Tuy nhiên, nếu chỉ coi trọng năng khiếu, chỉ thi mỗi môn năng khiếu mà lại loại bỏ môn ngữ văn ra khỏi kỳ thi tuyển chọn vào khối các trường Văn hóa Nghệ thuật thì lại là một việc làm rất không bình thường. Bởi văn là gốc của mọi loại hình văn hóa, nghệ thuật. Một người không có văn liệu có thẩm thấu được vẻ đẹp của một vở kịch, một điệu múa, hay một một câu hát, cuốn phim? Khi không hiểu được vẻ đẹp của nghệ thuật thì làm sao có thể làm được nghệ thuật, một loại hình đòi hỏi sự sáng tạo rất cao...
Tôi lại phải nói về những điều không muốn nói nữa. Vâng, đúng thế. Tôi không muốn bàn thêm về giáo dục nữa. Bởi như tôi nói, người nghe đã quá nhàm. Người nói còn nản hơn nữa. Mà tôi thì cũng đã nói quá nhiều trong cả một loạt bài về vấn đề này.
Đã đến lúc cần phải
khép lại. Nhưng rồi, tôi vẫn không thể “khép” được, trước một việc làm rất đáng
ngại mới đây của Bộ Giáo dục & Đào tạo.
Theo tin giới truyền thông, Bộ Giáo dục & Đào tạo vừa
chính thức công bố quyết định phê duyệt đề án thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng
hệ chính quy vào các trường khối Văn hóa - Nghệ thuật. Quyết định này có hiệu
lực và bắt đầu thí điểm thực hiện từ năm 2013. Theo đó, các trường này chỉ thi
môn năng khiếu, không phải thi môn ngữ văn như những năm trước.
Việc chú trọng năng khiếu là cần thiết. Bộ Giáo dục & Đào
tạo đã đúng khi quyết định cho phép những em học sinh đã tốt nghiệp Trung học
Phổ thông, Trung học Chuyên nghiệp, đoạt giải xuất sắc hoặc giải nhất, nhì, ba
tại các hội thi, hội diễn, liên hoan, triển lãm trong lĩnh vực nghệ thuật ở cấp
quốc gia, quốc tế hoặc tương đương, được tuyển thẳng vào các trường Đại học,
Cao đẳng theo đúng ngành thí sinh đã đoạt giải, mà không phải qua bất kỳ một
cuộc thi nào. Các em chưa tốt nghiệp Trung học Phổ thông mà đoạt giải cũng sẽ
được bảo lưu để được tuyển thẳng vào Đại học Cao đẳng theo đúng quy chế hiện
hành.
Tuy nhiên, nếu chỉ coi trọng năng khiếu, chỉ thi mỗi môn
năng khiếu mà lại loại bỏ môn ngữ văn ra khỏi kỳ thi tuyển chọn vào khối các
trường Văn hóa Nghệ thuật thì lại là một việc làm rất không bình thường. Bởi
văn là gốc của mọi loại hình văn hóa, nghệ thuật. Một người không có văn liệu
có thẩm thấu được vẻ đẹp của một vở kịch, một điệu múa, hay một một câu hát,
cuốn phim? Khi không hiểu được vẻ đẹp của nghệ thuật thì làm sao có thể làm
được nghệ thuật, một loại hình đòi hỏi sự sáng tạo rất cao.
Nhà thơ, nhà văn hóa kiệt xuất Chế Lan Viên từng dạy con:
“Con phải chịu khó học. Nếu tiến lên, con thành nhà văn, mà có lùi xuống, con
cũng là nhà văn hóa”. Thật sâu sắc, thấm thía. Và như thế, không phải nhà văn
hóa nào cũng thành được nhà văn. Nhưng đã là nhà văn, thì đồng thời bao giờ
cũng phải là một nhà văn hóa. Mà không phải chỉ nhà văn, bất cứ nghệ sĩ nào, bất
cứ trí thức nào cũng phải là một nhà văn hóa, nếu muốn thành một nghệ sĩ hay
trí thức đích thực.
Nếu là nhà văn hóa, các hoa hậu, ca sĩ, nghệ sĩ sẽ không có
những phát ngôn bừa bãi, những cách ăn mặc, ứng xử lố lăng trước đông đảo công
chúng. Tự họ sẽ biết xấu hổ. Tuyển chọn, đào tạo ca sĩ, nghệ sĩ, và những người
làm công tác văn hóa mà loại bỏ văn thì đào tạo cái gì? Chả lẽ chỉ cần mỗi chất
giọng mà đã đủ thôi ư? Trở thành một nghệ sĩ sao chỉ đơn giản đến thế? Không
thể biện hộ rằng, vì phải thi môn văn mà các em sẽ lỡ tham gia thi các trường
khác, rằng: Chúng ta sẽ bỏ sót rất nhiều tài năng! Trời đất! Không có văn mà
lại có thể thành được tài năng ư?
Đuổi văn ra khỏi kỳ thi vào chính các trường thuộc khối Văn
hóa Nghệ thuật là cách tiêu diệt môn văn một cách hữu hiệu nhất. Không thi thì
không học. Ở ta vẫn như vậy. Đấy là lý do vì sao hai môn văn và sử lại chiếm tỷ
lệ điểm kém cao đến vậy trong các kỳ thi. Nhiều bài văn của học trò khiến công
luận dở cười dở khóc. Nhiều năm trong kỳ thi, có hàng ngàn thí sinh bị điểm
không về sử.
Mới đây, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc có cuộc trò chuyện rất đặc
sắc trên sóng VOV3. Nhạc sĩ rất sửng sốt khi có nhiều học trò của ông bị điểm
không về văn, và hỏi thì các thí sinh cho biết họ không hề đọc một cuốn sách
nào. Theo quan niệm của ông, một người không có kiến thức đời sống, kiến thức
văn hóa thì cũng khó có thể trở thành được nghệ sĩ, nhạc sĩ.
Cần phải nhắc lại rằng, kỳ thi vào Đại học, Cao đẳng năm qua
đã để lại một dư vị đắng đót trong lòng mọi người, nhất là đối với những ai
hằng quan tâm đến sự nghiệp phát triển văn hóa đất nước: Số lượng các em thi
vào Khối C quá thấp. Điều ấy không còn mới nữa. Một kết cục bi thảm đã báo
trước.
Tôi còn nhớ, trong phiên họp chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục,
một Đại biểu Quốc hội đã đưa ra vấn đề: Số lượng hồ sơ đăng ký thi Khối C rất
thấp. “Vậy Bộ trưởng có biện pháp gì để giải quyết tình trạng bi thảm hiện nay?
Đây là một sự thật đáng phải báo động. Cứ đà này rồi không khéo sẽ đến lúc
chúng ta phải giải tán khối C, vì không còn có người theo học!”.
Lời cảnh báo của vị Đại biểu Quốc hội ấy đã ứng nghiệm. Năm
qua, theo tổng kết của các trường Trung học Phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh,
và Hà Nội, hồ sơ đăng ký dự thi vào khối C có nơi chỉ chiếm chưa đến 0,2%.
Nhiều nơi, số người xin thi còn ít hơn cả số chỉ tiêu dự kiến tuyển chọn. Và
“cách giải quyết” mới nhất là loại văn ra khỏi kỳ thi vào chính các trường Đại
học Cao đẳng thuộc khối Văn hóa Nghệ thuật. Với cách hành xử như vậy thì
các em học sinh không bỏ văn mới là chuyện lạ (!).
Đúng ra, hai môn văn và sử phải là hai môn thi bắt buộc
trong các kỳ thi phổ thông và các trường đại học. Với các trường chuyên ngành,
ví như toán và nghệ thuật, thì toán và năng khiếu nghệ thuật được tính ở hệ số
3, là môn chính yếu có tính quyết định. Nhưng cũng không bỏ văn và sử, dù chỉ
tính ở hệ số 1. Đã là người Việt Nam
thì phải hiểu văn hóa và lịch sử Việt Nam .
Văn học là nhân học. Một hiền triết nước ngoài đã nói như
vậy. Ở ta, các cụ cũng bảo: “Học văn là học làm người!”. Ở một nước Văn hiến,
có truyền thống Tôn Sư Trọng Đạo, với nền văn hiến lâu đời, đã được xây đắp qua
rất nhiều thế hệ, mà bây giờ, trong đời sống thực dụng, ô trọc, người ta không
còn khao khát, mơ mộng, không còn quan tâm đến việc dạy làm người, không còn
muốn “học làm người” nữa thì thật đáng sợ. Có lẽ cũng vì thế chăng mà những năm
gần đây, bạo lực lan tràn từ gia đình đến học đường. Đạo đức xã hội xuống cấp
trầm trọng. Luật rừng lấn luật pháp...
Thôi, không bàn đến những vụ án động trời, mà những kẻ giết
người man rợ là những học sinh còn đang học phổ thông. Mới đây, dư luận lại xôn
xao về một cô học trò, một thiếu nữ có "khuôn mặt ưa nhìn" đã phô ra
cả một loạt ảnh ngồi ghếch chân trên bia mộ liệt sĩ. Một hình ảnh rất phản cảm.
Nói như một bạn đọc: “Xem những bức ảnh như thế, không ít người cảm thấy
bị sỉ nhục và xấu hổ cho lớp trẻ bây giờ".
Chưa hết. Ở một góc khác, giữa Văn Miếu Quốc Tử Giám, nơi
được coi là Trường Đại học đầu tiên của nước ta, một chốn linh thiêng không thể
sàm sỡ, nói như nhà văn lớn, nhà văn hóa lớn Nguyễn Đình Thi: “nơi lắng hồn núi
sông ngàn năm”, lại lù lù một sĩ tử mặc áo mai ô ba lỗ, nhảy lên đầu rùa đứng,
chụp ảnh cười nhăn nhở. Rồi lại xuất hiện những bức ảnh khác chụp hai thiếu
nữ mặc quần soóc cũn cỡn ngồi lên đầu rùa làm dáng xì tin. Tất cả những
hình ảnh rất đáng xấu hổ ấy đã phơi ra trước mắt thiên hạ và hứng trọn những
trận mưa đá của cộng đồng mạng. Đó là sự nổi giận của văn hóa và lương tri.
Thật có lý khi một bạn đọc cho rằng: “Tôi đã được đi nhiều
nơi, nhiều điểm di tích lịch sử của một số nước trong khu vực Đông Nam Á, nước
bạn có quy định chặt chẽ ngay từ điểm thu và kiểm soát vé. Nếu mặc quần soóc,
áo phông, áo ba lỗ đã không mua được vé, chứ đừng nói gì đến việc vào làm những
trò lố lăng, lại còn chụp ảnh bôi bẩn nơi tôn kính.
Quy định chưa chặt chẽ, thậm chí một số điểm di tích lịch sử
- văn hóa còn không có nội quy rõ ràng là một trong những nguyên nhân dẫn đến
hành động nhố nhăng của lũ thanh niên vô đạo này. Mà suy cho cùng, đâu phải tất
cả mọi tội lỗi đều tại lũ trẻ. Lỗi tại chúng ta đã không giáo dục con em mình.
Đã chắc gì chúng biết được Văn Miếu Quốc Tử Giám là gì. Nếu biết, và lại là các
sĩ tử, chúng sẽ không dám làm như thế”.
Các cụ bảo: “Nhân nào thì quả ấy”! Với cách trồng người thế
này, nghĩ mà rùng mình…
Trần Đăng Khoa
Nguồn tin: VOV Online
Nguồn tin: VOV Online
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét