Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

310/ TẬP THƠ VẪY NẮNG LÊN XANH


(Cảm ơn Lê Nguyễn - CLB thơ Sông Tranh đã gửi tặng tập thơ này)
Đưa tay tôi vẫy vài giọt nắng…
(Kỷ niệm mười năm ngày thành lập CLB thơ Sông Tranh 19/5/2005- 19/5/1015 và ra mắt tập thơ Vẫy nắng Lên Xanh)
                
1. Thơ là chuyện tâm tình
       Mùa xuân, tôi ghé thăm Thái Bảo - Dương Đỳnh, hàn huyên đôi câu, anh trao tôi tập thơ của CLB thơ Sông Tranh, đây là tập thứ 4 của CLB. Như hụt hẫng, như thiếu vắng một lời hẹn hò. Bâng khuâng khó tả, tôi đã cùng đi với CLB qua hai mùa thi ca: Lời quê rồi Tình quê, vậy mà mùa này lỗi nhịp.
       Ở đêm Nguyên Tiêu Tam Kỳ, Lê Nguyễn ghẹo đùa: Sao không thấy gửi bài cho anh em, phố rồi không chơi quê nửa chắc? Vậy mà đêm ấy mình đã có một bài thơ tặng Lê Nguyễn đó Lê Nguyễn ạ:
Khi không níu phố bỏ rừng
Con chim bỗng khản lưng chừng giọng ca
       Bần thần ta lại hỏi ta
       Có không tiền kiếp phù hoa nợ nần?
       Thơ ở đâu mà nhanh thế? Phải chăng đã nợ nần từ bữa tết, đã hẹn với anh Thái Bảo – Dương Đỳnh, rằng ngày hội ra mắt tập  thơ cho tôi có đôi lời.
       Vậy đó, với tôi, cũng như với đa phần anh em, thơ trước hết là chuyện tâm tình.
       Tìm về với CLB sông Tranh cũng là tìm về với quê hương, với chính mình, là để nguôi đi cái nhọc nhằn cư trú mà kiếp phù du trót gồng mình mang vác, như ở Lời quê Nguyễn Văn Trường đã gai góc tâm sự:
       Ta bởi vì đâu bỏ quê ra phố
       Cọc tre buồn giữa dòng nước xoay xoay.
       Nên da diết nắm níu một vùng quê chìm khuất như bao vùng trung du khác, mà thao thức khôn nguôi dòng sông Tranh chảy ngược, rì rầm trầm uất Hòn Kẽm Đá Dừng; mà tha thiết lắm dáng mẹ lưng còng, tuổi thơ tôi cháy nắng, mà bồng bềnh mây trắng một thân cha…Chao, thật thoả lòng thật đã một cơn khát khi ngụp lặn vào ngày Vẫy Nắng Lên Xanh với Tình quê ( Nguyễn Công), Mắt Mậu Hoà ( Nguyễn Đức Dũng), Tiếng quê ( Lưu Giang), Chiều quê mẹ ( Lương Văn Hào), Hiệp Đức vào xuân ( Nguyễn Văn Hiếu)…Có những lúc bần thần đứng đợi một nhịp bước, nhịp chỏi của tâm hồn, dấu lặng của một xa xưa, ai, hình như là Diệu Lan đã đợi:
       Có người tìm lại tuổi thơ
       Giữa chiều hoang lạnh mắt ngơ ngác buồn
       Ai đi bỏ lại khu vườn
       Riêng tôi giữ mãi thiên đường tuổi thơ
                          ( Vườn xưa - Diệu Lan)
       Và đợi cả một ký ức biền biệt không hứa khứ hồi, và bởi  đợi dài một chia ly nên vặn vẹo một cơn đau thắt lòng thắt dạ, là cơn đau bụng bão của Huỳnh Trương Phát:
       Sợi mây cha bứt bên trời
       Bện thành đôi gióng gánh đời mà đi
                          (Thăng Phước - Huỳnh Trương Phát)
       Rồi:
       Chái nghiêng xiêu một chỗ ngồi
       Bếp quê nghiêng mất chỗ ngồi mẹ ơi
       Đôi đũa bếp gắp đến cời
       Làm sao gắp hết những lời tro than!
                          ( Đôi đũa bếp - Huỳnh Trương Phát)
       Lặng nghĩ hoài cơn cớ nào những người quê miền Trung cứ hoài nặng nợ với quê như một thuỷ chung? Phải chăng là từ bốn trăm, năm trăm năm trước, khi cha ông từ phía kia dãy Hồng Lĩnh theo tiếng gọi áo cơm mà đành đoạn chia ly chưa kịp vốc một nắm đất Thanh Nghệ, chưa kịp uống một bụng nước sông Lam nên khản trong giọng thơ, khô trong dòng máu là một thao thức cội nguồn? Và kể từ đó quê hương cứ một đời nặng nợ, kể từ đó người miền Trung rất sợ nỗi ly quê? Và giọng thơ miền Trung hoài cổ giọng Chàm khắc khoải giọng Việt cứ lóng nga lóng ngóng một tình quê? Và CLB thơ Sông Tranh đã như một tiếng sáo chiều hoà vào dàn hợp xướng bất tận đó.
       2. Có một giọng thơ Hiệp Đức chính cống miền Trung:
       Cũng từ cơn cớ ấy, mà chừng như giọng thơ chính cống miền Trung cứ một mực thô mộc mặc cho kẻ sĩ đất Bắc cứ  hàn lâm mệnh danh thi ca là phải mượt mà nàng thơ.
       Chủ đạo làm nên nét riêng của Vẫy nắng lên xanh là chất liệu thô, là giọng khệnh khạng của cái chí ngang tàng. Thơ sông Tranh khước từ cái sự dè dặt phải đạo của phường nặc danh trí thức, đã nói thì đến đáy sự, thì đến vỡ giọng, thì đến cùng lý.
       Là chữ sông Tranh, chữ đã được mổ xẻ, đã phân chất đến từng chi tiết. Ưu tư thì đến bóp trán ( Lê Văn Hoá), hát thì nghêu ngao ( Đoàn Ngọc Nghĩa), cháy thì hết trơn ( Huỳnh Trương Phát), rồi Tay nắm ngày réo vang ( Nguyễn Thuỷ), rồi Quả mọng đã bay vào khung trời mộng ( Đinh Thị Chân Như), rồi Lằng lơ trôi xuôi ( Phạm Thị Toàn), rồiHoa thâm trầm nở ( Miên Trà), rồi ráo hoảnh, duềnh doàng, rạn vỡ ( Trần Minh Trang)…Thật cực lòng khi phải làm phép chiết tự đến không phải phép với các bạn thơ, chỉ khi đặt những chữ đó vào văn bản, đọc lên, nghe nó cựa quậy đòi vỡ ý mới sướng cái sướng của rượu gặp mồi khoái khẩu.
       Là câu thơ sông Tranh, câu thơ như dòng sông chảy ngược, giữa bình lặng bỗng quẫy bờm tung bọt trắng xoá khi vặn mình đổi hướng, khi trườn mình qua thế sự đến nhân tình.
       Giận đời cười cợt nỗi đau
       Mà tâm hồn ấy ngàn sau không mờ.
                          ( Nghe tiếng gọi đò - Nguyễn Trường)
       Ta đứng đắn mà đường tu vụng quá
       Một đôi lần liều nhắm mắt đưa chân

       Một đôi lần trợn mắt vẫn đưa chân
       Em nhan sắc can cớ nào đoan chính
                          ( Nói với mùa xuân - Lê Tấn Hiền)
       Tôi cầm đời tôi như cầm mũi tên
       Lắp vào thân nỏ
       Tên bay biết về đâu
       Biết tôi có còn là tôi sau một lần tên bay lạc nẻo
                          ( Phía mây trời - Thái Bảo – Dương Đỳnh)
       Thật phải đủ cái riêng mới can đảm cười được, trợn mắt được, bay được như Nguyễn Trường, như Lê Tấn Hiền, như Thái Bảo – Dương Đỳnh.
       Bạn tôi là một nhà địa lý có lần bảo với tôi rằng hình thế Hiệp Đức giống như quái thú trường xà nên người dân nơi đây có lý cay mà ý chết người. Nét riêng này trong tập thơ còn nhạt, nên thật khoái chí mà đối thoại với Đức Thánh Trần cùng Dương Quang Anh:
       Cương thổ sơn hà phải tính từng tất từng li
       Bởi đó là máu xương cha ông để lại
       Mất vào tay quân thù là có lỗi với tiền nhân
                 ( Bài thơ viết dưới chân tượng đức thánh Trần - Dương Quang Anh)
       Cũng thật nặng lòng trong lời cay đắng của Lê Văn Hoá:
       Liêm, chò, gõ nặng lòng sông núi
       Đem thân mình bán gả muôn nơi
                          ( Ký ức một thời - Lê Văn Hoá)
       Và, gật gù theo phản biện của Thái Bảo – Dương Đỳnh:
       Để sự sống của cỏ cây muôn thú bị chà đạp nhẫn tâm mà nhân danh bất cứ lý lẽ nào cũng là tội ác
                          ( Thảm hoạ - Thái Bảo – Dương Đỳnh)
       Nói đến thi ca, như đã mặc định trong tâm thức người đọc rằng người chơi thơ tất lâm đường tài hoa mà luỵ đường tình ái. Có đúng chăng? Riêng tôi nhận thấy hầu hết câu thơ tứ thơ phảng phất nét đa tài nơi đây lại cũng là câu thơ tứ thơ phảng phất nét đa tình.
       Xin gửi lại vầng trăng treo giữa núi
       Mai tôi rơi lần nữa phía mây trời
                          ( Phía mây trời - Thái Bảo – Dương Đỳnh)
       Câu thơ đứng độc lập thì trắng án, mà trở nên tội lỗi khi đã có tiền tố Mà em đứng làm chi, mà em đợi làm chi!
       Ta đánh cắp tình em
       Đường công danh phù phiếm
       Ngày về lại
       Em đã thành thiếu phụ
       Điệu ru con
       Xa xót mối yêu đầu.
                          ( Ngày xuân xanh - Lê Tấn Hiền)
       Đọc mấy câu tôi thoáng chút rùng mình, may mà người thơ đã thật nhẹ bàn tay, nhẹ bàn tay khi dùng chữ đã ( em đã thành thiếu phụ), chứ không là chữ trở ( em trở thành thiếu phụ). Khôn ngoan né mình đủ để qua một phiên khởi tố của vụ đánh cắp lương tâm!
       Hà Nội đâu chiều hương cốm qua
       Chừ mưa lớp lớp trước hiên nhà
       Thời thôi đừng trách trời răng rứa
       Để nước vô tình rơi mắt cay.
                          ( Gửi người bạn Hà Nội - Lê Nguyễn)
       Mách nhỏ thi nhân rằng người Hà Nội không quen giọng mô tê răng rứa, có trách thì tự trách mình đã lỡ ngậm ngùi mùi hoa sữa để mưa quê nhà ướt áo gái quê!
       3. Đôi điều chia sẻ:
Phong cách thi ca có phong cách cá nhân mà cũng có phong cách của một trào lưu, của một vùng miền. Bằng một tập thơ, mỗi người thơ ý tứ lộ mình một tí, đủ để còn chừa chỗ cho bạn mình, nên thật khó nhận diện nét riêng của từng tác giả, song thật vui khi nhìn chung vẫn lộ một giọng riêng của một câu lạc bộ thơ với kha khá tuổi đời. Mười năm của một đời thơ không là nhiều nhưng mười năm của một CLB thơ thì đã là thời gian. Không chỉ hiện đại mà đâu đã từ xưa, tuổi thọ các câu lạc bộ thơ không quá vài mùa lá rụng.Và độ dài thời gian đã làm nên hiệu quả, đã nuôi dưỡng hồn thơ để các giọng thơ chín lên từng ngày, góp một nét riêng. Không đành làm người ngoại cuộc nên miên man trò chuyện cùng bạn thơ như một kiểu xin gửi lại người, mà mong chi có ngày hạnh ngộ cùng anh em khề khà thi phú. Cẩn trọng với tập Vẫy nắng lên xanh trên tay, nhìn bông hoa dại, chừng như là bông mất quê mình, băn khoăn chợt hỏi là bông thật mấthay là bông lạc mất?
(Đoạn này rơi đâu mất nhờ tác giả bổ sung thêm....)
                                              Việt An tháng 4/2015

                                                 Nguyễn Tấn Ái

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2015

309./ HOA LẠ NGÀY THƯỜNG


               Huỳnh Minh Tâm
                                       (cảm nhận về tập thơ "Những vũ điệu và khúc ca" 
                                          của Mộc Nhân Lê Đức Thịnh - nxb Hội Nhà Văn, 2015)

         
       Đọc “Những vũ điệu và khúc ca” của Mộc Nhân Lê Đức Thịnh tôi chợt miên man nghĩ đến những bông hoa lạ ngày thường. Những bông hoa gần gũi với đời sống  vậy đó nhưng đôi khi nhìn ngắm dấu yêu miệt mài chúng ta mới nhận ra nhiều hình ảnh xa lạ và cuốn hút - như một tình yêu nguyên sơ bí ẩn: “em mang theo những giấc mơ cổ tích/ có cả hạnh ngộ và niềm vui tĩnh mịch/ nhảy múa trên đôi chân trầm mặc điềm nhiên/ ẩn sâu những nghĩ ngợi về nỗi đau ám chặn đời người” (Những vũ điệu và khúc ca). 

       Mộc Nhân Lê Đức Thịnh là một giáo viên văn thực thụ, đầy nhiệt huyết. Anh đã có 30 năm đứng trên bục giảng để “rao truyền” về cái đẹp, nét tinh tế, sâu sắc của các kiệt tác văn chương, và dường như những “sinh nghề” trên đã ám vào anh, để anh yêu văn chương, ham thích viết văn làm thơ như một lẽ tất nhiên. Dẫu công việc sáng tạo, viết lách với anh không phải là một “khát vọng đến chết”, một “tử nghiệp mãnh liệt”, nhưng điều chắc rằng, đó là điểm tựa tuyệt vời của cuộc sống, mở ra những trang sách vĩ đại của tâm hồn:
       “đôi khi tôi vẫn nghĩ về em/ những cánh hoa vàng và nụ cười tươi/ em ban tặng tôi trong những tháng ngày cô đơn/ như ân sủng thiên thần và cứu rỗi” (Tôi có người em sống bên kia đồi cỏ)
       Và, cũng như những bông hoa, chúng ta hãy nhìn sâu vào nó, nhìn vào bản thể hồn nhiên lai láng tuyệt mật, rồi chúng ta sẽ bị nó hớt hồn, sẽ đưa chúng ta đi đến một bến bờ tình yêu nồng đượm sâu xa tuyệt tận- thơ ca cũng vậy. Dường như thơ ca ngày càng đi vào chiều sâu cuộc sống của nhà giáo Đức Thịnh, và nó mang anh đi qua nhiều ngóc ngách của tình yêu về “quê hương của thời trai trẻ”, về những kỉ niệm mênh mang núi rừng sông suối, về những đêm ca hát bất tận, về những giấc mộng kì hồ.
       “Anh đã quên cỏ vàng cồn lau xác xơ chiều đứng gió/ đường vào bản lẻ Pà Dương xa cõi người gần ma xó/ bóng cô hồn khuất trong chập choạng tà dương/ anh đã quên đá rêu xõa tóc em xanh/ bên thác G'răng gội trời xanh tháng giêng/ những cội rễ nhọc nhằn/ dây leo rối bời giăng mạng nhện bắt sao đêm tháng ba/ trăm năm chênh vênh nỗi cô đơn cùng vách đá/ mạch ngầm từ đâu đong nỗi buồn rỉ rả/ chảy tràn qua đồi gió hú khe truông” (Anh đã bỏ quên).
       Những cánh cửa thơ tự do, nhiều tiết điệu sông suối thác ghềnh đã cho anh cơ hội mở ra chiều sâu của suy tư và chiều rộng của cảm xúc, và anh đã ký thác được nhiều “thông điệp”, nhiều “chữ nghĩa”: “Bên kia nỗi buồn có điều được gọi tên là niềm vui/ nhưng để đến được phía ấy/ chúng ta phải mang theo nụ cười qua cơn gió/… chúng ta đang tìm kiếm/ bông hoa hướng dương lúc cuối đông/ hay những tia nắng khi trời vần vũ/ và tất thảy nằm ở/ bên kia cuộc đời” (Bên kia): “Khi em đọc điều này/ sự chết đã hóa kiếp/ dưới dòng sông vật vờ mùa lũ/ sâu thẳm biển khơi/ khe suối rì rào/ góc rừng âm u/ trong hương khói nghĩa trang/ ven đường nấm mồ vô chủ” (Khi em đọc điều này).
       Nhưng dường như anh còn ham muốn nhiều hơn thế, anh cũng đã thử bút ở nhiều dạng thể thơ ca:  thơ sáu chữ, thơ năm chữ, thơ lục bát, thơ vắt dòng, đoản thi, và rõ ràng điều ấy thật là khó khăn khi ra “biển lớn thơ ca”. Dẫu sao đó cũng là một tín hiệu rất đáng trân trọng cho một tâm hồn nhạy cảm với cái đẹp, với thơ ca, với khát vọng mới mẻ chính mình: “giản dị/ như mùa xuân/ chồi non/ thành ngòi bút/ chờ câu thơ/ mở nụ/ vàng/ cả chiều bâng khuâng” (Điều giản dị).
       Với tập thơ đầu tay thì tác giả bao giờ cũng háo hức chờ đợi tín hiệu vọng lại từ độc giả, với bao hồi hộp, bao âu lo và hy vọng. Nhưng tự bản thân “ tác phẩm thơ ca” bao giờ cũng tạo ra nguồn hạnh phúc miên viễn và đơn độc cho “người cha tâm hồn”. Bởi vì : “Thơ ca làm cho tất cả những gì tốt đẹp nhất trên đời trở thành bất tử - Shelly”,“là sự hiện thân cho những gì thầm kín nhất của con tim và thiêng liêng nhất của tâm hồn con người và cho những hình ảnh tươi đẹp nhất, âm thanh huyền diệu nhất trong thiên nhiên- Lamactin”; “Thơ, đó là những cách đi tới nơi tận cùng của ý thức”, “Thơ, là chiếc lá chói lọi của tưởng tượng. Nó phải rực sáng và làm cho bạn gần như mù quáng”, “Thơ, được tạo thành bởi những quầng sáng tan dần trong đại dương âm thanh”, “Thơ, là một tiếng nói ly khai chống lại sự lãng phí từ ngữ và sự thừa thải điên rồ của chữ in”, “Thơ, là cái gì tồn tại giữa các dòng chữ”, “Thơ, được tạo nên bởi âm tiết của những giấc mơ”, “Thơ, là cấu trúc (gestalt) của trí tưởng tượng-Lawrence Ferlinghetti”.
       Dù có những định nghĩa, những quan niệm phức tạp hoặc giản dị về thơ ca, thì tiếng nói, ngôn ngữ thơ ca của mỗi người đều rất riêng tư và hứng khởi. Và tôi rất hy vọng Đức Thịnh sẽ tiếp tục hành trình thơ đầy chông gai, khổ ải nhưng cũng tràn trề niềm vui thú cho những bước chân lên những đỉnh núi sắp tới, với cái nền dung dị, đầm ấm thơ ca của anh-như hoa cỏ ngày thường nhiều hương sắc lạ.
                                   Đại Lộc, ngày 17 tháng 7 năm 2015

Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015

308/ ANH TƯ


Nắng chiều thoai thoải trải dài, kéo từng vệt xuống mặt đường rồi rải rộng ra, lan tỏa khắp cánh đồng lúa đương thì con gái xanh mơn mởn và thơm một mùi thơm thoang thoảng. Có ai đó đã từng gọi đó là mùi đồng quê. Ừ, thì anh biết vậy, nghe vậy thôi, anh chẳng cần gọi tên, chẳng cần phải hít hà để nghe nó, bởi tự lâu, nó đã cùng anh sinh ra, cùng anh lớn lên, cùng anh trải qua bao vất vả của cuộc đời, cùng anh đi vào trong mỗi giấc ngủ, mỗi cơn mơ. Anh Tư vừa đi vừa nghĩ trong bụng như vậy.
Chiều nay, cũng như bao buổi chiều khác, với cái cuốc trên vai, đầu đội chiếc mũ tai bèo đã cũ và bạc thếch, chiếc áo xanh cũng bạc màu và loang lỗ những vệt mồ hôi, anh Tư lại men theo con đường mới đắp giữa cánh đồng bên cạnh nhà mình để ra ruộng. Vừa đi, vừa cười tũm tĩm, thỉnh thoảng anh khe khẽ huýt sáo. Ông Ba từ đằng xa đi tới, cất tiếng:
- Thằng Tư này kì nha mày, bữa nay đường rộng thênh thang, sao không đi cái xe máy như mọi người mà ra đồng cho nó lẹ mày?
Anh Tư lại cười, vẫy vẫy tay chào ông Ba thay cho câu trả lời. Bởi anh đang mãi theo đuổi cái suy nghĩ của mình. Từ ngày phong trào nông thôn mới được triển khai ở xã này, bao nhiêu là niềm vui đến với anh và mọi người. Đấy đấy, như cái con đường giữa đồng này chẳng hạn. Trước kia, cả cánh đồng, chỗ cao, chỗ thấp, tròn  có, méo có, vuông có, …. Vậy mà chỉ qua một năm thôi, giờ đã hoàn toàn khác rồi nhé, đám nào đám ấy vuông vức, bằng phẳng, lại có thêm những con đường to, rộng rãi để bà con có thể đi xe máy đến tận ruộng của mình. Chao ôi là vui, mà vui nhất chắc có lẽ là anh Tư! Bởi từ ngày ấy, ngày nào anh cũng mon men theo con đường ấy mà đi ra ruộng, cánh ruộng nhà anh nhờ công tác dồn điền đổi thửa mà đã qui về một mối nhé. Có khi chẳng làm gì anh cũng đi đi lại lại con đường ấy hàng chục lần trong ngày như để thưởng thức cái sung sướng khi làng quê thay đổi.
Mà anh vui không chỉ có thế. Bao nhiêu năm làm một lão nông, quen với con trâu, cái cày. Bỗng từ cái ngày đó đến nay, con Cộ nhà anh được nghỉ ngơi thoải mái, ung dung mà ăn cỏ, chăm con Nâu bé tí vừa mới chào đời được mấy tháng, bởi công việc của nó giờ đã có kẻ khác làm thay. Ấy là cái lão máy cày đùn đũn, vàng chạch của anh Bảy Sửu. (Mọi người trong xóm vẫn thường gọi vui như thế). Chà chà, chưa bao giờ anh thấy sung sướng thế. Điều khiển cái lão máy cày chắc là vui mà khỏe gấp trăm lần con Cộ nhé. Chắc là oai như được lái siêu ô tô đi dạo phố ấy. Anh nghĩ và thầm ao ước. Anh lại cười thầm trong bụng. Ừm! Tất cả cũng là nhờ sự đổi mới. Đó là cái cụm từ anh thường nghe mỗi lần đi họp thôn, họp xã. Cái đồng chí phó chủ tịch xã vẫn nói thế, thì anh nghe vậy.
Loanh quanh một hồi, anh Tư như chợt nhớ ra dự định ban đầu của mình. Anh lật đật vác cuốc lên vai lại men theo cái bờ ruộng nhỏ, ra phía xa hơn. Ở đấy, đám dưa nhà anh đang mùa đơm hoa, lá xanh biếng biếc như bàn tay của các cô gái đang xòe ra vẫy vẫy. Anh lại cười một mình. Mấy năm gần đây, ở quê anh rộ lên phong trào trồng dưa hấu, phải nói là nhà nhà trồng dưa, người người trồng dưa. Anh Tư cũng theo đó mà đầu tư vào mấy sào. Bao nhiêu là vất vả, nhiều lúc tưởng chừng như phải bỏ cuộc vì “được giá thì mất mùa mà được mùa thì mất giá”. Ông trời cũng thương cho bà con nên nhìn chung sau mấy vụ, thấy cũng khấm khá. Con Bé lớn nhà anh, nhờ vụ dưa trước được mùa, được giá đã có cái xe máy mà đi học dưới tỉnh. Nó mừng quýnh, rơm rớm nước mắt. Cứ ôm ba nó mà hôn ríu rít mặc cho mồ hôi, mồ kê từ người anh đổ ra mặn chát, hôi òm. Bởi từ nay, nó sẽ nhường cái xe đạp cọc cạch cho thằng em còn đang theo học dưới thị trấn. Mãi nghĩ, anh đã đến ruộng dưa lúc nào không hay. Chà chà, vụ này dưa tốt khiếp, lá um sùm thế này, chắc là quả cũng to lắm đây! Anh Tư mân mê từng chiếc lá, tỉ mẫn dòm từng gốc, từng ngọn xem có con sâu nào không, anh thì thầm trò chuyện như đang nói chuyện với đứa con gái nhỏ ở nhà. Nhắc đến nó, anh mới nhớ, chiều hôm qua, nó vít cổ ba mà bảo :
- Kì này ba nhớ đi họp phụ huynh cho con nha. Con được học sinh giỏi đấy!
Anh cười:
-         Ừ. Ba sẽ đi. Mà con có muốn ba thưởng gì không?
Đôi mắt con bé sáng rực, nhưng rồi nó lại lí nhi:
-         Thôi ba ạ! Nhà mình nghèo, con được thế này là tốt lắm rồi. Ba không cần thưởng cho con đâu ạ.
Tội nghiệp nó. Nhỏ tí thế mà đã biết nghĩ cho ba, cho mẹ rồi. Có lẽ nó là đứa có hiếu nhất nhà. Những khi đi làm về mệt, chỉ cần nhìn thấy nó tíu tít ôm đầu, ôm cổ, lấy nón, lấy mũ, quạt quạt cho là anh thấy bao nhiêu mệt mỏi tan biến hết. Anh cũng biết nó muốn có một chiếc xe đạp để đi học như bao bạn bè khác. Chứ trời nắng nóng thế này, mà cứ đi bộ gần hai cây số đến trường thì thật tội nghiệp. Ấy vậy nhưng chưa bao giờ nó vòi vĩnh anh điều gì cả. Thiệt tình thương hết sức. Anh tự hứa: vụ này mà bán dưa sẽ sắm cho nó cái xe đạp.
Mãi nghĩ, anh Tư chẳng biết ông mặt trời đã lặn mất từ bao giờ. Phía xa chân trời chỉ còn lại một vài ngấn đỏ, kéo ra xa xa rồi chui vào bức chăn mây. Ráng chiều đỏ lựng, xa xa chỉ còn lại thấp thoáng vài cánh chim chiều lửng thửng như chưa muốn bay về tổ. Anh nhìn những hàng dưa trải dài ra trước mặt, xa tít đến tận phía đường chân trời. Chợt thấy mình đang ngồi trên chiếc máy cày, ù ù chạy trên những thửa ruộng phẳng lì, thênh thang đang vào vụ.
                                    Huỳnh Thị Hồng Vy – Trường THCS Nguyễn Hiền

Thứ Hai, 20 tháng 7, 2015

307/Bài phát biểu Lễ Tuyên dương khen thưởng điển hình tiên tiến huyện Phú Ninh giai đoạn 2010 -2014


     Kính thưa quý vị đại biểu cùng các bác lãnh đạo
     Kính thưa hội nghị.       
      Hôm nay trong không khí trang trọng của Lễ tuyên dương khen thưởng gương điển hình tiên tiến của huyện Phú Ninh giai đoạn 2010-2014,  em rất lấy làm vinh dự được thay mặt cho học sinh giỏi của huyện Phú Ninh bày tỏ những một số ‎ý kiến về vấn đề học tập rèn luyện của bản thân  trong thời gian qua. Lời đầu tiên em kính gửi đến quí cô chú đại biểu, quí bác lãnh đạo và toàn thể hội nghị lời chúc sức khoẻ và thành đạt, chúc buổi hội nghị thành công tốt đẹp.
Kính thưa quý vị đại biểu cùng các bác lãnh đạo
Thưa hội nghị.       
Em tên là Nguyễn Phan Công Vương sinh ra và lớn lên ở vùng đất thôn Xuân Phú -xã Tam Thái là học sinh lớp 9/1 trường THCS Nguyễn Hiền huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.
Bản thân em được may mắn hơn các học sinh khác là có hoàn cảnh khá thuận lợi là được học ở trường THCS Nguyễn Hiền( lớp chất lượng cao) của huyện Phú Ninh. Ngôi trường đã được sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy Đảng, chính quyền, phòng GD-ĐT và các ban ngành đoàn thể ở địa phương nên có cơ sở vật chất trang thiết bị khá khang trang. Đội ngũ thầy cô giáo có nhiều kinh nghiệm, nhiệt tình trong công tác giảng dạy, quan tâm, gần gũi học sinh. Bạn bè là những hạt nhân tốt được đến từ khắp các xã lân cận. Gia đình, người thân rất quan tâm đến việc học tập, luôn động viên, nhắc nhở. Đặc biệt, hằng năm các hội, đoàn thể ở thôn, xã, dòng tộc và người thân đã có những phần thưởng cho thành tích học tập là nguồn khích lệ lớn đối với em trong  học tập. Tuy nhiên, trong cuộc sống em cũng gặp không ít khó khăn nhất định; Kinh tế gia đình chỉ dựa vào thu nhập chính là lương nghề giáo của ba, nên ngoài giờ học em còn phải giúp gia đình trong công việc đồng án. Vì ở xa trường, nên việc đi lại của bản thân còn khó khăn- nhất là vào  mùa mưa bão.
 Phát huy những thuận lợi có được, vượt qua những khó khăn của hoàn cảnh, đáp lại sự ưư ái quan tâm của nhà trường  và xã hội em đã có nhiều nỗ lực trong mọi hoạt động học tập, rèn luyện .
       Kính thưa các vị đại biểu, các bác lãnh đạo, thưa toàn thể hội nghị !
     Để bản thân có được kết quả như hôm nay và  vinh dự được báo cáo tham luận tại hội nghị. Em xin trình bày một số phương pháp học tập có hiệu quả của bản thân như sau:
       1) Trước tiên để học được tốt thì cần phải có niềm say mê, yêu thích môn học đó và có nhận thức đúng đắn về nó, xác định rõ học tập tốt, kiến thức vững vàng sẽ là hành trang giúp chúng ta có thể tự tin bước vào tương lai. Đây chính là yếu tố giúp cho em có những suy nghĩ, hiểu biết ban đầu về việc học.
      2) Đọc bài, soạn bài chu đáo trước khi đến lớp, tự tìm ra các phương án trả lời theo câu hỏi định hướng trong SGK. Khi ở trên lớp phải chú ý lắng nghe lời giảng của thầy cô, ghi chép đầy đủ, cẩn thận và suy nghĩ. Về nhà xem lí thuyết, cố gắng hồi tưởng lại các kiến thức thầy cô giảng trên lớp, kết hợp với trả lời và làm bài tập trong sách giáo khoa, sách bài tập, sách tham khảo.
      3) Lập và thực hiện nghiêm túc theo thời gian biểu đã đề ra cho từng môn học. Có kế hoạch học tập khoa học, hiệu quả. Thường xuyên tham khảo thêm các kiến thức bổ trợ cho môn học từ các nguồn (sách tham khảo, báo tạp chí, Internet …) cũng là cách nâng cao chất lượng học tập.
       4) Tục ngữ Việt Nam có câu: “Học thầy không tày học bạn”. Vì thế, em luôn có ý thức học bạn, nhờ bạn giảng giải thêm cho những kiến thức chưa hiểu, những bài tập chưa làm được. Ngoài ra, sau mỗi tiết học hay sau mỗi giờ ra chơi, em gặp riêng thầy cô bộ môn, nhờ thầy cô giảng lại những kiến thức chưa hiểu.
      5) Em luôn nỗ lực trong tất cả các môn học bằng phương pháp học tích cực. Không lệ thuộc vào bài  giải, bài mẫu em luôn đào sâu suy nghĩ tìm ra phương pháp làm bài theo từng dạng. Đặc biệt đối với bộ môn toán, mỗi bài em đều  tìm nhiều cách giải khác nhau để rút kinh nghiệm ở những cách ngắn gọn và hay nhất. Thực hiện phương châm “ Thắng không kiêu, bại không nản”, đối với những bài khó không nản chí mà phải làm cho bằng được. Trong thi cử em bình tĩnh, tự tin, vận dụng tối đa hết thời gian làm bài, làm xong bài nào kiểm tra lại bài đó để tạo sự chắc chắn.  
          Từ những cố gắng đó em đã đạt được thành tích trong những năm qua là:
         - Năm học 2011-2012: Đạt danh hiệu học sinh giỏi; Đạt giải nhất môn Vật Lý, Giải nhì môn Toán, Giải khuyến khích môn Casio cấp huyện
       - Năm học 2012-2013: Đạt danh hiệu học sinh giỏi; giải nhất Casio, giải nhì toán, giải khuyến khích môn Vật Lý cấp huyện.
       - Năm học 2013-2014: Đạt danh hiệu học sinh giỏi; giải nhất casio, nhất toán cấp huyện, giải khuyến khích casio cấp tỉnh.
       -  Năm học 2013-2014: Đạt danh hiệu học sinh giỏi; giải nhất casio, nhất toán, nhất tin cấp huyện, giải ba casio, giải nhất toán cấp tỉnh.
 Những thành tích của em còn chưa cao. Song đó là kết quả của cả một quá trình em kiên trì, nỗ lực phấn đấu không ngừng trong suốt thời gian qua. Đây là món quà mà em muốn kính dâng lên ba mẹ, thầy cô và các bác lãnh đạo các cấp, quí vị đại biểu cùng toàn thể hội nghị trong buổi lễ trọng đại và đầy ý nghĩa này.
       Niềm vinh hạnh bản thân trong giờ phút hôm nay,  em nguyện sẽ mang theo suốt những chặng đường của đời học sinh. Em tự nhủ mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để chặng đường dài sắp tới  luôn phấn đấu hết mình để xứng đáng là con ngoan trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ. Đền đáp lòng mong mỏi quí vị đại biểu, quí cấp lãnh đạo, ba mẹ, thầy cô và mãi xứng đáng là học sinh của những mái trường trên đất Phú Ninh anh hùng và để trở thành những người công dân tốt trong tương lai góp phần dựng xây quê hương Phú Ninh - Quảng Nam, đất nước Việt Nam giàu đẹp như Bác Hồ hằng mong đợi .
 Lời cuối cùng, em xin gửi đến quí vị đại biểu, quí cấp lãnh đạo và toàn thể hội nghị chúc sức khỏe. Em xin trân trọng kính chào.                       

                               *********************************

Thứ Năm, 16 tháng 7, 2015

305 / Những thói quen tốt giúp mắt khỏe


 Có rất nhiều nguyên nhân tàn phá thị lực, từ việc ngủ với kính áp tròng đến việc dụi mắt thường xuyên. Để bảo vệ thị lực, theo các chuyên gia nhãn khoa của Hiệp hội American Optometric, cần thực hiện những thói quen sau:


Sử dụng kính mát
Đeo kính râm giúp bảo vệ mắt chống lại các tia UV có hại từ mặt trời. Kính mát giúp làm giảm độ chói của mặt trời và với những cặp kính “xịn” có thể lọc được gần như 100% tia cực tím có hại, theo Dailyhealthpost.
Thường xuyên tiếp xúc tia UV có thể gây tổn hại cho giác mạc, thủy tinh thể và võng mạc. Các loại kính mát phù hợp cần được chuyên viên đo mắt tư vấn vì mỗi cá nhân có nhu cầu riêng.
Hạn chế thiết bị điện tử
Ngày nay, chúng ta sử dụng thiết bị điện tử nhiều hơn bao giờ hết. Mỏi mắt là chấn thương lặp đi lặp lại, được biết là do tiếp xúc với điện thoại, máy tính, trò chơi điện tử… quá nhiều. Ngoài ra, điều kiện làm việc không phù hợp, ánh sáng chói từ màn hình của thiết bị điện tử cũng là những tác nhân gây hại cho mắt.
Ánh sáng chói có thể khiến cơ mắt mệt mỏi và khi điều này xảy ra sẽ gây khó khăn cho việc nhìn rõ những gì trên màn hình. Có rất nhiều cách để giảm mỏi mắt như: đặt màn hình máy tính đúng tầm mắt và đúng khoảng cách, để mắt nghỉ ngơi sau một lúc sử dụng vi tính, thay đổi sự tập trung của mắt, chớp mắt, và giảm thiểu ánh sáng chói trên màn hình điện tử.
Không ngủ với kính áp tròng
Mặc dù có kính áp tròng được thiết kế đặc biệt để mang vào ban đêm, nhưng các bác sĩ nhãn khoa vẫn chống lại việc mang kính qua đêm. Giác mạc, là lớp ngoài cùng của mắt, đảm trách vai trò nhận được oxy từ môi trường bên ngoài. Đeo kính áp tròng trong khi ngủ sẽ ngăn oxy vào mắt, từ đó dễ dẫn đến viêm loét giác mạc.
Viêm loét giác mạc có thể gây mờ mắt, đau mắt, chảy nước mắt, đỏ, ngứa… Vì thế, để bảo vệ sức khỏe cho mắt nên nghiêm túc tuân theo khuyến nghị của chuyên gia mắt.
Hạn chế thuốc nhỏ mắt
Thuốc nhỏ mắt giúp bôi trơn mắt và khiến các mạch máu co lại để làm tình trạng đỏ biến mất, nhưng không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ. Đôi khi sử dụng thuốc nhỏ mắt có thể có tác dụng phục hồi mắt, nhưng không nên lạm dụng. Hạn chế nhỏ hơn 4 lần 1 ngày.
Không ngủ với phấn mắt
Lớp trang điểm trên mắt nếu còn vướng lại qua đêm rất dễ gây ra nguy cơ gia tăng nhiễm trùng. Các hạt nhỏ từ mỹ phẩm có thể đi vào mắt và gây kích ứng. Vì vậy, trước khi đi ngủ, rất quan trọng để tẩy trang cho mắt, nhằm lấy sạch lớp bóng mắt, mascara hay bất kỳ sản phẩm nào khác còn vương trên mắt.
Bỏ kính áp tròng hết hạn
Giống bất kỳ các loại thuốc, kính áp tròng cũng có hạn sử dụng mặc dù nó được cất giữ cẩn thận trong hộp, nhưng thời gian có thể khiến nó bị hỏng và các ống kính trở nên ô nhiễm.
Khám mắt định kỳ
Theo Dailyhealthpost, rất quan trọng để đi khám mắt mỗi năm nhằm đảm bảo đôi mắt khỏe mạnh và không có vấn đề. Một buổi kiểm tra mắt cũng có thể phát hiện ra nhiều triệu chứng của bệnh mà nếu bình thường có thể bạn khó phát hiện, chẳng hạn như tiểu đường, bệnh tăng nhãn áp hay khối u não.
Trẻ em nên bắt đầu khám mắt hằng năm từ 3 tuổi trở lên. Người lớn, ở độ tuổi dưới 40, không có tiền sử gia đình hoặc các bệnh về mắt và có tầm nhìn tốt nên kiểm tra mắt mỗi 2-3 năm. Sau 40 tuổi, cần kiểm tra mắt mỗi năm hoặc 6 tháng một lần nếu bị tiểu đường hay có các vấn đề sức khỏe của mắt.
Tránh cọ xát mắt
Rất khó để tránh dụi mắt, đặc biệt khi bị ngứa hoặc mệt mỏi. Dụi mắt có thể truyền vi khuẩn từ tay vào mắt và gây kích ứng, nhiễm trùng hoặc viêm kết mạc. Nếu bị cảm lạnh hoặc dị ứng và thấy khó tránh khỏi việc gãi mắt, ít nhất hãy tập thói quen rửa tay thường xuyên để loại bỏ vi khuẩn và bụi bẩn bám vào tay.
Chăm sóc sức khỏe
Nhiều người không nhận ra tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe tổng thể. Kiểm soát cholesterol và huyết áp cũng như kiểm tra sức khỏe thường xuyên có thể giúp bảo vệ tầm nhìn. Cao huyết áp mãn tính hoặc bệnh tiểu đường, nếu không được chẩn đoán kịp thời có thể dẫn đến biến chứng thị lực và thậm chí gây mù lòa.
Tóm lại, để duy trì tầm nhìn khỏe mạnh, cần ăn những thực phẩm giàu dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe và kiểm tra mắt thường xuyên nhằm tránh các biến chứng hoặc các vấn đề sức khỏe khác có thể tác động tiêu cực đến thị lực.
Ngọc Khuê

Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015

304/ BÓNG HẠ





 Hạ về từ tháng năm nào 
 Thơm vàng   sợi  nắng in vào bóng  ta 
 Chạnh lòng những tiếng ve  xa 
 Thiên thu tình thuở để mà tìm đâu?
 Thời gian con nước qua cầu 
 Tình là chiếc lá  sông sâu sóng đào  
 Hạ về chiều rớt  xanh xao
 Con đường đôi ngã lao đao bóng mình...


   TT







304/Cuộc sống





Suy nghĩ thực tế, cảm nhận những điều đẹp đẽ, mong muốn cái tốt lành; đó chính là mục đích của cuộc sống hướng thiện .
        Plato

Đời là cuộc đấu tranh liên tục; nó luôn được cải biên với nhưng khó khăn mới. Và chúng ta sẽ chiến thắng nhưng bao giờ cũng phải trải giá.
                                 Mirko Gomex

Nếu bạn muốn đi qua cuộc đời không phiền toái thì chẳng nên bỏ đá vào túi mà đeo
                              V. Shemtchisnikov.

Thiên đường ở chính trong ta. Địa ngục cũng do lòng ta mà có .
                                      Chúa Jésus

Cuộc sống của chúng ta là cố gắng và lao động. Sự nghỉ ngơi hoàn toàn chỉ chờ chúng ta ở trong những nấm mồ
                              Dex-to-ep-xki

Hãy can đảm mà sống bởi vì ai cũng phải chết một lần


Nhiều người đã khóc khi chào đời, phàn nàn khi đang sống và chán chường khi tắt thở

Bốn mươi là tuổi già của lớp trẻ, năm mươi là tuổi trẻ của lớp già

Bao giờ ta cũng phải luôn luôn có một nơi nào để đến

 Những người vui hưởng cuộc sống thì không  bao giờ là kẻ thất bại

Chúng ta hãy cố gắng để chỉ chết một lần thôi
Cantauzene 


Cuộc đời ngắn ngủi không cho phép ta hy vọng quá xa
Ngạn ngữ Latin

Đừng sống theo điều ta mong muốn
Hãy sống theo điều theo điều ta có thể

Người muốn đi thì số phận dẫn đi
Người không muốn đi thì số phận kéo lê
Ngạn ngữ Latin


Cuộc sống như một cuốn sách. Kẻ điên rồ giở qua nhanh chóng. Người khôn ngoan vừa đọc vừa suy nghĩ vì biết rằng mình chỉ được đọc có một lần
Giăng Pôn 

Một người nào đó đã chết điều đó chưa chắc chắn đã phải người ấy đã từng sống
X.Letx

Khi con người ta sống chỉ vì mình thì trở thành thừa đối với những người còn lại
I.Rađep


Thảm họa của tuổi già không phải là ở chỗ người ta đã già mà là ở chỗ: người ta không còn cảm thấy trẻ trung nữa
O.Uaind

Thời gian không đo lường bằng năm tháng mà bằng những gì chúng ta làm được
H.Cason

Cuộc sống là nghĩa vụ ngay cả trong trường hợp nó chỉ diễn ra trong khoảnh khắc
W.Gớt

Người ta còn sống mà làm gì, khi mà sau gót giày, gió quét sạch ngay dấu tích cuối cùng của ta
S.Xvâygơ

Khi không còn ai ghen tị với bạn thì hãy xem lại liệu mình đã sống đúng chưa
M.Ghenin

Người nào có thể làm mỗi giây phút đều tràn ngập một nội dung sâu sắc thì người đó sẽ kéo dài vô tận cuộc đời mình
I.Cuôcxơ

Chỉ có cuộc sống vì người khác mới là cuộc sống đáng quý
A.Einstein

Người hạnh phúc nhất không cần phải có mọi thứ tốt nhất, họ chỉ là người làm cho mọi việc, mọi chuyện đều diễn ra theo ý họ. Hạnh phúc thường đánh lừa những ai khóc lóc, những ai bị tổn thương, những ai đã tìm kiếm và đã thử. Nhưng nhờ vậy, họ mới biết được giá trị của những người chung quanh họ.

Điều quan trọng không phải chúng ta sống được bao lâu mà chúng ta phải sống như thế nào
                                                                               Bailey

Đời là một hài kịch đối với những người hay suy nghĩ và là một bi kịch đối với những người đa cảm
G. Suip
  
                                                                                        Sưu tầm