Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

310/ TẬP THƠ VẪY NẮNG LÊN XANH


(Cảm ơn Lê Nguyễn - CLB thơ Sông Tranh đã gửi tặng tập thơ này)
Đưa tay tôi vẫy vài giọt nắng…
(Kỷ niệm mười năm ngày thành lập CLB thơ Sông Tranh 19/5/2005- 19/5/1015 và ra mắt tập thơ Vẫy nắng Lên Xanh)
                
1. Thơ là chuyện tâm tình
       Mùa xuân, tôi ghé thăm Thái Bảo - Dương Đỳnh, hàn huyên đôi câu, anh trao tôi tập thơ của CLB thơ Sông Tranh, đây là tập thứ 4 của CLB. Như hụt hẫng, như thiếu vắng một lời hẹn hò. Bâng khuâng khó tả, tôi đã cùng đi với CLB qua hai mùa thi ca: Lời quê rồi Tình quê, vậy mà mùa này lỗi nhịp.
       Ở đêm Nguyên Tiêu Tam Kỳ, Lê Nguyễn ghẹo đùa: Sao không thấy gửi bài cho anh em, phố rồi không chơi quê nửa chắc? Vậy mà đêm ấy mình đã có một bài thơ tặng Lê Nguyễn đó Lê Nguyễn ạ:
Khi không níu phố bỏ rừng
Con chim bỗng khản lưng chừng giọng ca
       Bần thần ta lại hỏi ta
       Có không tiền kiếp phù hoa nợ nần?
       Thơ ở đâu mà nhanh thế? Phải chăng đã nợ nần từ bữa tết, đã hẹn với anh Thái Bảo – Dương Đỳnh, rằng ngày hội ra mắt tập  thơ cho tôi có đôi lời.
       Vậy đó, với tôi, cũng như với đa phần anh em, thơ trước hết là chuyện tâm tình.
       Tìm về với CLB sông Tranh cũng là tìm về với quê hương, với chính mình, là để nguôi đi cái nhọc nhằn cư trú mà kiếp phù du trót gồng mình mang vác, như ở Lời quê Nguyễn Văn Trường đã gai góc tâm sự:
       Ta bởi vì đâu bỏ quê ra phố
       Cọc tre buồn giữa dòng nước xoay xoay.
       Nên da diết nắm níu một vùng quê chìm khuất như bao vùng trung du khác, mà thao thức khôn nguôi dòng sông Tranh chảy ngược, rì rầm trầm uất Hòn Kẽm Đá Dừng; mà tha thiết lắm dáng mẹ lưng còng, tuổi thơ tôi cháy nắng, mà bồng bềnh mây trắng một thân cha…Chao, thật thoả lòng thật đã một cơn khát khi ngụp lặn vào ngày Vẫy Nắng Lên Xanh với Tình quê ( Nguyễn Công), Mắt Mậu Hoà ( Nguyễn Đức Dũng), Tiếng quê ( Lưu Giang), Chiều quê mẹ ( Lương Văn Hào), Hiệp Đức vào xuân ( Nguyễn Văn Hiếu)…Có những lúc bần thần đứng đợi một nhịp bước, nhịp chỏi của tâm hồn, dấu lặng của một xa xưa, ai, hình như là Diệu Lan đã đợi:
       Có người tìm lại tuổi thơ
       Giữa chiều hoang lạnh mắt ngơ ngác buồn
       Ai đi bỏ lại khu vườn
       Riêng tôi giữ mãi thiên đường tuổi thơ
                          ( Vườn xưa - Diệu Lan)
       Và đợi cả một ký ức biền biệt không hứa khứ hồi, và bởi  đợi dài một chia ly nên vặn vẹo một cơn đau thắt lòng thắt dạ, là cơn đau bụng bão của Huỳnh Trương Phát:
       Sợi mây cha bứt bên trời
       Bện thành đôi gióng gánh đời mà đi
                          (Thăng Phước - Huỳnh Trương Phát)
       Rồi:
       Chái nghiêng xiêu một chỗ ngồi
       Bếp quê nghiêng mất chỗ ngồi mẹ ơi
       Đôi đũa bếp gắp đến cời
       Làm sao gắp hết những lời tro than!
                          ( Đôi đũa bếp - Huỳnh Trương Phát)
       Lặng nghĩ hoài cơn cớ nào những người quê miền Trung cứ hoài nặng nợ với quê như một thuỷ chung? Phải chăng là từ bốn trăm, năm trăm năm trước, khi cha ông từ phía kia dãy Hồng Lĩnh theo tiếng gọi áo cơm mà đành đoạn chia ly chưa kịp vốc một nắm đất Thanh Nghệ, chưa kịp uống một bụng nước sông Lam nên khản trong giọng thơ, khô trong dòng máu là một thao thức cội nguồn? Và kể từ đó quê hương cứ một đời nặng nợ, kể từ đó người miền Trung rất sợ nỗi ly quê? Và giọng thơ miền Trung hoài cổ giọng Chàm khắc khoải giọng Việt cứ lóng nga lóng ngóng một tình quê? Và CLB thơ Sông Tranh đã như một tiếng sáo chiều hoà vào dàn hợp xướng bất tận đó.
       2. Có một giọng thơ Hiệp Đức chính cống miền Trung:
       Cũng từ cơn cớ ấy, mà chừng như giọng thơ chính cống miền Trung cứ một mực thô mộc mặc cho kẻ sĩ đất Bắc cứ  hàn lâm mệnh danh thi ca là phải mượt mà nàng thơ.
       Chủ đạo làm nên nét riêng của Vẫy nắng lên xanh là chất liệu thô, là giọng khệnh khạng của cái chí ngang tàng. Thơ sông Tranh khước từ cái sự dè dặt phải đạo của phường nặc danh trí thức, đã nói thì đến đáy sự, thì đến vỡ giọng, thì đến cùng lý.
       Là chữ sông Tranh, chữ đã được mổ xẻ, đã phân chất đến từng chi tiết. Ưu tư thì đến bóp trán ( Lê Văn Hoá), hát thì nghêu ngao ( Đoàn Ngọc Nghĩa), cháy thì hết trơn ( Huỳnh Trương Phát), rồi Tay nắm ngày réo vang ( Nguyễn Thuỷ), rồi Quả mọng đã bay vào khung trời mộng ( Đinh Thị Chân Như), rồi Lằng lơ trôi xuôi ( Phạm Thị Toàn), rồiHoa thâm trầm nở ( Miên Trà), rồi ráo hoảnh, duềnh doàng, rạn vỡ ( Trần Minh Trang)…Thật cực lòng khi phải làm phép chiết tự đến không phải phép với các bạn thơ, chỉ khi đặt những chữ đó vào văn bản, đọc lên, nghe nó cựa quậy đòi vỡ ý mới sướng cái sướng của rượu gặp mồi khoái khẩu.
       Là câu thơ sông Tranh, câu thơ như dòng sông chảy ngược, giữa bình lặng bỗng quẫy bờm tung bọt trắng xoá khi vặn mình đổi hướng, khi trườn mình qua thế sự đến nhân tình.
       Giận đời cười cợt nỗi đau
       Mà tâm hồn ấy ngàn sau không mờ.
                          ( Nghe tiếng gọi đò - Nguyễn Trường)
       Ta đứng đắn mà đường tu vụng quá
       Một đôi lần liều nhắm mắt đưa chân

       Một đôi lần trợn mắt vẫn đưa chân
       Em nhan sắc can cớ nào đoan chính
                          ( Nói với mùa xuân - Lê Tấn Hiền)
       Tôi cầm đời tôi như cầm mũi tên
       Lắp vào thân nỏ
       Tên bay biết về đâu
       Biết tôi có còn là tôi sau một lần tên bay lạc nẻo
                          ( Phía mây trời - Thái Bảo – Dương Đỳnh)
       Thật phải đủ cái riêng mới can đảm cười được, trợn mắt được, bay được như Nguyễn Trường, như Lê Tấn Hiền, như Thái Bảo – Dương Đỳnh.
       Bạn tôi là một nhà địa lý có lần bảo với tôi rằng hình thế Hiệp Đức giống như quái thú trường xà nên người dân nơi đây có lý cay mà ý chết người. Nét riêng này trong tập thơ còn nhạt, nên thật khoái chí mà đối thoại với Đức Thánh Trần cùng Dương Quang Anh:
       Cương thổ sơn hà phải tính từng tất từng li
       Bởi đó là máu xương cha ông để lại
       Mất vào tay quân thù là có lỗi với tiền nhân
                 ( Bài thơ viết dưới chân tượng đức thánh Trần - Dương Quang Anh)
       Cũng thật nặng lòng trong lời cay đắng của Lê Văn Hoá:
       Liêm, chò, gõ nặng lòng sông núi
       Đem thân mình bán gả muôn nơi
                          ( Ký ức một thời - Lê Văn Hoá)
       Và, gật gù theo phản biện của Thái Bảo – Dương Đỳnh:
       Để sự sống của cỏ cây muôn thú bị chà đạp nhẫn tâm mà nhân danh bất cứ lý lẽ nào cũng là tội ác
                          ( Thảm hoạ - Thái Bảo – Dương Đỳnh)
       Nói đến thi ca, như đã mặc định trong tâm thức người đọc rằng người chơi thơ tất lâm đường tài hoa mà luỵ đường tình ái. Có đúng chăng? Riêng tôi nhận thấy hầu hết câu thơ tứ thơ phảng phất nét đa tài nơi đây lại cũng là câu thơ tứ thơ phảng phất nét đa tình.
       Xin gửi lại vầng trăng treo giữa núi
       Mai tôi rơi lần nữa phía mây trời
                          ( Phía mây trời - Thái Bảo – Dương Đỳnh)
       Câu thơ đứng độc lập thì trắng án, mà trở nên tội lỗi khi đã có tiền tố Mà em đứng làm chi, mà em đợi làm chi!
       Ta đánh cắp tình em
       Đường công danh phù phiếm
       Ngày về lại
       Em đã thành thiếu phụ
       Điệu ru con
       Xa xót mối yêu đầu.
                          ( Ngày xuân xanh - Lê Tấn Hiền)
       Đọc mấy câu tôi thoáng chút rùng mình, may mà người thơ đã thật nhẹ bàn tay, nhẹ bàn tay khi dùng chữ đã ( em đã thành thiếu phụ), chứ không là chữ trở ( em trở thành thiếu phụ). Khôn ngoan né mình đủ để qua một phiên khởi tố của vụ đánh cắp lương tâm!
       Hà Nội đâu chiều hương cốm qua
       Chừ mưa lớp lớp trước hiên nhà
       Thời thôi đừng trách trời răng rứa
       Để nước vô tình rơi mắt cay.
                          ( Gửi người bạn Hà Nội - Lê Nguyễn)
       Mách nhỏ thi nhân rằng người Hà Nội không quen giọng mô tê răng rứa, có trách thì tự trách mình đã lỡ ngậm ngùi mùi hoa sữa để mưa quê nhà ướt áo gái quê!
       3. Đôi điều chia sẻ:
Phong cách thi ca có phong cách cá nhân mà cũng có phong cách của một trào lưu, của một vùng miền. Bằng một tập thơ, mỗi người thơ ý tứ lộ mình một tí, đủ để còn chừa chỗ cho bạn mình, nên thật khó nhận diện nét riêng của từng tác giả, song thật vui khi nhìn chung vẫn lộ một giọng riêng của một câu lạc bộ thơ với kha khá tuổi đời. Mười năm của một đời thơ không là nhiều nhưng mười năm của một CLB thơ thì đã là thời gian. Không chỉ hiện đại mà đâu đã từ xưa, tuổi thọ các câu lạc bộ thơ không quá vài mùa lá rụng.Và độ dài thời gian đã làm nên hiệu quả, đã nuôi dưỡng hồn thơ để các giọng thơ chín lên từng ngày, góp một nét riêng. Không đành làm người ngoại cuộc nên miên man trò chuyện cùng bạn thơ như một kiểu xin gửi lại người, mà mong chi có ngày hạnh ngộ cùng anh em khề khà thi phú. Cẩn trọng với tập Vẫy nắng lên xanh trên tay, nhìn bông hoa dại, chừng như là bông mất quê mình, băn khoăn chợt hỏi là bông thật mấthay là bông lạc mất?
(Đoạn này rơi đâu mất nhờ tác giả bổ sung thêm....)
                                              Việt An tháng 4/2015

                                                 Nguyễn Tấn Ái

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét