Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2016

457. GIỚI THIỆU 2 CUỐN SÁCH HAY VỚI BẠN ĐỌC CỦA THIẾU NHI PHÚ NINH

Sau đây là hai bài giới thiệu sách hay của thiếu nhi Phú Ninh trong cuộc thi giới thiệu sách  do tỉnh Quảng Nam tổ chức năm 2015-2016. Em Lê Nguyễn Mai Linh và em Bùi Thị Thanh Kiều  học sinh trường THCS Lê Qúy Đôn đã giành giải nhì toàn đoàn trong cuộc thi vừa qua


GIỚI THIỆU
Cuốn  sách Phan Châu Trinh - Thân thế và sự nghiệp



Kính thưa quý vị, 
  “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”. Phải chăng câu nói của Mac-xim Goóc-ki càng có ý nghĩa khi văn hóa đọc đang có xu hướng ngày bị sa sút? Và giữa kho sách khổng lồ liệu chúng ta có đủ tầm và tâm để chọn sách cho mình những cuốn sách hay không?  Và là người Việt Nam, bạn đã bao giờ đọc sách viết về danh nhân đất Việt chưa? Là một thành viên ruột của gia đình thư viện sách tôi xin được kính giới thiệu đến quý vị và các bạn cuốn sách viết về một chí sĩ yêu nước mang niềm tự hào của người Việt. Cuốn sách mang tên: Phan Châu Trinh - Thân thế và sự nghiệp của giáo sư Huỳnh Lý- một người con của đất Quảng Nam đã không quản gian truân tìm hiểu sưu tập tư liệu để làm nên tác phẩm.
Kính thưa quý vị bạn đọc,
Cuốn sách do nhà xuất bản Trẻ in với hình bìa đơn giản nhưng lại thật ấn tượng bởi màu xanh ẩn dụ về sức sống trong lòng bao thế hệ của một chí sĩ yêu nước từ thế kỷ 19. Chân dung cụ Phan hài hòa trên nền xanh trông rất đạo mạo và thần thái. Trang bìa sau thật cuốn hút bởi hình ảnh của khu tưởng niệm cụ Phan tại Thành phố Hồ Chí Minh trang trọng mà cũng rất đẹp mắt đó các bạn à.
Các bạn biết không? Cuốn sách có 290 trang gồm 6 chương được viết theo trình tự cuộc đời sự nghiệp của cụ Phan khi đất nước gặp cơn nguy biến cho đến những năm tháng cuối cùng của một chí khí anh hùng đầy nhiệt huyết. Mỗi chương đều có chú thích đầy đủ, dễ hiểu. Ngoài ra, người đọc còn được sáng mắt, sáng lòng bởi phần Tổng luận, phần Giới thiệu Phan Châu Trinh qua hội thảo toàn quốc ngày 8-9-1992, Phan Châu Trinh niên biểu…
Chắc chắn không bạn đọc nào có thể cưỡng lại được sức cuốn hút của tác phẩm. Những câu văn làm tựa đề cho các chương đã khái quát bằng những hình ảnh giàu sức biểu cảm “Vận nước gặp cơn dâu biển… Lòng người đâu áo mão xênh xang”, “Cụm núi Côn Lôn đúng vững trồng”, “Trời Tây nay một con chèo”,… về những chặng đường gian truân trong cuộc đời nhà chí sĩ. Có lẽ trong thâm tâm nhiều bạn đọc cho rằng sách viết về nhà yêu nước thì làm sao tránh được sự màu sắc chính trị nặng nề. Nhưng không! Bạn sẽ thật sự yêu thích ngay từ những trang đầu của chương một bởi cách tóm tắt ngắn gọn, rõ ràng,  lối viết sinh động dựa trên tư liệu chân thực kết hợp tự sự với bình luận và vẫn giàu chất văn.
Những dòng đầu tiên của chương một gây ấn tượng bởi cách mượn những câu văn tế của Phan Bội Châu khi cụ Phan Châu Trinh mất phác họa quãng đời thiếu tráng và  tính cách, chí hướng của người chí sĩ. Và người đọc thật ngỡ ngàng khi tất cả đã được ngược dòng tái hiện. Vùng đất Tây Lộc, Hà Đông này là xã Tam Lộc, Phú Ninh, Quảng Nam, năm 1872 đã sinh ra một Phan Châu Trinh. Trưởng thành từ trong nỗi đau của gia đình quê hương và dân tộc, ông quan Thừa biện ở Bộ lễ họ Phan ngang tàng, ngạo nghễ nhạy bén sâu sắc với thời cuộc, có tài văn chương đã sẵn sàng từ bỏ chốn quan trường quyết tâm cứu nước bằng con đường Duy tân.
Và đây, “Ngọn cờ Duy tân chấn hưng dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh” của cụ Phan là điểm nhấn của chương hai tác phẩm khiến người đọc hứng khởi, say sưa theo dõi. Không gian, thời gian của tác phẩm được mở rộng khi hình ảnh cụ Phan được đặt trong bối cảnh chung của dân tộc gắn với những nhân vật lịch sử như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu, Trần Qúy Cáp và những phong trào yêu nước giai đoạn lịch sử cuối thế kỉ 19.  Cùng với những dòng kể và bình luận về phong trào mở trường lớp, học tập được phát triển toàn diện là những vần thơ phú, là nội dung bức thư gửi chính phủ pháp của cụ gợi không khí một thời xôn xao sĩ tử, làm xanh mặt kẻ thù làm bừng lên ngọn lửa ngùn ngụt căm hờn của một thời phong trào chống thuế ở Quảng Nam và miền Trung. Và cái kết cục cụ Phan bị chính triều đình Huế vu oan và bị thực dân Pháp bắt lại đã cuốn hút người đọc tìm đến với chương tiếp theo.
Chương ba, bốn, năm đã tái hiện hình ảnh của người chí sĩ hiên ngang khẳng khái, tràn đầy nhiệt huyết Duy tân từ 1908 đến 1925. Với nhân chứng và tư liệu lịch sử chính xác, câu chuyện về cụ trong những năm tháng tù đày ở đất Côn Lôn và những năm tháng gian truân trên đất Pháp đã khắc sâu vào lòng người. Tác giả còn trích dẫn lời thơ tâm phúc của cụ Huỳnh Thúc Kháng về con đường đi của cụ Phan mà người cùng thời không phải ai cũng hiểu. Và cũng thật thú vị khi đọc những vần thơ nơi trong ngục tối - trích từ 220 bài thơ trong “Tây Hồ và Xăng tê thi tập” – mang tâm sự nỗi niềm và chí khí của nhà thơ yêu nước. Nỗi lo âu và niềm hào hứng chí khí của cụ Phan làm nên những bản điều trần mạnh mẽ cũng như áng văn tuyên ngôn có ý nghĩa khai sáng dân tộc của chủ nghĩa  Duy tân thực sự lôi cuốn độc giả.
Năm chương khiến người đọc không muốn dừng lại để rồi muốn tìm hiểu năm tháng cuối cùng của người chí sĩ “Ngậm đá biển đông chim hết sức” trong năm 1925 -1926 ở chương sáu. Vâng! như cánh chim muốn bay giữa muôn trùng biển lớn nhưng đành lực bất tòng tâm. Hai cuộc diễn thuyết lớn ở Sài Gòn  đã thể hiện ý chí khát vọng không mệt mỏi của Cụ. Và rồi những trang văn dường như chậm rãi, trân trọng báo trước một điều không lành nhưng người đọc vẫn thấy đau đớn trước sự ra đi của Người trong “tang lễ trọng thể và rầm rộ”mang niềm đau đớn ngưỡng mộ của bao người Việt..
Với bố cục chặt chẽ, lối trình bày khoa học, lối viết sinh động, dẫn chứng cụ thể toàn diện tiêu biểu, phần chú thích rõ ràng chính xác, phần tổng luận sâu sắc…   và sự hài hòa về hình thức và nội dung sẽ khiến nhiều bạn đọc chúng ta đọc không muốn dừng, đọc bằng cả trí tuệ và tâm hồn, đọc đi đọc lại. Có thể, ở vài câu chữ, tuổi thơ chúng ta không hiểu hết. Nhưng chắc chắn đọc tác phẩm ta như hình dung được một thời đau thương hào hùng của dân tộc. Cảm ơn giáo sư Huỳnh Lý đã khơi gợi trong chúng ta niềm tự hào về cụ Phan - người con xứ Quảng chính tấm gương sáng chói về lòng yêu nước thương dân, hy sinh mọi riêng tư và có dũng khí đấu tranh vì lợi ích chung một nhà nho yêu nước chân chính với tư tưởng “Chi bằng học” vô cùng tiến bộ. Đặc biệt, cuốn sách đã khắc dấu ấn sâu sắc bởi ngọn cờ Ngọn cờ Duy tân chấn hưng dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh” của cụ Phan đó các bạn à. Ngọn cờ ấy kích thích thế hệ trẻ tinh thần ham học tập, mở mang tri thức để rèn đức, luyện tài góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh. Và  đó là nền tảng để những người chủ nhân tương lai chúng ta sẽ làm nên sức mạnh giữ vững chủ quyền biên giới, biển đảo thiêng liêng của tổ quốc trước mọi âm mưu của kẻ thù ngoại bang.  
Hãy đừng quên văn hóa đọc. Hãy đến thư viện tìm đọc cuốn sách quý: Phan Châu Trinh - Thân thế và sự nghiệp của tác giả Huỳnh Lý các bạn nhé. Chân trời mới” như lời của Mac-xim Goóc-ki mà cuốn sách mở ra cho chúng ta là vô cùng xán lạn phải không các bạn?
                                                                                                  


                                              GIỚI THIỆU
                              Cuốn  sách Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh

 Kính thưa quí cô chú cùng toàn thể bạn đọc!
 Có ai đó nói rằng “Tuổi thơ thời nay đã khác xưa”. Vâng điều khác biệt đó có thể là  tuổi thơ của chúng em hôm nay có không gian hiện đại, hoành tráng với công viên, siêu thị và với những thú nghe nhạc, chơi game…còn tuổi thơ xưa chỉ có không gian miền quê với  những trò chơi dân dã. Nhưng cái vẻ đẹp của nét hồn nhiên, trong sáng, đáng yêu hay cái thói ích kỉ xấu xa, len lỏi trong  cái  góc khuất nào đó thì phải chăng tuổi thơ thời nào cũng có? Cuộc sống thường nhật với những tình cảm riêng đôi khi mang cái tôi nhỏ bé.  Có khi nào làm cho ta trở nên ích kỉ, thấp hèn, thiếu ý chí, niềm tin  mà ta không biết? 
 Làm  sao để cái tâm trở thành điểm tựa trong tâm hồn để ta biết sống cho đi? Để trả lời câu hỏi đó xin mời các bạn và quý cô chú đến với cuốn sách Tôi thấy hoa vàng  trên cỏ xanh của tác giả Nguyễn Nhật Ánh - tác phẩm đạt giải văn chương ASEAN năm 2010 đã chuyển thể thành phim đạt giải Bông sen vàng.


Chắc chắn bạn đọc sẽ thích ngay cuốn sách từ ánh nhìn đầu tiên bởi trang bìa bóng láng với sắc xanh tươi tắn làm nền cho hình vẽ tượng trương cho tựa đề tác phẩm đồng quê nhưng mảng màu vàng đỏ xanh của cuộc sống tuổi thơ hòa quyện. Trang bìa sau trích một đoạn văn có nhân vật Mận và “tôi” rất đổi dễ thương trong tình cảm luyến ái, trong sáng tuổi mộng mơ.
          Sách gồm 81chương trong hơn 300 trang. Những con số choáng ngợp ư? Bạn đừng vội nản. Mỗi chương chỉ vài trang và có xen hình ảnh minh họa trắng đen rất có hồn. Cái tên chương rất ngắn, rất dễ nhớ. Cái tên gợi những nhân vật: “Chú Đàn”, “Thằng Tường”, “Chị Vinh”, “Thầy Nhãn”, “Ba con Xin”, “Ba con Mận”… Cái tên gợi những câu chuyện nhỏ khó quên: “Hoa tay”, “Cóc tía”, “Chuồn chuốn cắt rốn”. Và đôi khi mang cái cảm  xúc của người trong cuộc “Em ơi nếu mộng không thành thì sao”, “Tôi ngứa mắt”, “Tôi hối hận”. Thế đấy, những cái tên rất giản dị gần gũi như chính câu chuyện tuổi thơ như chính cách cảm, cách nghĩ chân thực dễ đi vào lòng người.
                            "Ngồi im trong gió nghe đêm rớt
                           Chợt thấy hoa vàng trên cỏ xanh..."
          Câu thơ mở đầu mang linh hồn của truyện đấy! Không vần điệu, nhưng giàu hình ảnh và xúc cảm khiến cho người đọc phải lặng mình muốn đọc muốn hiểu.
         Lần bước theo từng chương sách bạn như được phiêu du trên một miền quê nhỏ phát hiện những điều kì bí, được gặp những người lạ rồi trở nên quen và thân thiết tự bao giờ. Vâng, từng con người thôn quê dân dã hiện ra nhờ nét chữ đặc tả sống động của Nguyễn Nhật Ánh, từ những cô cậu học trò ngây ngô, đến những bác nông dân chất phác! Phải chăng vùng quê Thăng Bình - Quảng Nam  và những kỉ niệm tuổi thơ của chú Nguyễn Nhật Ánh  đã đi vào từng trang truyện? Đó là tuổi thơ của thôn quê với việc đi bắt ve sầu, chuồn chuồn, hái hoa dủ dẻ…Tình anh em của Tường và Thiều, tình cha con của con Nhi và ông Tám Tàng. Tình yêu của chú Đàn với chị Vinh,…Từng nụ cười, giọt nước mắt, từng niềm vui, nỗi đau đều rất gần, rất thật.
            Các bạn có biết, nhà văn thật tinh tế khi vẽ một bức tranh về thân phận con người trong kiếp sống qua cái nhìn trẻ thơ. Đó là chuyện gia đình nhân vật chính với ông bố  lại có cái thú thích làm vè "Trúng số cứ tưởng trúng bom”/ Hết ôm cây cột tới ôm nợ nần". Nóng tính, nghiêm khắc với các con, ông cũng là người lo gia đình - lên thành phố  vất vả mưu sinh. Và có một người mẹ chịu thương, chịu khó lặn lội thân cò theo xe tải đi buôn củi  để cho lo thêm bữa ăn đủ chất. Rồi còn là tình cảnh tội nghiệp của Mận khi ba bị bệnh, tiệm tạp hóa của mẹ bị cháy rụi. Rồi mối tình thắm thiết vượt qua sự  ngăn cấm giữa chị Vinh và chú Đàn, vì "tay chú bị cuốn vào cối xay mía, dập nát, bác sĩ phải cưa bỏ".  Hay có cả nỗi “sầu não" của ông Tám Tàng khi đứa con gái đang tuổi lớn bỗng không bình thường sau một tai nạn khi coi xiếc... Những phận người có thể lâm vào hố sâu của vực thẳm nhưng vẫn tìm được con đường để vươn lên. Điều gì đã làm nên sự kì diệu ấy?  Chính là nghị lực và tình yêu thương. Một lẽ sống đẹp nhắc nhở chúng ta hay biết đối mặt với gian truân để trưởng thành phải không các bạn?
          Linh hồn của của câu chuyện là những trang nhật ký về cuộc sống thường ngày và tâm tư của cậu bé Thiều - nhân vật chính xưng tôi - học sinh lớp 7 cùng với người em trai tên Tường với  những trò chơi dân gian bình dị và nhiều kỷ niệm thơ ấu. Tình cảm Thiều dành cho cô bạn cùng xóm thật đẹp. Nhưng rồi chính lòng ích kỷ, ghen tức, đố kỵ khiến Thiều tiếp tay cho kẻ xấu và  đã vô tình hại đến chính em trai mình. Còn Tường, dường như sinh ra để hy sinh và nhường nhịn người khác và cuộc đời đã không phụ tấm lòng của cậu. Thiều cố để có được tất cả nhưng cuối cùng liệu cậu có đạt được không? Cách giải quyết vấn đề của nhà văn  Nguyễn Nhật Ánh không ngoài tính nhân văn và những thông điệp ý nghĩa đó các bạn à. Kết thúc mở gợi trong người đọc một bài toán cần giải đáp như lời bình của Nguyễn Quang Lập  “Ai cũng vậy thôi, ít nhất một lần trong đời gây khổ đau cho người khác vì sự vô tâm, tắc trách của mình. Chìa khóa sống vì nhau đã giúp tâm hồn con người tìm về những nỗi ăn năn để thao thức cùng với nó”.
        Kính thưa quí cô chú cùng toàn thể bạn đọc! Truyện còn cuốn hút bởi ngôn từ giản dị, lời kể chậm rãi, giọng kể chân chất mà cũng dí dỏm trong chuỗi câu chuyện cảm động mà vui nhộn lại có lúc kì bí, hấp dẫn. Tất cả  làm nên “một bức tranh kỳ diệu về cuộc sống”. Đừng bao giờ có một tuổi thơ đẹp mà vẫn có những chuyện không muốn nhớ! Và đừng sống tuổi hồn nhiên  thiếu khát khao, thiếu  tấm lòng để rồi  hối lỗi! Hãy  tự tin ở chính mình để đối mặt với con đường đời không ít chông gai.  Nhưng “Trái tim hoàn thiện là trái tim có nhiều mảnh vá” đó các bạn à. Khi  bạn dành được những giây phút để đọc cuốn truyện dài này, chắc chắn bạn sẽ trở trăn, đồng cảm sẻ chia, biết tin yêu và lạc quan từ những trải nghiệm sống quý giá, những cảm xúc sâu lắng cùng nhân vật để biết rơi nước mắt vàt nở nụ cười với cuộc đời đang đón đợi. Mong rằng quý bạn đọc đừng bỏ qua những điều kỳ diệu như “hoa vàng” tưoi thắm “trên cỏ xanh” mà Nguyễn Nhật Ánh đã gửi vào cuốn sách dấu yêu này các bạn nhé!    

Hè 2016



      
       



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét