Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016

468/ CẢNH NGÀY XUÂN

Mộc Nhân
Nói đến nghệ thuật miêu tả trong Truyện Kiều, bên cạnh những đoạn tả người độc đáo phải kể đến những đoạn thơ tả cảnh tài tình. Đoạn trích Cảnh ngày xuân là một dẫn chứng tiêu biểu cho bút pháp tả cảnh giàu chất tạo hình trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Đoạn trích Cảnh ngày xuânnằm ở phần đầu tác phẩmTruyện Kiều của Nguyễn Du. Đây là một bức tranh thiên nhiên, lễ hội mùa xuân tươi đẹp được gợi lên qua bút pháp miêu tả giàu chất tạo hình của nhà thơ.

          Đoạn trích gồm mười tám câu thơ được kết cấu theo trình tự thời gian của cuộc du xuân :
1.     Bức tranh cảnh ngày xuân:
“Ngày xuân con én đưa thoi
         Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”
          Mùa xuân có chín mươi ngày, thấm thoắt sáu mươi ngày đã trôi qua, tiết trời đã bước sang tháng ba, tháng cuối cùng của mùa xuân. Trên bầu trời những cánh chim én bay lượn như thoi đưa, không gian vẫn còn ánh thiều quang rực rỡ.
          Chỉ với hai câu thơ mà nhà thơ vừa gợi thời gian vừa tả không gian. Những chi tiết con én, thiều quang mang nét đặc trưng cho thiên nhiên mùa xuân, hình ảnh con én đưa thoi vừa tả thực vừa mang ý nghĩa ẩn dụ gợi thời gian trôi qua nhanh .
Nhưng có lẽ cái thần sắc của mùa xuân nằm ở hai câu thơ:
“Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”.
          Từ cái nhìn toàn cảnh, nhà thơ đã chuyển sang miêu tả cận cảnh. Hai dòng thơ như vẽ ra trước mắt người đọc một bức họa tuyệt đẹp bằng ngôn từ. Bức tranh mùa xuân mở ra một không gian mênh mông với cái nền là màu cỏ non xanh kết dệt thành một tấm thảm trải rộng tới tận chân trời. Trên cái nền xanh ấy, nhà thơ đã điểm xuyết một vài bông hoa lê trắng nở lác đác. Màu sắc của bức tranh đạt tới sự hài hoà tuyệt diệu. Tất cả đều gợi lên vẻ đẹp riêng của mùa xuân: vừa mới mẻ, tinh khôi, giàu sức sống vừa khoáng đạt, trong trẻo vừa nhẹ nhàng, thanh khiết.
          Đặc biệt với từ “điểm” là nhãn tự của đoạn thơ, màu sắc trắng tinh khôi của hoa lê được nhấn mạnh. Cảnh vật trở nên sinh động, có hồn hơn chứ không tĩnh tại. Bức tranh dù đang ở trong trạng thái tĩnh nhưng dường như sự vật đang có sự vận động tinh tế.
Bằng nghệ thuật phối màu, dựng cảnh tinh tế, nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ điêu luyện, nhà thơ đã phác họa nên một bức tranh xuân thơ mộng với đủ màu sắc, đường nét, hình khối. Ẩn sau những nét vẽ ấy là nhịp đập của trái tim người nghệ sĩ với lòng yêu thiên nhiên sâu sắc.
          Câu thơ của Nguyễn Du làm ta nhớ đến hai câu thơ cổ Trung Quốc: “ Phương thảo liên thiên bích – Lê chi sổ điểm hoa”(Cỏ thơm liền với trời xanh- Trên cành lê có mấy bông hoa). Câu thơ cổ Trung Quốc đã vẽ lên được vẻ đẹp riêng của mùa xuân có hương vị của cỏ thơm (phương thảo), có màu xanh của cỏ tiếp nối với màu xanh của trời (liên thiên bích), có hình ảnh cành lê tươi đẹp. Cảnh đẹp mà dường như tĩnh tại. 
Câu thơ Trung Quốc chỉ nói tới cành hoa lê mà không nói tới sắc màu trắng của hoa. Trong câu thơ của Nguyễn Du, nhà thơ chỉ thêm một chữ trắng mà làm cho bức tranh đã khác hẳn. Chữ “trắng” đã trở thành điểm nhấn kết hợp với động từ “điểm” làm nổi bật thần sắc của hoa lê, cảnh vật trở nên sinh động và có hồn.
 Có thể nói nhà thơ Nguyễn Du chịu ảnh hưởng cái hay của thơ ca Trung Quốc nhưng ông đã tiếp thu một cách sáng tạo để làm giàu cho thơ ca dân tộc.
2.     Khung cảnh lễ hội trong tiết thanh minh .
          Tiết Thanh minh khí trời mát mẻ, có hai hoạt động diễn ra cùng lúc là lễ tảo mộ - đi viếng, sửa sang phần mộ của người thân và hội đạp thanh - đi du xuân ở chốn đồng quê.
Khung cảnh lễ hội du xuân được miêu tả thật tưng bừng, náo nhiệt:
Gần xa nô nức yến anh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân
         Dập dìu tài tử giai nhân
         Ngựa xe như nước, áo quần như nêm”
          Bút pháp nghệ thuật miêu tả ước lệ lại được thể hiện rõ nét qua nhiều hình ảnh ẩn dụ, so sánh mang ý nghĩa tượng trưng:  yến anh…như nước… như nêm... Đặc biệt, nhà thơ đã dùng nhiều từ ngữ có sức gợi tả phong phú:
         - Hàng loạt danh từ : yến anh, chị em, tài tử, giai nhân, ngựa xe, áo quần gợi tả sự đông vui, nhiều người toàn là nam thanh nữ tú ăn mặc đẹp đẽ rủ nhau đi du xuân. Hình ảnh yến anh mang ý nghĩa ẩn dụ gợi lên cảnh đoàn người nhộn nhịp đi chơi xuân như chim yến, chim oanh bay lượn ríu rít.
          - Hàng loạt động từsắm sửa, dập dìu...vừa gợi tả sự rộn ràng, náo nhiệt, chuẩn bị trong ngày hội vừa nói lên cái nhịp điệu trữ tình trong bước chân của những đôi trai tài gái sắc đi chơi hội.
          - Hàng loạt tính từgần xa, nô nức…làm rõ tâm trạng náo nức của người đi hội.
          Một không khí đông vui, sống động, náo nức đang bao trùm cả đất trời, cả mọi vật, thấm vào cả lòng người. Qua cuộc du xuân, nhà thơ còn khắc hoạ một truyền thống văn hoá lễ hội có từ xa xưa, đó là tục rắc vàng vó, đốt tiền giấy và hàng mã để tưởng nhớ những người thân đã khuất.
3.     Cảnh chị em Thuý Kiều đi du xuân trở về.
          Ngày dần tàn, thời gian đang chuyển đổi sang chiều: “Tà tà bóng ngả về tây”.Trong văn chương, hình ảnh buổi chiều thường gợi lên cảm giác buồn, sự tàn phai. Cuộc du xuân thưởng cảnh náo nức tưng bừng là thế giờ đã lặng lẽ chìm vào cô tịch. Không gian vẫn còn mang cái thanh dịu, đẹp đẽ qua các hình ảnh sự vật:
Bước dần theo ngọn tiểu khê
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh
         Nao nao dòng nước uốn quanh
         Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang”.
          Cái không khí nhộn nhịp rộn ràng của lễ hội không còn nữa, tất cả đang nhạt dần, lặng dần.
Con người không còn sự nô nức dập dìu nữa mà thay vào đó là trạng thái thơ thẩn, cử chỉ dan tay, nhịp chân bước dần, cái nhìn man mác bâng khuâng lần xem phong cảnh…
Còn cảnh vật thì nhỏ bé, chuyển động nhẹ nhàng: dòng suối chỉ là ngọn tiểu khê, phong cảnh có bề thanh thanh, dòng nước nao nao uốn quanh, dịp cầu nho nhỏ…Tất cả đều êm đềm, vắng lặng.
 Thời gian, không gian, tâm trạng con người giờ đây đều đã thay đổi trong sự đối lập với lúc du xuân, lễ hội. Đó cũng là qui luật vận động của tự nhiên, của cuộc sống, của trạng thái tâm lí con người.
          Với những từ láy tà tà, thanh thanh, nao nao, nhà thơ Nguyễn Du không chỉ diễn tả sắc thái cảnh vật mà còn bộc lộ tâm trạng của chị em Thuý Kiều. Đặc biệt là hai chữnao nao đã nhuốm màu tâm trạng lên cảnh vật.
Dường như cảm giác bâng khuâng xao xuyến về một ngày vui đang còn mà trong lòng người đã có linh cảm về điều gì đó sắp xảy ra. Chỉ có những tâm hồn đa sầu đa cảm như Thuý Kiều, chỉ có những ngòi bút miêu tả đầy tài năng như Nguyễn Du thì mới thể hiện được những cảm nhận tinh tế như thế.
           Đoạn thơ có kết cấu theo trình tự thời gian rất phù hợp với cuộc du xuân của chị em Thuý Kiều. Kết cấu này cũng phù hợp với diễn biến tâm trạng con người trong cuộc du xuân. Tác giả sử dụng rất thành công bút pháp nghệ thuật kết hợp giữa tả và gợi. Bút pháp ấy được thể hiện qua cách chọn lọc hình ảnh vừa tả thực, vừa mang ý nghĩa tượng trưng ẩn dụ; cách dùng từ ngữ có giá trị gợi hình, gợi cảm cao.
          Đoạn trích Cảnh ngày xuân quả thực là một bức tranh mùa xuân tươi đẹp, sống động nhưng cũng đầy tâm trạng mang theo dư âm của cái đã qua chuẩn bị cho những gì sắp đến. Cảnh ấy đọng lại trong tâm hồn con người không chỉ bởi ngòi bút miêu tả tài hoa của tác giả mà còn bởi tâm hồn nhà thơ gởi vào cảnh vật, gởi vào cuộc đời, số phận nhân vật.
          Mộc Nhân



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét