Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2019

283/ “DẠỴ VĂN – DẠY NGƯỜI” - TỪ MỘT HỘI THẢO


            
      Sau bao ngày háo hức mong chờ, chúng tôi - những giáo viên Văn THCS -được dự buổi hội thảo “Dạy Văn - dạy Người” ở hội trường khách sạn Bàn Thạch – thành phố Tam KÌ mang tên “Hành trình từ trái tim đến trái tim” do Sở Giáo dục đào tạo Quảng Nam tổ chức. Thật khó diễn tả hết được những cung bậc cảm xúc bởi một sự đặc biệt về hình thức cho đến nội dung. Cảm giác ngỡ ngàng mà cũng rất gần gũi; chuyện đã cũ mà lại rất mới; chương trình ngắn gọn mà giàu ý nghĩa; người thầy báo cáo thì tự nhiên, chân thực mà cũng rất nghệ sĩ, uyên bác… với những câu chuyện rất nghề, rất đời, rất văn.
      Đã bấy lâu trong cái vội vã, xô bồ, lắm nhiêu khê, lắm nghịch lí của cuộc sống, người thầy dạy Văn đôi khi cảm thấy mặc cảm, bất an, mất tự tin về nghề. Đam mê ngày nào khu trú lại trong cái vỏ tửơng chừng như xơ cứng của trái tim. Và hôm nay, sau mấy mươi năm với nghề, lần đầu tiên được lắng nghe những chia sẻ của những bậc tiền bối, những người Thầy lớn. Chỉ là trong mấy tiếng đồng hồ thôi, không khí rất Văn và rất Người ùa về như luồng gió ấm áp xua tan cái lạnh lẽo của tiết trời đông. Thật không thể nói hết niềm ngưỡng mộ, niềm tri ân, niềm xúc động đến lạ kì! Trong lòng tự nhủ, giá như mình đã đam mê hơn, giá như mình nhận ra mình chân thực hơn và giá như mình biết yêu thương hơn và giá như…Cảm ơn Sở Giáo dục đạo tạo Quảng Nam với một chương trình mới mẻ, sáng tạo, cuốn hút .Và đọng lại thật hiều bởi biết bao điều trăn trở về cái khó của Hành trình Dạy Văn ấy đã được giải đáp.
       “Dạy Văn – dạy Người còn dạy Toán dạy chó à?”
      Đó là câu dẫn thú vị của Nhà giáo ưu tú Nguyễn Minh Hùng nhắc lời của thầy giáo ở trường Đại học trong bài nói chuyện. Không! Môn học nào cũng dạy người cả - vì học sinh cần “học để biết, học để làm, học để chung sống và để tự khẳng định mình”. Nhưng môn Văn có cách dạy người đặc thù. Bởi “văn học là nhân học”. Bởi mỗi tác phẩm rọi chiếu lay thức tâm hồn độc giả một cách tự nhiên bằng ánh sáng từ trái tim người nghệ sĩ. Vì người dạy Văn là người kĩ sư tâm hồn có khả năng hiện thực hóa các chức năng văn học đến trí tuệ, trái tim người học.
       Dạy văn- dạy Người là dạy cái gì?
      Theo thầy Huỳnh Ngọc Thống, tổ trưởng tổ Văn Trường THPT Quế Sơn, dạy Văn là dạy cái đẹp của Văn chương- cái đẹp của tư tưởng tình cảm và cái đẹp của hình tượng, ngôn từ. Từ đó. hướng người học tìm thấy “cái đẹp” trong cả cái bi, cái xấu, cái ác – mặt biện chứng của cái đẹp. Có như thế dạy văn mới làm được cuộc hành trình đưa con người vươn tới chân – thiện – mĩ.
      Dạy Văn- dạy Người cần những phẩm chất nào ở người thầy?
     Theo NGUT Trương Văn Quang, người dạy Văn đâu phải chỉ có đam mê nghề mà còn đam mê Văn chương; đâu chỉ có kiến thức rộng “biết môn Lí, hiểu môn Sinh”, trải nghiệm nhiều mà còn luôn luôn “cập nhật thời tiết, thời giá, thời sự” và dẫu khó khăn vẫn không chùn bước- “dù sóng gió, con thuyền của hành trình dạy Văn vẫn vượt qua”. Với cô giáo trẻ- TS Văn Phương Trang, giáo viên Văn trường THPT chuyên Lê Thánh Tông - thầy là người bạn đồng cảm, sẻ chia, thấu hiểu và cũng là người thắp lên niềm tin về thế giới kì diệu từ trang văn đến cuộc đời trong lòng học trò. Với NGUT Nguyễn Minh Hùng, thầy phải loại bỏ cái “tôi” tự cao, tự đại cho mình là cao quý. Và thầy phải “biết trăm dạy một”, thầy cũng là người nghệ sĩ “tỉnh mà mê, mê mà tỉnh”. Thế đó, cần lắm ở người thầy cái tâm, cái tầm, cái đức và cả cái phong cách.
    Dạy Văn - dạy Người là dạy như thế nào?
    Không đau sao được khi Không ít học trò khước từ môn Văn như khước từ chính người dạy Văn! Học trò luôn đúng khi có quyền được chọn ham thích môn học cũng như chọn thầy. Và nếu học trò sai lầm khi từ chối môn Văn thì học trò vẫn đúng. Vì sai lầm là tất yếu của sự hướng đến hoàn thiện.
    Vậy làm sao để truyền lửa yêu Văn cho cả những học trò ấy?
    Trước hết, hãy “đưa Văn chương về với cuộc đời” (Lời thầy Trương Văn Quang). Văn chương chỉ sống trong lòng bạn đọc khi được mang hơi thở của cuộc sống.
     Đâu chỉ có thế. Người dạy cần trao cho trò quyền được sáng tạo, được phản biện, được “khẳng định mình”  trong cảm thụ văn chương và trong những vấn đề của cuộc sống. Và như vậy thì không thể vắng những trang giáo án với phương pháp dạy học, kĩ thuật dạy học tích cực với sự tổ chức linh hoạt nhuần nhuyễn các hoạt động học của người thầy theo định hướng phát triển năng lực.
       Và điều không thể thiếu theo Thầy Trương Văn Quang là dạy Văn bằng chính phong thái lẫm liệt, lòng tự trọng, sự tử tế để tiệm cận đến cái mẫu mực của người thầy. Dẫu rằng thầy cũng có lúc "đau" vì cái “bán thần” đó chính Thầy nỗ lực tạo ra.
      Hơn nữa “Dạy văn- dạy người” là nhận ra mình là “dạy” chính mình. Nếu học sinh có quyền được sai lầm và xứng đáng được yêu thương, trân trọng thì người thầy cần “vượt lên cái tôi, cái ích kỉ” để biết “bao dung trò”, “tin tưởng trò”, và không quên “tri ân trò”.
       Ra đi với nhiều câu hỏi về cái khó của “Dạy người” trong “dạy Văn” thì trở về đã có những câu trả lời đầy tâm phục chạm khắc vào tim. Vô cùng cảm ơn Nhà giáo ưu tú Trương Văn Quang, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Minh Hùng, nhà giáo Huỳnh Văn Thống- tổ trưởng cùng cô giáo Văn Phương Trang, giáo đã cho chúng tôi hiểu chính mình, hiểu hơn cái cái trọng trách lớn lao, cái thử thách không ngừng, và niềm hạnh phúc vô bờ của dạy Văn – dạy Người. Tôi chợt nhớ đến buổi tập huấn “Trường học hạnh phúc”do Thầy Châu Văn Thủy – Trưởng phòng Giao dục Trung học Sở Giáo dục Quảng Nam- báo cáo bởi rất tâm đắc về thông điệp thầy gửi rằng “Trường hạnh phúc chỉ khi thầy hạnh phúc mà hạnh phúc là khi biết sống lạc quan, yêu thương học sinh”. Thì ra Dạy văn –dạy người là vì một “Trường học hạnh phúc” đúng nghĩa. Cũng như lời tổng kết đánh giá của Nhà Giáo Hà Thanh Quốc – Giám đốc Sở Giáo dục Quảng Nam “Hành trình trái tim đến trái tim” Là khát vọng là niềm tin là tâm huyết, là nhân quả tốt đẹp cho những kĩ sư tâm hồn mang tên “Dạy Văn” có được hoa thơm quả ngọt là mang tên “Dạy người”.
      "Dạy văn, dạy Người"là vấn đề không bao giờ cũ, không có một đáp án chung. Bởi xã hội không ngừng thay đổi, bởi Người Thầy là sáng tạo. Có niềm tin là có tất cả, “Cuộc hành trình của thế hệ chúng tôi là cuộc hành trình không tiếc nuối” là thông điệp quý giá từ lời NGUT Trương Văn Quang đã truyền cho tôi và những người bạn của tôi những khát vọng không ngừng để tiếp tục lái con thuyền “Dạy văn - dạy người” vượt sóng gió đại dương.









                                                              

                                                                                          Nguyễn Thị Bích Trâm