Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

243/ Giáo viên giỏi có thật giỏi?


(GD&TĐ) - Vấn đề đổi mới phương pháp dạy học luôn được các nhà trường quan tâm, và ai cũng biết yếu tố quyết định việc đổi mới chính là người thầy giáo. Tuy nhiên, một vấn đề còn ít người bàn đến, được coi như là động lực của đổi mới phương pháp, đó là việc đánh giá giáo viên giỏi hiện còn lộ rõ khá nhiều bất cập

         Nguyên nhân của những bất cập?
      Ở vào khoảng những năm cuối của thập niên 80 đến những năm đầu của thập niên 90, phong trào thi đua để đạt giáo viên giỏi khá sôi nổi. Danh hiệu giáo viên dạy giỏi thời bấy giờ thật sự có giá trị trong nhà trường và là động lực phấn đấu nâng cao tay nghề của các thầy cô giáo, nhằm củng cố uy tín đối với học sinh và phụ huynh. Nguyên nhân nào dẫn đến thời điểm tiếp theo đó (khoảng từ 1994 trở đi), phong trào giáo viên giỏi chìm xuống và càng ngày càng có những biểu hiện thiếu thực chất, đối phó?




          Trước hết, đó là sự chi phối của đời sống kinh tế xã hội ở thời kinh tế thị trường phát triển nhanh, mạnh. Vào thời điểm này, có nhiều giáo viên đã không sống nổi bằng lương tháng, chuyển qua tìm nghề khác để sinh nhai. Những giáo viên trụ đứng trên bục giảng dù còn yêu nghề cũng không mấy yên tâm phấn đấu khi xã hội đã không còn coi trọng nghề dạy học như trước.
        Cô P.T.T.L, giáo viên dạy văn THCS ở thị xã Tam Kỳ, Quảng Nam tâm sự: “ Những năm ấy chúng tôi khá chật vật khi vận động giáo viên đăng ký danh hiệu thi đua. Đời sống kinh tế khó khăn. Ngoài giờ dạy trên lớp, GV về nhà lo làm kinh tế gia đình, thời gian để đầu tư cho chuyên môn ít. Những GV có tâm huyết và năng lực thật sự chỉ thật sự mong muốn danh hiệu thi đua khi bản thân có điều kiện để phấn đấu”. Chính vì ít người đăng ký danh hiệu GV dạy giỏi nên phần đông GV đã đăng ký là đạt. Danh hiệu giáo viên giỏi từ đó cũng bớt đi giá trị vốn có..
Từ nguyên nhân kể trên lại kéo theo một hệ quả: Sự đánh đồng trắng đen lẫn lộn giữa GV đạt danh hiệu không thực chất với GV giỏi thực chất đã kéo phong trào đi xuống. Nhiều trường phải dùng đến biện pháp buộc GV đăng ký danh hiệu GV giỏi cho đủ chỉ tiêu. Và khi đã ép buộc thì sự đánh giá có phần lơi lỏng, dễ dãi chỉ để cho có mà thôi. Một khi các tiêu chí để đánh giá không rõ ràng mạch lạc, chỉ qua một vài tiết dạy, các GV thấy danh hiệu GV giỏi không mấy khó khăn, thế là phong trào đăng ký (chứ không phải thi đua) lại rộ lên trở lại. Sự lúng túng trong tổ chức phong trào và đánh giá GV giỏi của đội ngũ lãnh đạo, CBQL các cấp cũng bắt đầu từ những khúc mắc kể trên. Năm 2003, tại TP Nha Trang, khi chúng hỏi về tỉ lệ GV giỏi của một trường THPT, một GV đã thẳng thắn nói: “ Tỉ lệ thì có mà thực chất thì không chắc chắn. Nhiều người do chỗ thân cận với Ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn, chỉ cần làm hồ sơ đăng ký là thế nào cũng đạt”. Năm 2007, chúng tôi lại nhận được đơn khiếu nại của một số GV dạy THPT ở Hải Lăng Quảng Trị về vụ việc khá hi hữu: Chạy chọt để được danh hiệu GV giỏi, mua bằng khen GV giỏi (?).

       Đánh giá GV giỏi- làm thế nào để đảm bảo thực chất?  
       Để chi tiết hoá vấn đề này, cần có một định nghĩa sát đúng thế nào là một GV giỏi. Cũng cần phân biệt giữa danh hiệu GV giỏi với GV dạy giỏi. Khái niệm GV giỏi mang ý nghĩa toàn diện: Là GV có phẩm chất đạo đức tốt, lập trường tư tưởng vững vàng hết lòng thương yêu học sinh; có kiến thức và tay nghề cao; có ý thức học hỏi và sáng tạo, không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy để đạt hiệu quả cao nhất; tạo được uy tín trong đồng nghiệp và học sinh. Còn GV dạy giỏi chỉ cần có nhiều sáng kiến trong đổi mới phương pháp dạy học. Những tiêu chí mà Bộ GD&ĐT đã đưa ra để các trường làm căn cứ đánh giá GV giỏi khá cụ thể, tuy nhiên, một số nơi đã không phân biệt rõ 2 khái niệm nói trên, không nghiên cứu kỹ văn bản nên thực hiện kém hiệu quả.
Để đạt danh hiệu GV giỏi theo đúng tiêu chí của Bộ GD&ĐT hẳn là không dễ dàng. Tuy nhiên, do những nguyên nhân nêu trên và nhất là bệnh thành tích, trong nhiều năm trước đây và kể cả hiện tại, việc đánh giá GV giỏi lộ rõ những bất cập: Chưa khơi đậy được phong trào một cách sâu rộng; Thiếu phương pháp đánh giá cho hiệu quả. Để khắc phục thực trạng này, rất cần những yếu tố sau đây:
       Tạo “chất xúc tác” cho phong trào. Đó là sự quan tâm đúng mức của Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, Chủ tịch công đoàn trường trong suốt năm học khi tổ chức thi GV giỏi. Tại Hội thảo về đổi mới phương pháp dạy học ở các trường phổ thông do Bộ GD&ĐT tổ chức , Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ( khi ấy đang kiêm chức Bộ trưởng) đã đưa ra ý kiến có sức đánh động mạnh vào đội ngũ cán bộ quản lý: “Nếu không tạo động lực và sự hỗ trợ cần thiết cho GV thì dù có phát động nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động cũng không thể thay đổi được cách dạy và học cũ... Phải cụ thể hoá khái niệm “dạy tốt” và xem lại việc công nhận GV dạy giỏi như hiện nay...”. Tình trạng “đầu voi đuôi chuột” trong xây dựng phong trào GV giỏi còn khá phổ biến ở các trường:  Đầu năm đầy phấn khích khi phát động, đến cuối học kỳ, cuối năm, do nhiều hoạt động chồng chéo, thiếu sự sắp xếp khoa học dẫn đến khoán trắng cho tổ chuyên môn; lãnh đạo chỉ phân người đi dự giờ một tiết dạy gọi là cho có . Kết quả đánh giá theo cảm tính, kiểu “ nhìn mặt đặt tên”.
       Nhìn nhận được sức bật nội tại của những GV có phẩm chất và năng lực, động viên những GV này làm nòng cốt của phong trào; đồng thời khuyến khích sự sáng tạo trong quá trình dạy và học, đó là cách tốt nhất để tạo nguồn GV giỏi.
Để làm được điều này, lãnh đạo phải là người có năng lực chuyên môn vững vàng và công tâm. Vẫn còn tồn tại một số Hiệu trưởng do non yếu về chuyên môn, nặng về hành chính sự vụ nên “ngại” những GV có tay nghề, có kinh nghiệm và luôn “ giữ tay thước” một cách chừng mực. Hiệu trưởng, hiệu phó cần trực tiếp vào cuộc khi làm các cuộc thăm dò, lấy ý kiến nhận xét về GV từ HS, từ đồng  nghiệp bằng nhiều hình thức. Khi đã có một danh sách chính thức đội ngũ GV giỏi, cũng cần nắm bắt được hoàn cảnh, cá tính, tâm tư nguyện vọng của họ. Ngay cả những hiệu trưởng không non yếu về chuyên môn, nhưng điều hành nặng về cảm tính, hay thiên vị những GV “bảo sao làm vậy” cũng khó có cái nhìn và lối hành xử công tâm. Hiện tượng này đã từng xảy ra tại một Trường THCS có tên tuổi ở TP Đà Nẵng. vào thời điểm năm học 2004-2005. Hiệu trưởng là nữ vừa về trường mới không sâu sát đã phân công một số GV không giỏi thực chất làm chủ nhiệm và dạy ở lớp chọn chất lượng cao. Điều này dẫn đến làm mất niềm tin trong phụ huynh khi nhìn nhận về GV dạy giỏi.
        Đánh giá GV giỏi cũng không thể chỉ dừng ở những nhận xét từ bên ngoài mà qua quá trình dự giờ, thao giảng theo chuyên đề. Đa số các trường phổ thông hiện nay vẫn tồn tại kiểu dự giờ có báo trước, sắp đặt trước cả tuần  lễ vì kiểu dự giờ đột xuất thường hay bị GV phản đối. Một số GV khi dạy bình thường thì ít đầu tư, còn khi có người dự giờ lại chuẩn bị khá kỹ càng để đối phó, thậm chí có người còn thuê “đạo diễn” và học thuộc cả “ kịch bản lên lớp”. Vì vậy, khi tổ chức thi GV giỏi qua tiết dạy, nên cho bốc thăm bài dạy trước đó chỉ một ngày, sẽ biết tương đối chính xác kết quả. Cũng không chỉ qua một tiết dạy mà qua một số tiết dạy đặc thù diễn ra trong suốt năm học để mà đánh giá. Việc khen thưởng thích đáng cho GV đạt danh hiệu thi đua GV giỏi là hết sức quan trọng, nhưng đây lại là vấn đề còn hạn chế, gây bức xúc từ nhiều năm. Chẳng hạn, mức thưởng cho GV đạt danh hiệu GV giỏi tỉnh ở nhiều tỉnh, thành thường chỉ từ 150- 200.000 đồng, thấp hơn cả mức thưởng cho một HS giỏi cấp trường vào cuối năm học. Điều này càng chứng tỏ danh hiệu GV giỏi còn bị xem nhẹ.
        Hi vọng những hướng dẫn sắp tới đây của Bộ GD&ĐT về đổi mới PP dạy học sẽ giúp các trường có biện pháp tổ chức tốt hơn phong trào GV giỏi và trả cho GV giỏi một vị trí tương xứng với những cống hiến của họ.
Nguyễn Thị Thuý Hồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét