Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015

308/ ANH TƯ


Nắng chiều thoai thoải trải dài, kéo từng vệt xuống mặt đường rồi rải rộng ra, lan tỏa khắp cánh đồng lúa đương thì con gái xanh mơn mởn và thơm một mùi thơm thoang thoảng. Có ai đó đã từng gọi đó là mùi đồng quê. Ừ, thì anh biết vậy, nghe vậy thôi, anh chẳng cần gọi tên, chẳng cần phải hít hà để nghe nó, bởi tự lâu, nó đã cùng anh sinh ra, cùng anh lớn lên, cùng anh trải qua bao vất vả của cuộc đời, cùng anh đi vào trong mỗi giấc ngủ, mỗi cơn mơ. Anh Tư vừa đi vừa nghĩ trong bụng như vậy.
Chiều nay, cũng như bao buổi chiều khác, với cái cuốc trên vai, đầu đội chiếc mũ tai bèo đã cũ và bạc thếch, chiếc áo xanh cũng bạc màu và loang lỗ những vệt mồ hôi, anh Tư lại men theo con đường mới đắp giữa cánh đồng bên cạnh nhà mình để ra ruộng. Vừa đi, vừa cười tũm tĩm, thỉnh thoảng anh khe khẽ huýt sáo. Ông Ba từ đằng xa đi tới, cất tiếng:
- Thằng Tư này kì nha mày, bữa nay đường rộng thênh thang, sao không đi cái xe máy như mọi người mà ra đồng cho nó lẹ mày?
Anh Tư lại cười, vẫy vẫy tay chào ông Ba thay cho câu trả lời. Bởi anh đang mãi theo đuổi cái suy nghĩ của mình. Từ ngày phong trào nông thôn mới được triển khai ở xã này, bao nhiêu là niềm vui đến với anh và mọi người. Đấy đấy, như cái con đường giữa đồng này chẳng hạn. Trước kia, cả cánh đồng, chỗ cao, chỗ thấp, tròn  có, méo có, vuông có, …. Vậy mà chỉ qua một năm thôi, giờ đã hoàn toàn khác rồi nhé, đám nào đám ấy vuông vức, bằng phẳng, lại có thêm những con đường to, rộng rãi để bà con có thể đi xe máy đến tận ruộng của mình. Chao ôi là vui, mà vui nhất chắc có lẽ là anh Tư! Bởi từ ngày ấy, ngày nào anh cũng mon men theo con đường ấy mà đi ra ruộng, cánh ruộng nhà anh nhờ công tác dồn điền đổi thửa mà đã qui về một mối nhé. Có khi chẳng làm gì anh cũng đi đi lại lại con đường ấy hàng chục lần trong ngày như để thưởng thức cái sung sướng khi làng quê thay đổi.
Mà anh vui không chỉ có thế. Bao nhiêu năm làm một lão nông, quen với con trâu, cái cày. Bỗng từ cái ngày đó đến nay, con Cộ nhà anh được nghỉ ngơi thoải mái, ung dung mà ăn cỏ, chăm con Nâu bé tí vừa mới chào đời được mấy tháng, bởi công việc của nó giờ đã có kẻ khác làm thay. Ấy là cái lão máy cày đùn đũn, vàng chạch của anh Bảy Sửu. (Mọi người trong xóm vẫn thường gọi vui như thế). Chà chà, chưa bao giờ anh thấy sung sướng thế. Điều khiển cái lão máy cày chắc là vui mà khỏe gấp trăm lần con Cộ nhé. Chắc là oai như được lái siêu ô tô đi dạo phố ấy. Anh nghĩ và thầm ao ước. Anh lại cười thầm trong bụng. Ừm! Tất cả cũng là nhờ sự đổi mới. Đó là cái cụm từ anh thường nghe mỗi lần đi họp thôn, họp xã. Cái đồng chí phó chủ tịch xã vẫn nói thế, thì anh nghe vậy.
Loanh quanh một hồi, anh Tư như chợt nhớ ra dự định ban đầu của mình. Anh lật đật vác cuốc lên vai lại men theo cái bờ ruộng nhỏ, ra phía xa hơn. Ở đấy, đám dưa nhà anh đang mùa đơm hoa, lá xanh biếng biếc như bàn tay của các cô gái đang xòe ra vẫy vẫy. Anh lại cười một mình. Mấy năm gần đây, ở quê anh rộ lên phong trào trồng dưa hấu, phải nói là nhà nhà trồng dưa, người người trồng dưa. Anh Tư cũng theo đó mà đầu tư vào mấy sào. Bao nhiêu là vất vả, nhiều lúc tưởng chừng như phải bỏ cuộc vì “được giá thì mất mùa mà được mùa thì mất giá”. Ông trời cũng thương cho bà con nên nhìn chung sau mấy vụ, thấy cũng khấm khá. Con Bé lớn nhà anh, nhờ vụ dưa trước được mùa, được giá đã có cái xe máy mà đi học dưới tỉnh. Nó mừng quýnh, rơm rớm nước mắt. Cứ ôm ba nó mà hôn ríu rít mặc cho mồ hôi, mồ kê từ người anh đổ ra mặn chát, hôi òm. Bởi từ nay, nó sẽ nhường cái xe đạp cọc cạch cho thằng em còn đang theo học dưới thị trấn. Mãi nghĩ, anh đã đến ruộng dưa lúc nào không hay. Chà chà, vụ này dưa tốt khiếp, lá um sùm thế này, chắc là quả cũng to lắm đây! Anh Tư mân mê từng chiếc lá, tỉ mẫn dòm từng gốc, từng ngọn xem có con sâu nào không, anh thì thầm trò chuyện như đang nói chuyện với đứa con gái nhỏ ở nhà. Nhắc đến nó, anh mới nhớ, chiều hôm qua, nó vít cổ ba mà bảo :
- Kì này ba nhớ đi họp phụ huynh cho con nha. Con được học sinh giỏi đấy!
Anh cười:
-         Ừ. Ba sẽ đi. Mà con có muốn ba thưởng gì không?
Đôi mắt con bé sáng rực, nhưng rồi nó lại lí nhi:
-         Thôi ba ạ! Nhà mình nghèo, con được thế này là tốt lắm rồi. Ba không cần thưởng cho con đâu ạ.
Tội nghiệp nó. Nhỏ tí thế mà đã biết nghĩ cho ba, cho mẹ rồi. Có lẽ nó là đứa có hiếu nhất nhà. Những khi đi làm về mệt, chỉ cần nhìn thấy nó tíu tít ôm đầu, ôm cổ, lấy nón, lấy mũ, quạt quạt cho là anh thấy bao nhiêu mệt mỏi tan biến hết. Anh cũng biết nó muốn có một chiếc xe đạp để đi học như bao bạn bè khác. Chứ trời nắng nóng thế này, mà cứ đi bộ gần hai cây số đến trường thì thật tội nghiệp. Ấy vậy nhưng chưa bao giờ nó vòi vĩnh anh điều gì cả. Thiệt tình thương hết sức. Anh tự hứa: vụ này mà bán dưa sẽ sắm cho nó cái xe đạp.
Mãi nghĩ, anh Tư chẳng biết ông mặt trời đã lặn mất từ bao giờ. Phía xa chân trời chỉ còn lại một vài ngấn đỏ, kéo ra xa xa rồi chui vào bức chăn mây. Ráng chiều đỏ lựng, xa xa chỉ còn lại thấp thoáng vài cánh chim chiều lửng thửng như chưa muốn bay về tổ. Anh nhìn những hàng dưa trải dài ra trước mặt, xa tít đến tận phía đường chân trời. Chợt thấy mình đang ngồi trên chiếc máy cày, ù ù chạy trên những thửa ruộng phẳng lì, thênh thang đang vào vụ.
                                    Huỳnh Thị Hồng Vy – Trường THCS Nguyễn Hiền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét