Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2016

461/ CÁI HOA - TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN MẬU HÙNG KIỆT

Link cố định 

       Nguyễn Mậu Hùng Kiệt

     Được tin cái Hoa con chị Thao mất, tôi đưa vợ con về xóm cây Thị, trước là để thắp cho con bé nén nhang, sau nhân tiện ghé thăm bà ngoại mấy đứa nhỏ. Thật ra, đây không phải là điều bất ngờ đối với tôi cũng như bà con trong xóm. Bởi gần hai mươi năm, kể từ ngày chào đời, cái Hoa vẫn nằm thỏng thượt, khóc cười, vui buồn không một ai biết được. Mỗi khi nhìn chị Thao vát cái thân thể dài ngoằng, ẻo lả của cái Hoa dạo xóm, không ai lại không ái ngại. Có người còn độc mồm, độc miệng bảo: “Giá như con bé sớm chết đi thì tốt biết mấy!”. 




Hình như lâu lắm rồi người ta không còn truy cứu trách nhiệm về cái người đã sinh ra nó. Ngày tôi mới về làm rể ở cái xóm nhỏ hiu hắt, buồn vắng này đã nghe người ta kháo nhau về người cha của cái sinh linh tội nghiệp đó. Thật ra, tôi chẳng hiểu mô, tê, răng, rứa chi cả. Người trong cuộc còn không hiểu nổi, nói gì đến tôi. Người ta nói nhiều, thậm chí đặt điều về chị Thao cũng một phần do cái Hoa khi ra đời đã không bình thường như bao đứa trẻ khác. Người thì nói như đinh đóng cột: “cái Hoa là con của anh Phồn ở xóm Núi chứ còn ai!”, kẻ thì bóng gió: “Không lẽ... là người trong nhà nên trời bắt tội ?”. Vân vân và vân vân.... Anh Phồn thì tôi biết. Anh là bộ đội xuất ngũ về sống thui thủi một mình trong xóm Núi. Gia đình chẳng còn ai. Anh là người cô độc, lầm lì, ít nói nhưng sống trung thực và có tình. Người ta đổ tội cho anh vì cứ nghĩ cái Hoa là hậu quả của người có nhiễm chất độc màu da cam. Mà anh thì đã từng vào sinh ra tử ở những vùng địch thả chất độc huỷ diệt trong những năm chiến tranh khốc liệt. Hơn nữa, điều đáng ngờ là chị Thao thường vào xóm Núi để chặt củi, bắt ốc. Còn cái chuyện trong nhà, ngoài ngõ gì đó thì tôi chịu! Tôi nghe vợ nói, chị Thao cũng là người không có cha, còn mẹ thì mất từ những năm sáu tám, sáu chín thì phải. Chị phải sống với dì dượng. Dì dượng thì chẳng có con cái gì nên họ sống với nhau cũng êm ấm lắm. Nhưng không lẽ chuyện ấy... lại là như thế? Tôi không dám nghĩ đến!. Thôi thì sự cũng đã rồi! Tôi đùa với vợ: “Đến chị Thao còn không biết của ai nói gì đến mình!”. Nói thật, đùa như vậy cũng hơi ác, bởi tôi biết, hơn ai hết chị Thao đau và buồn lắm. Một nỗi buồn câm nín!
        Nhiều khi tôi nghĩ cuộc đời cũng thật tàn nhẫn với chị Thao. Con gái xóm cây Thị, cô nào cô nấy cũng đẹp, cũng giỏi giang, học hành đến nơi đến chốn, chồng con đuề huề lại có nhà riêng dưới thị trấn, trên tỉnh, ngoài phố. Lâu lâu, đưa chồng con về thăm quê, xe cộ, quần áo, quà cóp... Xôm ra trò! Còn chị Thao, nói như ông nhà văn Nam Cao – cha đẻ của Chí Phèo, Thị Nở - thì chị đúng là trò đùa của tạo hoá. Không đến nỗi xấu như Thị Nở, nhưng chị Thao cũng hội đủ những cái cần để làm nên một cô gái xấu xí quê mùa: người thấp lùn lại đen đúa, mắt xếch, răng hô, tóc cứng như rễ tre; còn vòng một, vòng hai, vòng ba thì khỏi phải nói cứ xâm xấp bằng nhau trong sự quá cỡ. Không phải là cô gái đần độn nhưng học hành thì chẳng ra gì. Học trước quên sau. Công việc thì chăm nhưng lại rất chậm, thậm chí hơi vụng. Chỉ được mỗi cái hay cười. Chị Thao cười hiền lắm! Không biết giấu bên trong điều gì nhưng nụ cười của chị quả là một ân huệ của thượng đế. Nụ cười ấy vừa thân thiện lại vừa ấm áp. Ngày vợ chồng tôi còn sống chung với bà Ngoại của mấy đứa nhỏ ở xóm cây Thị, mỗi khi đi làm đồng, qua ngang ngõ nhà chị Thao, thế nào tôi cũng được chị ban phát cho một nụ cười. Biết chỉ là nụ cười xã giao nhưng tôi vẫn thấy lòng mình thanh thản lạ thường.
Như thách thức với số phận nghiệt ngã, cái Hoa cứ lớn lên theo cách riêng của nó. Thân thể nó như được kéo dài ra. Càng dài càng thỏng thượt, mềm oặt. Nước da trắng, trắng bợt bạt. Đôi mắt đờ đẫn, trắng dã, vô hồn. Nhìn mà đau lòng. Còn nghe nó khóc - khóc hay cười cũng thế - thì không có ruột gan nào chịu được. Nói đúng hơn tiếng kêu của nó nhói buốt và man dại lắm. Bất chấp lời ong tiếng ve của người đời, chị Thao vẫn cứ lặng lẽ mớm cơm, đút cháo cho cái “cục cưng của mẹ” (chị hay gọi cái Hoa như thế). Tôi biết từ ngày có cái Hoa, chị Thao vất vả lắm. Tiếng là có dì dượng giúp đỡ nhưng chăm sóc một đứa bé tật nguyền như Hoa quả chẳng dễ dàng tý nào. Cũng may được các tổ chức xã hội, các nhà từ thiện giúp đỡ nên cũng không đến nỗi khó khăn lắm về vật chất. Hơn thế nữa, tôi còn nghe nói, chị Thao lại được anh Phồn đặc biệt quan tâm. Có người bảo: “Thằng Phồn coi con Thao quý lắm. Có việc gì nặng cũng làm giúp. Có món gì ngon cũng gửi về cho cái Hoa...”. Mỗi lần về thăm quê vợ, tôi đều nghe người ta nói tốt về anh. Tôi nghĩ, có lẽ, người dân ở xóm cây Thị cũng muốn tác thành cho họ nên đôi, nên lứa. Nhưng chờ mãi vẫn chẳng thấy động tĩnh gì. Có lần gặp anh, tôi bạo miệng hỏi: “Anh Phồn sao chưa lấy chị Thao, còn chờ gì nữa?”. Anh cười và bảo: “Chú mày cứ nói chơi hoài. Cô ấy làm mẹ cái Hoa đã khổ lắm rồi, chú còn bảo làm vợ cái thằng Phồn khố rách áo ôm này nữa thì chịu sao nổi?”. Tôi lặng thinh nắm lấy tay anh và chẳng biết nói gì thêm nữa.
Đám ma cái Hoa không đông như tôi nghĩ. Đi sau cái quan tài nhỏ chỉ trên dưới mươi người. Tôi cầm nhánh huệ trắng đi bên vợ. Nghe vợ kể, những năm gần đây, cái Hoa đến tuổi dậy thì có những biểu hiện lạ lắm. Xóm làng đến thăm, nhìn nó bôi bẩn đến phát khiếp. Hơn nữa, nó còn thích được người khác động chạm đến những chỗ kín nữa kia... Và anh biết không, tụi con nít ở xóm, không biết có ai bày cứ nghêu ngao hát: Tội chi buôn tảo bán tần/ Ở đây với dượng, dượng mần dượng nuôi/ Tội chi buôn ngược bán xuôi/ Ở đây với dượng, dượng nuôi dượng mần...
          Tôi có cảm giác như mình đang trôi về một thế giới nào khác rất tiểu thuyết, rất kinh dị. Trước măt tôi chiếc quan tài cứ chập chờn lên xuống và như muốn đậu lại đâu đó trên lưng chừng núi có rất nhiều mây trắng. Rồi nắp quan tài bật mở, cái Hoa với đôi cánh trắng muốt bay lên giữa một vùng hào quang sáng chói.


NMHK

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét