Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2016

469 / Ngày 20-11-2016



                  Hai mươi sáu năm miền  bục giảng .
                 Ôi góc thiên đường nơi chốn trần gian! 
                 Bốn mùa ru niềm nỗi đa mang. 
                 Hạnh phúc muộn màng giữa chiều tắt nắng.







                                         

















Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016

468/ CẢNH NGÀY XUÂN

Mộc Nhân
Nói đến nghệ thuật miêu tả trong Truyện Kiều, bên cạnh những đoạn tả người độc đáo phải kể đến những đoạn thơ tả cảnh tài tình. Đoạn trích Cảnh ngày xuân là một dẫn chứng tiêu biểu cho bút pháp tả cảnh giàu chất tạo hình trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Đoạn trích Cảnh ngày xuânnằm ở phần đầu tác phẩmTruyện Kiều của Nguyễn Du. Đây là một bức tranh thiên nhiên, lễ hội mùa xuân tươi đẹp được gợi lên qua bút pháp miêu tả giàu chất tạo hình của nhà thơ.

          Đoạn trích gồm mười tám câu thơ được kết cấu theo trình tự thời gian của cuộc du xuân :
1.     Bức tranh cảnh ngày xuân:
“Ngày xuân con én đưa thoi
         Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”
          Mùa xuân có chín mươi ngày, thấm thoắt sáu mươi ngày đã trôi qua, tiết trời đã bước sang tháng ba, tháng cuối cùng của mùa xuân. Trên bầu trời những cánh chim én bay lượn như thoi đưa, không gian vẫn còn ánh thiều quang rực rỡ.
          Chỉ với hai câu thơ mà nhà thơ vừa gợi thời gian vừa tả không gian. Những chi tiết con én, thiều quang mang nét đặc trưng cho thiên nhiên mùa xuân, hình ảnh con én đưa thoi vừa tả thực vừa mang ý nghĩa ẩn dụ gợi thời gian trôi qua nhanh .
Nhưng có lẽ cái thần sắc của mùa xuân nằm ở hai câu thơ:
“Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”.
          Từ cái nhìn toàn cảnh, nhà thơ đã chuyển sang miêu tả cận cảnh. Hai dòng thơ như vẽ ra trước mắt người đọc một bức họa tuyệt đẹp bằng ngôn từ. Bức tranh mùa xuân mở ra một không gian mênh mông với cái nền là màu cỏ non xanh kết dệt thành một tấm thảm trải rộng tới tận chân trời. Trên cái nền xanh ấy, nhà thơ đã điểm xuyết một vài bông hoa lê trắng nở lác đác. Màu sắc của bức tranh đạt tới sự hài hoà tuyệt diệu. Tất cả đều gợi lên vẻ đẹp riêng của mùa xuân: vừa mới mẻ, tinh khôi, giàu sức sống vừa khoáng đạt, trong trẻo vừa nhẹ nhàng, thanh khiết.
          Đặc biệt với từ “điểm” là nhãn tự của đoạn thơ, màu sắc trắng tinh khôi của hoa lê được nhấn mạnh. Cảnh vật trở nên sinh động, có hồn hơn chứ không tĩnh tại. Bức tranh dù đang ở trong trạng thái tĩnh nhưng dường như sự vật đang có sự vận động tinh tế.
Bằng nghệ thuật phối màu, dựng cảnh tinh tế, nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ điêu luyện, nhà thơ đã phác họa nên một bức tranh xuân thơ mộng với đủ màu sắc, đường nét, hình khối. Ẩn sau những nét vẽ ấy là nhịp đập của trái tim người nghệ sĩ với lòng yêu thiên nhiên sâu sắc.
          Câu thơ của Nguyễn Du làm ta nhớ đến hai câu thơ cổ Trung Quốc: “ Phương thảo liên thiên bích – Lê chi sổ điểm hoa”(Cỏ thơm liền với trời xanh- Trên cành lê có mấy bông hoa). Câu thơ cổ Trung Quốc đã vẽ lên được vẻ đẹp riêng của mùa xuân có hương vị của cỏ thơm (phương thảo), có màu xanh của cỏ tiếp nối với màu xanh của trời (liên thiên bích), có hình ảnh cành lê tươi đẹp. Cảnh đẹp mà dường như tĩnh tại. 
Câu thơ Trung Quốc chỉ nói tới cành hoa lê mà không nói tới sắc màu trắng của hoa. Trong câu thơ của Nguyễn Du, nhà thơ chỉ thêm một chữ trắng mà làm cho bức tranh đã khác hẳn. Chữ “trắng” đã trở thành điểm nhấn kết hợp với động từ “điểm” làm nổi bật thần sắc của hoa lê, cảnh vật trở nên sinh động và có hồn.
 Có thể nói nhà thơ Nguyễn Du chịu ảnh hưởng cái hay của thơ ca Trung Quốc nhưng ông đã tiếp thu một cách sáng tạo để làm giàu cho thơ ca dân tộc.
2.     Khung cảnh lễ hội trong tiết thanh minh .
          Tiết Thanh minh khí trời mát mẻ, có hai hoạt động diễn ra cùng lúc là lễ tảo mộ - đi viếng, sửa sang phần mộ của người thân và hội đạp thanh - đi du xuân ở chốn đồng quê.
Khung cảnh lễ hội du xuân được miêu tả thật tưng bừng, náo nhiệt:
Gần xa nô nức yến anh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân
         Dập dìu tài tử giai nhân
         Ngựa xe như nước, áo quần như nêm”
          Bút pháp nghệ thuật miêu tả ước lệ lại được thể hiện rõ nét qua nhiều hình ảnh ẩn dụ, so sánh mang ý nghĩa tượng trưng:  yến anh…như nước… như nêm... Đặc biệt, nhà thơ đã dùng nhiều từ ngữ có sức gợi tả phong phú:
         - Hàng loạt danh từ : yến anh, chị em, tài tử, giai nhân, ngựa xe, áo quần gợi tả sự đông vui, nhiều người toàn là nam thanh nữ tú ăn mặc đẹp đẽ rủ nhau đi du xuân. Hình ảnh yến anh mang ý nghĩa ẩn dụ gợi lên cảnh đoàn người nhộn nhịp đi chơi xuân như chim yến, chim oanh bay lượn ríu rít.
          - Hàng loạt động từsắm sửa, dập dìu...vừa gợi tả sự rộn ràng, náo nhiệt, chuẩn bị trong ngày hội vừa nói lên cái nhịp điệu trữ tình trong bước chân của những đôi trai tài gái sắc đi chơi hội.
          - Hàng loạt tính từgần xa, nô nức…làm rõ tâm trạng náo nức của người đi hội.
          Một không khí đông vui, sống động, náo nức đang bao trùm cả đất trời, cả mọi vật, thấm vào cả lòng người. Qua cuộc du xuân, nhà thơ còn khắc hoạ một truyền thống văn hoá lễ hội có từ xa xưa, đó là tục rắc vàng vó, đốt tiền giấy và hàng mã để tưởng nhớ những người thân đã khuất.
3.     Cảnh chị em Thuý Kiều đi du xuân trở về.
          Ngày dần tàn, thời gian đang chuyển đổi sang chiều: “Tà tà bóng ngả về tây”.Trong văn chương, hình ảnh buổi chiều thường gợi lên cảm giác buồn, sự tàn phai. Cuộc du xuân thưởng cảnh náo nức tưng bừng là thế giờ đã lặng lẽ chìm vào cô tịch. Không gian vẫn còn mang cái thanh dịu, đẹp đẽ qua các hình ảnh sự vật:
Bước dần theo ngọn tiểu khê
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh
         Nao nao dòng nước uốn quanh
         Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang”.
          Cái không khí nhộn nhịp rộn ràng của lễ hội không còn nữa, tất cả đang nhạt dần, lặng dần.
Con người không còn sự nô nức dập dìu nữa mà thay vào đó là trạng thái thơ thẩn, cử chỉ dan tay, nhịp chân bước dần, cái nhìn man mác bâng khuâng lần xem phong cảnh…
Còn cảnh vật thì nhỏ bé, chuyển động nhẹ nhàng: dòng suối chỉ là ngọn tiểu khê, phong cảnh có bề thanh thanh, dòng nước nao nao uốn quanh, dịp cầu nho nhỏ…Tất cả đều êm đềm, vắng lặng.
 Thời gian, không gian, tâm trạng con người giờ đây đều đã thay đổi trong sự đối lập với lúc du xuân, lễ hội. Đó cũng là qui luật vận động của tự nhiên, của cuộc sống, của trạng thái tâm lí con người.
          Với những từ láy tà tà, thanh thanh, nao nao, nhà thơ Nguyễn Du không chỉ diễn tả sắc thái cảnh vật mà còn bộc lộ tâm trạng của chị em Thuý Kiều. Đặc biệt là hai chữnao nao đã nhuốm màu tâm trạng lên cảnh vật.
Dường như cảm giác bâng khuâng xao xuyến về một ngày vui đang còn mà trong lòng người đã có linh cảm về điều gì đó sắp xảy ra. Chỉ có những tâm hồn đa sầu đa cảm như Thuý Kiều, chỉ có những ngòi bút miêu tả đầy tài năng như Nguyễn Du thì mới thể hiện được những cảm nhận tinh tế như thế.
           Đoạn thơ có kết cấu theo trình tự thời gian rất phù hợp với cuộc du xuân của chị em Thuý Kiều. Kết cấu này cũng phù hợp với diễn biến tâm trạng con người trong cuộc du xuân. Tác giả sử dụng rất thành công bút pháp nghệ thuật kết hợp giữa tả và gợi. Bút pháp ấy được thể hiện qua cách chọn lọc hình ảnh vừa tả thực, vừa mang ý nghĩa tượng trưng ẩn dụ; cách dùng từ ngữ có giá trị gợi hình, gợi cảm cao.
          Đoạn trích Cảnh ngày xuân quả thực là một bức tranh mùa xuân tươi đẹp, sống động nhưng cũng đầy tâm trạng mang theo dư âm của cái đã qua chuẩn bị cho những gì sắp đến. Cảnh ấy đọng lại trong tâm hồn con người không chỉ bởi ngòi bút miêu tả tài hoa của tác giả mà còn bởi tâm hồn nhà thơ gởi vào cảnh vật, gởi vào cuộc đời, số phận nhân vật.
          Mộc Nhân



467/ Chị em Thúy Kiều


Mộc Nhân
(Tư liệu giáo khoa)




Kể từ lúc ra đời cho đến hôm nay, thời gian trôi qua đã ngót trên hai trăm năm, vậy mà Truyện Kiều của Nguyễn Du vẫn mãi mãi sống trong tâm hồn dân tộc. Tác phẩm không chỉ nổi tiếng vì cốt truyện hay, lời văn trau chuốt, giá trị hiện thực và giá trị nhân văn cao cả mà còn vì các nhân vật chính diện trong truyện như Thúy Kiều, Thúy Vân được ngòi bút sắc sảo của Nguyễn Du miêu tả vô cùng đẹp đẽ, sinh động, đầy ý nghĩa thẩm mĩ. Nguyễn Du không chỉ ca ngợi vẻ đẹp, tài năng mà còn dự cảm về cuộc đời và số phận nhân vật. Đó cũng chính là biểu hiện của cảm hứng nhân văn trong tác phẩm.

Thuý Vân, Thuý Kiều là hai cô con gái đầu lòng của gia đình họ Vương. Ngay từ đầu, nhà thơ đã gây được mối thiện cảm khác thường cho người đọc về hai chị em qua dòng thơ giới thiệu: “Đầu lòng hai ả tố nga”. Từ tố nga - là một mỹ từ ý nói cả hai chị em đều là những cô gái đẹp. Vẻ đẹp của họ được khái quát trong hai câu thơ:
         “Mai cốt cách, tuyết tinh thần
         Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười ”.
          Cốt cách của họ mảnh mai, thanh tao, sang trọng như cây mai.
Tâm hồn, tính cách của họ thì trong trắng như tuyết. Nhà thơ đã dùng hình ảnh ước lệ, tượng trưng - lấy vẻ đẹp của thiên nhiên làm chuẩn mực cho vẻ đẹp của con người.
Câu thơ có sử dụng hình thức tiểu đối nhằm thể hiện vẻ đẹp toàn diện, toàn mĩ của cả hai chị em.
          Nhìn chung cả hai đều đẹp - mười phân vẹn mười - nhưng nhìn riêng thì mỗi người lại có một vẻ đẹp riêng - mỗi người một vẻ.
          2. Sau những câu thơ giới thiệu về hai chị em, ngòi bút Nguyễn Du lại có chiều hướng cụ thể hơn trong bức chân dung quí phái của Thuý Vân. Tác giả đã khái quát vẻ đẹp của Thuý Vân qua cụm từ trang trọng khác vời. Hai chữ trang trọng nói lên vẻ đẹp cao sang, quí phái của nhân vật. Vẻ đẹp ấy của thiếu nữ được so sánh với những thứ cao đẹp trên đời chỉ với mấy dòng thơ:
“Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”
          Chân dung của Vân được miêu tả một cách khá toàn vẹn từ khuôn mặt, nét mày, làn da, mái tóc đến nụ cười, tiếng nói. Vân có khuôn mặt đầy đặn, phúc hậu như vầng trăng, có đôi lông mày sắc nét như con ngài, có miệng cười tươi thắm như hoa, giọng nói trong trẻo thốt ra từ hàm răng ngà ngọc và mái tóc của nàng đen hơn mây, làn da của nàng trắng hơn tuyết, sắc đẹp của Vân sánh với những nét kiều diễm, sáng trong của những báu vật tinh khôi đất trời. Tất cả toát lên vẻ đẹp trung hậu, êm dịu, đoan trang, quí phái. Vân đẹp hơn những gì mĩ lệ của thiên nhiên nhưng tạo sự hoà hợp, êm dịu "mây thua", "tuyết nhường".
Bằng một loạt những nét miêu tả có tính chất ước lệ kết hợp với các biện pháp nghệ thuật như so sánh, ẩn dụ, nhân hoá …và hệ thống từ ngữ chọn lọc, tác giả đã khắc hoạ thành công chân dung Thuý Vân. Nét đẹp nào của nàng cũng hoàn hảo và được đem so với những thứ cao quí của thiên nhiên.
          Đặc biệt với cặp từ nhân hóa …thua…nhường…nhà thơ muốn gửi tới những thông điệp về tương lai, cuộc đời, số phận nhân vật. Vẻ đẹp ấy phù hợp với chuẩn mực thẩm mĩ của người phụ nữ trong xã hội phong kiến với nét nổi bật là sự đoan trang, phúc hậu, nền nã; tạo được sự hoà hợp; thiên nhiên không ganh ghét với nàng, vì thế cuộc đời của nàng sẽ bình lặng và hạnh phúc, suôn sẻ.
          3. Cũng như cách miêu tả Thuý Vân, câu thơ mở đầu khái quát vẻ đẹp của nhân vật Thuý Kiều: “Kiều càng sắc sảo mặn mà”. Kiều có tất cả những gì Thuý Vân có nhưng ở mức độ “So bề tài sắc lại là phần hơn” . Nàng sắc sảo về trí tuệ và mặn mà về tâm hồn.
Tác giả tiếp tục sử dụng những hình tượng nghệ thuật ước lệ với các biện pháp nghệ thuật truyền thống trong văn thơ cổ như ẩn dụ, nhân hoá, so sánh, tượng trưng…Nét vẽ của thi nhân thiên về gợi hơn là tả chi tiết cụ thể, tạo ấn tượng chung về vẻ đẹp của một giai nhân tuyệt thế.
          Khắc hoạ chân dung Thuý Kiều, tác giả tập trung gợi tả vẻ đẹp của đôi mắt: “Làn thu thủy, nét xuân sơn”. Hình ảnh làn thu thuỷ gợi lên đôi mắt đẹp, sống động, sáng ngời, gợi tình như sóng nước như làn nước mùa thu; nét xuân sơn gợi lên đôi lông mày thanh tú cong cong mềm mại,  như vẻ núi mùa xuân trên khuôn mặt trẻ trung. Cách miêu tả khiến khi đọc lên, ta như thấy có ánh sáng và làn sóng xao động bên trong. Chỉ vậy thôi mà bao ẩn ý. Đôi mắt nhìn đời, nhìn người sâu thẳm. Đôi mắt dạt dào, ẩn chứa bao tình cảm lai láng: biết yêu thương, căm hận, nhức nhối, sẻ chia,… Đôi mắt thể hiện một đời sống nội tâm phong phú. Đôi mắt “tinh đời” chứ không như đôi mắt đẹp mà vô hồn, vô cảm của Thúy Vân .Đôi mắt của Kiều là sự thể hiện của trí tuệ và tâm hồn. Với đôi mắt ấy, Thuý Kiều trở nên quyến rũ và xinh đẹp đến mức:
                   “Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh
                      Một hai nghiêng nước nghiêng thành”.
          Thành ngữ nói quá nghiêng nước nghiêng thành  lấy từ một điển tích xưa ý nói sắc đẹp tuyệt vời của người phụ nữ có thể làm cho người ta say mê đến mức điên đảo. Sắc đẹp ấy, đôi mắt ấy là của một tuyệt thế giai nhân hiếm có, đẹp như thế thì trên đời này chỉ có một -“ Sắc đành đòi một”.
          Với cách dùng cặp từ nhân hóa “ghen…hờn” nhà thơ muốn nói vẻ đẹp của Kiều làm cho tạo hoá ganh ghét, đố kị. Thiên nhiên vốn là vẻ đẹp vĩnh cửu vậy mà cũng phải “ghen”, “hờn” trước một nàng Kiều “sắc sảo mặn mà”. Hoa không tươi thắm bằng dung nhan của nàng, liễu kém phần tươi non so với sức sống, tuổi trẻ mơn mởn của Kiều.Nguyễn Du đã sử dụng biện pháp nhân hóa để thổi linh hồn vào câu thơ làm ý thơ thêm phần sống động và trước mắt ta hiện ra một náng Kiều trẻ trung với tuổi xuân tràn đầy như hoa vừa đang độ nở, liễu đến kì xanh tươi. Kiều sẽ phải sống thế nào trong bể đời “hồng nhan đa truân”.
Nguyễn Du tài hoa ở chỗ ông không chỉ miêu tả ngoại hình để thể hiện tính cách, mà còn thông qua đó dự đoán số phận, cuộc đời nhân vật. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Du dùng cặp từ “thua, nhường” để miêu tả Thúy Vân và cặp từ “ghen, hờn” để miêu tả Thúy Kiều. Ảnh hưởng, tác động của nét đẹp hai Kiều với tạo hóa lại đi theo hai hướng khác nhau. Tả Vân, câu thơ Kiều thanh thản bao nhiêu thì khi tả Kiều, câu chữ Tố Như lại trăn trở bấy nhiêu. Như vậy đó, chỉ mới mươi câu Kiều mà đã giúp ta thấu hiểu tấm lòng ưu ái sâu sắc, bao la của nhà thơ nhân đạo Nguyễn Du: ông yêu thương, nâng niu tất cả. Có điều, với Thúy Kiều là cả một sự yêu thương, nâng niu đầy băn khoăn, lo lắng trước số phận dự báo sẽ gặp nhiều éo le đau khổ và bất hạnh.
           Kiều là con người đa tài. Tài của Kiều đạt đến mức lí tưởng theo quan niệm thẩm mĩ phong kiến gồm cả thi, họa, ca ngâm.
Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi hoạ đủ mùi ca ngâm”
Với những từ ngữ nghề…làu…nghề riêng ăn đứt…tác giả muốn nói tài nào của nàng cũng đạt đến độ điêu luyện, vượt lên trên mọi người, trở thành nghề riêng của nàng. Tài năng như thế trên đời này thật hiếm có “tài đành hoạ hai”.
Đặc biệt với tài đàn là ngón nghề sở trường, Kiều đã sáng tác nên bản đàn Bạc mệnh  nghe rất sầu não, buồn thương:
“Khúc nhà tay lựa nên chương
Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân”
          Dường như số phận đã nhập vào điệu hồn riêng của nàng để hoá thân thành bản đàn “Bạc mệnh” mách bảo người nghe về một tương lai dâu bể sẽ xô cuốn đời nàng. Câu chữ, lời thơ chất chứa sự ngợi ca, ngưỡng mộ mà băn khoăn, lo lắng cứ xốn xang trên mỗi từ ngữ của Tố Như. Nhưng làm sao khác được, “Thiên bạc mệnh” ai oán đã vận vào Kiều Khúc đàn ấy cũng là tiếng lòng của một trái tim đa sầu, đa cảm, cũng là tín hiệu dự báo cuộc đời sầu não, trắc trở của nhân vật. 
 Tả Thuý Vân, Nguyễn Du chỉ dùng bốn câu thơ trong khi đó tả Thuý Kiều ông đã dùng đến mười hai câu thơ. Chân dung của Thuý Vân chủ yếu là sắc đẹp, còn chân dung nàng Kiều là sự kết hợp của sắc- tài- trí thông minh- tình cảm- tâm hồn- tính cách- số phận. Về trình tự miêu tả, tác giả tả Vân trước làm nền, tả Kiều sau để nàng được nổi bật trên cái nền ấy. Đó là bút pháp nghệ thuật đòn bẩy, tả khách hình chủ nhằm làm nổi bật chân dung nhân vật. Điều đó chứng tỏ nhà thơ đã dành nhiều quan tâm, ưu ái dành cho nhân vật Thuý Kiều, nhân vật trung tâm của tác phẩm.
           Đoạn thơ có kết cấu khá chặt chẽ, nhà thơ đã đi từ giới thiệu khái quát đến miêu tả cụ thể từng bức chân dung nhân vật và cuối cùng là đánh giá về nhân vật. Điều ấy nói lên cách miêu tả nhân vật rất sâu sắc và tinh tế của tác giả.

Đoạn trích không chỉ cho ta thấy nghệ thuật miêu tả nhân vật bằng bút pháp ước lệ cổ điển mà còn thể hiện cảm hứng nhân văn của nhà thơ trong tác phẩm. Biểu hiện của cảm hứng nhân văn ấy là sự đề cao những giá trị con người. Đó là vẻ đẹp, nhân phẩm, tài năng, ý thức về thân phận con người. Gợi tả tài sắc chị em Thuý Kiều, Nguyễn Du đã trân trọng, dành hết tình cảm, sự ưu ái cho nhân vật của mình.

Mộc Nhân Lê Đức Thịnh

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2016

467/ LẶNG LẼ MỘT DÒNG SÔNG


               Cảm ơn em Huỳnh Thị Hồng Vy. Chị lưu lại để làm kỷ niệm.

                Bài viết về chị Nguyễn Thị Bích Trâm – Giáo viên trường THCS Lê Quý Đôn, Phú Ninh

  Tôi gặp chị lần đầu tiên cách đây chắc cũng gần 7 hay 8 năm gì đó, có lẽ. Lần ấy, tôi được vinh dự đi tập huấn chuyên môn do Sở Giáo dục tổ chức tại Trường THCS Kim Đồng, huyện Duy Xuyên. Ấn tượng đầu tiên về chị không phải là sự xinh đẹp hay nổi bật mà là một sự dịu dàng. Dịu dàng từ trong ánh mắt, nụ cười, trong cách chị nói trước mọi người khi phát biểu trước đám đông. Một nét không thể quên nữa, ấy chính là mái tóc. Mái tóc dài, đen và óng mượt được chị buộc gọn thả thành dòng chảy hết cả lưng ong. Cũng chính nhờ mái tóc ấy đã khiến tôi nhận ra chị sau bốn năm gặp lại. Cũng rất tình cờ khi chuyển công tác, tôi lại về dạy cùng trường với chị. Từ đó đến nay cũng đã bốn năm. Bốn năm trôi qua, tôi giờ đã trở thành đồng nghiệp, người em thân thiết của chị. Có thể nói, với chị tôi thật lòng ngưỡng mộ một con người toàn vẹn, giỏi giang, đảm đang, nhiệt thành và hết lòng vì gia đình, vì công việc. Bên chị, học hỏi chị, quan sát chị nhiều lúc tôi cứ liên tưởng đến một dòng sông lặng lẽ. Bởi chị không cuồng nhiệt, không sôi nổi, không ồn ào mà cứ lặng lẽ…lặng lẽ như một dòng sông. Dòng sông lặng lẽ ngày đêm dâng mình cho cây lúa tốt tươi, ruộng đồng xanh mướt. Còn dòng sông – chị- ngày đêm miệt mài dành tất cả tâm tư, tình cảm, lo lắng cho học trò, cho công việc và cho những người thân yêu trong gia đình.




Chị là một trong những giáo viên dạy Văn được nhiều người  biết đến của ngành giáo dục huyện Phú Ninh. Bao lứa học trò của chị giờ đã  trưởng thành, đã ra trường, làm việc này việc kia vẫn luôn nhắc về chị với một lòng ngưỡng mộ chân thành.  Chị giỏi về chuyên môn, điều này ai cũng có thể nhận thấy. Không giỏi sao được khi chị đã có 10 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Đặc biệt, năm 2012, chị được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh, Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh, và được Giám đốc sở giáo dục khen về thành tích xuất sắc trong phong trào “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương tự học và sáng tạo” giai đoạn 2007 - 2012. Năm học 2014 - 2015, chị đạt giải nhất trong cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp Tỉnh. Vậy mà, chị bảo: “Em ơi, nhận được những bằng khen, danh hiệu cũng vui thật đó. Nhưng chị sẽ vui nhất là nếu có những kết quả cao của học trò và được học trò luôn yêu thích giờ dạy đó em. ”. Chị thường bắt đầu lời tâm tình với tôi : “ Em ơi”, “Em nè” như vậy. Và tôi muốn nói với chị rằng học  trò thì  em nào cũng kính mến chị- một cô giáo dạy Văn truyền lửa đam mê.   mà lại rất thân thiện, vui tính nữa chứ!
Có làm việc cùng, tôi  mới thấy được sự tận tâm, tận tụy, miệt mài vì công việc của chị. Ai cũng bảo chị chăm. Vâng! Chị chăm lắm. Đã nhận làm việc gì là chị làm hết sức. Bao nhiêu đêm chị trằn trọc không ngủ. Bao nhiêu đêm chị mài mò trên chiếc máy tính. Có khi đến nửa đêm về sáng mà chị vẫn chưa ngủ.  Dấu khó khăn đến mấy chị vẫn cố, tìm, làm cho bằng được. Bởi thế,việc gì mà đến tay chị thì nhất định sẽ có kết quả tốt. Bao nhiêu việc, ấy vậy mà chị cứ vui vẻ nhận lấy, vui vẻ làm việc. Không nề hà, không toan tính…Tôi thật sự thấy khâm phục một con người năng nổ và nhiệt thành như thế.
       Chị giỏi giang trong công việc, ấy là một nhẽ. Chị yêu công việc bao nhiêu thì tình yêu dành cho gia đình cũng nhiều bấy nhiêu. Với tôi, chị là người phụ nữ  đảm đang nhất mà tôi từng thấy. Tôi đã từng khóc khi đọc những vần thơ chị viết về đứa con trai tội nghiêp: Mẹ chăm bẳm con thăm thẳm đợi chờ… /  Trong  nỗi đau có  niềm  vui  nho nhỏ.,/ Con của  mẹ đã biết cười, biết khóc, /  Biết ăn no, biết nũng nịu, đùa chơi...Nhà có hai con, một gái, một trai. Cô con gái lớn học giỏi đã vào đại học. Nhưng bất hạnh sao khi đứa con trai duy nhất của chị lại mắc bệnh từ lúc sơ sinh. Em hay đau ốm quặt quẹo, em hay mè nheo khóc lóc…Đã 12 tuổi rồi mà chẳng khác nào đứa trẻ lên ba. Chị dành tất cả tình thương yêu cho con. Chăm con, cho con ăn, ru con ngủ, đưa đón con đi nhà trẻ …Với chị, đưa con trai dù tuổi không còn nhỏ mãi là đứa con bé bỏng. Và chị muốn bù đắp những thiệt thòi cho con. Tấm lòng người mẹ ấy mênh mông vô bờ. 
 Ngày Tết, chị làm bao nhiêu món. Tôi bảo:
- Sao chị không mua cho khỏe?
- Chị tự làm để con chị ăn cho lành, mua ngoài chợ bẩn mà độc lắm em à!
          Chị cười. Tôi cũng cười mà thấy lòng hổ thẹn vì chẳng thể làm được như chị.
          Bao nhiêu việc. Bận rộn là thế. Vất vả là thế. Nhưng vẫn không thể làm mất đi tính vui vẻ, lạc quan và yêu đời nơi chị. Chị cắm hoa, chị làm thơ, chị viết văn, thỉnh thoảng viết báo…Việc gì cũng làm được. Hoa chị cắm thật đẹp mà ý nghĩa cũng thật nhiều. Tôi cứ như đứa trẻ, tíu tít chạy theo chị rồi trầm trồ. Bởi tôi chẳng biết hoa cỏ gì cả. Đôi lúc tôi nghĩ: “Chị từng  được công đoàn Việt Nam công nhận danh hiệu Phụ nữ hai giỏi thật đúng quả  
          Năm nay, chị đã gần cái tuổi 50. Cái tuổi mà chị bảo là đã “chiều thu” ấy. Nhưng bên chị, tôi vẫn cảm  nhận được ngọn lửa yêu đời, yêu nghề, lạc quan cư lan tỏa. Ngon lửa ấy đã nồng ấm trong những vần thơ chị viết trong bài thơ Trang đời.
                                     Dệt trang giáo án ước mơ
                        Mỗi ngày bục giảng sững sờ dáng xưa?                           
                                   Hoàng hôn còn chút nắng thưa   
                        Trang đời vẫn trẻ như chưa có chiều!                                                     
             Chắc chắn, những trang thơ mang đầy tâm huyết ấy cũng như những gì  chị cống hiến cho ngành giáo dục huyện nhà sẽ còn mãi. Con người chị, tính cách chị sẽ khiến bao đồng nghiệp nhớ mãi. Và tôi – người em, người đồng nghiệp nhỏ của chị cũng vẫn sẽ không bao giờ quên  chị- một người bạn lớn. Dòng sông ngoài kia vẫn lặng lẽ trôi, âm thầm đem nước và phù sa tưới tắm cho ruộng đồng cây trái. Còn chị - một dòng sông lặng lẽ âm thầm, ngày đêm dâng hết mình cho đời, cho người, cho những mầm non học trò… Chị vẫn đó, âm thầm đợi ngày cây lá mà chị chăm đâm chồi, nảy lộc, ra hoa, kết trái,

                                                                                       Huỳnh Thị Hồng Vy

466/ Hình ảnh dã ngoại tai Núi Thần tài 20-10-2016



Nghiêng bóng chiều
.                    đất trời mênh mông quá 
em hay là
.                      cây cỏ.... bên đồi thu.










Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

465/ VẺ ĐẸP MỘT “BÀ TRƯNG”


                                                                              Một ngày dệt bóng dáng hồng
                                                                       Trăm năm trang sử ươm mầm nắng xuân.

Chị em tôi tỏa nắng vàng lịch sử
Nắng cho đời nên nắng cũng cho thơ.
Cảm ơn lời thơ Huy Cận đã nói hộ lòng chúng tôi về vẻ đẹp của chính “chị em mình” trong xã hội hiện đại. Tôi đã tìm thấy vẻ đẹp ấy tỏa hương trên chính vùng quê Phú Ninh, nơi vườn ươm của sự nghiệp trồng người mang tên THCS Lê Qúy Đôn. Và cô Hiệu trưởng của trường – Nguyễn Thị Thúy Vi – chính là nhân vật trung tâm gợi biết bao cảm hứng dạt dào để tôi nên viết tác phẩm nhỏ về “Gương tốt nhà trường, gương sáng nhà giáo”! 

Cứ nghĩ đến câu nói đùa: “Ở Phú Ninh có trường Hai Bà Trưng”, tôi thầm cười. Trường tôi mang tên THCS Lê Quý Đôn nhưng chỉ vì có hai cô làm cán bộ quản lý đấy mà! Lẽ nào lại có “Hai Bà Trưng” của trận chiến chinh phục tri thức trong sự nghiệp trồng người trên vùng đất Phú Ninh quê tôi?. Phải chăng một trong “hai bà” chính  là cô Nguyễn Thị Thúy Vi - Hiệu trưởng của trường? 


             
         Tôi có duyên biết về cô cách đây mười mấy năm khi cùng cô công tác ở trường cũ – THCS Nguyễn Văn Trỗi. Tôi còn nhớ rất rõ, từ Trà My, cô trở về quê chồng - Phú Ninh - sau bốn năm lặn lội lên tận vùng núi cao đem cái chữ cho đàn em nhỏ. Là người con gái của vùng đất Tam Xuân, về làm dâu, nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai thân thiết, gần gũi. Để rồi cô tận tình với công việc dạy ở ngôi trường mới với sự an tâm được về gần gia đình chăm sóc hai con nhỏ. Kiến thức môn vật Lý vốn khô khan nhưng những tiết dạy của cô vẫn không thiếu bầu không khí nhân văn. Nhiều học sinh kính yêu cô còn bởi năng lực chuyên môn vững vàng, phương pháp truyền đạt dễ đi vào tâm hồn, trí tuệ trẻ thơ. 
          Nhiều lúc tôi tự hỏi: “Có cô Hiệu trưởng nào lại trông trẻ xinh như cô Thúy Vi không nhỉ?” Tôi rất thích ngắm nhìn gương mặt tròn trịa, làn da trắng trẻo, đôi mắt sáng dưới hàng lông mày đen, cong mềm mại luôn tỏa ánh nhìn ấm áp. Giọng nói cô luôn nhỏ nhẹ, lời lẽ mộc mạc tạo nên cảm giác gần gũi, thân thiện đến lạ kì! Nhìn cái dáng vẻ ấy, có lẽ không ai nghĩ rằng cô là một người mẹ đã có hai con đang tuổi ăn học cấp 2,3. Tôi biết, cô cũng rất vất vả khi phải chăm lo cho bữa ăn hằng ngày và việc học hành của con cái. Nhiều lần tổ tôi mời cô dự tiệc vui nhỏ cuối học kì, cô khéo léo từ chối. Và ai cũng biết cô phải vội về lo bữa trưa cho gia đình và đón đưa con đi học. Nhìn cái dáng vội vã của cô gữa trưa nắng tôi thầm nghĩ: “Dù đã là hiệu trưởng, cô có khác gì mình đâu -  vẫn như con cò vất vả sớm hôm trong tổ ấm gia đình thân thương là thế!”. Vậy  đó, cô đã vượt qua những khó khăn trong trách nhiệm lặng thầm của những thiên chức ở một người phụ nữ để làm người chỉ huy giỏi nơi học đường.
Và chính tôi cũng từng ngỡ ngàng khi biết cô giáo trẻ mới chỉ có chưa đến 10 năm trong nghề lại được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng. Và rồi qua lời trò chuyện với một số thầy cô ở nơi  trường mới - THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm- tỏ ý thán phục, yêu mến tôi mới dần hiểu ra. Cô Phó Hiệu trưởng trẻ dịu dàng, cần mẫn, chu đáo đã làm tốt bổn phận “nàng dâu trăm họ”. Bốn năm so với các bậc tiền bối có là bao nhưng cô đã chứng tỏ uy tín về năng lực, phẩm chất để rồi cô tiếp tục chặng đường khởi sự gian nan ở các lớp Chất lượng cao - tại trường THCS Nguyễn Hiền. Giờ đây, cô đã là Hiệu trưởng và cũng là Bí thư chi bộ nhà trường ở ngôi trường mới mang tên THCS Lê Quý Đôn.
Tôi vốn thích ngắm nhìn cô trong những bộ áo dài tha thước và càng thích hơn bởi vẻ bình dị, khiêm tốn trong lời nói khi cô đứng trước hội đồng sư phạm: “Được làm việc với đội ngũ thầy cô là những con chim đầu đàn trong ngành  nơi trường điểm của huyện là niềm vinh dự đối với tôi. Tôi muốn được lắng nghe những ý kiến hay và trân trọng tất cả sự  cống hiến của các thầy cô”. Và cô đã chứng tỏ điều đó bằng phong cách “quần chúng, dân chủ, nêu gương” học tập từ gương Bác vốn đã thấm nhuần trong lời ăn, tiếng nói, cách ứng xử. Mọi việc lớn nhỏ đều được cô đưa ra công khai lấy ý kiến của tập thể. Nhờ vậy tập thể nhà trường luôn có sự đoàn kết, nhất trí cao. Và có lẽ trái tim ấm áp của một người nữ cán bộ quản lý trẻ đã làm dâu, làm mẹ, làm vợ luôn thấu hiểu “mỗi nhà mỗi cảnh” nên đã có sự phối kết hợp với Phó Hiệu trưởng cũng là “Bà Trưng thứ hai” khi phân công công tác giảng dạy chính khóa, nâng cao, bồi dưỡng hợp tình, hợp lý. Là một giáo viên dạy Văn, chính tôi cũng thật sự cảm động khi cô dự giờ góp ý cặn kẽ chân tình và có hay nữa chứ! Tôi biết cô rất quan tâm đến công tác chuyên môn, nâng cao chất lượng giáo dục của trường ấy mà! Trường tôi luôn rộn ràng không khí giảng dạy tích cực là bởi linh hồn của cô Hiệu trưởng có tư tưởng đổi mới đấy thôi.
          Điều mà ai cũng quý mến ở cô là sự nhiệt tình, tận tụy với công việc. Có hôm, ở lại trường vào buổi trưa mà cô vẫn không nghỉ ngơi được vì còn phải lo nhiều công việc, hồ sơ, sổ sách. Thậm chí cô còn phải mang việc trường về làm vào ban đêm cho kịp hoàn thành. Việc sắp xếp lịch để mời và tiếp đón phụ huynh cũng được cô quan tâm và thực hiện bằng cả tấm lòng, sự hòa đồng, gần gũi. Tuy bận rất nhiều việc nhưng cô không quên dành thời gian dự giờ sinh hoạt chào cờ đầu tuần cũng như quan tâm sâu sát đến các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp. Những lời tâm tình nhỏ nhẹ nhắc nhở về an toàn giao thông, giữ vệ sinh môi trường, tiết kiệm điện nước…của cô hiệu trưởng luôn chu đáo đã là nguồn động viên lớn để các em học sinh thi đua học tập, rèn luyện và làm theo gương Bác. 
Và riêng tôi thì ấn tượng nhất về cô bởi phong thái, cách ứng xử của người làm quản lý. Tôi còn nhớ, có một lần họp hội đồng sư phạm nhà trường về vấn đề thi đua, có nhiều ý kiến bàn luận, tranh cải đến mức căng thẳng. Tôi cảm thấy rất lo ngại cho cô khi phải giải quyết vấn đề vô cùng nan giải. Nhưng rồi, tất cả trở nên nhẹ nhỏm, sáng tỏ bởi tình và lý hòa quyện khi cô luôn bình tĩnh, ôn tồn, nhã nhặn, mềm dẻo nhưng cũng rất cương quyết. Quả là một phong cách Hiệu trưởng trẻ mà tôi hiếm thấy!
Cơ ngơi của ngôi trường mới còn ở chặng đầu xây dựng. Dường như cô đã hình dung hết được những khó khăn về mọi mặt và kịp thời tranh thủ được sự quan tâm, ưu ái của các cấp lãnh đạo về vật chất lẫn tinh thần. Nhờ vậy, sân trường còn dang dở những mảng sân bê tông đã mang màu xanh của cây lá. Niềm vui hân hoan của em thơ khi ngày ngày đến lớp, giải nhất toàn đoàn trong các kỳ thi cấp huyện và cấp tỉnh, các giải quốc gia đã ghi dấu hình ảnh ngôi trường mang màu sắc của sự trẻ trung, năng động, nhiệt huyết nhờ người chỉ huy dám nghĩ, dám làm.
Có lẽ vì vậy mà trong lòng tôi, cô là người tôi nghĩ đến đầu tiên khi viết về gương sáng nhà trường. Khi tôi nói ý định và tỏ ý xin phép thì nhiều lần đều bị cô nhất quyết từ chối. Cô mỉm cười, một nụ cười thật tươi, thật hiền và giọng tâm tình: “Em cảm ơn chị rất nhiều đó. Thiệt tình em tự thấy mình chưa đóng góp được gì. Em muốn chị viết về các thầy cô trường mình đi…”. Thế rồi, cô nêu ra tên của nhiều thầy cô … Cô nêu nhiều đến nổi tôi không nhớ hết. “Các thầy cô trường mình đều là những tấm gương đáng được ngợi ca đó chị à. Điều em muốn ai cũng biết đến là học sinh trường mình nhiều em rất xuất sắc và các thầy cô trường mình ai cũng có tài, có tâm”. Cô luôn nghĩ vậy mà. Biết làm sao? Phải vất vả lắm tôi mới tìm hiểu thêm một số thông tin về cô...
          Chính lời nói tâm sự đó đã làm tôi thêm thầm phục cô và nhớ về mấy câu thơ cô viết được đăng trong tập san Lời ru của trường THCS Nguyễn Văn Trỗi nhân kỉ niệm ngày 20 tháng 11 năm 2003 - cách đây mười ba năm với những tình cảm chân thành, thắm thiết mà cô đã dành cho nghề trong bài thơ Em là cô giáo.            
                   Dẫu dòng sông còn lắm thác ghềnh
                   Em vẫn là em vững tay chèo cập bến
                   Ôi mái trường yêu muôn ngàn thương mến
                   Cô giáo là em - thầm lặng những chuyến đò.
Đã bao nhiêu chuyến đò và giờ đây sẽ là bao nhiêu chuyến thuyền vượt qua giông tố? Những câu thơ tâm tình xúc động ấy đã thầm lặng tự họa nên chân dung lặng lẽ của người nữ kĩ sư tâm hồn của ngày hôm qua, hôm nay và ngày  mai nữa.  
           Khó có thể dùng ngôn từ để viết hết về cô Hiệu trưởng. Hình ảnh cô có khác nào vị thủ lĩnh trẻ tài ba giàu tình yêu với nhiệm vụ mà vẻ đẹp tâm hồn, phẩm chất lặng lẽ tỏa nắng ấm áp trong lòng mọi người. Hơn mười lăm năm tận tụy với nghề của cô với 7 năm là Chiến sĩ thi đua cơ sở, 2 bằng khen cấp Tỉnh vào năm 2012, 2015 và 5 năm liền là Đảng viên tư cách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Không thể nói hết những gì cô đã tận tâm cống hiến. Và phải chăng cái biệt danh “Bà Trưng” đùa mà hóa thật? Bà Trưng ngày xưa làm nên trang sử vẻ vang. Ngày nay,“Bà Trưng” con cháu như cô đang tỏa nắng cho đời để dệt nên những trang sử vàng trong vườn ươm trồng người trên vùng quê nông thôn mới Phú Ninh.      

             Nguyễn Thị Bích Trâm                                                                             

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2016

464/ NHỮNG CÁNH THƯ KHÔNG GỬI

     

 Bài đạt giải A -đơt  thi tham gia sáng tác với chủ đề “Biển, đảo trong trái tim em” -Trại sáng tác Văn học thiếu nhi các tỉnh thành phía nam năm 2016. 

          Nó xếp lá thư vừa viết xong còn nguyên mùi mực, vuốt góc cẩn thận rồi đặt ngay ngực trái. Xong rồi mới đặt vào bao thư. Nó lại nắn nót viết từng chữ hoa thật đẹp vào ô người nhận. Tỉ mẫn. Chăm chút. Như muốn dồn tất cả tình yêu thương, sự nhớ mong, lòng tự hào vào từng nét chữ ấy. Dán chiếc phong bì cẩn thận, nó đi về phía đầu giường, lôi ra một chiếc hộp nhỏ. Mở khóa. Nhẹ nhàng đặt bao thư vào đó cùng với 99 lá thư khác đã nằm ngăn nắp trong đó. Mỉm cười. Đây là lá thư thứ 100 nó viết cho ba.
          Nó – một con bé vừa tròn 11 tuổi. Nó sống với mẹ nơi thành phố phồn hoa đô hội. Tiếng còi xe inh ỏi. Tiếng ồn ào phố phường…Bao nhiêu âm thanh cứ trộn lẫn vào nhau mỗi ngày nhưng không làm sao át đi tiếng sóng biển vẫn vang lên trong lòng nó. Cứ mỗi dịp nghỉ lễ hay nghỉ hè, bao giờ mẹ cũng dẫn nó về quê nội. Quê nội nó là một ngôi làng nghèo ven biển miền trung. Ở đấy, những ngày hè nắng gió đến rát da. Còn những mùa mưa thì sóng vỗ ầm ầm với những cơn bão biển dữ dội. Ấy vậy mà nó lại yêu miền quê ấy đến lạ kì. Nó yêu những con sóng lăn tăn vỗ vào bờ cát mỗi sớm mai. Yêu những con cá, con tôm mắt sáng, trong xanh đến kì lạ. Yêu những buổi sớm mai ngồi nghe biển hát. Nó thích được ngụp lặn trong dòng nước mát lành ấy mà tưởng tượng như biển đang ôm nó vào lòng. Nó nhớ da diết những đứa trẻ đen nhẻm vì nắng và gió biển, nhưng nụ cười lại rạng ngời tỏa nắng…Đặc biệt, nó nhớ nơi ấy bởi ở đấy có người bà lưng còng, mắt mờ, ngày ngày chống gậy nhìn ra phía biển. Rồi lại chống gậy, men theo đồi cát, đến ngồi im lìm bên những ngôi mộ trên đồi. Bà thì thầm trò chuyện rất lâu. Rồi lại men theo đồi cát, đi về nhà. Nó vẫn thường hay theo bà mỗi khi về đó. Những lúc ấy, bà lại kể nó nghe bao nhiêu chuyện, những câu chuyện buồn, đã xa, xa lắm…Chuyện về ông, về ba nó, và về cả chính nó những ngày ấu thơ…
          Những buổi chiều như thế. Gió từ biển thổi vào phần phật. Mấy tàu dừa khô trước nhà xào xạc, xào xạc. Gió thổi tung mái tóc cắt ngang vai của nó. Nó nhìn mấy cọng tóc bạc phất phơ của nội mà thấy thương nội quá. Nội nhìn về phía biển lúc này đang nổi những con sóng bạc đầu bằng ánh mắt xa xăm. Tay nội sờ vào mấy tấm ảnh đã cũ. Rồi nội kể, giọng trầm hẳn đi: “Ông cháu ấy à! Ông đã từng là một người lính biển kiên cường đấy…” Bao giờ nội cũng bắt đầu như thế! Qua lời kể ấy, nó hiểu được nỗi nhớ của bà dành cho ông. Vâng! Ông là lính biển, một người lính thực thụ. Cả cuộc đời bám biển, chiến đấu với bao kẻ thù, ông chưa bao giờ chùn bước. Ông yêu biển, đồng nghĩa với việc ông luôn phải xa gia đình. Tuổi thanh xuân của bà là những năm tháng cô quạnh. Bà vò võ nuôi con một mình. Ông ra đi trong một trận chiến ác liệt với kẻ thù. Bà đau đớn đến tận cùng nhưng phải gắng gượng vì con. Rồi ba lớn lên. Tình yêu biển đã ngấm sâu vào máu thịt. Mặc cho người mẹ khóc lóc, van nài, ba vẫn quyết tâm nối tiếp nghiệp ông. Ba cũng trở thành một người lính biển.
          Một ngày của tám năm về trước – ngày nó lên ba. Một đứa bé ba tuổi, đầu quấn khăn tang, mặc bộ đồ tang trắng, tay cầm gậy đứng bên chiếc quan tài khiến bao nhiêu ánh nhìn ái ngại và thương cảm. Nó khóc… vì hôm nay nhà có nhiều người lạ quá! Mà ai cũng khóc! Tiếng kèn, tiếng trống ỉ eo đến não ruột. Mẹ nó rũ rượi, ôm nó khóc không thành tiếng. Nó đâu biết rằng đó là ngày buồn tủi nhất. Ngày nó mãi mãi không còn ba nữa. Nó khóc đó, rồi ngủ đó, có khi cười với người quen khi được cho cái bánh, cái kẹo hay một món đồ chơi đẹp mắt…Ba tuổi, nó chưa hiểu mất mát là gì!
Sau này lớn lên, qua những lời kể của nội, của mẹ, qua những hình ảnh và kỉ vật ba để lại, nó đã khắc sâu trong tim hình ảnh về ba. Trong tâm khảm, nó hình dung ba là người cao lớn, vạm vỡ, ánh mắt đen đầy cương nghị, nụ cười thật hiền và giọng nói thật trầm ấm, vang xa.
Tuổi thơ đi qua. Nó dần lớn lên. Nhìn chúng bạn có ba đón mỗi chiều tan trường, được ba và mẹ chở đi công viên cuối tuần mà nó thấy chạnh lòng. Nó nhớ ba da diết nhưng không buồn. Nếu có ai hỏi: “Ba đâu?” Nó sẽ trả lời đầy tự hào: “Ba tớ ấy à! Ba tớ đã từng là lính biển đấy”. Ngày ấy, ba gặp tai nạn trong một lần làm nhiệm vụ, rồi mãi mãi nằm lại nơi biển cả. Nội và mẹ tưởng không thể sống nổi. Nhưng rồi nhìn đứa con gái ba tuổi mắt đen láy, trong veo, cả hai đã cùng nhau đứng dậy, cùng nắm chặt tay nó. Lớn lên một chút, nó đã hiểu chuyện, đã biết những mất mát đau thương. Nó trở nên mạnh mẽ. Và tự nhiên nó yêu biển đến kì lạ. Những ngày ở quê, nó thường ngồi rất lâu bên bờ biển, nhìn ra xa. Nó di di bàn chân trên cát, để mặc những con sóng vuốt ve đôi bàn chân nhỏ. Thỉnh thoảng nó nằm sấp tai xuống cát để nghe những âm thanh u u trong ấy. Nó gọi đó là âm thanh của biển. Mẹ lại bảo: “Con lắng nghe đi, trong đó có tiếng thì thầm của ba”.
Nó bắt đầu viết những bức thư cho ba từ năm lớp 4. Nó đọc đâu đó trong sách nói rằng: “Nếu viết 1001 bức thư cho ai đó thì phép màu sẽ xuất hiện, người đó dù có đi xa cũng sẽ trở về”. Và nó tin và mong phép màu ấy sẽ đến. Trong những bức thư, nó thường kể với ba về những chuyện trên lớp, chuyện cái Bích khóc nhè, chuyện thằng Tuân giật bím tóc, nhiều nhất vẫn là khoe những điểm 9, điểm 10 nó đạt được. Có hôm, nó thấy mẹ nhìn ảnh ba rồi khóc. Nó lại viết cho ba…Nó biết mẹ nhớ ba, như nỗi nhớ trong lòng nó vậy. Nó về thăm nội, chạy ù ra biển, chụm tay lên miệng rồi hét to : “Ba ơi! Con đã về thăm ba đây!” Sóng cuốn những lời của nó ra xa, xa mãi… Trên không trung những con hải âu trắng bay là là nhịp cánh. Người ta vẫn bảo, khi người lính biển ngã xuống họ sẽ hóa nên những chú hải âu. Hải âu bay lên cao nhưng vẫn bám biển muôn đời. Có lẽ trong những cánh chim kia có một đôi cánh là của ba nó….
Đêm ấy, nó lại thức khuya, nhìn ra phía biển, nhìn về phía xa, nơi có những ngọn hải đăng đang chiếu sáng vằng vặc . Nó lại ngồi viết những dòng thư cho ba. Lá thư thứ 101… Những cánh thư không bao giờ gửi…
“Ba thương nhớ! Chiều nay con lại về với biển, về với ba. Biển vẫn xanh và nước muôn đời vẫn mặn ba nhỉ? Cát dưới chân con vẫn vàng giòn. Những con còng cát vẫn chạy dài trên bãi. Con đã chạy theo chúng đến mỏi nhừ cả chân ba ạ! Biển chiều nay thật êm. Con đã nằm thật lâu để mặc những con sóng vỗ vào mặt, vào mình. Con biết biển đang thay ba ôm con vào lòng. Lời thì thầm của biển phải chăng là lời thì thầm của ba. Con không buồn đâu ba ạ. Con biết ba vẫn ở ngoài kia, ba hóa thân thành ngàn con sóng vỗ….Ba là những cánh hải âu trên cao xanh bao la kia…Con đã lớn lên từng ngày bằng tình yêu thương của mẹ, bằng lòng mong mỏi của bà. Con được bồi đắp lòng yêu biển quê hương bằng những chiến công của ông và của ba. Con tự hào vì con có ba. Bên con vẫn còn có bao nhiêu trái tim đồng lòng hướng về biển cả. Dân quê mình vẫn bất khuất kiên trung. Ba ạ! Bài học hôm nào cô giáo dạy con vẫn nhớ. Biển quê hương mình vẫn vất vả gian nan…Con yêu ba, yêu biển quê mình. Con biết nơi trời cao xanh thẳm kia, ba đang mỉm cười nhìn con. Những chú hải quân vẫn ngày đêm bảo vệ ngư dân bám biển. Như những đàn hải âu kia vẫn là là nhịp cánh mỗi ngày trên biển phải không ba? Con sẽ còn viết nữa những dòng thơ về biển, về ba...Bây giờ con đã biết sẽ không có phép màu nào nữa nhưng con vẫn sẽ viết, con tin sẽ có một điều kì diệu xảy đến với mình. Khi nào biển còn là ba vẫn bên con. Những con sóng bạc đầu nghìn năm vẫn không thôi vỗ nhịp. Và nhịp đập trái tim ba đã hòa vào nhịp của sóng phải không ba?...”
Nó gấp lá thư lại, nhẹ nhàng đặt lên ngực trái, cẩn thận như mọi lần… Ngoài kia, trăng đã lên cao lắm. Trăng như chiếc mâm vàng khổng lồ soi sáng cả mặt biển mênh mông. Gió hát lời ru của biển. Gió cùng sóng mang những lời thì thầm từ trái tim bé bỏng của nó ra xa, xa mãi nơi biển khơi.

        (Nguyễn Lương Hoàng Diễm – học sinh lớp 7/1, trường THCS Lê Quý Đôn, Phú Ninh, Quảng Nam)