Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

131/ TƯ LIỆU CHO BÀI THUYẾT MINH VỀ DANH LAM THẮNG CẢNH: HỒ PHÚ NINH



         Phú  Ninh – tên gọi của một làng quê nhỏ bé nằm trên bờ sông Quán từ buổi sơ khai. Và hôm nay, Phú Ninh đã trở thành tên gọi thân quen của một vùng hồ rộng lớn, một công trình thế kỷ - Đại thủy nông Phú Ninh, một thắng cảnh du lịch hấp dẫn của Quảng Nam.


        Cách thị xã Tam Kỳ khoảng 7km về phía Tây – Nam, Phú Ninh xưa kia là mảnh đất của con người hiền hòa, chân chất đã từng với người dân một nắng hai sương góp phần làm nên một vùng quê trù phú. Và chiến tranh xảy ra, Phú Ninh lại cùng với người dân nơi đây sống mái với kẻ thù, góp phần không nhỏ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại.
       
       Sau ngày thống nhất đất nước (tháng 3/1975), Phú Ninh lại một lần nữa bước vào cuộc cách mạng mới – xây dựng CNXH. Hai năm chuẩn bị cho dự án (1975 – 1977) – công trình Đại thủy nông Phú Ninh được phê duyệt và chính thức khởi công (3/1977), và đến ngày 31/12/1985 công trình cơ bản hoàn thành. Đây là thành quả lao động của nhân dân Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ), của mồ hôi và máu của những người đã cống hiến để Phú Ninh và người dân đất Quảng có được cuộc sống ngày hôm nay dưới chế độ XHCN.



        Với diện tích khoảng 36 km2, dung tích toàn bộ khoảng 344 triệu m3, Phú Ninh góp phần tạo nên một tiểu vùng khí hâu ôn hòa, với nhiệt độ trung bình khoảng 260C.
        Phú Ninh được bao bọc bởi đồi núi ở các xã: Tam Xuân ở phía Đông;  Tam Dân – Tam Thái ở phía Bắc; Trà Bồng – Trà Liên ở phía Tây và Tam Sơn ở phía Nam. Ngoài ra, Phú Ninh còn có cánh rừng phòng hộ khoảng 23.000 ha.
         Lòng hồ có gần 30 đảo lớn nhỏ, tạo nên một quần thể sơn thủy hữu tĩnh; trong đó có một số đảo lớn như đảo Ông Sơ, đảo 61, đảo Rùa,… giống như một Hạ Long thu nhỏ.
         Phú Ninh còn là vùng thổ nhưỡng đa dạng, nên ở đó hình thành nên hệ thực vật và động vật phong phú. Với khoảng 142 họ thảo mộc, trong đó có nhiều nhóm thảo mộc hoặc dược liệu quý hiếm; có khoảng 148 loài động vật mà trong đó 14 loài được ghi vào sách đỏ cần được bảo tồn. Và đặc biệt, Phú Ninh có mỏ nước khoáng quý giá, góp phần cho việc chữa bênh và giải khát.
                          


          Và Phú Ninh còn là một vùng quê yên tĩnh, không khí trong lành, làng mạc bao quanh dưới những rặng tre xanh, rừng cây tỏa mát. Tiềm năng du lịch của Phú Ninh không nhỏ và hấp dẫn, du khách sẽ chiêm ngưỡng Phú Ninh một cách trọn vẹn nếu một lần đến đây tắm mát vào buổi trưa hè, ngồi câu cá trên bờ hồ với lòng nước trong xanh, tung tăng cá lội, hay du thuyền vào những đêm trăng sáng để tận hưởng những gì thơ mộng nhất của Phú Ninh



 sưu tầm 


Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

130/ BÀI VĂN THUYẾT MINH VỀ CÂY BÚT BI



Từ thời xa xưa, con người đã cần đến dụng cụ để viết. Cây bút của người cổ đại rất thô sơ bằng tre, đá và cả bằng lông chim, lông ngỗng. Nhưng để thuận tiện hơn trong việc viết lách, người ta đã phát minh ra bút bi. Cây bút bi tưởng chừng như bé nhỏ nhưng lại là phát minh đóng góp to lớn cho sự hình thành và cách mạng hóa việc viết chữ.
Nguồn gốc của cây bút bi là do một người thợ Tây phương sáng chế ra nhưng không được khai thác thương mại. Mãi đến những năm cuối thế kỉ XIX, một nhà báo người Hungary tên là Lazso Biro đã nhận thấy sự bất tiện trong việc viết bằng bút chấm mực. Loại bút mới phát minh này rất lâu khô, dễ lem, rất nặng và đầu bút nhọn. Sau đó, Lazso Biro đã cải tiến cây bút này thành một loại bút có một ống mực và đầu viết có một viên bi lăn. Nhờ sự ma sát giữa viên bi và giấy mà mực được viết ra. Thế nhưng lại một vấn đề mới được đặt ra, loại mực của chiếc bút bi này rất lâu khô và không thích hợp cho nghề báo của ông đặc biệt là phải đi nhiều nơi lấy thông tin và ghi tốc kí. Và Lazso Biro lại cặm cụi tìm cách giải quyết. Ông để ý thấy loại mực dùng để in báo rất mau khô. Ông đã vận dụng sự phát hiện này để hoàn thiện cây bút của mình. Với sự giúp đỡ của anh họ là một nhà nghiên cứu khoa học, ông đã giải quyết được tình trạng của cây bút. Cây bút của ông viết mau khô hơn. Năm 1887, ông nhận bằng sáng chế Anh quốc và từ đó bút bi được sử dụng rộng rãi cho tới ngày nay.

129/ TỪ ĐỒNG NGHĨA


1. Đã có không ít quan niệm được nêu lên cho hiện tượng này với những dị biệt ít nhiều. Nhìn chung, có hai hướng quan niệm chính: một là dựa vào đối tượng được gọi tên, hai là dựa vào khái niệm do từ biểu thị.
Thực ra, từ đồng nghĩa không phải là những từ trùng nhau hoàn toàn về nghĩa. Chúng nhất định có những dị biệt nào đó bên cạnh sự tương đồng (mặc dù phát hiện sự dị biệt đó không phải lúc nào cũng dễ dàng). Chính sự dị biệt đó lại là lí do tồn tại và làm nên những giá trị khác nhau giữa các từ trong một nhóm từ đồng nghĩa. Rõ ràng tính đồng nghĩa có những mức độ khác nhau, và ta có thể nêu quan niệm như sau:

Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

128/ KHI NGƯỜI ĐÀN BÀ LÀM THƠ



Khi người đàn bà làm thơ
Nắng nhỏ giọt, mưa thành dòng lệ
Mùa đông ê chề
Hạ khát cháy da

Khi người đàn bà làm thơ
Cái thực giữa đời thường thành giấc mơ tiềm thức
Và bốn mùa rạo rực
Nỗi yêu thương một kiếp con người

Khi người đàn bà làm thơ
Cái lem luốc bị đá văng giữa những trò đời nghịch lí
Những tầm thường ích kỉ
Thành tiếng cười chua cay

Khi người đàn bà làm thơ
Đa đoan từ nét bút
Xé toang hủ tục
Khinh khi bất bình đẳng con người

Khi người đàn bà làm thơ
Có biết bao người vừa cười vừa khóc
Khóc vì bão lòng được nói hộ tự bao giờ
Cười vì coi thường lẽ tự nhiên

Khi người đàn bà làm thơ
Cái điên trong lòng tự cháy
Thiêu rụi những tơ lòng gấp gãy
Đốt rực những mảnh ghép cuộc đời

Khi người đàn bà làm thơ
Âu cũng là định mệnh
Thơ tự nói những gì khao khát
Cái thực giữa cơn mơ

Lo thay...người đàn bà ...làm thơ


 Xuân Giang 

127/ ĐỀ TÀI NGƯỜI LÍNH TRONG THƠ VIỆT NAM

Đề tài, vốn được xem như một mảnh đất mời gọi những người viết gieo trồng và gặt hái. Nhưng thật lạ, cũng từ đó, với tài năng tái cấu trúc thành thế giới nghệ thuật riêng của mình, nhà văn đã giúp đề tài có tầm vóc hơn. Nó không bạc màu, cũ kĩ mà xanh tươi và mênh mông như một thảo nguyên rộng lớn lôi cuốn những cây bút đi sau. Ấy mới là lúc nhà văn đã tri ân được “mảnh đất” đã làm nên tên tuổi của mình.
Hào hoa và mộc mạc

Trong văn học Việt Nam hiện đại, đề tài người lính là một trường hợp khá đặc biệt. Cho dù, từ Đề cương văn hoá Việt Nam (1943), văn học, nghệ thuật đã được định hướng rõ ràng với hướng đi “phục vụ chính trị, cổ vũ chiến đấu”. Nhưng rồi, không vì thế mà hình tượng người lính đi vào văn chương một cách khiên cưỡng. Từ những năm đầu kháng chiến, chính những người lính cầm bút đã tự cảm nhận về mình bằng những cách riêng. Với chàng trai xuất thân từ trí thức thành thị thuở ban đầu tham gia kháng chiến, họ hình dung về chính mình vẫn còn mang dáng dấp những anh hùng nghĩa sĩ trong sử sách. Nghĩa là vẫn cấu trúc nên giá trị mới bằng những chất liệu cũ:

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

126/ PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC DỰA TRÊN GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ


           Như chúng ta đã biết, mỗi một phương pháp giảng dạy dù cổ điển hay hiện đại đều nhấn mạnh lên một khía cạnh nào đó của cơ chế dạy-học hoặc nhấn mạnh lên mặt nào đó thuộc về vai trò của người thầy. Cho dù các phương pháp thể hiện hiệu quả như thế nào thì nó vẫn tồn tại một vài khía cạnh mà người học và người dạy chưa khai thác hết. Chính vì thế mà không có một phương pháp giảng dạy nào được cho là lý tưởng. Mỗi một phương pháp đều có ưu điểmcủa nó do vậy người thầy nên xây dựng cho mình một phương pháp riêng phù hợp với mục tiêu, bản chất của vấn đề cần trao đổi, phù hợp với thành phần nhóm lớp học, các nguồn lực, công cụ dạy-học sẵn có và cuối cùng là phù hợp với sở thích của mình. 

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

125/ THƠ TẶNG CON GÁI YÊU




Con gái (Lê Nguyễn Anh Thư ) đang cầm 2
 cái muỗng chuẩn bị cắt bánh sinh nhật 


22  tháng 11
Ngày sinh nhật của con.

Con sinh ra trong những ngày đầu  đông
Chiều  xa thu mà nắng vẫn hồng
Đêm  gió lạnh mà lòng vẫn ấm
Me yêu con, yêu từng  tiếng  khóc
Ánh mắt con cừời, mẹ chẳng biết đêm thâu  


Món quà dễ thương dành cho
con gái mẹ sinh năm hợi

                            Con  có nhớ ngày đầu tiên đi học
                            dốc Suối Đá  mẹ dỗ dành… con lại khóc
                            từng nét chữ thấm  lời ru  của đất
                            chăm cho con … mẹ  đợi  từng  ngày…
   
 Con gái mẹ giờ đã lớn
"tuổi mười  bảy bẻ gãy sừng trâu"
 con  hãy kiên cường
 để  bắt đầu cho cuộc đời  phía trước
  giữa biển trời  xa thẳm mênh mông…

                          Tuổi mười  bảy nụ cười tươi rạng rỡ
                           tuổi hồn nhiên con cứ hãy hồn nhiên
                           có mẹ đây gánh hết mọi ưu phiền.
                           cho con những tháng ngày đẹp nhất.  

Mẹ có thể trở thành kẻ nghèo hèn
già nua, ốm yếu
chỉ mong con vững chãi bằng người
mong con luôn đẹp nụ cừơi  
và mãi là con của mẹ.

                         Mẹ làm sao quên
                         22-11, ngày  sinh  con gái
                         món quà mẹ tặng
                         là tình yêu  trọn vẹn  dành  cho con.









Nguyễn Thị Bích Trâm


Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

124/ NẾU EM...!



Em không yêu các giờ văn của tôi
bởi thời đại đã làm em nhàm chán
bởi thời đại đã làm em phiêu lãng

Nhưng tôi tin rằng nếu  em đến với tôi
cảm nhận và yêu thương những lời tôi giảng
sẽ trân trọng những đám mây lãng đãng
trân trọng phút giây được học làm người

Điểm chín điểm mười
không phải là điều tôi mong em vươn tới
Những  giờ văn làm tôi chới với…
Lẽ nào tôi thành cái máy truyền tải văn chương
Em cũng khát khao được đến giảng đường như tôi từng đến
Em cũng yêu tôi như bao người đã từng yêu
Nhưng em ơi! Em có biết một điều?
Muốn yêu ai trước tiên phải yêu những gì mình đã có
Em phải yêu từ ước mơ bé nhỏ
Trong đó có ước mơ được học làm người

Em hãy đến với tôi
hãy yêu giờ văn của tôi dù chưa trôi chảy
em có biết chăng
tôi đã cháy hết mình trên bục giảng sáng nay
Tôi đã lặng  tìm bao nẻo văn chương
để gửi đến em những lời yêu thương
như tôi đã từng yêu cuộc sống.
để làm nên những điều trong mộng
cho hồn  em là  cõi thần tiên
Và tôi đã gặp em nơi chốn ấy dịu hiền.


     ( Tặng các học trò nhỏ của tôi – Cô Đoàn Thị Nhung) 

Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

123/ BIỂN LẶNG THẦM TRONG EM


Biển có tự bao giờ
Mà mênh mông đến vậy?
Con sóng cuộn đêm ngày
Thành cồn cào nỗi nhớ.

Bờ cát dài muôn thuở
Hàng dương soi đôi bờ
Vết chân xưa đâu nữa?
Em về tìm tháng năm

Kỉ niệm mờ xa xăm
Mất hút ngoài khơi ấy
 Em với tay tìm lại
Con sóng mãi xô bờ

Dang dở thành vần thơ
Xuống dòng thành dấu lặng
Anh giờ thành xa vắng
Biển lặng thầm trong em.

Xuân Giang

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

122/ KHÔNG THỂ GỌI LÀ "MỚI" NẾU THIẾU SINH KHÍ CHUYÊN MÔN


(GD&TĐ) - Những năm gần đây, hầu hết báo cáo của các trường học từ bậc học Mầm non đến Đại học đều có cụm từ “ đổi mới phương pháp dạy và học”. Đây là lẽ đương nhiên, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quán triệt về tinh thần nâng cao chất lượng giáo dục phải bắt đầu bằng sự cải tiến, đổi mới phương pháp dạy và học, phương pháp đánh giá, thi cử…
Trong thực tế, mọi sự trì trệ, chậm đổi mới đều không thể theo kịp với xu hướng phát triển của đất nước, của thời đại, huống gì, giáo dục và đào tạo vốn chiếm lĩnh một vị thế quan trọng trong xã hội.
Tuy nhiên, đổi mới phải bắt đầu từ đâu và đổi mới như thế nào để tạo hiệu quả thật sự thì không phải trường nào cũng có lời giải đáp thấu đáo. Còn nhiều báo cáo sơ kết, tổng kết mang tính liệt kê kết quả mà chưa nêu ra được biện pháp để đạt được kết quả đó, hoặc giả, chỉ nêu rất chung chung những việc mà không ai không biết.



Tôi cho rằng, đây là một bản báo cáo không chỉ thoát ly được tình trạng chung chung nêu ở trên, không những thế, vấn đề nêu lên rất giản dị nhưng lại có sức thuyết phục.Mới đây, tình cờ, tôi đọc được trong báo cáo sơ kết năm học của một phòng giáo dục và đào tạo có dòng chữ: “ Việc đổi mới phương pháp phải bắt đầu từ tạo sinh khí dạy và học”.
Hãy hình dung, khi một phó hiệu trưởng quản lý chuyên môn thông báo trước tập thể rằng: “ Trường ta phải quyết tâm đổi mới phương pháp giảng dạy”, nhưng các giáo viên lại chỉ coi đó là một mệnh lệnh mà không hề có khí thế nào để đổi mới chỉ vì chưa  hình dung trước mắt họ sẽ phải làm gì và con đường để đổi mới ra sao.
Có thể nói, sinh khí là mắt xích khởi đầu cho một chuỗi vận hành dạy và học. Nếu mắt xích khởi đầu mà vướng mắc thì tất cả sẽ ngưng trệ lại. Hầu hết những giáo viên dạy giỏi, được học sinh ngưỡng mộ đều là những người nhiệt thành, say mê chuyên môn.
Từ những bài dạy đầy sinh khí của họ đã truyền lửa say mê, sáng tạo cho học sinh. Chỉ tiếc là những giáo viên đó vẫn chưa nhiều. Vấn đề có tính quyết định, ai là người sẽ khơi nguồn và tiếp thêm lửa nhiệt tình, say mê trong họ?
Trả lời câu hỏi này, xin viện dẫn một vài ví dụ: Thời chiến tranh chống mỹ, tôi đã được chứng kiến những bữa cơm độn toàn bột mỳ ăn với rau bí, rau khoai chấm mắm của các thầy cô giáo ở trường học nơi sơ tán; nhưng ngày 2 buổi các thầy cô vẫn lên lớp dạy chính khóa, dạy ngoài giờ, mà không hề thu tiền học thêm, học kèm của học sinh.
Phải chăng, từ lý tưởng yêu nước, lòng yêu người yêu nghề vốn là phẩm chất cao quý của người thầy, họ có thể vượt qua tất cả để cống hiến cho trường lớp, cho sự nghiệp chung.
Vậy thì vì sao lại có chuyện ngày nay, giáo viên có mức sống cao hơn, mặt bằng lương giáo viên cũng cao hơn nhiều so với thời trước, mà có nơi, số lượng giáo viên xin nghỉ trước tuổi khá đông, trong khi ở nhiều tỉnh thành khác, số lượng giáo viên xin nghỉ trước tuổi lại ít hơn.
Hỏi một số GV xin nghỉ hưu trước tuổi thuộc đối tượng GV giỏi, mới hay, họ xin nghỉ không phải vì kinh tế, mà vì áp lực công việc hàng ngày đã chiếm chỗ niềm vui tinh thần nơi bục giảng mà họ từng gắn bó.
Tạo sinh khí chuyên môn, sinh khí dạy và học, đó là điều rất cần phải làm. Muốn vậy, phải bắt đầu từ những người đứng đầu chịu trách nhiệm về quản lý chuyên môn ở cơ sở.
Cán bộ chuyên môn của Sở, của Phòng GD-ĐT, Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn của các đơn vị giáo dục trước hết phải là người có năng lực thật, tay nghề cao thì mới có sức thuyết phục với đội ngũ.
Song song với đó là sự tìm tòi một cách tốt nhất để tạo ra phong trào thi đua dạy và học trong nhà trường thật sự tự nguyện, vì niềm say mê, yêu thích chứ không phải sự gò ép, thì mới hòng mang lại hiệu quả thiết thực.

Nguyễn Thị Thúy Hồng

121/ CHỜ TRĂNG

Chờ trăng phương anh
 em đếm từng ngày cuối tháng 
 em  thức trắng đêm về  sáng 
mùa trăng  anh đi  ... thể  xa vời 




Trăng cứ mãi khi  tròn khi khuyết 
Trăng muộn màng chi nỗi nhớ ngàn xa
Trăng  miên man  
                              lẫn trong màu mây thẳm 
 Trăng chờ trăng  
                           cho trăng đến bạc đầu. 

Nguyễn Thị Bích Trâm

120/ NIỀM TIN



Hãy để em tin rằng
Sự sống trong tất cả
Một chồi non nho nhỏ
Cũng làm nên mùa xuân
Hãy để em tin rằng
Nắng chẳng tắt bao giờ
Cho nụ hoa hé nở
Quả trĩu nặng trên cây
Hãy để em tin rằng
Mùa khô đất không nẻ
Như giá rét đêm đông
Cánh đồng là lúa chín
Hãy để em tin rằng
Rồi lá sẽ không rơi
Mưa sẽ ngừng trút xuống
Mặt trời hé bên hiên
Hãy để em tin rằng
Hạnh phúc ở đâu đó
Trong cuộc đời bé nhỏ
Của mỗi người thân quen.
Minh Thùy

119/ THƠ TẶNG CÔ GIÁO CỦA CHÚNG CON


  
        

       

        Con tìm về kí ức
        mãi gọi thầm
        cô của chúng con  
        cô ơi
        Sao cô vội ra đi                                  
        Lũ chúng con - cả đời nước mắt...

        Con mãi vẫn là con
                                     thèm  như ngày xưa 
        bên cô 
                   con đường dốc đá
        thân  gầy  
                          quên  cơn đau
                                              cô  vẫn đều đặn đến lớp.
  
         Mái lá gió lùa
                               ghế bàn  ọp ẹp
          cô đứng cho chúng con được  ngồi …
         cô ướt cho chúng con khỏang trời không dột         
         giong cô ngọt như chuối đầu buồng
         ánh mắt cô  thì thầm suối  nguồn chảy mãi...
         
         
         Đường con đi  
          vực sâu …
                  bão mưa  …         
                            tiếng khóc ...
          và   biển lớn
                            trong làn sương sớm
          cô - phía trước con - dịu dàng
          và con biết đợi ...  bến bờ 
          cô ơi. 

  Nguyễn Thị Bích Trâm 
         

Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012

118/ SỢ MỘT NGÀY



 Sợ một ngày
 trái đất sẽ ngừng quay
 Chim ngưng hót và hoa thôi nở
 Sợ một ngày lỡ duyên lỡ nợ
 Đôi lứa chia lìa.

 Sợ một ngày
 em sẽ thức suốt đêm khuya
 Đăm chiêu mãi dòng thơ không cảm xúc
  Sợ phận đàn bà bến trong, bến đục
 Và ta thôi nhau.

 Sợ một ngày trầu vắng miếng cau
  Vôi không thắm một màu tươi đỏ
  Sợ một ngày
  tình ta vứt bỏ
 Thương kiếp má hồng.

 Sợ một ngày bèo dạt khắp chốn sông
 Sẽ về đâu khi dòng đời dâu bể
 Sợ một ngày...một ngày như thế...
 Nỗi đau lặng thầm...

 Sợ một ngày, một ngày không còn nhau
 Và vần thơ em
 buông dấu lặng...

 Sợ một ngày anh quên lời ước hẹn
 Và ta nợ nhau...



Xuân Giang



Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

117/ MÁI TRƯỜNG XƯA


Thầy Nguyễn Đình Yến  ( trường THCS Huỳnh Thúc Kháng- thành phố Tam Kì) 
 Tặng trường cũ của tôi 

Nếu một đêm nằm hơn một năm ở
Thì đời tôi còn nặng nợ bao nhiêu
Đất đỏ ơi! Tên đất mến thương nhiều
Tôi ấp ủ trong từng nỗi nhớ
Suối đá, Gò Tra, Đàn Trung, Ngọc Tú
Tên đất, tên làng còn ấm dấu chân tôi



Mái trường ơi! Em thật đơn sơ
Vách đất, mái tranh bốn bề gió thổi
Mà em để lòng tôi bối rối
Bởi tình người chan chứa yêu thương

Học trò tôi đứa nghịch, đứa ngoan
Nhưng hết thảy đều là chăm học
Bởi em lớn lên nhờ bàn tay chắt lọc
Từ nỗi nhọc nhằn của mẹ, của cha

Nhớ chăng em những buổi khai trường
Phên còn ướt vì chiều qua trét vội
Mái chưa kín vì trời đã tối
Trống khai trường từng nhịp vẫn vang lên.

Tập thể ơi! Căn nhà nhỏ đơn sơ
Gió lồng lộng thổi qua từng khe hở
Mưa đổ xuống nghiêng mình tránh trớ
Mà tiếng cười, tiếng hát vẫn không thôi.

Bảy năm trời tôi nặng nợ với người
Cái nợ ấy tôi không thể trả
Bởi giờ đây thấy mình khao khát lạ
Muốn trở về ngày tháng ấy năm xưa.

Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012

116/ CHỮ TÂM TRONG SỰ NGHIỆP TRỒNG NGƯỜI


  
Ta đã chọn làm nghề dạy học
                   Cần có lòng yêu nghề mến trẻ
                   Cần chuyên môn kiến thức giỏi
                   Có lòng tận tụy, đức hy sinh 

                   Ta đã chọn làm nghề dạy học
                   Dạy các em biết đối mặt thất bại
                   Biết vươn lên nỗ lực không ngừng
                   Vì ngày mai tươi sáng

                   Rồi nơi đó chân trời như rộng mở
                   Đàn chim non tung cánh trên trời cao
                   Ong bướm kia lượn vòng trong nắng ấm
                   Những bông hoa thơm ngát bên đồi xanh

                   Ta đã chọn  làm nghề dạy học
                   Cần hội tụ những phẩm chất cao quí
                   Ngoài tri thức và tài năng sư phạm
                   Cần chữ tâm trong sự nghiệp trồng người

   Huỳnh Thị Kim Tâm - giáo viên trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm -Phú Ninh                                                                                         



Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012

115/ MUÔN THUỞ



 
Anh từng bảo em : em là sông, anh là núi
Sông sâu bao nhiêu, núi cao bấy nhiêu
Như tình yêu qua muôn vàn cách trở
Và núi, sông trăn trở biết bao điều

Anh từng bảo em : em là biển, anh là bờ
Tình yêu chúng mình là muôn ngàn con sóng
Sóng vỗ vào bờ, biển- bờ duyên nợ
Và tình yêu muôn thuở chẳng nhạt phai

Anh ơi! Đừng ví em là sông, đừng ví em là biển
Bởi sông sâu không có thước đo lường
Biển mênh mông không bao giờ dò được
Và tình em khập khiễng nông sâu...

Anh ơi! Đừng hỏi em: Em đến từ đâu?
Em chẳng thể trả lời anh hơn thế
Tháng năm qua dập dồn dâu bể
Và con tim có lí lẽ riêng mình

Tình yêu chúng mình
Dẫu muộn màng, dẫu muôn vàn đau đớn
Nhưng trăm con sông vẫn đổ ra biển lớn
Và muôn đời vẫn muôn thưở : Tình yêu


Xuân Giang

Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

114/ CHUYÊN ĐỀ: “DẠY HỌC DỰA TRÊN GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ” GIAI ĐOẠN 2 – NĂM HỌC: 2012 - 2013


      Nguồn :Trường THCS Trần Phú - Phú Ninh

Thực hiện công văn số 345/KH - GDĐT ngày14/9/2012 của Phòng GD&ĐT  Phú Ninh về kế hoạch sinh hoạt chuyên đề năm học 2012 - 2013.
            Được sự phân công của lãnh đạo Phòng, của BGH trường THCS Trần Phú, tổ Ngữ Văn đã triển khai kế hoạch và thực hiện chuyên đề năm học 2011 - 2012 và  năm học 2012 – 2013  như sau:
PHẦN I
BÁO CÁO TÌNH HÌNH DẠY HỌC CỦA TRƯỜNG THEO
 HƯỚNG PHÁT HUY TÍNH TÍCH CỰC, SÁNG TẠO
CỦA  HỌC SINH
 I/ ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH:
 Tổ Ngữ Văn trường THCS Trần Phú gồm 7 đ/c. Trong đó: 01GV nam, Đảng viên: 2, đạt chuẩn : 7 , trên chuẩn: 5 , BGH: 1, cán bộ thư viện: 1

Thứ Tư, 7 tháng 11, 2012

113/.PHƯỢNG VẪN HỒNG


Cô giáo Huỳnh Thị Kim Tâm
                                        
  
                             Chích choè vui nhảy nhót
                        Đàn bướm lượn thêu vòng 
                 Cánh phượng hồng hồng thắm
      Bầu trời cao mênh mông

                             Sân trường trưa tĩnh lặng
                     Nắng vàng rọi qua song
             Một mình ta thơ thẩn
       Dấu xưa dậy trong lòng

                                   Thầy có còn mạnh khoẻ
                           Tóc thầy bạc lắm không
                   Con đò đang đợi khách
        Hay đã xuôi theo dòng

                                      Tiếng chim chuyền ríu rít
                            Nhớ ngày thơ sáng trong
                 Ta ngập ngừng giã biệt
        Phượng ơi ! phượng vẫn hồng .

                 
Huỳnh Thị Kim Tâm

Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012

112/ ĐÊM ĐỪNG ĐÊM




Đêm qua đi rồi trời lại sáng
Mây ngừng bay bầu trời sẽ trong xanh
Mưa đừng đến và cũng đừng bão tố
Anh đừng em thì em cũng đừng anh.

          ***

Những nỗi lòng được giấu kín mong manh
Chẳng bộc bạch sợ một ngày sóng gió
Những ước mơ mong chưa một lần có,
Cái thực giữa cuộc đời vẫn phía không anh

          ***


                           Ta  nửa chừng đã hẹn ước không thành
                                  Đêm nửa chừng tiếng cuốc kêu khắc khoải
                                        Trời lại sáng cho bình minh khẽ gọi
                                                  Anh về cho ban mai rực nắng hồng


                      Kỉ niệm qua nơi đó có còn không?
                              Mà năm tháng vẫn bão lòng đến vậy
                                   Vẫn đợi chờ, vẫn nhớ nhung biết mấy
                                             Đêm đừng đêm thì ngày sẽ là ngày.

Xuân Giang

Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

112/ ĐÃ TỚI LÚC PHẢI TĂNG CƯỜNG CẦM TAY CHỈ VIỆC

Nguyễn Thị Thúy Hồng  (Theo GD&TĐ)

Chỉ trong vòng một tuần lễ qua, dư luận xã hội đã xôn xao về 2 vụ việc liên quan đến vấn đề dạy và học Ngữ Văn trong nhà trường (đều xảy ra tại Hà Nội). Vụ việc thứ nhất, đó là bài văn của nữ sinh nhập vai Cám kể chuyện Tấm và vụ việc thứ hai là bài văn cảm nhận bài ca dao về cảnh vật Hồ Tây.
Thú thật là ngay sau khi nhận được thông tin ở từng vụ việc này,  tôi đã nôn nóng muốn đưa ra những nghĩ suy của cá nhân, từ góc độ một giáo viên từng dạy chuyên văn nhiều năm, hòng góp phần vào “chiến dịch” cải thiện thực trạng dạy và học văn trong nhà trường hiện nay.

Không thể phủ nhận ngành giáo dục những năm qua và cả hiện tại đã có rất nhiều thầy cô giáo dạy giỏi môn Văn và nhiều học sinh thành đạt từ việc Văn trong nhà trường. Mỗi mùa thi đại học, tốt nghiệp, bên cạnh những bài văn ngô nghê, vẫn có những bài văn thật sự lay động lòng người, làm giám khảo “không có chỗ” để mà trừ điểm. Những bài văn như thế cũng từng được báo chí đăng tải để mọi người cùng được đọc. Tuy nhiên, do Văn học là Nhân học (M.Gorki), môn Văn có đặc thù khác với nhiều môn khoa học khác, không chỉ dạy chữ mà còn có chức năng giáo dục tư tưởng, tình cảm, chức năng thẩm mỹ…nên việc dạy và học Ngữ Văn cũng có sự đòi hỏi khắt khe hơn. Văn học còn là món ăn tinh thần gần gũi với đời sống con người. Chính vì những lý do đó mà bất cứ những sai sót nào xung quanh việc dạy và học Văn đều được dư luận quan tâm.