Một ngày dệt bóng dáng hồng
Trăm năm trang sử ươm mầm nắng xuân.
Chị em tôi tỏa nắng vàng lịch sử
Nắng cho đời nên nắng cũng cho thơ.
Cảm ơn lời
thơ Huy Cận đã nói hộ lòng chúng tôi về vẻ đẹp của chính “chị em
mình” trong xã hội hiện đại. Tôi đã tìm thấy vẻ đẹp ấy tỏa hương
trên chính vùng quê Phú Ninh, nơi vườn ươm của sự nghiệp trồng người
mang tên THCS Lê Qúy Đôn. Và cô Hiệu trưởng của trường – Nguyễn Thị
Thúy Vi – chính là nhân vật trung tâm gợi biết bao cảm hứng dạt dào để
tôi nên viết tác phẩm nhỏ về “Gương
tốt nhà trường, gương sáng nhà giáo”!
Cứ nghĩ đến câu nói
đùa: “Ở Phú Ninh có trường Hai Bà
Trưng”, tôi thầm cười. Trường tôi mang tên THCS Lê Quý Đôn nhưng chỉ
vì có hai cô làm cán bộ quản lý đấy mà! Lẽ nào lại có “Hai Bà Trưng” của trận chiến chinh
phục tri thức trong sự nghiệp trồng người trên vùng đất Phú Ninh quê
tôi?. Phải chăng một trong “hai bà” chính
là cô Nguyễn Thị Thúy Vi - Hiệu trưởng của trường?
Tôi có duyên biết về cô cách đây mười mấy năm khi cùng cô công
tác ở trường cũ – THCS Nguyễn Văn Trỗi. Tôi còn nhớ rất rõ, từ Trà
My, cô trở về quê chồng - Phú Ninh - sau bốn năm lặn lội lên tận vùng
núi cao đem cái chữ cho đàn em nhỏ. Là người con gái của vùng đất Tam
Xuân, về làm dâu, nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai thân thiết,
gần gũi. Để rồi cô tận tình với công việc dạy ở ngôi trường mới với
sự an tâm được về gần gia đình chăm sóc hai con nhỏ. Kiến thức môn
vật Lý vốn khô khan nhưng những tiết dạy của cô vẫn không thiếu bầu
không khí nhân văn. Nhiều học sinh kính yêu cô còn bởi năng lực chuyên
môn vững vàng, phương pháp truyền đạt dễ đi vào tâm hồn, trí tuệ trẻ
thơ.
Nhiều
lúc tôi tự hỏi: “Có cô Hiệu trưởng
nào lại trông trẻ xinh như cô Thúy Vi không nhỉ?” Tôi rất thích
ngắm nhìn gương mặt tròn trịa, làn da trắng trẻo, đôi mắt sáng dưới
hàng lông mày đen, cong mềm mại luôn tỏa ánh nhìn ấm áp. Giọng nói
cô luôn nhỏ nhẹ, lời lẽ mộc mạc tạo nên cảm giác gần gũi, thân
thiện đến lạ kì! Nhìn cái dáng vẻ ấy, có lẽ không ai nghĩ rằng cô
là một người mẹ đã có hai con đang tuổi ăn học cấp 2,3. Tôi biết, cô cũng
rất vất vả khi phải chăm lo cho bữa ăn hằng ngày và việc học hành
của con cái. Nhiều lần tổ tôi mời cô dự tiệc vui nhỏ cuối học kì, cô khéo léo
từ chối. Và ai cũng biết cô phải vội về lo bữa trưa cho gia đình và đón đưa con
đi học. Nhìn cái dáng vội vã của cô gữa trưa nắng tôi thầm nghĩ: “Dù đã là hiệu trưởng, cô có khác gì mình đâu
- vẫn như con cò vất vả sớm hôm trong tổ
ấm gia đình thân thương là thế!”. Vậy đó, cô đã vượt qua những khó khăn trong
trách nhiệm lặng thầm của những thiên chức ở một người phụ nữ để
làm người chỉ huy giỏi nơi học đường.
Và chính tôi cũng từng
ngỡ ngàng khi biết cô giáo trẻ mới chỉ có chưa đến 10 năm trong nghề lại
được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng. Và rồi qua lời trò chuyện với một số
thầy cô ở nơi trường mới - THCS Nguyễn
Bỉnh Khiêm- tỏ ý thán phục, yêu mến tôi mới dần hiểu ra. Cô Phó Hiệu trưởng
trẻ dịu dàng, cần mẫn, chu đáo đã làm tốt bổn phận “nàng dâu trăm họ”. Bốn năm so với
các bậc tiền bối có là bao nhưng cô đã chứng tỏ uy tín về năng lực,
phẩm chất để rồi cô tiếp tục chặng đường khởi sự gian nan ở các lớp
Chất lượng cao - tại trường THCS Nguyễn Hiền. Giờ đây, cô đã là Hiệu
trưởng và cũng là Bí thư chi bộ nhà trường ở ngôi trường mới mang
tên THCS Lê Quý Đôn.
Tôi vốn thích ngắm nhìn
cô trong những bộ áo dài tha thước và càng thích hơn bởi vẻ bình dị, khiêm tốn
trong lời nói khi cô đứng trước hội đồng sư phạm: “Được làm việc với đội ngũ thầy cô là những con chim đầu đàn
trong ngành nơi trường điểm của
huyện là niềm vinh dự đối với tôi. Tôi muốn được lắng nghe những ý
kiến hay và trân trọng tất cả sự cống hiến của các thầy cô”. Và cô
đã chứng tỏ điều đó bằng phong cách “quần
chúng, dân chủ, nêu gương” học tập từ gương Bác vốn đã thấm nhuần
trong lời ăn, tiếng nói, cách ứng xử. Mọi việc lớn nhỏ đều được cô
đưa ra công khai lấy ý kiến của tập thể. Nhờ vậy tập thể nhà trường
luôn có sự đoàn kết, nhất trí cao. Và có lẽ trái tim ấm áp của
một người nữ cán bộ quản lý trẻ đã làm dâu, làm mẹ, làm vợ luôn
thấu hiểu “mỗi nhà mỗi cảnh” nên
đã có sự phối kết hợp với Phó Hiệu trưởng cũng là “Bà Trưng thứ hai” khi phân công công
tác giảng dạy chính khóa, nâng cao, bồi dưỡng hợp tình, hợp lý. Là
một giáo viên dạy Văn, chính tôi cũng thật sự cảm động khi cô dự giờ góp ý cặn
kẽ chân tình và có hay nữa chứ! Tôi biết cô rất quan tâm đến công tác chuyên
môn, nâng cao chất lượng giáo dục của trường ấy mà! Trường tôi luôn rộn ràng
không khí giảng dạy tích cực là bởi linh hồn của cô Hiệu trưởng có tư tưởng đổi
mới đấy thôi.
Điều mà ai cũng quý mến ở cô là sự nhiệt tình,
tận tụy với công việc. Có hôm, ở lại trường vào buổi trưa mà cô vẫn
không nghỉ ngơi được vì còn phải lo nhiều công việc, hồ sơ, sổ sách.
Thậm chí cô còn phải mang việc trường về làm vào ban đêm cho kịp hoàn
thành. Việc sắp xếp lịch để mời và tiếp đón
phụ huynh cũng được cô quan tâm và thực hiện bằng cả tấm lòng, sự
hòa đồng, gần gũi. Tuy bận rất nhiều việc nhưng cô không quên dành
thời gian dự giờ sinh hoạt chào cờ đầu tuần cũng như quan tâm sâu sát
đến các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp. Những lời
tâm tình nhỏ nhẹ nhắc nhở về an toàn giao thông, giữ vệ sinh môi
trường, tiết kiệm điện nước…của cô hiệu trưởng luôn chu đáo đã là nguồn
động viên lớn để các em học sinh thi đua học tập, rèn luyện và làm
theo gương Bác.
Và riêng tôi thì ấn
tượng nhất về cô bởi phong thái, cách ứng xử của người làm quản lý.
Tôi còn nhớ, có một lần họp hội đồng sư phạm nhà trường về vấn đề
thi đua, có nhiều ý kiến bàn luận, tranh cải đến mức căng thẳng. Tôi
cảm thấy rất lo ngại cho cô khi phải giải quyết vấn đề vô cùng nan
giải. Nhưng rồi, tất cả trở nên nhẹ nhỏm, sáng tỏ bởi tình và lý
hòa quyện khi cô luôn bình tĩnh, ôn tồn, nhã nhặn, mềm dẻo nhưng cũng
rất cương quyết. Quả là một phong cách Hiệu trưởng trẻ mà tôi hiếm thấy!
Cơ ngơi của ngôi
trường mới còn ở chặng đầu xây dựng. Dường như cô đã hình dung hết
được những khó khăn về mọi mặt và kịp thời tranh thủ được sự quan
tâm, ưu ái của các cấp lãnh đạo về vật chất lẫn tinh thần. Nhờ
vậy, sân trường còn dang dở những mảng sân bê tông đã mang màu xanh
của cây lá. Niềm vui hân hoan của em thơ khi ngày ngày đến lớp, giải nhất
toàn đoàn trong các kỳ thi cấp huyện và cấp tỉnh, các giải quốc gia
đã ghi dấu hình ảnh ngôi trường mang màu sắc của sự trẻ trung, năng
động, nhiệt huyết nhờ người chỉ huy dám nghĩ, dám làm.
Có lẽ vì vậy mà
trong lòng tôi, cô là người tôi nghĩ đến đầu tiên khi viết về gương
sáng nhà trường. Khi tôi nói ý định và tỏ ý xin phép thì nhiều lần
đều bị cô nhất quyết từ chối. Cô mỉm cười, một nụ cười thật tươi, thật
hiền và giọng tâm tình: “Em cảm ơn chị
rất nhiều đó. Thiệt tình em tự thấy mình chưa đóng góp được gì. Em muốn
chị viết về các thầy cô trường mình đi…”. Thế rồi, cô nêu ra tên của
nhiều thầy cô … Cô nêu nhiều đến nổi tôi không nhớ hết. “Các thầy cô trường mình đều là những tấm gương đáng được ngợi ca
đó chị à. Điều em muốn ai cũng biết đến là học sinh trường mình
nhiều em rất xuất sắc và các thầy cô trường mình ai cũng có tài,
có tâm”. Cô luôn nghĩ vậy mà. Biết làm sao? Phải vất vả lắm tôi mới
tìm hiểu thêm một số thông tin về cô...
Chính lời nói tâm sự đó đã làm
tôi thêm thầm phục cô và nhớ về mấy câu thơ cô viết được đăng trong tập
san Lời ru của trường THCS Nguyễn
Văn Trỗi nhân kỉ niệm ngày 20 tháng 11 năm 2003 - cách đây mười ba năm
với những tình cảm chân thành, thắm thiết mà cô đã dành cho nghề
trong bài thơ Em là cô giáo.
Dẫu dòng sông
còn lắm thác ghềnh
Em vẫn là em
vững tay chèo cập bến
Ôi mái trường
yêu muôn ngàn thương mến
Cô giáo là em
- thầm lặng những chuyến đò.
Đã bao nhiêu chuyến
đò và giờ đây sẽ là bao nhiêu chuyến thuyền vượt qua giông tố? Những
câu thơ tâm tình xúc động ấy đã thầm lặng tự họa nên chân dung lặng
lẽ của người nữ kĩ sư tâm hồn của ngày hôm qua, hôm nay và ngày mai nữa.
Khó có thể dùng ngôn từ để viết hết về cô Hiệu trưởng. Hình
ảnh cô có khác nào vị thủ lĩnh trẻ tài ba giàu tình yêu với nhiệm
vụ mà vẻ đẹp tâm hồn, phẩm chất lặng lẽ tỏa nắng ấm áp trong lòng
mọi người. Hơn mười lăm năm tận tụy với nghề của cô với 7 năm là Chiến
sĩ thi đua cơ sở, 2 bằng khen cấp Tỉnh vào năm 2012, 2015 và 5 năm liền là
Đảng viên tư cách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Không thể nói hết những
gì cô đã tận tâm cống hiến. Và phải chăng cái biệt danh “Bà Trưng” đùa mà hóa thật? Bà
Trưng ngày xưa làm nên trang sử vẻ vang. Ngày nay,“Bà Trưng” con cháu như cô đang tỏa nắng cho đời để dệt nên
những trang sử vàng trong vườn ươm trồng người trên vùng quê nông thôn
mới Phú Ninh.
Nguyễn
Thị Bích Trâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét