Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

247/ MỘT BÀI TẬP ĐỌC HIỂU PISA - VỊ QUAN TÒA CÔNG TÂM

BÀI 12. VỊ QUAN TÒA CÔNG TÂM
Đọc câu chuyện về vị quan tòa công tâm để trả lời các câu hỏi liên quan.

VỊ QUAN TÒA CÔNG TÂM
Vị vua Algeria tên là Bauakas muốn tìm hiểu xem có đúng là trong đất nước của ông có một vị quan tòa có khả năng tìm ra sự thật rất nhanh và không có tên lừa đảo nào qua mặt được như ông đã nghe kể hay không. Bauakas cải trang thành thương nhân và lên ngựa tới thành phố nơi quan tòa sống.
Trên đường vào thành phố, một người tàn tật lại gần và cầu xin nhà vua bố thí. Bauakas cho anh ta tiền và định đi tiếp thì anh ta túm lấy quần áo của ông.
“Anh muốn gì nữa?” nhà vua hỏi. “Chẳng lẽ tôi chưa cho anh tiền sao?”
“Ông đã bố thí cho tôi rồi,” người tàn tật nói, “Giờ ông hãy ban cho tôi một ân huệ. Xin cho tôi quá giang một đoạn đường vào quảng trường thành phố, nếu không lũ ngựa và lạc đà sẽ giẫm đạp tôi.”
Bauakas cho người tàn tật ngồi phía sau và đưa anh ta vào quảng trường thành phố. Tới đây, ông dừng ngựa nhưng người tàn tật không xuống.
“Chúng ta đã đến quảng trường, tại sao anh không xuống?” Bauakas hỏi.
“Sao tôi phải làm thế?” gã ăn xin đáp lại. “Con ngựa này là của tôi. Nếu ông không muốn trả lại, chúng ta sẽ đến tòa giải quyết.”
Nghe thấy cãi nhau, người xung quanh bảo họ:
“Đến gặp quan tòa đi! Ông ấy sẽ giải quyết cho hai người!”
Bauakas và người tàn tật đến gặp quan tòa. Ở tòa đang có nhiều người khác, vị quan gọi từng người theo thứ tự. Trước khi đến lượt Bauakas và người tàn tật, vị quan tòa đang nghe chuyện của một trí thức và người nông dân. Họ đến cùng một phụ nữ ; người nông dân cho biết đó là vợ ông, còn người học giả lại bảo của mình. Vị quan tòa nghe xong, im lặng một lúc, rồi nói:
“Để người phụ nữ này ở đây, ngày mai hai người quay lại.”
Khi hai người kia đi khỏi, có người bán thịt và người bán dầu đến trước vị quan tòa. Người bán thịt dính đầy máu còn người bán dầu dính đầy dầu. Trong tay người bán thịt cầm tiền còn người bán dầu đang giữ tay anh ta.
“Tôi đang mua dầu của người này,” - người bán thịt kể - “Khi tôi đang rút ví lấy tiền để trả, hắn liền túm lấy tay tôi và cố lấy tiền của tôi. Đó là nguyên nhân chúng tôi đến gặp ngài – tôi đang giữ ví của mình, còn hắn đang cầm tay tôi. Nhưng đây là tiền của tôi, hắn chính là tên ăn cắp.”
Đến lượt người bán dầu kể. “Đó không phải là sự thật,” anh ta nói. “Người bán thịt đến mua dầu, sau khi tôi đã đổ đầy chai dầu, hắn nhờ tôi đổi một mẩu vàng. Khi tôi lấy tiền ra và đặt lên ghế, hắn đã tóm lấy và định chạy trốn. Tôi nhanh tay túm lấy hắn và như ngài thấy tôi đem hắn đến cho ngài xử.”
Vị quan tòa im lặng một lúc rồi nói: “Để tiền lại đây, ngày mai hai người quay lại.”
Khi đến lượt mình, Bauakas kể lại chuyện xảy ra. Vị quan tòa lắng nghe, sau đó yêu cầu kẻ ăn mày kể.
“Tất cả những gì hắn nói không phải sự thật,” tên ăn mày nói. “Hắn đang ngồi dưới đất, gặp tôi đi vào thành phố, hắn xin đi nhờ. Tôi cho hắn lên ngựa đi cùng và đưa hắn tới nơi cần đến. Nhưng khi chúng tôi đến đây, hắn không chịu xuống mà lại còn cãi đây là ngựa của hắn, đó không phải sự thật.”
Vị quan tòa suy nghĩ một lát rồi bảo: “Để con ngựa ở đây, ngày mai hai người quay lại.”
Ngày hôm sau, nhiều người đến tòa nghe phán quyết của vị quan.
Đầu tiên là vụ của nông dân và trí thức.
“Đưa vợ ông đi,” vị quan nói với người trí thức, “tên nông dân này bị phạt đánh 50 roi.”
Người trí thức đưa vợ đi, còn nông dân ở lại chịu phạt.
Tiếp đến vị quan gọi người bán thịt.
“Tiền này là của anh,” ông nói. Sau đó vị quan chỉ vào kẻ bán dầu và nói: “Phạt đánh hắn 50 roi.”
Sau đó, ông gọi Bauakas và tên ăn mày.
“Ông có thể nhận ra con ngựa của ông giữa một đàn có hai mươi con không?” vị quan hỏi Bauakas.
“Tôi nhận được”, đức vua đáp.
“Còn anh?” ông hỏi người tàn tật.
“Tôi nhận được,” hắn trả lời.
“Đi theo tôi”, vị quan tòa nói với Bauakas.
Họ đến chuồng ngựa. Bauakas chỉ ngay vào con ngựa của ông đang đứng giữa hai mươi con khác. Tiếp đến, vị quan đưa người tàn tật đến chuồng ngựa nhận dạng. Hắn nhận ra ngựa và chỉ vào nó. Vị quan quay về tòa và ngồi xuống ghế.
“Mang con ngựa đi, nó là của ông,” vị quan nói với Bauakas. “Phạt tên ăn mày này 50 roi.”
Khi quan tòa trở về nhà, Bauakas đi sau ông.
“Ông cần gì nữa?” vị quan hỏi. “Chẳng lẽ ông không vừa lòng với phán quyết của tôi à?”
“Tôi hài lòng,” Bauakas trả lời. “Nhưng tôi rất muốn được biết là tại sao ông biết người phụ nữ kia là vợ của học giả, tiền là của người bán thịt, con ngựa là của tôi chứ không phải của tên ăn xin.”
“Đây là lý do tôi biết về thân thế của người phụ nữ: Sáng nay tôi đưa cho chị ta và nói: ‘Hãy đổ đầy lọ mực này cho tôi.’
Chị ta cầm lấy, nhanh chóng và khéo léo rửa sạch, sau đó đổ đầy mực vào; do đó đây chắc hẳn là công việc chị ta quen làm. Nếu là vợ của nông dân, chị ta sẽ không biết làm việc này. Điều đó chứng tỏ người trí thức nói thật.
“Và đây là lý do tôi biết về số tiền: Tôi thả tiền vào một cốc nước đầy, sáng ra tôi quan sát xem có dầu nổi trên mặt nước hay không. Nếu là của người bán dầu, tiền này sẽ dính dầu. Nhưng không có dầu nổi trên mặt nước nên người bán thịt đã nói thật.
“Còn chuyện tìm ra ngựa thì phức tạp hơn. Người tàn tật đã nhận ra ngựa giữa hai mươi con khác và ông cũng thế. Tuy nhiên, mục đích tôi đưa hai người vào chuồng ngựa không phải để nhận dạng, mà tôi muốn xem chú ngựa biết ai. Khi ông lại gần, chú ngựa ngoái đầu lại nhìn và rướn cổ về phía ông nhưng khi người tàn tật chạm vào, nó vểnh tai và nâng chân lên. Theo đó, tôi biết ông chính là chủ nhân thực sự của chú ngựa này.”
Bauakas nói với vị quan tòa: “Tôi không phải dân buôn mà là vua Bauakas, tôi đến đây để chứng thực những lời đồn về ông. Tôi thấy ông là vị quan thông minh. Hãy nói cho tôi biết ông muốn gì, ông sẽ được nhận như một phần thưởng của tôi.”

                                                 CÂU HỎI  VÀ HƯỚNG DẪN MÃ HÓA

Câu hỏi 1: VỊ QUAN TÒA CÔNG TÂM                                                        R12Q01 - 0  1  9
Ở đoạn đầu câu chuyện, chúng ta được biết Bauakas đã cải trang thành một thương nhân.
Tại sao Bauakas không muốn bị phát hiện?
A. Ông muốn biết liệu mình có được tuân lệnh ngay cả khi cải trang thành “dân thường”.
B. Ông dự định xuất hiện trước vị quan tòa trong vai của một thương nhân.
C. Ông thích cải trang để đi lại tự do và trêu chọc người khác.
D. Ông muốn quan sát vị quan tòa làm việc như bình thường, không bị ảnh hưởng  khi nhà vua xuất hiện
VỊ QUAN TÒA CÔNG TÂM:  HƯỚNG DẪN MÃ HÓA CÂU HỎI 1
Mức tối đa: D. Ông muốn quan sát vị quan tòa làm việc như bình thường, không bị ảnh hưởng  khi nhà vua xuất hiện
Không đạt: Câu trả lời khác hoặc không trả lời

 


Câu hỏi 2: VỊ QUAN TÒA CÔNG TÂM                                         R12Q02 - 0  1  9
Vị quan tòa đã làm cách nào để biết người phụ nữ là vợ của học giả?
A. Bằng cách quan sát hình dáng và thấy chị ta không có vẻ ngoài giống vợ của một người nông dân.
B. Bằng cách nghe người trí thức và nông dân kể lại câu chuyện trước tòa.
C. Bằng cách theo dõi chị ta phản ứng với người trí thức và nông dân trước tòa.
D. Bằng cách kiểm tra kinh nghiệm làm việc giúp đỡ chồng

VỊ QUAN TÒA CÔNG TÂM: HƯỚNG DẪN MÃ HÓA CÂU HỎI 2
Mức tối đa: D. Bằng cách kiểm tra kinh nghiệm làm việc giúp đỡ chồng
Không đạt: Câu trả lời khác hoặc không trả lời
Câu hỏi 3: VỊ QUAN TÒA CÔNG TÂM                       R12Q03 - 0  1  9
Em có nghĩ rằng việc vị quan tòa tuyên CÙNG một hình phạt cho các tội phạm là công bằng hay không? Giải thích câu trả lời, đề cập tới điểm giống và khác nhau giữa ba trường hợp trong câu chuyện.   
......................................................................................................................................
......................................................................................................................................
......................................................................................................................................         
VỊ QUAN TÒA CÔNG TÂM:  HƯỚNG DẪN MÃ HÓA CÂU HỎI 3
Mức tối đa: Đánh giá sự công bằng của các hình phạt với mỗi trường hợp, xét về sự tương đồng và khác biệt của các hành vi phạm tội. Cho thấy sự hiểu biết đúng về các tội ác.
o        Không, cố tình chiếm đoạt vợ người khác là một tội ác nghiêm trọng so với ăn cắp tiền hoặc cướp ngựa.
o        Cả ba tên tội phạm đều cố tình lừa người khác và nói dối không nhận, do đó họ đều bị phạt giống nhau.
o        Điều này rất khó nói. Nông dân, người bán dầu và kẻ ăn mày đều cố tình trộm cắp. Nói cách khác, những thứ họ lấy đều không có giá trị ngang bằng nhau.
.
o        Không, có một số vụ còn tồi tệ hơn nhiều vụ khác. [Câu trả lời đúng tối thiểu: đưa ra tiêu chuẩn (“tồi tệ”) cho các hình phạt.]
o        Đúng, tất cả họ đều nói dối
Không đạt
- Cho thấy sự hiểu biết đúng về các vụ việc và/hoặc hình phạt nhưng không đánh giá.
o        Vị quan tòa phạt ba tên tội phạm 50 roi. Các vụ án gồm có chiếm đoạt phụ nữ, ăn trộm tiền và ăn cắp ngựa.
- Cho thấy sự hiểu sai về các vụ việc hoặc hình phạt.
o        Em nghĩ rằng vụ của nông dân và trí thức khác với hai vụ còn lại vì nó giống như một vụ ly hôn, trong khi hai vụ kia là trộm cắp. Vì thế không nên phạt người nông dân.
- Đánh giá tính công bằng của hình phạt đối với mỗi vụ việc (thí dụ, trả lời câu hỏi “Phạt đánh 50 roi có công bằng không?”)
o        Không, phạt 50 roi là quá nặng đối với bất kỳ loại hình phạm tội nào.
o        Có, cần thiết áp dụng các hình phạt khắt khe để bọn tội phạm không cố tình tái phạm nữa.
o        Không, Em nghĩ rằng hình phạt chưa đủ mạnh.
o        Vị quan quá nghiêm khắc.
- Câu trả lời không liên quan hoặc mơ hồ, không giải thích hoặc giải thích lạc đề không phù hợp với nội dung câu chuyện.
o        Có, em nghĩ như vậy là công bằng.
o        Không, bởi vì em có thể là người vi phạm lỗi nhỏ và dễ dàng tìm thấy trong cuộc sống.
o        Có, vì ông là một vị quan công tâm.
o        Em không nghĩ đưa ra cùng một hình phạt là công bằng vì các vụ khác nhau. [Dùng từ “khác nhau” chưa đủ để đánh giá vụ việc và giải thích vì sao không áp dụng cùng hình phạt cho các vụ việc.]
o        Không, vì có liên quan đến nhiều hoàn cảnh khác nhau.
o        Có, cả ba vụ việc điều có người tốt và kẻ xấu, những kẻ tạm gọi là phản diện cần bị phạt vì đã làm việc xấu. [Đây không phải là sự đánh giá về vụ việc.]
- Không trả lời hoặc thiếu.
Câu hỏi 4: VỊ QUAN TÒA CÔNG TÂM                              R12Q04 - 0  1  9                           
Nội dung chính của câu chuyện là gì?
A. Những tên tội phạm chính
B. Công lý sáng suốt.
C. Người trị vì giỏi.
D. Mưu mẹo thông minh.
VỊ QUAN TÒA CÔNG TÂM: HƯỚNG DẪN MÃ HÓA CÂU HỎI 4
Mức tối đa: B. Công lý sáng suốt.
Không đạt: Câu trả lời khác hoặc không trả lời
Câu hỏi 5:  VỊ QUAN TÒA CÔNG TÂM                            R12Q05 - 0  1  9
Với câu hỏi này, em cần so sánh giữa pháp luật và công lý ở đất nước mình với pháp luật và công lý nêu trong câu chuyện.

Trong truyện này, những tên tội phạm đã bị pháp luật trừng trị. Còn điểm gì TƯƠNG ĐỒNG giữa pháp luật và công lý ở nước của em với pháp luật và công lý trong câu chuyện này?
......................................................................................................................................         
Trong truyện, vị quan tòa đã phạt mỗi tên tội phạm 50 roi. Ngoài các hình thức tuyên phạt, có điểm nào KHÁC giữa pháp luật và công lý ở nước của em với pháp luật và công lý thể hiện trong câu chuyện này?
......................................................................................................................................         
VỊ QUAN TOÀ CÔNG TÂM:  HƯỚNG DẪN MÃ HÓA CÂU HỎI 5:
Nội dung trả lời về sự tương đồng
Mức tối đa: Mô trả sự tương đồng. Cho thấy sự hiểu biết chuẩn xác về câu chuyện. Cách so sánh với đặc điểm của hệ thống luật pháp quốc gia rõ ràng hoặc dễ hiểu. Không nhất thiết phải thể hiện kiến thức hiểu biết chuẩn xác về hệ thống luật pháp quốc gia, nhưng có kiến thức căn bản về luật pháp trong nước là điều nên có ở thanh thiếu niên 15 tuổi.
·   Phán quyết dựa trên bằng chứng.
·   Hai bên đều được phép kể lại phiên bản sự thật của mình.
·   Bình đẳng trước pháp luật (không kể bạn là ai).
·   Có một quan tòa làm chủ tọa.
·   Các vụ việc tương tự đều nhận hình phạt giống nhau.
·   Những người tại tòa nhận phán quyết dựa trên nhiều bằng chứng thu nhận được.
·   Mỗi người đều được nói.
·   Họ được đến tòa để phát biểu về kết quả.
·   Hệ thống pháp lý trong câu chuyện này đều có một người công tâm đứng ra quyết định sự thật, đó là quan tòa.
·   Hệ thống tòa án.
·   Lý lẽ của các bên đều được lắng nghe.
·   Ở hệ thống nước em, thẩm phán cũng là những người cần phải sáng suốt và công tâm. [Đánh giá xác đáng, thể hiện sự hiểu biết chuẩn xác về câu chuyện.]
Không đạt:
- Câu trả lời khác, không liên quan, không chính xác và mơ hồ.
o        Không biết đúng sai.
o        Ngay cả các lãnh đạo quan trọng cũng có thể bị hầu tòa.
o        Hình phạt.
-      Không trả lời
Nội dung trả lời về sự khác biệt
Mức tối đa: Miêu tả một điểm khác biệt. Cách so sánh với đặc điểm của hệ thống luật pháp quốc gia rõ ràng hoặc dễ hiểu. Không nhất thiết phải có kiến thức chuẩn xác về hệ thống pháp luật trong nước. (Thí dụ, có thể chấp nhận “không có ban bồi thẩm” là “sự khác biệt”). Trau dồi kiến thức căn bản về luật pháp trong nước là điều nên có ở thanh thiếu niên 15 tuổi.
·         Không có luật sư.
·         Vị thẩm phán đích thân điều tra sự việc.
·         Tiến hành nhanh chóng, trong khi các phiên tòa hiện đại thường mất vài tuần.
·         Không có ban bồi thẩm; dường như không có cách kháng án.
·         Hình phạt khắc khe hơn nhiều. [Nhận xét định lượng về mức phạt]
·         Áp dụng cùng một hình phạt không kể loại vụ việc.
·         Hội đồng gồm có 12 quan tòa – gọi là bồi thẩm đoàn– thay cho một vị quan.
·         Không có luật sư hoặc người bào chữa.
·         Không có bằng chứng cụ thể.
·         Lời nói của quan tòa là phán quyết cuối cùng.
·         Ở nước em thực hiện xét xử trong phòng xử án.
·         Các vị quan tòa không áp dụng “các cuộc kiểm tra” nhỏ như vị quan trong câu chuyện.
·         Câu chuyện có một vị quan công tâm. [Nêu rõ hoặc ẩn ý về hệ thống pháp luật quốc gia. Câu trả lời phù hợp với sự hiểu biết chuẩn xác về câu chuyện.]

Không có điểm
- Câu trả lời khác, không liên quan, không chính xác hoặc mơ hồ.
·         Hình phạt.
·         Mô típ cũ.
·         Hệ thống tòa án.
·         Không áp dụng phạt đòn roi. [lạc đề.]
·         Kết quả, phán quyết.
·         Không đội tóc giả.
- Không trả lời.
Câu hỏi 6: VỊ QUAN TÒA CÔNG TÂM                             R12Q6 - 0  1  9
Tên nào chính xác nhất sau đây mô tả câu chuyện này?
A. Câu chuyện dân gian.
B. Câu chuyện du lịch.
C. Ghi chép lịch sử.
D. Thảm kịch
VỊ QUAN TOÀ CÔNG TÂM : HƯỚNG DẪN MÃ HÓA CÂU HỎI 6
Mức tối đa: A. Câu chuyện dân gian
Không có điểm: câu trả lời khác hoặc không trả lời.

TÀI LIỆU PISA





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét