Nguyễn Tấn Ái
Hôm
qua trong một câu chuyện phiếm, tôi chợt nhớ lại có một người bạn đã lâu rồi
không gặp, từ độ hai mươi trẻ trung sung sức, buồn vui một thời, rồi dòng đời
đánh dạt chúng tôi mỗi người một ngả, giờ bạn ở đâu?
Thật buồn! Dường như con người sinh ra để làm một cuộc
chia tay, thầm lặng, rơi rớt, đánh mất! Nhìn lại đã thấm thoắt quá rồi, xa xôi
quá rồi, mất nhau nhiều rồi.
Mất mát ấy thật đau xót cho ai đó biết quý trọng ngày
tháng đời mình. Một lần, chia tay cô gái vườn ổi, da diết, nhà thơ Quang Dũng
nhắn nhủ:
Em mãi là hai mươi tuổi
Ta mãi là mùa xanh xưa
Giữ trọn tình người cho đẹp.
Con người là tinh tú của đất. Khi hà sinh khí cho con
người trở thành một loài sanh linh, Thượng Đế phán: Điều đó là tốt lành! Và,
phần tinh túy nhất trong chuỗi tháng ngày ở trọ trần gian của con người chính
là tuổi hai mươi. Tôi hiểu thi nhân của chúng ta trong tứ thơ nhói lòng ấy
không chỉ nói về hai mươi tuổi, mà là tuổi hai mươi.
Tuổi
hai mươi hồn nhiên trong sáng, tuổi giàu khát vọng, nhất là giàu niềm tin yêu
vào cuộc sống. Nơi ấy mùa thu thật xanh, bông hoa thật thắm, mắt nhìn thật
trong. Nơi ấy như một đại đàng chưa có loài rắn độc, chưa có những mưu mô và
toan lo phiền muộn. Nơi con người có thể tựa lưng nhau mà ngủ giấc ngon lành!
Nơi sẽ trở thành hoài vọng và khao khát cho một kiếp lữ hành khi bụi đời đã
nhuốm, khi những mưu toan thành lằn ranh chiến tuyến giữa người với người.
Làm sao nói hết vẻ đẹp tuổi hai mươi? Song có
thể nhận biết rằng: Làm nên vẻ đẹp tuổi hai mươi hẳn là tình người.Có cái tình,
tuổi người đẹp lắm! Một đặc ân của tạo hóa là cho con người biết ưu tiên trồng
cây tình người vào vườn tuổi trẻ của mình để làm tín dụng trong đời. Nhưng rồi,
một đau đớn là đa số con người vì nhiều lí do “chính đáng” đã nhổ bỏ dần mành
vườn nguyên sinh thuần khiết ấy để trồng tỉa nhiều dị chủng, mà đa phần là gai
độc. Và, như thế, tuổi hai mươi với mỗi người là cánh hạt vàng một đi không trở
lại. Và như thế, bao nhiêu nghệ sĩ, triết gia đã khóc hoài cho một dòng sông đã
xa bờ!
Chao,
tuổi hồng! Có cái gì gần gụi giữa tuổi hồng và nét hồng hào xuân sắc, hồng hào
dòng máu con tim, hồng hào tâm linh không nhỉ? Chỉ biết rằng thiếu đi nét hồng
ấy, tuổi hai mươi già đi như một cụ già, lụm cụm, xấu xí, mõi mệt. Thiếu nét
hồng ấy, nàng Bạch Tuyết biến thành mụ phù thủy nanh ác cau có vì ganh ghét.
Thiếu
sắc hồng của tình người, nào còn có nghĩa lý gì nữa để nhận diện tuổi hai mươi?
Một
lần rẽ về lối cũ, xao xuyến nhận ra tuổi hai mươi vẫn đằm thắm, chao ôi hạnh
phúc nào bằng! Và có lẽ thon thót lo sợ một ngày nó sẽ mất đi, nhà thơ Quang
Dũng nhắn nhủ: Giữ trọn tình người cho đẹp!
Ừ,
năm tháng dầu qua, đời người dù khác, ước gì còn mãi cái tình thì an ủi xiết
bao!
Ai
cũng có một thưở hai mươi, tôi và bạn!
Ai
đó nói rằng, nếu bạn không biết dùng tuổi trẻ để làm gì, xin hãy đổi cho tôi!
Tôi
thì không đổi chác bán mua, tôi muốn mọi người giàu lên, nhưng sẽ không hy sinh
phần vốn của mình, bởi tôi cũng muốn giữ mãi tuổi hai mươi, giữ mãi tình người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét