Thứ Ba, 15 tháng 9, 2015

322/NGƯỜI THẦY CỦA ĐẠO ĐỨC, TỰ HỌC VÀ SÁNG TẠO


 Không ít lần tôi ngồi trước máy vi tính, tâm trí luẩn quất dòng tên “Trương Vũ Thiên An”, nhưng rồi lại chẳng biết phải bắt đầu từ đâu trước những ý nghĩ, xúc cảm bộn bề. Cho tới một hôm, đi tìm gương điển hình nhà giáo ở Quảng Nam, được Sở Giáo dục và Đào tạo giới thiệu về anh,  NGƯT Trương Văn Quang,  Tổ trưởng Tổ chuyên môn Ngữ văn-Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Vâng, với một người thầy theo đúng nghĩa thầy, lại có sức cảm hóa sâu sắc đối với tâm hồn, tình cảm của trò như thầy giáo văn chương thi phú này thì làm sao có thể không chú tâm được chứ !
 Xin được bắt đầu từ bút danh “Trương Vũ Thiên An” của thầy giáo Trương Văn Quang. Một người học trò cũ (hiện đang là đồng nghiệp của thầy Quang, dạy tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm) đã viết những dòng như thế này trong một truyện có tựa đề Thầy tôi: “cuộc đời tôi, vui và buồn, thất bại và thành công…như được an bài từ một người thầy dạy văn: thầy Trương Vũ Thiên An. Hơn hai mươi năm tuổi nghề, bao nhiêu khóa học trò đã đến và đi, vậy mà mỗi khi nhớ lại những giờ văn của ba mươi năm trước, bây giờ cũng như bao giờ, lòng cứ mênh mang như sách vở.”.
Ba mươi năm trước, thầy giáo Trương Văn Quang rời giảng đường đại học về với một ngôi trường nghèo của một huyện miền núi tỉnh Quảng Nam. Đạp xe trên những đoạn đường lổn nhổn đá cục, ổ gà, tâm hồn đầy mộng mơ của thầy giáo trẻ vẫn nhận ra những nếp nhà tranh buồn như cổ tích, ẩn hiện giữa ruộng đồng, đồi núi. Thế cho nên, khi đứng trước ngôi trường mái ngói cấp 3 mái ngói rêu phong, khai sinh từ thời kháng chiến, thầy thấy nó bệ vệ, uy nghi hơn hẳn. Chính ngôi trường cấp 3 Quế Sơn (nay là trường THPT Quế Sơn) đã lưu đậm dấu ấn những bài giảng đầu đời còn vẹn nguyện chất lửa say mê của anh.
Nhiều đồng nghiệp cho rằng, dường như Trương Văn Quang sinh ra thì tố chất của một vị thầy văn chương đã có sẵn trong máu thịt. Với phong cách ung dung, tự tin, giọng nói trầm ấm và ánh nhìn trầm tư, thăm thẳm, đã đủ để thầy có thể thu hút sự tập trung của lũ học trò vốn được gọi là “nhất quỷ nhì ma”. Nhưng khi bài giảng đã bắt đầu thì đúng là văn ra văn, thơ đích thị là thơ thật. Những bài giảng văn của thầy giáo Quang vượt thoát ra khỏi khuôn khổ hạn hẹp của sách giáo khoa hay tài liệu giáo học pháp. Những trang sách, tác phẩm văn học kinh điển thế giới mà thầy mua bằng sự dành dụm những đồng lương tháng ít ỏi của mình ngày ấy đã mở ra cho học sinh vùng quê nghèo của mình những chân trời khát vọng. Thầy giáo Ngô Tấn Ái, người học trò lớp đầu tiên của NGƯT Trương Văn Quang còn nhớ vẹn nguyên cảm giác của những ngày ấy:
“Sách, niềm hân hoan đầu tiên là sách. Đứa trẻ nghiện sách là tôi cứ như trong mơ lạc vào thế giới kì bí xây bằng sách. Ngày ấy giá mỗi bộ sách như Đất vỡ hoang (M.Solokhov ), Bà Bô-va-ry (G.Flaubert) hay Nhà thờ Đức Bà (V.Hugo) giá bằng hai tháng lương của thầy. Lên lớp, thầy dỗ dành lũ tôi: thầy có sách mới, hay lắm, đọc đi!”, và rồi anh đã thốt lên đầy niềm biết ơn chân thành, thiêng liêng: “ Để mở ra cho chúng tôi những chân trời mới, thầy đã âm thầm đóng lại những cửa nhỏ đời mình”…
Những cánh cửa nhỏ của đời mình-sự ví von khá lý thú này về sự hi sinh thầm lặng của thầy giáo Trương Văn Quang làm tôi nhớ tới việc không biết bao lần thầy đã từ chối những lời gọi mời hấp dẫn hơn ở chốn phồn hoa đô thị hay là ở một vị trí mà nhiều người mơ ước. 31 năm công tác, thầy có 27 năm đứng trên bục giảng, hầu hết là những ngôi trường vùng quê Quảng Nam. Một chàng trai xứ Huế lại chọn Quảng Nam là quê hương thứ hai của mình chỉ vì một lẽ là quá yêu thương, gắn bó với trò quê lam lũ, ham học-nghe tưởng như là đơn giản. Nhưng đó lại là sự thật, bởi chính tình yêu thương đã thắp lên trong thầy ngọn lửa nhiệt thành trong từng bài giảng, làm nảy sinh những sáng kiến mới mẻ, dẫn dắt các em đi từ say mê khám phá này đến say mê khám phá khác.
Một học trò cũ khi nhớ lại những bài giảng như thế của thầy đã tâm sự :”Lũ học trò cứ thế ngẩn ngơ theo lời thầy, tìm một đáp án trong đa dạng đáp án. Mặt sáng rỡ sau mỗi giờ văn nghe thầy phê tặng: Đáp án tối ưu!. Cứ thế, từng trang sách mở ra, từng đáp án mở ra, từng cuộc đời mở ra. Những năm trung học khép lại bằng thành quả ngọt ngào: Hơn nửa lớp đỗ vào đại học. Năm 1986 ở một vùng quê trung du - một kì tích làm dậy cả một vùng huyện nhỏ”. Trong bài thơ “Cuối cùng của đầu tiên” độc thoại về nghề, người thầy giáo thi sĩ Trương Vũ Thiên An đã viết: “Trên tấm bảng đời em tôi đã viết bài giảng đầu tiên/ Bài giảng cuối cùng là gì tôi chưa thể biết/Tôi là người của bao la xanh biếc/ Nhưng người học trò – em là ai?”. Trong quan niệm của người kỹ sư tâm hồn, thì mỗi học sinh là một thế giới phong phú, đa chiều mà người thầy không có điểm dừng chuyển tải tri thức. Cảm động thay khi đọc những dòng thầy Quang tự họa chân dung mình ở đầu một tập sách: “32 năm dạy học là 32 năm tự học, được là thầy của chính mình; không bao giờ bằng lòng với những gì mình đã nghĩ, đã dạy; luôn cố gắng đi tìm một cách đối thoại đơn giản, dễ hiểu để giúp học trò dễ nhớ và nhớ lâu”…Thầy Quang quan niệm, thất bại nhất của người thầy là làm cho học trò mệt mỏi và buồn nản trước dung lượng kiến thức trong mỗi tiết học. Bằng tố chất của nhà sư phạm pha trộn nghệ sỹ, thầy luôn đem vào trong từng bài giảng hơi thở mới, chất liệu mới của hiện thực cuộc sống. Ở Quảng Nam, nói tới nhà thơ Trương Vũ Thiên An thì không ai không biết vì thầy là Hội viên Hội VHNT của tỉnh với nhiều tác phẩm thơ, truyện ngắn, phê bình văn học, tiêu biểu là tập “Gác chân lên cô đơn” (được Giải thưởng Đất Quảng năm 2013). Nhưng có lẽ còn ít người biết đến thầy còn là tác giả của 6 đầu sách tham khảo về dạy Ngữ văn ở các khối lớp Trung học phổ thông do NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành.
Người gieo trồng cần mẫn như con ong làm mật say mê ắt có ngày bội thu. Những danh hiệu Chiến sĩ thi đua, phần thưởng cao quý các cấp, đặc biệt là danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2014 do Chủ tịch nước phong tặng là nguồn cổ vũ động viên lớn lao với NGƯT Trần Văn Quang. Nhưng vào năm học 2013-2014, khi thầy Quang được Bộ GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam mời tham dự Lễ tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu giai đoạn 2008-2013 nhằm “biểu dương, tôn vinh những nhà giáo có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động tạo khí thế mới trong triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương VIII khóa XI về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam”, sau buổi được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp mặt tại Phủ Chủ tịch, trở về với ngôi trường thân thuộc nơi quê hương yêu dấu, anh cho rằng, phần thưởng cao quý nhất cho những nỗ lực của mình chính là những giải thưởng học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia hàng năm, là khi được làm đồng nghiệp của chính những học trò thầy đã dạy dỗ ngày nào.
Còn rất nhiều điều mà trong phạm vi trang viết không thể nào tải hết. Xin mượn cụm từ “đạo đức, tự học và sáng tạo” (từ Cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” của ngành Giáo dục và Đào tạo) để khái quát về những phẩm chất của Nhà giáo Ưu tú Trương Văn Quang. Sức sống của sự đam mê nghề nghiệp, đam mê văn chương cũng như tình yêu nghề, yêu người của người tổ trưởng chuyên môn đã lan tỏa tới các đồng nghiệp, để rồi cụm từ “đổi mới phương pháp dạy học” không hề xa lạ, không những thế, còn thường trực trong mỗi giờ lên lớp ở Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Học sinh chuyên văn của Trường cũng thực sự là những cá thể sáng tạo, sớm đưa trang sách ra cuộc đời để góp phần làm đẹp thêm cho xã hội.
Trương Văn Quang: Bút danh: Trương Vũ Thiên An (Hội viên Hội VHNT Quảng Nam). Giải thưởng, danh hiệu: Nhà giáo ưu tú; Giải ba bình văn do Tạp chí Kiến thức Ngày nay tổ chức (1996), Giải tư truyện ngắn do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ GDDT tổ chức (2006), Giải nhất thơ, truyện do Sở GD&ĐT Quảng Nam tổ chức (2011), Giải B Tặng thưởng Văn học nghệ thuật Quảng Nam (2013)
Uyên Phương (Nguyễn Thị Thúy Hồng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét