Thứ Hai, 11 tháng 7, 2016

454/ VIỆT AN CỐ SỰ

                                       
                                                          Bút ký
                                      Núi sừng sững cũng trọc đầu mỏi mệt
                                      Huống hồ thân ta một kiếp long đong
                                                          Dương Quang Anh
         
Vẫn là cái chợ Việt An mỗi bận tôi đi về. Vẫn cái dốc Tranh đầu chợ, cái dốc Ông Đán dẫn về cuối thôn. Như cũ xưa, như không hề thay đổi, mà trong tôi như thiếu vắng điều gì, hồn cứ lang thang ngóng vọng, một vùng đất tôi vẫn đi về hay đã đi qua?
1.Chợ Việt An
Cái tên chợ Việt An không biết khai sinh tự bao giờ, chừng đâu cùng thời với cụ tổ hai dòng họ Nguyễn-Dương từ Thanh Nghệ vào đây khai phá, đã qua mười bốn đời con cháu, quê tổ chừ cứ mịt mờ dằng dặc. Theo anh bạn làm bên cơ quan bảo tồn văn hóa di sản thì thời gian chừng 375 đến 400 năm thì phải. Từ có làng mà thành có chợ. Hai làng đầu tiên là Đồng Nghệ họ Nguyễn, Đồng Chùa họ Dương. Tuy nhiên, câu chuyện của người làng bao giờ cũng cái tên chợ Việt An là hấp dẫn nhất. Chuyện rằng dưới chân núi Gai có cái giếng mạch, quanh năm nước trong ngần, mát lạnh, ngọt lịm. Bên chân núi có nhà ông Hương, chắc là tên tộc mà không phải là một chức danh vì tự buổi khai thiên lập địa hẳn chưa thành làng xã chức dịch. Một mồng năm như mọi mồng năm gia đình ông Hương đi hái lá rừng phơi khô làm chè, gọi là chè mồng năm, để uống quanh năm. Khi chặt nhỏ thứ lá hỗn độn phơi khô thì có con rắn trắng từ đâu cứ bò vào giữa nong lá mà nằm hóng nắng, nắng tắt cũng không đi. Nằm đủ ba hôm thì ngài Bạch Xà mới trực chỉ hướng núi mà về. Rồi thứ nước vàng sánh nấu từ nồi lá nhà ông Hương như có phép thần, uống vào chữa bách bệnh, từ nhức mỏi thông thường đến xơ gan cổ trướng, vàng da ngã nước đều nhất nhất hết biệt. Một đồn mười, mười đồn trăm, người từ bốn phương tám hướng tìm đến nhà ông Hương xin lá thuốc. Sẵn của núi, lòng lành, ông Hương trở thành thầy thuốc nam nổi tiếng. Người xin thuốc đông đến độ quần tụ nhau nghỉ chân bên dốc Tranh, đợi đến phiên mình nhận thuốc. Từ đó mà sinh ra đám người buôn bán tô mỳ gà, chén cơm cá đồng. Rồi thêm quả mít, trái bòng, dúm rau lang mà thành ra chợ. Còn vì sao mà là chợ Việt An thì tôi vẫn cứ mờ mờ mịt mịt, các cụ già trong làng lắm chữ cũng lúc lắc cái đầu tư lự mà không có lời kiến giải dứt khoát. Có lẽ là muôn sự lành đến từ bát thuốc nam chăng? Còn chữ Việt tờ (tốt lành ưu tú), hay Việc cờ (công việc, sự việc) thì nào có mắc mướu bà con gì với đám lưu dân thất học.
          Chuyện rắn thần sao mà quen quá, hình như ngài thần này đã trườn từ Bắc vào Nam trong vô vàn chuyện kể, theo bước chân khai hoang lập địa phá sơn lâm đâm hà bá của người dân, nơi đâu không có những chuyện hoang đường. Chỉ biết rằng thổ nhưỡng núi Gai quả đã sinh ra nhiều cây thuốc nam quý giá như cà gai leo, hà thủ ô, đẳng sâm, khoai mài mà đến nay như đã thành của hiếm là rất thật. Hay là ông thầy thuốc nam đã khéo mượn câu chuyện huyền hoặc hoang đường để phát huy bài thuốc gia truyền quý giá cứu độ dân nghèo? Chỉ biết rằng cái tên khai sinh cố xứ ấy đã khởi phát từ một ước vọng thật nhân hậu.
2. Lời phán truyền của thầy địa lý
          Cụ Xừ là một người già có học bảo tôi: Nghe truyền kỳ xưa đâu chừng có một thầy địa lý, ngao du tìm thế đất, cụ già người Tàu đứng trên đầu dốc Tranh mà phán bảo: Hình thế cái chợ Việt An có dáng mu rùa, đất phát chỉ một đời, của tụ rồi tán, không ai giàu cả dòng cả họ đâu, người nơi đây không phát phú mà phát kỳ. Xế trên hai xứ Đồng Nghệ, Đồng Chùa là đất văn bút, người nhiều chữ, ngạo nghễ nên muôn đời thất thế. Chỉ xế trong (nay là Hương Phố), phát tài lộc, lắm quan, song xa long mạch mà hậu không được ngọt. Câu chuyện con người phát kỳ, phát ngạo, phát quan thật có sức hấp dẫn người sau, và mỗi khi túc tắc nhớ lại những cuộc đời nơi đây, tôi lại bật cười với cái kỳ, cái ngạo.
          Đệ nhất kỳ nhân từ cái kinh lịch văn vọng hốt của tôi qua những câu chuyện truyền đời có lẽ là Ba Vọt, vua đào ngạch. Vọt là nỗi kinh hoàng cũng là nỗi ngưỡng mộ của dân trong xứ. Hễ cứ nhà nào Vọt muốn trộm là trộm được, dù là lũy tre, hào sâu, tường đá ong cũng cứ như không. Có nhà giàu thách đố Vọt trổ nghề, Vọt chỉ cười cười, bảo trộm đâu chứ nhà ông thì chịu. Rồi cứ chiều chiều đến nhà phú ông đánh chén, chuyện như thân tình. Vọt ăn nói có duyên, lại thuộc lắm câu chuyện bốn phương, cả nhà phú ông lâu ngày đâm mê tít. Bận ấy Vọt chỉ trộm mỗi một bà vợ múp míp lẳng lơ của cụ phú. Chuyện chỉ lộ ra khi Vọt chết, bà phú khóc ngất như thể chết chồng! Cũng từ nhà phú ông mà ngón đòn trộm cắp của Vọt loang ra cùng khắp. Muốn trộm nhà nào thì ít nhất liên tiếp ba hôm Vọt vờn quanh đánh động. Cứ thế mà quấy phá cho đến khi chó đực chó cái đàn bà đàn ông trong nhà canh chừng mệt lữ, đêm cuối mới ra tay thì chắc quả nhất. Với Vọt, càng lũy càng hào càng tường càng vách thì trộm càng khoái. Vọt giỏi võ nghệ, vít ngọn tre làm cần bay luôn qua khỏi lũy tre, hào sâu. Từ vòng ngoài đào ngạch mà vào trong. Ngách đào đã thông, chưa hẳn là trộm được. Có bận khi cái đầu đen vừa ló lên từ cửa ngách thì đã nghe đánh bốp, một ngọn chùy giáng xuống đầu tên trộm, song chỉ thấy bóng Vọt theo ngọn tre phóng vút ra ngoài, cái đầu đen toát hoác chỉ là cái trả đất thế mạng. Vào được nhà gia chủ là giai đoạn đầu, việc tiếp theo phải là di hình hoán đổi, bao nhiêu giáo mát dao rựa trong nhà Vọt đem dấu hết, gia chủ gia đinh trong nhà nếu có phát hiện thì cũng chỉ tay không, không làm gì nổi Vọt. Có bận chủ ông chủ bà mệt lữ nằm ngủ ngay trên rương gỗ, mặt rương thành tấm phản ngủ có nắp ở giữa. Không hề lúng túng, Vọt chen nằm vào giữa…ngủ chung. Rồi lấn bên này, huých bên kia, cho đến khi chủ ông chủ bà dạt ra hai bên, lộ ra nắp rương, Vọt cuỗm êm bao của nả. Chủ nhà mất của mà cứ chửi tổ cha thằng trộm gan lì.
          Sau Vọt trộm phải nhà một lính khố đỏ, bị đạn bắn chết, xác vắt trên ngọn tre. Có lẽ Vọt không biết vỏ đạn đồng lợi hại hơn võ nghệ. Ngẫm cũng tiếc một đời anh hào mà góc quê như chân trời không có đường bay, loay hoay nào phỉ chí, một đời lưu chốn nhân gian chỉ là trộm đạo.
          Đệ thứ kỳ nhân có lẽ là anh em nhà các cụ Hai Hườn, Bảy Nhựt. Cả hai đều xứng hàng đệ nhất võ sư võ phái Thiếu lâm Hồng gia. Hai Hườn thoát ly lên núi, sau là võ sư huấn luyện cho đặc công cách mạng, mang hàm trung tá.  Bảy Nhựt theo dân chạy loạn ra Đà Nẵng, lập võ đường, nhiều lính cộng hòa theo học, có cả Thủy quân lục chiến Mỹ. Lớp đệ tử đời thứ năm của Bảy Nhựt vẫn truyền tụng đòn biểu diễn của tổ sư: Bảy Nhựt với gốc tre khô đứng dưới lòng giếng cạn, chừng độ sâu hơn bốn mét. Lớp đệ tử giáo mác côn bổng thủ trên thành giếng. Bảy Nhựt hét vang một tiếng, cả người cả gốc tre quay tít, từ dưới vọt lên cứ như Phù Đổng Thiên Vương đánh dạt cả đám người với cả loạn côn loạn bổng đang nhất tề công xuống. Còn Hai Hườn có bận về quê biểu diễn ngón Tử yến đạp vân cả người vọt cao hơn nóc nhà trên không sử đúng thập nhị liên hoàn cước. Chuyện cứ như là võ hiệp Kim Dung!
Chuyện anh em nhà võ phái Hồng gia là một cái kết êm đềm, tuy đứa con sinh đôi đi về hai phía. Tinh thần võ đạo hay tất lòng cố hương tông tổ đã gìn giữ họ giữa bốn bề chính kiến, phải chăng?
          Lớp đệ đệ kỳ nhân thì trăm lối nghìn phách. Ông Năm Mác ra tận ngoài Bắc Thái mở nhà máy thuốc lá, giàu có nứt tiếng, xe cộ nghênh ngang. Từ bận dân làng xã muốn xuống thị trấn phải đeo người trên chiếc xe đò chạy thang cứ phập phù thì chuyện đi Bắc về Nam của Năm Mác là kỳ tích. Sau nhà máy cháy, ông Năm về quê làm ông lão hiền lành, bỏ hết cả oai phong, chỉ mỗi khi bên cốc cà phê, vui miệng ông lại khề khà kể chuyện con gái Bắc. Tám Song từ một lính dân vệ của khu dồn sau một chín bảy lăm đắc cử với đa số phiếu bầu, làm chủ một hợp tác xã to đùng, đi tham quan tận Sin-ga-po, khi mà cán bộ toàn xã phải ba năm mới được chia một xuất đi nghỉ dưỡng. Chuyện đại ca Quỳnh làm vàng sa khoáng, trúng quả đậm, chơi ngông vào tận Sài Gòn ngồi vào sòng bạc của Năm Cam…cho biết mùi đời. Chuyện lão chủ quán thịt cầy giỏi thơ ca hò vè đến độ được dân nhậu bầu làm chủ tịch câu lạc bộ thơ bán nghệ sĩ…Chuyện ông trung úy Trần Đìn gánh nước thuê, thạo cả chữ Hán lẫn chữ Tây, tự hào mình gánh nước chứ không bán nước.
          Trăn trở hoài mỗi khi đọc lại từng tên tuổi của lớp đệ đệ kỳ nhân, nhận thấy vùng quê heo hút ấy chưa bao giờ là ốc đảo bình yên dẫu đã nép mình vào sơn cước. Cuộc thế cuộc đời cứ như bàn cờ tàn của hai tay cờ hỏng, cũng lớ ngớ lao ngao, cũng ầm ì xe pháo mà nào đâu là Sở hà Hán giới, cái sĩ khí rốt lại cũng chỉ vài trò chơi ngông phá bĩnh, trăm nghìn đổ một trận cười.
3. Trận đánh Pháp đầu tiên
          Cái xứ xưa thâm sơn cùng cốc luôn là địa bàn hoạt động của phe nhóm trộm cướp cũng là xứ nổi tiếng đánh Tây thời Pháp thuộc. Chuyện trận dốc Mù U là một trận kinh hoàng. Từ bận Vọt bị súng Tây hạ gục, người dân nơi đây tận mục sở thị sự lợi hại của đạn đồng, nên đánh Tây phải lắm mưu nhiều kế, không nghênh ngang kiểu anh hùng mã thượng được nữa. Tây mỗi bận đi càn chừng tiểu đội, bảy đến chín tên lính, súng lăm lăm chực chờ nhả đạn. Đôi khi không tìm ra Việt cộng, mấy thằng Tây lại ngứa ngáy xổ cả tràng đạn lên trời thị uy. Hai Hườn bí mật tổ chức trai làng phục kích Tây càn. Ông cho trai làng gom trái mù u đổ đầy kín con dốc, rồi giáo mác phục kích trong các bụi rậm. Tây đang nghỉ trên dốc chợt phát hiện có người thấp thoáng dưới chân dốc, thế là tiếng la ó, tiếng đạn bắn, tiếng xung phong, bọn Tây ngu ngốc rượt đuổi trên con dốc đầy cạm bẫy bằng trái mù u. Mù u bị dẫm lên, lăn tròn, giặc ngã huỵch sóng soài, hoảng hốt xả hết đạn dự trữ. Lúc ấy trai làng mới xông ra bằng võ nghệ kinh người trừng trị bọn Tây đích đáng. Sau bận ấy Việt An nổi tiếng là đất có Việt cộng chiến, còn Hai Hườn thì lên núi thoát ly theo cách mạng.
Tiếc là câu chuyện lịch sử dốc Mù U lại không được lấy một trang chính sử nào ở địa phương ghi chép, thành ra cứ trôi nổi như là dã sử trong câu chuyện trà dư tửu hậu. Phải chăng vì chiến công kia cũng chỉ là cái dũng khí mang đậm tính anh hùng Lương Sơn mà chưa phải là một chính kiến, cái then chốt để được cài vào những trang sử học thành ra lỏng lẻo?
4. Nhớ gì, thương gì?
          Đã xa rồi thuở xa xưa ngồi hóng chuyện, nay sau mỗi lúc nhàn rỗi, tôi thường ghé lại nhà mấy đứa bạn cùng quê, khề khà chén trà cùng ta kể nhau nghe chuyện đời xưa, nhắc đến sự này tích nọ cho thỏa cái lòng nhớ nhung cố xứ. Tự hào và tiếc nuối cứ đan xen. Ngày xưa sao mà thân ái, mà vô tư, mà vô tâm, mà hồn nhiên đến thế. Minh này, tôi còn nợ ông hai điếu ngựa đấy nhé. Bận ấy ghé nhà chơi, ông quý bạn mà xin đứa em gái năm trăm  đồng mua đúng hai điếu ngựa, mỗi đứa phì phà một điếu cho đúng điệu trí thức tương kính như tân. Ông bạn Tú nghênh ngang tự hào Bình Lâm nhất Tú ngó vậy mà đúng quá đi chứ nhỉ? Học đỗ đầu trường làm đứng đầu viện như ông ấy thật chẳng có mấy ai. Thôi tôi tặng ông mấy chữ Cao nhân hữu Minh cho huề cả làng được chớ? Ông tướng Hai cũng học giỏi có số, người đầu tiên hàng Huyện đỗ vào y khoa Huế chứ chẳng chơi. Mà cái tay cờ của lão cũng khiếp thật, một công không thủ, tôi một bận đấu cờ cứ khiếp thế công bạc mạng của lão mà chánh vánh. Cái lão Điểm thông minh mà gàn dở, hết đụng ông này lại chọc bà kia, hèn gì đường hoạn lộ chẳng mấy hanh thông, may mà còn làm ăn chân chính nhờ tấm bằng kỹ sư và tay nghề cũng hàng cao thủ hiếm có. Ờ, thằng bạn này có thiên hướng triết học, chắc xưa chọn nhầm nghề. Hễ cứ ngồi dăm ba phút là lão xổ ra một mớ triết lý loại…tự chế. Oái ăm là lão cứ truyền giảng xong lại quên phéng ngay lão đã triết lý điều gì. Bữa sau lại chế tác, mà bữa trước bữa sau cứ chống chọi nhau cật lực, hê hê! Rồi ông thầy thuốc này thật kỳ dị, mục hạ vô nhân. Rồi lão nhà buôn kia xứng danh độc thủ. Rồi lắm thằng có tôi có lão, nghề đời hiền quá hóa ngu…
          Bạc phơ mái đầu, đường đời mịt mù đi đứng, nay cao ngạo câu thơ, mai mỏi mệt thế sự, đôi góc nhà quen thành nơi nghỉ dưỡng mà cùng ôn cố tri tân. Đồi Lạc Sơn mùa xưa sim chín mọng, chừ chỉ mênh mông rừng keo lá tràm, lũ trẻ chăn trâu còn đâu cái thú nghêu ngao mùa sim chín. Núi Gai vẫn sừng sững mà chẳng còn chút uy nghiêm, cây đa cổ thụ bị hô biến tự bao giờ, cả một mảng đồi nham nhở đường xe tải dọc ngang cứ như cái đầu húi cua phải tay ông thợ vụng. Hè xưa thuở trẻ con cao hứng rủ nhau lặn ngụp một dải sông Trầu, thỏa thuê đầy mình cứt trâu bùn đất, chừ con sông cạn nước nằm trơ lòng đá như thách thức cùng tuế nguyệt. Nền công nghiệp hay bán công nghệ đã khiêng cả một màu quê đổ vào lòng phố, đổ ra thị thành, khiêng về nào xi măng cốt thép, cứ một mảng nhà tầng mọc lên là một mảng xưa đi vào hoài niệm. Mới đó mới đây mà một vùng tuổi thơ đã là cánh hạc vàng nhất khứ bất phục phản, chao ôi!
          Tôi rủ Minh: Minh à, mai mốt nghỉ hưu ta rủ nhau về lại quê xưa, mượn tạm góc rừng tràm nhà ai đó, mắc hai chiếc võng, mình nằm đua đưa giấc trưa phe phẩy chiếc quạt mo cu Bờm, được chớ? Minh cười không ra vui chẳng ra buồn: Ông giáo lại lẩn thẩn rồi, chiếc quạt cu Bờm cố chấp đã nhốt nhà quê vào đói nghèo mấy trăm năm rồi đó, ông giáo chẳng tỉnh trí sao? Thôi thì cái đã qua thì cứ cho qua, bận bịu làm gì cho thêm tiếc nuối. Quê xưa chừ có điện có đường, có xe có ngựa, cũng đành như trai nhà quê rước cô vợ hoa hậu về làng, vẻ vang mày mặt. Chỉ cái tội phải khốn khổ chịu đựng cái tính sang chảnh thị thành một chút. Tôi âm u ậm ừ: Ờ ờ, vậy sao? vậy sao?
          Chuyện xưa có cu Bờm phe phẩy chiếc quạt mo thanh thản nhìn đời, khước từ ba bò chín trâu, chẳng màng ao sâu cá mè, cứ thế mà ung dung đi qua thế sự. Là ngạo thế chăng? Là triết lý chăng? Là trắc thân ký xuất hữu hình ngoại của cao nhân? Là chấp nhất kỷ chi kiến của một đời mê muội?
          Ừ, cuộc sống là một dãy những biến thiên, vũ trụ giãn nở từng ngày trách sao cuộc đời không tăng tốc cho tròn vành cái khát vọng người khổng lồ nuốt chửng những vì sao. Mà vẫn thon thót giật mình khi ngoài kia tiếng ve ran mà lũ trẻ thơ cứ ngập đầu vào game điện tử. Mong sao cuộc sống đắp đổi mà không đánh đổi…
          Mà mong sao lũ bạn xưa khi hú nhau về thăm cố xứ, với tay sờ lại hồn mình, kịp mừng với mùi rơm gốc rạ vẫn thơm thảo nơi hồn chân quê!
                                                                     Đầu hạ 2016

                                                                   Nguyễn Tấn Ái 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét