Việt Nam.

 Tháng năm dần qua, cuộc sống phải chăng đâu là một chuỗi những bất ngờ, tự nhiên mà có, cuộc sống là những điều nối tiếp nhau. Ý nghĩa của cuộc sống nằm ngay trong những giá trị bình thường quanh ta – là tình yêu những điều bình dị của cuộc sống, là tình yêu ,tình bạn, là niềm vui và hạnh phúc khi đối mặt và vượt qua khó khăn, là ước mơ và hi vọng vào ngày mai… Và những điều đó đã nuôi dưỡng tâm hồn ta. Tất cả hãy còn trong kỉ  niệm. Làm sao kể hết. Có những kỉ niệm tôi không kể mà không thể nào quên. Kỉ niệm  Cắm hoa công đoàn.
  Nói hay không thể thay làm dở
 Năm ấy, tôi mới  về trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (1996)  được tham dự hội trại 8/3 do công đoàn giáo dục Thị xã Tam Kì tổ chức. Lúc đó tôi còn trẻ- vừa mới lập gia đình- chưa có con nên còn rỗi rãi. Hội trại tổ chức thi cắm hoa về đề tài Phụ nữ. Chị em đa số đã lớn tuổi, có lẽ cũng vì chưa quen với công việc này  và  cũng có lẽ vì nghĩ  tôi trẻ, nhanh nhẹn  nên thống nhất cử tôi. Tôi ngỡ ngàng và hét lên: « Em không làm được. Từ hồi nào đên giờ em có thi thố cái vụ này đâu.» Nhưng rồi tôi vẫn không thể từ chối được đành phải tất tả lo lắng cho nhiệm vụ. Tôi nhờ chị ở tận Đà Nẵng mua gởi về cho một cuốn sách  dạy cách cắm hoa và bắt đầu nghiền ngẫm trong một tuần. Tôi cắt gần như sạch sành sanh các loại  hoa dại  trong vườn để  tập cắm rồi lại ngắm nghía một  mình « sao mà xấu ơi là xấu »
Mò mẫm mãi tôi cũng nghĩ  ra được một bình hoa  có chủ đề Tình mẹ  Tôi chọn hoa hồng đơn giản vì nó là hoa hậu của các loài hoa. Còn cắm phụ thì cứ sa lem và liễu yếu thôi. Tôi cắm theo hình tam giác với ba đóa hồng cao thấp so le biểu tượng cho mẹ và hai con. Ba Cành thủy trúc cắm giữa theo tâng bậc tượng trương cho bàn tay đảm đang của ngừơi phụ nữ… Tôi đến tận nhà trồng hoa vườn để đặt những cái hoa đẹp nhất màu nhung. Còn chậu cắm thì là bằng sứ một cái chén cổ để tôn bình hoa lên cao. Một bài thuyết trình công phu vẽ vời đã được học thuộc lòng. Tôi nghĩ với bài  này thì ban giám khảo nghe mà say sưa và phết thêm điểm…Nói chúng tôi rất tự tin  khi nghĩ mình là giáo viên văn cơ mà. Mình sẽ có giải mang về cho công đoàn trường, nhất định là vậy.

Thế rồi sau 20 phút thi, bình hoa nho nhỏ của tôi cắm theo hình tháp đơn giản với  những đóa hồng  nhung và sa lem trắng. Thế nhưng ngắm nghĩa một hồi đặt trong hàng chục chậu hoa khác tôi thấy nó đơn điệu và thiếu đi nét sống động tươi tắn. Đường nét bố cục không có ý tưởng gì đặc biệt. Và nó đã không được vào chung kết dẫu tôi cũng đã cố gắng đọc thuộc lòng hết bài thuyết trình văn chương bay bổng có cả những câu không liên quan gì đến bình hoa. Tôi cảm thấy xấu hổ và ngẫm ra một điều: Cắm hoa nghệ thuật chứ  phải đâu  chuyện khoe chữ. 
  Học để cắm – cắm để học.   
 Từ sau cái lần đó, hoa trở thành duyên nợ. Không hiểu sao tôi thích  tìm hiểu về hoa về nghệ thuật cắm hoa. Tôi tìm sách báo viết về hoa, thích ngắm những bình hoa cắm theo kiểu phương Đông- nhất là phong cách  cắm hoa Nhật bản. Tôi  mày mò nghĩ ra những bình hoa đồng nội cho phòng khách, góc làm việc của mình. Hoa địa lan, hoa trang đỏ, hoa đuôi chồn, hoa dâm bụt cho đến hoa khoai lang cũng được tôi ngắm nghía và thử nghiệm… Những bình hoa tôi cắm thường đơn sơ mộc mạc mang một ý nghĩa giản đơn về tâm tư mong ước nhỏ bé mà tôi gửi gắm cho gia đình nhỏ bé của mình. Cũng nhờ đó tôi cũng có những ý niệm rõ ràng hơn một chú về công việc cắm hoa. Tôi nhận thấy trong mỗi đóa hoa có vẻ đẹp của cuộc đời mà con người đang tạo dựng chăm chút…Ngắm một bình hoa trong khi làm việc tự nhiên thấy tâm hồn thư thái, yêu đời hơn. Và thật vui khi ta biết nâng niu cái đẹp của hoa để trước khi tàn nó không vô ích mà còn đem đến trong tâm hồn con người  bao điều kì diệu   khó nói hết.    
           Năm 2011 tôi lại nhận nhiệm vụ của ban nữ công của ngành phân công cùng tham gia dự hội thi cắm hoa do liên đoàn lao động tổ chức, với công việc chủ yếu là viết bài thuyết trình và cắm phụ cùng vời một cô giáo khác (cô Thu Phúc trường TH Nguyễn Duy Hiệu). Lúc đầu tôi cũng rất e ngại vì nhớ lại lần trước đi thi chẳng được gì nhưng rồi lại nghĩ mình là giáo viên Văn chỉ viết  bài thôi thì có gì phải lo. Tôi được biết cô Thu Phúc trường TH Nguyễn Duy Hiệu rất có năng khiếu về công việc cắm hoa này. Ngay từ lần cắm mẫu đầu tiên Bình hoa mang chủ đề Khát vọng mùa xuân, tôi đã được học hỏi rất nhiều điều về Cắm hoa nghệ thuật. Nhìn đôi tay khéo léo cắt tỉa từng lá hoa cành hoa với ý tưởng của cô Phúc mà tôi thầm nghĩ và chiêm nghiệm: « Mình còn quá vụng, cắm hoa  là một nghệ thuật, người cắm hoa là một nghệ sĩ. Qủa  là trong cuộc sống nếu biết cách làm đẹp, mọi thứ quanh ta đều có thể trang trí cho cuộc sống thêm sắc màu. Cắm hoa là sự kết hợp khéo léo bởi một loài hoa hoặc nhiều. Một trái tim đam mê và một tâm hồn yêu thiên nhiên sẽ hòa quyện tạo nên tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp, có hồn ». 
           Cũng nhờ qua công việc tập luyện cắm thử rồi cắm duyệt lần cuối tôi được học hỏi nhiều thêm về cách phối màu kết hợp ý nghĩa của từng loại hoa trong ý nghĩa tổng thể của cả bình hoa về một chủ đề. Và rồi ngày thi đã đến  đã đến. Bình hoa hai tầng độc đáo với những cành lan tím uốn cong hình chữ s tượng trương cho đất nước Việt Nam dấu yêu nằm ở mảng thứ nhất đã vô cùng mềm mại nổi bật  làm điểm tựa cho mảng hai với đường nét rồng bay mà điềm nhấn là những đóa hoa hồng nhung và ly vàng rực rỡ tượng trương cho vẻ đẹp của thành quả cuộc cuộc sống mà chị em dâng cho đời. Bình hoa đạt giải nhất. Điều tôi vui nhất là được học hỏi thêm nhiều về nghệ thuật cắm hoa bằng chính sự trải nghiệm.  
             Nghệ thuật - từ trái tim đến cuộc đời.
             Tôi đã yêu hoa tự bao giờ tôi cũng không biết và có lẽ hoa cũng đã yêu tôi. Cái duyên nợ với hoa vẫn còn mãi  dẫu rằng tuổi tôi không còn trẻ trung nữa. Năm 2014, liên đoàn lao động huyện tổ chức thi cắm hoa lần 2, Ban Nữ công ngành họp và cử tôi…. Lần này thì tôi từ chối vì một phần do quá bận, một phần do thiếu tự tin vì cô Phúc đã chuyển trường về Tam Kì. Nhưng rồi không thoái thác được tôi đành nhận nhiệm vụ vừa thiết kế ý tưởng vừa cắm mẫu vừa viết bài thuyết trình. Ngoài tôi còn có thêm ba cô nữa ở đủ các cấp học từ mầm non đến THCS. Sự nhiệt tình háo hức của các cô trong nhóm cắm hoa  trong công việc này làm tôi phần nào yên tâm. Mấy đêm liền thao thức. Và rồi tôi cũng nghĩ ra được một bình hoa với chủ đề: Khát vọng  mùa xuân gồm  ba mảng ý nghĩa ngợi ca vai trò của người phụ nữ trong gia đình, xã hội và đưa ý tưởng cho mấy cô góp ý. Lúc đầu sự kết nối giữa các mảng chủ đề còn rời rạc nhưng sau khi được các cô góp ý tôi nảy ra nhiều ý tưởng mới. Sự phối màu dần dần được hài hòa hơn ý nghĩa sâu sắc hơn.
     Lần thi vơi cô Phúc chỉ có hai chị em những lần này yêu cầu cuộc thi số lượng là bốn đến năm người, phải cắm làm sao cho và bình hoa xứng tầm cuộc thi về chủ đề: đất nước, Đảng và hình ảnh người phụ nữ mà chỉ trong thời gian 30 phút? Một tuần trôi qua, sắp đến ngày thi rồi phần thuyết trình cũng được chuẩn bị. Công đoàn ngành lên kế hoạch  cho chúng tôi cắm  thử lần cuối cho lãnh đạo duyệt. Vì hoa trong những ngày gần 8-3 rất đắt tiền nên chúng tôi tận dụng hoa tập cắm để đỡ tốn kém Sau gần  hai tiếng đồng hồ chúng tôi cắm xong và cồng kềnh chở nhau, mang bình hoa đến Phòng giáo dục Cô Thảo ( trường TH Phan Đình Phùng)  chở, tôi ngồi sau  sau gồng mình ôm bình hoa chiều cao hơn một mét gồm ba tầng . Trên đường đi, áp lực của gió ngược quá mạnh làm bình hoa bị chao qua chao lại ngả đổ rớt ra xuống mặt đường nhựa.Từng cánh hoa hồng xốp cắm thì bị vỡ ra. Cô Hạnh (trường mẫu giáo Hoa Sen) đi phía sau phát hiện hoa bị rớt dọc đường đã dừng lại nhặt. Còn tôi và cô Thảo hoảng hốt nhặt từng cái hoa và cục xốp bị văng ra. Đến nơi chúng tôi cố sửa sang lại bình hoa nhưng nó đã xập xệ đến thảm thương. Hoa trông xơ xác, cành cắm phụ lại bị thiếu lỗ chỗ. Bố cục trông rời rạc màu sắc thì ôi thôi  bầm thẫm !  Sắc hoa hồng nhung bị bầm đen, các cánh hoa hồng vàng bị rả. Lòng tôi cảm thấy bất an lo lắng nghĩ đến chuyện bị chê cười.
         Sau khi trưng bình hoa lên bàn, lãnh đạo phòng và công đoàn ngành đã có tham dự đầy đủ. Nhìn ánh mắt của mọi người có vẻ không hài lòng, tôi cảm thấy căng thẳng vô cùng. Vì thời gian cũng đã gần trưa, các thầy cô lãnh đạo cũng đã tranh thủ họp mặt để góp ý nên tôi vội  bảo cô Hồng Vi (trường THCS Nguyễn Hiền –cùng trường với tôi) thuyết trình. Trong tâm tâm tôi nghĩ “cứ để thầy cô góp ý để ngày mai  làm tốt hơn.” Nhưng rồi rôi vẫn thấy xấu hổ thế nào. Trong khi cô Hồng Vi thuyết trình, lẽ ra phải ngồi nghe tôi lại cứ đi đi lại lại quanh bình hoa sửa một tí  chỗ này, sửa một tí chỗ kia khổ nổi, càng sửa càng  thấy cứ xấu. Thầy chủ tịch công đoàn cùng các chị em nữ công góp ý rất nhiều. Nào là hoa héo, không cân đối, không hài hòa, cắm còn chưa chuẩn….   
         Chiều hôm đó hai cô Thảo và Hạnh vẫn còn rất lo lắng nên lại tiếp tục cắm tập thêm một buổi để thử thời gian. Thế là tôi đành hoãn thời gian mua hoa. Bốn giờ ba mươi chiều tôi vội đi Tam kì. Hoa hồng, hoa sa lem, hoa lá các loại cắm phụ đều đã mua xong, duy chỉ có một loại hoa ly – hoa tôi rất cần để cắm ở hai mảng chính của bình lại tìm không ra. Đơn giản  vì hôm đó là ngày 4 tháng 3. Hầu hết tất cả các hành hoa đều dự trữ hoa búp  để chờ bán 8/3. Tôi dạo hầu như hết cả chợ  Tam Kì và tất cả các sốp hoa. Chỉ có một vài hoa ly nhưng không phải là hoa  ly ù màu vàng tươi sắc đậm sáng mà tôi  chọn. Sáu giờ 30 tối rồi còn gì. Làm sao để có hoa cắm đây. Đâu còn thời gian để thay đổi ý tưởng. Cái đầu tôi như có ai đè xuống, hai mắt tối sầm. Trước mặt tôi đường phố như chật chội thiếu ánh đèn. Phải quyết định thôi. Và rồi tôi đành quay lại tiệm hoa chọn những hoa ly vàng đơn cánh mỏng sắc nhạt không theo ý tưởng ban đầu. Để cho sắc hoa sáng hơn nhìn bắt mắt hơn tôi nhớ cô chủ rắc thêm một ít kim tuyến. Về đến nhà lúc 7 giờ 30. Đêm hôm đó tôi cùng các cô thức đến  12 giờ để chuẩn bị các thứ cho buối cắm thi. Vấn còn trong tôi một nỗi lo hoa ly không được như ý , thời gian cắm chỉ có 30 phút liệu có kịp?
          Và rồi niềm vui đã vỡ òa khi bốn chị em đã hoàn thành xong phần dự thi đúng thời gian. Bình hoa của đợn vị ngành giáo dục Phú Ninh đã lấn sân về màu sắc bố cục lẫn nội dung phong cách thuyết trình và mang về giải nhất với số điểm 96/100. Lời thuyết trình ngọt ngào trong trẻo mà đầy sức thuyết phục của cô Hồng Vi như lan tỏa vào lòng người những hương sắc của tình yêu con người cuộc sống dào dạt tự trong tâm hồn.                           
       . Tôi nhận ra rằng hoa không đơn giản là hoa khi chúng tôi đã gửi gắm vào đó biết bao tâm tư tình cảm của người phụ nữ dành  cho cuộc sống mến thương, cho quê hương đất nước.Tôi thầm cảm ơn hoa, cảm ơn  những lần cắm hoa  nghệ thuật cảm ơn công đoàn đã luôn động viên khích lệ để chị em chúng  tôi– từ những người vốn vụng về đôi tay, khô khan trong tâm hồn trở nên biết làm đẹp cho cuộc sống chính những loài hoa.
             Từ sau lần dự thi đó, “Hoa” cũng đã kết nối chị em lại gần nhau hơn. Chúng tôi thường liên lạc chia sẻ nhau về việc chọn hoa cắm hoa tô điểm cho ngôi nhà, ngôi trường của mình vào những ngày lễ hoặc ngày mang ý nghĩ  đặc biệt nào đó. Các cô dường như  xinh như hoa và yêu đời hơn, Còn tôi,  những kỉ niệm - Hoa với Cắm hoa công đoàn mãi là những  dấu ấn ngọt ngào đầy hương vị trong sâu thẳm tâm hồn.                     


Thứ Ba, 16 tháng 9, 2014

257/ TĨNH LẶNG CỦA CẢNH VÀ NGƯỜI TRONG “LẶNG LẼ SA PA”

 Mộc Nhân-Lê Đức Thịnh


Có những con người thầm lặng vô danh nhưng sự cống hiến của họ đã gợi cho ta nhiều suy ngẫm; có những miền đất lặng lẽ nhưng ở đó có những con người đang ngày đêm làm việc, hi sinh cho đất nước. Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long đã để lại cho người đọc những ấn tượng khiến mỗi chúng ta phải trân trọng và cảm phục về những con người, những tấm lòng như vậy. Họ là những con người sống đẹp, có lí tưởng, có ước mơ.

         Truyện xoay quanh tình huống cuộc gặp gỡ tình cờ giữa ông hoạ sĩ, cô kĩ sư trẻ và anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn thuộc Sa Pa. Anh gây ấn tượng qua lời giới thiệu của bác lái xe:

          - Tôi sắp giới thiệu với bác một trong những người cô độc nhất thế gian. Thế nào bác cũng thích vẻ hắn.

          Chỉ vậy thôi nhưng anh đã khiến cô bất giác đỏ mặt lên! 

          - Một anh thanh niên hai mươi bảy tuổi! Đây là đỉnh Yên Sơn, cao hai nghìn sáu trăm mét. Anh ta làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu. Cách đây bốn năm, có hôm tôi cũng đang đi thế này chợt thấy một khúc thân cây chắn ngang đường, phải hãm lại. Một anh thanh niên ở đâu chạy đến, hè với tôi và khách đi xe đẩy khúc cây ra một bên cho xe đi. Hỏi ở đây mà ai đẩy cây ra giữa đường thế này, anh chỉ đỏ mặt. Thì ra anh ta mới lên nhận việc, sống một mình trên đỉnh núi, bốn bề chỉ cây cỏ và mây mù lạnh lẽo, chưa quen, thèm người quá, anh ta kiếm kế dừng xe lại để gặp chúng tôi, nhìn trông và nói chuyện một lát. Kìa, anh ta kia.
          Những lời giới thiệu trước ấy làm nhà họa sĩ già xúc động mạnh khi nhìn thấy người con trai tầm vóc bé nhỏ, nét mặt rạng rỡ từ trên sườn núi trước mặt chạy lại chỗ xe đỗ. Ông không chú ý cô con gái cũng víu chặt vào vai ông, nửa vì tò mò, nửa vì để tự vệ chống lại một cái gì đó.
         Anh thanh niên làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu. Anh sống một mình trên núi cao, quanh năm suốt tháng giữa mây mù, núi cao Sa Pa.

Hãy nghe anh kể về công việc của mình: “Công việc của cháu cũng quanh quẩn ở mấy chiếc máy ngoài vườn này thôi. Những cái máy vườn trạm khí tượng nào cũng có. Dãy núi này có ảnh hưởng quyết định với gió mùa đông bắc đối với miền Bắc nước ta. Cháu ở đây có nhiệm vụ đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hằng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu. Đây là máy móc của cháu. Cái thùng đo mưa này, ở đâu bác cũng trông thấy, mưa xong đổ nước ra cái cốc li phân mà đo. Cái này là máy nhật quang kí, ánh sáng mặt trời xuyên qua cái kính này, đốt các mảnh giấy này, cứ theo mức độ, hình dáng vết cháy vết cháy mà định nắng. Đây là máy vin, nhìn khoảng cách giữa các răng cưa mà đoán gió. Ban đêm không nhìn mây, cháu nhìn gió lay lá, hay nhìn trời, thấy sao nào khuất, sao nào sáng, có thể nói được mây, tính được gió. Cái máy nằm dưới sâu kia là máy đo chấn động vỏ quả đất. Cháu lấy những con số, mỗi ngày báo về “nhà” bằng máy bộ đàm: bốn giờ, mười một giờ, bảy giờ tối, lại một giờ sáng. Bản báo ấy trong ngành gọi là “ốp”. Công việc nói chung dễ, chỉ cần chính xác.”
Công việc của anh dự vào việc báo trước thời tiết hằng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu. Công việc nói chung là dễ, chỉ cần chính xác, tỉ mỉ và đòi hỏi tinh thần trách nhiệm.
Tuy nhiên để thực hiện công việc ấy thì cũng lắm gian khổ. Anh kể: “Gian khổ nhất là lần ghi và báo về lúc một giờ sáng. Rét, bác ạ. Ở đây có cả mưa tuyết đấy. Nửa đêm đang nằm trong chăn, nghe chuông đồng hồ chỉ muốn đưa tay tắt đi. Chui ra khỏi chăn, ngọn đèn bão vặn to đến cỡ nào vẫn thấy là không đủ sáng. Xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực mình ra là ào ào xô tới. Cái lặng im lúc đó mới thật dễ sợ: nó như bị chặt ra từng khúc, mà gió thì giống những nhát chổi muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung… Những lúc im lặng lạnh cóng mà lại hừng hực như cháy. Xong việc, trở vào, không thể nào ngủ lại được.”
          Nhưng gian khổ nhất vẫn là vượt qua sự cô đơn, vắng vẻ, quanh năm suốt tháng một mình trên núi cao không một bóng người. Thế điều gì đã giúp anh vượt qua được hoàn cảnh ấy ?
          - Trước hết đó là ý thức về công việc của mình. Anh thấy rằng công việc thầm lặng của mình là có ích cho cuộc sống, cho mọi người. Công việc của anh chỉ là một mắc xích nhỏ trong chuỗi công việc của nhiều người, của cả xã hội nhưng nó góp phần vào hoạt động sản xuất và chiến đấu của cả nước. Anh kể:“Cháu có ông bố tuyệt lắm. Hai bố con cùng viết đơn xin ra lính đi mặt trận. Kết quả: bố cháu thắng cháu một - không. Nhân dịp Tết, một đoàn các chú lái máy bay lên thăm cơ quan cháu ở Sa Pa. Không có cháu ở đấy. Các chú lại cử một chú lên tận đây. Chú ấy nói: nhờ cháu có góp phần phát hiện một đám mây khô mà ngày ấy, tháng ấy, không quân ta hạ đựơc bao nhiêu phản lực Mĩ trên cầu Hàm Rồng. Đối với cháu, thật là đột ngột, không ngờ lại là như thế. Chú lái máy bay có nhắc đến bố cháu, ôm cháu mà lắc “Thế là một - hòa nhé!”. Chưa hòa đâu bác ạ. Nhưng từ hôm ấy cháu sống thật hạnh phúc.”
Con người quả thật là không thể cô đơn bởi vì giữa mọi người có biết bao mối quan hệ ràng buộc tác động vào nhau để cùng tồn tại. Anh thanh niên đã hiểu điều ấy nên anh đã sống và làm việc với ý thức trách nhiệm đầy đủ của một con người.
          - Anh đã có những suy nghĩ thật đúng đắn và sâu sắc về công việc đối với cuộc sống con người: “- Hồi chưa vào nghề, những đêm bầu trời đen kịt, nhìn kĩ mới thấy một ngôi sao xa, cháu cũng nghĩ ngay ngôi sao kia lẻ loi một mình. Bây giờ làm nghề này cháu không nghĩ như vậy nữa. Vả, khi ta việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất. Còn người thì ai mà chả “thèm” hở bác? Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc? Đấy, cháu tự nói với cháu thế đấy. Bác lái xe đi, về Lai Châu cứ đến đây dừng lại một lát. Không vào giờ “ốp” là cháu chạy xuống chơi, lâu thành lệ. Cháu bỗng dưng tự hỏi: Cái nhớ xe, nhớ người ấy thật ra là cái gì vậy? Nếu là nỗi nhớ phồn hoa đô hội thì xoàng. Cháu ở liền trong trạm hằng tháng. Bác lái xe bao lần dừng, bóp còi toe toe, mặc, cháu gan lì nhất định không xuống. Ấy thế là một hôm, bác lái phải thân hành lên trạm cháu. Cháu nói: “Đấy, bác cũng chẳng “thèm” người là gì?”
Anh sống một mình trên núi cao, ở đó quanh năm chỉ có bầu trời với những đám mây, sương mù và giá lạnh. Tuy cô độc nhưng anh không hề cô đơn bởi tâm hồn anh luôn gần gũi con người và ấm áp tình người.
Anh luôn khao khát được gặp gỡ và trò chuyện với con người đến mức “thèm người”. Anh nghĩ ra cái mẹo vừa thông minh vừa tinh nghịch là lăn khúc cây ra giữa đường để xe dừng lại, dẫu chỉ trong chốc lát để anh được gặp gỡ và trò chuyện với mọi người. Không ai trách anh điều ấy vì họ thông cảm với anh. Bác lái xe còn xử sự rất đúng khi bác đã cho xe dừng lại mỗi khi đi qua đây để được gặp gỡ và tỏ lòng yêu quí một con người có tâm hồn trong sáng như anh.
          Sống một mình khiến người ta dễ trở nên buông thả, bất cần. Chính ông hoạ sĩ cũng thoáng có ý nghĩ như thế về anh “Chắc cu cậu chưa kịp quét tước dọn dẹp, chưa kịp gấp chăn chẳng hạn.” Nhưng khi đến thăm nơi ở và chỗ làm việc của anh, mọi người đều thấy chẳng những nó không hề bừa bộn mà còn sạch sẽ tinh tươm nữa : một căn nhà ba gian sạch sẽ, với bàn ghế, sổ sách, biểu đồ…
Thì giờ ngắn ngủi còn lại thúc giục cả chính người họa sĩ già. Ông theo liền anh thanh niên vào trong nhà, đảo nhìn qua một lượt trước khi ngồi xuống ghế. Một căn nhà ba gian, sạch sẽ, với bàn ghế, sổ sách, biểu đồ, thống kê, máy bộ đàm. Cuộc đời riêng của anh thanh niên thu gọn lại một góc trái gian với chiếc gường con, một chiếc bàn học, một giá sách. Họa sĩ còn đang nheo mắt cố đọc tên các sách trên giá thì cô gái đã bước tới, dường như làm việc ấy hộ bố. Cô không trở lại bàn giữa và ngồi ngay xuống trước chiếc bàn học con, lật xem bìa một cuốn sách rồi để lại nguyên lật mở như cũ. Cuộc đời riêng của anh thu gọn lại một góc trái gian với chiếc giường con, một chiếc bàn học, một giá sách. Nếp sống hằng ngày của anh được tổ chức có nề nếp: làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi, đọc sách báo, như đang sống giữa một xã hội chứ không phải chỉ có một mình anh.
          Anh thanh niên còn biết làm đẹp cho cuộc sống tâm hồn của mình bằng việc trồng hoa. Mọi người rất ngạc nhiên khi thấy giữa nơi núi cao lại gặp một vườn hoa với bao nhiêu loài hoa, sắc hoa.
Ngoài ra anh còn biết làm phong phú cho đời sống tinh thần của mình bằng việc đọc sách. Anh nói : lúc nào tôi cũng có người để trò chuyện, nghĩa là có sách ấy mà. Đọc sách giúp anh bớt cô đơn, buồn tẻ, tìm thấy niềm vui .
Có thể nói anh là người có lối sống đẹp, biết làm đẹp cho cuộc sống vật chất và tinh thần của mình. Anh biết tổ chức, sắp xếp cuộc sống của mình thật ngăn nắp chủ động. Cái đẹp ấy bắt nguồn từ một tâm hồn đẹp, một bản chất tốt đẹp.
Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi giữa những con người mới gặp nhau lần đầu nhưng dường như giữa họ không có khoảng cách. Anh thanh niên đã bộc lộ sự thân tình giữa mình với mọi người qua cuộc chuyện trò vui vẻ, thân mật:“Người con trai nói to những điều đáng lẽ người ta chỉ nghĩ. Cũng là những điều ta ít nghĩ. Việc ấy làm bác già và cô gái cảm động và cuốn hút ngay. Cô ôm bó hoa vào ngực, bạo dạn nhìn thẳng vào mặt anh. Anh thanh niên bắt gặp cái nhìn đó, phủi vội giọt mồ hôi trên sống mũi, mỉm cười, hạ giọng hỏi:
- Cũng đoàn viên, phỏng?
- Vâng - cô gái sẽ nói.
- Thôi, chấm dứt tiết mục hái hoa - Người con trai bất chợt quyết định - Bác lái xe chỉ cho ba mươi phút thôi. Hết năm phút rồi. Cháu nói qua công việc của cháu năm phút. Còn hai mươi phút, mời bác và cô vào nhà uống chè, cho cháu nghe chuyện. Cháu thèm nghe chuyện dưới xuôi lắm.”
Trong ba mươi phút trò chuyện, tác giả đã để cho anh nói hầu hết. Anh nói về công việc, cuộc sống của mình bằng những lời nói cởi mở, chân thành, có pha giọng vui đùa, hóm hỉnh. Điều ấy chứng tỏ anh là con người bộc trực, thẳng thắn, dễ gây thiện cảm cho mọi người.
Thái độ quan tâm đến mọi người không chỉ vì niềm vui của chính mình mà còn là tấm lòng yêu mến và quí trọng con người.
Anh chu đáo trao cho bác lái xe gói củ tam thất để cho vợ bác ấy“ngâm rượu bồi dưỡng sức khoẻ” vì nghe nói vợ bác ấy ốm. Anh có những cử chỉ hiếu khách đặc biệt như cắt một bó hoa rõ to để tặng cô gái với những lời lẽ chân thành, thật thà: - Tôi cắt thêm mấy cành nữa. Rồi cô muốn lấy bao nhiêu nữa, tùy ý. Cô cứ cắt một bó rõ to vào. Có thể cắt hết, nếu cô thích. Tôi không biết kỷ niệm thế nào cho thật long trọng ngày hôm nay. Bác và cô là đoàn khách thứ hai đến thăm nhà tôi từ tết. Và cô là cô gái thứ nhất từ Hà Nội lên tới nhà tôi từ bốn năm nay.
Ai lại không hởi lòng hởi dạ trước một cách đón khách trân trọng, thật thà như thế.
Với bác hoạ sĩ già, anh đã đưa cái món nước chè pha nước mưa thơm như nước hoa để mời bác ấy. Chẳng những thế anh còn tặng mọi người một làn trứng để ăn trưa lúc chia tay. Sự ân cần chu đáo ấy suy cho cùng là lòng hiếu khách, nỗi thèm người của một con người có lòng nhân hậu đáng mến.
Cô kĩ sư trẻ mới ra trường đi nhận công tác ở vùng núi cao, gặp gỡ và tiếp xúc với anh thanh niên đã khiến cô bàng hoàng, cô hiểu thêm cuộc sống một mình dũng cảm tuyệt đẹp của anh, về cái thế giới những con người như anh. “Những điều cô cùng nghe, cộng với những điều cô khám phá thấy trên hai trang sách hay đang đọc dở của người con trai làm cô bàng hoàng. Có phải cái ánh sáng trong quyển sách rọi sang, làm cho cô hiểu thêm cuộc sống một mình dũng cảm tuyệt đẹp của người thanh niên, về cái thế giới những con người như anh mà anh kể, và về con đường cô đang đi tới? Có phải cái cảm giác bàng hoàng, đáng lẽ cô phải biết khi cô yêu, bây giờ cô mới biết, giúp cô đánh giá đúng hơn mối tình nhạt nhẽo mà cô đã bỏ, và yên tâm hơn về quyết định của mình? Một ấn tượng hàm ơn khó tả dạt lên trong lòng cô gái. Không phải chỉ vì bó hoa rất to sẽ đi theo cô trong chuyến đi thứ nhất ra đời. Mà vì một bó hoa nào khác nữa, bó hoa của những háo hức và mơ mộng ngẫu nhiên anh cho thêm cô.” Nghe câu chuyện của anh, trong cô  bừng dậy những tình cảm lớn lao, cao đẹp và sự hàm ơn đối với anh vì anh đã giúp cô yên tâm hơn với quyết định của mình trên con đường mà cô đang lựa chọn và đi tới. Và giây phút từ biệt dường như có điều gì thật quyến luyến: “Đến lượt cô gái từ biệt. Cô chìa tay ra cho anh nắm, cẩn trọng, rõ ràng, như người ta cho nhau cái gì chứ không phải là cái bắt tay. Cô nhìn thẳng vào mắt anh - những người con gái sắp xa ta, biết không bao giờ gặp ta nữa, hay nhìn ta như vậy. - Chào anh.”
Đáng quí nhất ở anh là tính khiêm tốn. Trong cuộc gặp gỡ trò chuyện, anh chỉ nói về mình thật ít, chủ yếu là giới thiệu cho mọi người những điều họ cần biết về công việc và cuộc sống của anh.
Bác hoạ sĩ đã bắt gặp ở anh những vẻ đẹp đáng yêu khơi gợi một ý sáng tác, bác muốn ghi lại hình ảnh của anh bằng những nét bút kí hoạ. “Phải, người họa sĩ già vừa nói chuyện, tay vừa bất giác hí hoáy vào cuốn sổ tì lên đầu gối. Hơn bao nhiêu người khác, ông biết rất rõ sự bất lực của nghệ thuật, của hội họa trong cuộc hành trình vĩ đại là cuộc đời. Ông thấy ngòi bút của ông bất lực trên từng chặng đường đi nhỏ của ông, nhưng nó như là một quả tim nữa của ông, hay chính là quả tim cũ được “đề cao” lên, do đó mà ông khao khát, mà ông yêu thêm cuộc sống. Thế nhưng, đối với chính nhà họa sĩ, vẽ bao giờ cũng là một việc khó, nặng nhọc, gian nan. Làm một bức chân dung, phác họa như ông làm đây, hay rồi vẽ dầu, làm thế nào làm hiện lên được mẫu người ấy? Cho người xem hiểu được anh ta, mà không phải hiểu như một ngôi sao xa? Và làm thế nào đặt được chính tấm lòng của nhà họa sĩ vào giữa bức trnh đó? Chao ôi, bắt gặp một con người như anh ta là một cơ hội hãn hữu cho sáng tác, nhưng hoàn thành được sáng tác còn là một chặng đường dài. Mặc dù vậy, ông đã chấp nhận sự thử thách.”
Nhưng anh thành thực cho rằng công việc và những đóng góp của mình chỉ là nhỏ bé. “Để khỏi vô lễ, người con trai vẫn ngồi yên cho ông vẽ, nhưng cho là mình không xứng với thử thách ấy, anh vẫn nói:
- Không, bác đừng mất công vẽ cháu! Cháu giới thiệu với bác ông kĩ sư ở vườn rau dưới Sa Pa ! Ngày này sang ngày khác ông ngồi im trong vườn su hào, rình xem cách ong lấy phấn, thụ phấn cho hoa su hào. Rồi, để được theo ý mình, tự ông cầm một chiếc que, mỗi ngày chín mười giờ sáng, lúc hoa tung cánh, đi từng cây su hào làm thay cho ong. Hàng vạn cây như vậy. Để củ su hào nhân dân toàn miền Bắc nước ta ăn được to hơn, ngon hơn trước. Ông kĩ sư làm cháu thấy cuộc đời đẹp quá. Bác về Sa Pa vẽ ông ta đi, bác. Hay là, đồng chí nghiên cứu khoa học ở cơ quan cháu ở dưới ấy đấy. Có thể nói đồng chí ấy trong tư thế sẵn sàng suốt ngày chờ sét. Nửa đêm mưa gió rét buốt, mặc, cứ nghe sét là đồng chí choáng choàng chạy ra. Như thế mười một năm. Mười một năm không một ngày xa cơ quan. Không đi đến đâu mà tìm vợ. Đồng chí cứ sợ nhỡ có sét lại vắng mặt mình. Đồng chí đang làm một cái bản đồ sét riêng cho nước ta. Có cái bản đồ ấy thì lắm của lắm bác ạ. Của chìm nông, của chìm sâu trong lòng đất đều có thể biết, quý giá lắm. Trán đồng chí cứ hói dần đi. Nhưng cái bản đồ sét thì sắp xong rồi.”
“Cũng may mà bằng mấy nét, họa sĩ ghi xong lần đầu gương mặt của người thanh niên. Người con trai ấy đáng yêu thật, nhưng làm cho ông nhọc quá. Với những điều làm cho người ta suy nghĩ về anh. Và về những điều anh suy nghĩ trong cái vắng vẻ vòi vọi hai nghìn sáu trăm mét trên mặt biển, cuồn cuộn tuôn ra khi gặp người. Những điều suy nghĩ đúng đắn bao giờ cũng có những vang âm, khơi gợi bao điều suy nghĩ khác trong óc người khác, có sẵn mà chưa rõ hay chưa được đúng. Ví dụ như quan niệm về cái đất Sa Pa mà ông quyết định sẽ chỉ đến để nghỉ ngơi giai đoạn cuối trong đời, mà ông yêu nhưng vẫn còn tránh.”
          Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa là bức chân dung chân thực, sống động về những con người bình dị nhưng có vẻ đẹp tâm hồn cao quí. Anh thanh niên dù chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn ngủi trong truyện nhưng tác giả đã phác hoạ thành công chân dung nhân vật với những nét đẹp về công việc, về tâm hồn, tình cảm, về cách sống,  tính cách.
Anh thanh niên là nhân vật chính trong truyện nhưng tác giả cũng không đặt tên, đây cũng là dụng ý nghệ thuật để nói lên rằng anh là một con người bình thường, làm những công việc bình thường, sống và làm việc âm thầm lặng lẽ không cần ai biết tên, không cần vinh danh… Nhưng điều đáng quí ở anh và những con người như anh là sự hi sinh và lo nghĩ cho đất nước.
“Lặng lẽ Sa Pa” là truyện ngắn giàu chất thơ. Chất thơ ấy toát ra từ những đoạn văn miêu tả vẻ đẹp thơ mộng của thiên nhiên vùng núi cao: “Rời cầu cây số 4 một quãng, xe trèo lên núi. Mây hắt từng chiếc quạt trắng lên từ các thung lũng. Chỉ thấy thấp thoáng trong màu xanh bao la, ở phía trước, một vệt hình ba góc màu vàng, chính là đoạn đường mình vừa đi qua. Đi một lúc lâu, ngửng lên, vẫn thấy cái vệt ba góc đó. Đến bây giờ, người lái xe già mới cất tiếng nói: - Con suối có thác trắng xoá ta vừa qua là trạm rừng. Một lúc nữa thì tới Sapa. Bác không ghé thăm Sapa ư? Họa sĩ nào cũng đến Sapa! Ở đấy tha hồ mà vẽ.”
Vẻ đẹp của Sa Pa hiện ra trong sự ngỡ ngàng của các nhân vật bác họa sĩ với những hình ảnh thật đáng yêu khơi gợi cảm hứng sáng tác ở người nghệ sĩ: “- Chúng ta vừa qua Sa Pa , bác không nhận ra ư? - Người lái xe bỗng nhiên lại hỏi.
          - Có. Tôi có nhận ra. Sa Pa bắt đầu với những rặng đào. Và với những đàn bò lang cổ có đeo chuông ở các đồng cỏ trong lũng hai bên đường. Chỗ ấy là Tả Phình phải không bác? - Nhà họa sĩ hỏi.

          - Vâng. Bác không thích dừng lại Sa Pa ạ?

          - Thích chứ, thích lắm. Thế nào tôi cũng về ở hẳn đấy. Tôi đã định thế.
           Nhưng bây giờ chưa phải lúc.”
         “Những nét hớn hở trên mặt người lái xe chợt duỗi ra rồi bẵng đi một lúc, bác không nói gì nữa. Còn nhà họa sĩ và cô gái cũng nín bật, vì cảnh trước mặt bỗng hiện lên đẹp một cách kì lạ. Nắng bây giờ bắt đầu lèn tới, đốt cháy rừng cây. Những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng những ngón tay bằng bạc dưới cái nhìn bao che của những cây tử kính thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng. Mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe.”
Bức tranh thiên nhiên ở đoạn cuối, khi mọi người chia tay để tiếp tục cuộc hành trình của mình cũng thật đẹp: “Hai ông con theo bậc cấp bước xuống đồi, đến mặt đường nhìn lên, không thấy người con trai đứng đấy nữa. Anh ta đã vào nhà trong. Ông xách cái làn trứng, cô ôm bó hoa to. Lúc bấy giờ, nắng đã mạ bạc cả con đèo, đốt cháy rừng cây hừng hực như một bó đuốc lớn. Nắng chiếu làm cho bó hoa càng thêm rực rỡ và làm cho cô gái cảm thấy mình rực rỡ theo. Hai người lững thững đi về phía chiếc xe đỗ, im lặng rất lâu.”
           Vẻ đẹp trữ tình trong truyện còn được thể hiện qua những con người sống và làm việc trong cái lặng lẽ mà không hề cô độc. Tác giả đã tạo ra cái không khí trữ tình cho tác phẩm không chỉ ở nội dung truyện mà còn ở vẻ đẹp của những con người, tâm hồn, tình cảm nảy nở từ cuộc gặp gỡ giữa mọi người: “Cô gái nhếch mép cười, có vẻ rất bằng lòng về việc ông được chuyển lên ngồi cạnh cô. Sau một đêm và một ngày đi tàu từ Hà Nội, cùng ngồi trong một ngăn toa cứ chật dần lên, đến nơi lại không có cách nào khác đành gộp hành lý luồn vào một chiếc đòn gánh cùng khênh đến khách sạn cách thị xã bốn cây, sau một đoạn đường như vậy, người ta coi nhau như là bà con. Nhà họa sĩ có cái cảm giác lẫn lộn thường có ở tuổi già, nhanh chóng coi cô gái là con… Ông dễ dàng cởi mở với cô gái những lời tự tin mà, đã già, ông vẫn giữ một cách khiêm tốn vô lí, không bao giờ dám thổ lộ với bạn bè. Còn cô gái là kĩ sư vừa đỗ, đi nhận việc ở Ti Nông nghiệp Lai Châu. Lần đầu ra khỏi Hà Nội, qua cuộc đời học trò chật hẹp, bước vào cuộc sống bát ngát mới tinh, cái gì cũng làm cho cô háo hức. Cô cứ nhìn ra ngoài cửa xe, mắt lặng lẽ mà say mê. Cô là thanh niên trẻ ra trường có thể đi bất kì đâu, làm bất kì gì, nhận bất kì lương hướng, tiếp đón thế nào, cô thấy lòng cô cũng nhẹ nhàng. Sự thật thì cô cũng có lần yêu, nhưng rồi xóa ngay vì biết mình lầm.
          Hai ngày sống gần với nhau, với sự nhạy cảm riêng của người nghệ sĩ, nhà hội họa già biết điều đó. Ông nói như nói một điều hiển nhiên và không quan trọng: - Đối với một người khao khát trời rộng, sự dứt bỏ một tình yêu nhiều khi lại nhẹ lòng. Người con gái xúc động vì đột nhiên nghe một người đã già diễn tả bằng lời cảm nghĩ vốn mơ hồ và lả tả của mình. Từ phút đó trở đi, hai người gần nhau thêm một mức nữa.

          - Hay đấy. Tôi cũng đi Lai Châu. Tôi sẽ đưa cô đến ti, giao cô tận tay ông trưởng ti, nhờ ông ta hết sức giúp cô, xem qua chỗ ăn, chỗ nằm của cô như một ông bố thật sự, rồi tôi quay về. Cô không lo đâu.
          Như vậy đấy, bắt đầu sự thân thiết giữa cô gái và ông già vui tính.”
          Với truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”, Nguyễn Thành Long đã góp một tiếng nói ca ngợi cuộc sống và tái hiện một cách đầy đủ những vẻ đẹp của con người nhiệt thành và hăng say trong công cuộc xây dựng đất nước .Anh thanh niên là nhân vật chính, bên anh là các nhân vật phụ, tất cả đều là những con người đẹp và đáng yêu, cái thế giới nhân vật ấy làm toát lên chủ đề của tác phẩm: “Trong cái lặng im của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa, Sa Pa mà chỉ nghe tên người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ cho đất nước.”
-------------------------------
             * Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long 
                                                 (Trong chương trình Ngữ Văn 9)

Mộc Nhân - Lê Đức Thịnh




Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

256/ Nước Anh lo ngại thói quen cha mẹ làm bài tập thay con

GD&TĐ - Cứ 4 phụ huynh Anh thì có 1 người làm bài tập về nhà cho con và điều này là lợi bất cập hại - một nghiên cứu mới cho biết.
Theo một cuộc khảo sát gần đây, các bậc phụ huynh cho rằng con của họ “có quá nhiều bài tập về nhà” và những bài tập này “quá khó”.Điều này dẫn đến 23% số bậc phụ huynh được hỏi đã làm bài tập cho con trong khi con họ không có chút đóng góp nào vào bài tập đó.
Trong cuộc nghiên cứu do trang web của Anh có tên VoucherCodesPro.co.uk tiến hành, môn Khoa học đứng đầu danh sách các môn mà các bậc phụ huynh thừa nhận giúp con làm (46%), tiếp theo là môn Toán (41%), Lịch sử (35%), tiếng Anh (34%) và Địa lý (29%).

Khi được hỏi về lượng bài tập mà các em được giao, kết quả cho thấy, trung bình một học sinh tiểu học mang về nhà 4 bài tập mỗi tuần, trong khi một HS trung học cơ sở mang về 12 bài tập mỗi tuần.
Giá trị của bài tập về nhà mới đây đã được đưa ra khi trường Jane Austen công bố rằng 1.100 học sinh của họ sẽ làm tất cả bài tập trong các giờ học có trong thời khóa biểu và không hề mang bài tập về nhà làm vào buổi tối và cuối tuần.

Ông Claire Heald, hiệu trưởng Jane Austen, cho biết chính sách này cho phép giáo viên giám sát được sự tiến bộ của học sinh qua các bài tập và đảm bảo rằng thời gian ở nhà là “thời gian dành cho gia đình”.
Người sáng lập trang web VoucherCodesPro.co.uk, ông Nick Swan, cho biết kết quả của cuộc khảo sát khiến người ta lo ngại.
“Cách duy nhất để trẻ học là tự chúng làm bài. Tôi không có ý nói rằng chúng ta không giúp trẻ, chúng sẽ không học được trừ khi bạn chỉ cho chúng hướng đi đúng và cho chúng thấy lỗi mắc phải, nhưng không được làm bài tập cho chúng” – ông nói.
Nói về vấn đề này, Tổng thư ký Russel Hobby của Hiệp hội các hiệu trưởng cho biết: “Thỉnh thoảng tôi cũng giúp chính con mình học và đôi khi phát hiện ra rằng tôi không biết nhiều như mình nghĩ về một vài vấn đề. 
Tuy nhiên có một sự khác biệt giữa việc giúp đỡ trẻ làm và việc làm bài cho trẻ. Sẽ không tốt nếu chúng ta làm trọn vẹn bài tập cho trẻ. Vấn đề là các bậc phụ huynh đang muốn chứng tỏ điều gì? Đó không phải là một bài thi quan trọng, vậy thì tại sao họ lại phải hy sinh việc học tập của con chỉ để khiến cho chúng trông có vẻ ngoan hơn”.
Helen Fraser, người đứng đầu của tổ chức Girls’ Day School Trust, cho biết sự giúp đỡ duy nhất mà các bậc phụ huynh nên dành cho trẻ là sự ủng hộ và khuyến khích. “Học cách cân bằng cuộc sống gia đình và cuộc sống ở trường học là một kỹ năng quan trọng có ích cho trẻ khi sau này phải sắp xếp công việc và cuộc sống gia đình. 
Tạo lập một thói quen về bài tập về nhà cũng giúp bọn trẻ trở thành những “người tự khởi đầu” độc lập với các kỹ năng tốt về học tập, chưa kể cảm giác chúng có được khi tự nộp bài do chính mình làm”- bà nói.
Hải Yến
Theo Telegraph