Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2015

326 / 10 CÂU CHUYỆN PHÁP LUẬT PHỤC VỤ DẠY VÀ HỌC MÔN GIÁO DỤC CÔNG DÂN -1. Ngoài sân nắng vàng lên rực rỡ.





Từ hồi chị Mai sinh thêm được đứa con trai, anh Mạnh chồng chị mừng lắm. Từ giờ anh có thể “lên mặt” với anh em họ hàng rồi. Đi đâu, anh cũng khoe về “thằng cu, trộm vía giống bố như đúc”. Nhưng cũng có một thực tế là, có thêm con, nhà anh túng thiếu đi thấy rõ. Ba đứa con gái đầu lúc nào trông cũng nheo nhóc. Chị Mai trước đi làm cấp dưỡng cho một trường mầm non, nay do sức khỏe yếu nên nghỉ hẳn ở nhà trông con. Cả nhà chỉ trông vào đồng tiền đi làm thợ xây của anh Mạnh nên khó khăn lắm.
Sắp đến năm học mới, anh Mạnh định cho đứa con gái đầu nghỉ học ở nhà trông em, chỉ cho hai đứa em gái sau đi học. Anh quan niệm đã học hết tiểu học là hoàn thành phổ cập giáo dục rồi. Đứa con đầu phải ở nhà phụ giúp việc vặt cho bố mẹ, vì theo anh Mạnh thì “con gái lớn lên là lấy chồng không cần học hành nhiều làm gì”.
Nghe bố nói thế, nó khóc mếu máo: “Con thích đi học lắm, con không nghỉ học đâu”.
Anh Mạnh quát lên: “Mày học hành làm gì, học rồi cãi bố mẹ cho giỏi chứ gì? Ở nhà trông em. Lớn lên rồi lấy chồng. Đúng là lũ vịt giời. Bé thì ăn hại, lớn thì bay đi”.
Chị Mai nghe thế rớt nước mắt vì thương con, nhưng không biết phảilàm gì hơn vì mọi việc trong nhà xưa nay đều do anh Mạnh quyết định.
Sáng nay, sau khi cho đứa nhỏ ngủ, chị quay ra chuẩn bị cơm trưa cho cả nhà. Tay thì nhặt rau nhưng đầu vẫn cứ nghĩ về con bé lớn. Bà Liên - Tổ trưởng Tổ hòa giải kiêm Chủ tịch Hội phụ nữ xã đi vào cổng lúc nào mà chị vẫn không hay biết. Bà nói to: “Cô Mai đang nghĩ gì mà thần mặt ra thế? Như thế này, có khi trộm vào khuân hết đồ đi mà không biết”.
Chị nghe thế, vội đứng dậy mời bà Liên vào nhà: “Bác sang chơi. Nhà em có gì đâu mà trộm nó vào lấy chứ”.
Bà Liên thư thả ngồi xuống ghế, đặt cái túi lên bàn rồi hỏi: “Chú Mạnh có nhà không cô?”.
Rót chén nước mời bà Liên, chị Mai trả lời: “Nhà em đi công chuyện từ sáng rồi. Thế có gì không bác?”.
Thoáng chút đắn đo, rồi bà Liên tiếp lời: “Tôi qua nhà hỏi xem, nghe đâu cô chú định cho cái Minh nghỉ học phải không?”.
Chị Mai rơm rớm nước mắt: “Thật ra chúng em có muốn thế đâu, nhưng dạo này nhà em túng quá, không có điều kiện cho cháu nó đi học tiếp. Với lại bố cháu cứ nói, con gái không cần học hành nhiều”.
Bà Liên phân tích: “Cô chú mà quan niệm như thế là sai lầm đấy.Gia đình nên cho cháu tiếp tục đi học. Ít ra thì cũng phải hoàn thành phổ cập giáo dục, tức là học hết lớp 9 chứ. Có cái chữ sau này dễ kiếm công ăn việc làm hơn.Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trước hết là trách nhiệm của những người làm cha mẹ. Chẳng thế mà nhà nước đã ban hành cả một đạo luật riêng về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”.
Bà Liên lấy trong túi ra cuốn sách, lật giở vài trang, rồi chỉ cho chị Mai xem:“Đây cô xem này, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cấm người lớn cản trở việc học tập của trẻ em, nên việc cô chú định không cho con đi học nữa là sai đấy”.
Bà Liên lấy trong túi ra một số tờ gấp có in màu và hình ảnh rất đẹp đưa cho chị Mai, rồi nói tiếp: “Đợt này, Hội phụ nữ xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến các hộ gia đình trong xã về quyền của trẻ em theo quy định của  pháp luật hiện nay, để các gia đình tăng cường hơn nữa việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”.
Chị Mai mở các tờ gấp bà Liên đưa và xem, rồi nói: “Em không ngờ pháp luật lại quy định cụ thể như thế bác ạ. Bác xem này, Luật quy định rõ cha mẹ có nghĩa vụ và quyền thương yêu, trông nom, nuôi dưỡng, bảo vệ lợi ích hợp pháp của con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập và giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội”.
“Đúng đấy cô ạ”. Lấy tay chỉ vào tờ gấp, bà Liên nói: “Điều 34 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 còn quy định cha mẹ không được phân biệt, đối xử giữa các con”.
Thấy chị Mai có vẻ ngẫm nghĩ, bà Liên nói thêm: “Hiện nay, Nhà nước và xã hội không thừa nhận sự phân biệt đối xử giữa các con, giữa con trai và con gái. Điều 18 Luật bình đẳng giới quy định rõ con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển. Hơn nữa, việc học của các cháu được Nhà nước miễn phí, hỗ trợ nhiều khoản, nhất là đối với những gia đình khó khăn nên anh chị không phải lo”.
Chị Mai nghe có vẻ hiểu ra nên trả lời: “Để em về nói với nhà em, bác ạ. Em cũng thương cháu lắm, cũng muốn cho cháu được đi học cho bằng bạn, bằng bè. Chúng em sẽ cố gắng hết khả năng của mình cho các cháu ăn học.Thằng cu con này lớn hơn một chút, em sẽ đi làm, kiếm thêm tiền phụ chồng nuôi dạy các con...”.
Bà Liên nghe chị nói thế, cười vui vẻ: “Mai cô chú đi mua ngay hồ sơ cho cháu nhập học. Hội phụ nữ xã sẽ hỗ trợ thêm sách vở cho cháu. Gia đình là trường học đầu đời của con trẻ. Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho con mình. Gia đình phải thực sự là tổ ấm, là nơi nuôi dưỡng, hình thành nhân cách trẻ thơ”.
Chị Mai và bà Liên không biết rằng anh Mạnh đã về và nghe hết câu chuyện của hai người. Sáng nay xong công việc, anh về sớm. Thấy bà Liên, anh không vào nhà vì muốn tránh mặt bà. Chả là, mấy hôm trước anh ra Ủy ban làm cái giấy khai sinh cho thằng cu, tình cờ gặp bà Liên ở đó. Bà ấy đã hỏi anh về việc anh không cho con bé lớn tiếp tục đi học. Anh chỉ ậm ừ trả lời cho xong, bụng thầm nghĩ: sao cái bà này cứ thích xen vào chuyện riêng của nhà người ta thế. Tránh mặt bà Liên nhưng anh Mạnh vẫn muốn xem bà ấy nói những gì với vợ mình nên anh đã lẳng lặng đứng ngoài nghe. Những điều bà Liên nói làm anh giật mình vì không nghĩ rằng việc mình làm đã vi phạm pháp luật – mà điều này thì anh rất sợ. Ngẫm những điều bà ấy nói, anh thấy cũng rất đúng. Dù hoàn cảnh kinh tế gia đình có khó khăn nhưng thật ra cũng không đến mức con anh không thể đi học được. Nó vẫn ước mơ sau này được làm cô giáo như chị Khánh con bác Tâm hàng xóm hay làm kỹ sư nông nghiệp như cô Lan con ông Hoạt ở đầu xóm. Nhớ đến ánh mắt buồn bã của con trong những ngày vừa qua, anh thấy mình như chợt tỉnh cơn mê.
“Phải sửa sai ngay thôi. May mà còn tuần nữa mới khai giảng năm học mới, chắc vẫn còn kịp làm thủ tục cho con nhập học”. Nghĩ đến đây, anh thấy lòng mình nhẹ nhõm hơn. Anh tự tin bước vào nhà.

Ngoài sân nắng vàng lên rực rỡ.

Sưu tầm 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét