Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2016

457. GIỚI THIỆU 2 CUỐN SÁCH HAY VỚI BẠN ĐỌC CỦA THIẾU NHI PHÚ NINH

Sau đây là hai bài giới thiệu sách hay của thiếu nhi Phú Ninh trong cuộc thi giới thiệu sách  do tỉnh Quảng Nam tổ chức năm 2015-2016. Em Lê Nguyễn Mai Linh và em Bùi Thị Thanh Kiều  học sinh trường THCS Lê Qúy Đôn đã giành giải nhì toàn đoàn trong cuộc thi vừa qua


GIỚI THIỆU
Cuốn  sách Phan Châu Trinh - Thân thế và sự nghiệp



Kính thưa quý vị, 
  “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”. Phải chăng câu nói của Mac-xim Goóc-ki càng có ý nghĩa khi văn hóa đọc đang có xu hướng ngày bị sa sút? Và giữa kho sách khổng lồ liệu chúng ta có đủ tầm và tâm để chọn sách cho mình những cuốn sách hay không?  Và là người Việt Nam, bạn đã bao giờ đọc sách viết về danh nhân đất Việt chưa? Là một thành viên ruột của gia đình thư viện sách tôi xin được kính giới thiệu đến quý vị và các bạn cuốn sách viết về một chí sĩ yêu nước mang niềm tự hào của người Việt. Cuốn sách mang tên: Phan Châu Trinh - Thân thế và sự nghiệp của giáo sư Huỳnh Lý- một người con của đất Quảng Nam đã không quản gian truân tìm hiểu sưu tập tư liệu để làm nên tác phẩm.
Kính thưa quý vị bạn đọc,
Cuốn sách do nhà xuất bản Trẻ in với hình bìa đơn giản nhưng lại thật ấn tượng bởi màu xanh ẩn dụ về sức sống trong lòng bao thế hệ của một chí sĩ yêu nước từ thế kỷ 19. Chân dung cụ Phan hài hòa trên nền xanh trông rất đạo mạo và thần thái. Trang bìa sau thật cuốn hút bởi hình ảnh của khu tưởng niệm cụ Phan tại Thành phố Hồ Chí Minh trang trọng mà cũng rất đẹp mắt đó các bạn à.
Các bạn biết không? Cuốn sách có 290 trang gồm 6 chương được viết theo trình tự cuộc đời sự nghiệp của cụ Phan khi đất nước gặp cơn nguy biến cho đến những năm tháng cuối cùng của một chí khí anh hùng đầy nhiệt huyết. Mỗi chương đều có chú thích đầy đủ, dễ hiểu. Ngoài ra, người đọc còn được sáng mắt, sáng lòng bởi phần Tổng luận, phần Giới thiệu Phan Châu Trinh qua hội thảo toàn quốc ngày 8-9-1992, Phan Châu Trinh niên biểu…
Chắc chắn không bạn đọc nào có thể cưỡng lại được sức cuốn hút của tác phẩm. Những câu văn làm tựa đề cho các chương đã khái quát bằng những hình ảnh giàu sức biểu cảm “Vận nước gặp cơn dâu biển… Lòng người đâu áo mão xênh xang”, “Cụm núi Côn Lôn đúng vững trồng”, “Trời Tây nay một con chèo”,… về những chặng đường gian truân trong cuộc đời nhà chí sĩ. Có lẽ trong thâm tâm nhiều bạn đọc cho rằng sách viết về nhà yêu nước thì làm sao tránh được sự màu sắc chính trị nặng nề. Nhưng không! Bạn sẽ thật sự yêu thích ngay từ những trang đầu của chương một bởi cách tóm tắt ngắn gọn, rõ ràng,  lối viết sinh động dựa trên tư liệu chân thực kết hợp tự sự với bình luận và vẫn giàu chất văn.
Những dòng đầu tiên của chương một gây ấn tượng bởi cách mượn những câu văn tế của Phan Bội Châu khi cụ Phan Châu Trinh mất phác họa quãng đời thiếu tráng và  tính cách, chí hướng của người chí sĩ. Và người đọc thật ngỡ ngàng khi tất cả đã được ngược dòng tái hiện. Vùng đất Tây Lộc, Hà Đông này là xã Tam Lộc, Phú Ninh, Quảng Nam, năm 1872 đã sinh ra một Phan Châu Trinh. Trưởng thành từ trong nỗi đau của gia đình quê hương và dân tộc, ông quan Thừa biện ở Bộ lễ họ Phan ngang tàng, ngạo nghễ nhạy bén sâu sắc với thời cuộc, có tài văn chương đã sẵn sàng từ bỏ chốn quan trường quyết tâm cứu nước bằng con đường Duy tân.
Và đây, “Ngọn cờ Duy tân chấn hưng dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh” của cụ Phan là điểm nhấn của chương hai tác phẩm khiến người đọc hứng khởi, say sưa theo dõi. Không gian, thời gian của tác phẩm được mở rộng khi hình ảnh cụ Phan được đặt trong bối cảnh chung của dân tộc gắn với những nhân vật lịch sử như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu, Trần Qúy Cáp và những phong trào yêu nước giai đoạn lịch sử cuối thế kỉ 19.  Cùng với những dòng kể và bình luận về phong trào mở trường lớp, học tập được phát triển toàn diện là những vần thơ phú, là nội dung bức thư gửi chính phủ pháp của cụ gợi không khí một thời xôn xao sĩ tử, làm xanh mặt kẻ thù làm bừng lên ngọn lửa ngùn ngụt căm hờn của một thời phong trào chống thuế ở Quảng Nam và miền Trung. Và cái kết cục cụ Phan bị chính triều đình Huế vu oan và bị thực dân Pháp bắt lại đã cuốn hút người đọc tìm đến với chương tiếp theo.
Chương ba, bốn, năm đã tái hiện hình ảnh của người chí sĩ hiên ngang khẳng khái, tràn đầy nhiệt huyết Duy tân từ 1908 đến 1925. Với nhân chứng và tư liệu lịch sử chính xác, câu chuyện về cụ trong những năm tháng tù đày ở đất Côn Lôn và những năm tháng gian truân trên đất Pháp đã khắc sâu vào lòng người. Tác giả còn trích dẫn lời thơ tâm phúc của cụ Huỳnh Thúc Kháng về con đường đi của cụ Phan mà người cùng thời không phải ai cũng hiểu. Và cũng thật thú vị khi đọc những vần thơ nơi trong ngục tối - trích từ 220 bài thơ trong “Tây Hồ và Xăng tê thi tập” – mang tâm sự nỗi niềm và chí khí của nhà thơ yêu nước. Nỗi lo âu và niềm hào hứng chí khí của cụ Phan làm nên những bản điều trần mạnh mẽ cũng như áng văn tuyên ngôn có ý nghĩa khai sáng dân tộc của chủ nghĩa  Duy tân thực sự lôi cuốn độc giả.
Năm chương khiến người đọc không muốn dừng lại để rồi muốn tìm hiểu năm tháng cuối cùng của người chí sĩ “Ngậm đá biển đông chim hết sức” trong năm 1925 -1926 ở chương sáu. Vâng! như cánh chim muốn bay giữa muôn trùng biển lớn nhưng đành lực bất tòng tâm. Hai cuộc diễn thuyết lớn ở Sài Gòn  đã thể hiện ý chí khát vọng không mệt mỏi của Cụ. Và rồi những trang văn dường như chậm rãi, trân trọng báo trước một điều không lành nhưng người đọc vẫn thấy đau đớn trước sự ra đi của Người trong “tang lễ trọng thể và rầm rộ”mang niềm đau đớn ngưỡng mộ của bao người Việt..
Với bố cục chặt chẽ, lối trình bày khoa học, lối viết sinh động, dẫn chứng cụ thể toàn diện tiêu biểu, phần chú thích rõ ràng chính xác, phần tổng luận sâu sắc…   và sự hài hòa về hình thức và nội dung sẽ khiến nhiều bạn đọc chúng ta đọc không muốn dừng, đọc bằng cả trí tuệ và tâm hồn, đọc đi đọc lại. Có thể, ở vài câu chữ, tuổi thơ chúng ta không hiểu hết. Nhưng chắc chắn đọc tác phẩm ta như hình dung được một thời đau thương hào hùng của dân tộc. Cảm ơn giáo sư Huỳnh Lý đã khơi gợi trong chúng ta niềm tự hào về cụ Phan - người con xứ Quảng chính tấm gương sáng chói về lòng yêu nước thương dân, hy sinh mọi riêng tư và có dũng khí đấu tranh vì lợi ích chung một nhà nho yêu nước chân chính với tư tưởng “Chi bằng học” vô cùng tiến bộ. Đặc biệt, cuốn sách đã khắc dấu ấn sâu sắc bởi ngọn cờ Ngọn cờ Duy tân chấn hưng dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh” của cụ Phan đó các bạn à. Ngọn cờ ấy kích thích thế hệ trẻ tinh thần ham học tập, mở mang tri thức để rèn đức, luyện tài góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh. Và  đó là nền tảng để những người chủ nhân tương lai chúng ta sẽ làm nên sức mạnh giữ vững chủ quyền biên giới, biển đảo thiêng liêng của tổ quốc trước mọi âm mưu của kẻ thù ngoại bang.  
Hãy đừng quên văn hóa đọc. Hãy đến thư viện tìm đọc cuốn sách quý: Phan Châu Trinh - Thân thế và sự nghiệp của tác giả Huỳnh Lý các bạn nhé. Chân trời mới” như lời của Mac-xim Goóc-ki mà cuốn sách mở ra cho chúng ta là vô cùng xán lạn phải không các bạn?
                                                                                                  


                                              GIỚI THIỆU
                              Cuốn  sách Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh

 Kính thưa quí cô chú cùng toàn thể bạn đọc!
 Có ai đó nói rằng “Tuổi thơ thời nay đã khác xưa”. Vâng điều khác biệt đó có thể là  tuổi thơ của chúng em hôm nay có không gian hiện đại, hoành tráng với công viên, siêu thị và với những thú nghe nhạc, chơi game…còn tuổi thơ xưa chỉ có không gian miền quê với  những trò chơi dân dã. Nhưng cái vẻ đẹp của nét hồn nhiên, trong sáng, đáng yêu hay cái thói ích kỉ xấu xa, len lỏi trong  cái  góc khuất nào đó thì phải chăng tuổi thơ thời nào cũng có? Cuộc sống thường nhật với những tình cảm riêng đôi khi mang cái tôi nhỏ bé.  Có khi nào làm cho ta trở nên ích kỉ, thấp hèn, thiếu ý chí, niềm tin  mà ta không biết? 
 Làm  sao để cái tâm trở thành điểm tựa trong tâm hồn để ta biết sống cho đi? Để trả lời câu hỏi đó xin mời các bạn và quý cô chú đến với cuốn sách Tôi thấy hoa vàng  trên cỏ xanh của tác giả Nguyễn Nhật Ánh - tác phẩm đạt giải văn chương ASEAN năm 2010 đã chuyển thể thành phim đạt giải Bông sen vàng.


Chắc chắn bạn đọc sẽ thích ngay cuốn sách từ ánh nhìn đầu tiên bởi trang bìa bóng láng với sắc xanh tươi tắn làm nền cho hình vẽ tượng trương cho tựa đề tác phẩm đồng quê nhưng mảng màu vàng đỏ xanh của cuộc sống tuổi thơ hòa quyện. Trang bìa sau trích một đoạn văn có nhân vật Mận và “tôi” rất đổi dễ thương trong tình cảm luyến ái, trong sáng tuổi mộng mơ.
          Sách gồm 81chương trong hơn 300 trang. Những con số choáng ngợp ư? Bạn đừng vội nản. Mỗi chương chỉ vài trang và có xen hình ảnh minh họa trắng đen rất có hồn. Cái tên chương rất ngắn, rất dễ nhớ. Cái tên gợi những nhân vật: “Chú Đàn”, “Thằng Tường”, “Chị Vinh”, “Thầy Nhãn”, “Ba con Xin”, “Ba con Mận”… Cái tên gợi những câu chuyện nhỏ khó quên: “Hoa tay”, “Cóc tía”, “Chuồn chuốn cắt rốn”. Và đôi khi mang cái cảm  xúc của người trong cuộc “Em ơi nếu mộng không thành thì sao”, “Tôi ngứa mắt”, “Tôi hối hận”. Thế đấy, những cái tên rất giản dị gần gũi như chính câu chuyện tuổi thơ như chính cách cảm, cách nghĩ chân thực dễ đi vào lòng người.
                            "Ngồi im trong gió nghe đêm rớt
                           Chợt thấy hoa vàng trên cỏ xanh..."
          Câu thơ mở đầu mang linh hồn của truyện đấy! Không vần điệu, nhưng giàu hình ảnh và xúc cảm khiến cho người đọc phải lặng mình muốn đọc muốn hiểu.
         Lần bước theo từng chương sách bạn như được phiêu du trên một miền quê nhỏ phát hiện những điều kì bí, được gặp những người lạ rồi trở nên quen và thân thiết tự bao giờ. Vâng, từng con người thôn quê dân dã hiện ra nhờ nét chữ đặc tả sống động của Nguyễn Nhật Ánh, từ những cô cậu học trò ngây ngô, đến những bác nông dân chất phác! Phải chăng vùng quê Thăng Bình - Quảng Nam  và những kỉ niệm tuổi thơ của chú Nguyễn Nhật Ánh  đã đi vào từng trang truyện? Đó là tuổi thơ của thôn quê với việc đi bắt ve sầu, chuồn chuồn, hái hoa dủ dẻ…Tình anh em của Tường và Thiều, tình cha con của con Nhi và ông Tám Tàng. Tình yêu của chú Đàn với chị Vinh,…Từng nụ cười, giọt nước mắt, từng niềm vui, nỗi đau đều rất gần, rất thật.
            Các bạn có biết, nhà văn thật tinh tế khi vẽ một bức tranh về thân phận con người trong kiếp sống qua cái nhìn trẻ thơ. Đó là chuyện gia đình nhân vật chính với ông bố  lại có cái thú thích làm vè "Trúng số cứ tưởng trúng bom”/ Hết ôm cây cột tới ôm nợ nần". Nóng tính, nghiêm khắc với các con, ông cũng là người lo gia đình - lên thành phố  vất vả mưu sinh. Và có một người mẹ chịu thương, chịu khó lặn lội thân cò theo xe tải đi buôn củi  để cho lo thêm bữa ăn đủ chất. Rồi còn là tình cảnh tội nghiệp của Mận khi ba bị bệnh, tiệm tạp hóa của mẹ bị cháy rụi. Rồi mối tình thắm thiết vượt qua sự  ngăn cấm giữa chị Vinh và chú Đàn, vì "tay chú bị cuốn vào cối xay mía, dập nát, bác sĩ phải cưa bỏ".  Hay có cả nỗi “sầu não" của ông Tám Tàng khi đứa con gái đang tuổi lớn bỗng không bình thường sau một tai nạn khi coi xiếc... Những phận người có thể lâm vào hố sâu của vực thẳm nhưng vẫn tìm được con đường để vươn lên. Điều gì đã làm nên sự kì diệu ấy?  Chính là nghị lực và tình yêu thương. Một lẽ sống đẹp nhắc nhở chúng ta hay biết đối mặt với gian truân để trưởng thành phải không các bạn?
          Linh hồn của của câu chuyện là những trang nhật ký về cuộc sống thường ngày và tâm tư của cậu bé Thiều - nhân vật chính xưng tôi - học sinh lớp 7 cùng với người em trai tên Tường với  những trò chơi dân gian bình dị và nhiều kỷ niệm thơ ấu. Tình cảm Thiều dành cho cô bạn cùng xóm thật đẹp. Nhưng rồi chính lòng ích kỷ, ghen tức, đố kỵ khiến Thiều tiếp tay cho kẻ xấu và  đã vô tình hại đến chính em trai mình. Còn Tường, dường như sinh ra để hy sinh và nhường nhịn người khác và cuộc đời đã không phụ tấm lòng của cậu. Thiều cố để có được tất cả nhưng cuối cùng liệu cậu có đạt được không? Cách giải quyết vấn đề của nhà văn  Nguyễn Nhật Ánh không ngoài tính nhân văn và những thông điệp ý nghĩa đó các bạn à. Kết thúc mở gợi trong người đọc một bài toán cần giải đáp như lời bình của Nguyễn Quang Lập  “Ai cũng vậy thôi, ít nhất một lần trong đời gây khổ đau cho người khác vì sự vô tâm, tắc trách của mình. Chìa khóa sống vì nhau đã giúp tâm hồn con người tìm về những nỗi ăn năn để thao thức cùng với nó”.
        Kính thưa quí cô chú cùng toàn thể bạn đọc! Truyện còn cuốn hút bởi ngôn từ giản dị, lời kể chậm rãi, giọng kể chân chất mà cũng dí dỏm trong chuỗi câu chuyện cảm động mà vui nhộn lại có lúc kì bí, hấp dẫn. Tất cả  làm nên “một bức tranh kỳ diệu về cuộc sống”. Đừng bao giờ có một tuổi thơ đẹp mà vẫn có những chuyện không muốn nhớ! Và đừng sống tuổi hồn nhiên  thiếu khát khao, thiếu  tấm lòng để rồi  hối lỗi! Hãy  tự tin ở chính mình để đối mặt với con đường đời không ít chông gai.  Nhưng “Trái tim hoàn thiện là trái tim có nhiều mảnh vá” đó các bạn à. Khi  bạn dành được những giây phút để đọc cuốn truyện dài này, chắc chắn bạn sẽ trở trăn, đồng cảm sẻ chia, biết tin yêu và lạc quan từ những trải nghiệm sống quý giá, những cảm xúc sâu lắng cùng nhân vật để biết rơi nước mắt vàt nở nụ cười với cuộc đời đang đón đợi. Mong rằng quý bạn đọc đừng bỏ qua những điều kỳ diệu như “hoa vàng” tưoi thắm “trên cỏ xanh” mà Nguyễn Nhật Ánh đã gửi vào cuốn sách dấu yêu này các bạn nhé!    

Hè 2016



      
       



Thứ Tư, 20 tháng 7, 2016

456/ MỘT VÀI HÌNH ẢNH KỈ NIỆM HÀ NỘI


          Dạy Văn là công việc đòi hỏi niềm đam mê và học hỏi không ngừng . Có thể mình đã mắc căn bệnh thành tích. Nhưng có mắc một chút cũng được. Vì có vậy mới có  những  niềm vui bất ngờ .








455/ MẸ KHÓC


            Nguyễn Tấn Ái

          Tôi tự hào về mẹ tôi, về bản lĩnh làm mẹ. Thật sự chị em tôi đã được mẹ dạy phải sống kiên cường như thế nào tự lúc nào mà không tự biết.
          Cha mất để lại mẹ với sáu người con, một chị đã có chồng, em út tôi chỉ vừa lên 9 và mẹ mất sức sau nhiều trận đau băng huyết.
          Không thật nhớ nhiều, chỉ nhớ mẹ lúc nào cũng giọt giọt mồ hôi, và cười rất to.

          Từ ngày cha mất, trong câu chuyện với những người hàng xóm, mẹ như lí sự nhiều hơn. Cha tôi ngày xưa cũng rất hay lí sự.
          Nếp sống trong gia đình không có gì thay đổi.
          Cha là ông giáo, mẹ là nông dân.
          Duy chỉ một lần mẹ khóc.
          Sau ngày cha mất, chừng một tháng, tôi hãy còn là một đứa trẻ con, hay nghịch đùa, như cái sự mất cha chẳng là mất mát gì nhiều với tuổi thơ.
          Đâu biết rằng chính cái tuổi ngây thơ ấy làm mẹ đau lòng nhiều lắm.
          Mẹ cầm cây roi dọa đánh, tôi vọt chạy ra sau hè. Mẹ đuổi theo tôi. Mẹ vấp cây củi sau hè, bàn chân mẹ chảy máu. Và mẹ đã ngồi khóc. Tiếng khóc tấm tức, nghẹn ngào. Tôi thật lo sợ, không ngờ đã làm cho mẹ buồn thế.
          Đến bây giờ tôi biết không phải tôi đã làm cho mẹ đau, cho mẹ buồn đến thế.
          Mẹ khóc vì tiếng khóc tích tụ, vì đã bao lâu rồi, từ ngày cha đi, mẹ không có quyền được khóc.
          Mẹ sợ tiếng khóc của mẹ sẽ làm vỡ bờ đê ngăn chắn sự đau thương yếu đuối. Mẹ sợ các con sẽ khóc to hơn khi nhìn mẹ khóc. Mẹ sợ cha đi rồi, mẹ khóc thì lấy ai dỗ các con. Mẹ ghìm tiếng khóc.
          Và cái cây củi chắn ngang đường mẹ đã khơi đúng vào cái đau thương dồn chứa. Mẹ đa ngã quỵ đã vỡ òa đang khi mẹ sơ hở nhất, khi mẹ chưa vun đủ tinh thần chống chọi. Và mẹ đã khóc.
          Trận chiến khốc liệt quá dài ngày khiến mẹ thất thủ, và mẹ đã khóc.
          Là tiếng khóc của người vợ mất chồng, của người bệnh mất người chăm sóc, của người mẹ nhìn các con mồ côi, của người góa bụa cô đơn trong thời buổi cái đói rập rình, của người mẹ luôn kiêu hãnh phút chốc thấy mình yếu đuối lo cho các con thiếu cơm thất học…
          Tiếng khóc mẹ nghẹn ngào tấm tức!
          Duy một lần mẹ khóc. Rồi tôi lại thấy mẹ giọt giọt mò hôi, tiếng cười sảng khoái, và rất hay lí sự.
          Nề nếp trong nhà lại như xưa.
          Chỉ khác một điều, chị ba khổ cực nhiều hơn. Chị là con gái lớn trong nhà khi chị hai đã có chồng.
          Anh tôi vẫn nghịch ngợm. Hàng xóm nói chỉ có bà Duy mới trị nổi thằng Ân.
          Tôi vẫn chăm học và mít ướt.
          Em tôi vẫn ham chơi trò bắn bi.
          Sau này khi nhớ mẹ, tôi đã viết Chuyện mẹ tôi, trong câu chuyện chỉ có nụ cười.
          Sau này nhớ em tôi, tôi viết Tết à ơi, trong đó đôi mắt em tròn trong như những hòn bi.
          Mẹ đi xa lắm và lâu lắm rồi. Tôi chính thức mồ côi cả cha lẫn mẹ đã tròn mười năm rồi.
          Mà mẹ vẫn còn ở với các con.
          Chị hai giống mẹ ở cái tính tủi buồn thầm kín.
          Chị ba giống mẹ ở giọt giọt mồ hôi. Và hay lí sự.
          Chị bốn giống mẹ ở giọng cười sảng khoái.
          Các con trai đều rất giống mẹ ở giọng cười. Ở cái tính chịu đựng không thèm kêu rên. Ở niềm tự kiêu thầm lặng và rất dễ bị tổn thương.
          Và không hề khóc.
          Mẹ à, làm sao để giòng máu này y chang nguyên hình ở các cháu. Để các cháu của mẹ cũng can trường như mẹ? Khi mà gióng tầm mắt nhìn ra xa, chín mười năm nữa, đường đời thật mịt mờ.
          Có cái mịt mờ nào như mẹ của con ngày xưa đâu, khi cha mãi miết về trời, thưa mẹ!
                                      Ngày thương các con và nhớ anh trai.

                                                                                         Nguyễn Tấn Ái

Thứ Hai, 11 tháng 7, 2016

454/ VIỆT AN CỐ SỰ

                                       
                                                          Bút ký
                                      Núi sừng sững cũng trọc đầu mỏi mệt
                                      Huống hồ thân ta một kiếp long đong
                                                          Dương Quang Anh
         
Vẫn là cái chợ Việt An mỗi bận tôi đi về. Vẫn cái dốc Tranh đầu chợ, cái dốc Ông Đán dẫn về cuối thôn. Như cũ xưa, như không hề thay đổi, mà trong tôi như thiếu vắng điều gì, hồn cứ lang thang ngóng vọng, một vùng đất tôi vẫn đi về hay đã đi qua?
1.Chợ Việt An
Cái tên chợ Việt An không biết khai sinh tự bao giờ, chừng đâu cùng thời với cụ tổ hai dòng họ Nguyễn-Dương từ Thanh Nghệ vào đây khai phá, đã qua mười bốn đời con cháu, quê tổ chừ cứ mịt mờ dằng dặc. Theo anh bạn làm bên cơ quan bảo tồn văn hóa di sản thì thời gian chừng 375 đến 400 năm thì phải. Từ có làng mà thành có chợ. Hai làng đầu tiên là Đồng Nghệ họ Nguyễn, Đồng Chùa họ Dương. Tuy nhiên, câu chuyện của người làng bao giờ cũng cái tên chợ Việt An là hấp dẫn nhất. Chuyện rằng dưới chân núi Gai có cái giếng mạch, quanh năm nước trong ngần, mát lạnh, ngọt lịm. Bên chân núi có nhà ông Hương, chắc là tên tộc mà không phải là một chức danh vì tự buổi khai thiên lập địa hẳn chưa thành làng xã chức dịch. Một mồng năm như mọi mồng năm gia đình ông Hương đi hái lá rừng phơi khô làm chè, gọi là chè mồng năm, để uống quanh năm. Khi chặt nhỏ thứ lá hỗn độn phơi khô thì có con rắn trắng từ đâu cứ bò vào giữa nong lá mà nằm hóng nắng, nắng tắt cũng không đi. Nằm đủ ba hôm thì ngài Bạch Xà mới trực chỉ hướng núi mà về. Rồi thứ nước vàng sánh nấu từ nồi lá nhà ông Hương như có phép thần, uống vào chữa bách bệnh, từ nhức mỏi thông thường đến xơ gan cổ trướng, vàng da ngã nước đều nhất nhất hết biệt. Một đồn mười, mười đồn trăm, người từ bốn phương tám hướng tìm đến nhà ông Hương xin lá thuốc. Sẵn của núi, lòng lành, ông Hương trở thành thầy thuốc nam nổi tiếng. Người xin thuốc đông đến độ quần tụ nhau nghỉ chân bên dốc Tranh, đợi đến phiên mình nhận thuốc. Từ đó mà sinh ra đám người buôn bán tô mỳ gà, chén cơm cá đồng. Rồi thêm quả mít, trái bòng, dúm rau lang mà thành ra chợ. Còn vì sao mà là chợ Việt An thì tôi vẫn cứ mờ mờ mịt mịt, các cụ già trong làng lắm chữ cũng lúc lắc cái đầu tư lự mà không có lời kiến giải dứt khoát. Có lẽ là muôn sự lành đến từ bát thuốc nam chăng? Còn chữ Việt tờ (tốt lành ưu tú), hay Việc cờ (công việc, sự việc) thì nào có mắc mướu bà con gì với đám lưu dân thất học.
          Chuyện rắn thần sao mà quen quá, hình như ngài thần này đã trườn từ Bắc vào Nam trong vô vàn chuyện kể, theo bước chân khai hoang lập địa phá sơn lâm đâm hà bá của người dân, nơi đâu không có những chuyện hoang đường. Chỉ biết rằng thổ nhưỡng núi Gai quả đã sinh ra nhiều cây thuốc nam quý giá như cà gai leo, hà thủ ô, đẳng sâm, khoai mài mà đến nay như đã thành của hiếm là rất thật. Hay là ông thầy thuốc nam đã khéo mượn câu chuyện huyền hoặc hoang đường để phát huy bài thuốc gia truyền quý giá cứu độ dân nghèo? Chỉ biết rằng cái tên khai sinh cố xứ ấy đã khởi phát từ một ước vọng thật nhân hậu.
2. Lời phán truyền của thầy địa lý
          Cụ Xừ là một người già có học bảo tôi: Nghe truyền kỳ xưa đâu chừng có một thầy địa lý, ngao du tìm thế đất, cụ già người Tàu đứng trên đầu dốc Tranh mà phán bảo: Hình thế cái chợ Việt An có dáng mu rùa, đất phát chỉ một đời, của tụ rồi tán, không ai giàu cả dòng cả họ đâu, người nơi đây không phát phú mà phát kỳ. Xế trên hai xứ Đồng Nghệ, Đồng Chùa là đất văn bút, người nhiều chữ, ngạo nghễ nên muôn đời thất thế. Chỉ xế trong (nay là Hương Phố), phát tài lộc, lắm quan, song xa long mạch mà hậu không được ngọt. Câu chuyện con người phát kỳ, phát ngạo, phát quan thật có sức hấp dẫn người sau, và mỗi khi túc tắc nhớ lại những cuộc đời nơi đây, tôi lại bật cười với cái kỳ, cái ngạo.
          Đệ nhất kỳ nhân từ cái kinh lịch văn vọng hốt của tôi qua những câu chuyện truyền đời có lẽ là Ba Vọt, vua đào ngạch. Vọt là nỗi kinh hoàng cũng là nỗi ngưỡng mộ của dân trong xứ. Hễ cứ nhà nào Vọt muốn trộm là trộm được, dù là lũy tre, hào sâu, tường đá ong cũng cứ như không. Có nhà giàu thách đố Vọt trổ nghề, Vọt chỉ cười cười, bảo trộm đâu chứ nhà ông thì chịu. Rồi cứ chiều chiều đến nhà phú ông đánh chén, chuyện như thân tình. Vọt ăn nói có duyên, lại thuộc lắm câu chuyện bốn phương, cả nhà phú ông lâu ngày đâm mê tít. Bận ấy Vọt chỉ trộm mỗi một bà vợ múp míp lẳng lơ của cụ phú. Chuyện chỉ lộ ra khi Vọt chết, bà phú khóc ngất như thể chết chồng! Cũng từ nhà phú ông mà ngón đòn trộm cắp của Vọt loang ra cùng khắp. Muốn trộm nhà nào thì ít nhất liên tiếp ba hôm Vọt vờn quanh đánh động. Cứ thế mà quấy phá cho đến khi chó đực chó cái đàn bà đàn ông trong nhà canh chừng mệt lữ, đêm cuối mới ra tay thì chắc quả nhất. Với Vọt, càng lũy càng hào càng tường càng vách thì trộm càng khoái. Vọt giỏi võ nghệ, vít ngọn tre làm cần bay luôn qua khỏi lũy tre, hào sâu. Từ vòng ngoài đào ngạch mà vào trong. Ngách đào đã thông, chưa hẳn là trộm được. Có bận khi cái đầu đen vừa ló lên từ cửa ngách thì đã nghe đánh bốp, một ngọn chùy giáng xuống đầu tên trộm, song chỉ thấy bóng Vọt theo ngọn tre phóng vút ra ngoài, cái đầu đen toát hoác chỉ là cái trả đất thế mạng. Vào được nhà gia chủ là giai đoạn đầu, việc tiếp theo phải là di hình hoán đổi, bao nhiêu giáo mát dao rựa trong nhà Vọt đem dấu hết, gia chủ gia đinh trong nhà nếu có phát hiện thì cũng chỉ tay không, không làm gì nổi Vọt. Có bận chủ ông chủ bà mệt lữ nằm ngủ ngay trên rương gỗ, mặt rương thành tấm phản ngủ có nắp ở giữa. Không hề lúng túng, Vọt chen nằm vào giữa…ngủ chung. Rồi lấn bên này, huých bên kia, cho đến khi chủ ông chủ bà dạt ra hai bên, lộ ra nắp rương, Vọt cuỗm êm bao của nả. Chủ nhà mất của mà cứ chửi tổ cha thằng trộm gan lì.
          Sau Vọt trộm phải nhà một lính khố đỏ, bị đạn bắn chết, xác vắt trên ngọn tre. Có lẽ Vọt không biết vỏ đạn đồng lợi hại hơn võ nghệ. Ngẫm cũng tiếc một đời anh hào mà góc quê như chân trời không có đường bay, loay hoay nào phỉ chí, một đời lưu chốn nhân gian chỉ là trộm đạo.
          Đệ thứ kỳ nhân có lẽ là anh em nhà các cụ Hai Hườn, Bảy Nhựt. Cả hai đều xứng hàng đệ nhất võ sư võ phái Thiếu lâm Hồng gia. Hai Hườn thoát ly lên núi, sau là võ sư huấn luyện cho đặc công cách mạng, mang hàm trung tá.  Bảy Nhựt theo dân chạy loạn ra Đà Nẵng, lập võ đường, nhiều lính cộng hòa theo học, có cả Thủy quân lục chiến Mỹ. Lớp đệ tử đời thứ năm của Bảy Nhựt vẫn truyền tụng đòn biểu diễn của tổ sư: Bảy Nhựt với gốc tre khô đứng dưới lòng giếng cạn, chừng độ sâu hơn bốn mét. Lớp đệ tử giáo mác côn bổng thủ trên thành giếng. Bảy Nhựt hét vang một tiếng, cả người cả gốc tre quay tít, từ dưới vọt lên cứ như Phù Đổng Thiên Vương đánh dạt cả đám người với cả loạn côn loạn bổng đang nhất tề công xuống. Còn Hai Hườn có bận về quê biểu diễn ngón Tử yến đạp vân cả người vọt cao hơn nóc nhà trên không sử đúng thập nhị liên hoàn cước. Chuyện cứ như là võ hiệp Kim Dung!
Chuyện anh em nhà võ phái Hồng gia là một cái kết êm đềm, tuy đứa con sinh đôi đi về hai phía. Tinh thần võ đạo hay tất lòng cố hương tông tổ đã gìn giữ họ giữa bốn bề chính kiến, phải chăng?
          Lớp đệ đệ kỳ nhân thì trăm lối nghìn phách. Ông Năm Mác ra tận ngoài Bắc Thái mở nhà máy thuốc lá, giàu có nứt tiếng, xe cộ nghênh ngang. Từ bận dân làng xã muốn xuống thị trấn phải đeo người trên chiếc xe đò chạy thang cứ phập phù thì chuyện đi Bắc về Nam của Năm Mác là kỳ tích. Sau nhà máy cháy, ông Năm về quê làm ông lão hiền lành, bỏ hết cả oai phong, chỉ mỗi khi bên cốc cà phê, vui miệng ông lại khề khà kể chuyện con gái Bắc. Tám Song từ một lính dân vệ của khu dồn sau một chín bảy lăm đắc cử với đa số phiếu bầu, làm chủ một hợp tác xã to đùng, đi tham quan tận Sin-ga-po, khi mà cán bộ toàn xã phải ba năm mới được chia một xuất đi nghỉ dưỡng. Chuyện đại ca Quỳnh làm vàng sa khoáng, trúng quả đậm, chơi ngông vào tận Sài Gòn ngồi vào sòng bạc của Năm Cam…cho biết mùi đời. Chuyện lão chủ quán thịt cầy giỏi thơ ca hò vè đến độ được dân nhậu bầu làm chủ tịch câu lạc bộ thơ bán nghệ sĩ…Chuyện ông trung úy Trần Đìn gánh nước thuê, thạo cả chữ Hán lẫn chữ Tây, tự hào mình gánh nước chứ không bán nước.
          Trăn trở hoài mỗi khi đọc lại từng tên tuổi của lớp đệ đệ kỳ nhân, nhận thấy vùng quê heo hút ấy chưa bao giờ là ốc đảo bình yên dẫu đã nép mình vào sơn cước. Cuộc thế cuộc đời cứ như bàn cờ tàn của hai tay cờ hỏng, cũng lớ ngớ lao ngao, cũng ầm ì xe pháo mà nào đâu là Sở hà Hán giới, cái sĩ khí rốt lại cũng chỉ vài trò chơi ngông phá bĩnh, trăm nghìn đổ một trận cười.
3. Trận đánh Pháp đầu tiên
          Cái xứ xưa thâm sơn cùng cốc luôn là địa bàn hoạt động của phe nhóm trộm cướp cũng là xứ nổi tiếng đánh Tây thời Pháp thuộc. Chuyện trận dốc Mù U là một trận kinh hoàng. Từ bận Vọt bị súng Tây hạ gục, người dân nơi đây tận mục sở thị sự lợi hại của đạn đồng, nên đánh Tây phải lắm mưu nhiều kế, không nghênh ngang kiểu anh hùng mã thượng được nữa. Tây mỗi bận đi càn chừng tiểu đội, bảy đến chín tên lính, súng lăm lăm chực chờ nhả đạn. Đôi khi không tìm ra Việt cộng, mấy thằng Tây lại ngứa ngáy xổ cả tràng đạn lên trời thị uy. Hai Hườn bí mật tổ chức trai làng phục kích Tây càn. Ông cho trai làng gom trái mù u đổ đầy kín con dốc, rồi giáo mác phục kích trong các bụi rậm. Tây đang nghỉ trên dốc chợt phát hiện có người thấp thoáng dưới chân dốc, thế là tiếng la ó, tiếng đạn bắn, tiếng xung phong, bọn Tây ngu ngốc rượt đuổi trên con dốc đầy cạm bẫy bằng trái mù u. Mù u bị dẫm lên, lăn tròn, giặc ngã huỵch sóng soài, hoảng hốt xả hết đạn dự trữ. Lúc ấy trai làng mới xông ra bằng võ nghệ kinh người trừng trị bọn Tây đích đáng. Sau bận ấy Việt An nổi tiếng là đất có Việt cộng chiến, còn Hai Hườn thì lên núi thoát ly theo cách mạng.
Tiếc là câu chuyện lịch sử dốc Mù U lại không được lấy một trang chính sử nào ở địa phương ghi chép, thành ra cứ trôi nổi như là dã sử trong câu chuyện trà dư tửu hậu. Phải chăng vì chiến công kia cũng chỉ là cái dũng khí mang đậm tính anh hùng Lương Sơn mà chưa phải là một chính kiến, cái then chốt để được cài vào những trang sử học thành ra lỏng lẻo?
4. Nhớ gì, thương gì?
          Đã xa rồi thuở xa xưa ngồi hóng chuyện, nay sau mỗi lúc nhàn rỗi, tôi thường ghé lại nhà mấy đứa bạn cùng quê, khề khà chén trà cùng ta kể nhau nghe chuyện đời xưa, nhắc đến sự này tích nọ cho thỏa cái lòng nhớ nhung cố xứ. Tự hào và tiếc nuối cứ đan xen. Ngày xưa sao mà thân ái, mà vô tư, mà vô tâm, mà hồn nhiên đến thế. Minh này, tôi còn nợ ông hai điếu ngựa đấy nhé. Bận ấy ghé nhà chơi, ông quý bạn mà xin đứa em gái năm trăm  đồng mua đúng hai điếu ngựa, mỗi đứa phì phà một điếu cho đúng điệu trí thức tương kính như tân. Ông bạn Tú nghênh ngang tự hào Bình Lâm nhất Tú ngó vậy mà đúng quá đi chứ nhỉ? Học đỗ đầu trường làm đứng đầu viện như ông ấy thật chẳng có mấy ai. Thôi tôi tặng ông mấy chữ Cao nhân hữu Minh cho huề cả làng được chớ? Ông tướng Hai cũng học giỏi có số, người đầu tiên hàng Huyện đỗ vào y khoa Huế chứ chẳng chơi. Mà cái tay cờ của lão cũng khiếp thật, một công không thủ, tôi một bận đấu cờ cứ khiếp thế công bạc mạng của lão mà chánh vánh. Cái lão Điểm thông minh mà gàn dở, hết đụng ông này lại chọc bà kia, hèn gì đường hoạn lộ chẳng mấy hanh thông, may mà còn làm ăn chân chính nhờ tấm bằng kỹ sư và tay nghề cũng hàng cao thủ hiếm có. Ờ, thằng bạn này có thiên hướng triết học, chắc xưa chọn nhầm nghề. Hễ cứ ngồi dăm ba phút là lão xổ ra một mớ triết lý loại…tự chế. Oái ăm là lão cứ truyền giảng xong lại quên phéng ngay lão đã triết lý điều gì. Bữa sau lại chế tác, mà bữa trước bữa sau cứ chống chọi nhau cật lực, hê hê! Rồi ông thầy thuốc này thật kỳ dị, mục hạ vô nhân. Rồi lão nhà buôn kia xứng danh độc thủ. Rồi lắm thằng có tôi có lão, nghề đời hiền quá hóa ngu…
          Bạc phơ mái đầu, đường đời mịt mù đi đứng, nay cao ngạo câu thơ, mai mỏi mệt thế sự, đôi góc nhà quen thành nơi nghỉ dưỡng mà cùng ôn cố tri tân. Đồi Lạc Sơn mùa xưa sim chín mọng, chừ chỉ mênh mông rừng keo lá tràm, lũ trẻ chăn trâu còn đâu cái thú nghêu ngao mùa sim chín. Núi Gai vẫn sừng sững mà chẳng còn chút uy nghiêm, cây đa cổ thụ bị hô biến tự bao giờ, cả một mảng đồi nham nhở đường xe tải dọc ngang cứ như cái đầu húi cua phải tay ông thợ vụng. Hè xưa thuở trẻ con cao hứng rủ nhau lặn ngụp một dải sông Trầu, thỏa thuê đầy mình cứt trâu bùn đất, chừ con sông cạn nước nằm trơ lòng đá như thách thức cùng tuế nguyệt. Nền công nghiệp hay bán công nghệ đã khiêng cả một màu quê đổ vào lòng phố, đổ ra thị thành, khiêng về nào xi măng cốt thép, cứ một mảng nhà tầng mọc lên là một mảng xưa đi vào hoài niệm. Mới đó mới đây mà một vùng tuổi thơ đã là cánh hạc vàng nhất khứ bất phục phản, chao ôi!
          Tôi rủ Minh: Minh à, mai mốt nghỉ hưu ta rủ nhau về lại quê xưa, mượn tạm góc rừng tràm nhà ai đó, mắc hai chiếc võng, mình nằm đua đưa giấc trưa phe phẩy chiếc quạt mo cu Bờm, được chớ? Minh cười không ra vui chẳng ra buồn: Ông giáo lại lẩn thẩn rồi, chiếc quạt cu Bờm cố chấp đã nhốt nhà quê vào đói nghèo mấy trăm năm rồi đó, ông giáo chẳng tỉnh trí sao? Thôi thì cái đã qua thì cứ cho qua, bận bịu làm gì cho thêm tiếc nuối. Quê xưa chừ có điện có đường, có xe có ngựa, cũng đành như trai nhà quê rước cô vợ hoa hậu về làng, vẻ vang mày mặt. Chỉ cái tội phải khốn khổ chịu đựng cái tính sang chảnh thị thành một chút. Tôi âm u ậm ừ: Ờ ờ, vậy sao? vậy sao?
          Chuyện xưa có cu Bờm phe phẩy chiếc quạt mo thanh thản nhìn đời, khước từ ba bò chín trâu, chẳng màng ao sâu cá mè, cứ thế mà ung dung đi qua thế sự. Là ngạo thế chăng? Là triết lý chăng? Là trắc thân ký xuất hữu hình ngoại của cao nhân? Là chấp nhất kỷ chi kiến của một đời mê muội?
          Ừ, cuộc sống là một dãy những biến thiên, vũ trụ giãn nở từng ngày trách sao cuộc đời không tăng tốc cho tròn vành cái khát vọng người khổng lồ nuốt chửng những vì sao. Mà vẫn thon thót giật mình khi ngoài kia tiếng ve ran mà lũ trẻ thơ cứ ngập đầu vào game điện tử. Mong sao cuộc sống đắp đổi mà không đánh đổi…
          Mà mong sao lũ bạn xưa khi hú nhau về thăm cố xứ, với tay sờ lại hồn mình, kịp mừng với mùi rơm gốc rạ vẫn thơm thảo nơi hồn chân quê!
                                                                     Đầu hạ 2016

                                                                   Nguyễn Tấn Ái